Tập 27/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 27

 

Xin mở kinh bổn, trang hai trăm hai mươi bảy, xem phần Thượng Phẩm Hạ Sanh.

 

Thượng phẩm hạ sanh giả, diệc tín nhân quả, bất báng Đại Thừa, đản phát vô thượng đạo tâm, dĩ thử công đức hồi hướng, nguyện cầu sanh Cực Lạc quốc.

上品下生者。亦信因果 。不謗大乘。但發無上道心。

以此功德迴向。願求生極樂國。

(Thượng phẩm hạ sanh cũng tin nhân quả, chẳng báng Đại Thừa, chỉ phát đạo tâm vô thượng. Đem công đức ấy hồi hướng, nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc).

 

Kinh văn nói rất rõ rệt: Phải phát Bồ Đề tâm. “Vô thượng đạo tâm” là phát Bồ Đề tâm. Chúng ta lật qua xem phần kinh văn trong trang hai trăm hai mươi tám, từ dòng thứ hai đếm ngược lại.

 

Hành giả mạng dục chung thời, A Di Đà Phật, cập Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, dữ chư Bồ Tát, trì kim liên hoa, hóa tác ngũ bách Phật lai nghênh thử nhân. Ngũ bách hóa Phật nhất thời thọ thủ, tán ngôn: “Pháp tử! Nhữ kim thanh tịnh, phát vô thượng đạo tâm, ngã lai nghênh nhữ”.

行者命欲終時。阿彌陀佛 。及觀世音大勢至。與諸菩

薩。持金蓮華 。化作五百佛來迎此人 。五百化佛一時授手

。讚言法子。汝今清淨。發無上道心。我來迎汝。

(Khi hành giả sắp mạng chung, A Di Đà Phật, và Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, cùng các vị Bồ Tát, cầm hoa sen vàng, hóa thành năm trăm vị Phật đến đón người ấy. Năm trăm vị hóa Phật đồng thời xòe tay, khen rằng: “Pháp tử! Nay ngươi thanh tịnh, phát vô thượng đạo tâm, ta đến đón ngươi”).

 

Đoạn này nói tới duyên. Trong phần Trung Phẩm trên đây, kinh nói có một ngàn vị Phật, A Di Đà Phật và một ngàn vị hóa Phật đến đón tiếp, chỗ này số lượng Phật ít hơn một nửa, hóa thành năm trăm vị Phật đến đón người ấy. Nếu ở đây, chúng ta hỏi: “Có phải là A Di Đà Phật cũng phân biệt, chấp trước hay không? Vì sao thượng phẩm hóa Phật nhiều, hạ phẩm hóa Phật ít hơn, có phải là Ngài cũng có phân biệt, chấp trước?” Ắt cần phải biết: Khi vãng sanh, Phật, Bồ Tát đến đón tiếp là thật; nhưng số lượng Phật, Bồ Tát nhiều hay ít là do chính tâm chúng ta cảm, Phật, Bồ Tát bèn tự nhiên ứng. Chắc chắn là A Di Đà Phật chẳng có phân biệt, chấp trước. Thấy những vị Phật ấy, vẫn do tự tánh Di Đà của chúng ta biến hóa đến đón. Vì thế, hết thảy xác thực là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nói chung, chẳng lìa khỏi sự cảm ứng từ nơi tâm tánh của chính mình! Phẩm vị càng thấp, số người đến đón càng ít. Phẩm vị càng cao, thấy cảnh giới càng thù thắng, đó là lẽ tự nhiên. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, xác thực là có bốn cõi, chín phẩm sai biệt. Trong mỗi cõi đều có ba bậc, chín phẩm, có sự sai biệt ấy! Nhưng chúng ta đọc Đại Kinh, thấy nói dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thần thông, đạo lực, các thứ thụ dụng chẳng sai khác [so với các phẩm khác]; sau khi đã tới Tây Phương, chẳng có sai biệt. Đó là do thần lực của Phật Di Đà gia trì, nên thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. “Bình đẳng” nghĩa là bình đẳng về sự thụ dụng trong cuộc sống vật chất, chứ nội tâm đoạn phiền não, chứng Bồ Đề, chẳng có cách nào bình đẳng được! A Di Đà Phật chẳng thể giúp được, chính mình phải đổ công, dốc sức!

Đoạn kinh văn kế tiếp nói về sự vãng sanh.

 

Kiến thử sự thời, tức tự kiến thân tọa kim liên hoa, tọa dĩ hoa hợp, tùy Thế Tôn hậu, tức đắc vãng sanh thất bảo trì trung.

見此事時 。即自見身坐金蓮華。坐已華合。隨世尊後

。即得往生七寶池中。

(Khi thấy việc ấy, liền tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen vàng, ngồi xong, hoa khép lại, theo sau đức Thế Tôn, liền được vãng sanh trong ao bảy báu).

 

Đây là hiện tượng vãng sanh.

 

Nhất nhật nhất dạ, liên hoa nãi khai. Thất nhật chi trung, nãi đắc kiến Phật. Tuy kiến Phật thân, ư chúng tướng hảo, tâm bất minh liễu, ư tam thất nhật hậu, nãi liễu liễu kiến, văn chúng âm thanh, giai diễn diệu pháp, du lịch thập phương, cúng dường chư Phật, ư chư Phật tiền, văn thậm thâm pháp, kinh tam tiểu kiếp, đắc bách pháp minh môn, trụ Hoan Hỷ Địa.

一日一夜 。蓮華乃開。七日之中。乃得見佛。雖見佛

身。於眾相好 。心不明了 。於三七日後。乃了了見。聞眾

音聲。皆演妙法 。遊歷十方。供養諸佛 。於諸佛前。聞甚

深法。經三小劫。得百法明門。住歡喜地。

(Qua một ngày, một đêm, hoa sen bèn nở, trong vòng bảy ngày bèn được thấy Phật. Tuy thấy thân Phật, nhưng đối với các tướng hảo, tâm chẳng hiểu rõ. Sau hai mươi mốt ngày, bèn thấy rõ ràng. Nghe các âm thanh, đều diễn diệu pháp, dạo khắp mười phương, cúng dường chư Phật. Đối trước chư Phật, nghe pháp rất sâu, qua ba tiểu kiếp, đắc bách pháp minh môn, trụ Hoan Hỷ Địa).

