THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 128 TẬP
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
TẬP 97
Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Xin mời xem “Cảm Ứng Thiên” đoạn thứ 83: “Kiến tha thất tiện, tiện thuyết tha quá. Kiến tha thể tướng bất cụ nhi tiếu chi. Kiến tha tài năng khả xưng nhi ức chi.” (Thấy người khác sa chân lỡ bước, bèn rêu rao lỗi lầm của họ. Thấy người khác hình hài chẳng vẹn toàn bèn chê cười. Thấy người khác có tài năng đáng ca ngợi bèn chèn ép).
Trong phần chú giải của đoạn này nói rất hay. Nếu dùng lời hiện nay để nói thì “thất tiện” nghĩa là lỗi lầm, hoặc giả là khi họ gặp chuyện thất bại, gặp phải hoàn cảnh khốn cùng, hầu hết người thế gian lúc này luôn luôn nói ra các loại lỗi lầm của họ. Lỗi lầm có thể là có, nhưng đa số là chuyện bịa đặt, là chuyện phỏng đoán, suy tưởng, tuyệt chẳng có căn cứ thực sự, nên gây oan uổng cho người ta. Trong Chu Tử có mấy câu nói rằng: “Mọi sự trong thiên hạ vốn dĩ bại thì dễ mà thành thì khó”, thế nên việc tốt thì lắm giày vò trắc trở, thành tựu được là vô cùng khó khăn. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát xã hội hiện nay, thậm chí là tự mình tỉ mỉ mà suy nghĩ những điều gặp phải trong cuộc đời này, những việc tốt như việc lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, nhất định không phải là việc chỉ lợi ích cho bản thân mình, những việc tốt như vậy có thể thành tựu hay không? Cũng chưa chắc. Chúng ta biết được vì sao, vì việc này phải cần phước báo của chúng sanh, chúng ta tự mình phát tâm vì chúng sanh mà phục vụ, vì chúng sanh làm một chút việc tốt, chúng sanh có phước báo hay không? Nếu không có phước báo, thì sự phát tâm của chúng ta, hành vi của chúng ta rất dễ dàng bị người khác phá hoại, hiện tại như vậy, trong quá khứ cũng là như vậy.
Chúng ta nhìn thấy trong lịch sử, một thí dụ rõ ràng nhất trong lịch sử Trung Quốc đó là Nhạc Phi tận trung báo quốc thời Nam Tống. Ông đích thực là vì quốc gia, vì dân tộc, vì nhân dân, nhưng vẫn bị Tần Cối và Tống Cao Tông giết hại. Có thể là trên mặt lịch sử thì người đời sau vĩnh viễn tưởng nhớ ông, nhưng khi đó ông đã không được toại nguyện, đây là ví dụ điển hình rõ ràng nhất của “việc tốt thì lắm giày vò”. Từ đây có thể thấy, chúng ta muốn phát tâm thay xã hội, thay chúng sanh làm một chút việc tốt, nếu muốn không có chướng ngại thì thật sự không có việc này. Chướng ngại từ đâu mà đến vậy? Nếu không phải là nghiệp chướng của bản thân mình thì nghĩa là chúng sanh không có phước báo lớn như vậy, họ đáng phải bị nạn, đáng chịu tội, chư Phật Bồ-tát đến thị hiện cũng không thể cứu nổi họ. Tương tự sự việc như vậy, thì xưa nay trong và ngoài nước có rất nhiều những nhân sĩ có lòng và có ý chí. Bất kỳ thời đại nào, bất kỳ một địa phương nào cũng đều có, thường thì hơn một nửa trong số họ đều không được toại nguyện, những người không được toại chí này ẩn dật trong các rừng núi.
