#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 10
Chúng ta xem trang năm mươi ba.
Trong đoạn trên đây, tự thể của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian là Pháp Tánh. Hết thảy các pháp quyết định chẳng thể lìa khỏi tự thể, hễ lìa khỏi tự thể, sẽ chẳng thể tồn tại. Vấn đề hiện tại là một đằng thuận tánh, một đằng nghịch tánh, nghĩa là: Thuận tánh là giác, nghịch tánh là mê, then chốt ở ngay chỗ này! Rốt cuộc thuận là gì? Nghịch là gì? Cũng có thể nói: Giác là gì? Mê là gì? Kinh luận thường dạy một nguyên tắc, chỉ cần quý vị nắm được nguyên tắc, vấn đề này sẽ trọn chẳng khó hiểu, mà cũng chẳng khó tu. Đức Phật thường dạy chúng ta: “Giác tâm bất động”. Nói cách khác, trong hết thảy cảnh giới, bất luận là hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, chỉ cần chúng ta chẳng động tâm bởi cảnh giới thì sẽ thuận tánh. Vì tánh là bất động, chúng ta có thể chẳng động tâm thì sẽ tương ứng với tánh. Pháp Tánh và Phật Tánh là một tánh. Một tánh, chẳng phải là hai tánh! Cái gọi là “chẳng tuân thủ tự tánh” chính là quý vị khởi tâm động niệm trong cảnh giới, khởi tâm động niệm là trái nghịch tánh. Trái nghịch tánh, nhưng vẫn chẳng lìa khỏi tánh, nên có khổ nạn. Vì lẽ đó, hết thảy khổ nạn do đâu mà có? Do chính mình chuốc lấy!
Con người chúng ta thường nói là rất khổ, rất đau khổ, nhưng đều chẳng chịu quay lại suy nghĩ. Nếu thật sự quay đầu, nỗi khổ ấy ở chỗ nào? Quý vị hãy tìm xem, khổ ở chỗ nào? Quý vị thật sự quay đầu lại tìm, chẳng tìm thấy! Tìm không thấy, có thể thấy nó là giả, chẳng thật! Hễ là thật, nhất định là phải ở một nơi nào đó. Quý vị giải phẫu từng tế bào trong toàn thân, cũng chẳng tìm thấy khổ trong đó. Khổ và lạc đều là giả, đều là chẳng thật, cớ gì phải so đo nó? Cớ gì phải khắt khe? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trái nghịch Pháp Tánh, nên là phàm phu. Trong hết thảy cảnh giới, chư Phật, Bồ Tát tuyệt đối chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, nên vĩnh viễn là thanh tịnh vô nhiễm, giống như hư không. Trong hư không, hiện ra hết thảy vạn pháp, nhưng hư không trước nay chưa hề dính mắc! Bản tánh, hoặc là Pháp Tánh như đang nói ở đây, có thể hiện hết thảy vạn pháp thế gian và xuất thế gian, nhưng hết thảy vạn pháp trọn chẳng hoen ố bản tánh, bản tánh vẫn là một mực thanh tịnh. Không chỉ chẳng bị hoen ố, mà còn chẳng bị trở ngại, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, xác thực là chẳng bị trở ngại. Hết thảy ô nhiễm và trở ngại đều do quan niệm sai lầm tạo thành, đều do cảm nhận sai lầm tạo thành, trái nghịch Pháp Tánh. Kinh này nói là “cửu giới tuy quỹ nhi vi” (chín pháp giới tuy nương theo nhưng trái nghịch [Pháp Tánh]). Không chỉ là lục đạo phàm phu, ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát cũng trái nghịch. Các Ngài trái nghịch ít vì mê cạn. Do trái nghịch ít, nên chúng ta thoạt nhìn, sẽ thấy dường như các Ngài rất tự tại. Chư Phật Như Lai hoàn toàn chẳng trái nghịch, nên đắc đại tự tại.
Tiếp theo đó là nêu tỷ dụ, tỷ dụ ấy cũng rất hay. “Như nhân y sư” (Như người nương tựa thầy), giống như học trò theo học với thầy. Sánh ví thầy như Pháp Tánh, học trò ví như chúng sanh. Nương tựa thầy, nếu có thể thuận theo sự răn dạy của thầy, đó là tùy thuận Pháp Tánh, giống như trong phần trước đã nói là “sư quỹ Pháp Tánh”. Nếu tuy theo thầy, mà chẳng nghe theo sự răn dạy của thầy, “theo thầy” là quý vị chẳng rời Pháp Tánh; tuy chẳng rời khỏi Pháp Tánh, nhưng quý vị trái nghịch Pháp Tánh. Hai người cùng theo thầy, một người nghe lời thầy, một người chẳng nghe lời thầy, hai người ấy đều gọi là học trò của thầy. Đây là nói rõ chúng sanh trong chín pháp giới thế gian và xuất thế gian, kể cả Phật pháp giới thì là mười pháp giới, tứ thánh lục phàm đều noi theo Pháp Tánh, nhưng có kẻ nương theo và tuân thuận, có kẻ chẳng tuân thuận. Nói nghiêm ngặt, chín pháp giới đều chẳng tuân thuận, thật sự tuân thuận chỉ là Phật [pháp giới]. Nếu nới lỏng tiêu chuẩn một chút để nói thì lục phàm hoàn toàn trái nghịch, tứ thánh thuận theo Pháp Tánh. Chúng ta biết ý nghĩa trái nghịch và tuân thuận là như vậy.
Tiếp đó là nói: “Tùng Sơ Phát Tâm, quỹ pháp nhi tu” (Từ Sơ Phát Tâm đã vâng theo pháp để tu), đó là nói “duy hữu chư Phật” (chỉ có chư Phật), “kim năng cứu cánh minh hợp Pháp Tánh” (nay có thể rốt ráo ngầm phù hợp Pháp Tánh). “Chỉ có chư Phật” thì Phật mà vẫn còn phải tu hành ư? Phải tu hành! Phật được nói ở đây chẳng phải là Cứu Cánh Phật, mà là Phần Chứng Phật. Từ Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên đều gọi là “chư Phật”. Nếu quý vị đọc bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, [sẽ thấy] ông ta giải thích chữ “chư Phật” là từ Sơ Trụ của Viên Giáo cho đến quả vị viên mãn rốt ráo, gồm bốn mươi hai địa vị. Bốn mươi mốt địa vị là từ [Sơ Trụ] Bồ Tát cho đến Đẳng Giác, địa vị bốn mươi hai là Phật. Bốn mươi hai địa vị ấy đều là Phật, cho nên gọi là “chư Phật”. “Chư Phật” chỉ bốn mươi hai địa vị ấy. Đến địa vị cuối cùng, chẳng phải tu nữa, chứ bốn mươi mốt địa vị trước đó đều phải tu, vì sao? Chưa viên mãn, nhưng hoàn toàn là tu thuận tánh, nên mới nói là “từ Sơ Phát Tâm”.
Sơ Trụ có tên là Phát Tâm Trụ, thật sự phát tâm tu hành là địa vị Sơ Trụ, tức Sơ Trụ trong Viên Giáo. Chúng ta đều chưa phát tâm [Bồ Đề], nhưng đã phát tâm gì? Phát tâm tham, sân, si, mạn, phải biết điều này! Nhưng chúng ta đang thuộc địa vị phàm phu, thật sự là đáng thương! Nếu phàm phu thật sự phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, vừa phát tâm, tuy công đức chẳng bằng Sơ Trụ Bồ Tát, thần thông và đạo lực cũng thua kém Sơ Trụ Bồ Tát, nhưng thưa cùng chư vị, xét theo trí huệ và nhân quả, tuyệt đối chẳng thua Sơ Trụ Bồ Tát! Sơ Trụ Bồ Tát cũng là Tín, Nguyện, Hạnh vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, chúng ta cũng là Tín, Nguyện, Hạnh vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nên nói theo cơ duyên, nhân quả, sẽ chẳng hai, chẳng khác với hàng đại Bồ Tát! Nhưng mọi người phải hiểu rõ, trong vô lượng pháp môn, chỉ có một môn này đặc biệt, những môn khác chẳng được! Xét theo các môn khác, thứ gì cũng đều chẳng bằng, chẳng thể so sánh! Tu Tịnh Độ, phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là đặc biệt, chẳng thể sánh cùng những pháp thông thường để bàn luận được!
Phải thật sự phát tâm, quyết định vãng sanh! Có thể sanh về thế giới Tây Phương [hay không], tùy thuộc cái tâm của quý vị có kiên cố hay không! Quý vị nói “tôi đã phát tâm, tôi rất mong vãng sanh”, nhưng có thể vãng sanh hay không, vẫn chưa nắm chắc. Tôi đã gặp rất nhiều người đến hỏi tôi, họ nói: “Thưa pháp sư! Tôi có thể vãng sanh Tịnh Độ hay không?” Tôi liền bảo người ấy: “Không thể! Chắc chắn là quý vị không thể!” Người ấy hỏi vì sao? Quý vị chẳng có tín tâm, vẫn còn hoài nghi, đánh dấu hỏi, làm sao có thể vãng sanh cho được? Nếu quý vị đến hỏi tôi: “Tôi quyết định phải vãng sanh, tôi chẳng vãng sanh sẽ không được, nhất định phải vãng sanh”, đến hỏi tôi [như thế], tôi nói quý vị nhất định sẽ vãng sanh, vì sao? Tâm quý vị rất kiên quyết, lẽ đâu chẳng vãng sanh? Vì thế, chớ nên hoài nghi chuyện này, hễ hoài nghi thì chính mình bị thiệt thòi to lớn. Quyền vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới do chính mình nắm giữ, chẳng do người khác thao túng. Hiểu giáo nghĩa hay không là chuyện thứ yếu, vấn đề là quý vị có tín tâm kiên định hay không? Then chốt ở chỗ này! Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, có thể vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không quyết định! Sanh về thế giới Tây Phương, phẩm vị vãng sanh cao hay thấp được quyết định bởi công phu sâu hay cạn. Công phu là gì? Phục đoạn[1] phiền não là công phu. Ngài chẳng nói niệm Phật nhiều hay ít! Niệm Phật nhiều hay ít chẳng liên quan gì hết! Mỗi ngày niệm một câu A Di Đà Phật và mỗi ngày niệm mười vạn tiếng A Di Đà Phật chẳng phải là chuyện khẩn yếu, không sao cả! Người ta niệm một tiếng A Di Đà Phật bèn hàng phục phiền não, quý vị niệm mười vạn câu A Di Đà Phật nhưng chẳng thể hàng phục phiền não thì mười vạn câu chẳng bằng người ta niệm một tiếng! Do đó, có thể chế phục phiền não hay không, có thể đoạn sạch phiền não hay không, đó là công phu. Chế phục phiền não là công phu nông cạn, đoạn trừ phiền não là công phu sâu xa. Chế phục phiền não là công phu thành phiến, đoạn trừ phiền não là nhất tâm bất loạn. Điều này quyết định phẩm vị vãng sanh Tây Phương thế giới, chớ nên không biết chuyện này.