 

Nói về người thượng phẩm hạ sanh, sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới. Sau một ngày một đêm, hoa nở, thấy Phật. Tuy thấy Phật, nghe pháp, trọn chẳng thể lập tức khai ngộ, phải trải qua hai mươi mốt ngày, người ấy mới hiểu rõ. Sau ba tiểu kiếp mới minh tâm kiến tánh, thật sự chứng đắc quả vị Sơ Địa. Chúng ta thấy thời gian này cũng rất dài, phải trải qua ba tiểu kiếp; trên thực tế, người trong thế giới Tây Phương thọ mạng là vô lượng thọ. Từ vô lượng thọ mà nhìn ba tiểu kiếp, sẽ giống như chúng ta trong cõi này thọ trăm tuổi nhìn ba giờ, thậm chí còn chưa đến! Chỉ sợ là chỉ được ba mươi phút. Do thọ mạng của họ dài lâu, họ thấy ba tiểu kiếp rất ngắn, thời gian quá ngắn. Pháp môn này xác thực là pháp môn thành tựu trong một đời.

Câu cuối cùng là tổng kết, hàng thứ nhất trong trang hai trăm ba mươi mốt.

 

Thị danh thượng phẩm hạ sanh giả, thị danh thượng bối sanh tưởng, danh đệ thập tứ quán.

是名上品下生者。是名上輩生想。名第十四觀。

(Đó gọi là thượng phẩm hạ sanh, là phép quán tưởng vãng sanh trong bậc thượng, gọi là phép Quán thứ mười bốn).

 

Phép Quán thứ mười bốn nói về ba bậc thượng. Tiếp theo là phép Quán thứ mười lăm, nói về trung phẩm vãng sanh, có trung phẩm thượng sanh, trung phẩm trung sanh, và trung phẩm hạ sanh.

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: – Trung phẩm thượng sanh giả, nhược hữu chúng sanh, thọ trì Ngũ Giới, trì Bát Giới Trai, tu hành chư giới, bất tạo Ngũ Nghịch, vô chúng quá hoạn. Dĩ thử thiện căn hồi hướng, nguyện cầu sanh ư Tây Phương Cực Lạc thế giới.

佛告阿難及韋提希 。中品上生者。若有眾生。受持五

戒。持八戒齋 。修行諸戒。不造五逆 。無眾過患。以此善

根迴向。願求生於西方極樂世界。

(Phật cáo A Nan và Vi Đề Hy: – Trung phẩm thượng sanh là nếu có những chúng sanh thọ trì Ngũ Giới, trì Bát Quan Trai Giới, tu hành các giới, chẳng tạo Ngũ Nghịch, không phạm các lỗi lầm. Dùng thiện căn ấy hồi hướng, nguyện cầu sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới).

 

Đây là nói đến sự tu nhân. Do vậy có thể biết, thượng phẩm thiên về đọc tụng Đại Thừa; xét ra, trung phẩm tợ hồ là hàng Nhị Thừa, tức người Tiểu Thừa hồi Tiểu hướng Đại, trì giới, niệm Phật thuộc loại này. Người ấy có thể thọ trì Ngũ Giới. Ngũ Giới là căn bản giới trong Phật pháp, bất luận xưa nay, tức là nói về thời gian, bất luận tại Ấn Độ xưa kia, hay tại Trung Hoa hiện thời, cho đến đối với những quốc gia, dân tộc khác, đây là quan niệm đạo đức cơ bản, đều ắt cần phải tuân thủ. Chẳng có chuyện coi sát sanh là thiện hạnh, chẳng có đạo lý ấy. Chẳng hề nói trộm cắp là chuyện tốt đẹp, xưa nay trong ngoài nước đều chẳng chấp nhận. Do đó, giết, trộm, dâm, dối, uống rượu chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Trên thế giới này, trong hiện tại tuy bán rượu, nhưng đối với loại rượu nhẹ, cũng đưa ra cảnh cáo “rượu chẳng phải là thứ tốt lành!” Có thể thấy năm điều trong ngũ giới xác thực là siêu việt thời gian và không gian, được hết thảy chúng sanh công nhận là thiện hạnh, ắt phải tuân thủ. Những quy phạm khác trong cuộc sống có thể nói là do thời điểm, do con người, do địa phương khác nhau, mà chế định như vậy. Tinh thần cơ bản của chúng là “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”, đoạn ác tu thiện, là những quy định, khuôn phép nhằm kiềm chế bản thân và xử thế. “Vô chúng quá hoạn” nghĩa là trì giới rất thanh tịnh. Dùng thiện căn ấy để hồi hướng, cầu sanh Tây Phương. Đó là cái nhân của trung phẩm thượng sanh.

 

Lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư tỳ-kheo, quyến thuộc vi nhiễu, phóng kim sắc quang, chí kỳ nhân sở, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, tán thán xuất gia, đắc ly chúng khổ. Hành giả kiến dĩ, tâm đại hoan hỷ, tự kiến kỷ thân tọa liên hoa đài, trường quỵ, hợp chưởng, vị Phật tác lễ. Vị cử đầu khoảnh, tức đắc vãng sanh Cực Lạc thế giới, liên hoa tầm khai, đương hoa phu thời, văn chúng âm thanh, tán thán Tứ Đế. Ứng thời, tức đắc A La Hán đạo, tam minh, lục thông, cụ bát giải thoát. Thị danh trung phẩm thượng sanh giả.

臨命終時。阿彌陀佛 。與諸比丘眷屬圍繞。放金色光

。至其人所 。演說苦空無常無我 。讚歎出家。得離眾苦。

行者見已 。心大歡喜。自見己身坐蓮華臺 。長跪合掌。為

佛作禮 。未舉頭頃。即得往生極樂世界 。蓮華尋開。當華

敷時。聞眾音聲 。讚歎四諦。應時即得阿羅漢道三明六

通。具八解脫。是名中品上生者。

(Khi lâm chung, A Di Đà Phật và các tỳ-kheo, quyến thuộc vây quanh, phóng quang minh sắc vàng, chiếu tới chỗ người ấy, diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, tán thán xuất gia được lìa các nỗi khổ. Hành giả thấy rồi, tâm đại hoan hỷ, tự thấy chính mình ngồi trên đài hoa sen, quỳ thẳng[1], chắp tay, làm lễ đức Phật. Trong khoảng chưa ngẩng đầu lên, liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hoa sen vừa nở, đang trong lúc hoa nở, nghe các âm thanh, tán thán Tứ Đế. Ngay khi ấy, liền đắc A La Hán đạo. Tam minh, lục thông, trọn đủ tám món giải thoát[2], gọi là trung phẩm thượng sanh).