Bạn xem, trong Nhị Thập Ngũ Sử của Trung Quốc, mỗi một bộ đều có phần “Ẩn dật chí”, trong phần này đều ghi chép về những nhân sĩ sống ẩn dật. Họ có đạo đức, có tài năng, họ không phải là không chịu bước ra xã hội để làm việc cho xã hội cho đất nước, mà không có cơ hội, mới vừa bước ra thì đã bị người khác chướng ngại rồi, quá nhiều chướng duyên, bất đắc dĩ đành phải thối lui vào rừng núi. Thậm chí còn có một số người xuất gia, một số người tu đạo, ở trong nhà Phật, trong các Đạo quán, người thông thường trong xã hội nói ở những nơi này có ngọa hổ tàng long. Thật vậy, đó không phải là giả, tuy những người này dù chân thật là có học vấn, có đạo đức nhưng họ không đạt được ý muốn. Họ chỉ có thể an phận giữ mình, họ biết tu tâm dưỡng tánh, cuộc sống tinh thần của bản thân cũng không ngừng được nâng cao, họ không bao giờ làm càn làm bậy, vì sao vậy? Vì họ không vì chính mình, họ vì chúng sanh, nếu có duyên thì họ làm lợi ích cho thiên hạ, không có duyên thì họ chăm lo tu dưỡng chính mình.
Đây là thông thường chúng ta quan sát thấy, 50 năm trở lại đây trong thời đại chúng ta, chúng tôi đã gặp phải, kinh nghiệm của chúng tôi cũng chẳng thể nào khác như vậy. Những người thân cận với tôi thời gian lâu một chút thì đều biết, nếu chúng tôi không gặp được Hàn Quán Trưởng thì cuộc đời này của chúng tôi sẽ không có gì đáng để nói nữa, cũng chỉ có thể ẩn cư mà thôi. Chính mình tu dưỡng bản thân nhưng đối với xã hội, đối với Phật giáo thì không thể có sự cống hiến, chướng duyên quá nhiều, may gặp được một vị hộ pháp đắc lực. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, chướng ngại của chúng tôi liền đến, nếu không tiếp tục gặp được sự hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên thì chúng tôi cũng không thể làm được gì. Cho nên tôi thường nói, hết thảy công việc trong Phật pháp mà chúng tôi làm cho xã hội, có phải là công lao của chính chúng tôi hay không? Không có, công lao là của ai? Của những người hộ pháp. Tôi thường nói, công đức hộ pháp siêu vượt hơn công đức hoằng pháp không biết là bao nhiêu lần. Những bậc long tượng trong hoằng pháp, tôi tin rằng có rất nhiều, nhưng những người này không được những người có đủ sức lực hộ trì, nên đức hạnh năng lực của họ cũng hết đường xoay trở, không thể phát huy. Tôi tin tưởng việc này sâu sắc, người có năng lực và trí huệ vượt hơn tôi rất nhiều, đáng tiếc là không gặp được người hộ trì đắc lực. Cho nên chúng tôi đến mỗi một nơi đều khuyên bảo tứ chúng đồng tu phải biết hộ pháp. Phật pháp có thể thường trụ ở thế gian này hay không, có thể lợi ích quảng đại quần chúng hay không hoàn toàn là ở việc hộ pháp. Người hoằng pháp có năng lực thế nào đi chăng nữa, có đức hạnh có học vấn có trí huệ thế nào đi nữa, nếu không có một người hộ pháp đắc lực thì người đó cũng chỉ là một người rất bình thường mà thôi, không có tiếng tăm gì, không ai biết đến họ. Hầu hết người thế gian tự tư tự lợi, không buông xả, phàm khi nhìn thấy có sự tổn hại đến lợi ích cá nhân thì họ nhất định đứng lên phản kháng, nhất định đứng lên chướng ngại. Đây là việc thường tình của con người, xưa nay trong ngoài nước đều không thể tránh khỏi. Cho nên tôi thường khuyên bảo các đồng tu, các vị phát tâm hoằng pháp thì các vị nhất định phải tôn trọng hộ pháp, phải kết pháp duyên, nếu cứ tự cho mình là đúng, cống cao ngã mạn, trong mắt không một ai thì pháp duyên của bạn sẽ bị đoạn dứt, không người nào hộ trì bạn. Bạn dù có năng lực cao hơn nữa thì bạn cũng không cách nào để phát huy.