Thật thà niệm Phật là thuận theo Pháp Tánh, chẳng thật thà niệm Phật là trái nghịch Pháp Tánh. Quý vị thấy đối với người niệm Phật chúng ta mà nói, rất nhiều giáo nghĩa rất sâu, rất khó lý giải, nhưng giảng theo Tịnh Độ thì rất dễ dàng, chẳng khó hiểu. Ngay như kinh Kim Cang là một bộ kinh điển rất sâu, tôn giả Tu Bồ Đề hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thưa hỏi hai vấn đề, một là “nên trụ như thế nào?” và điều kia là “nên hàng phục cái tâm như thế nào?”, hai vấn đề to lớn ấy. Vấn đề lớn thứ nhất là tâm phải an trụ nơi đâu? Ngài Tu Bồ Đề hướng về đức Thế Tôn nêu ra câu hỏi ấy. Ở Trung Quốc, Huệ Khả đại sư cũng hỏi Đạt Ma tổ sư câu sau đây: “Tâm con bất an, phải an cái tâm bằng cách nào? Phải an trụ nơi đâu?” Gần như rất giống với câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề. Hàng phục cái tâm như thế nào? Tâm ấy là vọng niệm; vọng niệm rất nhiều, dùng phương pháp gì để hàng phục? Một bộ kinh Kim Cang là lời giải đáp của Thích Ca Mâu Ni Phật cho ngài Tu Bồ Đề về hai vấn đề ấy.
Người Hoa niệm kinh Kim Cang rất đông, người học Phật đều từng niệm kinh Kim Cang. Sau khi đã niệm, quý vị có biết an trụ cái tâm ở đâu hay không? Quý vị có biết hàng phục vọng niệm như thế nào hay chăng? Đức Phật nói nhiều ngần ấy, chúng ta vẫn không hiểu, vẫn chẳng thể thụ dụng. Nếu là người tu Tịnh Độ thì dễ thực hiện lắm, hãy nên trụ như thế nào ư? [Trụ nơi] A Di Đà Phật, trụ nơi A Di Đà Phật là được rồi. Hàng phục cái tâm như thế nào ư? [Trụ tâm nơi] A Di Đà Phật, tâm liền bị hàng phục. Hễ vọng niệm dấy lên, ngay lập tức [niệm] A Di Đà Phật để xóa bỏ vọng niệm. Cần gì phải phiền phức dường ấy? Một câu A Di Đà Phật thảy đều giải quyết, quý vị mới biết câu A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn, vấn đề là quý vị có biết sử dụng hay không? Nếu quý vị biết dùng, sẽ cao minh hơn phương pháp trong kinh Kim Cang rất nhiều. Nói thật thà, phương pháp trong kinh Kim Cang chỉ có hàng Đại Bồ Tát kiến tánh mới dùng được, mới hữu hiệu. Đối với cùng một vấn đề, chúng ta dùng [danh hiệu] A Di Đà Phật cũng có hiệu quả giống hệt. Chúng sanh Ngũ Nghịch Thập Ác dùng phương pháp này đều có hiệu quả, đều có thể đạt tới cùng một mục tiêu giống như hàng Pháp Thân đại sĩ, thu được hiệu quả giống hệt. Do vậy mới biết pháp môn này thù thắng.
Tiếp đó, dẫn kinh Đại Thừa để giải thích Pháp Thân. “Đại kinh vân, dĩ pháp thường cố, chư Phật diệc thường. Thuận Pháp Tánh cố, danh pháp vi sư. Thật phi sở sư dữ năng thể biệt, cố tức sở sư pháp, nhi vi kỳ thân. Tuy danh vi thân, dĩ xuất Ngũ Ấm, cố phi sắc chất tâm trí” (Kinh Đại Thừa nói: “Do pháp là thường, nên chư Phật cũng là thường”. Do thuận theo Pháp Tánh, nên gọi pháp là thầy. Thật ra, chẳng phải là Thể của cái được tôn làm thầy và Thể của chủ thể [thực hiện hành động tôn đối tượng ấy làm thầy] có khác biệt. Vì lẽ đó, lấy pháp được tôn làm thầy để làm thân. Tuy gọi là thân, [thân ấy] đã thoát khỏi Ngũ Ấm, nên chẳng phải là sắc chất hay tâm trí”). Đoạn này giải thích rất hay. Phải biết: Pháp Thân là Lý Thể, Sự nhất định nương theo Lý mà có, cũng có nghĩa là hiện tượng chính là cái được biến hiện. Pháp Thân là cái Thể có thể biến [ra các hiện tượng]. Tất cả muôn pháp do đâu mà có? Nhất định là có nguồn gốc, trong Phật pháp gọi nguồn gốc ấy là Pháp Thân. Pháp Thân chẳng phải là vật chất, chẳng phải là sắc chất, mà cũng chẳng phải là tâm trí, nay chúng ta gọi “tâm trí” là “tri thức”. Pháp Thân chẳng phải là tri thức, mà cũng chẳng phải là vật chất, nhưng tâm pháp và sắc pháp thảy đều do nó biến hiện, nhưng chính nó thì thứ gì cũng chẳng phải! Do đó, nhìn từ phương diện vật chất, chẳng tìm thấy nó, nhìn từ tâm trí cũng chẳng tìm thấy nó! Các khoa học gia và triết học gia hiện thời vận dụng hết sạch tâm trí cũng tìm chẳng được nó, vì nó chẳng phải là tâm trí. Ắt phải bỏ sạch cả hai thứ ấy (vật chất và tâm trí) thì sẽ tìm được nó, nó bèn hiện tiền. Ở chỗ nào? Chẳng có một pháp nào không phải là nó, pháp nào cũng đều là nó, pháp nào cũng đều như, chẳng có một pháp nào chẳng phải [là nó], chẳng có một pháp nào chẳng như! Sắc lẫn tâm ắt đều phải lìa khỏi. Có như vậy thì mới có thể thấy cái bản thể năng biến trong sắc và tâm. Ngài sử dụng văn tự chẳng nhiều, nhưng nói khá tường tận.
Pháp Thân được giới thiệu tới đây [mà thôi]. Tiếp đó, chúng ta lại xem Báo Thân trong dòng in theo lối “đảnh cách” trong trang năm mươi tư. Pháp Thân là Lý. Nó vốn sẵn tồn tại, bất sanh, bất diệt: “Báo Thân giả, tu hành sở cảm” (Báo Thân là do tu hành mà cảm được). Báo Thân và Ứng Hóa Thân là tướng, tướng là sở biến (cái được biến). Pháp Thân là Lý, nó có thể biến (năng biến). Do có thể biến, nên nó chẳng có thân, mà cũng chẳng có thọ mạng, cũng chẳng có số lượng, thảy đều chẳng thể nói được; nhưng Báo Thân và Ứng Thân có thân, có thọ mạng, mà cũng có số lượng, vì chúng là cái được biến. “Pháp Hoa vân, cửu tu nghiệp sở đắc. Niết Bàn vân: – Đại Bát Niết Bàn, tu đạo đắc cố” (Kinh Pháp Hoa nói: “[Báo Thân] do tu nghiệp đã lâu mà đạt được”. Kinh Niết Bàn nói: “Đại Bát Niết Bàn là do tu đạo mà đạt được”). Pháp Thân là gì? Pháp Thân là trí huệ, nên gọi là Trí Thân. “Như Như Trí chiếu như như cảnh, Bồ Đề trí huệ, dữ Pháp Tánh tương ứng, tương minh. Tương ứng, như hàm cái tương ứng. Tương minh giả, như thủy nhũ tương minh” (Trí như như chiếu cảnh như như, trí huệ Bồ Đề tương ứng và ngầm hợp Pháp Tánh. Tương ứng là như rương và nắp rương khớp nhau. Ngầm hợp là như nước và sữa ngầm hòa hợp); đó là Báo Thân. Kinh giảng Báo Thân có hai loại: Một loại là Tự Thụ Dụng Báo Thân, loại kia là Tha Thụ Dụng Báo Thân. Tự Thụ Dụng Báo Thân có khởi đầu, chẳng có kết thúc; cũng có thể nói là “có sanh, chẳng có diệt”, cũng là ý nghĩa bất sanh, bất diệt. Sau khi đã hiện ra, vĩnh viễn chẳng bị diệt. Tha Thụ Dụng Báo Thân có sanh, có diệt, vì sao? Nhằm hiện ra cho người khác. Kinh thường nói như thế này: Đáng nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn thị hiện thân Phật. Trong các thân Phật, nên lấy Báo Thân để độ, bèn hiện Báo Thân; nên dùng Ứng Thân để độ, liền hiện Ứng Thân. Vì vậy, Tha Thụ Dụng Thân có thân, có thọ mạng, có hạn lượng, còn Tự Thụ Dụng Thân thì chẳng có thọ lượng.
Đây là nói đến Trí. Như Như Trí là chân trí. Trong Phật pháp nói Như (如, Tathā) thì Như là gì? “Như” là chân tướng sự thật đúng như vậy, chẳng phải do tạo tác, nên gọi là Như. Nếu là tạo tác, sẽ chẳng được gọi là Như. Vì vậy, Như là một thứ tự nhiên, vốn sẵn là như vậy. Kinh điển nhà Phật vừa mở đầu liền nói: “Như thị ngã văn”. “Như thị”: Đức Phật muốn nói với chúng ta, Ngài nói với chúng ta điều gì? Trạng huống vốn sẵn có của vũ trụ và nhân sinh, tuyệt đối chẳng phải là tạo tác, mà cũng chẳng phải là do Ngài tưởng tượng. Trạng huống ấy được gọi là Như. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời giảng cho chúng ta những gì? Giảng những điều như thế đó! Nếu quý vị hiểu hai chữ Như Thị, sẽ chẳng cần phải đọc kinh Phật, vì đã hiểu toàn bộ, nhất định là đã hoàn toàn thông đạt pháp thế gian và xuất thế gian. Vì vậy, hết thảy các kinh được mở đầu bằng hai chữ này, nhằm nêu rõ tiêu chuẩn của lời Phật dạy ở ngay chỗ đó, tuyệt đối chẳng nói lung tung một câu nào!
Như Như Trí là trí huệ như thế, chiếu cảnh giới như thế. Trí là Năng Chiếu, cảnh là Sở Chiếu. Trước kia, tiên sinh Âu Dương Cánh Vô đã nói: “Phật pháp chẳng phải là tôn giáo, mà cũng chẳng phải là triết học”. “Chẳng phải là tôn giáo” thì dễ hiểu, vì sao “chẳng phải là triết học?” Trong triết học, có Năng và Sở (chủ thể và khách thể, chủ quan và khách quan v.v…). Trong Phật pháp, cũng nói có Năng và Sở, Trí là Năng Chiếu, cảnh là Sở Chiếu. Có Năng và Sở, nhưng Năng và Sở được nói trong Phật môn khác với Năng và Sở trong triết học. Năng và Sở trong triết học là đối lập, còn Năng và Sở của Phật pháp là một, chẳng phải là đối lập; nên nó chẳng phải là triết học. Trong triết học chẳng nói Năng và Sở là một, còn Năng và Sở trong Phật pháp là một. Kế đó, sách nói “Bồ Đề trí huệ” chính là Như Như Trí, là trí huệ vốn sẵn có trong bản tánh, chẳng phải do tu được, mà là vốn có, tương ứng với Pháp Tánh, tương ứng với cảnh giới được biến hiện bởi Pháp Tánh. Như Như Trí là một phần của Pháp Tánh, cảnh giới Như Như cũng là một phần của Pháp Tánh, Thể của chúng là một. Thể đã là một, nên Sự có thể dung thông. Vì vậy, nó có thể tương ứng và ngầm hợp cùng Pháp Tánh, vì chúng là một Thể. Tiếp đó, sách nêu tỷ dụ, tương ứng là gì? Như cái rương và nắp rương tương ứng. Giống như ở đây có chén trà, chén trà có nắp đậy, đúng là cái nắp ấy đậy vừa khít. “Rương và nắp rương” có ý nghĩa như vậy. Thế nào là “ngầm hợp”? Chúng ta nói nước và sữa hòa lẫn vào nhau. Chúng ta hòa lẫn sữa vào nước, nước và sữa hợp thành một thể, chẳng thể phân ra giới hạn. Năng và Sở là một, chẳng hai; đó là điều khác biệt giữa Phật pháp và học thuật hay triết học. Do đó, chư vị phải hiểu: Tận hư không khắp pháp giới là một Thể.
Cuối đoạn chú giải này là: “Cảnh ngoại vô trí, trí ngoại vô cảnh” (Ngoài cảnh chẳng có trí, ngoài trí chẳng có cảnh). Chúng ta nói “mắt thấy” thì mắt có năng lực to cỡ nào? Chỗ quý vị có thể thấy được đều là [năng lực] của tánh Thấy. Nếu chẳng có tánh Thấy, làm sao quý vị có thể thấy được? Tánh Thấy to cỡ nào? Tận hư không, khắp pháp giới! Tánh Thấy là như vậy, mà tánh Nghe, tánh Cảm Nhận, tánh Nếm, không gì chẳng phải là như vậy. Vì thế, người trong thế giới Tây Phương “Thiên Nhãn đỗng thị, Thiên Nhĩ triệt thính, Tha Tâm biến tri” (Thiên Nhãn thấy thấu suốt, Thiên Nhĩ nghe thông suốt, Tha Tâm biết trọn khắp), chẳng có chút gì hiếm hoi, lạ lùng! Đó là trí và cảnh tương ứng, ngầm hợp, năng lực hoàn toàn khôi phục. Nay chúng ta nhìn thì cách tường bèn chẳng thấy, vì sao chẳng thấy? Do vì quý vị có phân biệt, chấp trước: “Ở đây có vách tường, đương nhiên chúng ta chẳng thấy”, cho nên quý vị chẳng thấy. Nếu ngày nào đoạn sạch ý niệm ấy, “vách tường ấy chẳng ngại Sự, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, tình hình bên kia tường ra sao, quý vị đều trông thấy. Vì thế, chướng ngại ấy là chướng ngại trong tâm lý, chẳng phải là chướng ngại nơi hình tướng của sự vật. Tất cả hết thảy chướng ngại thảy đều ở trong tâm. “Tâm sanh tắc chủng chủng pháp sanh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt” (Tâm sanh ắt các pháp sanh, tâm diệt ắt các pháp diệt). “Các thứ pháp diệt” chẳng phải là pháp chẳng còn nữa, mà là chẳng có chướng ngại, bèn nhập cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, mới biết hết thảy chướng ngại sanh từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta, đều chẳng phải là sự thật. Tuy chẳng phải là sự thật, nhưng nó khởi tác dụng, đem lại cho chúng ta rất nhiều đau khổ.
Trước kia, thầy Lý giảng kinh đến chỗ này, thầy dạy chúng tôi làm thí nghiệm. Để thí nghiệm thì thí nghiệm trên sự tướng rất khó, thầy bèn nói: Nếu các anh nằm mộng, thầy tạo một ấn tượng cho chúng tôi. Trong khi nằm mộng, có khi tự mình biết là đang nằm mộng; trong khi quý vị biết chính mình đang nằm mộng, quý vị nói cảnh giới trong mộng đều là giả, ta nhất định đi xuyên qua vách tường kia thì nhất định sẽ đi xuyên qua được, chẳng gặp chướng ngại. Có một lần, một bạn học của chúng tôi là ông Châu Gia Lân, Châu Gia Lân nay đang giảng kinh Hoa Nghiêm vào mỗi thứ Tư tại Từ Quang Đồ Thư Quán. Sau khi thầy Lý vãng sanh, ông Châu thay thầy giảng kinh Hoa Nghiêm. Châu Gia Lân kể với chúng tôi: Có một hôm, ông ta nằm mộng, đã nghĩ thầy nói “mộng là giả, vách tường cũng là giả”, ta nhất định có thể xuyên qua, bèn thử xem. Kết quả là đi qua được, chẳng bị chướng ngại. Châu Gia Lân đã làm thí nghiệm, xác thực là như vậy.
Chúng ta lại xem bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh. Trong lời Tựa, Ngài có kể một câu chuyện là chuyện của chính Ngài. Có một hôm, Ngài tĩnh tọa trong liêu phòng, bỗng nhớ có chuyện cần phải làm, bèn bước khỏi chỗ ngồi đi ra ngoài. Sau khi ra khỏi phòng, Ngài chợt nghĩ: “Cửa phòng đã đóng, chưa mở, làm sao đi ra được?” Sau khi đã trở ra, quay lại đẩy cửa thì đã gài then bên trong. Trong một niệm ấy, Ngài chẳng nghĩ cửa ấy đã đóng, liền đi ra được. Niệm thứ hai, [nghĩ là] cửa đã đóng, trở lại đẩy cửa, chẳng vào được, phải tìm người lấy chìa khóa mở cửa mới có thể vào phòng. Một niệm quên bẵng, bèn đi qua được; do vậy, tất cả chướng ngại đều do vọng niệm tạo thành.
Quý vị lại đọc Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ, trong đó có chép câu chuyện, chuyện ấy là sự thật. Có một lần, lão hòa thượng xuống núi, chẳng biết đi đến nơi đâu. Ngài đi đường, tâm thanh tịnh, cũng trụ trong Định. Trên đường, gặp mấy người cũng là người xuất gia, cầm đèn lồng. Trên đường, họ đụng phải lão hòa thượng Hư Vân, bèn hỏi: “Thưa lão hòa thượng! Trời đã tối thế này, Ngài đi đường một mình sao chẳng có đèn đuốc gì?” Lão hòa thượng vừa nghe câu ấy, ngay lập tức trời tối đen. Khi Ngài còn chưa nghe lời ấy thì trời sáng ngời, chẳng tối tăm. Ngài ra đi lúc ba giờ, vĩnh viễn trụ trong ba giờ, nên bầu trời một mực sáng ngời. Kết quả là người ta vừa nhắc nhở “trời đã tối”, Ngài nghe nói vậy, ngay lập tức trời đen kịt. Hết thảy duy tâm tạo! Những vị ấy đều là người trong hiện thời, cách chúng ta chẳng xa cho mấy, đã chứng minh cho chúng ta: “Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là nhân tố căn bản”; đó là điều đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm, những người tu hành trong hiện thời cũng đã chứng tỏ cho chúng ta.
Trong đoạn tiếp theo, chúng ta xem tới Ứng Thân, xem dòng thứ hai đếm từ dưới lên trong trang năm mươi lăm. Đoạn văn này là lời Sớ, chẳng phải là Sao, ở chỗ này bị in lầm, in thấp xuống một chữ, phải in theo lối đảnh cách thì mới đúng. “Ứng Thân giả, ứng đồng vạn vật vi thân dã, ứng đồng liên trì vi thọ dã, ứng đồng trường đoản vi lượng dã” (Ứng Thân là ứng hiện thân giống như muôn vật, ứng hiện ngay cả có cùng thọ mạng, ứng hiện có thân lượng cao hay thấp giống như họ), cho đến đây là lời Sớ, chẳng phải là chú giải. Kế đó là “như cổ đáp hưởng, đại tiểu tùy thân” (như cái trống phát ra tiếng [khi bị gõ], tùy thuộc thân trống [lớn hay nhỏ mà tiếng trống phát ra] to hay nhỏ), đó là lời chú giải. Ứng Thân là do cảm ứng đạo giao cùng chúng sanh mà hiện. Chúng sanh có cảm, Phật, Bồ Tát có ứng, nên Ứng Thân cũng giống như Hóa Thân; nhưng Ứng và Hóa vẫn khác nhau. Ứng Thân là gì? Giống như người ấy cũng đầu thai, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế gian này, thị hiện hoàn toàn giống như loài người chúng ta, sống trên thế gian này tám mươi năm, đó là Ứng Thân. Hóa Thân là bỗng dưng hiện tiền, sau khi làm xong chuyện bèn chẳng còn nữa, đó là Hóa Thân. Như xưa kia phu nhân Châu Bang Đạo gặp Địa Tạng Bồ Tát, đó là Hóa Thân, bà ta gặp Ngài ở Nam Kinh. Lần này, tôi đến Nam Kinh, có đến viếng căn nhà cũ của bà. Căn nhà bà đã ở rất lớn, hiện thời hơn một nửa được dùng làm nhà trẻ (ấu trĩ viên, kindergarten), [phần đất dùng làm] nhà trẻ ấy chẳng thể trả lại cho bà ta. Con trai lớn của bà ta nay còn đang sống ở Nam Kinh, họ trả lại cho con bà một phần ba căn nhà ấy, sân cũng rất lớn.
Bà ta đang ở trong nhà, bỗng dưng có một người xuất gia đến hóa duyên, nói là từ Cửu Hoa Sơn đến. Thuở ấy, Châu phu nhân còn chưa tin Phật, chẳng cho, chẳng tặng vật phẩm hóa duyên cho vị ấy, người xuất gia đó bèn bỏ đi. Sau khi vị ấy đi rồi, bà mới nghĩ: Từ cửa lớn còn phải qua tầng cửa thứ hai, tầng cửa thứ ba, cả ba tầng cửa, cửa đều chẳng mở, sao vị ấy có thể bước vào được? Sau khi bước ra, cũng chẳng có ai mở cửa cho vị ấy, làm sao vị ấy đi ra được? Ngờ vực chẳng giải quyết được! Câu hỏi ấy mãi cho đến khi sang Đài Loan, gặp thầy Lý tại Đài Trung, bà ta đem chuyện ấy kể với thầy Lý. Thầy Lý bảo: “Địa Tạng Bồ Tát đến hóa duyên với bà, đó chẳng phải là phàm nhân, mà là Hóa Thân”. Bà ta mới hiểu, nên mới niệm kinh Địa Tạng, mỗi ngày thờ phượng Địa Tạng Bồ Tát. Bà có viết bài Ngộ Địa Tạng Bồ Tát Ký kể câu chuyện ở Nam Kinh ấy. Đó gọi là Hóa Thân, nói thật ra cũng là đến độ bà ta. Tuy khi ấy chẳng độ, bà ta đến Đài Loan mới học Phật, nhưng đó là cái nhân. Nếu chẳng có chuyện ấy, đến Đài Loan, bà ta cũng chưa chắc chịu học Phật. Gặp chuyện như thế, chuyện này rất rõ ràng. [Trong cuộc gặp gỡ ấy, bà ta cùng vị tăng đó] hỏi đáp, trò chuyện, nói rất nhiều câu, tuyệt đối chẳng phải là nằm mộng, tuyệt đối chẳng phải là giả, nên [bà ta có] ấn tượng hết sức sâu đậm. Nghĩ đến chuyện này mới biết Phật, Bồ Tát trong Phật pháp là thật, chẳng phải là giả. Bà ta vô cùng hối hận: “Khi đó, Bồ Tát chỉ hóa duyên mấy cân dầu mè, nhưng chúng tôi chẳng biếu tặng”.
Đó là nói về Ứng và Hóa. Ứng và Hóa sai biệt ở chỗ này. Ứng Thân còn có thọ lượng, giống như ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật đã xuất hiện trong thế gian, đó là Ứng Thân. Ngài trụ trong thế gian này tám mươi năm bèn nhập diệt. Đó là thọ lượng của Ngài, thọ lượng của Ngài là tám mươi tuổi. “Ứng đồng trường đoản” (Ứng hiện cao hay thấp giống như nhau). Theo kinh điển ghi chép, Thích Ca Mâu Ni Phật thân cao trượng sáu, tức là một trượng sáu thước, đó là thân thể cao lớn; nhưng chư vị phải hiểu, chẳng phải là tính theo thước hiện thời. Theo thước tấc hiện thời, một trượng sáu thì kinh khủng quá, quá cao! Thước thuở ấy ngắn hơn thước hiện thời rất nhiều, đại khái một thước [thuở đó] còn chưa đến sáu tấc hiện thời, dài hơn năm tấc một chút. Nhìn từ chỗ này, chúng ta sẽ chẳng cảm thấy rất kỳ quái, vóc dáng Phật tuy cao, vẫn chẳng phải là rất cao. Thước thuở ấy khác với thước hiện tại. Nói đến Ứng Thân bèn có thân tướng, thọ mạng, vóc dáng cao thấp, những thứ ấy đều có. Giới thiệu đơn giản cùng chư vị ba thân đến chỗ này.
Chúng ta lại xem đoạn văn kế tiếp, trong trang năm mươi sáu, dòng thứ năm từ dưới đếm lên. “Năng vi thân, phi thân” (Có thể làm thân hoặc chẳng phải là thân), chữ Năng phải đọc liên tiếp một mạch, tức là “năng vi thân, năng vi phi thân”. “Năng vi thường thọ, năng vi vô thường thọ. Năng vi vô lượng, năng vi hữu lượng” (Có thể có thọ mạng thường hằng, hoặc tuổi thọ chẳng thường hằng. Có thể là vô lượng hoặc là có hạn lượng). Đây là nói Pháp Thân có thể tùy ý tự tại thị hiện, nhưng “tùy ý” chẳng phải là thuận theo ý của chính mình, vì chính nó chẳng có ý. Nếu chính mình có ý, sẽ biến thành phàm phu, hữu ý sẽ chẳng tự tại. Tùy ý là tùy theo ý của chúng sanh. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ”. Đó là chánh xác. Hiện thời, chúng ta chẳng thể tự tại biến hóa giống như Phật, Bồ Tát là vì chúng ta hữu ý. Hễ hữu ý sẽ chẳng có cách nào, chẳng thể hiện. Khi nào đạt đến vô ý, bèn có thể tùy thuận chúng sanh, chứ hữu ý thì chẳng có cách nào!
Pháp Thân đại sĩ chẳng dùng tâm ý thức; không chỉ chẳng có ý, mà cũng chẳng có tâm. Tâm ý thức đều chẳng có, sử dụng Chân Như bản tánh, nên có thể tùy loại hóa thân, có thể “thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng tiếp nhận của họ”. Chúng ta gặp phiền phức vì có tâm ý thức, tâm ý thức là pháp hữu vi. Theo cách liệt kê danh mục trong Bách Pháp, khoa mục đầu tiên trong pháp hữu vi là tám thức, tám thức là tâm ý thức. Tâm ý thức là giả, chẳng thật. Tương ứng với tám thức, nay chúng ta nói là “tác dụng tâm lý”, hoặc “hiện tượng tâm lý”, là năm mươi mốt Tâm Sở, những thứ này đều gọi là pháp hữu vi. Trong Bách Pháp, chỉ có sáu pháp cuối cùng là pháp vô vi. Những pháp trước đó như Tâm, Tâm Sở, Sắc Pháp, Tâm Bất Tương Ứng Hành Pháp, tổng cộng chia thành chín mươi bốn loại, toàn là pháp hữu vi. Kinh Kim Cang đã nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Nay phàm phu chúng ta coi những pháp hữu vi ấy đều là thật, phân biệt, chấp trước, so đo trong ấy, khổ khôn xiết kể! Phật thấy chúng sanh làm như vậy, gọi họ là “kẻ đáng thương xót”, vì sao là “đáng thương xót?” Vốn chẳng có, mà cứ tự mình khăng khăng biến thành có. Chẳng khổ mà chính họ khổ sở ngần ấy, nên mới nói là “đáng thương”. Nếu thật sự có khổ, Phật sẽ chẳng gọi quý vị là “đáng thương”. Chẳng có khổ mà chính mình tìm khổ, đó là “đáng thương”. Vốn chẳng có khổ mà chính mình khư khư tìm khổ; ngỡ giả là thật, đáng thương thay! Vì thế, các pháp hữu vi là giả, chẳng thật!
Vì lẽ đó, quý vị phải giác ngộ, thật sự giác ngộ sẽ lìa khổ, được vui, từ nay trở đi sẽ chẳng còn khổ nữa. Vì sao? Chẳng còn chấp trước, chẳng còn so đo. Người với người qua lại với nhau chớ nên coi là thật, vì sao? Giả trất! Người khác nói thích ta, yêu mến ta thế này thế nọ, quý vị nghe lời ấy đừng ngỡ là thật, giả trất, chẳng thật! Vì sao? Tam tâm, nhị ý. Tam tâm là gì? Tâm ý thức, thức thứ tám, thức thứ bảy, và thức thứ sáu gọi là “tam tâm”. Nhị ý: Thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là ý căn, nên gọi là “nhị ý”. Tam tâm nhị ý chẳng phải là thật. Chúng ta đối với người khác cũng là tam tâm nhị ý, cũng chẳng thật! Hôm nay tôi đối với quý vị tốt đẹp dường ấy, nói không chừng ngày mai liền giở quẻ, đâu là thật? Chính mình đối với chính mình còn chưa thể bảo đảm, há còn có thể bảo đảm những lời người khác nói là thật? Há cái tâm ấy là thật? Nếu quý vị ngỡ là thật, sẽ hoàn toàn bị lừa gạt. Bị ai lừa gạt? Chẳng phải là bị kẻ khác lừa gạt, mà là tự mình lừa gạt chính mình.
Ngày nào chẳng dùng tâm ý thức, mà dùng chân tâm, sẽ là thật, chẳng giả. Đến khi nào? Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần chân tánh, chân tánh là chân tâm; từ đó trở đi bèn dùng chân tâm, chẳng dùng tâm ý thức, đó là thật. Vì lẽ đó, chúng ta qua lại với hết thảy mọi người, trong tâm hiểu rõ, toàn là giả! Bất luận họ nói như thế nào, chúng ta cười cười mà thôi, quý vị thấy chúng ta vui sướng lắm, tự tại lắm, đã hiểu rõ chân tướng sự thật. Ai là thật? Người nào thật sự yêu thương chúng ta? Phật, Bồ Tát thật sự yêu thương chúng ta. Chẳng phải là Phật, Bồ Tát thì toàn bộ đều là giả! [Kẻ khác] nói dễ nghe đến mấy, hãy nghe xong rồi thôi, ngàn vạn phần đừng ngỡ là thật. Sự thật ấy là chân tướng sự thật, phải hiểu rõ ràng: Chúng ta chẳng có phiền não, ưu lự cũng chẳng có, đau khổ cũng chẳng có, lìa khổ được vui. Nếu hiểu rõ chân tướng sẽ lìa khổ được vui, hễ mê nơi chân tướng sẽ khổ chẳng thể nói nổi! Chúng ta thấy có rất nhiều người vì cảm tình, vì tài vật, vì mọi thứ mà lo lắng, đáng thương! Chúng ta thấy [những kẻ ấy] đúng là đáng thương xót. Vì sao? Toàn là giả, chẳng có gì là thật. Thế gian có gì là thật? Thân thể đều là giả, sanh chẳng đem theo đến, chết chẳng mang theo đi, ngay cả thân thể cũng là giả, huống hồ vật ngoài thân! Vì thế, đối với thân thể còn chớ nên chấp trước, huống hồ vật ngoài thân!
Có được mất hay không? Chẳng có được hay mất! Quý vị nói ta đạt được, giả trất! Quý vị đạt được thứ gì? Đêm ngủ nhắm mắt lại, khi đã ngủ say, người ta khiêng thân thể quý vị đi, cũng chẳng biết, có thứ gì là của chính mình? Vì lẽ đó, phải giác ngộ, chẳng có gì là của chính mình, thứ gì cũng đều chẳng đạt được. Đã là thứ gì cũng đều chẳng đạt được thì thứ gì cũng chẳng mất đi, về căn bản chẳng có được thứ gì thì lấy đâu ra mất? Lo được, lo mất đem lại bao nhiêu nỗi phiền não. Sau khi quý vị đã hiểu rõ, vốn chẳng có được, mà cũng chẳng có mất, lẽ nào chẳng tự tại? Đạt được thứ gì đều giống như nằm mộng. Trong mộng có được một mớ tiền của, giả trất. Mất đi cũng giống như nằm mộng. Trong mộng mất một món tiền lớn, cũng là giả, chẳng có gì là thật. Để giảng với mọi người về chân tướng trong vũ trụ, kinh Phật thường nói đến Thật Tướng của các pháp, Thật Tướng là như thế đó. Không chỉ là trong lục đạo, Thật Tướng là như thế, mà Thật Tướng trong tứ thánh pháp giới cũng chẳng phải là ngoại lệ, thảy đều là như thế đó. “Phàm những gì có tướng, đều là hư vọng”. Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng được bao gồm trong ấy, chẳng thể nói Tây Phương Cực Lạc thế giới là ngoại lệ, chẳng có, nó cũng là hư vọng. Chỗ bất đồng là: Nó là cảnh giới được hiện bởi tâm thanh tịnh, còn cõi này là cảnh giới do tâm ô nhiễm hiện ra, khác nhau ở chỗ này! Vì vậy, chớ nên chấp trước lục phàm, mà tứ thánh cũng chớ nên chấp trước. Nếu quý vị chấp trước Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cũng sai. Hết thảy đều chẳng chấp trước sẽ là đúng.
[1] Phục đoạn: Chế ngự không cho phiền não dấy lên, nhưng chưa hoàn toàn đoạn trừ.