 

Nói rõ lợi ích vãng sanh. Xét theo đoạn kinh văn này, và xem phần sau, quả vị Tiểu Thừa hết sức rõ rệt. Người căn tánh Tiểu Thừa trì giới niệm Phật, hồi hướng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, đắc quả vị như vậy.

Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp trong trang hai trăm ba mươi bốn.

 

Trung phẩm trung sanh giả, nhược hữu chúng sanh, nhược nhất nhật nhất dạ, trì Bát Giới Trai, nhược nhất nhật nhất dạ, trì Sa Di Giới, nhược nhất nhật nhất dạ, trì Cụ Túc Giới.

中品中生者。若有眾生 。若一日一夜。持八戒齋。若

日一夜。持沙彌戒。若一日一夜。持具足戒。

(Trung phẩm trung sanh là nếu có các chúng sanh, trong một ngày một đêm trì Bát Quan Trai Giới, hoặc một ngày một đêm trì Sa Di Giới, hoặc một ngày một đêm trì Cụ Túc Giới).

 

Cụ Túc Giới là giới tỳ-kheo.

 

Oai nghi vô khuyết, dĩ thử công đức hồi hướng, nguyện cầu sanh Cực Lạc quốc, giới hương huân tu.

威儀無缺。以此功德迴向。願求生極樂國。戒香熏修。

(Oai nghi chẳng khuyết, dùng công đức này hồi hướng, nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc, giới hương huân tu).

 

Đến chỗ này là nói về cái nhân vãng sanh. Mười giới là Sa Di Giới. Sa Di Giới và Bát Quan Trai Giới hết sức gần gũi. Bát Quan Trai Giới là tại gia cư sĩ tu giới xuất gia một ngày, một đêm. Thời gian của Bát Quan Trai Giới là hai mươi bốn giờ, nếu muốn thọ lại bèn thọ như mới, có thể thọ mỗi ngày. Nếu chẳng có pháp sư, có thể đối trước hình tượng Phật, Bồ Tát để tự thọ giới này. [Bát Quan Trai Giới] có tám giới điều giống Sa Di Giới, [nhưng còn kèm thêm] một điều là Trai. Trai (齋) là “quá trung bất thực” (sau giữa trưa không ăn), Trung (中) là giữa trưa. Giữa trưa mỗi ngày [xảy ra] vào thời điểm khác nhau, qua khỏi giữa trưa chẳng ăn. Nếu qua khỏi giữa trưa mà ăn thứ gì đó sẽ là phá trai, Bát Quan Trai Giới bị phá hỏng. Nói thật ra, trai giới này cũng chẳng dễ trì cho lắm. Buổi chiều chỉ có thể uống nước, ngay cả những thức uống khác cũng chẳng được dùng. Vì nói theo trai giới, trong thức uống chẳng thể có chất trầm lắng. Nếu để một lát, nó lắng xuống thì không được dùng. Sữa trầm lắng, sữa đậu nành cũng trầm lắng, nước trái cây cũng trầm lắng. Mật chẳng trầm lắng, mật hòa vào nước, sẽ chẳng trầm lắng, nên có thể dùng. Nước đường có thể dùng. Chú trọng trai, giữa trưa ăn một bữa, đó là Trai. Nếu sáng sớm ăn thêm một bữa cũng là phá trai, không được! Chắc chắn là giữa trưa ăn một bữa.

Do đó, có rất nhiều đồng tu trì ngọ. Nói thật ra, trì ngọ có tất yếu hay không? Chư vị phải hiểu trai giới là hình thức, mục đích là đắc tâm thanh tịnh, mục đích ở chỗ này! Trì trai giới rất nghiêm, nhưng tâm chẳng thanh tịnh, trai giới bèn là phước báo hữu lậu trong thế gian, chẳng phải là cái nhân để vãng sanh. Nếu cái nhân vãng sanh mà nói như vậy thì Tây Phương Cực Lạc thế giới hoàn toàn nói theo bề ngoài, chắc chắn là nói chẳng suông, nói theo lý luận chẳng thể thông suốt được! Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ. Buổi tối ăn ít chắc chắn có lợi cho bản thân. Cổ nhân chủ trương ẩm thực như thế này: Sáng sớm ăn ngon, buổi trưa ăn no, buổi tối ăn ít. Buổi tối có thể chẳng ăn, đích xác là hết sức tốt. Người hiện thời có thói quen khác hẳn, buổi tối đến nửa đêm còn phải có bữa ăn khuya. Nhất là người ngoại quốc, bữa ăn chánh trong ngày của người ngoại quốc là bữa tối. Bữa chánh của người Hoa là bữa trưa, bữa chánh của người ngoại quốc là cơm tối. Bữa tối ăn rất nhiều, ăn rất ngon, vì buổi trưa quá nửa là phải đi làm, tùy tiện ăn chút gì đó, đó là do thói quen ẩm thực và sinh hoạt khác nhau. Phải hiểu ẩm thực trong nhà Phật vẫn là nhằm giúp chúng ta tu Định, giúp cho tâm địa thanh tịnh, mục đích ở chỗ này. Đó là nói tới chuyện trì giới niệm Phật.

 

Như thử hành giả, mạng dục chung thời, kiến A Di Đà Phật, dữ chư quyến thuộc, phóng kim sắc quang, trì thất bảo liên hoa, chí hành giả tiền. Hành giả tự văn không trung hữu thanh, tán ngôn: “Thiện nam tử! Như nhữ thiện nhân, tùy thuận tam thế chư Phật giáo, cố ngã lai nghênh nhữ”.

如此行者。命欲終時 。見阿彌陀佛。與諸眷屬。放金

色光。持七寶蓮華 。至行者前。行者自聞空中有聲 。讚言

善男子。如汝善人。隨順三世諸佛教。故我來迎汝。

(Hành giả như thế lúc sắp mạng chung, thấy A Di Đà Phật và các quyến thuộc phóng quang minh sắc vàng, cầm hoa sen bảy báu, đến trước hành giả. Hành giả tự nghe trong hư không có tiếng khen ngợi rằng: “Này thiện nam tử! Như ông là thiện nhân, tùy thuận lời dạy của tam thế chư Phật, nên ta đến đón ông”).

 

Ở đây, chúng ta lại thấy một câu kinh văn,  “tùy thuận tam thế chư

Phật giáo”. Trì giới niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, quá khứ, hiện tại, vị lai hết thảy chư Phật đều giáo hóa chúng sanh như vậy, khuyên hết thảy chúng sanh trì giới niệm Phật, vãng sanh thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật, đó là lời dạy của tam thế chư Phật.

