#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 5
Xin mở kinh bổn, trang ba mươi, dòng thứ tư từ dưới đếm lên:
“Nhị Danh Tự Tức, thử chí Cứu Cánh, giai Tu Đức dã, tu luận tổn ích, cập dĩ cao hạ. Thử vị thị Tu Đức chi thỉ” (Hai là Danh Tự Tức. Từ địa vị này cho đến Cứu Cánh Tức Phật đều thuộc về Tu Đức, cần phải luận định về sự tổn, ích, và cao thấp. Địa vị này là khởi đầu của Tu Đức). Đoạn trước nói về Lý [Tức Phật] trong Lục Tức Phật, chúng ta đã hiểu rõ đạo lý ấy. Nói thật ra, đạo lý là chân tướng sự thật: Mỗi người vốn sẵn trọn đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai. Nói cách khác, chúng ta vốn sẵn có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, vô lượng phước báo. Vốn sẵn có, nhưng hiện tại chẳng có, chúng đi đâu mất rồi? Đức Phật dạy: Chúng vốn sẵn có, trọn chẳng mất đi, vẫn ở trên thân chính mình, nơi nhục thân này của chúng ta thảy đều trọn đủ. Trọn đủ, nhưng chẳng thể hiện tiền, chẳng thể thụ dụng được. Điều này được gọi là “mê mất chính mình”. Giống như trong nhà chúng ta có kho báu, nhưng chính mình quên bẵng, oan uổng chịu khổ báo nghèo túng! Đức Phật xuất hiện trên thế gian, nhằm mục đích dạy cho chúng ta biết:
Những gì bản thân chúng ta vốn sẵn có chẳng khác gì chư Phật Như Lai!
Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, đọc kinh A Di Đà, biết sự phú quý, trí huệ, và sự tự tại của A Di Đà Phật, chúng ta đọc xong, rất hâm mộ, nhưng không biết chính mình và A Di Đà Phật chẳng khác gì nhau! Trí huệ và đức năng của A Di Đà Phật khởi tác dụng, [những tác dụng ấy] đều được Ngài vận dụng trong cuộc sống, còn trí huệ, đức năng và phước báo của chúng ta giấu kín trong nhà, chẳng lấy ra, vấn đề ở ngay chỗ này! Hiện thời phải làm như thế nào để hiển lộ trí huệ và đức năng vốn có trong bản tánh hòng khởi tác dụng giống như chư Phật Như Lai? Cần phải cậy vào tu, cần phải nhờ vào Tu Đức. Đối với Tu Đức, chúng ta sanh khởi tín tâm toàn vẹn, tín tâm được kiến lập từ chỗ nào? Kiến lập từ Lý. Giống như trong Khởi Tín Luận đã nói: “Bổn Giác vốn có”. Ngài Thiên Thai nói Lục Tức Phật thì chúng ta vốn sẵn có Lý Tức Phật. Lý là Chân Như bản tánh, hết thảy chúng sanh ai nấy đều trọn đủ, nên hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh. Dựa trên Lý ấy, chúng ta sanh khởi tín tâm trọn vẹn đối với Tu Đức. Hôm nay, tôi nói về Danh Tự Tức Phật; đây chính là bắt đầu tu hành, bắt đầu có tổn và có ích. Nói theo cách hiện thời, điều đó có nghĩa là công phu tu hành của chúng ta có tiến, có thoái. Tiến, thoái là một hiện tượng rất bình thường, đừng nên trong lúc lùi sụt mà tự mình chán nản, nguội lạnh tấm lòng, đánh mất tín tâm. Có tiến, có thoái, chúng ta phải biết tiến thoái là một hiện tượng bình thường. Chúng ta đọc phần chánh văn của Ngài nơi dòng thứ hai trong trang ba mươi mốt.
“Như tư chi lý, Phật nhược bất thuyết, vô năng tri giả” (Nếu đức Phật chẳng nói Lý như vậy, không ai có thể biết). Câu này nhằm chuyển tiếp [ý nghĩa] từ đoạn Lý Tức Phật trong phần trước, Lý ấy là chân lý. Nếu đức Phật chẳng giảng rõ ràng, minh bạch, làm sao chúng ta có thể biết được? Đức Phật xuất hiện trên thế gian, ân đức lớn nhất đối với chúng ta là đã dạy cho chúng ta biết chân tướng sự thật. Tiếp đó, Ngài trích dẫn kinh Pháp Hoa: “Pháp Hoa vân, nhất bách bát thập kiếp, không quá vô hữu Phật. Thế Tôn vị xuất thời, thập phương thường ám minh” (Kinh Pháp Hoa nói: “Một trăm tám mươi kiếp, luống qua chẳng có Phật, Thế Tôn chưa xuất thế, mười phương thường tối tăm”). Đây là nói về lúc thế gian chưa có Phật xuất hiện, chúng ta vĩnh viễn chẳng hiểu rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Trong thế gian tuy có rất nhiều khoa học gia, triết học gia, tôn giáo gia, kể ra họ cũng rất giỏi giang, giải thích vũ trụ và nhân sinh đủ mọi lẽ; nhưng rất nhiều cách giải thích chẳng viên mãn, mà cũng chẳng rốt ráo. Nói theo Phật pháp thì là “kẻ mù sờ voi”. Mò trúng cái đùi, [hỏi họ] voi giống như gì? [Họ quả quyết] voi giống hệt như cây cột. Mò nhằm cái tai, [quả quyết] voi giống như thế nào? [Họ quả quyết] voi giống như chiếc quạt. Đó là cách giải thích vũ trụ và nhân sinh của các khoa học gia, triết học gia, tôn giáo gia xưa nay, trong ngoài nước trên cả thế giới. Có thể nói đều là lụn vụn, chẳng phải là toàn thể, tuyệt đối chẳng phải là chân tướng sự thật!
Nếu nói là “kẻ mù sờ voi” thì thưa cùng quý vị, coi như hãy còn mò trúng, kể ra vẫn còn khá lắm, tuy chưa thấy toàn thể, nhưng đã thấy một phần. Thật ra, ngay cả “kẻ mù sờ voi” vẫn còn chưa bằng, vì sao? Mò nhằm tảng đá, ngỡ là con voi to, chẳng phải là lầm lẫn quá đỗi to lớn ư? Thật đấy, xác thực là như thế! Dùng tri kiến của phàm phu để suy đoán chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, chắc chắn chẳng thể thấu đạt! Vì vậy, nếu đức Phật chẳng xuất thế, đích xác là chúng ta vĩnh viễn ở trong thời đại tối tăm! Hiện thời, thế giới hỗn loạn dường ấy, có phương pháp nào khiến cho thế giới khôi phục trật tự bình thường hay chăng? Nhìn vào hiện tượng trước mắt, thế giới này khổ nạn tối thiểu phải là ba mươi, hoặc năm mươi năm, và còn có khổ nạn to lớn, vì sao? Không trải qua cơn khổ nạn rất lớn, con người sẽ chẳng thể lắng lòng nghiêm túc phản tỉnh. Vì thế, còn phải bị đả kích to lớn, nặng nề, họ mới nghiêm túc phản tỉnh một phen. Sau khi thật sự phản tỉnh, nếu chẳng đọc sách của Khổng lão phu tử, chẳng học Đại Thừa Phật pháp, thế giới này chẳng có cuộc sống an ninh, chẳng thể nào khôi phục trật tự bình thường. Trật tự bình thường là gì? Là Ngũ Luân, Thập Nghĩa như Khổng lão phu tử đã dạy. Cách nói này, nói thật thà là bất cứ quốc gia hay dân tộc nào trên cả thế giới đều có thể tiếp nhận, đều hoan hỷ tiếp nhận, đáng tiếc là chẳng ai nói với họ, nên họ không biết.
Phật pháp càng triệt để, càng rốt ráo, càng viên mãn hơn, đáng tiếc là họ suốt đời chẳng được nghe nói đến. Đại Thừa Phật pháp, đặc biệt là kinh Vô Lượng Thọ. Có thể nói kinh Vô Lượng Thọ là tinh hoa và là đại biểu của Đại Thừa Phật pháp. Tôi thật sự chẳng ngờ, trong hai ba năm mà [kinh ấy] có thể phổ cập như vậy tại Đài Loan, đó là một hiện tượng tốt đẹp. Nhìn từ điều này, có rất nhiều kẻ tiên đoán Đài Loan là đảo báu, là phước địa, chúng tôi tin tưởng! Nhìn vào hiện tượng, Đài Loan chẳng giống một nơi phước địa, chẳng giống một đảo báu, nhưng hiện thời trông thấy mọi người nghiêm túc đọc kinh, tu hành như vậy, đó là khởi đầu của một hiện tượng tốt đẹp. Nói cách khác, mọi người đã biết căn bệnh, đã biết chính mình đang mắc bệnh, phải dùng thuốc gì để trị. Hiện thời, toa thuốc cũng đã tìm được rồi. Tuy đã tìm được toa thuốc, nhưng còn chưa uống thuốc. Chưa uống thuốc, bệnh vẫn chẳng thể lành. Đã tìm được toa thuốc, phải chiếu theo toa thuốc để uống thì mới có thể đối trị. Có được toa thuốc ấy chẳng dễ dàng! Sau khi đã có thì phải nghĩ cách đối trị, nhưng để đối trị, lấy thuốc ra, chúng ta còn phải sắc thuốc, còn phải cô đặc thuốc đã sắc, vẫn phải mất một khoảng thời gian, chẳng thể uống thuốc ngay được, đó chưa phải là thuốc đã chế thành.
Vì lẽ đó, tôi dạy các đồng tu, trước hết phải niệm kinh cho nhuần, phải niệm thuộc, phải thật sự thuộc nằm lòng. Thuộc lòng là gì? Là sắc thuốc, là cô đặc thuốc, nhưng còn chưa uống thuốc. Đừng nghĩ ta đã niệm nhiều lượt ngần ấy, rất khá! Quý vị còn chưa uống thuốc, bất quá là đã sắc thuốc, cô thuốc. Đã sắc, đã cô khá lắm, đã sắc, đã cô đặc xong xuôi; uống vào thì mới có thể trị lành bệnh, chứ sắc và cô thuốc chẳng trị được bệnh! Bệnh là gì? Là vọng tưởng, chấp trước, phiền não, những thứ ấy. Đến khi nào mới bắt đầu chữa bệnh? Sau khi quý vị đã sắc thuốc xong, bèn có thể uống vào, có thể chữa bệnh. Vì vậy, sau khi học thuộc lòng, bèn thật tu, tức là mới bắt đầu thật sự tu hành. Niệm kinh này từ đầu đến cuối một lượt, chẳng có vọng niệm nào, đó là chữa bệnh. Nếu trong khi niệm kinh này một lượt mà dấy lên vọng tưởng, chẳng tính! Lại niệm từ đầu. Phải niệm sao cho kinh này niệm từ đầu đến cuối chẳng khởi một vọng niệm, đó gọi là “uống thuốc”, là “chữa bệnh”. Sau đó, mỗi ngày niệm năm lần, hoặc niệm mười lần đều chẳng khởi một vọng tưởng nào. Niệm như vậy hai ba năm, xác thực là vô minh và chấp trước của quý vị sẽ dần dần thật sự giảm thiểu, công phu đã đắc lực. Đến khi đó, có thể chẳng niệm kinh, một câu Phật hiệu là được rồi, một câu Phật hiệu có thể tương ứng với Phật. Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật. Vì sao nay chúng ta niệm Phật chẳng tương ứng? Do vô minh phiền não quá nặng, chướng ngại công đức niệm Phật, nên niệm Phật chẳng có hiệu quả. Nay chúng ta dùng phương pháp đọc kinh, bắt đầu đoạn phiền não. Dùng phương pháp này để phá Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, tiêu Nhị Chướng là tiêu trừ những thứ ấy, công phu mới có thể đắc lực. Người cao tuổi niệm kinh khó khăn, khó niệm thuộc lòng, nhưng cũng có thể dùng phương pháp sau đây: Chuyên tâm chấp trì danh hiệu là được rồi, sẽ có thành tựu giống hệt. Phải giảm thiểu ưu lự, vướng mắc, phải buông xuống, sẽ có thể niệm đến mức đắc Niệm Phật tam-muội giống y hệt [như niệm kinh]; nhưng người trẻ tuổi thì vẫn phải đặt vững căn cơ nơi cơ sở. Con đường này hết sức ổn thỏa, thích đáng, ngàn muôn phần chớ nên xem nhẹ!
