#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 22
Thứ, tác thủy tưởng.
次作水想。
(Tiếp đó là tưởng nước).
Đây là phép Quán thứ hai, chúng ta xem kinh văn, hàng thứ ba trong trang một trăm năm mươi hai.
Kiến thủy trừng thanh, diệc linh minh liễu, vô phân tán ý.
見水澄清。亦令明了。無分散意。
(Thấy nước trong lặng, cũng quán cho rành rẽ, ý chẳng phân tán).
“Vô phân tán ý” là Nhất Tâm Tam Quán.
Ký kiến thủy dĩ, đương khởi băng tưởng.
既見水已。當起冰想。
(Đã thấy nước rồi, hãy nên dấy ý niệm tưởng băng).
Phép Quán thứ hai là quán biển cả đóng băng.
Kiến băng ánh triệt, tác lưu ly tưởng.
見冰映徹,作琉璃想。
(Thấy băng trong suốt, quán tưởng là lưu ly).
Sau khi kết thành băng, giống như lưu ly (Vaiḍūrya, Tỳ Lưu Ly). Lưu ly trong suốt, có màu hơi xanh, người Hoa gọi là Phỉ Thúy (翡翠), tức ngọc có màu xanh. Nước biển có màu xanh dương, nên nếu kết thành băng, quả thật giống như lưu ly.
Thử tưởng thành dĩ, kiến lưu ly địa, nội ngoại ánh triệt.
此想成已。見琉璃地,內外映徹。
(Phép quán tưởng này đã thành, sẽ thấy đất lưu ly, trong ngoài thấu suốt).
Sau khi phép quán tưởng này đã thành, đại địa là lưu ly. Đại địa trong thế giới Tây Phương bằng lưu ly. Nếu quán thành công phép quán tưởng này, bất luận ở chỗ nào, quý vị đều thấy đất quyết định là đất lưu ly. Nếu thấy đất ở chỗ chúng ta đây vẫn là sàn bằng đá mài, tức phép quán tưởng này chẳng thành công, tuyệt đối là chẳng quán thành công. Sau khi quán thành công, đất là đất lưu ly. Do vậy, chúng ta cũng có thể hiểu rõ, trong kinh, đức Phật đã nói “hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, đó là thật. Tâm quả thật có thể biến cảnh giới, tùy thuộc vào mức độ tưởng của quý vị. Nay chúng ta chẳng thể biến cảnh giới, là do tưởng rất cạn, nay đang tưởng chỗ này, qua niệm thứ hai bèn tưởng chỗ khác; do vậy, chẳng thể biến thành cảnh giới. Nếu chuyên chú tưởng một chuyện, sẽ thật sự có thể biến cảnh giới. Hết thảy các pháp đều sanh từ tâm tưởng. Dưới mặt đất của Tây Phương còn có rất nhiều kho báu, dưới mặt đất trong cõi chúng ta cũng có kho báu.
Hạ hữu kim cang thất bảo kim tràng, kình lưu ly địa.
下有金剛七寶金幢。擎琉璃地。
(Dưới đó có tràng vàng kim cang bảy báu nâng đỡ đất lưu ly).
Chúng ta biết địa cầu có hình cầu, trong hình cầu có lõi. Cái lõi ấy như được nói ở nơi đây, có hình dáng giống cái tràng, “nâng đỡ đất lưu ly”.
Kỳ tràng bát phương, bát lăng cụ túc, nhất nhất phương diện, bách bảo sở thành. Nhất nhất bảo châu hữu thiên quang minh. Nhất nhất quang minh bát vạn tứ thiên sắc, ánh lưu ly địa, như ức thiên nhật, bất khả cụ kiến.
其幢八方。八楞具足 。一一方面。百寶所成。一一寶
珠。有千光明 。一一光明 。八萬四千色。映琉璃地。如億
千日。不可具見。
(Tràng ấy có tám mặt, tám cạnh trọn đủ. Mỗi một mặt do trăm thứ báu hợp thành. Mỗi một bảo châu có ngàn quang minh. Mỗi một quang minh có tám vạn bốn ngàn màu, chiếu rực đất lưu ly như ức ngàn mặt trời, chẳng thể thấy trọn).
Phía dưới có chất báu, chất báu tỏa ánh sáng, có vô lượng quang minh. Như vậy là đất nơi thế giới Tây Phương tỏa ánh sáng, đại địa có quang minh. Chúng ta nghĩ xem địa cầu của chúng ta có quang minh hay không? Nói thật ra, cũng tỏa sáng, cũng có ánh sáng, nhưng nhục nhãn của chúng ta chẳng thấy. Nay chúng ta dùng máy móc thăm dò, bèn phát hiện ánh sáng có bước sóng dài hay ngắn khác nhau. Những tia sáng mà chúng ta có thể thấy bằng mắt thường có bước sóng vô cùng hữu hạn, [những tia sáng] có bước sóng dài hơn thì chúng ta chẳng thấy, mà những tia sáng có bước sóng ngắn hơn chúng ta cũng không thấy. Chẳng phải là [đại địa] không phóng quang, thảy đều phóng quang. Nay ta dùng dụng cụ khoa học để thăm dò, chúng ta đã thăm dò được các tia sáng như tia X, hồng ngoại tuyến (Infrared), tử ngoại tuyến (Ultraviolet), đó là những tia sáng thăm dò được. Trên mặt đất hay trong không trung đều có ánh sáng, nhưng chúng ta chẳng thể thấy bằng mắt thường. Lòng người trong thế giới Tây Phương thanh tịnh, nên đối với các thứ sóng ánh sáng đều có thể trông thấy. Vì vậy, thế giới ấy khác hẳn. Nếu chúng ta cũng trông thấy các loại sóng ánh sáng thì [sẽ thấy] dưới mặt đất cũng trong suốt, cũng thấy dưới lòng đất, chúng ta gọi chuyện này là Thiên Nhãn. Người có Thiên Nhãn Thông chẳng bị chướng ngại, có thể thấy phía dưới mặt đất. Hiện thời có những kẻ khoe có Thiên Nhãn, nhưng “Thiên Nhãn” rất hữu hạn. Có nhiều kẻ nói thật ra chẳng hề có Thiên Nhãn, nhưng tự xưng là có Thiên Nhãn, chưa chắc đã là thật. Thiên Nhãn thật sự thì vách tường chẳng trở ngại được, chúng ta ngồi trong nhà, người bên ngoài qua lại đều có thể thấy rất rõ ràng, đó mới là Thiên Nhãn. Nếu người bên ngoài đang hoạt động tại đó mà chúng ta không biết, chẳng phải là Thiên Nhãn! Thiên Nhãn chẳng có chướng ngại, trông thấy tình hình dưới mặt đất.
Lưu ly địa thượng, dĩ hoàng kim thằng, tạp xí gián thác, dĩ thất bảo giới, phân tề phân minh. Nhất nhất bảo trung, hữu ngũ bách sắc quang, kỳ quang như hoa. Hựu tự tinh nguyệt, huyền xử hư không, thành quang minh đài, lâu các thiên vạn, bách bảo hợp thành.
琉璃地上。以黃金繩 。雜廁間錯。以七寶界。分齊分
明。一一寶中 。有五百色光 。其光如華。又似星月。懸處
虛空。成光明臺。樓閣千萬。百寶合成。
(Trên đất lưu ly, dùng dây bằng vàng ròng phân chia ngang dọc xen kẽ, lại dùng bảy báu để làm giới tuyến, chia thành từng khu vực phân minh. Trong mỗi món báu, có ánh sáng năm trăm màu, ánh sáng ấy như hoa, lại giống như mặt trời, mặt trăng, treo lơ lửng trên hư không, tạo thành đài quang minh, ngàn vạn lầu gác do trăm thứ báu hợp thành).
Đây là sự trang nghiêm trên mặt đất. “Dĩ hoàng kim thằng, tạp xí gián thác”: Nói về giới tuyến ngăn cách, giống như trên nền đá mài ở đây cũng có những sợi dây đồng để ngăn cách; ở đây, chúng ta chẳng dùng dây đồng, mà dùng chất plastic để ngăn thành từng ô một, đó là trang hoàng cho đẹp mắt. Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, nhưng người ta dùng vàng ròng để làm vạch ngăn xen kẽ, chẳng như chúng ta ở đây dùng chất plastic. Mặt đất cõi ấy bằng lưu ly, những hoa văn ngăn thành ô nơi đất trong cõi ấy bằng vàng ròng, dùng vàng ròng để ngăn thành từng khu.
Ư đài lưỡng biên, các hữu bách ức hoa tràng, vô lượng nhạc khí, dĩ vi trang nghiêm.
於臺兩邊。各有百億華幢。無量樂器。以為莊嚴。
(Ở hai bên đài, mỗi bên có trăm ức tràng hoa, vô lượng nhạc khí
để trang nghiêm).
Đây là thiên nhạc rền vang trên hư không. Những nhạc khí ấy chẳng cần người diễn tấu, mà có thể tự diễn tấu. Hiện thời, khoa học tiến bộ, tôi đã thấy đàn điện tử cũng chẳng cần có người diễn tấu. Nhấn bàn phím một chút, nó tự mình phát ra âm thanh, tấu đàn tại đó. Chúng ta biết tình hình ấy chẳng có gì lạ lùng, nhưng nếu đem thứ ấy đến những chỗ hẻo lánh tại Hoa Lục, trước nay họ chưa hề trông thấy, sẽ bị dọa mất hồn! Họ sẽ tưởng là quỷ đánh đàn, chẳng có ai đánh, làm sao đàn có thể vang ra tiếng được? Đó là vì kiến thức rộng hay hẹp khiến cho con người nhận biết sai lạc. Nhưng những thứ do khoa học phát minh trong hiện thời vẫn còn có phạm vi diễn tấu nhất định, vì sao? Những ca khúc diễn tấu đều được chúng ta thâu nhập vào computer, [các bài nhạc do đàn tự động diễn tấu] bị khống chế trong ấy (trong phạm vi vận hành và bộ nhớ của computer). Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có, chẳng cần dùng đến những thứ ấy. Vì vậy, những thứ được diễn tấu là “thuận theo tâm chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ”, thiên biến vạn hóa, chẳng bị hạn chế. Thật sự là thiên nhạc, chẳng do con người tạo ra.
Bát chủng thanh phong, tùng quang minh xuất, cổ thử nhạc khí, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã chi âm. Thị vi thủy tưởng, danh đệ nhị Quán.
八種清風 。從光明出。鼓此樂器。演說苦空無常無我
之音。是為水想。名第二觀。
(Tám thứ gió mát từ quang minh phát ra, tấu các nhạc khí ấy, diễn nói các âm thanh Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã. Đấy là thủy tưởng, được gọi là phép Quán thứ hai).
Vì sao thiên nhạc có thể vang ra tiếng? Ở đây cũng nói cho chúng ta biết: Từ trong Phật quang, sanh ra gió mát lay động nhạc khí. Nhạc khí diễn tấu Phật pháp, giảng kinh, thuyết pháp. Nếu chúng ta lại xét sâu hơn, những chuyện này đều do thần lực của A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Không chỉ là đức Phật thuyết pháp, mà Ngài còn biến hiện những con chim thuyết pháp, trong phần sau chúng ta sẽ thấy hữu tình thuyết pháp. Ở đây là vô tình cũng thuyết pháp, tình và vô tình cùng diễn nói âm thanh vi diệu. Đó là sự trang nghiêm khôn sánh trong thế giới Tây Phương. Đó là phép Quán thứ hai. Lại xem phép Quán thứ ba là Địa Quán, [hãy xem từ] hàng thứ ba đếm từ dưới lên trong trang một trăm năm mươi lăm.
Thử tưởng thành thời, nhất nhất quán chi, cực linh liễu liễu, bế mục, khai mục, bất linh tán thất. Duy trừ thực thời, hằng ức thử sự. Như thử tưởng giả, danh vi thô kiến Cực Lạc quốc độ.
此想成時 。一一觀之。極令了了。閉目開目。不令散
失。唯除食時。恆憶此事。如此想者。名為麤見極樂國土。
(Khi tưởng này đã thành, bèn quán mỗi điều sao cho tột bậc rành rẽ. Nhắm mắt, mở mắt, chẳng bị tan mất. Chỉ trừ lúc ăn, luôn nhớ đến chuyện này. Tưởng như vậy thì gọi là thấy cõi nước Cực Lạc về phần thô).
Từ phần kinh văn này, chúng ta có một chút tin tức, thế giới Cực Lạc do tâm tưởng của chúng ta biến hiện. Thế giới Cực Lạc là như thế, mà hết thảy các thế giới của mười phương chư Phật đều chẳng ra ngoài lệ ấy. Thật sự là hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Kinh luận Duy Thức đã nói: “Tâm sanh tắc chủng chủng pháp sanh, tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt” (Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt), điều ấy cũng được chứng thực trong kinh này. Thế giới hiện thời do loạn tưởng của chúng ta biến hiện, nên thế giới này rất loạn. Do [người trong thế giới này] suy nghĩ lung tung, nên tưởng ra thế giới này cũng lộn xộn. Người trong thế giới Tây Phương chuyên tưởng, nên thế giới của họ thanh tịnh. Họ chuyên tưởng, còn chúng ta loạn tưởng, nên biến hiện hai cảnh giới chẳng giống nhau. A Di Đà Phật chuyên tưởng, hiện ra sự trang nghiêm thanh tịnh ấy. Phàm là người vãng sanh, cũng phải chuyên tưởng giống như A Di Đà Phật thì mới có thể hiện cảnh giới giống như vậy. Vì thế, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng thể vãng sanh Tịnh Độ! Dẫu niệm Phật, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, vẫn chẳng thể vãng sanh. Điều kiện cơ bản để vãng sanh là “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”, như vậy thì mới có thể cảm ứng đạo giao cùng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Dưới đây là đoạn tổng kết trong trang một trăm năm mươi sáu. Chúng ta xem phần kinh văn được in theo lối đảnh cách.
Nhược đắc tam-muội, kiến bỉ quốc địa liễu liễu phân minh, bất khả cụ thuyết, thị vi địa tưởng, danh đệ tam quán.
若得三昧 。見彼國地了了分明。不可具說。是為地想
。名 第 三 觀。
(Nếu đắc tam-muội, sẽ thấy đất trong cõi ấy rành rẽ, phân minh, chẳng thể nói trọn. Đấy là địa tưởng, gọi là phép Quán thứ ba).
Đây là tổng kết. Nhất định là phải “đắc tam-muội”, bèn thấy rõ ràng. Chẳng đắc tam-muội thì là “thô kiến”, tức là thấy cảnh giới tương tự. Nếu đắc tam-muội, tam-muội ở đây thuộc loại Niệm Phật tam-muội, kinh Di Đà gọi Niệm Phật tam-muội là “nhất tâm bất loạn”. Niệm đến nhất tâm bất loạn, cảnh giới này sẽ hết sức rõ ràng, thấy rất thân thiết. Tiếp theo đây là nói đến lợi ích.