 

Hành giả tự kiến tọa liên hoa thượng, liên hoa tức hợp, sanh ư Tây Phương Cực Lạc thế giới.

行者自見坐蓮華上。蓮華即合。生於西方極樂世界。

(Hành giả tự thấy ngồi trên hoa sen, hoa sen liền khép lại, sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới).

 

Đây là vãng sanh.

 

Tại bảo trì trung, kinh ư thất nhật, liên hoa nãi phu. Hoa ký phu dĩ, khai mục, hợp chưởng, tán thán Thế Tôn, văn pháp hoan hỷ, đắc Tu Đà Hoàn. Kinh bán kiếp dĩ, thành A La Hán. Thị danh trung phẩm trung sanh giả.

在寶池中 。經於七日。蓮華乃敷。華既敷已。開目合

掌。讚歎世尊 。聞法歡喜 。得須陀洹。經半劫已。成阿羅

漢。是名中品中生者。

(Ở trong ao báu, trải qua bảy ngày, hoa sen mới nở. Hoa đã nở, bèn mở mắt, chắp tay, tán thán đức Thế Tôn, nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Đà Hoàn. Trải qua nửa kiếp, thành A La Hán. Đây là trung phẩm trung sanh).

 

Phẩm vị này càng thấp hơn phẩm vị trước, tình hình tiếp dẫn cũng kém trước rất nhiều. Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải qua nửa kiếp mới có thể chứng quả A La Hán. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có A La Hán, cũng chẳng có Tu Đà Hoàn, chúng ta đã đọc thấy điều này trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh nói những danh từ ấy đều là tỷ dụ quả vị của họ bằng với Tu Đà Hoàn và A La Hán trong các thế giới phương khác. Tu Đà Hoàn là đoạn hết Kiến Hoặc, A La Hán là đoạn hết Tư Hoặc. Xét theo quả vị của Đại Thừa Bồ Tát, Tu Đà Hoàn tương đương địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo, A La Hán tương đương địa vị Thất Tín Bồ Tát. Đạt đến Thất Tín, liền từ cõi Phàm Thánh Đồng Cư vượt lên cõi Phương Tiện, đạt đến cõi Phương Tiện Hữu Dư.

Lại xem đoạn  kế  tiếp, [xem từ] hàng  cuối  cùng  trong  trang  hai

trăm ba mươi lăm.

 

Trung phẩm hạ sanh giả, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, hiếu dưỡng phụ mẫu, hành thế nhân từ, thử nhân mạng dục chung thời, ngộ thiện tri thức, vị kỳ quảng thuyết A Di Đà Phật quốc độ lạc sự, diệc thuyết Pháp Tạng tỳ-kheo tứ thập bát nguyện. Văn thử sự dĩ, tầm tức mạng chung, thí như tráng sĩ khuất thân tý khoảnh, tức sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, kinh thất nhật dĩ, ngộ Quán Thế Âm, cập Đại Thế Chí, văn pháp hoan hỷ, đắc Tu Đà Hoàn, quá nhất tiểu kiếp, thành A La Hán. Thị danh trung phẩm hạ sanh giả, thị danh trung bối sanh tưởng, danh đệ thập ngũ quán.

中品下生者 。若有善男子善女人。孝養父母。行世仁

慈。此人命欲終時 。遇善知識 。為其廣說阿彌陀佛國土樂

事。亦說法藏比丘四十八願 。聞此事已 。尋即命終。譬如

壯士屈伸臂頃 。即生西方極樂世界 。經七日已。遇觀世音

。及大勢至 。聞法歡喜。得須陀洹 。過一小劫。成阿羅漢

。是名中品下生者。是名中輩生想。名第十五觀。

(Trung phẩm hạ sanh là nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hiếu dưỡng phụ mẫu, làm chuyện nhân từ trong cõi đời, khi người ấy mạng chung, gặp thiện tri thức, vì người ấy nói rộng rãi những sự vui thú trong cõi nước của A Di Đà Phật, cũng nói bốn mươi tám nguyện của tỳ-kheo Pháp Tạng. Nghe chuyện ấy xong, ngay lập tức qua đời, ví như trong khoảng tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Qua khỏi bảy ngày, gặp Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Đà Hoàn. Qua khỏi một tiểu kiếp, thành A La Hán. Đây gọi là trung phẩm hạ sanh, là phép quán tưởng vãng sanh trong bậc trung, được gọi là phép Quán thứ mười lăm).

 

Đối với trung phẩm hạ sanh, ở đây kinh văn tỉnh lược, trọn chẳng nói cặn kẽ. Người vãng sanh là thiện nhân theo pháp thế gian, khi lâm chung bèn nghe thiện tri thức vì người ấy thuyết pháp, người ấy có thể tin tưởng. Kinh chẳng nói Phật đến tiếp dẫn. Chúng ta hãy nghĩ xem Phật có thể chẳng đến tiếp dẫn hay không? Chẳng tiếp dẫn thì làm sao người ấy có thể đến Tây Phương Cực Lạc thế giới cho được? Đọc kinh này, nhất định phải tham chiếu gộp lại cả ba kinh để xem, chúng ta mới có thể thấy viên mãn sự thật này, mới có thể đoạn sạch hết thảy nghi hoặc. Trong bốn mươi tám nguyện, quý vị phải ghi nhớ điều này, căn cứ quan trọng nhất của Tây Phương Tịnh Độ là bốn mươi tám nguyện. Hết thảy chư Phật giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu mâu thuẫn hoặc xung đột với bốn mươi tám nguyện, chúng ta chớ nên tin tưởng. Dẫu là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, nhất định phải lấy bốn mươi tám nguyện làm căn cứ. Trong bốn mươi tám nguyện chẳng nói: “Từ trung phẩm hạ sanh trở xuống, ta sẽ không đến tiếp dẫn”, chẳng có câu ấy! Khi lâm chung Phật đến tiếp dẫn chính là bổn nguyện của A Di Đà Phật, Ngài nhất định sẽ đến. Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đức Phật cũng đến tiếp dẫn.

Nhất là trong hiện tại, kể như năm kia, [đối với chuyện vãng sanh của] cư sĩ Châu Quảng Đại ở Washington DC, chúng ta thấy tình hình ấy giống tình hình ở đây. Ông ta thấy Tây Phương Tam Thánh đến tiếp dẫn. Ông ta chẳng nói có nhiều vị Phật, Bồ Tát, mà nói là Tây Phương Tam Thánh từ trên mây giáng xuống tiếp dẫn ông ta vãng sanh. Khi lâm chung, ông ta niệm Phật ba ngày ba đêm, suốt đời chưa từng gặp gỡ Phật pháp, lúc lâm chung gặp thiện tri thức, khuyên ông ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Niệm ba ngày ba đêm, cảm A Di Đà Phật hiện tới. Người này cách chúng ta không xa, cũng là trong vòng một hai năm mà thôi. Có một người vãng sanh như thế, đó là quyết định vãng sanh. Chính ông ta thấy Phật, kể với mọi người “Phật hiện đến”. Ông ta thấy Ngài từ trong mây giáng xuống, chẳng giả, quyết định là thật.

Những chuyện giống như vậy, chúng ta nhất định phải đọc Đại Kinh mới hiểu trong kinh điển có những chỗ tỉnh lược. Ở đây tỉnh lược, nhưng trong kinh kia thì có, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ [có nhiều bản dịch], bản [dịch] này tỉnh lược, nhưng bản [dịch] khác thì có. Có khi bản khác tỉnh lược, mà bản này lại có. Do Thích Ca Mâu Ni Phật nhiều lần tuyên thuyết, nên quả thật, hội tập là chuyện tất yếu. Hội tập giống như tất cả các bản chúng ta đều xem. Do Thích Ca Mâu Ni Phật nhiều lần tuyên thuyết, nên chúng ta đều nghe toàn bộ thì ý nghĩa mới hoàn chỉnh, mới chẳng đến nỗi khuyết hãm! Cũng giống như vậy, gộp ba kinh lại để xem, lại còn phải xem gộp chung tất cả các bản [dịch khác nhau của cùng một kinh]. Như kinh Di Đà, trong bản dịch của Huyền Trang đại sư có những câu mà bản dịch của La Thập đại sư chẳng có, đủ để bổ sung những chỗ chưa đầy đủ trong bản dịch của ngài La Thập. Xem như vậy thì mới có thể thấy hoàn toàn, khiến cho khá nhiều nghi vấn bị đoạn sạch, điều này rất trọng yếu!

Chương cuối cùng là  phép  Quán  thứ  mười  sáu, Hạ  Phẩm  Sanh

Quán. Hạ phẩm vãng sanh chú trọng trì danh. Chúng ta hãy xem kinh văn từ hàng cuối cùng trong trang hai trăm ba mươi tám.

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: – Hạ phẩm thượng sanh giả, hoặc hữu chúng sanh, tác chúng ác nghiệp, tuy bất phỉ báng Phương Đẳng kinh điển, như thử ngu nhân, đa tạo ác pháp, vô hữu tàm quý, mạng dục chung thời, ngộ thiện tri thức, vị thuyết Đại Thừa thập nhị bộ kinh thủ đề danh tự, dĩ văn như thị chư kinh danh cố, trừ khước thiên kiếp cực trọng ác nghiệp. Trí giả phục giáo hợp chưởng xoa thủ, xưng Nam-mô A Di Đà Phật. Xưng Phật danh cố, trừ ngũ thập ức kiếp sanh tử chi tội.

佛告阿難及韋提希。下品上生者 。或有眾生。作眾惡

業。雖不誹謗方等經典 。如此愚人。多造惡法 。無有慚愧

。命欲終時。遇善知識 。為說大乘十二部經首題名字 。以

聞如是諸經名故 。除卻千劫極重惡業 。智者復教合掌叉手

。稱南無阿彌陀佛。稱佛名故。除五十億劫生死之罪。

(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: – Hạ phẩm thượng sanh: Hoặc có chúng sanh làm các nghiệp ác, tuy chẳng phỉ báng kinh điển Phương Đẳng, nhưng kẻ ngu như thế tạo nhiều ác pháp, chẳng hề hổ thẹn. Lúc sắp mất, gặp thiện tri thức bảo cho biết tên gọi, tựa đề của mười hai thể loại kinh Đại Thừa. Do nghe tên các kinh như thế, trừ ác nghiệp cực nặng trong ngàn kiếp. Bậc trí lại dạy chắp tay, xưng niệm Nam-mô A Di Đà Phật. Do xưng danh hiệu Phật, trừ tội trong năm mươi ức kiếp sanh tử).

 

Từ đoạn này là nói về cái nhân vãng sanh. Do nhìn từ sự tu nhân, có thể nói là bậc thượng và bậc trung vãng sanh đều là tu phước, ba bậc vãng sanh trong hạ phẩm đều là chúng sanh tạo tác tội nghiệp. Hai bậc trước đều là tu phước, là thiện nhân quân tử, là người có đạo đức trên thế gian, ba loại hạ này là những kẻ tạo tội nghiệp cạn hay sâu khác nhau. Thượng phẩm thì tội nghiệp tương đối cạn, càng đi xuống, tội nghiệp càng nặng hơn. Đương nhiên là họ chẳng thể tu Quán, quán tưởng hay quán Phật đều chẳng làm được. Thiện hữu dạy kẻ ấy trì danh niệm Phật. Ở đây, chúng ta ắt cần phải biết một sự thật, những phương pháp quán tưởng và quán tượng, người nghiệp chướng rất nặng chẳng thể tu, chẳng có cách nào tu được, nhưng chấp trì danh hiệu có thể độ kẻ ấy. Quý vị hãy suy nghĩ: Giữa ba phương pháp niệm Phật ấy, tức là so giữa quán tưởng, quán tượng và trì danh, loại nào thù thắng? Hãy nên biết điều này! Hết thảy các phương pháp chẳng thể độ được, nhưng phương pháp này có thể độ, [chứng tỏ] phương pháp này thù thắng bậc nhất, phải biết điều này. Do đó, trong mười sáu phép Quán có nói đến phương pháp này, pháp thù thắng khôn sánh là trì danh niệm Phật. Trì danh niệm Phật có thể độ chúng sanh khổ sở cùng cực trong địa ngục, những loại [chúng sanh] khác chẳng cần phải nói nữa! Do đều độ được, nên mười phương tam thế hết thảy chư Phật, Bồ Tát, chẳng có vị nào không đề xướng trì danh.

Kinh Vô Lượng Thọ đề xướng trì danh niệm Phật, kinh A Di Đà cũng đề xướng trì danh niệm Phật. Vì sao không đề xướng quán tưởng và quán tượng? Quý vị đã biết: Dùng các phương pháp ấy mà có thể vãng sanh, là để độ người nghiệp chướng tương đối nhẹ; còn kẻ nghiệp chướng sâu nặng, phải cậy vào phương pháp này, chứ hai phương pháp trước chẳng thể độ. Phương pháp này mới là pháp môn phương tiện thù thắng khôn sánh, thành tựu hết thảy chúng sanh.

Giáo pháp viên đốn chủ trương: Dẫu tội nghiệp nặng nề nhất, sám hối đều có thể diệt trừ; bởi lẽ, một niệm hồi tâm bèn có thể cảm ứng đạo giao cùng Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng một người mà gặp được thiện tri thức trong một đời rất khó khăn. Nói thật ra là do thiện căn, phước đức, nhân duyên trong nhiều đời đã chín muồi. Thầy và trò cũng lại như thế: Một vị thầy tốt chỉ có thể gặp, chứ không thể cầu, chúng ta đến đâu để tìm? Tìm chẳng thấy! Thầy muốn tìm học trò để truyền pháp cũng chẳng tìm được. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư suốt một đời chỉ truyền được một người là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, truyền có một người! [Thầy] có bao giờ chẳng mong truyền được nhiều người, nhưng tìm không ra, đấy là cơ duyên, nên tìm không thấy. Thuở ấy, thầy Lý ở Đài Trung, mỗi lần tôi gặp thầy đều khuyên lão nhân gia truyền thêm cho mấy người. Vì chúng tôi ở ngoài giảng kinh rất vất vả, luôn cảm thấy quá cô đơn, sư huynh, sư đệ đông hơn một tí thì hay hơn, có thể giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nói lời ấy nói chung là mười mấy lượt, hoặc hai mươi lượt. Mỗi lần nói xong, thầy đều gật gù: “Đúng lắm!” Lần cuối tôi nói với thầy, thầy bảo tôi: “Anh hãy tìm học trò giùm cho tôi!” Từ đấy trở đi, tôi không nói nữa, tôi đã biết rồi! Tìm không thấy! Đến nơi đâu để tìm? Học trò phải thỏa điều kiện gì? Phục tùng một trăm phần trăm, tôi tìm ở đâu ra? Tôi tìm không thấy. Trong xã hội hiện thời, tìm một học sinh nghe lời như vậy, xác thực là tìm chẳng thấy!

Các đồng tu theo tôi xuất gia, nói  theo  pháp  sư  Diễn  Bồi  đều là

đồng tham đạo hữu, chẳng thể coi họ là đồ đệ, hoặc coi là học trò, không thể! Quý vị coi những người ấy là đồ đệ hoặc học trò thì sai mất rồi, sai lầm rất to. Đồng tham đạo hữu, là bạn bè, lấy đâu ra học trò? Học trò là phục tùng một trăm phần trăm, đó là học trò. Không thể phục tùng, mọi người ở chung một chỗ, đối xử hoan hỷ với nhau, là bè bạn, phải cung kính lẫn nhau, phải khách sáo. Chúng ta đều gọi nhau là pháp sư, [nếu là] đồ đệ thật sự sẽ chẳng có lối xưng hô khách sáo như thế. Sư phụ đối với trò giống như cha mẹ, gọi [học trò] bằng tên. Do đó, đối xử khách sáo với quý vị, liền biết trong xã hội hiện thời khác hẳn, đôi bên ở chung với nhau là đồng tham mà thôi!

Thầy trò đạo hợp từ xưa tới nay là chuyện khó khăn, khá khó khăn. Đạt Ma Tổ Sư là bậc thánh nhân như thế, tới chùa Thiếu Lâm mà còn phải nhìn vào vách suốt chín năm, chờ một học trò, truyền pháp cho một người. Từ Đạt Ma cho đến Ngũ Tổ, mỗi đời đều là truyền pháp cho một người. Huệ Năng đại sư nhân duyên tụ hội, duyên đã chín muồi, nên truyền cho bốn mươi ba người. Trong lịch sử quá khứ của Thiền Tông tại Trung Hoa chẳng có chuyện này, mãi cho đến hiện thời cũng chẳng có, truyền được nhiều người như thế. Sau Lục Tổ, [có những vị] truyền được hai ba người, nhưng chẳng có ai thù thắng như Lục Tổ. Thiện tri thức thật sự khó gặp, bản thân chúng ta cầu pháp cũng thật sự chẳng dễ dàng! Do đó, phải thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ. Triệt để giác ngộ thực hiện từ chỗ nào? Tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, quyết định chẳng dính mắc. Hễ dính mắc, toàn bộ đều bị hủy hoại. Xã hội hiện thời chỗ nào cũng đầy ắp dụ dỗ, mê hoặc, quý vị có thể chống đỡ hay không? Có thể chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc hay không? Khó lắm! Vì thế, có người hỏi tôi: “Phải thỏa điều kiện gì thì mới có thể hoằng pháp lợi sanh?” Những điều kiện khác tôi đều chẳng bàn tới, tôi chỉ nói hai điều kiện: “Thứ nhất là nội tâm thanh tịnh, chẳng sanh phiền não; thứ hai là chẳng bị ngoại cảnh dụ dỗ, mê hoặc”. Quý vị có thể làm được hai điều ấy, chắc là cũng có thể [hoằng pháp lợi sanh]. Chẳng làm được hai điều ấy, hãy khéo niệm Phật, có thể vãng sanh thì khá lắm, chẳng dễ dàng đâu nhé! Hoàn cảnh bên ngoài có sức dụ dỗ, mê hoặc to lớn! Đây là nói rõ chuyện sám hối tội lỗi vãng sanh. Chúng ta lại xem phần kinh văn tiếp theo.

 

Nhĩ thời bỉ Phật tức khiển hóa Phật, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí, chí hành giả tiền, tán ngôn: “Thiện nam tử! Dĩ nhữ xưng Phật danh cố, chư tội tiêu diệt, ngã lai nghênh nhữ”.

爾時彼佛即遣化佛。化觀世音。化大勢至。至行者前

。讚言善男子。以汝稱佛名故。諸罪消滅。我來迎汝。

(Lúc bấy giờ, đức Phật ấy liền sai hóa Phật, hóa Quán Thế Âm, hóa Đại Thế Chí tới trước hành giả, khen rằng: “Thiện nam tử! Do ông xưng danh hiệu Phật, nên các tội tiêu diệt, ta đến đón ông”).