Danh Tự Tức Phật chỉ là biết chân tướng của vũ trụ và nhân sinh,
biết như thế nào? Chưa bắt đầu làm; nhưng đã biết thì sẽ khởi sự tu hành. Nếu không biết, dẫu có muốn tu cũng chẳng biết bắt đầu tu từ chỗ nào! Sau khi đã biết, bèn biết chúng ta tu từ chỗ nào. Chúng ta hãy đọc đoạn văn này một lượt. Tiếp đó, Ngài trích dẫn một đoạn từ kinh Niết Bàn. “Niết Bàn vân, ư vô lượng thế, diệc bất văn hữu Như Lai xuất thế, Đại Thừa kinh danh” (Kinh Niết Bàn dạy: “Trong vô lượng đời vẫn chẳng được nghe chuyện Như Lai xuất thế và tên gọi của kinh Đại Thừa”). Đó là khi chẳng có Phật, chẳng biết danh hiệu Phật, mà cũng chẳng biết danh xưng của kinh điển. Danh xưng của kinh điển Đại Thừa chưa biết, còn nói chi kinh văn và kinh nghĩa, đương nhiên càng không biết. “Nhược Phật xuất thế, phương năng xiển trí huệ nhật, thức Tam Bảo chi quang minh, khai cam lộ môn, tri thập hiệu chi diệu vị, nhân thuyết sanh giải, ư bảo thích duyệt” (Nếu Phật xuất hiện trong thế gian thì mặt trời trí huệ mới được xiển dương, [chúng sanh] biết đến quang minh của Tam Bảo, mở cửa cam lộ, biết vị nhiệm mầu của mười hiệu. Do thuyết pháp mà sanh hiểu biết, sanh lòng vui thích, coi như của báu). Đức Phật xuất hiện trên thế gian, vì chúng ta giảng kinh, thuyết pháp, chúng ta mới biết chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, mới biết chính mình có Phật Tánh, mới biết chính mình có vô lượng trí huệ và đức năng. Chư Phật Như Lai đều có mười thông hiệu (hiệu chung), mười thông hiệu ấy hiển thị các đức năng vốn sẵn có trong bản tánh. Phật có, mỗi người chúng ta đều có, chỉ là Phật thụ dụng, nhưng chúng ta chẳng thể thụ dụng. Tuy chẳng thể thụ dụng, nhưng nghe nói chính mình cũng có, nên vô cùng hoan hỷ. Đó gọi là Danh Tự Tức Phật. Có thể nói: Danh Tự Tức Phật rất phổ biến! Phàm là người tu học Đại Thừa Phật pháp đều thuộc địa vị này. Lúc mới tu, giống như chúng ta nay đang thuộc địa vị này, nay chúng ta được gọi là Danh Tự Tức Phật, tức là biết được một chút đạo lý Phật pháp, nhưng đã bắt đầu tu hay chưa? Chưa! Vẫn chưa tu! Chỉ là biết có chuyện như thế.
Đoạn tiếp theo là bắt đầu tu. Đoạn dưới đây là Quán Hạnh Tức, chúng ta đọc phần thứ ba, tức là dòng thứ tư đếm từ dưới lên nơi trang ba mươi hai. “Tam Quán Hạnh Tức, thử trung Quán pháp, trực quán tâm tánh, cố thác tha Phật, nhi vi sở duyên. Kim minh đối trần, tức thành quán Phật, kỳ trung niệm niệm giác tri chi tâm, danh Quán Hạnh Phật” (Ba là Quán Hạnh Tức. Trong pháp Quán này, quán thẳng vào tâm tánh, nên nhờ vào một đức Phật để làm cái được duyên (đối tượng của sự quán tưởng). Nay nói rõ: Đối trước trần liền trở thành quán Phật. Cái tâm niệm niệm giác tri trong khi ấy được gọi là Quán Hạnh Phật). Đoạn này giải thích ý nghĩa được bao hàm trong ba chữ Quán Hạnh Phật. Quán Hạnh mới là thật sự tu. Quán (觀) là quán chiếu (觀照), như tôi vừa mới thưa cùng quý vị: Dùng phương pháp niệm kinh để quán chiếu. Niệm trọn một bộ kinh mà chẳng có một vọng niệm nào, thì mới gọi là Quán Hạnh, mới thật sự được gọi là Quán Hạnh. Có thể thấy: Nay chúng ta niệm kinh đã mấy ngàn lượt, nhưng trong ấy còn có vọng tưởng thì vẫn chẳng thể coi là thật sự dụng công, vẫn thuộc vào Danh Tự Tức, thuộc vào giai đoạn thứ nhất. Giai đoạn thứ hai là đã thật sự dụng công. Dụng công là phải thật sự đoạn phiền não, phải thật sự phá vô minh. Thật sự vận dụng công phu thì mới gọi là Quán Hạnh. Quán Hạnh là công phu đắc lực. Nói theo Tịnh Độ, Quán Hạnh Tức chính là công phu thành phiến. Có công phu như vậy thì mới có thể vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế giới Tây Phương. Do đó, chớ nên xem nhẹ nó, công phu ấy tuy là vừa mới đắc lực, nhưng trong pháp môn Tịnh Độ, nó khởi tác dụng rất lớn. Trong các pháp môn khác thì chưa được, vì sao? Không thoát khỏi tam giới, sẽ chẳng thể liễu sanh tử, thoát tam giới. Để liễu sanh tử thoát tam giới [trong các pháp môn khác], phải thuộc vào giai đoạn kế tiếp là Tương Tự Tức Phật thì mới được. Trong Tịnh Độ Tông, Tương Tự Tức Phật là Sự nhất tâm bất loạn, vãng sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Tịnh Độ, chẳng phải là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Điều ấy chẳng dễ thành tựu cho lắm, còn điều này dễ thành tựu. Quán Hạnh thành tựu dễ dàng, chúng ta phải đặc biệt lưu ý chuyện này.
Trong quán pháp Quán Hạnh này, Quán là tu hành. Kinh này có mười sáu phép Quán, tức là mười sáu loại phương pháp để chúng ta tu tập. Mười sáu phương pháp ấy đúng là có khó và dễ, trong kinh đã giảng rất rõ ràng. Mười sáu phương pháp ấy, chỉ cần quý vị thành tựu một thứ là được, chẳng phải là cả mười sáu pháp đều phải thành tựu, chẳng phải vậy! Thành tựu một thứ là được rồi, đã có thể vượt thoát tam giới, vãng sanh Tịnh Độ. Trong mười sáu loại, khó nhất là quán Phật. Tựa đề kinh này là Quán Vô Lượng Thọ Phật; nói thật thà, quán Vô Lượng Thọ Phật là khó nhất. Chẳng cần nói là quán Phật, chúng ta muốn tưởng một người, Quán là quán tưởng, nghĩ tưởng một người [nào đó]: Tưởng vẻ mặt, ánh mắt, lông mi, mũi của người ấy, phải tưởng người ấy đang ở trước mặt chúng ta, chẳng dễ dàng! Vẻ mặt đức Phật phi phàm, đức Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, chúng ta tưởng từ chỗ nào? Vì vậy, trong mười sáu phép Quán, quán Phật tướng là khó nhất. Cũng có [phép Quán] dễ dàng nhất, dễ dàng nhất là gì? Là niệm A Di Đà Phật, đó là chấp trì danh hiệu. Chấp trì danh hiệu thuộc trong mười sáu phép Quán, là một loại trong mười sáu phép Quán, dễ dàng nhất. Khó nhất là quán Phật, dễ dàng nhất là niệm danh hiệu Phật. Vì thế, quý vị thấy kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đều cùng đề xướng chấp trì danh hiệu.
Chư vị phải biết: Chấp trì danh hiệu là một trong mười sáu phép Quán. Chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật là tu Quán Hạnh. Quý vị quán Vô Lượng Thọ Phật, quán Nhật Quán hay Thủy Quán cũng là Quán Hạnh. Vì vậy, Quán Hạnh bao gồm mười sáu loại, chúng ta chọn lấy một loại là được rồi. Trên thực tế, chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức, đối với mười sáu loại Quán Hạnh này, đã chọn ổn thỏa giùm chúng ta pháp Trì Danh Niệm Phật. Nếu chúng ta thật sự có thể tuân thủ sự chọn lựa do Phật, Bồ Tát dành cho chúng ta, chắc chắn chẳng phạm sai lầm! Chư vị phải biết: Mười sáu phép Quán, bao gồm phép Trì Danh trong ấy, đều là “trực quán tâm tánh” (quán thẳng vào tâm tánh), thông thường là chẳng có mấy người niệm Phật biết đến đạo lý ấy! Quý vị hiểu đạo lý ấy, mới biết đúng như cổ nhân đã nói: Khởi tâm niệm Phật là Thỉ Giác, đức Phật được niệm là A Di Đà Phật, chính là Bổn Giác. Khởi tâm niệm Phật là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, đó là trực quán tâm tánh. Đối chiếu lời tổ sư đại đức đã nói với kinh, chẳng sai! Vì thế, công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn. Rất nhiều người chẳng biết công đức niệm Phật chân thật này, nên chẳng niệm, chẳng thể dấy lên hứng thú niệm Phật! Nói cách khác, chẳng biết cái hay của việc niệm Phật! Ở đây, chúng ta đã biết cái hay của niệm Phật.