Phật cáo A Nan: “Nhữ trì Phật ngữ, vị vị lai thế nhất thiết đại chúng dục thoát khổ giả, thuyết thị quán địa pháp. Nhược quán thị địa giả, trừ bát thập ức kiếp, sanh tử chi tội, xả thân tha thế, tất sanh tịnh quốc, tâm đắc vô nghi.
佛告阿難 。汝持佛語。為未來世一切大眾欲脫苦者。
說是觀地法 。若觀是地者。除八十億劫。生死之罪。捨身
他世。必生淨國。心得無疑。
(Phật bảo A Nan: – Ông hãy vâng giữ lời Phật, hãy vì hết thảy đại chúng muốn thoát khổ trong đời vị lai mà nói phép quán đất này. Người quán đất này, sẽ trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử, khi xả báo thân, ắt sanh về cõi tịnh, tâm chẳng ngờ vực).
Chú giải đoạn này, lời Sớ do Trí Giả đại sư nói. Trí Giả đại sư là một vị tu hành chứng quả, chắc chắn sẽ chẳng nói sai lầm. Tại Trung Hoa, các đời đều truyền tụng Trí Giả đại sư là Thích Ca Mâu Ni Phật hóa thân tái lai. Nếu lời này là thật, những gì Trí Giả đại sư đã nói chính là lời Phật nói. “Sớ vân: Tiền thủy thị tưởng, bất năng diệt tội” (Sớ rằng: “Phép quán tưởng nước trong phần trước chẳng thể diệt tội”). Những phép quán mặt trời và quán nước trong phần trước là do tưởng tượng biến hiện ra, chẳng thể diệt tội. Vì sao? Những tướng ấy hoàn toàn là huyễn tướng, mở mắt, các tướng ấy ở trước mặt; nhắm mắt, các tướng ấy cũng ở trước mặt. “Địa quán thị thật, cố năng đoạn trừ dã” (Quán đất là thật, nên có thể đoạn trừ). Thật ra, cũng chẳng thể nói điều đó là chân thật, “thật” chẳng thể coi là chân thật, [bởi lẽ], những gì có hình tướng đều là hư vọng. Thực tại là chúng ta có “thật cảm”, [tức là] có cảm xúc [nhận thấy chúng dường như là có thật], giống như nay chúng ta thấy đại địa, thấy bàn, ghế, ghế dài, đưa tay sờ mó bèn có cảm nhận [chúng là] chân thật, nhưng chúng có phải là thật hay không? Chẳng phải là thật, có ý nghĩa này. Chẳng giống như tâm tưởng thấy mặt trời, quý vị thấy, nhưng người khác chẳng thấy. Quý vị mở mắt vẫn thấy, mà nhắm mắt cũng thấy, nhưng người khác mở mắt hay nhắm mắt đều chẳng thấy, tuy ở cùng một chỗ mà đều chẳng thấy. Vì thế, [những phép Quán mặt trời và nước] chẳng thể diệt tội. Còn [trong phép quán đất] này, có cảm nhận chân thật, công phu sâu hơn những phép Quán trước, vì người ấy (người tu Quán) đã đắc tam-muội, đương nhiên là diệt tội.
Tôn giả Tứ Minh chú giải, tức là trong lời Sao, Ngài có nói: “Sao vân, cái thác thử phương thủy thành băng sự, đản thị giả tưởng, cố danh ‘thô kiến’. Kim thành tam-muội, thật kiến bỉ địa, tắc danh Thật Quán. Ngôn ‘giả tưởng bất năng diệt tội’, thị đại sư thuận kinh sách tấn, linh hành giả tam-muội tốc thành, toàn phi giả tưởng bất năng diệt tội. Hà dĩ tri nhiên? Nhật quán thượng loại hạ hạ diệt tội chi số, khởi thô kiến địa toàn bất trừ khiên ma?” (Lời Sao viết: “Đây chính là do chuyện tưởng nước đóng thành băng trong cõi này chỉ là giả tưởng, nên gọi là ‘thô kiến’. Nay thành tựu tam-muội, thật sự thấy đất trong cõi kia, nên gọi là Thật Quán. Nói ‘giả tưởng chẳng thể diệt tội’ là đại sư thuận theo kinh văn để sách tấn, hòng làm cho hành giả mau chóng thành tựu tam-muội, hoàn toàn chẳng phải là ‘giả tưởng chẳng thể diệt tội’! Vì sao biết như thế? [Phần Sớ giảng về] phép quán mặt trời còn liệt kê số lượng tội đã diệt [của kẻ đã tu thành tựu phép Quán ấy ở mức độ] hạ hạ. Há có phải là thấy đất về phần thô bèn hoàn toàn chẳng thể trừ diệt tội khiên ư?”). Như vậy là Trí Giả đại sư nói kiểu này nhằm khích lệ chúng ta tinh tấn, cũng có nghĩa là Nhật Quán thành tựu hay Thủy Quán thành tựu đều có thể vãng sanh. Thành tựu bất cứ phép Quán nào trong mười sáu phép Quán đều có thể vãng sanh, đã vãng sanh thì có lẽ nào chẳng diệt tội? Chỉ là mức độ diệt tội có sâu hay cạn khác nhau! Dụng ý của Trí Giả đại sư là mong mỏi chúng ta hãy nâng cao cảnh giới, nên Ngài nói như vậy.
Tác thị quán giả, danh vi chánh quán. Nhược tha quán giả, danh vi tà quán.
作是觀者。名為正觀。若他觀者。名為邪觀。
(Quán như vậy thì gọi là chánh quán. Nếu quán khác đi thì là tà quán).
Phần Sao giảng: “Quán dữ kinh hợp, tắc xứng tánh kiến, danh vi
chánh quán. Kiến tướng quai kinh, thị phát ma sự, cố danh tà quán, hạ khứ giai nhiên” (Quán phù hợp với kinh dạy sẽ là cái thấy xứng tánh, gọi là chánh quán. Nếu thấy các tướng mâu thuẫn với kinh, chính là ma sự phát khởi, nên gọi là tà quán. Từ đây trở đi, đều [phán định sự quán tưởng là tà hay chánh] giống như vậy). Từ đây trở xuống, hễ gặp câu này thì đều có ý nghĩa này. Nói cách khác, tu hành nhất định phải căn cứ trên lý luận và phương pháp do đức Phật đã nói trong kinh điển, đó là chánh xác. Nếu chúng ta tu học mâu thuẫn với lý luận trong kinh, trái nghịch phương pháp, thì hết thảy cảnh giới đã trông thấy đều là ma cảnh. Thấy cảnh giới tương ứng với kinh thì là cảnh giới tốt đẹp; cảnh giới chẳng tương ứng với kinh chính là ma cảnh. Gần đây nhất, tại Hương Cảng, dường như gần đây tại Đài Loan cũng thấy có, xuất bản một tập sách nhỏ, nghe nói hiện thời còn có hình vẽ, bản tôi thấy ở Hương Cảng vẫn chưa có hình vẽ, chỉ có văn tự, không có hình minh họa. Sách ấy nói một vị pháp sư tại Đại Lục đến thế giới Cực Lạc, quay về kể lại rất nhiều chuyện trong thế giới Cực Lạc[1]. Hiện thời, tập sách nhỏ ấy được lưu truyền ngày càng nhiều, càng truyền càng là ma! Gần đây nhất, tại Đại Lục cũng có. Người ở Đại Lục nhận biết sách ấy là tà tri tà kiến, chẳng cho phép lưu thông. Tôi đến Đại Lục lần này, có nghe nói [sách ấy] không được phép lưu thông, nhưng ở hải ngoại, lưu thông với số lượng rất nhiều!
Lần đầu tiên tôi thấy sách ấy tại Hương Cảng, pháp sư Sướng Hoài đưa cho tôi xem. Pháp sư Sướng Hoài rất hoài nghi, Ngài nói: “Chỉ sợ chẳng phải là thật”. Tôi xem tập sách nhỏ ấy, vừa lật ra xem [liền biết] là giả, giả như thế nào? Ông ta nói thế giới Cực Lạc có nữ nhân, chuyện này chẳng phù hợp với kinh. Từ câu ấy, biết sách ấy là giả trất. Ông ta nói [chính mình] thấy hết thảy chúng sanh trong thế giới Cực Lạc, tướng mạo của hết thảy mọi người đều khác nhau, đó là giả! Kinh đã dạy rõ ràng: Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, tướng mạo hoàn toàn giống nhau, làm sao có thể khác nhau cho được? Vì thế, chắc chắn sách ấy lời lẽ quái gở, tà vạy, nhằm mê hoặc chúng sanh. Nghe nói hiện thời có rất nhiều người lầm mê cuốn sách ấy, chẳng tin kinh do đức Phật giảng, mà tin “kinh” do ông ta nói. Như vậy thì có hỏng bét hay là không? Đúng là tin tà, chẳng tin chánh, nghe lừa, chẳng nghe theo lời khuyên, chẳng có cách nào hết! Chúng sanh tội nghiệp, nghiệp chướng nặng lắm. Từ điều này mà thấy được nghiệp chướng.
Chúng ta lại xem phần tiếp theo là phép Quán thứ tư. Phép Quán thứ tư là quán cây báu [được trình bày] trong trang một trăm năm mươi tám:
Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: “Địa tưởng thành dĩ, thứ quán bảo thụ”.
佛告阿難及韋提希。地想成已。次觀寶樹。
(Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: “Quán tưởng đất đã thành, kế đó là quán cây báu).
Chúng ta xem kinh văn trong trang một trăm năm mươi chín.
Quán bảo thụ giả, nhất nhất quán chi, tác thất trùng hàng thụ tưởng. Nhất nhất thụ, cao bát thiên do-tuần, kỳ chư bảo thụ, thất bảo hoa diệp, vô bất cụ túc.
觀寶樹者 。一一觀之。作七重行樹想。一一樹。高八
千由旬。其諸寶樹。七寶華葉無不具足。
(Quán cây báu, quán từng điều một: Tưởng bảy lớp hàng cây, mỗi cây cao tám ngàn do-tuần. Các cây báu ấy, hoa và lá bằng bảy báu, không gì chẳng trọn đủ).
Thật ra, phép Thụ Quán khá khó khăn. Càng nói đến những phép Quán về sau, cảnh giới càng thù thắng, càng vi tế, chẳng dễ gì quán tưởng! Phải quán những cây ấy rành mạch, cây lại cao đến tám ngàn do-tuần như thế. Một do-tuần (yojana), chúng tôi nói theo cách tính nhỏ nhất, Ấn Độ nói do-tuần là đơn vị đo độ dài, có đại, trung, tiểu. Đại do-tuần ứng với tám mươi dặm Tàu[2], trung do-tuần là sáu mươi dặm, tiểu do-tuần là bốn mươi dặm. Tính theo tiểu do-tuần, bốn mươi dặm là một do-tuần. [Cây cao] tám ngàn do-tuần, chỉ tưởng độ cao ấy không thôi, e rằng đã chẳng thể tưởng nổi. Làm sao quán tưởng thân, cành, lá, hoa, quả của cây ấy? Do đó, xác thực là khá khó khăn! Cổ nhân nói: “Chúng ta ở nơi đây, phàm phu tâm thô cảnh tế. Quán tưởng khó thành, chẳng dễ gì quán thành công”. Lại xem những tướng kế tiếp, đó là tế tướng (tướng vi tế, tướng trạng chi tiết), [hãy xem từ] hàng thứ hai từ dưới đếm lên trong trang một trăm năm mươi chín.
Nhất nhất hoa diệp.
一一華葉。
(Mỗi một hoa lá).
Mỗi đóa hoa, mỗi phiến lá.
Tác dị bảo sắc, lưu ly sắc trung xuất kim sắc quang. Pha ly sắc trung, xuất hồng sắc quang.
作異寶色 。琉璃色中。出金色光。玻璃色中,出紅色
光。
(Có màu báu lạ. Trong màu lưu ly, hiện ra ánh sáng màu vàng ròng. Trong màu pha lê, hiện ra ánh sáng đỏ).
Nay chúng ta gọi pha lê là thủy tinh. Thời cổ không có thủy tinh, pha lê [thời đó] nay gọi là “thủy tinh”, [pha lê] chính là thủy tinh hiện thời.
Mã não sắc trung, xuất xa cừ quang. Xa cừ sắc trung, xuất lục trân châu quang. San hô, hổ phách, nhất thiết chúng bảo dĩ vi ánh sức. Diệu trân châu võng, di phú thụ thượng. Nhất nhất thụ thượng, hữu thất trùng võng. Nhất nhất võng gian, hữu ngũ bách ức diệu hoa cung điện, như Phạm vương cung.
瑪瑙色中 。出硨磲光。硨磲色中。出綠珍珠光。珊瑚
琥珀 。一切眾寶以為映飾 。妙珍珠網。彌覆樹上。一一樹
上有七重網。一一網間。有五百億妙華宮殿。如梵王宮。
(Trong sắc mã não, tỏa ánh sáng màu xa cừ. Trong màu xa cừ, tỏa ánh sáng màu lục trân châu. San hô, hổ phách, hết thảy các thứ báu trang hoàng chói ngời. Lưới trân châu mầu nhiệm che phủ trên cây. Trên mỗi cây, có bảy tầng lưới. Nơi giữa mỗi tầng lưới, có năm trăm ức cung điện diệu hoa giống như cung điện của Phạm Vương).
Chúng ta vừa đọc vừa tưởng tượng cảnh giới này, tưởng tượng
không ra! Tuy chúng ta là phàm phu, phu nhân Vi Đề Hy cũng là phàm phu, nhưng bà ta nghe đức Phật nói liền thuận theo lời giảng ấy để nhập quán. Bộ kinh này được giảng xong, phu nhân Vi Đề Hy liền chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, đắc Lý nhất tâm bất loạn. Vị phu nhân này thiện căn sâu dầy, tâm tinh tế, nên có thể thuận theo kinh văn để nhập quán, hiện thời chúng ta chẳng quán được! “Năm trăm ức cung điện diệu hoa”: Trong ấy còn có cung điện. Lại xem trang kế tiếp là trang một trăm sáu mươi mốt.
Chư thiên đồng tử, tự nhiên tại trung.
諸天童子。自然在中。
(Các đồng tử cõi trời tự nhiên ở trong ấy).
Trong cung điện có người.
Nhất nhất đồng tử.
一一童子。
(Mỗi một đồng tử).
Mỗi một đứa bé trai.
Ngũ bách ức Thích Ca Tỳ Lăng Già ma-ni, dĩ vi anh lạc.
五百億釋迦毗楞伽摩尼以為瓔珞。
(Dùng năm trăm ức Thích Ca Tỳ Lăng Già ma-ni làm anh lạc).
Mỗi người trên thân đều trang sức bằng anh lạc. “Anh lạc” [được miêu tả] tỉ mỉ tới tột cùng. Trong chú giải có giải thích chữ Thích Ca Tỳ Lăng Già Ma-ni (Śakrābhi Lagna-mani-ratna)[3], nói đơn giản là Như Ý Bảo Châu. Xâu Như Ý Bảo Châu thành chuỗi anh lạc.
Kỳ ma-ni quang, chiếu bách do-tuần, do như hòa hợp bách ức nhật nguyệt, bất khả cụ danh.
其麾尼光。照百由旬。猶如和合百億日月。不可具名。
(Ánh sáng ma-ni ấy chiếu xa một trăm do-tuần, ví như hòa hợp trăm ức mặt trời, mặt trăng, chẳng thể kể trọn).
Sự tốt đẹp này chẳng thể diễn tả được.
Chúng bảo gián thác, sắc trung thượng giả. Thử chư bảo thụ, hàng hàng tương đương, diệp diệp tương thứ. Ư chúng diệp gian, sanh chư diệu hoa. Hoa thượng tự nhiên hữu thất bảo quả. Nhất nhất thụ diệp, tung quảng chánh đẳng nhị thập ngũ do-tuần, kỳ diệp thiên sắc, hữu bách chủng hoạch.
眾寶間錯 。色中上者。此諸寶樹。行行相當。葉葉相
次 。於眾葉間 。生諸妙華。華上自然有七寶果。一一樹葉
。縱廣正等二十五由旬。其葉千色。有百種畫。
(Các thứ báu xen lẫn, màu sắc thuộc bậc thượng. Các cây báu ấy, từng hàng đối nhau, từng lá ngang nhau. Khoảng giữa các lá, sanh ra các loại hoa mầu nhiệm. Trên hoa tự nhiên có quả bảy báu. Mỗi chiếc lá lại to rộng kích thước đến hai mươi lăm do-tuần. Lá ấy có ngàn màu, có trăm đường gân).
“Hoạch” (畫) ở đây là những đường gân trên lá.
Như thiên anh lạc. Hữu chúng diệu hoa, tác Diêm Phù Đàn kim sắc, như toàn hỏa luân, uyển chuyển diệp gian, dũng sanh chư quả, như Đế Thích bình.
如天瓔珞 。有眾妙華。作閻浮檀金色。如旋火輪。宛
轉葉間。涌生諸果。如帝釋瓶。
(Giống như chuỗi anh lạc cõi trời. Có các thứ hoa mầu nhiệm màu như vàng Diêm Phù Đàn[4], giống như vòng lửa xoay tròn giữa các kẽ lá, sanh ra các thứ quả giống như cái bình của Đế Thích[5]).
Cảnh để quán này, đừng nói là tưởng tỉ mỉ chẳng nổi, ngay cả tưởng thô thiển cũng chẳng tưởng được! Trong đoạn này, pháp sư Đế Nhàn có giảng một vài câu, hãy xem từ dòng thứ hai đếm từ dưới lên trong trang một trăm sáu mươi hai: “Thiết vị” (Trộm cho rằng), đây là lời của pháp sư Đế Nhàn. “Thụ võng phi tình pháp dã” (Lưới và cây chẳng phải là pháp hữu tình), “phi tình” là vô tình, nay chúng ta gọi nó là vật chất, tức là hoàn cảnh vật chất, [bao gồm] cây báu, lưới, mành. “Đồng tử hữu tình pháp dã” (Đồng tử là pháp hữu tình), đó là người. “Kim võng gian xuất cung điện” (Nay giữa lưới, xuất hiện cung điện), đây là cây báu. Cây báu rất nhiều, phía trên che phủ lưới báu. Trong lưới tỏa ánh sáng, trong ánh sáng hiện ra cung điện. Trong cung điện có đồng tử; do đó, cung điện nơi lưới báu ấy “cung điện xuất chư đồng, tình dữ phi tình, hà thường nhất định” (trong cung điện xuất hiện các đồng tử, [như vậy thì] hữu tình và vô tình có bao giờ là nhất định!), hoàn toàn giống hệt cảnh giới “tình và vô tình cùng viên thành Chủng Trí” trong kinh Hoa Nghiêm. “Nhân hữu tánh cụ, cố hữu sự tạo. Tức dĩ thụ quán, lộ xuất bất tư nghị cảnh giới, phi phàm tiểu sở suy độ nhĩ” (Do tánh sẵn có đủ, nên có tạo tác nơi mặt Sự. Dùng ngay phép quán cây báu để hiển lộ cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, phàm phu và Tiểu Thừa chẳng thể suy lường được). Nói thật ra, ngay cả Quyền Giáo Bồ Tát cũng than là tuyệt diệu! Cảnh giới ấy vẫn là vô lượng đức năng vốn sẵn trọn đủ trong Chân Như bản tánh. Trong khi tâm địa của chúng ta thanh tịnh, cảnh giới thù thắng nhiệm mầu ấy sẽ hiện tiền. Nay chúng ta nói đến cảnh giới này, nhưng trên thực tế, cảnh giới chẳng thể hiện tiền. Đức Phật đã giảng giải, nhưng chúng ta chẳng có cách nào tưởng tượng để quán tưởng. Đó là do phiền não, vô minh, nghiệp chướng của chúng ta quá nặng, [khiến cho] công đức trong bản tánh chẳng thể thấu lộ! [Thế nhưng] cảnh giới này vẫn chưa thấm vào đâu, còn có quán cảnh mầu nhiệm hơn. Hãy xem đoạn kinh văn tiếp theo.
Hữu đại quang minh, hóa thành tràng phan, vô lượng bảo cái.
有大光明。化成幢幡無量寶蓋。
(Có quang minh lớn, hóa thành tràng phan, vô lượng lọng báu).
Càng chẳng thể nghĩ bàn! Trong quang minh hiện ra tràng phan, lọng báu.
Thị bảo cái trung, ánh hiện tam thiên đại thiên thế giới, nhất thiết Phật sự, thập phương Phật quốc, diệc ư trung hiện. Kiến thử thụ dĩ, diệc đương thứ đệ nhất nhất quán chi.
是寶蓋中 。映現三千大千世界。一切佛事。十方佛國
。亦於中現。見此樹已。亦當次第一一觀之。
(Trong lọng báu ấy, hiện bóng hết thảy Phật sự trong tam thiên đại thiên thế giới, mười phương cõi Phật cũng hiện trong ấy. Thấy cây ấy rồi, cũng nên theo thứ tự để lần lượt quán từng điều một).
Vì thế, nói “sanh về thế giới Tây Phương là sanh vào các thế giới của mười phương hết thảy chư Phật”, vì sao? Từ cây báu thấy trọn mười phương vô lượng vô biên thế giới giống như chúng ta đang xem TV trong hiện thời. Chúng ta ngồi trong nhà, những chuyện phát sanh tại nơi nào đó trên toàn thế giới, từ màn hình TV chúng ta đều thấy được. Trong quang minh nơi cây báu của Tây Phương Cực Lạc thế giới, có thể thấy tận hư không khắp pháp giới hết thảy các cõi nước Phật, có thể thấy hết thảy chư Phật đang giảng kinh, thuyết pháp, hóa độ chúng sanh trong ấy, cũng có thể thấy những chuyện vụn vặt trong cuộc sống gia đình của hết thảy chúng sanh, đều thấy toàn bộ. Vì thế, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt lắm! Chúng ta ở trong thế giới này, ví như quê tôi ở Đại Lục, tôi chẳng thấy người nhà, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thấy, thấy hằng ngày, luôn luôn thấy, hoàn toàn chẳng có chướng ngại. Lại còn bảo cùng quý vị, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, không chỉ thấy thế giới hiện tiền này, mà quá khứ cũng thấy, vị lai cũng thấy. Mười phương ba đời, tình và vô tình thảy đều hiện trong quang minh, chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị thật sự liễu giải trạng huống trong thế giới Tây Phương, há có lẽ nào chẳng cầu sanh? So sánh giữa hai thế giới đôi chút, sẽ luôn hy vọng lập tức về ngay bên đó. Đến nơi ấy mới thật sự là hết thảy thành tựu, hết thảy thỏa nguyện. Các nguyện vọng mà tâm ta nghĩ đến đều được thực hiện, những điều chưa nghĩ đến cũng hiện tiền. Câu cuối cùng là lời tổng kết [được ghi] trong trang một trăm sáu mươi bốn.
Quán kiến thụ, hành, chi, diệp, hoa, quả, giai linh phân minh, thị vi thụ tưởng, danh đệ tứ quán.
觀見樹莖枝葉華果。皆令分明。是為樹想。名第四觀。
(Quán sao cho thấy cây, thân cây, cành, lá, hoa, quả đều phân minh, đó là phép quán tưởng cây báu, gọi là phép Quán thứ tư).
Dưới đây là phép Quán thứ năm. Phép Quán thứ năm là quán ao bảy báu.
Thứ đương tưởng thủy. Dục tưởng thủy giả, Cực Lạc quốc độ, hữu bát trì thủy.
次當想水。欲想水者。極樂國土。有八池水。
(Kế đó là tưởng nước. Muốn tưởng nước thì trong cõi nước Cực Lạc có ao chứa nước tám công đức).
“Bát trì thủy” là nước tám công đức, “bát” nghĩa là nước trong ao có tám công đức, mang ý nghĩa này. Hãy xem phần kinh văn kế tiếp nơi dòng thứ ba trong trang một trăm sáu mươi lăm.
Nhất nhất trì thủy, thất bảo sở thành. Kỳ bảo nhu nhuyễn, tùng Như Ý Châu Vương sanh, phân vi thập tứ chi. Nhất nhất chi tác thất bảo diệu sắc, hoàng kim vi cừ. Cừ hạ giai dĩ tạp sắc kim cang dĩ vi để sa, nhất nhất thủy trung, hữu lục thập ức thất bảo liên hoa. Nhất nhất liên hoa, đoàn viên chánh đẳng thập nhị do-tuần.
一一池水 。七寶所成。其寶柔軟。從如意珠王生。分
為十四支 。一一支作七寶妙色 。黃金為渠。渠下皆以雜色
金剛以為底沙 。一一水中 。有六十億七寶蓮華。一一蓮華
。團圓正等十二由旬。
(Nước trong mỗi ao do bảy báu hợp thành, các thứ báu ấy mềm mại, từ Như Ý Châu Vương sanh ra, chia thành mười bốn nhánh. Mỗi nhánh có màu sắc đẹp đẽ của bảy thứ báu. Vàng ròng làm thành ao[6], dưới đáy ao đều dùng kim cang nhiều màu để làm cát phủ đáy. Trong mỗi ao có sáu mươi ức hoa sen bằng bảy báu. Mỗi đóa hoa sen tròn trặn, to bằng mười hai do-tuần).
Dạy chúng ta hãy quán ao bảy báu. Ao có lớn, nhỏ, vuông, tròn. Những ao bảy báu giống như vậy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là vô lượng vô biên. Thế giới Tây Phương thuộc loại Pháp Tánh Độ, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Do đó, xưa nay, kẻ hoài nghi thế giới Tây Phương rất nhiều. Chúng sanh trong mười phương thế giới đều vãng sanh thế giới Tây Phương, rốt cuộc thế giới Tây Phương lớn cỡ nào? Có thể dung nạp hay chăng? Nhất là xem từ kinh điển, người trong thế giới Tây Phương thân tướng lớn như vậy, cây cối cũng to như vậy, nơi ấy phải lớn cỡ nào thì mới có thể dung nạp được? Vì lẽ đó, vọng niệm ngày càng nhiều hơn. Bất luận người ấy tưởng tượng như thế nào, cũng chẳng có cách nào tưởng tượng trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà cũng chẳng có cách nào chứng thực. Đó là do chẳng hiểu căn cứ lý luận. Chẳng giống các cõi nước của chư Phật trong mười phương thế giới, chúng ta thường nói các thế giới ấy do Pháp Tướng tạo thành, chúng là Pháp Tướng độ, còn Tây Phương Cực Lạc thế giới là Pháp Tánh độ. Như kinh Hoa Nghiêm đã nói, Pháp Tánh là “một và nhiều vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”; pháp tướng thì có chướng ngại.
Hết thảy các vật chất trong cõi chúng ta do đâu mà có? Quá trình biến hiện của chúng là do một niệm bất giác mà có vô minh. Từ vô minh sanh ra ba tướng vi tế là Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng, Cảnh Giới Tướng. Nghiệp Tướng là tướng động, kinh Lăng Nghiêm nói bản tánh của nó là “bất thủ tự tánh”, chẳng tuân giữ tự tánh bèn là Nghiệp Tướng của A Lại Da Thức. Do không tuân giữ tự tánh, bèn lập tức biến thành Kiến Tướng, biến thành Năng Kiến (cái chủ thể có thể thấy), tức là nói đến Kiến Phần trong bốn phần[7]. Nếu Kiến Phần muốn thấy, sẽ biến thành Tướng Phần. Tướng do đâu mà có? Tướng do Kiến Phần biến ra. Nguyên lý của mười sáu phép Quán được căn cứ trên điều này, quý vị nhất tâm nhất ý muốn thấy, tướng liền hiện ra. Do vậy, vật chất do đâu mà có? Vật chất từ tinh thần biến hiện, tâm và vật có cùng một nguồn. Tinh thần và vật chất đều biến hiện từ tự tánh. Không chỉ Tướng Phần là hư vọng, mà Kiến Phần cũng là hư vọng. Kiến Phần là tám thức, năm mươi mốt Tâm Sở, hai mươi bốn pháp bất tương ứng, những thứ này đều thuộc về Kiến Phần. Tướng Phần gồm mười một sắc pháp. Hai pháp sắc và tâm đều là vật được biến hiện bởi tự tánh. Đó là nói theo pháp tướng. Tây Phương Cực Lạc thế giới là pháp tánh; do đó, cảnh giới này là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu trong tương lai, trong khi chúng ta niệm Phật, niệm Phật đến mức tâm thanh tịnh, duyên chín muồi, Phật lực gia trì, chúng ta thấy cảnh giới này; sau khi đã thấy, nhất định phải tưởng giống hệt như trong kinh đã nói. Quý vị thấy nước trong ao bảy báu hoàn toàn giống như kinh đã nói, chẳng có mâu thuẫn! Đó là cảnh giới tốt đẹp, đó là chánh quán. Nếu ta thấy khác với kinh nói, [hãy nghĩ xem kinh dạy] nước trong ao bảy báu do đâu mà có? Giống như trong cõi này, giống như nước suối phun ra, Như Ý Châu là nguồn nước. Sau khi từ nguồn nước ấy phun ra, nước sẽ tách thành mười bốn nhánh. Nếu quý vị thấy là mười ba nhánh tức là không đúng, chẳng phù hợp. Nếu thấy mười lăm nhánh hoặc mười sáu nhánh, cũng trật luôn! Quyết định là mười bốn nhánh, quyết định chẳng sai! Đấy mới là thật sự thấy Tịnh Độ, đó là chánh quán. Nếu chẳng phải là như vậy, sẽ là tà quán, sai mất rồi. Nước chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta lại xem kinh văn trong trang một trăm sáu mươi bảy.
Kỳ ma-ni thủy, lưu chú hoa gian, tầm thụ thượng hạ.
其摩尼水。流注華間。尋樹上下。
(Nước ma-ni ấy chảy rót vào trong hoa, lên xuống theo thân cây[8]).
Cảnh giới này chẳng thể nghĩ bàn. Ở nơi đây, chúng ta chỉ thấy nước chảy xuống, chẳng thấy nước chảy ngược lên. Nước bên cõi kia có thể lên cao, xuống thấp, không chỉ chảy xuống, mà còn chảy ngược lên trên, hết sức đẹp mắt.
Kỳ thanh vi diệu.
其聲微妙。
(Âm thanh ấy vi diệu).
Nước không chảy sẽ chẳng có âm thanh. Nước vừa chảy bèn có
âm thanh, âm thanh ấy lại thuyết pháp.
Diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, chư Ba La Mật.
演說苦空無常無我諸波羅蜜。
(Diễn nói Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các Ba La Mật).
Phần kinh văn này nằm trong hàng thứ hai trang một trăm sáu mươi tám. Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã là pháp Tiểu Thừa. Như chúng ta là phàm phu hoặc Tiểu Thừa phát tâm, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng đoạn phiền não, tập khí, nghe Phật, Bồ Tát, tình và vô tình thuyết pháp, quá nửa là nói những pháp này, giúp cho chúng ta chuyển phiền não thành Bồ Đề, nên nghe những pháp ấy. Nếu là chúng sanh căn tánh viên đốn, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, họ sẽ nghe pháp là các Ba La Mật. Do đó, câu này nói chung về Phật pháp Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa, chắc chắn là ứng cơ thuyết pháp. Ta muốn nghe pháp gì, tức là ta cần thiết, mong được nghe pháp ấy, sau khi đã nghe bèn đạt được pháp ích (lợi ích nơi pháp), chẳng thể nghĩ bàn!
Phục hữu tán thán chư Phật tướng hảo giả. Như Ý Châu Vương dũng xuất kim sắc vi diệu quang minh, kỳ quang hóa vi bách bảo sắc điểu, hòa minh ai nhã, thường tán niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
復有讚歎諸佛相好者 。如意珠王。涌出金色微妙光明
。其光化為百寶色鳥。和鳴哀雅。常讚念佛念法念僧。
(Lại có âm thanh tán thán tướng hảo của chư Phật. Như Ý Châu Vương tỏa ra quang minh sắc vàng vi diệu. Quang minh ấy hóa thành các loài chim có màu như trăm thứ báu, hòa tiếng hót thánh thót, du dương, thường ca ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng).
Cảnh giới này hoàn toàn giống như Tiểu Bổn A Di Đà Kinh và kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Lời chú giải khá hay, tuy văn tự không nhiều, nhưng chú giải khá tỉ mỉ, chư vị đồng tu có thể dùng làm [tài liệu] tham khảo. Cuối cùng là lời tổng kết trong trang một trăm sáu mươi chín.
Thị vi bát công đức thủy tưởng, danh đệ ngũ quán.
是為八功德水想。名第五觀。
(Đó là phép tưởng nước tám công đức, gọi là phép Quán thứ năm).
Dưới đây là phép Quán thứ sáu, Tổng Quán, [hãy xem từ] dòng thứ ba đếm từ dưới lên trong trang một trăm bảy mươi.
Chúng bảo quốc độ, nhất nhất giới thượng, hữu ngũ bách ức bảo lâu.
眾寶國土。一一界上。有五百億寶樓。
(Trong cõi nước bằng các thứ báu, nơi mỗi khu vực có năm trăm ức lầu báu).
Đây là nói tới lầu gác.
Kỳ lâu các trung, hữu vô lượng chư thiên tác thiên kỹ nhạc. Hựu hữu nhạc khí huyền xử hư không như thiên bảo tràng, bất cổ tự minh. Thử chúng âm trung, giai thuyết niệm Phật, niệm Pháp, niệm tỳ-kheo Tăng.
其樓閣中 。有無量諸天作天伎樂。又有樂器懸處虛空
。如天寶幢 。不鼓自鳴 。此眾音中。皆說念佛念法念比丘
僧。
(Trong các lầu gác ấy, có vô lượng chư thiên trỗi kỹ nhạc cõi trời. Lại có nhạc khí treo lơ lửng trên hư không như tràng báu cõi trời, không đánh mà tự kêu. Trong các âm thanh ấy, đều nói niệm Phật, niệm Pháp, niệm tỳ-kheo Tăng).
Đấy là lầu báu, trong lầu gác có âm nhạc diễn tấu. Bên ngoài lầu gác có thiên nhạc, những thứ âm nhạc ấy đều đang thuyết pháp. Giảng kinh, thuyết pháp nghe hồi lâu sẽ khô khan, vô vị, nên lại kèm theo ca múa, [vì thế], trong khi giải trí [người trong cõi Cực Lạc] được huân tu Phật pháp. Do đó, nếu nói theo cách hiện thời, giáo học tại Tây Phương Cực Lạc thế giới là nghệ thuật. Có thể nói là thế giới Tây Phương đã vận dụng nghệ thuật đạt đến tột đỉnh. Vì thế, kẻ thích ca hát, thích nhảy múa, thích xem tuồng, hãy đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thế giới Tây Phương kèm theo ca múa, hoàn toàn khác Tiểu Thừa, Tiểu Thừa cấm ngặt xem, nghe. Thế giới Tây Phương khắp nơi đều là như vậy, lúc nào cũng đều có thể thấy, lúc nào cũng đều có thể nghe. Nội dung thuần túy
là Phật pháp.
Trong Đại Tạng Kinh có kịch bản, ca phổ[9] đã thất truyền, nhưng ca từ vẫn còn. Tôi thấy trong tập thứ hai của Trung Hoa Đại Tạng Kinh có không ít bản ca từ, đều để hát, tức là lời bài hát, nội dung hết sức phong phú, còn kịch là kịch bản của Bình Kịch[10], tức Quy Nguyên Kính. Có lần tôi xuống phương Nam, thấy Đài Trung Liên Xã in thành bản lưu hành riêng, lúc đó, tôi thấy vậy rất hoan hỷ, xin họ mười mấy bản mang về. Hai mươi mấy năm trước, tôi đã từng xem Quy Nguyên Kính, nội dung trong ấy là chuyện về Tịnh Độ Tông Huệ Viễn đại sư, đó là đoạn thứ nhất. Đoạn thứ hai là chuyện về Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư; đoạn cuối cùng là chuyện của Liên Trì đại sư. Sự xuất gia, tu hành, hoằng pháp của các Ngài đều được đưa lên sân khấu biểu diễn. Lời ca cũng viết rất hay, do người thuở trước biên soạn, họ đã đưa Phật pháp lên biểu diễn trên sân khấu. Khi ấy, tôi đọc tác phẩm đó xong, đã có ý nghĩ: Nếu các đồng tu đang học kịch nghệ, thật sự chịu phát tâm, biên soạn Đại Tạng Kinh thành kịch bản truyền hình, chiếu trên đài truyền hình, sẽ khiến cho ai nấy đều học Phật tại nhà mà vẫn chẳng biết, phương pháp này hay lắm.
Tây Phương Cực Lạc thế giới đã vận dụng hết thảy Phật pháp vào phương thức ca kịch để giáo hóa chúng sanh. Vì lẽ đó, học Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là sống động, chẳng khô khan như vậy. Suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật khá vất vả, học Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là học tập có thể kèm theo ca vũ. Chúng ta đọc cho hết đoạn cuối, đoạn này là kết thúc.
Thử tưởng thành dĩ, danh vi thô kiến Cực Lạc thế giới, bảo thụ, bảo địa, bảo trì. Thị vi tổng quán tưởng, danh đệ lục quán.
此想成已 。名為麤見極樂世界。寶樹。寶地。寶池。
是為總觀想。名第六觀。
(Tưởng này đã thành thì gọi là thấy thế giới Cực Lạc về phần thô, [tức là thấy] cây báu, đất báu, ao báu. Đây chính là phép tổng quán, gọi là phép Quán thứ sáu).
Kế đó, còn có một đoạn là phần Lợi Ích, xem hàng thứ hai trong trang một trăm bảy mươi hai.
Nhược kiến thử giả, trừ vô lượng ức kiếp cực trọng ác nghiệp, mạng chung chi hậu, tất sanh bỉ quốc. Tác thị quán giả, danh vi chánh quán. Nhược tha quán giả, danh vi tà quán.
若見此者 。除無量億劫極重惡業。命終之後。必生彼
國。作是觀者。名為正觀。若他觀者。名為邪觀。
(Nếu thấy những điều này, sẽ trừ ác nghiệp cực nặng trong vô lượng ức kiếp. Sau khi mạng chung, ắt sanh về cõi ấy. Quán như vậy thì gọi là chánh quán. Nếu quán khác đi thì là tà quán).
Được rồi! Chúng tôi giảng tới chỗ này.
[1] Đây là tập sách Tây Phương Du Ký do cư sĩ Lưu Thế Hoa viết theo lời kể của pháp sư Khoan Tịnh. Theo đó, pháp sư Khoan Tịnh ngồi thiền tại động Di Lặc trong núi Cưu Tiên, huyện Đức Hóa, tỉnh Phước Kiến, được Quán Thế Âm Bồ Tát dẫn lên Cực Lạc thăm viếng.
[2] Lý (dặm Tàu) có độ dài khác nhau theo từng thời đại, nói chung là khoảng 500 mét.
[3] Lời Sao giảng: “Thích Ca Tỳ Lăng Già, cõi này dịch là Năng Thắng. Ma Ni dịch là Ly Cấu, còn dịch là Tăng Trưởng. Ý nói chỗ có vật báu này, ắt sẽ tăng thêm oai đức. Khi xưa dịch [chữ Ma Ni] là Như Ý. Những điều này đều là dịch theo ý nghĩa”.
[4] Diêm Phù Đàn Kim (Jambūnada-suvarṇa). Diêm Phù Đàn có nghĩa là dòng sông chảy luồn giữa các cây Diêm Phù, vốn là tên một con sông chảy giữa Hương Tý Sơn và Tuyết Sơn. Theo thần thoại Ấn Độ, sông Diêm Phù Đàn là một trong bảy chi lưu của sông Hằng. Lá cây ấy rụng xuống sông, biến thành vàng. Vàng sanh từ nơi ấy có sắc vàng pha màu đỏ, lại có sắc tía như ngọn lửa, được coi là loại vàng quý nhất.
[5] Sớ Sao giảng: “Theo Thích Luận, có người thường cúng dường trời suốt mười hai năm. Do nghèo cùng, nhất tâm cầu phú quý. Thiên Đế thương xót lòng thành, hiện thân hỏi: “Ngươi mong cầu điều gì?” Đáp: “Cầu phú quý, những điều con mong mỏi đều đạt được”. Thiên Đế trao cho một cái vật, tên là Đức Bình, nói: “Những vật ngươi cần dùng, trong cái bình này đều có”. Người ấy nhận lấy, hễ mong cầu điều gì, chẳng hề không được ứng nghiệm. Nay những hoa mầu nhiệm đột nhiên trổ quả, giống như cái bình cõi trời ấy, tuôn ra các vật, nên dùng [bình Đế Thích] để tỷ dụ”.
[6] Sách Sớ Sao giảng: “Cừ chính là ao. Dưới đáy ao có cát, loại cát ấy có tên là Kim Cang, soi thấu suốt trên dưới”.
[7] “Bốn phần” là khái niệm do tông Duy Thức lập ra nhằm giải thích bản thể và tác dụng của Thức, gồm Tướng Phần, Kiến Phần, Tự Chứng Phần và Chứng Tự Chứng Phần.
[8] Sớ Sao giảng: “Nói là nước Ma Ni là như Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na được gọi tên theo cha mẹ, [tương tự như vậy, nước do Ma Ni Bảo Châu sanh ra nên gọi là Ma Ni Thủy]. Câu kế tiếp nói rõ sự tùy tâm. Nước báu trong cõi ấy, mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển, nên có thể chảy lên trên, hay chảy xuống dưới. Người ta muốn nước báu chảy luồn trong hoa, nước liền thuận theo ý người. Chữ Hoa không phải là nói về hoa sen trong nước, mà là chỉ các đóa hoa nở rộ nơi hàng cây báu. Vì vậy, nước chảy luồn theo thân cây. Đã chảy luồn trong các đóa hoa rồi lại theo thân cây chảy xuống”.
[9] Ca phổ (歌譜) phần ghi nhạc đệm theo lời ca (ca từ).
[10] Bình Kịch (平劇) là cách người Đài Loan gọi Kinh Kịch (còn gọi là Quốc Kịch; do Bắc Kinh được gọi là Bắc Bình vào đầu thời Dân Quốc, nên người Đài Loan quen gọi Kinh Kịch là Bình Kịch). Kinh Kịch là một loại nghệ thuật diễn xướng tuồng tích, có trung tâm là Bắc Kinh. Người được coi là tổ sư của Kinh Kịch chính là vua Đường Minh Hoàng. Kinh Kịch hiện thời đã dung hợp những đặc điểm của Huy Kịch (tuồng An Huy) và Hán Kịch (các loại tuồng ở Hồ Bắc và lối hát tuồng của người Khách Gia), thâu nhập thêm các lối hát nổi tiếng như Tần Xoang, Côn Khúc, Qua Dương Xoang v.v… của truyền thống hát xướng miền Nam Trung Hoa. Kinh Kịch cực thịnh dưới đời Thanh. Nói chung, Kinh Kịch giống hát bội của ta, diễn viên thường vẽ mặt, y trang lộng lẫy, đeo cờ quạt, đuôi chim trĩ, động tác diễn xuất bao gồm nhiều kiểu vũ đạo, mang tính ước lệ cao. Giọng hát phức tạp, nhiều khi các vai đào, nhất là các vai hoa đán (đào thương, đào mùi) thường hát rất cao giọng đến nỗi nếu không quen nghe, sẽ chẳng biết họ đang hát chữ gì. Có người đã nói đùa là nghe các hoa đán hát Kinh Kịch giống như nghe tiếng mèo kêu khi bị bóp cổ. Nhạc khí dùng trong Kinh Kịch bắt buộc phải có các loại hồ cầm như Kinh Hồ, Kinh Nhị Hồ, Nguyệt Cầm (đàn nguyệt, đàn kìm), tiêu, sênh, tỏa nạp (kèn Tàu), và nhất là không thể thiếu các loại trống lớn, trống nhỏ, thanh la, não bạt, mõ trâu, phách… Nói chung là Kinh Kịch dùng quá nhiều thanh la các loại lớn nhỏ nên tiếng nhạc của Kinh Kịch rất ồn ào và gây cảm giác rất khó chịu nếu nghe lần đầu.