 

Quý vị thấy Tây Phương Tam Thánh xuất hiện. Phàm là đến nghênh đón, tất cả đều là hóa Phật. Trong phần thượng phẩm thượng sanh, tuy kinh chẳng nói đến hóa Phật, chúng ta nghĩ xem có phải là Phật đích thân đến ư? Người đồng thời vãng sanh trong mười phương thế giới quá đông, A Di Đà Phật đến đón như vậy, làm sao cho xuể, mệt chết luôn! Do đó, tất cả đều là hóa Phật. Bất quá hóa thành vị Phật nào sẽ tùy thuộc tâm chúng sanh. Phật chẳng nghĩ ta cần hóa ra hình dạng nào để đến tiếp dẫn, chẳng phải vậy! Biến hóa thuận theo tâm niệm của chúng sanh. Phật có tâm hay không? Phật chẳng có tâm, do tâm niệm của chính chúng ta mà hóa Phật. Vị Phật ấy lớn hay nhỏ, tướng hảo trang nghiêm, thù thắng khác nhau, tùy thuộc cảnh giới của chính mình mà biến hóa.

Giống như chúng ta gõ khánh, chúng ta vừa gõ, khánh liền ngân vang. Khánh ngân vang, nhưng nó chẳng có phân biệt, chấp trước: “Ta phải vang ra tiếng như thế nào? Ứng như thế nào?” Chẳng có! Quý vị gõ mạnh, nó sẽ kêu to. Quý vị gõ nhẹ, nó sẽ ngân nhẹ. Âm thanh lớn hay nhỏ, dài hay ngắn đúng như quý vị cảm, cảm ứng đạo giao là như vậy đó! Vì thế, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, đều là Phật đến tiếp dẫn, Phật hóa thân tận hư không khắp pháp giới. Đó là trạng huống thật sự trên thực tế, chúng ta phải hiểu! Hạ phẩm thượng sanh mà Tam Thánh đều đến tiếp dẫn, trung phẩm hạ sanh cao hơn loại này, lẽ nào Phật chẳng đến đón rước? Vì thế, nhìn vào phần kinh văn trước và sau, ta biết trong phần trước quyết định là có [Tam Thánh đến tiếp dẫn].

 

Tác thị ngữ dĩ, hành giả tức kiến hóa Phật quang minh, biến mãn kỳ thất.

作是語已。行者即見化佛光明。遍滿其室。

(Nói lời ấy xong, hành giả liền thấy quang minh của hóa Phật trọn khắp căn thất của chính mình).

 

Trước hết, thấy Phật quang.

 

Kiến dĩ hoan hỷ, tức  tiện  mạng  chung, thừa  bảo  liên  hoa, tùy

hóa Phật hậu, sanh bảo trì trung, kinh thất thất nhật, liên hoa nãi phu. Đương hoa phu thời.

見已歡喜。即便命終。乘寶蓮華 。隨化佛後。生寶池

中。經七七日。蓮華乃敷。當華敷時。

(Đã thấy bèn hoan hỷ, liền mạng chung, ngồi trên hoa sen báu, theo sau hóa Phật, sanh trong ao báu, trải qua bốn mươi chín ngày, hoa sen mới nở. Ngay trong lúc hoa nở).

 

“Phu” (敷) là nở.

 

Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, cập Đại Thế Chí Bồ Tát, phóng đại quang minh, trụ kỳ nhân tiền, vị thuyết thậm thâm thập nhị bộ kinh. Văn dĩ tín giải, phát vô thượng đạo tâm, kinh thập tiểu kiếp, cụ bách pháp minh môn, đắc nhập Sơ Địa. Thị danh hạ phẩm thượng sanh giả.

大悲觀世音菩薩 。及大勢至菩薩。放大光明。住其人

前。為說甚深十二部經 。聞已信解。發無上道心 。經十小

劫。具百法明門。得入初地。是名下品上生者。

(Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, phóng quang minh to lớn, ở trước người ấy, vì người ấy nói mười hai bộ kinh rất sâu. Nghe rồi tin hiểu, phát vô thượng đạo tâm. Trải qua mười tiểu kiếp, trọn đủ bách pháp minh môn, được nhập Sơ Địa. Đó gọi là hạ phẩm thượng sanh).

 

Đây là người hạ phẩm thượng sanh. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, sau mười tiểu kiếp bèn chứng đắc quả vị Sơ Địa Bồ Tát. Sơ Địa là tăng cao tới cõi Thật Báo Trang Nghiêm, bậc Địa Thượng Bồ Tát sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đối với chú giải cho đoạn này, chúng ta hãy đọc lời chú giải trong trang hai trăm bốn mươi. Xin xem hàng thứ hai, từ câu thứ hai: “Viên Đốn giáo thuyết, tội vô khinh trọng, hối giả giai diệt” (Nói theo giáo pháp Viên Đốn, tội chẳng có nặng hay nhẹ, hễ sám hối đều tiêu diệt). Sám hối có sức mạnh vô cùng to tát. “Như tiên dục sát chư bà-la-môn” (Như có tiên nhân muốn giết các bà-la-môn), nêu ra một câu chuyện trong kinh điển, tức là một công án được kể trong kinh điển. “Dục” là mưu toan, ý nói tiên nhân mưu tính giết Bà-la-môn, “địa ngục tam niệm, tri báng Phương Đẳng, tâm sanh cải hối, tức sanh Phật quốc” (ở trong địa ngục [trong khoảng thời gian chừng bằng] ba niệm, biết là đã báng bổ kinh Phương Đẳng, sanh lòng hối cải, liền sanh về cõi Phật). Nêu ra một thí dụ, kẻ tạo tội nghiệp cực nặng, nếu chẳng sám hối cầu sanh Tịnh Độ, nhất định đọa A Tỳ địa ngục, tội nặng như vậy, thật sự hối cải thì vẫn có thể vãng sanh. Tiếp đó là khai thị của pháp sư Đế Nhàn lão nhân gia: “Thiết vị, thử nhân pháp tuy bất báng” (Trộm cho rằng người này tuy chẳng báng pháp), ý nói người hạ phẩm thượng sanh tuy chẳng báng pháp, “kỳ dư nhất thiết ác nghiệp, vô bất cụ tạo” (hết thảy các ác nghiệp khác, không gì chẳng tạo tác đầy đủ), mười ác nghiệp kẻ ấy đều tạo. “Dĩ kỳ vô tàm quý cố, vô sở bất vi dã” (Do kẻ ấy chẳng hổ thẹn, nên không điều gì chẳng làm). Chúng ta có thể thấy điều này phổ biến trong xã hội hiện tiền, thậm chí bản thân chúng ta cũng chẳng tránh khỏi thuộc về hạng người này. Chính mình ắt cần phải giác ngộ, phải quay đầu. “Hảo tại lâm chung ngộ duyên, tự phi túc thiện sở truy, vạn bất năng hữu thử kiêu hãnh” (Khéo sao lúc lâm chung gặp duyên, nếu chẳng phải do điều thiện từ xưa gây ra, muôn phần chẳng thể nào có chuyện may mắn như vậy). Do đó, nói thật ra, người ấy trong đời này có thể gặp duyên, có thể hối cải vãng sanh, vẫn là do thiện căn phước đức nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp hiện hành vào lúc đó, tuyệt đối chẳng có lẽ nào là may mắn!

Đản văn chư kinh thủ đề danh tự, tiện trừ thiên kiếp trọng tội, đại pháp bất khả tư nghị” (Nhưng chỉ nghe tên gọi tựa đề của các kinh, liền trừ được trọng tội trong ngàn kiếp, đại pháp chẳng thể nghĩ bàn), ý nói nghe tên kinh có thể diệt tội. Vì lẽ đó, người Nhật [theo Nhật Liên Tông] chẳng niệm kinh, mà cũng chẳng niệm Phật hiệu, họ niệm Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là từ chỗ này. Tên kinh Đại Thừa có thể diệt tội, đúng vậy, trong kinh quả thật có cách nói như vậy. Nhưng [cách hành trì của tín đồ Nhật Liên Tông] là một thứ thiên kiến, chấp trước, họ chẳng hiểu ý nghĩa bao hàm trong tựa đề kinh! Tôi đến thăm Nhật Bản, hỏi rất nhiều người, họ biết niệm, nhưng hỏi ý nghĩa là gì? Không biết! Như vậy thì rất khó! Nhất định phải hiểu ý nghĩa. Chẳng hiểu ý nghĩa, lợi ích hết sức ít ỏi. Chuyện này giống như trẻ nhỏ ca hát, đứa bé ba bốn tuổi có thể hát quốc ca Tam Dân Chủ Nghĩa[3], nhưng Tam Dân Chủ Nghĩa là gì? Nó chẳng biết, chẳng có tác dụng!

Do vậy, niệm danh hiệu Phật cũng giống như thế. Niệm danh hiệu Phật, Danh (tên kinh) là tổng cương lãnh của kinh. Nếu hiểu rõ danh nghĩa (ý nghĩa bao hàm trong tên gọi một bổn kinh), liền suy ra được quá nửa ý nghĩa của cả bài kinh. Như vậy thì mới có thể thọ trì, mới có thể đạt được lợi ích chân thật. Đâu có lẽ nào nghe tên kinh mà chẳng hiểu ý nghĩa, [cứ niệm suông mà vẫn đạt được lợi ích]! Chẳng thể nào có chuyện ấy, rất khó đạt được lợi ích chân thật. Ví như chúng ta nói đến bộ kinh này, giới thiệu đại lược như vậy, sẽ hữu ích rất lớn cho việc niệm Phật của chúng ta. Nếu chúng ta chẳng đọc, chẳng nghiên cứu, chẳng tìm tòi, sẽ thường là niệm danh hiệu mà tự cảm thấy chẳng đắc lực. Tuy niệm hằng ngày, nhưng chẳng có thụ dụng. Hiểu rõ điều này, đã hiểu danh hiệu, sẽ khởi tác dụng, giống như trong khi niệm, tâm dấy lên biến hóa. Khi chẳng hiểu rõ, tuy niệm, niệm rất siêng năng, nhưng trong tâm chẳng dấy lên biến hóa; có thể thấy là nhất định phải biết ý nghĩa của tựa đề kinh. Tựa đề của hết thảy các kinh, nếu nói thực tại, ý nghĩa rõ rệt nhất, hoàn bị nhất, không gì hơn được Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh. Quả thật, tựa đề kinh ấy hết sức viên mãn, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Vì thế, quả thật là phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là do gặp duyên khác nhau. Chúng ta tan học!

 

 

[1] Quỳ thẳng (trường quỵ) là đầu gối và bắp chân đặt sát đất, thẳng lưng, thân mình tạo thành chữ L so với hai bắp chân (tức là quỳ thẳng lưng, mông không đặt trên hai gót chân như cách quỳ thông thường). Cách quỳ này thể hiện ý nghĩa tột bậc cung kính.

[2] Lục Thông là Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Thần Túc, Túc Mạng và Lậu Tận. Tam Minh là Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh và Lậu Tận Minh. Minh là nói thần thông đạt đến mức độ thấu triệt, rốt ráo, tức là ba thứ thần thông của hàng La Hán trở lên. Gọi là Minh nhằm nhấn mạnh thần thông thành tựu do tu chứng, do tâm thanh tịnh, chứ không phải là báo đắc (do quả báo mà có thần thông, như hàng quỷ thần). Bát Giải Thoát (Astau Vimoksāh) là do công năng của tám thứ Định mà xả trừ tham dục đối với các món sắc và vô sắc, bao gồm: Nội hữu sắc tưởng quán chư sắc giải thoát, nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát, tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ, Không Vô Biên Xứ giải thoát, Thức Xứ giải thoát, Vô Sở Hữu Xứ giải thoát, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ giải thoát, Diệt Thọ Tưởng Định Thân Tác Chứng Cụ Túc Trụ.

[3] Đây là bài quốc ca của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), lời ca do Tôn Văn và các bạn hữu viết (thật ra là do các ông Hồ Hán Dân, Đới Quý Đào, Liêu Trọng Khải, Thiều Nguyên Xung chấp bút), Trình Mậu Duân phổ nhạc. Bài này cũng là đảng ca của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Bài này được chọn làm Quốc Ca chính thức từ năm 1928. Lời ca khá ngắn: “Tam dân chủ nghĩa, ngô đảng sở tông, dĩ kiến dân quốc, dĩ tiến đại đồng, tư nhĩ đa sĩ, vị dân tiền phong, túc dạ phỉ giải, chủ nghĩa thị tùng, thỉ cần, thỉ dũng, tất tín, tất trung, nhất tâm, nhất đức, quán triệt thỉ chung” (tạm dịch: “Tam Dân chủ nghĩa, đảng ta đề cao, tạo lập dân quốc, tiến tới đại đồng, hỡi các đồng chí, vì dân tiên phong, đêm ngày chẳng nghỉ, noi theo chủ nghĩa, siêng năng, dũng mãnh, tận hết tín, trung, một lòng, một đức, quán triệt vẹn toàn”). Tam Dân Chủ Nghĩa là chủ thuyết và cương lãnh do Tôn Văn đề xướng bao gồm Dân Tộc, Dân Quyền và Dân Sinh. Chủ thuyết này được ghi thành điều thứ nhất trong hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *