Tập 20/28 – Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 03-002-0001  đến 03-002-0028

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 20

 

Xin xem kinh bổn, trang một trăm ba mươi lăm, hàng thứ nhất. Vừa mở đầu liền nói tiếp [những điều đang được nói trong] trang trước, tức là nói về bốn câu trong điều thứ nhất [của Tam Phước]. “Khẳng thận tựu dị, bất khẳng tựu nan” (Chịu thận trọng [thực hiện] thì dễ, không chịu sẽ là khó). Vấn đề là chúng ta có chịu thận trọng hay không? Có chịu nghiêm túc thực hiện hay không? Câu dưới đây nhằm giải thích phước thứ hai: “Đạo tục căn bản giới pháp, thượng thả thập nhân cửu phạm, thiểu lộ đa tàng, huống vi tế hạnh” (Đối với giới pháp căn bản của hàng xuất gia hay kẻ thế tục, lại còn là mười người hết chín kẻ phạm, ít kẻ bộc lộ, phần nhiều giấu diếm, huống là các hạnh vi tế), nói về chuyện trì giới.

Tam Quy là tổng cương lãnh tu hành, cương lãnh ấy ở ngay trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ, chính là Phật, Pháp, Tăng, Giác, Chánh, Tịnh. Trong tựa đề kinh, thanh tịnh là Tăng Bảo, bình đẳng là Pháp Bảo, giác là Phật Bảo, nên Tam Quy đều ở trong tựa đề kinh, đây là nguyên lý và nguyên tắc tu hành. Thực hiện từ trì giới, tức là “cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi” (trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi). Phạm vi của giới luật hết sức rộng. Trong kinh luận nhà Phật chỉ có thể nói một nguyên tắc, tuy có các hạng mục, nhưng đó là lúc Phật tại thế, trong hoàn cảnh sinh hoạt vào thời đại ấy, đó là các quy tắc mà mọi người ắt phải tuân thủ. Thời đại thay đổi, khu vực địa lý khác nhau, nhưng tinh thần giới luật quyết định chẳng thay đổi. Giới luật là tiêu chuẩn siêu phàm nhập thánh; nói cách khác, nó vượt trỗi giới hạn quốc gia, vượt trỗi giới hạn dân tộc, thậm chí vượt trỗi giới hạn của các chủng loại trong lục đạo, hết thảy hữu tình chúng sanh đều phải tuân thủ.

Tinh thần giới luật là gì? Nói quy nạp lại, chỉ có hai câu: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Đó là tinh thần giới luật. Ác là gì? Thiện là gì? Trong Phật pháp, nói thật ra, có khá nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Hiện thời, tiêu chuẩn khác nhau càng nhiều hơn nữa! Mỗi quốc gia có quan niệm thiện ác khác nhau, nhận biết khác nhau, mỗi địa phương cũng chẳng giống nhau, mỗi thời đại cũng chẳng giống nhau, chúng ta phải hiểu những điều này. Đức Phật chỉ nói nguyên tắc, rốt cuộc, chúng ta là người hiện thời, trong hoàn cảnh sống hiện thời, chúng ta chẳng phải là cổ nhân, mà cũng chẳng phải là người trong tương lai, nên nhất định phải hiểu nguyên tắc, phải tuân thủ tập tục và trào lưu đương thời, tức là đối với những gì mọi người đã quen tôn sùng, đề cao, chúng ta phải tuân thủ. Ý nghĩa chân chánh của giới luật là phải khiến cho ta và đại chúng chung sống hòa thuận, đó là mục đích của giới luật. Hy vọng chính mình đoạn ác, tu thiện, có thể đạt được cái tâm thanh tịnh. Mục tiêu lớn nhất của giới luật là đắc Định: “Nhân Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ”. Quý vị phải biết đạo lý này rồi mới hiểu chúng ta phải nên tuân thủ giới luật như thế nào, giúp chúng ta đắc Định, giúp chúng ta buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Nhưng giới luật rất khó, khó ở chỗ nào? Từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta phiền não, tập khí quá nặng, một là phiền não, hai là tà tri tà kiến, tức là cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm. Một mực như vậy! Dẫu quốc gia ấn định pháp luật rất hay, chúng ta vẫn nghĩ trọn hết mọi phương pháp để kiếm lỗ hổng luật pháp, đó là chẳng tuân thủ luật lệ, chẳng trì giới! Những người ấy đều là những người rất thông minh, có thể kiếm ra lỗ hổng pháp luật, Phật pháp gọi thông minh kiểu đó là Thế Trí Biện Thông, chẳng phải là trí huệ chân thật. Người có trí huệ chân thật sẽ tuân thủ pháp luật; không chỉ là quyết định chẳng vi phạm những điều khoản được quy định bởi pháp luật, dẫu đối với những điều chẳng có trong văn bản pháp luật, nhưng xã hội, đạo đức chẳng chấp nhận, cũng nhất quyết chẳng vi phạm. Do vậy có thể biết: Trì giới thật khó! Do đó nói: “Đạo tục căn bản giới pháp”, “đạo” là người xuất gia, “tục” là kẻ tại gia. Giới pháp căn bản là gì? Ngũ Giới. Ngũ Giới là giới pháp căn bản. Có thể nói: Tinh thần của giới pháp căn bản không chỉ vĩnh viễn chẳng thay đổi, mà giới điều cũng là vĩnh viễn không thay đổi. Những giới luật khác, có thể do thời gian, do địa điểm mà tu chỉnh, sửa đổi thành Thanh Quy (清規) như người Hoa thường nói, tức là công ước thường trụ, đều thuộc loại giới luật được hiện đại hóa; nhưng năm điều [trong Ngũ Giới] chẳng thể sửa đổi, vì sao? Đến bất cứ nơi nào trên thế giới, trong bất cứ thời đại nào, cũng đều có thể nói thông suốt, [nếu có khác biệt thì] tối đa là phạm vi giải thích rộng hay hẹp, sâu hay cạn sai khác. Vì thế, Ngũ Giới từ Sơ Phát Tâm cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều bất biến, đúng là giới pháp căn bản.

“Thượng thả thập nhân cửu phạm” (Lại còn mười người hết chín kẻ phạm), thật đấy! Mấy ai có thể trì Ngũ Giới tốt đẹp? Tỳ Kheo Giới, Bồ Tát Giới đều là hình thức! Dường như chẳng thọ Bồ Tát Giới thì địa vị của ta trong Phật giáo sẽ thấp hơn người khác một bậc, ta không phải là Bồ Tát, họ đều là Bồ Tát. Đó là chấp vào tướng danh lợi, hiếu danh, ham lợi. Người thật sự trì giới, [luôn tâm niệm] giữ Ngũ Giới tốt đẹp sẽ là phi phàm! Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, từ chương ba mươi ba đến chương ba mươi bảy, quý vị chú tâm quan sát đôi chút, sẽ thấy đức Phật giảng về Ngũ Giới, Thập Thiện. Chúng ta có thể thực hiện tốt đẹp [những giáo huấn ấy], vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định chẳng có vấn đề gì. Đại giới rõ rệt như vậy mà còn làm không được, huống gì những giới hạnh vi tế? “Hựu huống tam thiên oai nghi, tỳ-kheo ngũ thiên thất tụ, cộng nhị bách ngũ thập điều, trì phạm, giai y hành, trụ, tọa, ngọa tứ nghi, mỗi nghi cụ nhị bách ngũ thập, tứ cộng thành thiên, lịch tam thế, thành tam thiên dã” (Huống hồ lại còn có ba ngàn oai nghi, năm thiên, bảy tụ[1], tổng cộng là hai trăm năm mươi điều, giữ, phạm, đều nương theo bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mỗi oai nghi có đủ hai trăm năm mươi điều, do bốn oai nghi [nhân với hai trăm năm mươi điều ấy], nên tổng cộng thành một ngàn điều, trải qua ba đời [nên một ngàn điều trong mỗi đời nhân với ba đời] thành ba ngàn [oai nghi]). Do quá khứ, hiện tại, tương lai, nên gọi là “ba ngàn oai nghi”, mấy ai có thể làm được? Ngẫu Ích đại sư nói, Ngẫu Ích đại sư sống vào những năm cuối triều Minh, lão nhân gia viên tịch vào thời đầu nhà Thanh. Vì thế, nay chúng ta thấy trong sách của Ngài có chỗ ghi là nhà Minh, có chỗ ghi là nhà Thanh, Ngài đều có thể viết như vậy được, vì đã trải qua hai triều đại. Ngài nghiên cứu giới luật rất kỹ, gần giống như Hoằng Nhất đại sư trong thời cận đại cũng nghiên cứu giới luật rất kỹ. Ngài nói: “Tại Trung Hoa, từ triều đại Nam Tống trở về sau chẳng có tỳ-kheo”. Tỳ-kheo đã chẳng có, lấy đâu ra Tỳ Kheo Giới? Thật sự trở thành một vị tỳ-kheo, mức độ tối thiểu phải là có năm vị tỳ-kheo thật sự truyền giới thì quý vị mới có thể đắc giới. Một tỳ-kheo còn chẳng có! Do vậy có thể biết: Truyền giới chỉ có hình thức, chẳng có thực chất. Về thực chất là chẳng có, chỉ có hình thức, nhìn bề ngoài thì vẫn có.

Cận đại, Hoằng Nhất đại sư càng nói rõ rệt hơn. Ngài trụ tại Mân Nam[2] một thời gian rất lâu, trụ tại Mân Nam Phật Học Viện thuộc chùa Nam Phổ Đà ở Hạ Môn. Quý vị thấy trong lời khai thị tại Phật Học Viện, Ngài đã nói rất thấu triệt: Có cần phải thọ giới hay không? Phải thọ! Thọ giới, nhưng trong tâm chính mình phải hiểu rõ, quyết định là chẳng thể đắc giới, chỉ là thọ trên hình thức mà thôi! Vì sao là thọ giới trên hình thức? Để người thế tục khỏi phê bình: “Anh là loại người tăng chẳng ra tăng, tục chẳng ra tục”, người ta hủy báng! Vì thế, thọ giới trên hình thức. Đồng thời, đã thọ giới hình thức thì chính mình phải nghiên cứu giới luật kỹ càng, hiểu rõ một điều bèn giữ một điều, đó là thọ giới chân chánh. Vì lẽ đó, giới đàn là hình thức, người xuất gia và giới đàn đều là hình thức, huống hồ tại gia? Càng phải hiểu điều này rõ hơn. Thuở tôi học Phật, khi thân cận Chương Gia đại sư, Chương Gia đại sư hết sức coi trọng trì giới. Lão nhân gia dạy tôi: “Trì giới là anh làm được một điều, bèn gọi là trì một điều”. Ngài chẳng khuyên tôi nơi nào có truyền giới, anh hãy đến đó thọ giới, chẳng có! Ngài dạy tôi hãy tuân thủ, làm theo. Hễ làm được một điều, tức là anh đã thật sự thọ giới điều ấy. Có thể thấy: Những bậc thiện tri thức thật sự sẽ trọng thực chất, chẳng coi trọng hình thức. Hình thức chẳng khẩn yếu, thực chất mới là khẩn yếu.

Vì lẽ đó, “ngôn bất phạm, thành phi dị dị” (Nói chẳng phạm, thật sự không dễ dàng), chẳng phạm giới thật sự không dễ dàng. Đặc biệt là giới Tiểu Thừa, giới Tiểu Thừa hoàn toàn kết tội theo sự tướng, rất khó! Thưa cùng chư vị, giới Đại Thừa lại càng chẳng dễ dàng. Giới Đại Thừa kết tội từ khởi tâm động niệm, còn rắc rối và khó khăn hơn Tiểu Thừa. Đối với Tiểu Thừa, ta chỉ cần làm trên hình thức là được, đã [được coi] là thật sự trì giới rồi, Đại Thừa xét theo khởi tâm động niệm. Vì thế, giới Đại Thừa nhìn bề ngoài là phóng khoáng, bất luận là xét theo tư tưởng, kiến giải, hay hành trì đều là phóng khoáng; Tiểu Thừa là câu nệ, dè dặt, bảo thủ, hết sức bảo thủ. Hai loại hình thái hoàn toàn bất đồng; nhưng [Đại Thừa] phóng khoáng mà tâm địa thanh tịnh vượt trỗi Tiểu Thừa. Nói cách khác, đức Phật chủ trương phóng khoáng, tự do, tự tại, chẳng câu nệ, chẳng bó buộc. Đức Phật cũng đề xướng tự do, bình đẳng, hoàn toàn giống như yêu cầu dân chủ tự do trong hiện tại. Hiện thời, chúng ta chỉ nói đến dân chủ, tự do, chẳng nói đến thanh tịnh, đáng sợ quá! Do chẳng nói đến chuyện thân tâm thanh tịnh, nên trong tự do bình đẳng có khá nhiều tệ nạn. Tự do, bình đẳng, dân chủ trong nhà Phật được kiến lập trên cơ sở thân tâm thanh tịnh, khác hẳn! Chúng được kiến lập trên cơ sở trí huệ ở một mức độ cao. Do vậy, họ tự tại, chẳng trở ngại người khác tự tại; đó mới là tự tại thật sự. Ta bình đẳng chẳng trở ngại người khác bình đẳng, hết thảy chúng sanh đều bình đẳng.

Vì thế, trong tâm mục của người hiện thời, truy tìm dân chủ, tự do, bình đẳng, trong Phật môn thật sự có những thứ ấy. Những thứ ấy ở đâu ra? Ắt cần phải đặt vững cơ sở Tiểu Thừa. Phật giáo truyền đến Trung Hoa, nói thật thà thì kinh luận Tiểu Thừa được truyền đến Trung Hoa khá hoàn chỉnh. A Hàm Bộ trong Đại Tạng Kinh [tiếng Hán] sai khác tạng kinh [Nikaya] bằng tiếng Ba Lợi (Pāḷi) rất ít, gần như toàn bộ kinh điển Tiểu Thừa đều được phiên dịch [sang tiếng Hán]. Nhưng Tiểu Thừa giáo chỉ thịnh hành trong một thời gian ngắn vào thời Tùy – Đường; về sau, chẳng còn nữa, nguyên nhân là đâu? Nguyên nhân là đã bị Nho gia và Đạo gia của Trung Hoa thay thế. Quý vị đọc sách của Khổng Tử và Lão Trang đã đủ để tốt đẹp vẹn toàn như pháp Tiểu Thừa. Vì vậy, người học Phật tại Trung Hoa trước kia do đều có cơ sở Nho và Đạo đã được vun bồi rất tốt đẹp, nên chẳng cần phải tốn thời gian học giáo pháp Tiểu Thừa, mà trực tiếp tiến nhập Đại Thừa.

Nhưng cho đến gần đây nhất, một trăm năm qua đáng thương lắm,

giáo pháp Tiểu Thừa đã sớm bị bỏ mất, chẳng hưng khởi nữa. Nếu quý vị đọc kinh Tiểu Thừa, người bình phàm đều coi thường quý vị. Sách Nho gia cũng chẳng đọc, sách Đạo gia cũng vứt bỏ, cứ như vậy mà trực tiếp học Đại Thừa, đã không có nền tảng, tu pháp Đại Thừa bằng cách nào? Tu suốt một đời, vẫn chẳng thể thành tựu. Quý vị nói xem: Như vậy thì làm sao được? Đây là một vấn đề khó khăn nhất trong chuyện học Phật ngày nay. Nay chúng ta có cần phải đặt vững cơ sở nơi Tiểu Thừa hay không? Đối với người Hoa mà nói, thật ra chẳng cần, vì sao? Người Hoa đọc kinh Tiểu Thừa, chẳng bằng đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh của Nho gia, chẳng bằng đọc những thứ ấy. Đó là những thứ của người Hoa, nên họ đọc [các tác phẩm ấy] sẽ đích xác là thuận tiện, dễ đọc, học dễ dàng! Kinh điển Tiểu Thừa dịch từ Phạn văn ra, [nhiều khi] dịch không khéo, chẳng lưu loát, trôi chảy như kinh Đại Thừa, nên kinh Tiểu Thừa chẳng dễ đọc. Chúng ta phải biết điều này.

Sau khi đã biết, chúng ta mới biết từ nay trở đi nên đi theo con đường nào. Thật sự học Phật, nói thật thà, chẳng thể không đọc Tứ Thư, vì sao? Thay cho Tiểu Thừa. Đương nhiên có thể đọc Ngũ Kinh thì càng tốt hơn, nói đến Ngũ Kinh thì phân lượng quá nhiều, ta chẳng có cách nào thọ trì. Nếu ít hơn [Ngũ Kinh] thì ít tới mức chẳng thể nào ít hơn được nữa, chính là Tứ Thư. Đây là bộ sách dành cho người đọc sách tại Trung Hoa do Châu Hy đã chọn ra từ khá nhiều kinh điển. Ý tưởng chọn lựa của ông ta rất viên mãn. Trong Tứ Thư có lý luận, có phương pháp, lại còn kèm theo biểu diễn. Nói thật ra, chúng tôi chỉ có thể suy đoán, đoán mò mà thôi, vì chẳng tìm được chứng cứ, tôi chẳng nghiên cứu về ông Châu, chẳng hiểu rõ cuộc đời của ông ta cho lắm. Ông ta biên tập Tứ Thư, có nhận thức rất giống với kinh Hoa Nghiêm. Có phải là do ông ta đọc Hoa Nghiêm mà được linh cảm hay không thì tôi chẳng biết, nhưng [cách thức biên tập] rất giống kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm có lý luận, có phương pháp, lại còn kèm thêm biểu diễn. Phần đầu kinh Hoa Nghiêm giảng về lý luận, phẩm Ly Thế Gian giảng về phương pháp tu hành. Phẩm Nhập Pháp Giới là Thiện Tài đồng tử và năm mươi ba vị thiện tri thức nêu gương cho chúng ta thấy, hoàn toàn biểu hiện lý luận và phương pháp trong cuộc sống hiện tại, giống như diễn tuồng, diễn luyện cho chúng ta xem. Vì thế, sự giáo học như vậy đúng là đã đạt tới viên mãn cùng cực.

Tứ Thư giống như thế đó. Trung Dung là lý luận, Đại Học là phương pháp, [sách Luận Ngữ của] Khổng lão phu tử và Mạnh Tử giống như Thiện Tài đồng tử và năm mươi ba vị thiện tri thức. Quý vị thấy: Ứng dụng lý luận và phương pháp của Đại Học và Trung Dung vào cuộc sống, ứng dụng trong xử sự, đãi người, tiếp vật như thế nào? Nói cách khác, Khổng lão phu tử làm được, Mạnh Tử làm được. Hai người ấy gần giống như Thiện Tài đồng tử biểu diễn cho chúng ta thấy, làm điển hình, nêu gương cho người Hoa. Người Hoa [cần phải] giống như thế nào? Khổng Tử là người Hoa, Mạnh Tử là người Hoa. Người Hoa học làm một người Hoa [đúng nghĩa] thì phải lấy Mạnh Tử, Khổng Tử làm khuôn phép, học giống như họ. Nói thật ra, đức hạnh của họ chẳng kém Tiểu Thừa, trí huệ vượt trỗi Tiểu Thừa, trí huệ và tâm lượng đều vượt trỗi Tiểu Thừa, hết sức gần với Đại Thừa. Vì vậy, từ Nho nhập Phật, so với từ Tiểu Thừa nhập Phật, tiến nhập Đại Thừa hay hơn quá nhiều. Do đó, chẳng thể không đọc Tứ Thư, không có cơ sở này sẽ chẳng được. Chính mình tu hành còn phải có cơ sở này, huống là hoằng pháp lợi sanh, phải giảng giải Phật pháp cho người khác, quý vị thiếu cơ sở này thì làm sao được?

Tôi dạy học tại Mỹ, ước định bảy môn học, bảy môn học ấy mức độ thấp nhất là phải học thuộc lòng. Trong bảy môn học ấy có Tứ Thư, phải học thuộc. Chẳng thể thuộc, sẽ không có tư cách giảng kinh. Trong bảy môn học của tôi, kinh gồm có bốn loại là kinh Vô Lượng Thọ, Di Đà Kinh Yếu Giải, Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh, đây là một bộ kinh Tiểu Thừa. Kinh gồm ba bộ Đại Thừa, một bộ Tiểu Thừa. Ba loại khác là Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên và Tứ Thư. Tôi chọn bảy loại này, nếu chẳng thể học nhuần nhuyễn bảy thứ này, chẳng có tư cách giảng kinh. Chính quý vị tu hành thì chẳng cần nhiều như vậy, chọn lấy một loại trong kinh điển, nhưng phải đọc Tứ Thư, thuộc hay không chẳng sao hết. Nếu phát tâm hoằng pháp lợi sanh, bảy loại này là cơ bản, tôi cũng đã chọn tối thiểu rồi, không thể nào ít hơn được nữa, chẳng có cách nào ít hơn, do đã hạ thấp tiêu chuẩn đến mức độ thấp nhất. Các đồng tu phải thật sự biết điều này, nếu thật sự muốn phát Bồ Đề tâm hoằng pháp lợi sanh, phải thật sự dốc hết tánh mạng để làm. Tiếp đó, sách [Sớ Sao Diễn Nghĩa] viết: “Phát Bồ Đề, tín nhân quả, tụng Đại Thừa, giai tự lợi, duy khuyến tấn cú, thị lợi tha. Nhị lợi cụ bị, cố thị Đại Thừa” (Phát Bồ Đề, tin nhân quả, tụng Đại Thừa đều là tự lợi, chỉ có câu “khuyến tấn hành giả” là lợi tha. Hai điều lợi (tự lợi và lợi tha) trọn đủ, cố nhiên là Đại Thừa). Khi giới thiệu Sớ Sao, chúng tôi đã nói với các vị đồng tu ý nghĩa này. Chúng ta lại xem phần sau là phần Kết Thán, kinh văn ở ngay sau đó.

Phật cáo Vi Đề Hy:  “Nhữ kim tri phủ?  Thử tam chủng nghiệp,

nãi thị quá khứ, vị lai, hiện tại tam thế chư Phật tịnh nghiệp chánh nhân.

佛告韋提希 。汝今知不。此三種業。乃是過去未來現

在三世諸佛淨業正因。

(Phật bảo Vi Đề Hy: “Nay bà có biết chăng? Ba nghiệp ấy chính là tịnh nghiệp chánh nhân của quá khứ, vị lai, hiện tại tam thế chư Phật”).

 

Cần phải ghi nhớ đoạn kinh văn này. Chúng ta có muốn thành Phật hay không? Muốn thành Phật thì nhất định phải tu mười một câu trên đây, nhất định phải tu, phải nghiêm túc tu Tam Phước, không tu sẽ chẳng thành Phật. Quá khứ Phật, vị lai Phật, hiện tại Phật, chẳng có vị Phật nào không tuân thủ nguyên tắc này. Nói cách khác, chẳng có vị Phật nào là ngoại lệ, có vị nào không tu những điều này mà thành tựu hay không? Chẳng có! Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là thành Phật, nên người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận là tích đức vãng sanh, hay sám tội vãng sanh, cũng phải trọn đủ ba phước ấy. Chẳng đầy đủ ba phước, nay quý vị niệm Phật, niệm A Di Đà Phật, chỉ có thể nói là kết pháp duyên, đời này chẳng thể vãng sanh. Muốn vãng sanh trong một đời này, phải ghi nhớ điều này, phải y giáo phụng hành.

Trong phần sau của lời chú giải, Đế Nhàn đại sư có dặn dò chúng ta mấy câu cũng rất quan trọng, hãy xem từ nửa đoạn nơi dòng thứ hai trong trang một trăm ba mươi sáu. “Thiết vị” (Trộm cho rằng), [hễ mở đầu bằng chữ] “thiết vị” thì chính là lời của Đế Nhàn đại sư. “Tam chủng ký vân chư Phật chánh nhân, cụ kiến chư Phật” (Đã nói ba điều ấy là chánh nhân của chư Phật, đủ thấy chư Phật), “cụ” (具) là cụ thể, chúng ta có thể thấy hết thảy chư Phật, “bất cẩn tu Đại Thừa, tức tiểu thánh phàm phu chi hạnh, diệc sở đương hành dã” (không chỉ tu Đại Thừa, dẫu là hạnh của tiểu thánh hay phàm phu cũng đều nên hành). Mười một câu trên đây, chẳng có ai là không y giáo phụng hành, nghiêm túc tu học, như vậy thì mới có thể thành tựu. Nay chúng ta chẳng cần hai đoạn trước, ta đọc thấy “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả”, chỉ cần điều này, có thành tựu được chăng? Giống như một tòa cao ốc, chẳng cần hai tầng dưới, ta muốn xây tầng thứ ba mà thôi, quý vị xây bằng cách nào? Cách nghĩ ấy gọi là tà tri tà kiến, chẳng biết tu từ căn bản! Phát Bồ Đề tâm kiểu đó thì Bồ Đề tâm [mà quý vị đã phát] là giả trất! Thật sự phát Bồ Đề tâm,  phải thực hiện từ hiếu thuận cha mẹ,  đó là thật

sự giác ngộ, triệt để giác ngộ.

Do vậy, Phật pháp, đặc biệt là Đại Thừa Phật pháp, được kiến lập trên cơ sở hiếu đạo. Giáo học của Nho gia cũng được kiến lập trên cơ sở hiếu đạo. Vì thế, có thể biết: Giáo học thế gian và xuất thế gian đều lấy hiếu đạo làm căn bản. Nay chúng ta nói giáo dục thất bại, thất bại ở chỗ nào? Thiếu căn bản! Trong nhà trường chẳng dạy hiếu đạo, đó là giáo dục triệt để thất bại. Con người chẳng hiếu thảo với cha mẹ, sẽ chẳng thể tôn trọng thầy. Chẳng hiếu thảo với cha mẹ, chẳng tôn trọng thầy, chắc chắn sẽ không trung với quốc gia, chẳng yêu thương dân chúng, chẳng thể nào! Sau khi học thành sẽ như thế nào? Tự tư tự lợi. Ai nấy đều cầu lợi ích cho bản thân, lẽ đâu quốc gia và xã hội chẳng loạn? Đôi bên tranh giành lợi lộc. Giáo dục xưa kia là bỏ mình vì người, cầu gì? Cầu xã hội an hòa, lợi lạc, cầu điều này, chẳng cầu vì cá nhân, nhấn mạnh “hy sinh mình vì người khác”. Gia tộc xưa kia là đại gia tộc, hiện thời là tiểu gia đình. Trong đại gia tộc, quan niệm luân lý, đạo đức vô cùng trọng yếu. Chẳng có điều ấy, sẽ không thể duy trì, gia tộc ấy sẽ rối loạn. Do hiện thời những chuyện này đều bị bỏ sạch, đã bị bỏ sạch thì làm sao? Chỉ có duy nhất tiểu gia đình. Tiểu gia đình vẫn có vấn đề, vấn đề ở chỗ nào? Quý vị thấy [trong xã hội tỷ lệ] ly hôn bao nhiêu? Nếu quý vị hỏi do nguyên nhân nào ư? Chẳng có giáo dục! Chẳng biết mối quan hệ giữa con người với nhau! Vợ chồng có quan hệ gì? Cha con có quan hệ gì? Anh em có quan hệ gì? Thảy đều không có. Ta có lợi, ta có tiền, chỉ thấy mối quan hệ ấy. Trừ danh lợi ra, những thứ khác đều chẳng đáng quan tâm, đáng sợ quá! Đáng ngán lắm, đáng kinh hãi quá! Chỉ mưu cầu lợi! Vì thế, đấy là chỗ thất bại triệt để trong giáo dục.

Nhưng giáo dục đã phạm sai lầm ngần ấy năm, nay mọi người đều chẳng giác ngộ, cứ tưởng sự phát triển trong hiện thời là bình thường, không biết quay đầu; [cứ nghĩ] quay đầu là lạc hậu, là giáo dục phong kiến. Do đó, nhất định là có đại tai nạn. Sau khi đại tai nạn đã xảy ra, người ta sẽ suy nghĩ cẩn thận, nghĩ xem nguyên nhân nào khiến cho tai nạn phát sanh? Lại đi tìm cội rễ, tìm đến cuối cùng, vẫn thấy giáo dục của cổ nhân là đúng. Trong đại tai nạn ấy, người trên thế giới chết từ một nửa đến hai phần ba, con người mới giác ngộ, mới tỉnh ngộ. Không có tai nạn như vậy, sẽ mê hoặc, điên đảo, vĩnh viễn chẳng thể quay đầu. Trong những lãnh tụ trên thế giới hiện thời, tôi rất bội phục ông Lý Quang Diệu, Lý Quang Diệu có tầm nhìn xa. Do vậy, tại Tân Gia Ba, trong trường học, [học trò phải] học cổ thư Trung Hoa, học Phật học. Nhà trường có môn học về Phật học. Chúng tôi chỉ nghe nói ông ta tán thán văn hóa cố hữu của Trung Hoa. Tôi nghe các đồng tu Tân Gia Ba kể: Ông Lý Quang Diệu từng nói trên TV và radio, ông ta rất nuối tiếc là chính mình được giáo dục theo kiểu Anh. Ông ta nói nếu mình được giáo dục theo cách giáo dục truyền thống của Trung Hoa, thành tích chánh trị của Tân Gia Ba hiện thời phải vượt xa rất nhiều lần. Đây cũng là từng hứng chịu nỗi đau thê thảm về mặt giáo dục, quay lại phản tỉnh, có chút nhận thức nền văn hóa Trung Hoa.

Vì thế, đoạn văn này là phần vô cùng quan trọng trong bộ kinh; trong mười sáu phép Quán, phép Quán thứ mười sáu là Trì Danh, nắm được hai đoạn ấy, quý vị sẽ đạt được toàn bộ công đức và lợi ích. Chúng ta lại xem phần kinh văn tiếp theo:

 

Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: “Đế thính! Đế thính! Thiện tư niệm chi, Như Lai kim giả vị vị lai thế nhất thiết chúng sanh, vị phiền não tặc chi sở hại giả, thuyết thanh tịnh nghiệp. Thiện tai Vi Đề Hy, khoái vấn thử sự”.

佛告阿難及韋提希 。諦聽諦聽。善思念之。如來今者

為未來世一切眾生 。為煩惱賊之所害者 。說清淨業。善哉

韋提希。快問此事。

(Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: “Lắng nghe! Lắng nghe! Hãy khéo nghĩ nhớ, Như Lai nay sẽ vì hết thảy chúng sanh là những kẻ bị giặc phiền não làm hại trong đời vị lai mà nói nghiệp thanh tịnh. Lành thay Vi Đề Hy, khéo hỏi chuyện này).

 

Khởi đầu, đương cơ phát khởi của kinh này là tôn giả Vi Đề Hy. Phật lại gọi cả ngài A Nan [bảo hãy lắng nghe], ngài A Nan có quan hệ gì với kinh này? Ngài A Nan có quan hệ rất lớn, vì sao? Vì kinh này được nói trong hoàng cung, đức Phật nói kinh này, đệ tử Phật chỉ có hai người được nghe. Các đệ tử thường tùy gồm một ngàn hai trăm năm mươi người chẳng nghe, họ ở núi Linh Thứu, chẳng theo đến, nên không được nghe. Nhưng qua phần khai kinh, chúng ta thấy các Ngài đều được nghe, được nghe như thế nào? Ở đây, đức Phật bảo ngài A Nan phải nghe kỹ, quay về, sẽ đem những gì ta đã nói bảo với họ, nên các Ngài đều được nghe. Đây là nguyên nhân khiến đức Phật gọi ngài A Nan ở chỗ này, đó là một nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ hai, trong tương lai, ngài A Nan kết tập Kinh Tạng, là người truyền pháp, nên Ngài nhất định phải nghe kỹ càng. Vì thế, đối với hai người theo Ngài đến đây, Ngài chẳng gọi ngài Mục Kiền Liên lắng nghe, mà bảo A Nan lắng nghe, “thiện tư niệm chi” (hãy khéo nghĩ nhớ). Ở đây, đức Phật thuyết pháp cũng là “vị vị lai thế nhất thiết chúng sanh” (vì hết thảy chúng sanh trong đời vị lai), muốn tu tịnh nghiệp, hy vọng vãng sanh Tịnh Độ. Pháp môn này hữu ích rất lớn, có thể khiến cho hết thảy chúng sanh ai nấy được mãn nguyện. Cuối cùng lại hết sức tán thán phu nhân Vi Đề Hy: Bà hỏi rất hay! Do câu hỏi này của bà, chẳng biết bao nhiêu người được lợi ích!

Chúng ta xem lời giải thích của lão hòa thượng Đế Nhàn, trong trang một trăm ba mươi bảy, hàng thứ nhất, xem từ câu cuối cùng: “Thiết vị, tường Như Lai ý” (Trộm cho rằng: Xét kỹ ý Như Lai), quan sát tỉ mỉ, cẩn thận ý nghĩa trong lời dạy của Thích Ca Mâu Ni Phật. “Tam chủng tịnh nghiệp, chuyên vị mạt thế chúng sanh nhi thuyết” (Ba thứ Tịnh nghiệp chuyên vì chúng sanh đời Mạt Pháp mà nói). Cụ Đế Nhàn cho rằng: [Ba thứ Tịnh nghiệp] được đặc biệt nhấn mạnh đối với chúng sanh trong thời kỳ Mạt Pháp, vì sao? Quả thật, như trong phước thứ nhất, lúc đức Phật chưa xuất hiện tại Trung Hoa, Nho gia đã làm được. Nay chúng ta vứt bỏ giáo dục của Nho gia, nên mới cảm thấy mấy câu này của đức Phật quan trọng, xưa kia, mọi người đọc đến điều này đều làm được. Học giáo pháp Tiểu Thừa, “thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi” (thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi), họ cũng đều rất thật thà làm được. Vì thế, trong thuở ấy, đức Phật đặc biệt nhấn mạnh pháp Bồ Tát. Đức Phật đặc biệt nêu ra ba điều này, quả thật nhằm đối trị chúng sanh trong thời Mạt Pháp, Mạt Pháp rất khổ! Như chúng ta hiện đang gặp nạn này, thật sự rất khổ, chẳng hề có tiền lệ trong lịch sử. Lịch sử xưa nay, trong ngoài nước chưa hề có [tình trạng này]. Đừng thấy hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, Đài Loan giàu có dường ấy [mà lầm], hãy mở sử sách ra xem, [sẽ thấy hiện thời] đau khổ và bần cùng hơn bất cứ thời đại nào. Bần (貧) là gì? Chẳng có trí huệ; Tiện (賤) là chẳng có địa vị, trong xã hội, chẳng có ai tôn trọng quý vị. Trước kia làm quan thì ghê gớm lắm, dân chúng ai chẳng kính sợ quý vị? Vừa cung kính, vừa sợ hãi. Nay thì ngay cả Tổng Thống còn có kẻ chỉ vào mặt mắng nhiếc, quý vị thấy đúng là chẳng ra thể thống chi cả! Trước kia, hành chánh viện trưởng (thủ tướng), huyện thị trưởng ghê gớm lắm, nay đi ra ngoài, ai quan tâm tới? Ngay cả những kẻ bán hàng rong trên phố trông thấy họ còn chẳng thèm ngó tới. Thiên hạ đại loạn, toàn thể xã hội mất trật tự, trật tự xã hội bị hủy mất, đáng sợ quá!

Lễ đã băng hoại, lễ là cao thấp, tôn ty  có  trật  tự; hiện  thời, lễ  đã

băng hoại, thiên hạ đại loạn. Thuở sinh tiền, Lão Tử dạy học đã nói: “Đạo thất nhi hậu hữu đức” (Đạo đã mất, nhưng hãy còn đức). Đạo đã mất, nhưng còn có đức để duy trì. “Đức thất nhi hậu nhân, nhân thất nhi hậu nghĩa, nghĩa thất nhi hậu lễ” (Đức đã mất hãy còn nhân, nhân đã mất hãy còn nghĩa, nghĩa đã mất thì hãy còn lễ). Lễ là cuối cùng, là tầng cấp thấp nhất. Lễ mất luôn thì thiên hạ đại loạn. Sau thời Khổng Tử, nói thật ra, mỗi triều đại đều bảo vệ lễ, mãi cho đến những năm cuối triều Mãn Thanh. Trong giáo dục, quốc gia hết sức coi trọng [lễ], nên có khi giáo dục được gọi là “lễ giáo”, cũng là có đạo lý. Tới đầu thời Dân Quốc, các sinh viên sang du học ngoại quốc, cho rằng ngoại quốc tự do, bình đẳng, còn lễ giáo Trung Hoa quá sức bó buộc con người, lễ giáo là lễ giáo “ăn thịt người”, muốn đả đảo nó. Do đã đả đảo, nên mới có kết cục như hiện thời. Đảng Cộng Sản thống trị Trung Hoa Đại Lục, xã hội hiện thời động loạn như vậy, đều là kết cục sau khi lễ giáo băng hoại. Tuy giàu, giàu mà chẳng vui, tâm chẳng thể an, thật sự chẳng được vui sướng. Nói cách khác, vật chất chẳng thiếu thốn, nhưng tinh thần hết sức trống trải. Cuộc sống thiếu tinh thần khổ lắm! Chúng ta quan sát cặn kẽ, chú tâm phản tỉnh, phải tìm ra cái gốc bệnh. Chẳng thể cứu xã hội thì tối thiểu là phải cứu chính mình, phải khiến cho cuộc sống tinh thần của chính mình được sung mãn. Để sung mãn cuộc sống tinh thần của chính mình, không gì bằng đọc sách Khổng Mạnh, đọc Đại Thừa Phật pháp rồi mới cảm thấy sống một đời này còn có chút ý nghĩa, cuộc đời vẫn có chút ý nghĩa, có chút giá trị. Nếu chẳng đọc sách Khổng Mạnh, không đọc Đại Thừa Phật pháp, luống uổng đời này, đời người chẳng có ý nghĩa, không có giá trị. Có tiền, nhưng đáng bao nhiêu tiền? Chẳng đáng giá! Chúng ta phải chú ý, phải lưu ý những chỗ này. Ở đây, hiểu dụng ý thuyết pháp của đức Phật, chính là vì người trong thời đại hiện tại này mà nói, nên ở đây đặc biệt nhấn mạnh ba thứ Tịnh nghiệp.

“Dĩ diệt hậu chúng sanh, chướng đại tặc cường, Pháp Thân huệ mạng yểu thương, bất hữu tam chủng Tịnh nghiệp, thùy năng bảo nhậm, cố vân vị vị lai thế đẳng” (Do chúng sanh sau khi đức Phật diệt độ, chướng to, giặc phiền não mạnh mẽ, Pháp Thân huệ mạng gần như đoạn tuyệt, nếu chẳng có ba thứ Tịnh nghiệp, ai có thể đảm bảo. Do đó, nói “vì đời vị lai” v.v…). Nói rất hay, trình bày hết sức rõ ràng, hết sức minh bạch. Sau khi đức Phật diệt độ, tại Trung Hoa, Khổng phu tử đã khuất, ít có kẻ chánh tri chánh kiến! “Chướng đại, tặc cường”: Chướng là nghiệp chướng, Tặc là phiền não. Phiền não ngày càng nặng, nghiệp chướng cũng ngày càng sâu. “Pháp Thân huệ mạng yểu thương”: Pháp Thân huệ mạng gần như đoạn tuyệt. Học Phật, phải mong thành Phật, phải mong vãng sanh, vãng sanh thành Phật chính là Pháp Thân huệ mạng, làm thế nào để duy trì Pháp Thân huệ mạng? Sử dụng ba thứ tịnh nghiệp này. Do đó, không chỉ là tu Tịnh Độ nhất định phải tuân thủ ba thứ Tịnh nghiệp, mà tu học Đại Thừa Phật pháp, bất luận là tông nào, bất luận pháp môn nào, nếu không ra sức thực hiện từ mười một câu ấy, có thể đoan quyết người ấy chẳng thể thành công. Bản thân chúng ta tu học cũng giống như vậy, niệm Phật cũng thế, mà tham Thiền cũng thế, trì chú cũng thế, bất luận quý vị tu pháp môn nào, chẳng làm được mười một câu này, có thể nói là sự tu học của quý vị chỉ tu được một chút si phước nhân thiên [mà thôi]. Nói si phước nhân thiên là rất cung kính quý vị, chứ nói không chừng quý vị phải vào ba ác đạo để hưởng một chút si phước ấy. Ác đạo cũng có trường hợp rất có phước, súc sanh đạo có phước, chúng tôi đã thấy rất nhiều. Quý vị thấy người ngoại quốc nuôi những con vật cưng, chúng thật sự có phước! Chủ nhân hầu hạ nó chẳng thiếu một điều nhỏ nhặt nào, chết đi còn được chôn ở phần mộ chung, [chủ nhân] còn thường đến cắm hoa, còn đến thương tiếc chúng, đúng là có phước! Những súc sanh ấy đều là kẻ đời trước niệm Phật tu hành.

Chúng ta lại xem đoạn kinh văn kế tiếp:

 

A Nan! Nhữ đương thọ trì.

阿難汝當受持。

(A Nan! Ông hãy nên thọ trì).

 

Câu này rất quan trọng! Quý vị thấy mỗi đoạn đều đặc biệt gọi A Nan, Thích Ca Mâu Ni Phật vẫn chưa chỉ dạy, mà đã đặc biệt bảo A Nan “nhữ đương thọ trì”.

 

Quảng vị đa chúng tuyên thuyết Phật ngữ.

廣為多眾宣說佛語。

(Rộng vì nhiều người tuyên nói lời Phật).

         

Dặn dò ngài A Nan phải truyền pháp.

 

Như Lai kim giả, giáo Vi Đề Hy cập vị lai thế nhất thiết chúng sanh, quán ư Tây Phương Cực Lạc thế giới. Dĩ Phật lực cố, đương đắc kiến bỉ thanh tịnh quốc độ, như chấp minh kính, tự kiến diện tượng, kiến bỉ quốc độ cực diệu lạc sự, tâm hoan hỷ cố, ứng thời tức đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.

如來今者。教韋提希及未來世一切眾生。 觀於西方極

樂世界。以佛力故 。當得見彼清淨國土 。如執明鏡。自見

面像 。見彼國土。極妙樂事 ,心歡喜故。應時即得無生法

忍。

(Như Lai nay sẽ dạy Vi Đề Hy và hết thảy chúng sanh trong đời vị lai quán Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do Phật lực, sẽ thấy cõi nước thanh tịnh ấy, như cầm gương sáng tự thấy vẻ mặt. Thấy các sự vui tột bậc mầu nhiệm trong cõi ấy, do tâm hoan hỷ, nên ngay khi đó, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn).

 

Đặc biệt phó chúc tôn giả A Nan thọ trì, hoằng dương và tiếp nhận pháp môn này, tu học [pháp môn này] sẽ đạt được công đức và lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Đoạn văn này chứng tỏ bộ kinh này là Viên Đốn đại giáo, vì hành nhân sẽ chứng Vô Sanh Pháp Nhân chẳng tuân theo thứ tự, ngay lập tức bèn chứng đắc, nên thuộc loại Đốn Giáo, có cùng một ý nghĩa với “hoặc một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn” trong kinh Di Đà. Người tu hành dùng cái tâm chân thành của chính mình để cầu sanh Tịnh Độ, chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Khi Phật ứng, Phật có thể hiện thân, chứng minh cho quý vị, hiện tướng lành, đó gọi là “hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”. Ở đây nói là “dĩ Phật lực cố, đương đắc kiến bỉ thanh tịnh quốc độ, như chấp minh kính, tự kiến diện tượng” (do Phật lực nên sẽ thấy cõi nước thanh tịnh ấy, như cầm gương sáng tự thấy vẻ mặt). Đây là thấy trước khi được vãng sanh. Giống như Huệ Viễn đại sư trong quá khứ, trong một đời, lão nhân gia đã thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới ba lần, trông thấy trạng huống giống hệt như trong kinh dạy.

Thuở Viễn Công tại thế, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật còn chưa được dịch ra, kinh A Di Đà cũng chưa phiên dịch, lão nhân gia căn cứ kinh Vô Lượng Thọ, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ. Trong Tịnh Độ Tam Kinh, kinh Vô Lượng Thọ được truyền đến Trung Hoa sớm nhất. Thuở ấy, Viễn Công đại sư nương theo một bộ kinh để tu trì, thành lập Liên Xã ở Lư Sơn, Tịnh Độ Tông được thành lập tại đó. Những người chí đồng đạo hợp, chuyên tu Tịnh Độ cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Một trăm hai mươi ba người niệm Phật ở Lư Sơn. Lão nhân gia ba lượt thấy Tịnh Độ, kinh Lăng Nghiêm nói là “hiện tiền thấy Phật”, Ngài thấy Phật ngay trong hiện tiền. Trong quá khứ, người niệm Phật hoặc là trong Định, hoặc trong niệm Phật đường, hoặc trong khi chính mình đang tu học, đi, đứng, nằm, ngồi, thấy thánh tượng A Di Đà Phật, thấy ao báu trong thế giới Tây Phương, thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương, những chuyện này được ghi chép rất nhiều. Thời cận đại, ít người [trông thấy] hơn. Thời cận đại như tôi biết, tại Cựu Kim Sơn, cư sĩ Cam Quý Huệ trong khi niệm Phật thấy hoa sen, trên hoa sen có đề tên ông ta, tương ứng với điều kinh đã nói. Đó là Phật dùng thần lực chứng minh cho quý vị. Quý vị tu hành đến một mức độ kha khá, bèn hiện tướng chứng minh cho quý vị hòng tăng cường tín tâm.

Chúng ta tu trì chẳng thấy tướng [tốt lành]; nói cách khác, Phật biết quý vị chưa đủ mức. Nếu Phật hiện tướng ấy, quý vị sẽ phát cuồng! Vừa thấy tướng lành ấy, bèn tự cảm thấy ta ghê gớm lắm, kiêu căng, ngã mạn: “Ta tu hành đã thành tựu. Các ngươi xem đó, các ngươi chẳng có công phu, nên đều chẳng trông thấy”. Người ấy liền phát cuồng, phát cuồng là phiền não sanh khởi, tâm thanh tịnh ngay lập tức mất đi. Khi cổ nhân trông thấy tướng lành, thấy mà như không thấy, không chỉ hoàn toàn chẳng động tâm, mà cũng chẳng kể với ai. Đến khi nào sẽ nói với người khác? Khi người ấy vãng sanh, mọi người đưa người ấy đi vãng sanh, người ấy kể cho mọi người biết kinh nghiệm khi trước. Như Viễn Công lúc sắp vãng sanh bèn bảo các đồng tu: “Ta lại thấy cảnh giới Tây Phương. Trong quá khứ, từng thấy hai lần, nay lại trông thấy, ta sắp đi rồi”. Khi đó mới tuyên bố, trước nay chưa hề kể cảnh giới với người khác. Nay vừa thấy đôi chút, ngay cả khi chỉ thấy một chút phưởng phất, đã vội vã đi khắp nơi tuyên dương, cứ sợ kẻ khác chẳng biết, còn phải viết thành sách. Quý vị nói xem, còn làm sao được nữa? Thậm chí còn có kẻ chẳng thấy, nhưng sợ người ta nói chính mình chẳng có công phu, vẫn muốn lừa gạt kẻ khác, [bịa chuyện] ta thấy này thấy nọ! Gạt người, bịa chuyện đơm đặt! Chuyện này tại Trung Hoa lẫn ngoại quốc quá phổ biến, quá nhiều!

Hễ nghe thấy, quý vị phải chú ý, quyết định là giả, quyết định chẳng thể là thật, vì sao? Nếu là thật, lẽ nào người ấy chịu khinh dễ nói với quý vị. Chẳng thể nào khinh thường, dễ dãi nói cho quý vị biết. Thật sự gặp cảnh giới ấy thì có thể nói với ai? Đại đa số là nói với thầy mình, xin thầy ấn chứng. Đối với đồng tham đạo hữu bình thường cũng chẳng nói, làm sao chịu tuyên bố với đại chúng cho được? Hễ tuyên bố cùng đại chúng, nhất định là đơm đặt, bịa chuyện, không gì chẳng nhằm cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, nay nói là “đánh bóng tên tuổi”. Dùng phương pháp ấy để đánh bóng tên tuổi, lừa gạt hết thảy chúng sanh, chắc chắn chẳng thể tin cậy được, chúng ta phải biết điều này! Vô Sanh Pháp Nhẫn là gì? Lần sau chúng ta sẽ lại nghiên cứu.

 

 

[1] Giới Tỳ-kheo (Cụ Túc Giới) được chia thành bảy tiểu loại gọi là Thất Tụ, còn gọi là Thất Phạm Tụ, hay Thất Tội Tụ bao gồm:

1) Ba La Di (Pārājika), dịch là Đoạn Đầu, tức những giới căn bản trọng tội (giết, trộm, dâm, dối). Kẻ phạm những giới này hoàn toàn đánh mất tư cách tỳ-kheo, chẳng được ở chung với tăng chúng.

2) Tăng Già Bà Thi Sa (Samghāvaśesa), dịch nghĩa là Tăng Tàn, tội này nếu chí thành sám hối trước thanh tịnh chúng thì còn có thể khôi phục tư cách tỳ-kheo. Chẳng hạn như hủy báng người khác thì là tội này.

3) Thâu Lan Giá (Sthūlātyaya), dịch nghĩa là Đại Chướng Thiện Đạo, ý nói tội lỗi này tuy nhẹ hơn, nhưng chướng ngại thiện pháp sanh khởi. Kinh Đại Bát Niết Bàn có nêu một thí dụ: Như có người thấy tràng hoa cúng Phật đã héo, bèn tùy tiện tháo chỉ xâu hoa, đem cất riêng để sau này sử dụng, không xin phép Thường Trụ, thì phạm tội Thâu Lan Giá.

4) Ba Dật Đề (Prāyaścittika), dịch là Xả Đọa.

5) Ba La Đề Xá Ni (Pratideśanīya), dịch là Hướng Bỉ Hối.

6) Đột Cát La (Duskrta), dịch là Ác Tác, như nói lời thô ác, có hành vi không đúng với oai nghi, nhưng chẳng phạm vào bốn tội trọng.

7) Ác Thuyết (Durbhāsita).

Bảy loại trên đây nếu nói gọn lại sẽ thành năm loại, gọi là Ngũ Thiên, tức Ba La Di, Tăng Tàn, Ba Dật Đề, Ác Tác và Ác Thuyết.

[2] Mân Nam là từ ngữ để chỉ khu vực phía Nam tỉnh Phước Kiến, đối diện eo biển Đài Loan, bao gồm các huyện Chương Châu, Tuyền Châu và Hạ Môn. Nếu hiểu theo nghĩa rộng còn bao gồm Bồ Điền, lưu vực sông Cửu Long Giang và Tấn Giang. Ngữ hệ Hà Lạc (tiếng nói của vùng Tuyền Châu và Chương Châu) chính là khởi thủy của tiếng Đài Loan hiện thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *