#CHƯA-UPDATE
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1990
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 28 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 03-002-0001 đến 03-002-0028
QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 24
Xin xem trang một trăm tám mươi bảy, xem phần kinh văn.
Tưởng bỉ Phật giả, tiên đương tưởng tượng, bế mục, khai mục, kiến nhất bảo tượng, như Diêm Phù Đàn kim sắc, tọa bỉ hoa thượng.
想彼佛者 。先當想像。閉目開目。見一寶像。如閻浮
檀金色。坐彼華上。
(Hãy tưởng đức Phật ấy: Trước hết hãy nên tưởng hình tượng. Nhắm mắt, mở mắt đều thấy một tượng báu, có màu như vàng Diêm Phù Đàn, ngồi trên hoa ấy).
Đây là dạy chúng ta cách quán. Trong cách quán, trước hết nói rõ là Quán Tượng. Hoàn toàn giống như các phép Nhật Quán, Thủy Quán trong phần trước, ắt phải mở mắt hay nhắm mắt đều thấy tượng Phật ấy ở trước mắt, thấy cặn kẽ như trong kinh đã dạy thì mới là quán thành công. Dù trong tâm mục có tượng ấy, nhưng [tượng ấy] chẳng thể xuất hiện trước mắt tức là phép Quán này chẳng thành tựu! Tiếp theo đó là “nhân tượng kiến độ” (do tượng mà thấy cõi nước). Chúng ta xem kinh văn trong trang một trăm tám mươi tám.
Kiến tượng tọa dĩ.
見像坐已。
(Đã thấy tượng ngồi rồi).
A Di Đà Phật ngồi trên đài sen.
Tâm nhãn đắc khai, liễu liễu phân minh kiến Cực Lạc quốc thất bảo trang nghiêm, bảo địa, bảo trì, bảo thụ hàng liệt. Chư thiên bảo mạn di phú kỳ thượng, chúng bảo la võng mãn hư không trung. Kiến như thử sự, cực linh minh liễu, như quán chưởng trung.
心眼得開 。了了分明見極樂國七寶莊嚴。寶地寶池。
寶樹行列 。諸天寶幔彌覆其上 。眾寶羅網滿虛空中。見如
此事。極令明了。如觀掌中。
(Tâm nhãn mở mang, thấy rành rẽ, phân minh cõi Cực Lạc trang nghiêm bằng bảy báu, đất báu, ao báu, cây báu bày thành hàng. Các màn cõi trời phủ kín bên trên. Các lưới mành báu giăng khắp hư không. Thấy sự như vậy sao cho hết sức rõ rệt như nhìn vào bàn tay).
Cổ đức nói cảnh giới vi tế như vậy đều từ nhất tâm diệu quán dần dần chuyển sanh, nên sẽ thấy cảnh giới ngày càng rõ rệt, càng thấy càng hiểu rõ. Ở chỗ này, phải đặc biệt chú ý: Thật sự quan sát, hiểu rõ, thật ra là do chân tâm rất thanh tịnh. Nay chúng ta nói tới Quán Tưởng Niệm Phật. Đối với phép Quán này, tông Thiên Thai đề ra Thứ Đệ Tam Quán và Nhất Tâm Tam Quán. Tông Thiên Thai [đề xướng như vậy] vì thuở trước, Trí Giả đại sư lập ra phương pháp tu hành Tam Chỉ Tam Quán, phương pháp ấy do Trí Giả đại sư phát minh. Các cao tăng Ấn Độ đến Trung Hoa bái phỏng Trí Giả đại sư, Trí Giả đại sư kể với họ phương pháp tu hành của chính Ngài, các pháp sư Ấn Độ bội phục khôn cùng. Họ nói với Trí Giả đại sư: Ở phương Tây (Ấn Độ) có kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, phương pháp tu học được giảng trong kinh ấy hết sức tương tự, rất gần gũi với pháp Tam Chỉ, Tam Quán của tông Thiên Thai. Kinh Lăng Nghiêm dạy Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na. Vì lẽ đó, Thiên Thai đại sư dựng một đài bái kinh tại núi Thiên Thai, hằng ngày hướng về phía Tây lễ bái, mong mỏi kinh ấy truyền sang Trung Hoa. Lạy suốt mười tám năm, Trí Giả đại sư viên tịch, kinh ấy vẫn chưa truyền tới Trung Hoa; nhưng về sau, ngài Bát Lạt Mật Đế đem kinh ấy đến Trung Hoa.
Kinh ấy ở Ấn Độ được gọi là quốc bảo, bất cứ kinh điển nào cũng đều có thể lưu thông sang ngoại quốc, nhưng kinh điển này (kinh Lăng Nghiêm) chẳng thể lưu thông tại ngoại quốc. Đấy là do người Ấn Độ tiếc pháp, nên hiện thời tại Ấn Độ chẳng có Phật pháp, quả báo do tiếc pháp đấy! Pháp sư Bát Lạt Mật Đế mang kinh ấy tới nơi đây (Trung Hoa), hải quan tra xét rất nghiêm, lén đem vài lần đều chẳng thành công. Cuối cùng, Ngài rạch mu bàn tay, giấu bổn kinh đã được chép với khổ chữ rất nhỏ vào trong đó, chờ cho đến khi miệng vết thương hoàn toàn lành lặn, đem kinh đến Trung Hoa như vậy. Đem đến Trung Hoa, bèn mổ mu bàn tay, lấy kinh ra, kinh Lăng Nghiêm được truyền tới Trung Hoa như vậy đó. Thuở đầu, chú giải kinh, do bị ảnh hưởng [bởi lời nhận định của các vị pháp sư Ấn Độ], nên đều dùng pháp Chỉ Quán của tông Thiên Thai để giải thích Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na. Mãi cho đến đời Minh, Giao Quang đại sư mới không dùng phương pháp ấy, trực tiếp dùng cách nói trong kinh Lăng Nghiêm, đề xướng “bỏ Thức dùng Căn”, hết sức phù hợp ý nghĩa của kinh. Chúng ta đọc thấy trong lời tựa cho bản Chú Giải, pháp sư Giao Quang có nói Ngài niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Lúc lâm chung, khi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, A Di Đà Phật đứng trên không trung tiếp dẫn Ngài vãng sanh, Ngài xin A Di Đà Phật cho hoãn lại. Ngài nói chú giải kinh Lăng Nghiêm từ xưa tới nay chẳng nêu rõ ý nghĩa trong kinh, những lời mi chú[1] cũng chẳng giảng rõ ràng, Ngài xin A Di Đà Phật cho phép Ngài khoan vãng sanh để chú giải kinh Lăng Nghiêm. Sau khi chú giải xong xuôi sẽ vãng sanh. A Di Đà Phật cũng chấp thuận, cho phép Ngài được ở lại, Ngài trụ thế để soạn chú giải.
Ngài nêu ra nguyên nhân ở chỗ nào? Tam Chỉ Tam Quán của tông Thiên Thai đều dùng ý thức, Nhất Tâm Tam Quán cũng không ra ngoài lệ ấy. Kinh Lăng Nghiêm nói hoàn toàn chẳng dùng tâm ý thức, trong chú giải, pháp sư Giao Quang đã nói rõ ràng! Bản chú giải của Ngài được gọi là Tân Sớ. Do đó, [chú giải] Lăng Nghiêm có hai phái tân và cựu. Cựu phái dùng Tam Chỉ Tam Quán của tông Thiên Thai để giải thích kinh, tân phái không dùng Tam Chỉ Tam Quán, mà dùng “bỏ Thức dùng Căn” như pháp sư Giao Quang đã nói, không dùng tâm ý thức. Bản sớ giải kinh này do Thiên Thai đại sư chú giải, Ngài dùng Tam Chỉ Tam Quán; nói cách khác, vẫn dùng tâm ý thức. Dùng tâm ý thức chánh xác, dùng tâm ấy để tu hành, theo như kinh Lăng Nghiêm đã dạy, sẽ có thể chứng đắc quả A La Hán, có thể chứng đắc quả vị Bích Chi Phật. Nói cách khác, nói theo Tịnh Tông, xác thực là có thể tu đạt đến Sự nhất tâm bất loạn, có thể đạt đến cảnh giới này. Trong Sự nhất tâm bất loạn, đại khái là đối với những cảnh giới như kinh đã nói đều có thể thành tựu, có thể thành tựu phép quán tưởng này. Nếu muốn đạt tới thành tựu viên mãn thật sự, ắt phải là Lý nhất tâm bất loạn thì mới thật sự thấy. Chúng ta phải nên hiểu điều này. Đức Phật dạy chúng ta một nguyên tắc là “y pháp, bất y nhân”, “pháp” là kinh điển, còn chú sớ chỉ là tài liệu tham khảo do cổ đại đức trao cho chúng ta để tu học mà thôi. Chúng ta dùng những nhận định của các Ngài như tài liệu tham khảo thì là chánh xác, cũng đừng nên hoàn toàn chấp chết cứng vào lời chú giải. [Hễ chấp chết cứng] thì sai mất rồi, nhất định phải nương vào kinh. Chúng ta lại xem đoạn thứ hai là Quán Bồ Tát.
Kiến thử sự dĩ, phục đương cánh tác nhất đại liên hoa, tại Phật tả biên, như tiền liên hoa, đẳng vô hữu dị. Phục tác nhất đại liên hoa, tại Phật hữu biên, tưởng nhất Quán Thế Âm Bồ Tát tượng, tọa tả hoa tòa, diệc tác kim sắc, như tiền vô dị, tưởng nhất Đại Thế Chí Bồ Tát tượng, tọa hữu hoa tòa.
見此事已 。復當更作一大蓮華。在佛左邊。如前蓮華
。等無有異 。復作一大蓮華 。在佛右邊。想一觀世音菩薩
像。坐左華座 。亦作金色 。如前無異。想一大勢至菩薩像
。坐右華座。
(Đã thấy sự ấy rồi, lại nên tưởng một hoa sen to ở bên trái đức Phật, giống như hoa sen trên đây trọn chẳng khác gì. Lại tưởng một hoa sen to, ở bên phải đức Phật. Tưởng một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi trên hoa tòa bên trái, cũng là thân vàng ròng, giống như trước chẳng khác. Tưởng một tượng Đại Thế Chí Bồ Tát ngồi trên hoa tòa bên phải).
Hoa đài và tòa sen hoàn toàn giống nhau, Phật và Bồ Tát đều [có hoa đài và hoa sen] giống hệt nhau. Chính giữa là A Di Đà Phật, bên trái, tức phía bên tay trái của A Di Đà Phật, là Quán Thế Âm Bồ Tát; phía bên tay phải là Đại Thế Chí Bồ Tát. Trong chú giải, [có những câu] rất thú vị. Chú giải giảng: “Tam thánh thiết hóa, động tĩnh tất câu” (Tam thánh hóa hiện như thế, động hay tĩnh ắt đều như một), “câu” (俱) là tuy một mà ba, tuy ba mà một. “Nhất chủ nhị thần, phi tịnh, phi biệt, biểu hồ tam pháp, tam diệu dung. Chân thân ký nhiên, tượng hợp tương tự, quán nhị túc Phật, linh diệu quán thành tam” (Một vị chủ tể, hai vị bầy tôi, chẳng phải giống hệt như nhau, chẳng phải là khác nhau, biểu thị ba pháp, ba sự dung thông mầu nhiệm. Chân thân đã là như thế thì hình tượng [được biến hiện] cũng phải giống như thế. Quán đức Phật phước huệ trọn đủ, khiến cho phép quán mầu nhiệm [một mình đức Phật] trở thành quán cả ba vị). Đây là quán Tây Phương Tam Thánh. Theo cách biểu thị pháp thông thường, Phật biểu thị Pháp Tánh, biểu thị Chân Như bản tánh; Bồ Tát biểu thị từ Thể khởi tác dụng, là tác dụng của tự tánh. Tác dụng của tự tánh là vô lượng vô biên. Vô lượng vô biên đức dụng có thể quy nạp thành hai loại lớn, một là Trí, hai là Hạnh, trong Phật pháp nói là Giải Hạnh, Giải thuộc về trí huệ, Hạnh thuộc về sự hành trì trong cuộc sống. Đây là hai vị đại Bồ Tát; vì thế, chúng ta thờ tượng Phật nhất định là một vị Phật hai vị Bồ Tát, chẳng thờ thành ba vị Bồ Tát, hay bốn vị Bồ Tát, chẳng thờ theo cách như vậy, vì các Ngài biểu thị ý nghĩa viên mãn trọn đủ về mặt pháp.
Trong Tây Phương Tam Thánh, Quán Thế Âm Bồ Tát đại biểu Hạnh. Quán Âm Bồ Tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn, nên tượng trưng cho Hạnh môn. Đại Thế Chí Bồ Tát đại biểu Giải môn, biểu thị trí huệ, chỉ có trí huệ mới là thế lực chân chánh, thật sự hữu lực. Vì thế, từ bi nhất định phải lấy trí huệ làm cơ sở, đó mới là lòng từ bi thuận tánh. Nếu chẳng có trí, lòng từ bi ấy sẽ được gọi là “lạm từ bi” (lòng từ bi luông tuồng), sẽ có ảnh hưởng bất thiện, đâm ra chẳng tốt đẹp. Phật môn thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Phật pháp hết sức coi trọng đại từ đại bi và thiện xảo phương tiện; nhưng người đời sau cũng nói: “Từ bi lắm họa hại, phương tiện thành hạ lưu”, do nguyên nhân nào? Đánh mất trí huệ! Lòng từ bi thiếu trí huệ và phương tiện thiếu trí huệ đều hỏng! Có thể nói là Phật pháp hiện thời suy vi đến nông nỗi này là vì bỏ mất lý trí, một mực mù quáng dùng lòng từ bi bừa bãi. Chúng ta biết nghĩa thú của việc thờ phụng tượng Phật, nói thật ra thì “một chính là ba, ba chính là một”, biểu thị nhất Thể. Tiếp theo đây, chúng ta lại xem phần Tượng Phóng Quang (tượng Phật và Bồ Tát tỏa quang minh).
Thử tưởng thành thời, Phật, Bồ Tát tượng giai phóng quang minh. Kỳ quang kim sắc, chiếu chư bảo thụ. Nhất nhất thụ hạ, diệc hữu tam liên hoa. Chư liên hoa thượng, các hữu nhất Phật, nhị Bồ Tát tượng, biến mãn bỉ quốc.
此想成時 。佛菩薩像皆放光明。其光金色。照諸寶樹
。一一樹下 。亦有三蓮華 。諸蓮華上。各有一佛二菩薩像
。遍滿彼國。
(Khi phép quán tưởng này đã thành, [lại tưởng] tượng Phật và Bồ Tát đều phóng quang minh. Quang minh ấy sắc vàng, chiếu các cây báu. Dưới mỗi cội cây, cũng có ba hoa sen. Trên các hoa sen đều có hình tượng một vị Phật và hai vị Bồ Tát trọn khắp cõi ấy).
Đoạn này rất quan trọng mà cũng rất dễ nhớ. Vì chúng ta thường suy nghĩ: Tây Phương Cực Lạc thế giới to ngần ấy, người đông dường ấy, làm sao chúng ta có thể thấy Phật cho được? Đều rất hoài nghi! Chẳng cần nói chi khác, Đài Loan chẳng lớn, thành phố Đài Bắc càng bé. Thành phố Đài Bắc có hơn hai trăm vạn thị dân, mỗi người chúng ta hằng ngày đều có thể gặp Tổng Thống hay chăng? Đều chẳng gặp được! Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới không ai có thể tính nổi số, đông ngần ấy, làm sao chúng ta có thể gặp A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí hằng ngày? Xem đoạn kinh văn này mới biết, vốn là Phật, Bồ Tát hóa thân; dưới mỗi cây báu đều có Tây Phương Tam Thánh. Số lượng Tây Phương Tam Thánh và số người bên ấy bằng nhau. Do đó, mỗi người hằng ngày đều thấy Phật, mỗi ngày đều chẳng lìa Phật, tốt lắm! Trong mười phương thế giới, chúng ta chưa hề thấy cảnh giới này, các kinh khác chưa hề nói như thế, chỉ riêng thế giới Tây Phương là hóa thân của Di Đà, Quán Âm, Thế Chí đầy khắp nước ấy. Do đó, đến thế giới Tây Phương, sẽ thường ở cùng một chỗ với A Di Đà Phật, cùng Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, các vị đại Bồ Tát gặp mặt hằng ngày. Mỗi ngày đều ở chung với nhau, hóa thân của các Ngài trọn khắp cõi Phật.
Chúng ta xem phần chú giải cho đoạn này trong trang một trăm tám mươi chín, xem từ câu thứ ba trong hàng thứ tư từ dưới đếm lên: “Phật chi thân tòa, Bồ Tát thân tòa, tam vô sai biệt”, [nghĩa là] thân và tòa của Bồ Tát hoàn toàn giống như thân và tòa của Phật, đúng như kinh Vô Lượng Thọ đã nói. “Duy thủ tướng các bất đồng nhĩ”, [nghĩa là] chỉ có [hình tướng] nơi đầu là trông thấy khác nhau. “Phật duy nhục kế, bất đới hoa quan” (Phật chỉ có nhục kế, chẳng đội mão hoa). Trên đầu đức Phật là tướng nhục kế. “Nhị đại sĩ tuy đồng đới hoa quan”, [nghĩa là] Quán Âm và Thế Chí đều cùng đội mão. Mão ấy, tức hoa quan giống nhau, chỉ có một điểm khác nhau. Giữa mão của Quán Âm Bồ Tát là một bức tượng Phật. Bức tượng Phật ấy là tượng đứng, hóa Phật đứng. Một hôm, có người chụp một tượng bức tượng Quán Âm, tượng Phật trên mão đội đầu của Ngài là tượng ngồi tĩnh tọa, tôi nói: “Không đúng! Đây chẳng phải là Quán Âm Bồ Tát, [tượng Phật trong] mão Quán Âm Bồ Tát là tượng đứng”. Tôi nói: “Đây là Bồ Tát nào tôi không biết. Nếu quý vị bảo là Quán Âm thì là Quán Âm giả mạo, chẳng phải là Quán Âm thật sự”. Cũng phải chú ý điều này. Chính giữa mão của Đại Thế Chí Bồ Tát là một cái bình báu, cũng là bình báu đặt thẳng đứng. Đó là chỗ khác nhau. Trừ điều đó ra, hoàn toàn giống nhau. Điều này giống như phần bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Chúng ta lại lật sang trang kế tiếp, xem kinh văn:
Thử tưởng thành thời, hành giả đương văn thủy lưu quang minh, cập chư bảo thụ, phù, nhạn, uyên ương, giai thuyết diệu pháp. Xuất Định, nhập Định, hằng văn diệu pháp. Hành giả sở văn, xuất Định chi thời, ức trì bất xả, linh dữ Tu Đa La hợp. Nhược bất hợp giả, danh vi vọng tưởng. Nhược dữ hợp giả, danh vi thô tưởng kiến Cực Lạc thế giới. Thị vi Tượng Tưởng, danh đệ bát Quán.
此想成時 。行者當聞水流光明。及諸寶樹。鳧雁鴛鴦
。皆說妙法 。出定入定 。恆聞妙法。行者所聞。出定之時
。憶持不捨 。令與修多羅合 。若不合者。名為妄想。若與
合者。名為麤想見極樂世界。是為像想。名第八觀。
(Khi phép quán tưởng này thành tựu, hành giả sẽ nghe nước chảy, quang minh, và các cây báu, le, nhạn, uyên ương đều nói diệu pháp. Xuất Định, nhập Định, luôn nghe diệu pháp. Những điều hành giả nghe được khi xuất Định bèn nhớ giữ chẳng bỏ. Phải sao cho hợp với Tu Đa La. Nếu chẳng hợp thì là vọng tưởng. Nếu phù hợp, bèn gọi là quán tưởng thấy thế giới Cực Lạc về phần thô. Đây là Tượng Tưởng, được gọi là phép Quán thứ tám).
Đoạn kinh văn này nói rõ: Trong khi quán tưởng, bèn nghe pháp. Nước chảy, quang minh, cây báu là vô tình thuyết pháp, các loài chim như le, nhạn… là hữu tình thuyết pháp. Tình và vô tình không gì chẳng nói pháp, từ đoạn kinh văn này, chúng ta đã thấy [điều đó]. Người tu hành bất luận là trong Định, nhập Định hay xuất Định thảy đều nghe thấy. Như trong phép quán tưởng ở phần trước, mở mắt hay nhắm mắt, tượng ấy đều hiện tiền. Ở đây nói, trong Định, hoặc chẳng phải ở trong Định, đều nghe âm thanh; nhưng những gì quý vị nghe được nhất định phải tương ứng với kinh. Nếu chẳng tương ứng, sẽ là vọng tưởng. Nếu tương ứng thì là “thô kiến”, [tức là] thấy thế giới Cực Lạc [ở mức độ thô thiển]. Phải phân biệt rõ ràng chuyện này, chớ nên coi ma cảnh như Phật cảnh. Do đó, đối với người học Phật chúng ta, kinh điển có hai cách sử dụng:
1) Cách sử dụng thứ nhất là dạy chúng ta phương pháp tu hành. Chúng ta cũng chẳng biết tu như thế nào thì trong kinh điển có lý luận, có phương pháp, có cảnh giới, dạy cho chúng ta [những điều ấy].
2) Cách sử dụng thứ hai là khi chúng ta tu đến một cảnh giới kha khá, nó sẽ chứng minh cho chúng ta. Đến khi chúng ta tu thành tựu, phải đối chiếu cảnh giới chúng ta đã thấy với kinh điển, để coi là giống nhau hay sai khác. Ví như chúng ta thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới thì chúng ta thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới có giống như kinh đã nói hay không? Nếu hoàn toàn giống hệt, đó là thấy thế giới Tây Phương chân thật. Nếu chẳng giống, vậy là không đúng rồi, giả mất rồi! Điều này rất quan trọng. Kinh luận thường nói “Phật Phật đạo đồng”, hết thảy chư Phật chắc chắn phải nói các kinh giống như nhau. Chỗ có thể bất đồng là ngôn ngữ, có thể nói là cũng có đôi chút bất đồng về phương diện đó, nhưng chắc chắn là nội dung giảng nói phải giống nhau. Vì sao? Đó là cảnh giới do chư Phật đích thân chứng đắc, há có lẽ nào chẳng giống nhau?
Đối với những chỗ giống như thế này chúng ta phải lưu ý hơn. Trong thế giới hiện thời, giả Phật quá nhiều! Kinh điển ngụy tạo cũng rất nhiều, rất dễ bị lừa gạt. Kẻ gặp ma sự quá đông, gần như mỗi tuần đều có mấy người đến kiếm tôi. Nói thật ra, bị ma dựa, đến kiếm tôi, tôi chẳng có cách nào hết. Tôi chẳng có thần thông, tôi chẳng cùng quỷ thần qua lại. Bị ma dựa, phải tìm đến những người có qua lại với quỷ thần, có lẽ họ cũng có cách điều giải cho quý vị. Nhưng điều giải cũng có hạn độ, cũng tùy thuộc vào duyên phận. Vì thế, tôi khuyên các đồng tu hãy thật thà, chân thật niệm Phật, càng ít qua lại với quỷ thần càng hay. Vì sao? Chúng ta là phàm phu, chớ nên chèo kéo họ. Đối với quỷ thần, tục ngữ có câu: “Thỉnh thần dung dị, tống thần nan”. [Ý nói] quý vị tìm tới họ rất dễ dàng, sau đó, quý vị làm thế nào để tiễn họ đi? Chuyện này rất phiền phức! Nếu họ không đi, sẽ đem lại cho quý vị lắm nỗi phiền phức. Vì thế, tốt nhất là giao du với quỷ thần càng ít càng hay. Chúng ta chẳng mong qua lại với họ, họ cũng chẳng tìm đến chúng ta. Chúng ta ham thần thông, thích cúng dường quỷ thần, thích lui tới với họ, họ cảm thấy quý vị cũng được lắm, chúng ta là bạn tốt với nhau, kết thành bằng hữu! Phải chú ý điều này!
Niệm chú, trong chú có nhiều danh hiệu quỷ thần, quý vị niệm chú [tức là triệu thỉnh] họ đến, sau đó niệm như thế nào để tiễn họ đi? Quý vị muốn niệm chú Lăng Nghiêm, niệm chú Đại Bi, chú ngữ thật sự là mấy câu cuối cùng, từ chữ “đát điệt tha” (tadyathā)[2] trở đi là chú ngữ, [chú ngữ thật sự chỉ có] mấy câu ấy. Những câu trước đó đều là danh hiệu quỷ thần, gọi từng người trong bọn họ đến, đã gọi đến rồi chẳng thể tiễn họ đi trọn vẹn, sẽ rất phiền phức. Thời cổ, những bậc đại đức thật sự có đạo hạnh, hằng ngày dùng chú ngữ để thí thực, cúng dường quỷ thần, thật sự đạt được lợi ích. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, chẳng có đạo hạnh, học bài chú ấy, thỉnh vời quỷ thần đến. Quỷ thần thấy quý vị chẳng có đạo đức, cũng chẳng có tu trì chi hết, bèn coi thường quý vị. Coi thường quý vị thì quỷ thần tốt sẽ bỏ đi rồi thôi, không đếm xỉa tới quý vị; quỷ thần xấu có khi bắt nạt quý vị, rắc rối to! Quý vị chẳng dây dưa với họ, họ chẳng tìm đến quý vị. Quý vị chèo kéo họ, họ sẽ tìm đến kiếm chuyện với quý vị. Nay trong thế gian này, tại Trung Quốc và ngoại quốc, chúng ta thấy [những tình cảnh như vậy] quá nhiều! Vì thế, tôi mong các đồng tu hễ thấy chuyện này, chớ nên giới thiệu họ đến gặp tôi, tôi chẳng có cách nào cả! Hiện thời như tôi biết, trước kia, dường như pháp sư Quảng Khâm còn có chút thần thông, mọi người đều biết. Nay tôi biết ở Đài Nam có pháp sư Khai Tâm, Ngài có thể thấy được đôi chút, có chút cảm ứng. Pháp sư Khai Tâm và tôi cũng rất thân thiết. Hễ tôi gặp nghi nan, tạp chứng nào, chẳng có cách gì, thảy đều giới thiệu họ đến gặp Ngài. Nói thật ra, Ngài cũng chẳng thể trách tôi! Lần trước tôi gặp Ngài, Ngài tặng người khác danh thiếp. Tôi nói: “Pháp sư à! Xin thầy cho tôi một tấm danh thiếp”. Ngài tặng tôi cả hộp. Vì thế, hiện thời tôi có một hộp danh thiếp, hễ ai có nghi nan tạp chứng, tôi sẽ đưa cho họ một tấm danh thiếp, bảo họ đến tìm Ngài.
Đây là trong quán tưởng có chánh quán và tà quán, chớ nên không lưu ý. Do vậy, học Phật thì phải chân thành, y giáo phụng hành, đừng cầu thần thông, cũng đừng cầu cảm ứng, như vậy thì quý vị sẽ tâm chánh, hạnh chánh, quỷ thần chẳng dám trêu vào quý vị. Nhất là một người thật sự niệm Phật, chư Phật hộ niệm, long thiên hộ trì, các quỷ thần thuộc tà môn ngoại đạo về căn bản là đều chẳng dám tiếp cận quý vị, thật đấy, chẳng giả tí nào! Chẳng dám tiếp cận, lấy đâu ra chuyện ma dựa? Do đó, người niệm Phật bị ma dựa, đúng là oan uổng, chắc chắn chẳng phải là người thật sự niệm Phật, người thật sự niệm Phật sẽ không thể bị ma dựa. Dễ bị ma dựa nhất là học Mật và học Thiền, vì trong Thiền Định, hoặc trong Định, họ có thể thấy quỷ thần. Trong chú ngữ của Mật Tông phần nhiều đều là danh tự của quỷ thần, nên họ và quỷ thần khá gần gũi, qua lại khá mật thiết, nên dễ chuốc lấy phiền phức. Tịnh Tông niệm Phật, nói theo lý, chẳng thể nào có những chuyện ấy phát sanh.
Đoạn kế tiếp nói tới lợi ích do tu Quán, hãy xem kinh văn trong trang một trăm chín mươi mốt:
Tác thị quán giả, trừ vô lượng ức kiếp sanh tử chi tội, ư hiện thân trung đắc Niệm Phật tam-muội.
作是觀者 。除無量億劫生死之罪。於現身中。得念佛
三昧。
(Người quán pháp này, trừ tội trong vô lượng ức kiếp sanh tử, nơi thân hiện tại, đắc Niệm Phật tam-muội).
Nếu quán tưởng thành tựu, hiện tiền quý vị đắc Niệm Phật tam-muội. Kinh Di Đà gọi Niệm Phật tam-muội là nhất tâm bất loạn, có thể đạt được.
Phép Quán tiếp theo là một đoạn chánh yếu nhất trong kinh này, tức là quán Vô Lượng Thọ Phật. Tựa đề của bản kinh này là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Quán Vô Lượng Thọ Phật là phép Quán thứ chín.
Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: Thử tưởng thành dĩ.
佛告阿難及韋提希。此想成已。
(Đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: “Phép quán tưởng này đã thành”).
Phần trước là Thánh Tượng Quán, là quán tượng Tam Thánh. Quán đã thành, bèn tiến hơn nữa là quán Vô Lượng Thọ Phật.
Thứ đương cánh quán Vô Lượng Thọ Phật thân tướng, quang minh.
次當更觀無量壽佛身相光明。
(Kế đó hãy nên quán thân tướng và quang minh của Vô Lượng Thọ Phật).
Phép Quán này khá vi tế.
A Nan! Đương tri Vô Lượng Thọ Phật thân, như bách thiên ức vạn Dạ Ma Thiên Diêm Phù Đàn kim sắc.
阿難。當知無量壽佛身 。如百千億萬夜摩天閻浮檀金
色。
(A Nan! Hãy nên biết thân Vô Lượng Thọ Phật có màu như vàng Diêm Phù Đàn trong trăm ngàn ức vạn cung trời Dạ Ma).
Thân tướng đức Phật là kim sắc. Kinh nói “kim sắc” là dùng màu sắc tương tự như vàng ròng trong thế gian chúng ta mà thôi. Thật sự nói tới kim sắc trong Tây Phương thì chẳng biết siêu thắng (vượt trỗi thù thắng) hơn vàng trong cõi này bao nhiêu lần, vàng của chúng ta chẳng thể sánh bằng vàng trong cõi đó. Nhưng trong thế gian này, lại chẳng thấy có màu nào đẹp hơn sắc vàng, nên bất đắc dĩ dùng nó để tỷ dụ. Do vậy, ở nơi đây chẳng phải là nói tới kim sắc của người thế gian, mà nói đến sắc vàng Diêm Phù Đàn trong cung trời Dạ Ma.
Phật thân cao lục thập vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần.
佛身高六十萬億那由他恆河沙由旬。
(Thân Phật cao sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng hà sa do-tuần).
Thân Phật cao vời.
Mi gian bạch hào, hữu toàn uyển chuyển, như ngũ Tu Di sơn.
眉間白毫。右旋宛轉。如五須彌山。
(Bạch hào giữa hai mày uyển chuyển xoay về bên phải, to như năm quả núi Tu Di).
Trong bài kệ tán Phật có đoạn: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, xuất phát từ đoạn kinh văn này, bạch hào uyển chuyển to như năm quả núi Tu Di.
Phật nhãn như tứ đại hải thủy, thanh bạch phân minh.
佛眼如四大海水。青白分明。
(Mắt Phật như nước bốn biển cả, xanh trắng phân minh).
Thân tướng của đức Phật, tướng hảo, quang minh, nói thật ra là vô lượng vô biên. Kinh chỉ nêu đại lược hai thứ là tướng bạch hào và mắt Phật, nêu lên hai thứ ấy.
Thân chư mao khổng, diễn xuất quang minh, như Tu Di sơn. Bỉ Phật viên quang, như bách ức tam thiên đại thiên thế giới.
身諸毛孔。演出光明 。如須彌山。彼佛圓光。如百億
三千大千世界。
(Các lỗ chân lông trên thân, diễn xuất quang minh như núi Tu Di. Viên quang của đức Phật ấy như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới).
Lỗ chân lông trên thân đức Phật tỏa quang minh, [đó gọi là] “diễn xuất quang minh”, giống như núi Tu Di. Viên quang của đức Phật, ở đây là nói tới vầng hào quang tròn quanh đầu, lớn cỡ nào? Trăm ức tam thiên đại thiên thế giới.
Ư viên quang trung, hữu bách vạn ức na-do-tha Hằng hà sa hóa Phật.
於圓光中。有百萬億那由他恆河沙化佛。
(Trong viên quang có trăm vạn ức na-do-tha Hằng hà sa hóa Phật).
“Quang trung hóa Phật vô số ức, hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên”, toàn bộ kệ tán Phật đều phát xuất từ đoạn kinh văn này.
Nhất nhất hóa Phật, diệc hữu chúng đa vô số hóa Bồ Tát dĩ vi thị giả. Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng. Nhất nhất tướng trung, các hữu bát vạn tứ thiên tùy hình hảo. Nhất nhất hảo trung, phục hữu bát vạn tứ thiên quang minh. Nhất nhất quang minh, biến chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả.
一一化佛。亦有眾多無數化菩薩以為侍者 。無量壽佛
有八萬四千相 。一一相中。各有八萬四千隨形好 。一一好
中。復有八萬四千光明 。一一光明, 遍照十方世界念佛眾
生。攝取不捨。
(Mỗi vị hóa Phật cũng có đông đảo vô số hóa Bồ Tát làm thị giả. Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, trong mỗi một tướng đều có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo. Trong mỗi một hảo, lại có tám vạn bốn ngàn quang minh. Mỗi một quang minh chiếu khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới nhiếp thủ chẳng bỏ).
Do đó, người niệm Phật trong mười phương thế giới dẫu nhiều đến mấy, khi vãng sanh Tây Phương thế giới, A Di Đà Phật tuyệt đối chẳng bỏ sót, chẳng quên khuấy quý vị, chẳng có chuyện ấy. Quý vị nghĩ xem: A Di Đà Phật hóa thân vô lượng, vô biên, chúng sanh ở nơi này khởi tâm động niệm, Ngài đều biết, chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm sao Ngài quên khuấy được? Chẳng có lẽ ấy! Phàm phu chúng ta khi lắm việc, có lúc rất dễ quên bẵng chuyện gì đó. Chuyện ngày hôm qua, hôm nay quên tuốt, đó là chuyện thường có. Chư Phật, Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tâm địa thanh tịnh, trí huệ, thần thông rộng lớn vô biên, phàm phu chúng ta vừa dấy lên tạp niệm các Ngài đều biết. Vì thế nói sẽ vãng sanh khi nào, các Ngài cũng đều biết, tới lúc đó, sẽ tự nhiên đến tiếp dẫn quý vị. Đó là thân tướng của A Di Đà Phật.
Sau phần này, có một đoạn chú giải hay lắm, hãy xem hàng cuối cùng trong trang một trăm chín mươi bốn, chúng ta xem từ đó: “Nhất nhất hạ” (Từ câu “mỗi mỗi” trở đi), “nhất nhất” chính là câu “nhất nhất quang minh, biến chiếu thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả”, “quang minh nhiếp sanh” ([A Di Đà Phật] dùng quang minh nhiếp thọ chúng sanh). Trong phần Sao, tôn giả Tứ Minh đã giảng: “Sanh Phật Thể đồng, tuy độ quảng, sanh đa” (Chúng sanh và Phật có cùng một Thể, tuy cõi nước rộng lớn, chúng sanh đông đảo). “Độ” là quốc độ. Mười phương chư Phật quốc độ vô lượng vô biên, ý nói phạm vi giáo hóa của A Di Đà Phật to lớn, hết thảy chư Phật chẳng thể sánh bằng. Trong kinh đức Phật dạy, thông thường phạm vi giáo hóa của một đức Phật là một đại thiên thế giới, cũng có vị Phật có phạm vi giáo hóa là hai đại thiên thế giới, hoặc ba đại thiên thế giới, nhưng cũng chẳng nhiều. Chỉ riêng phạm vi giáo hóa của A Di Đà Phật là tận hư không khắp pháp giới. Vì chúng sanh niệm Phật trong hết thảy các cõi nước của chư Phật đều sanh về thế giới Tây Phương, phải hiểu rõ chuyện này! Sau khi đã hiểu rõ, chúng ta mới hiểu một sự thật, thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật giống như một đại học Phật giáo, A Di Đà Phật là hiệu trưởng, mở một trường đại học Phật giáo trong các cõi Phật. Mười phương chư Phật đều chiêu sinh bên ngoài, thay A Di Đà Phật chiêu sinh, đối với những học trò đã thâu được, đều đưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thích Ca Mâu Ni Phật chiêu sinh trong thế giới Sa Bà, đưa [học trò] sang huấn luyện trong thế giới Tây Phương. Mới biết chân tướng của chuyện này, mới biết pháp môn này rộng lớn vô biên. Chẳng biết trạng huống thực tế, vô lượng vô biên pháp môn bày ra trước mặt mà chúng ta không biết cách chọn lựa, pháp môn nhiều ngần ấy, ta chọn pháp môn nào? Đã hiểu rõ ràng chân tướng, đương nhiên chúng ta sẽ chọn lựa pháp môn này. Đã thế, pháp môn này vãng sanh rất dễ dàng, cũng chẳng khó khăn! Các pháp môn khác chưa chắc đã có thể thành tựu, pháp môn này chắc chắn đáng tin cậy. Vì thế, tuy là cõi nước rộng lớn, trong hết thảy các cõi Phật khắp mười phương, ba đời, chúng sanh đông đảo, nhiều người niệm Phật vãng sanh, đều được “nhiếp vô nhất thất” (nhiếp thủ chẳng sót một ai), một người cũng chẳng bỏ sót. Khi lâm chung, đức Phật đến tiếp dẫn cũng chẳng bỏ sót một ai!
Câu này là hàng thứ nhất trong trang một trăm chín mươi lăm, chính là chú giải, chẳng nên in theo lối đảnh cách, kinh văn mới in đảnh cách, ở chỗ này lại in sai. Bản này phạm lỗi không ít, chẳng sửa đổi thì rất đáng tiếc. Chúng ta in lại hãy nên sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Cũng may lần này, in không nhiều lắm. Khi chúng ta in lần tới, hy vọng [các lỗi ấy] sẽ được sửa đổi. Trong các khóa giảng thì giảng bằng bản này vẫn tốt đẹp, bản này tinh yếu! Do chúng ta bị thời gian hạn chế, nên giảng bản này thuận tiện hơn giảng Diệu Tông Sao rất nhiều, bản Diễn Nghĩa này là phần tinh yếu trong Diệu Tông Sao.
Khoa kế tiếp là Quán Thành Năng Kiến (quán thành tựu bèn có thể thấy).
Kỳ quang, tướng hảo, cập dữ hóa Phật bất khả cụ thuyết.
其光相好。及與化佛。不可具說。
(Quang minh, tướng hảo ấy và các hóa Phật chẳng thể nói trọn).
Nếu nói chi tiết, sẽ chẳng nói trọn.
Đản đương ức tưởng, linh tâm nhãn kiến.
但當憶想。令心眼見。
(Chỉ nên ức tướng hòng thấy rành rẽ trong tâm).
Dạy chúng ta tưởng như thế nào? Thấy cảnh giới ấy ra sao?
Kiến thử sự giả, tức kiến thập phương nhất thiết chư Phật. Dĩ kiến chư Phật cố, danh Niệm Phật tam-muội.
見此事者。即見十方一切諸佛 。以見諸佛故。名念佛
三 昧。
(Kẻ thấy chuyện này liền thấy mười phương hết thảy chư Phật. Do thấy chư Phật, nên gọi là Niệm Phật tam-muội).
Niệm Phật tam-muội thành tựu viên mãn. Đây là do chính miệng đức Thế Tôn tuyên thuyết: Thấy A Di Đà Phật là thấy mười phương hết thảy chư Phật. Do đó, sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới là sanh trong hết thảy các thế giới của chư Phật, chớ nên không biết chuyện này. Có nhiều người học Phật, mong thấy đức Phật này, mong thân cận Bồ Tát kia, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, có thể thấy hay không? Thật sự là một vấn đề! Tôi thấy có các đồng tham đạo hữu, có cảm tình rất sâu đậm đối với Di Lặc Bồ Tát, luôn nhất tâm nhất ý niệm Nam-mô Di Lặc Bồ Tát, niệm Di Lặc Hạ Sanh Kinh[3], mong thân cận Di Lặc Bồ Tát, tu Di Lặc Tịnh Độ. Có nắm chắc sẽ sanh về đó hay không? Rất có vấn đề! Quý vị xem Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ, lão hòa thượng Hư Vân tu Di Lặc Tịnh Độ, vãng sanh Di Lặc Tịnh Độ. Theo ghi chép trong Niên Phổ của lão hòa thượng, Ngài tới Đâu Suất Nội Viện nghe Di Lặc Bồ Tát giảng kinh, Ngài ở trong Định, thấy mấy người vãng sanh, nhận biết mấy người, chẳng nhiều lắm, chỉ thấy mấy người quen mà thôi! Có thể thấy [vãng sanh Di Lặc Tịnh Độ] rất khó, rất ư là khó!
Nhưng nếu tu niệm pháp môn Di Đà, đến gặp Di Lặc Bồ Tát rất dễ dàng. Ngài Di Lặc và Tịnh Độ có mối quan hệ hết sức sâu đậm: Nửa sau kinh Vô Lượng Thọ, Di Lặc Bồ Tát là đương cơ. Vì thế, vãng sanh Di Lặc Nội Viện từ Tây Phương Cực Lạc thế giới là đi theo đường gần, chẳng cần chuốc lấy lắm nỗi phiền phức dường ấy, thân cận Di Lặc Bồ Tát rất dễ dàng. Đã thế, Di Lặc Bồ Tát còn hết sức tôn trọng quý vị. Vì sao? Quý vị là học trò của A Di Đà Phật, Ngài phải đặc biệt tôn trọng quý vị. Quý vị tu Di Lặc Tịnh Độ đến được Nội Viện, tức là học trò của Ngài, Ngài có thể chẳng cần khách sáo đối với quý vị. Đệ tử của A Di Đà Phật là khách quý, phải khéo tiếp đãi, khác hẳn!
Tác thị quán giả, danh quán nhất thiết Phật thân. Dĩ quán Phật thân cố, diệc kiến Phật tâm. Phật tâm giả, đại từ bi thị. Dĩ vô duyên từ, nhiếp chư chúng sanh.
作是觀者 。名觀一切佛身。以觀佛身故。亦見佛心。
佛心者。大慈悲是。以無緣慈。攝諸眾生。
(Hành phép Quán này thì gọi là quán thân của hết thảy chư Phật. Do quán thân Phật, nên cũng thấy tâm Phật. Tâm Phật là đại từ bi. Dùng vô duyên từ nhiếp các chúng sanh).
Câu sau cùng là một câu khẩn yếu. Rất khó quán thân Phật thành
công, ở đây, chúng ta biết “tâm Phật”. Tâm Phật là gì? Tâm Phật là vô duyên đại từ. Vô Duyên là chẳng có điều kiện; nói cách khác, từ thanh tịnh, bình đẳng, giác sanh ra tâm từ bi. Nếu nói theo cách thông tục, tâm từ bi là tâm yêu thương. Hai chữ Bác Ái cũng phát xuất từ kinh Vô Lượng Thọ. Đó là vô duyên từ bi, “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, chúng ta phải vun bồi cái tâm ấy. Tâm đại từ bi đối đãi chúng sanh nhằm thành tựu chúng sanh, thật sự giúp đỡ, thành tựu họ. Tâm đại từ bi chẳng phải là yêu thương thiên vị, chẳng phải là sủng ái mù quáng, khi đáng mắng chửi thì vẫn phải mắng chửi, đáng đánh thì vẫn phải đánh. Khi đáng nên tống vào địa ngục thì vẫn phải đưa kẻ ấy đến địa ngục. Phải biết: Lợi lạc họ trong hiện thời, nhưng đời sau họ chẳng được lợi ích, đó chẳng phải là từ bi. Đời này, đời sau họ đều được tốt lành, có lợi ích, nhưng đời sau nữa chẳng đạt được lợi ích thì vẫn chưa phải là từ bi. Do vậy có thể biết, thật sự từ bi, từ bi đến tột cùng, chính là khuyên họ vãng sanh Tây Phương thế giới, đó đúng là từ bi đến cùng cực! Vì sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới liền chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái, thành Phật trong một đời. Do đó, chẳng khác gì công đức hóa độ chúng sanh của chư Phật, Bồ Tát. Quý vị dùng các pháp môn khác thì không được, chưa chắc họ đã có thể thành tựu, tu chẳng thành thì vẫn luân hồi trong lục đạo. Do đó, lợi ích hữu hạn, công đức rất ít. Chỉ riêng pháp môn này có vô lượng vô biên công đức. Đoạn kế tiếp là Cử Ích Khuyến Tu (nêu ra lợi ích để khuyên tu), chúng ta hãy xem kinh văn:
Tác thử quán giả, xả thân tha thế, sanh chư Phật tiền, đắc Vô Sanh Nhẫn.
作此觀者。捨身他世。生諸佛前。得無生忍。
(Kẻ hành phép Quán này, bỏ thân, trong đời sau, sanh ở trước Phật, đắc Vô Sanh Nhẫn).
Đây là nói đến công đức lợi ích do tu học. Sau khi bỏ thân, đời sau sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn đắc Vô Sanh Nhẫn, cũng tương ứng với những điều được nói trong bốn mươi tám nguyện của kinh Vô Lượng Thọ. Phàm là người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. A Bệ Bạt Trí đắc Vô Sanh Nhẫn, từ Thất Địa trở lên.
Thị cố trí giả, ưng đương hệ tâm đế quán Vô Lượng Thọ Phật.
是故智者。應當繫心諦觀無量壽佛。
(Vì thế, kẻ có trí hãy nên dốc lòng chuyên tâm quán kỹ Vô Lượng Thọ Phật).
Qua câu này, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rát miệng buốt lòng khuyên bảo chúng ta. “Trí giả” (Bậc trí) là nếu quý vị có chút trí huệ, sẽ chẳng thể vứt bỏ pháp môn này, “ưng đương” (hãy nên) là khuyên chúng ta “hệ tâm đế quán”. Đó là phương pháp tu học, hệ tâm đế quán Vô Lượng Thọ Phật, tức là A Di Đà Phật. Nay chúng ta quán, do chẳng có năng lực để quán như vậy, bèn chấp trì danh hiệu, nhất tâm hệ niệm, xưng niệm A Di Đà Phật, sẽ chẳng khác phương pháp tu quán A Di Đà Phật. Hễ thành tựu thì công đức hoàn toàn giống nhau. Vì thế, trong lời mi chú kinh Vô Lượng Thọ, thầy Lý đã viết: “Chẳng chịu cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu chẳng phải ngu thì là cuồng”, “ngu” là ngu si. Nếu chẳng phải là ngu si, bèn là cuồng vọng. Nói cách khác, kẻ bình phàm, hễ là người có đôi chút trí huệ, chẳng có ai không phát nguyện cầu sanh Tây Phương. Thầy Lý nói lời ấy, so với lời kinh dạy, và lời tổ sư đại đức xưa nay khuyên lơn, khích lệ chúng ta hoàn toàn giống hệt như nhau.
Cụ đọc đến đoạn kinh về nhóm năm trăm người của vương tử A Xà Thế, đã nêu ra ba điều cảnh giác:
1) Điều thứ nhất, quý vị hãy nhìn vào nhân quả trong quá khứ của nhóm vương tử A Xà Thế. “Trụ Bồ Tát đạo, cúng dường bốn trăm ức Phật”, mà còn bị mê khi cách ấm, vẫn thoái chuyển. “Trụ Bồ Tát đạo”, có thể thấy trước kia họ là Bồ Tát, nay phải làm vương tử, hoặc làm trưởng giả, đã thoái chuyển rồi. Chuyện trong đời quá khứ hoàn toàn không biết, do bị mê khi cách ấm. Đã cúng dường bốn trăm ức Phật mà còn bị mê khi cách ấm, vẫn phải thoái chuyển. Thiện căn vẫn ít ỏi, vẫn chưa đủ dầy. Chỉ là nghe Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Tây Phương Cực Lạc thế giới trong tâm rất hoan hỷ, động một niệm: “Trong tương lai ta thành Phật, sẽ giống như A Di Đà Phật”. Chỉ dấy một niệm như thế. Trọn chẳng hạ thật sự quyết tâm “đời này ta phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới”, vẫn chẳng dấy niệm ấy. Vì thế, họ có thể vãng sanh hay không, vẫn chẳng nhất định. Đó là điều đáng cảnh giác thứ nhất.
2) Điều thứ hai, tuy đã có cái nhân ấy, nếu duyên chẳng chín muồi, đời này lại chẳng thể thật sự cầu sanh. Nói cách khác, vẫn phải lưu chuyển theo nghiệp, phải nếm trải một thời gian rất dài trong lục đạo, vẫn phải hứng chịu khổ nạn.
3) Do đó, điều thứ ba, cụ nói, nếu chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, đó chẳng phải là ngu bèn là cuồng!
Thật vậy, chẳng giả tí nào! Câu kinh văn này vô cùng trọng yếu.
Quán Vô Lượng Thọ Phật giả, tùng nhất tướng hảo nhập, đản quán mi gian bạch hào, cực linh minh liễu. Kiến gian mi bạch hào tướng giả, bát vạn tứ thiên tướng hảo, tự nhiên đương hiện.
觀無量壽佛者。從一相好入。但觀眉間白毫。極令明
了。見間眉白毫相者。八萬四千相好。自然當現。
(Quán Vô Lượng Thọ Phật thì bắt đầu bằng quán một tướng hảo. Chỉ quán tướng bạch hào giữa hai mày hết sức rành rẽ. Đã thấy tướng bạch hào giữa hai mày thì tám vạn bốn ngàn tướng hảo sẽ tự nhiên hiện ra).
Dạy chúng ta cách quán. Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo. Trong mỗi hảo có vô lượng quang minh. Trong quang minh lại hóa ra vô lượng vô biên chư Phật, bắt đầu quán từ đâu? Quán từ Bạch Hào, quán từ một tướng. Quán một tướng đã thành, các tướng khác tự nhiên sẽ hiện tiền.
Kiến Vô Lượng Thọ Phật giả, tức kiến thập phương vô lượng chư Phật. Đắc kiến vô lượng chư Phật cố, chư Phật hiện tại thọ ký. Thị vi biến quán nhất thiết sắc thân tướng, danh đệ cửu quán. Tác thị quán giả, danh vi chánh quán. Nhược tha quán giả, danh vi tà quán.
見無量壽佛者 。即見十方無量諸佛。得見無量諸佛故
。諸佛現在授記 。是為徧觀一切色身相 。名第九觀。作是
觀者。名為正觀。若他觀者。名為邪觀。
(Thấy Vô Lượng Thọ Phật chính là thấy mười phương vô lượng chư Phật. Do được thấy vô lượng chư Phật, nên chư Phật hiện tại thọ ký. Đó là quán trọn khắp hết thảy các tướng sắc thân, gọi là phép Quán thứ chín. Quán như thế là chánh quán. Nếu quán khác đi, sẽ là tà quán).
Cần phân biệt tà và chánh. Thấy một vị Phật là thấy hết thảy chư Phật, sanh trong một cõi là sanh vào hết thảy các cõi, chỉ có pháp môn này!
A! Chúng tôi giảng tới đây.
[1] Mi chú: Những lời chú giải ngắn gọn được viết kèm ngay trước câu chánh kinh, thường là dùng khổ chữ nhỏ hơn.
[2] Tadyathā (thường dịch là “tác như thị thuyết”, nghĩa là “nói như thế này”). Trong mật chú, chữ này thường được dùng để mở đầu phần chú ngữ. Trước chữ này thường là những lời xưng tán danh hiệu, hoặc quy kính. Thí dụ như câu cuối trong Tâm Kinh là “Prajñāpāramitāyām ukto mantraḥ tadyathā: Gate, gate, pāragate, pārasaṃgate, bodhi svāhā”, nên ngài Huyền Trang dịch là “Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha”.
[3] Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, chép lời dự ngôn của đức Phật về sự giáng sanh thành Phật của Di Lặc Bồ Tát trong tương lai. Theo đó, Di Lặc Bồ Tát từ trời Đâu Suất giáng sanh nhân gian, làm con của ông Tu Phạm Ma (đại thần của vua Nhương Khư) và bà Phạm Ma Việt. Ngài xuất gia trong nửa đêm và thành đạo ngay trong đêm ấy dưới cội Long Hoa, tam chuyển pháp luân.