Tôi thường nêu thí dụ, ví như một trường học, hộ pháp là hiệu trưởng, là người lãnh đạo hành chính của ngôi trường, người hoằng pháp là giáo viên, người hộ pháp phải có huệ nhãn, có thể nhận biết được giáo viên tốt, chiêu thỉnh người đó đến giúp đỡ hoằng pháp lợi sanh, công đức hoằng pháp lợi sanh là của hiệu trưởng không phải là của giáo viên. Chúng tôi ngày nay làm các công việc ở tại Singapore, tất cả những thành tựu có được đều là nhờ cư sĩ Lý Mộc Nguyên, là của Cư Sĩ Lâm Phật giáo Singapore, của Tịnh Tông Học Hội, không phải là của chúng tôi. Nhất định phải có sự nhận biết này, tứ chúng đồng tu nhà Phật đều có chung sự hiểu biết này, nhận thức này, có thể hỗ trợ hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, chánh pháp liền có thể cửu trụ thế gian, có thể tiêu trừ các loại thiên tai nhân họa, sự việc này khó. Khó ở chỗ không dễ gì buông bỏ được phiền não của chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay, tuy là đã học Phật rồi, xuất gia, thọ đại giới, hoặc đã làm người giảng kinh thuyết pháp, hoặc giả là làm trụ trì, giám tự, quản lý đạo tràng, nếu vẫn còn lòng riêng tư thì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh sẽ bị chướng ngại một cách nghiêm trọng. Đây là việc chúng ta cần phải cảnh tỉnh, nếu chướng ngại họ thì người chướng ngại họ nhất thời có được một chút vui sướng, nhưng quả báo trong tương lai không thể nào nói hết được. Ở trong Phát Khởi Bồ-Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh đã nói rất rõ ràng rất minh bạch, bộ kinh đó chúng tôi đã giảng qua ba lần. Chúng tôi đã nói trong thời kỳ mạt pháp thì đây là bộ kinh cứu mạng của chúng ta. Tất cả những loại lỗi lầm mà chúng ta phạm phải tự chính mình không biết, Thế Tôn đại từ đại bi mỗi mỗi đều vì chúng ta nói rõ. Chân thật là người có tâm thì chí ít mỗi nửa tháng phải đọc bộ kinh này một lần, kinh văn không dài, cứ đem nó làm thành giới luật mà đọc tụng, thường xuyên phản tỉnh chúng ta có phạm lỗi lầm này hay không, có ác niệm này hay không, có loại ác hạnh này hay không? Nếu có thì hiện tại phải nhanh chóng sửa đổi vẫn còn kịp. Sửa đổi thì nhất định phải thực tiễn, trong quá khứ ta đã chướng ngại người khác, đây là lỗi lầm, làm sao để sửa đổi lại? Hiện tại đã giác ngộ rồi, ta phải giúp đỡ hết thảy những người hoằng pháp lợi sanh, nhìn thấy người khác có tài năng đáng được khen ngợi mà luôn cực lực gièm pha nói xấu họ thì hiện tại thì ta làm ngược lại, tán dương, tán thán họ. Không những tán thán mà còn thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, toàn tâm toàn lực mà ủng hộ. Đây mới thực sự gọi là chân thực sám hối, chân thực quay đầu.
“Thấy người khác hình hài chẳng vẹn toàn bèn chê cười”. Trong xã hội ngày nay chúng ta thường nói là người tàn tật, họ đã rất bất hạnh rồi, sự vận động của họ không được thuận tiện, chúng ta gặp những người này phải nên giúp đỡ, phải nên hỗ trợ, không những không giúp đỡ, không hỗ trợ mà còn ở bên cạnh cười nhạo thì đây là tội nặng. Bạn chê cười họ, tương lai bạn nhất định bị quả báo giống họ, bạn có thể đảm bảo thân thể của bạn vẹn toàn không bị thương tật trong cả cuộc đời hay không? Nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, bạn tạo nghiệp nhân như thế nào thì nhất định đều có quả báo. Nghiệp nhân từ đâu mà tạo ra? Khởi tâm động niệm thì tạo ra rồi, một niệm thiện ắt sẽ có thiện báo, một niệm ác nhất định có ác báo, ý niệm thiện ác biểu hiện ở trên hành vi thì quả báo sẽ càng rõ ràng hơn, càng đến nhanh hơn. Người không học Phật, hoặc giả là người không thâm nhập kinh tạng, chúng ta có thể nói là tê liệt không cảm giác, không biết phản tỉnh, không biết sám hối, không biết sửa lỗi đổi mới, khi quả báo đến rồi thì hối hận không kịp nữa. Cho nên chúng ta phải ghi nhớ, từ xưa đến nay, hết thảy việc tốt dễ thất bại khó thành công, nghịch cảnh nhiều thuận cảnh ít, chúng ta nếu có những lỗi lầm này, có những ác niệm này thì không hợp với đạo làm người. Không hợp đạo làm người nếu nói khó nghe một chút thì họ không phải là con người nữa, không phải là người vậy thì đời sau sẽ đi về đâu? Đi vào ba đường ác. Nói đến ba đường ác thì mọi người đều không muốn nghe, thậm chí có người còn nói đây là mê tín, nói chuyện không căn cứ, tôi gọi những người này là tê dại không cảm giác, vì sao vậy? Những sự việc nghiệp nhân quả báo không chỉ là trên sách xưa đã ghi chép rất nhiều, mà hiện tại cũng có, ở ngay trước mắt. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm nhỏ này, sự việc nghiệp nhân quả báo dường như mỗi tháng đều có, mỗi tuần đều có, chỉ cần bạn bình tâm mà quan sát, đây không phải là việc ghi chép trong sách, không phải là truyền thuyết, ở ngay trước mắt bạn đích thân nhìn thấy mà bạn còn không tin vậy thì đó không phải là bị chai lì mất cảm giác rồi sao?
Đặc biệt là những việc liên quan đến quỷ thần, chân thật là có không phải là giả. Trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói với chúng ta là “ngẩng đầu ba thước có thần minh”, thần linh đang giám sát chúng ta, chúng ta không thể không minh bạch, không thể không hiểu. Làm thế nào tự cầu đa phước đều là ở tại một đời này của chúng ta. Chân thật giác ngộ, chân thật hồi đầu, buông bỏ thành kiến của chính mình, tùy thuận giáo huấn của Phật-đà, loại người này mới là chân thật có trí huệ, có phước đức, tiền đồ là một mảng quang minh. Nếu một mực tùy thuận theo thành kiến của chính mình thì tiền đồ là một màu ảm đạm.
*********
Các vị đồng tu, mấy ngày hôm nay, tôi có một số việc giao lưu với các tôn giáo, cộng thêm một số việc khác nữa, nên chúng ta đã ngừng việc giảng kinh buổi sáng năm ngày rồi. Hôm nay chúng ta trở lại giảng như bình thường, xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 84, chỗ này cũng có hai câu.
“Mai cổ áp nhân. Dụng dược sát thụ.” (Chôn bùa ếm hại người. Dùng thuốc giết chết cây cối).
Ở đây nếu tính theo phân đoạn lớn thì đây là đoạn lớn thứ 11. “Vô nhân”, nói cách khác là không nguyên nhân, vô duyên vô cớ tạo tác ác nghiệp. Việc “chôn bùa ếm hại người khác” chúng ta rất ít nghe nói, khi tôi còn là thiếu niên, thời gian kháng chiến ở Hồ Nam, ở Quý Châu, lúc đi học thường hay nghe thấy những sự việc này. Có thật có việc như vậy hay không? Tôi đã nhìn thấy qua, nhưng nếu nghe kể thì tôi đã nghe nói rất nhiều, có khả năng là có những sự việc như vậy. Những sự việc này ngày trước vào thời đại chuyên chế của các đế vương thì đây là hành vi phạm pháp, pháp luật của quốc gia không cho phép.
Nghe nói có rất nhiều loại “bùa”. Cổ Đại đức nói với chúng ta phàm là kẻ rắp tâm đi nuôi bùa nuôi ngải, bỏ bùa hại người thì đều tạo lỗi lầm rất sâu nặng. Vì sao họ lại bỏ bùa hại người? Nghe nói việc bỏ bùa đến một giai đoạn nếu không bỏ bùa, không hại người thì ngược lại sẽ hại chính mình. Cho nên sự việc này, nếu không hại người thì sẽ hại chính mình, vậy có lợi ích gì chứ. Tôi từng nghe nói những người nuôi bùa ở trong nhà của họ vô cùng sạch sẽ, vô cùng ngay ngắn chỉnh tề, quả thật giống như là mảy trần không nhiễm vậy. Bùa có nhiều loại, đại khái đều là những loại như rắn độc, nhền nhện, bọ cạp, những con này đều có độc. Vì sao lại làm sự việc này? Trong nhà Phật nói đây là nghiệp chướng trong đời quá khứ, họ không có nghiệp chướng này thì sẽ không làm những sự việc như vậy. Nghiệp chướng trong đời quá khứ là nhân, hiện tiền là duyên. Người trẻ tuổi thích những điều kỳ lạ hiếm có, hiếu kỳ, nhưng sau khi bạn đi vào rồi, trở ra rất khó khăn, đây cũng là không có bạn tốt dạy bảo họ, làm ra những việc tổn người mà cũng không lợi mình. Câu này chúng ta phải giải thích như thế nào đây? Giảng rộng nghĩa ra thì phàm là việc tổn người không lợi mình đều ở trong phạm vi một câu này. Những việc tổn người lợi mình còn không thể làm thì những việc tổn người lại không lợi cho mình càng không nên làm. Chúng ta đối với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật, phải thường có tâm yêu thương.
Câu tiếp theo, “dùng thuốc giết chết cây cối”, đây là tổn hại tâm từ bi. Trong hoàn cảnh trước mắt của chúng ta thì việc này càng có ý nghĩa sâu hơn, không có lý do chính đáng mà phá hoại hoàn cảnh sinh thái tự nhiên do không hiểu được về mối quan hệ mật thiết giữa con người và hoàn cảnh tự nhiên. Phật Bồ-tát đã dạy chúng ta, cổ Thánh tiên Hiền thế gian đã dạy chúng ta “nhân dân ái vật” (yêu người thương vật). Nói một cách khác, giáo dục Thánh Hiền không gì khác hơn là khởi phát lòng yêu thương của chúng ta, nuôi dưỡng lòng yêu thương của chúng ta mà thôi. Trong số rất nhiều các tôn giáo thì chúng tôi phát hiện có một điểm chung, điểm chung đó là gì? Giáo dục tình yêu thương, nhà Phật gọi là từ bi, một tấm lòng từ bi, hết thảy từ bi. Bạn xem, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, được xem là cùng một hệ thống. “Thần ái thế nhân”, “Thượng Đế yêu thương người thế gian”; Ấn Độ giáo, Bà-la-môn giáo, Đại Phạm Thiên cũng là yêu thương người thế gian. Tổng hợp tất cả giáo dục tôn giáo, giáo dục Thánh Hiền, chính là một câu nói này mà thôi. Chúng ta không những phải yêu thương người, mà còn yêu thương vật. Bạn xem trong Bồ-tát giới Phật đã dạy bảo chúng ta: “bậc Tỳ-kheo thanh tịnh, không giẫm đạp lên cỏ non”. Bạn xem những cây cỏ nhỏ đó sinh trưởng xanh tươi như vậy, bạn làm sao có thể nhẫn tâm mà giẫm đạp lên đầu của chúng? Tâm yêu thương của con người đạt đến mức độ như vậy, ngay cả cành cây ngọn cỏ cũng yêu thương thì người đó sao có thể không yêu thương người, sao có thể không yêu thương động vật, sao có thể tổn hại người khác được? Người đó sống trong thế giới của lòng yêu thương, đây là hạnh phúc chân thật.
Mấy ngày trước, có mấy vị đồng tu của chúng ta ở nơi đây đã đi cùng cư sĩ Lý Mộc Nguyên, tôi cũng có tham gia, nhìn thấy nơi này có một vị lão tu 101 tuổi là bà Hứa Triết. Bà cả đời đều sống trong thế giới của tình yêu thương, hạnh phúc mỹ mãn. Bà nói với tôi bà là một thanh niên 101 tuổi, bà thật sự là một người thanh niên, tôi nhìn thấy dáng vẻ của bà cũng tầm 40-50 tuổi mà thôi, nói thế nào cũng không thể tin được. Bà còn lấy giấy chứng minh nhân dân ra cho chúng tôi xem, là thật, không phải giả, bà sinh năm 1900, năm nay là năm 2000 rồi. Dựa theo cách tính tuổi của người phương Đông thì bà đã 101 tuổi rồi. Bà là người Triều Châu, Quảng Đông, cho nên bà biết nói tiếng Quảng Đông, biết nói tiếng Triều Châu, biết nói tiếng Anh, cũng biết nói tiếng phổ thông (Quan Thoại). Tuổi tác đã cao như vậy, chúng ta từ trên phương diện sức khỏe thể trạng của bà mà nhìn thì bà giống như một người thanh niên. Tôi để ý quan sát thì thấy bà chỉ mất 1 cái răng, bà nói với tôi toàn bộ răng của bà là răng thật cả, chỉ mất một cái thôi. Thị lực rất tốt, ngày ngày đều đọc sách, không cần dùng mắt kính, mắt tai đều tinh nhạy, phản ứng mẫn tiệp, vô cùng có trí huệ, mỗi ngày còn đi làm công quả. Hôm qua tôi giảng kinh vốn dĩ định mời bà đến giảng đường này của chúng ta để gặp mặt một chút, nhưng hôm qua bà phải lên lớp. Bà hiện tại mỗi tuần có mấy lớp học, dạy người ta tĩnh tọa, lúc chúng tôi đến bà còn biểu diễn trồng cây chuối cho chúng tôi xem, người thông thường chúng ta 50-60 tuổi thì không dám làm nữa rồi. Bà còn có thể thực hiện động tác trồng chuối cho bạn xem, biểu diễn cho bạn xem. Bà nói cho chúng ta biết bà một đời tâm địa thanh tịnh, không phiền não, không âu lo, không vướng mắc, đây chính là đạo dưỡng sinh. Cả đời không nhìn lỗi lầm của người khác, tôi hỏi bà khi nhìn thấy một số người làm những việc không tốt, nhìn thấy người ác, bà có cảm nhận gì hay không? Bà nói không có, thấy như không thấy. Bà lấy một ví dụ cho chúng tôi, ví dụ như chúng ta đi bộ trên đường nhìn thấy người đi lại trên đường rất nhiều, trong tâm không lưu giữ lại một ấn tượng gì. Trong kinh Phật đã nói với chúng ta, thế nào gọi là không để lại ấn tượng? Không để ấn tượng chính là chuyển thức thành trí, phàm phu chúng ta là dùng thức. Thức thứ 6 là phân biệt, thức thứ 7 là chấp trước, thức thứ 8 là lưu ấn tượng. Pháp sư Giao Quang ở trong chú giải Kinh Lăng Nghiêm đã dạy chúng ta “xả thức dụng căn”. Xả thức là chúng ta không dùng thức thứ 6, cũng chính là nói chúng ta không phân biệt. Không phân biệt, vậy bạn dùng là cái gì? Diệu quan sát trí. Ta không dùng thức thứ 7, thức thứ 7 là chấp trước, không chấp trước thì bạn dùng bình đẳng tánh trí, không dùng A-lại-da thức. A-lại-da thức là lưu lại ấn tượng, không lưu lại ấn tượng thì chính là đại viên cảnh trí. Cho nên cuộc sống của bà, cái mà bà dùng là trí huệ. Trong nhà Phật thì nói bà ở trong cuộc sống thường ngày khi đối người tiếp vật đã dùng tứ trí Bồ-đề, nên bà khỏe mạnh sống lâu, một chút bệnh tật cũng không có. Chúng ta 40-50 tuổi đã lưng đau gối mỏi, người ta thì không chút bệnh gì, hoàn toàn khỏe mạnh. Cho nên nói bà là một người thanh niên, đây là danh xứng với thực, bà thật sự là người thanh niên, tôi chính mắt nhìn thấy, tôi cũng chân thật chứng minh được.
Ngày trước lão sư Lý đã nói với chúng tôi, điển tịch căn bản của y học Đông y là Hoàng Đế Nội Kinh, trong phần “Linh Khu” nói thọ mạng bình thường của con người là sống đến 200 tuổi. Bạn không thể sống được đến 200 tuổi là do bạn đã chà đạp sức khỏe của mình. Đồng học của chúng ta hỏi bà, bà có nổi giận hay không? Không có, cả đời bà chưa từng nổi nóng, chưa từng nổi giận. Bà nói với chúng tôi, một phút nổi giận, chỉ một phút phát cơn thịnh nộ thì phải mất ba ngày mới khôi phục lại được trạng thái bình thường. Những lời này tôi nghe xong đều tin, tôi biết. Nhà Phật, nhà Đạo đều nói đến đạo dưỡng sinh. Thế nào là khỏe mạnh nhất? Đó là thân thể tâm tình hòa quyện với đại tự nhiên thành một mảng, đây chân thật là đạo dưỡng sinh, hoàn toàn hòa hợp với tự nhiên. Thất tình ngũ dục đều là nhiễu loạn tự nhiên, phá hoại hoàn cảnh tự nhiên. Trong thất tình ngũ dục, thất tình là “mừng, giận, buồn, vui, ưa thích, chán ghét, ham muốn”, trong Phật pháp thì gọi là “tham sân si mạn”. Thứ nghiêm trọng nhất, có sức mạnh phá hoại lớn nhất là sân hận, là nổi giận. Hoan hỷ, ưa thích chỉ là những chấn động nhỏ, mặt phá hoại nhỏ, không phải là việc quá nghiêm trọng, đều có sự tổn hại. Người chân thật tu đạo tâm địa thanh tịnh, nhất định không có ý niệm về ngũ dục lục trần, nên họ được trường sinh bất lão. Nhưng khi tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài dường như cũng có biểu hiện mừng, giận, buồn, vui, đó là gì vậy? Đó là để ứng phó với người đời chứ không phải thật sự là có mừng, giận, buồn, vui. Đó là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức mà trong nhà Phật đã nói. Bạn đang ưu tư lo lắng, còn tôi cứ ngồi đây nói cười vậy thì thật sự là không hợp với thế sự cho lắm. Khi bạn đang có chuyện đau buồn thì tôi cũng biểu hiện ra một chút dáng vẻ bi ai cho bạn thấy, hơn nữa đây là phát từ trong nội tâm, không phải là hư vọng. Chúng sanh có mừng, giận, buồn, vui, thật tình mà nói là họ đã xa lìa chân tâm, là hư ngụy. Đạo lý trong đây rất sâu, không thâm nhập kinh tạng thì bạn sẽ không thể hội được.
Cho nên tâm địa thanh tịnh thì vĩnh viễn sẽ sống ở trong cảnh giới đại từ bi, người như vậy sẽ không già, người như vậy sẽ không suy, người như vậy không mê không tà không nhiễm. Trong nhà Phật thì gọi là công đức thù thắng cứu cánh viên mãn, niềm vui chân thật là đây. Phàm phu thì không có, mới tán thán khen ngợi bạn vài câu thì bạn đã quá đỗi vui mừng rồi, nói vài câu khó nghe một chút thì bạn nổi giận suốt mấy ngày trời không bình tâm lại được. Đây gọi là tự sát, đối với mình hay đối với người đều khônglợi ích. Cho nên ở trong kinh Phật thường gọi người thế gian là “kẻ đáng thương xót”, thật sự là rất đáng thương. Vị lão tu này trong suốt cuộc đời có gặp những sự việc [khen chê] này hay không? Thật sự là rất nhiều, có người thì tán thán bà, có người thì hủy báng bà, có người sỉ nhục bà. Bất luận là bạn tán thán cũng được, sỉ nhục cũng được, bà đều không quan tâm, bà không chấp trước, nhất định không để ở trong lòng, nhất định không xem nó thành một sự việc gì cả, mà trong tâm chỉ có một tấm lòng yêu thương. Sách của bất kỳ tôn giáo nào bà cũng đọc, nhưng đối với Phật giáo thì lại đặc biệt có sự cảm mến. Bà nói các bạn đồng học thường hỏi bà “khi nhìn thấy những thứ ma quỷ thì bà làm thế nào?” Câu trả lời của bà là: “Tôi xem tất cả tôn giáo trên thế gian này đều là một một mảng quang minh xán lạn.” Kinh Hoa Nghiêm nói: “Viên nhân thuyết pháp vô pháp bất viên” (người liễu đạo thuyết pháp, vạn pháp đều viên mãn). Đây chính là lời một người trí huệ viên mãn đã nói, trên thực tế bà là Bồ-tát, thật sự là một chút cũng không giả. Đối với Ngũ giới, Thập thiện, Tam phước, Lục độ, nếu bảo tôi cho điểm bà thì tôi đều sẽ cho 10 điểm. Cuộc sống cá nhân của bà vô cùng đơn giản, mỗi ngày ăn một bữa. Cuộc sống của bà đã quay trở về với tự nhiên. Chúng ta cũng có người ăn mỗi ngày một bữa, trong thức ăn vẫn còn phải bỏ thêm một chút dầu đường muối mắm, bà thì hết thảy đều không có, chỉ có rau xanh, nhiều lắm thì bà chỉ dùng nước để luộc những loại rau củ này. Loại gia vị gì cũng đều không có, hoàn toàn đã quay trở về với tự nhiên. Còn quần áo thì bà nhặt quần áo cũ rách của người ta về để mặc, không phải là bà không có tiền, người ta cúng dường cho bà rất nhiều. Bà nói: “Người khác cho tôi nhiều tiền như vậy là muốn tôi thay họ làm một chút việc tốt, thay họ tu phước, số tiền này tự mình không thể nào dùng được.” Quần áo bà đi nhặt về đã cũ rách rồi. Bà nói nếu bà may một bộ quần áo mới để mặc, chăm chút trang điểm tự mình ăn mặc đẹp đẽ một chút, trong khi đó thế gian này vẫn còn rất nhiều người không có quần áo để mặc, không có cơm để ăn. “Vậy thì tôi làm sao mà xứng đáng với họ được chứ?” Có như vậy bạn mới hiểu tình yêu thương của bà là chân thật, không phải là giả, bà yêu thương hết thảy chúng sanh. Chúng tôi ngày ngày đều giảng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, chúng ta còn chưa làm được, nhưng bà thì hoàn toàn đã làm được rồi. Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật, bà cũng làm được rồi. Chỗ tốt của việc học Phật, lợi ích của việc học Phật thì từ trên dáng vẻ thân thể của bà chúng ta đã được chứng kiến, từ trên người của bà chúng ta có thể kiểm chứng được, đã chứng minh được. Bà sống cuộc sống tiết kiệm như vậy, chúng ta nhìn thấy bà dường như là rất bần hàn, nhưng trên thế gian này bà mới là người vui sướng nhất, là người hạnh phúc nhất, không ai có thể so sánh được với bà. Bà đã 101 tuổi rồi mà vẫn tự mình ở trong một ngôi nhà, không cần ai chăm sóc, bà còn đi chăm sóc người khác. Mỗi ngày đều đi ra ngoài, một số người nghèo cùng đói rét, bà đều đến để giúp đỡ họ, đến chăm sóc họ. Và nói với tôi có người thuê nhà ở mà tìm không ra nhà, bà còn thay họ đi tìm nhà để thuê giúp. Có một số người thì tiền điện tiền nước không có tiền để trả, thế là bà cũng đi trả giúp cho họ, không có gì để ăn thì bà liền tặng gạo. Ngày hôm đó tôi cũng đi đến xem, ngôi nhà nhỏ đó của bà đại khái có thể chất được khoảng chừng 20-30 bao gạo, người ta tặng cho bà, thế là bà đem đi bố thí, đi đến đâu cùng bố thí. Đây là tấm gương tốt của việc “thương người yêu vật”, tu thành chứng quả, chúng ta đã nhìn thấy được rồi. Tôi đã nói với cư sĩ Lý, phải mời bà đến đạo tràng Cư Sĩ Lâm, khi chúng tôi giảng kinh thì mời bà lên đây cho mọi người gặp mặt. Chúng ta nếu chân thật có thể tiếp nhận Phật pháp, y giáo phụng hành thì cũng sẽ có thành tựu giống như bà, cũng có thể chân thật đạt được hạnh phúc mỹ mãn giống như bà vậy. Cả đời bà đã xây dựng được mười mấy viện dưỡng lão, công việc của cả một đời là chăm sóc người già, chăm sóc người bệnh. Trong Phật pháp gọi là “bố thí vô úy”, quả báo đạt được là khỏe mạnh sống lâu. Cho nên chúng ta thấy bà bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Bà là lấy bố thí vô úy làm chính, bố thí tài và bố thí pháp là phụ, thế nhưng việc bố thí của bà “một tức là ba, ba tức là một”. Bà lấy việc bố thí vô úy làm chủ, cho nên quả báo này đã hiển bày ra trước mắt chúng ta. Chúng ta có lòng tin sâu không nghi đối với giáo huấn của Phật-đà, phải nên nỗ lực y giáo phụng hành, mở rộng tâm lượng, yêu thương chúng sanh. Hôm đó chúng tôi cũng hỏi bà rốt cuộc thì tin vào tôn giáo nào? Bà nói bà tin vào tôn giáo của lòng yêu thương. Những lời này rất có đạo lý, tôn giáo của tình yêu thương đã bao gồm tất cả tôn giáo rồi, không sót tôn giáo nào cả. Lời nói tuy đơn giản nhưng ý nghĩa thì vô tận, là việc mà chúng ta nên học tập.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến hai câu này. A Di Đà Phật!