Phương pháp của Ngài là phía trước thêm chữ Quán, sau chữ Quán là chữ Pháp, tức Quán Pháp. “Pháp” là nói tới phương pháp. Phương pháp rất xảo diệu là “thác tha Phật, nhi vi sở duyên” (nhờ vào đức Phật khác để làm cái được duyên). “Tha Phật” là gì? Chúng ta tạo một bức tượng Phật, tượng A Di Đà Phật, đó là Tha Phật. Từ Tha Phật dẫn khởi Tự Phật, niệm Phật thì phải niệm theo cách ấy. Nhờ vào Tây Phương A Di Đà Phật để niệm cho ra Tự Tánh A Di Đà của chúng ta. Sau khi đã niệm ra thì Tự và Tha bất nhị, bèn thành công. Nguyên lý trong phương pháp tu hành được kiến lập từ chỗ này; trong ấy chẳng có mê tín, xác thực là có căn cứ lý luận. Do đó, chúng ta thường ngắm tượng Phật, thường niệm danh hiệu Phật, niệm danh hiệu Phật vẫn chưa đủ để hàng phục vọng niệm. Kinh Kim Cang chép: “Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (Hàng phục cái tâm như thế nào?), cái tâm ấy là vọng niệm. Niệm Phật hiệu mà vẫn chưa thể hàng phục vọng niệm thì có thể thêm vào quán tưởng. Quán tưởng là quán gì? Nghĩ tới tượng Phật. Nghĩ tới tượng Phật, các vị đồng tu phải ghi nhớ, tốt nhất là tưởng một bức tượng Phật, sẽ dễ nhiếp tâm. Tưởng rất nhiều hình tượng Phật, sẽ chẳng có cách nào nhiếp tâm. Nói cách khác, chẳng thể khống chế vọng tưởng! Suốt một đời, tâm tưởng một tượng Phật, đó là phương pháp tốt nhất. Chúng ta ưa thích một bức tượng Phật nào thì suốt một đời ta thờ phượng bức tượng Phật ấy.
Hiện thời rất thuận tiện. Trước kia, mang theo một bức tượng Phật rất khó. Thuở sinh tiền, Tô Đông Pha đã vẽ một bức tranh Phật, vẽ xong, bồi[1] [bức vẽ ấy] thành một cuộn tranh. Ông ta đi đến đâu đều mang theo, đến chỗ nào cũng đều treo lên để [tu tập] Quán Tưởng Niệm Phật. Ông ta tự nói: “Đây là Tây Phương công cứ của ta”, chữ “Tây Phương công cứ” (西方公據) do Tô Đông Pha nói ra; nhưng tập khí trong một đời của Tô Đông Pha quá nặng, chẳng thể vãng sanh. Tuy niệm Phật suốt đời, ông ta vẫn chẳng thể vãng sanh. Nguyên nhân khiến cho ông ta chẳng thể vãng sanh là do tập khí văn nhân, chuộng làm thơ, ưa soạn từ, thích viết văn chương, thích làm những chuyện đó, khiến cho sự nghiệp vãng sanh Tây Phương của chính mình bị lỡ làng! Vì lẽ đó, khi tôi học Phật ở Đài Trung, vừa mới thân cận thầy Lý, còn chưa xuất gia, thầy Lý đã cảnh cáo tôi, vì tôi cũng rất thích đọc sách, thầy liền cảnh cáo: “Cổ nhân đừng học theo Tô Đông Pha, người thời nay chớ học theo Lương Khải Siêu”. Trong Phật pháp, hai người ấy đều rất có tiếng tăm, nhưng đều chẳng có thành tựu, do chẳng đoạn tập khí phiền não. Khi đó, thầy Lý đề nghị, thầy bảo: “Tốt nhất là anh hãy học theo pháp sư Ấn Quang”. Vì vậy, chúng ta học Phật phải có tấm gương, phải có khuôn mẫu, ta phải học theo các Ngài. Quý vị thấy Ngẫu Ích đại sư noi gương Liên Trì đại sư, học theo tổ Liên Trì. Do đó, cổ nhân khéo học, biết tìm một tấm gương, học giống hệt như vị ấy. Nếu chúng ta không muốn noi gương phàm nhân, A Di Đà Phật là tấm gương tốt nhất. Cách học theo A Di Đà Phật là như thế nào? Kinh Vô Lượng Thọ do A Di Đà Phật giới thiệu. Quý vị chiếu theo kinh Vô Lượng Thọ để y giáo phụng hành, tức là trực tiếp học theo A Di Đà Phật.
Vì lẽ đó, tôi khuyên các đồng tu: Khóa sáng niệm bốn mươi tám nguyện. Niệm bốn mươi tám nguyện là học theo A Di Đà Phật, đồng tâm, đồng nguyện với A Di Đà Phật. Khóa tối niệm kinh Vô Lượng Thọ từ chương ba mươi ba đến chương ba mươi bảy, tuân thủ giáo huấn của A Di Đà Phật, sửa đổi hành vi sai lầm của bản thân chúng ta, khiến cho sự hành trì của chúng ta giống như A Di Đà Phật. Đó là trực tiếp học theo A Di Đà Phật, lấy A Di Đà Phật làm gương tu hành cho chính mình, đó là tốt nhất. Do tượng Phật đúc chẳng dễ mang theo, nhưng hiện thời kỹ thuật ấn loát rất phát triển, ở đây, chúng ta có in rất nhiều hình Phật. Hình đức Phật này cũng có in, tượng ở bên kia chúng tôi đã thờ mười năm, chúng tôi cũng in hình tượng ấy. Tôi có ấn tượng hết sức sâu đậm đối với tượng Phật đó, nay tôi tự đem sang ngoại quốc, tức là đem hình chụp, tôi cảm thấy hình chụp còn đẹp hơn tượng thật. Do lẽ đó, thật sự là lúc nào chúng ta cũng có thể đem theo [hình Phật] bên người, thường ngắm nhìn bức tượng Phật ấy, trong tương lai chúng ta vãng sanh, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, bèn hiện tướng ấy. Phật chẳng có tướng, tùy duyên hiện tướng, tâm chúng ta ưa thích tướng nào, đức Phật liền hiện tướng ấy. Tôi suốt đời ngắm tướng ấy, nghĩ đến tướng ấy, tương lai A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, nhất định hiện tướng ấy, chắc chắn chẳng sai. Rất quen thuộc, mỗi ngày ngắm Ngài, ngắm bao nhiêu năm, khi đức Phật thật sự hiện đến, trước kia là ngắm ảnh chụp, nay người thật hiện đến, nên đặc biệt thân thiết. Vì vậy, chúng ta thờ tượng Phật đừng nên tùy tiện thay đổi, chọn bức tượng nào chính mình ưa thích, suốt đời thờ phượng bức tượng ấy, Quán Hạnh sẽ dễ dàng đắc lực.
Chúng ta xem phần chánh văn, dòng cuối cùng nơi trang ba mươi hai: “Quán Hạnh Phật giả, quán Phật tướng hảo” (Quán Hạnh Phật là quán tướng hảo của Phật), đó là thường xuyên tưởng Phật. Chúng ta tưởng Phật sẽ chẳng dấy vọng tưởng. Tâm phàm phu có thể tưởng, nếu quý vị chẳng tưởng Phật, sẽ suy nghĩ loạn cào cào. Tưởng những chuyện khác sẽ tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo; tưởng A Di Đà Phật là tạo tịnh nghiệp vãng sanh Tây Phương, quan hệ quá lớn! Vì thế, chúng ta chẳng tưởng Phật thì tưởng ai đây? Đối với tượng Phật, câu tiếp theo ghi là “như chú kim tượng” (như tượng đúc bằng vàng), “chú” là “chú tạo” (鑄造: đúc). Tượng vàng: Vào thời cổ, tượng Phật đẹp đẽ được làm theo lối “lưu kim” (鎏金: mạ vàng)[2], tức là [tượng được đúc bằng] hợp kim, “hợp kim” là vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc hòa lẫn, đúc thành tượng Phật; sau khi đúc xong, mặt ngoài tượng lại được thếp vàng. Nói thật ra, đối với tượng như vậy, điều khẩn yếu là chúng ta tu Quán Tưởng, tu Quán Tưởng thì chẳng cần thờ những tượng quý báu như vậy. Vì sao? Trong xã hội xưa kia thì được, xã hội an định, lòng người hồn hậu. Hiện thời, trong nhà quý vị cất chứa bảo vật, phường trộm vặt hoặc bọn cướp lớn đều chú ý, đâm ra chuốc lấy rất nhiều nỗi phiền phức. Chính mình bận tâm lo lắng, sự tu hành bị trở ngại. Nay chúng ta thờ phượng tượng Phật, thờ tượng bằng tranh in màu; hễ quý vị cần, sẽ tặng cho quý vị một bức, chúng tôi có nhiều lắm. Vì vậy nói là “chẳng cần phải bận lòng”. Cũng chớ nên tích trữ những thứ đồ cổ, rất phiền phức, đem lại cho chính mình rất nhiều nỗi lo nghĩ! Tượng Phật thì nhất định phải chọn tượng chính mình ưa thích, chứ người khác ưa thích, ta không ưa thích, ta ưa thích, người khác chưa chắc đã ưa thích. Chọn bức nào chính mình ưa thích để thờ, đó là điều tốt đẹp.
“Tâm duyên diệu sắc, dữ nhãn tác đối” (Tâm duyên sắc tướng mầu nhiệm, mắt thường ngắm nhìn), dạy quý vị hãy thường ngắm. So ra, người hiện thời có chỗ thuận tiện hơn cổ nhân, mà cũng có chỗ chẳng bằng cổ nhân. Chỗ không bằng là đạo đức trong xã hội suy vi, xã hội chẳng an định, đó là chỗ thua kém cổ nhân. Khoa học kỹ thuật phát triển, đem lại rất nhiều tiện lợi, đó là chỗ cổ nhân chẳng bằng người hiện thời. Chẳng hạn như nói đến kinh bổn, cổ nhân có được một quyển kinh chẳng dễ dàng, quá khó khăn! Chúng ta ở Đài Loan, về phương diện này quả thật là đang hưởng phước mà chẳng biết chính mình có phước. Chúng ta chẳng coi trọng kinh bổn. Nếu quý vị qua Đại Lục, người học Phật tại Đại Lục thấy có được một quyển kinh sách giống như có được vật quý nhất! Vì sao? Chẳng có được! Chúng tôi đem Đại Tạng Kinh sang Đại Lục, tôi chẳng chính mắt thấy, nhưng xem từ ảnh chụp, họ nghênh tiếp ra sao? Mặc áo dài, đắp y, quỳ sát đất, đội Đại Tạng Kinh trên đầu. Nghênh tiếp như vậy đó, chúng tôi thấy vậy thật sự cảm động. Ở đây, chúng ta bỏ Đại Tạng Kinh lăn lóc, khiến cho người Đại Lục trông thấy trong tâm rất khó chịu! Đó là gì? Họ chẳng có được. Chúng ta có được quá thuận tiện, có được quá dễ dàng. Nay chúng ta gởi kinh sách sang Đại Lục, người ta đều coi như bảo bối. Người ở Đại Lục quá đông, sách quá ít. Tuy những năm qua, chúng ta gởi tặng ba bốn chục vạn quyển sách, [tuy là] ba bốn chục vạn quyển sách, nhưng đến tay họ bèn chẳng thấm vào đâu, chẳng thấy đâu nữa! Cuộc đất quá lớn, người quá đông, vật hiếm hoi bèn [trở thành] quý báu!
Ở Đài Loan, chúng ta in rất nhiều hình Phật tại đây. Quý vị thỉnh mười tấm, hai mươi tấm, chỗ chúng tôi đều có. Trong nhà quý vị, mỗi phòng đều có thể treo hình Phật, mỗi phòng đều có thể thấy Phật, giúp cho quý vị quán tưởng, nhắc nhở quý vị niệm niệm tưởng Phật. Người tu Tịnh Độ thật sự chẳng có gì kỵ húy, trong phòng ngủ cũng có thể treo hình Phật, vì sao? Khiến cho ta suốt ngày từ sáng đến tối trong mười hai thời đều chẳng rời Phật. Vì thế, chẳng cần nói khách sáo, chẳng cần nói tới chuyện cung kính, chẳng cần nói tới chuyện kỵ húy, thảy đều chẳng có. Giữa cha và con còn có kỵ húy chi nữa? Chẳng có kỵ húy! Giữa thầy và trò chẳng có kỵ húy. Không mong vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì phải tôn trọng, phải khách sáo, phòng ngủ là chỗ chẳng sạch sẽ, chớ nên treo [hình Phật]. Thật sự mong vãng sanh Tây Phương thì chẳng cần phải nói tới, vì sao? Ta phải đạt được mục đích của chính mình, trong niệm niệm, ta chẳng rời Phật.
Vì thế, giữa một người cầu sanh Tây Phương và kẻ chẳng cầu sanh Tây Phương, cách thờ phượng tượng Phật khác nhau, chư vị đồng tu phải nhớ điều này. Có rất nhiều người nói “có chỗ nào đó chẳng nên thờ tượng Phật”, nói kiểu đó cũng đúng. Vì sao? Kẻ ấy chẳng sanh về Tây Phương, chẳng mong cầu sanh về Tây Phương, chẳng niệm A Di Đà Phật, [kẻ ấy nói như vậy] là đúng. Phải cung kính, lễ phép đối với tượng Phật. Thật sự mong vãng sanh Tây Phương, sẽ giống như con thơ nương cậy cha mẹ, một bước cũng chẳng chịu rời, kiêng kỵ gì cũng đều chẳng có. Chúng ta và A Di Đà Phật cũng là một bước chẳng rời, chúng ta giống như trẻ nít, phải cậy vào cha mẹ, chẳng thể rời một bước, chẳng trông thấy sẽ không được! Hễ không thấy liền khóc lóc, nên nơi nào cũng đều có thể thờ, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, chư vị đồng tu phải ghi nhớ điều này! Đối với người khác, chúng ta cũng phải nói với họ như vậy: Họ chẳng niệm Phật, chẳng cầu về Tây Phương Tịnh Độ, họ tu những pháp môn khác, hãy nên thờ tượng trong Phật đường, hoặc thờ tại phòng khách trong nhà, chớ nên thờ tùy tiện. Nếu người ấy trong một đời này thật sự mong cầu sanh về Tây Phương, quý vị liền bảo người ấy: Chỗ nào cũng có thể thờ, trừ phòng vệ sinh hoặc nhà xí là chỗ chẳng sạch sẽ, chớ nên thờ tượng Phật ra, chỗ nào cũng đều có thể thờ được!
“Khai nhãn bế mục, nhược minh, nhược ám, thường đắc bất ly kiến Phật Thế Tôn” (Nhắm mắt, mở mắt, dù sáng, hay tối, thường chẳng rời thấy Phật Thế Tôn). Mở mắt, nhắm mắt, ban ngày, buổi tối, thời thời khắc khắc chẳng lìa A Di Đà Phật. Vì sao? Nếu chẳng tưởng A Di Đà Phật, nhất định sẽ suy nghĩ loạn xạ; chúng ta dùng phương pháp này để xóa sạch hết thảy vọng tưởng, chấp trước. Do đó, đây là một phương pháp để khôi phục tự tánh thanh tịnh tâm. Trong tất cả các pháp môn, phương pháp này thù thắng nhất, xảo diệu nhất. Hiện thời, khoa học kỹ thuật phát triển, cổ nhân chẳng có cách nào hưởng thụ chuyện này: Dùng băng thâu âm để niệm Phật hiệu, đó là một phương pháp. Vì thế, người thật sự niệm Phật, trong gia đình quý vị hoặc trong đạo tràng, một câu A Di Đà Phật trong mười hai thời chẳng gián đoạn. Ngày đêm chẳng thể gián đoạn, chẳng thể nói là buổi tối đi ngủ liền gián đoạn, chẳng được! Trong quá khứ, đạo tràng Tịnh Độ Tông là Niệm Phật Đường. Trong Niệm Phật Đường, Phật hiệu quyết định chẳng bị gián đoạn; hễ gián đoạn, sẽ chẳng gọi là đạo tràng niệm Phật. Ban đêm thì làm như thế nào? Ban đêm bèn luân lưu niệm, bốn người một ban, luân phiên niệm. Vì thế, ban đêm Phật hiệu cũng chẳng gián đoạn. Suốt một năm từ đầu năm cho đến cuối năm đều chẳng gián đoạn. Họ chia thành ban, ban nào trực thì nhất định phải niệm. Chẳng thuộc ban đến phiên trực, nhưng nếu quý vị ngủ ít bèn có thể tùy hỷ niệm, quý vị có thể cùng niệm với họ, nhưng người trực ban nhất định phải niệm. Dùng phương pháp ấy để niệm Phật hiệu không ngừng.
Nay chúng ta ít người, chẳng có cách nào luân phiên, chúng ta có thể dùng băng thâu âm. Nhất là hiện thời có máy niệm Phật quá tiện, chẳng cần dùng băng, niệm suốt ngày đêm chẳng bị hư. Quý vị chẳng ngại gì thử coi một cái máy niệm Phật dùng được bao lâu? Sau khi mở máy lên, chẳng cần tắt đi, để máy niệm suốt ngày đêm. Âm thanh chớ nên mở quá lớn. Quá lớn sẽ quấy rầy người khác làm việc. Âm thanh khe khẽ, dường như có, dường như không, hễ tâm tĩnh lặng, liền ngay lập tức nghe thấy Phật hiệu. Trong khi quý vị đang có chuyện gì [phải làm hay phải suy nghĩ, tiếng niệm Phật] cũng chẳng gây trở ngại, như vậy là tốt đẹp, gia đình là đạo tràng. Đó là lợi dụng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện tại [để niệm Phật không gián đoạn].
Kế đó, sách viết: “Tùng đại tướng hải, lưu xuất tiểu tướng, hạo hạo dạng dạng như đại kiếp thủy, châu mâu biến lãm, vô phi Phật giới” (Từ biển cả có tướng to lớn, lưu xuất tướng nhỏ, mênh mông, bát ngát như nước ngập khi đại kiếp (thủy tai), mắt nhìn trọn khắp, không gì chẳng phải là Phật giới). “Đại tướng” (大相) là Báo Thân của Phật. Trong kệ tán Phật, chúng ta đã ca ngợi A Di Đà Phật: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, đó là “đại tướng” (tướng to lớn). Từ Phật tướng, tôi vừa mới nói Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, bạch hào phóng vô lượng quang, trong quang minh lại hóa ra vô lượng Phật, Hóa Phật liền lưu xuất tiểu tướng, tận hư không khắp pháp giới đều là A Di Đà Phật. Như tượng Phật chúng ta đang thờ, trong Phật đường chúng ta thờ một tượng A Di Đà Phật to, trong mỗi góc bày một tượng A Di Đà nhỏ. Chúng ta cũng in ra rất nhiều hình A Di Đà nhỏ, để bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào, cũng đều có thể thờ phượng. Chung quanh bốn phía của một Niệm Phật Đường thật sự đều bày tượng A Di Đà Phật, bất luận quý vị chuyển đến phương hướng nào, mắt quý vị đều thấy A Di Đà Phật, đó là đúng. Niệm Phật Đường xưa kia vì dùng tượng đắp, chỉ đắp một tượng thờ tại đó, chẳng có cách nào khiến cho khắp mọi nơi đều trông thấy. Hiện thời, chúng ta dùng phương pháp in ảnh chụp nên có thể làm cho mỗi góc đều có hình Phật, bất luận chuyển đến chỗ nào cũng đều có thể trông thấy A Di Đà Phật.
Đối với hoàn cảnh chung quanh, trong sân, chúng ta chẳng có nhiều tượng Phật như vậy. Hiện thời chúng ta có in danh hiệu Phật, in những tấm dán (sticker) ghi “Nam-mô A Di Đà Phật”. Đối với phạm vi chung quanh, bốn phía đều có thể dán, bất luận đi đến đâu đều trông thấy A Di Đà Phật. Đài Loan là một đại hoàn cảnh, quý vị thấy ở Đài Loan đi đến đâu, quý vị đều thấy trụ điện hay vách tường nào cũng đều dán Nam-mô A Di Đà Phật. Hiện thời, tôi thấy xe taxi, xe hơi của tư nhân cũng có không ít chiếc đằng trước lẫn đằng sau đều dán A Di Đà Phật, giúp cho Quán Hạnh chúng ta. Chuyện này thật sự đáng đề xướng, nhưng ở ngoại quốc, dán lung tung khắp nơi thì không được, phạm pháp! Tại Đài Loan, dán A Di Đà Phật, ngay cả cảnh sát cũng hoan nghênh, Đài Loan đúng là Phật quốc. Hy vọng là ở Đài Loan, mỗi góc, mỗi con đường, chúng ta đều có thể thấy tượng và danh hiệu A Di Đà Phật. Dán danh hiệu A Di Đà Phật rất phổ biến, nhưng dán hình A Di Đà Phật vẫn chưa có ai đề xướng. Hy vọng các đồng tu trong hội này đều nỗ lực đề xướng, in loại hình A Di Đà Phật có thể dán được, sẽ càng tốt hơn, càng dễ dàng thuận tiện đối với Quán Hạnh, thật sự thực hiện “mắt thấy trọn khắp”. Mắt chúng ta thấy trọn khắp, không đâu chẳng phải là cõi Phật! “Niệm nhất Phật, dữ thập phương Phật đẳng. Niệm hiện tại Phật, dữ tam thế Phật đẳng, nhất thân, nhất trí huệ, lực vô úy diệc nhiên. Niệm sắc thân, niệm pháp môn, niệm Thật Tướng” (Niệm một vị Phật giống như niệm mười phương Phật. Niệm vị Phật hiện tại giống như niệm tam thế Phật. Một thân, một trí huệ, lực, vô úy cũng vậy. Niệm sắc thân, niệm pháp môn, niệm Thật Tướng). Đó là lúc thật sự dụng công tu hành đắc lực. À! Chúng ta tạm nghỉ, nghỉ mấy phút.
[1] “Bồi” ở đây là dán bức vẽ lên một tờ giấy khác dày hơn, to hơn, thường là dán thêm một lớp vải hoặc lụa tạo thành khung bao quanh bức vẽ, hai đầu gắn trục gỗ để dễ cuộn lại, hoặc khi treo lên, trục gỗ sẽ kéo căng bức tranh ra.
[2] “Lưu kim” còn gọi là Phi Kim (飛金), hoặc Kim Tích (金錫), tức là cách thếp vàng trên tượng đúc bằng hợp kim trong truyền thống tạo hình mỹ thuật thuở trước, trong khi đó “thiếp kim” có ý nghĩa rộng hơn. Thiếp kim là mạ vàng trên bất cứ vật liệu nào. Tượng được “thiếp kim” (貼金: thếp vàng) có thể bằng gỗ, đá, hoặc ngọc quý. Để mạ tượng kim loại, trước hết mặt tượng phải được tẩy sạch những chỗ oxide hóa, các chất bẩn v.v… Hòa vàng và thủy ngân theo tỷ lệ 1:7 để trở thành một dung dịch lỏng, gọi là “hỗn hống” (混汞). Bôi đều chất lỏng ấy lên mặt tượng rồi nung khói nhẹ để thủy ngân bay hơi, chỉ còn lại vàng. Sau đó là đánh bóng.