Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 25

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Tập 25

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hai chữ “trung hiếu” ở trong Cảm Ứng Thiên, chúng tôi đã giảng không ít lần. Trong Vựng Biên, chú giải cũng đã dùng số trang rất lớn để dẫn chứng đối với hai chữ này. Đây là có đạo lý. Hai chữ này mọi người đều biết đọc, mọi người đều biết nói, nhưng hàm nghĩa đích thực của nó, người nhận thức được hoàn toàn không nhiều. Nếu như thật sự minh bạch rồi thì họ nhất định có thể làm được. Họ không làm được chính là do không nhận thức được hai chữ này, hoặc giả là nhận thức chưa đủ thấu triệt. Đây là sự thật. Điều mà cổ nhân và nhất là Phật pháp nói là “biết thì khó, làm thì dễ”. Hành trung hành hiếu, tận trung tận hiếu thì không khó, nhưng đối với ý nghĩa của hai chữ “trung hiếu” này mà thông đạt, sáng tỏ triệt để thì quả thật là quá khó.

Ở phần trước tôi đã báo cáo với quí vị rồi, chư Phật Như Lai vì pháp giới chúng sanh mà nói ra vô lượng Kinh luận, nhưng quy nạp chung lại cũng chính là hai chữ “trung hiếu” này. Qua đó có thể thấy, hàm nghĩa của hai chữ này thật sự có thể nói là tận hư không, khắp pháp giới, không thể nào nói hết được. Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, cũng chẳng qua là vì chúng ta nêu ra cương lĩnh này mà thôi. Chúng ta cần phải từ trong cương lĩnh này mà thể hội, mà nhận thức, lĩnh hội thêm, sau đó chắc chắn có thể y giáo phụng hành.

Chữ “hiếu”này, nhà Phật gọi là toàn thể của tâm tánh, trong Kinh Bát Nhã nói là ký hiệu của thực tướng các pháp. Từ chữ này, chúng ta có thể thể hội được ý nghĩa mà nó biểu thị: tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới với mình là một thể. Ai có thể nhận thức được điều này? Ở trong Kinh Phật nói là Pháp Thân Đại Sĩ. Tại sao họ có thể nhận biết vậy? Bởi vì họ chứng được pháp thân. Sao gọi là chứng được pháp thân? Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình, sự khẳng định này mới gọi là chứng được pháp thân. Ý nghĩa này, chúng tôi ở phần trước đã báo cáo qua với quí vị rồi. Giữa chúng ta với tất cả chúng sanh có biết bao nhiêu mâu thuẫn, có biết bao sự hiểu lầm, có bao nhiêu là xung đột, tất cả đều là do chưa hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu hiểu rõ chân tướng sự thật thì không có những sự việc này. Những sự việc này xảy ra là giống như một người bị bệnh vậy. Bị bệnh là gì? Nhà Phật nói “tứ đại không điều hòa” thì người này bị bệnh. Chúng ta với tất cả chúng sanh không thể điều hòa thì pháp thân bị bệnh, có thể điều hòa với tất cả chúng sanh thì pháp thân khỏe mạnh. Thứ làm chướng ngại pháp thân điều hòa là gì vậy? Phật ở trong Kinh nói rất rõ ràng, rất minh bạch, đó là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, những thứ mà chúng tôi ở trong các buổi giảng gọi là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Bạn có những thứ này, cho nên tứ đại không điều hòa, pháp thân bất hòa, vì vậy khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đã trái ngược pháp tánh. Pháp tánh chính là tự tánh. Tự tánh chính là chân tâm, người thế gian chúng ta gọi là lương tâm. Chúng ta làm trái với lương thiện chân thuần rồi. Làm trái thì liền tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Tạo tội nghiệp thì liền chiêu cảm khổ báo luân hồi. Quả báo làm sao hiện tiền vậy? Phật nói rất hay: “Duy thức sở biến”, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, cho nên bạn tư duy thiện thì quả báo sẽ thiện, hoàn cảnh đời sống của chúng ta sẽ trở nên thiện; bạn có tư tưởng ác thì hoàn cảnh đời sống của bạn sẽ trở thành ác. Hoàn cảnh thuận nghịch, thiện ác mà chúng ta ở đều là do chính mình làm chủ tể, không liên can gì đến người khác, tự mình phải chịu trách nhiệm; không những chịu trách nhiệm với chính mình mà còn phải chịu trách nhiệm với tất cả chúng sanh. Người thế gian đọc sách rõ lý thì hiểu được, người tu hành học Phật cũng hiểu được. Thế nhưng ngày nay người đọc sách không hiểu, mà người tu hành cũng không biết, nguyên nhân này ở chỗ nào vậy? Người đọc sách thì không đọc sách Thánh Hiền, người tu hành thì không hiểu lời giáo huấn của Phật Bồ-tát. Tùy thuận theo tập khí phiền não của mình thì đâu có đạo lý nào mà không tạo nghiệp?

Phần trước chúng tôi đã giảng qua “hiếu thuận” với quí vị rồi. Chúng ta phải “thuận” như thế nào vậy? Cổ đức nói rất hay: “Phải thuận pháp tánh, không phải thuận theo nhân tình (tình cảm); phải tùy thuận trí huệ, không tùy thuận phiền não”. Khổng Lão Phu Tử đặc biệt nêu ra vua Thuấn để làm tấm gương cho chúng ta. Trong mắt của vua Thuấn không có gì khác với Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Người biết hiếu, nhận thức hiếu “đều là chư Phật Như Lai”, một chút cũng không giả. Tại sao đều là chư Phật Như Lai vậy? “Duy tâm sở hiện”; tâm là Như Lai, cái mà Như Lai hiện thì đâu có đạo lý nào không phải Như Lai? Cổ nhân có ví dụ rất hay: “Dùng vàng làm trang sức thì mọi trang sức đều là vàng”. Vậy chúng ta mới hiểu ra, hư không pháp giới y chánh trang nghiêm toàn là tự tánh, toàn là chư Phật Như Lai, chỉ có mỗi mình ta là phàm phu. Nói hơi thô một chút, tất cả mọi người ở thế gian đều là người tốt, chỉ có mỗi mình ta là người không tốt. Vua Thuấn thường xuyên phản tỉnh, hằng ngày sửa lỗi, Thiện Tài Đồng Tử cũng như thế, cho nên các Ngài có thể ở ngay trong một đời thành đại Thánh đại Hiền. Trong một đời viên thành vô thượng Bồ-đề, không có gì khác, chính là một chữ “nhận biết” như vậy mà thôi; hằng ngày phản tỉnh, hằng ngày sửa lỗi, học trung, noi theo trung, tận trung.

Trung chính là trung đạo đệ nhất nghĩa. Bát chánh đạo, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp. Ý nghĩa của chữ “chánh” đó chính là “trung”. Trung là chánh, còn lệch là tà, là bất chánh rồi. Chúng ta dụng tâm thì phải dùng trung, nhà Nho dạy người “thành ý, chánh tâm”. Thành ý là hiếu, chánh tâm là trung. Cho nên, chỉ sau khi con người có thành ý rồi thì họ mới biết dùng trung. Trung tâm dạy học của Nho và Phật là ở chỗ này. Thế nhưng chướng ngại lớn nhất hiện nay của chúng ta là gì? Phân biệt, chấp trước không buông xả, tập khí phiền não quá nặng. Mấu chốt vẫn là điều mà chúng tôi thường nói là bạn không ham học, cho nên bạn không có năng lực khắc phục phiền não, không có năng lực khắc phục tập khí của bạn. Nếu bạn thật sự ham học thì bạn nhất định có thể khắc phục được tập khí phiền não của mình. Người khác mắng ta, họ không có đạo lý (vô lý), ta có lý. Người khác mắng ta thì ta phải làm thế nào? Ta chắp tay, “A Di Đà Phật”, rất cung kính lắng nghe họ dạy bảo. Chúng ta có tâm nhẫn nại lắng nghe, thử xem họ có thể mắng ta được mấy giờ? Họ có thể mắng ta được hai giờ, hai mươi giờ hay hai trăm giờ hay không? Họ có thể mắng bao lâu thì ta cứ ở đó cung kính nghe, chẳng sao cả! Bị mắng nhưng không mắng lại. Sau khi họ mắng bạn rồi, qua mấy ngày họ sẽ xin bạn thứ lỗi, vậy là điều hòa rồi, vấn đề được giải quyết rồi. Họ muốn đánh bạn thì hãy mau nằm xuống để họ đánh. Tôi nói với bạn, tôi chính là loại người này. Trước đây khi tôi còn trẻ, vào lúc đó chưa học Phật, người ta mắng tôi, tôi rất cung kính, đứng nghiêm túc ở nơi đó để nghe họ chỉ dạy. Họ mắng được nửa giờ thì xong rồi, có muốn mắng nữa họ cũng không thể mắng được. Trong đoàn thể của tôi, thành tích sát hạch của tôi đứng đầu, phẩm đức đứng đầu. Vì sao tôi được như vậy? Chính những người mắng tôi đã đem tôi nâng lên. Nếu họ không mắng chửi tôi thì cấp trên của chúng tôi đâu biết tôi có tu dưỡng tốt như vậy, cho nên tôi mới được đứng đầu. Thành tích đứng đầu đó của tôi là do họ giúp tôi mà có, cho nên tôi cảm tạ họ, cảm ơn họ. Đây là sự thật. Ba ngày sau thì họ đến sám hối, xin lỗi tôi. Khi bị mắng thì bạn không nên mắng lại, vì vừa mắng lại thì cả hai người đều bị khai trừ, đều không cần hai người nữa. Cho nên, người ta đánh tôi thì tôi để họ đánh. Đánh được mấy cái thì họ sẽ không thể đánh được nữa. Cần phải hai người đánh nhau thì mới đánh tiếp được. Nếu một người đánh, người bị đánh không đánh lại thì người kia không thể đánh tiếp được, vì bên cạnh còn có rất nhiều người nhìn thấy.

Làm người thì phải ham học, phải nghe lời Thánh Hiền, ở trong 53 tham có “trải sự để luyện tâm”. Nếu bạn không trải qua những sự việc này thì làm sao bạn có thể gọt giũa tập khí của bạn, làm sao có thể hàng phục phiền não? Đây là bạn biết dùng trung. Ở trong đoạn này, nội dung vô cùng phong phú và sự giới thiệu của chúng tôi cũng chỉ đến đây thôi. Nội dung bên trong còn nêu ra tiểu bất hiếu và đại bất hiếu. Đây là nguyên nhân gì? Nguyên nhân vô cùng nhiều, vô cùng phức tạp. Những điểm mà chỗ này nêu ra cũng đáng để chúng ta làm tham khảo. Sách Vựng Biên nói, tiểu bất hiếu là do thói quen không tốt tạo nên.

Thứ nhất là từ nhỏ được cha mẹ nuông chiều, hình thành nên cá tính phản nghịch. Việc này không thể nói là không có đạo lý. Cha mẹ nuông chiều, muốn gì được nấy, thứ gì cũng làm thỏa mãn ý của nó, tương lai có một ngày khi không thể thỏa mãn thì phiền phức liền đến ngay. Cho nên, con cái phải được dạy dỗ từ nhỏ, từ nhỏ phải biết nuôi dạy ra làm sao. Thế gian “việc bất như ý thì thường đến tám chín phần mười”, phải để chúng có chỗ thể hội, dứt khoát không để chúng kiêu ngạo, phóng túng. Điều hợp lý thì phải cho chúng, điều không hợp lý thì nhất định phải hạn chế chúng. Hiện nay người làm cha mẹ biết được đạo lý này không nhiều.

Thứ hai là thói quen. Cổ nhân thường nói: “Tập thành từ nhỏ giống như bản tánh, tập quen thành tự nhiên”. Từ nhỏ phải hình thành thói quen tốt cho chúng, khi chúng còn nhỏ thì hình thành dễ dàng. Nếu chúng đã nhiễm phải thói quen xấu, muốn chúng sửa trở lại thì quả là một việc quá khó. Đây là chỗ lơ là trong giáo dục của chúng ta đối với trẻ thơ, không chú ý hình thành một thói quen tốt từ nhỏ. Tiểu học của nhà Nho biết được đạo lý này. Trong Phật pháp, người mới xuất gia phải học giới trong năm năm, đây cũng là bồi dưỡng thói quen tốt. Nhưng hiện nay những việc này đều không còn, trong nhà Nho, nhà Phật đều không thấy nữa. Tập khí, tật xấu của chúng ta hằng ngày đang tăng trưởng, cho nên niệm Phật, tham thiền, học giáo đều không hiệu quả. Lên bục biết giảng Kinh, nhưng xuống bục thì vẫn phạm lỗi như cũ. Nguyên nhân gì vậy? Tập quen thành tự nhiên. Những tập khí này không dễ dàng khắc phục.

Thứ ba là túng dục (phóng túng dục vọng). Dục vọng thì không có cùng tận, không thể “biết đủ thường vui”. Điều thứ ba này cũng có thể nói là không biết đủ.

Thứ tư là quên ân, nhớ oán. Những người này làm sao có thể tận hiếu, làm sao có thể hành hiếu?

Tiểu bất hiếu có bốn nguyên nhân trên. Bốn nhân tố này khiến cả đời chúng ta sống trong tội ác nghiêm trọng. Trong Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”, hay nói cách khác, đời sống của chúng ta là sống ở trong tội báo.

Trong xã hội hiện nay, đi đến bất kỳ chỗ nào lòng người cũng đều lo sợ, trong tâm lý của mọi người đều có linh cảm giống như ngày tận thế sắp đến rồi. Ngày tận thế phải trải qua như thế nào? Nhà tôn giáo dạy người phải tin Thượng Đế, phải sám hối, phải sửa lỗi. Lời của họ nói không sai, nhưng hàm nghĩa rất mơ hồ, không rõ ràng, cho nên vẫn không dễ dàng đạt được hiệu quả. Tin Thượng Đế, vậy Thượng Đế là gì và cách tin như thế nào? Ở phần trước chúng tôi đã giảng qua, đó là thiên tâm chánh trực, vô tư. Từ đó cho thấy, chánh trực, vô tư chính là tin Thượng Đế. Chúng ta còn có một mảy may tự tư tự lợi thì đó là không tin Thượng Đế. Bạn không sửa lỗi, bạn không sám hối thì khi tai nạn đến, bạn vẫn không thể sống sót được. Cho nên chúng ta có thể nhận thức trung, nhận thức hiếu, có thể học trung, học hiếu, tận trung, tận hiếu thì thế gian này sẽ không có tai nạn, tai nạn liền có thể tiêu trừ, chúng ta thường nói: “Gặp hung hóa cát, gặp nạn hóa ra lành”. Người nào có thể làm được vậy? Hiếu tử có thể làm được, trung thần có thể làm được. Những câu chuyện này, trong lịch sử có rất nhiều. Tại sao trung thần, hiếu tử có thể làm được vậy? Tâm của trung thần, hiếu tử là tâm thuần thiện. Thuần là tâm yêu thương tất cả chúng sanh, thuần là tâm lợi ích tất cả chúng sanh thì dù cho hoàn cảnh tồi tệ như thế nào, tự nhiên nó sẽ chuyển đổi trở lại. Cảnh chuyển theo tâm chính là đạo lý này. Tâm chuyển cảnh giới, không phải cảnh giới chuyển tâm. Đây là có căn cứ lý luận. Chúng ta rõ lý thì sẽ biết cần phải làm như thế nào, sẽ biết cần phải hóa giải tai nạn trước mắt như thế nào. Một người hiểu rõ rồi, một người sốt sắng đi làm thì tai nạn của người này không còn nữa. Mọi người đều hiểu rõ rồi, mọi người đều chịu làm thì tai nạn cộng nghiệp sẽ không còn nữa. Nạn nước là do tâm tham, tâm tham làm tăng trưởng lũ lụt. Sân hận là lửa, núi lửa bùng phát, vũ khí hạt nhân bùng nổ, đó đều là thuộc về nạn lửa do tâm sân hận biến hiện ra. Ngu si là nạn gió. Dằn vặt, bất bình tạo nên nạn động đất. Ý niệm như thế nào thì sẽ cảm nghiệp báo như thế ấy. Cho nên, chúng ta thật sự có thể y theo lời dạy của Phật, tu ba gốc thiện là không tham, không sân, không si; đối nhân xử thế tiếp vật, tôi đã giảng rồi, đó là “lễ nhượng, nhẫn nhượng và khiêm nhượng”, thì đời sống của chúng ta có ý nghĩa, có giá trị. Đây gọi là học Phật, như vậy mới là sống đời sống của Phật Bồ-tát. Cho nên, chúng ta nhất định phải quay đầu, quay đầu 180 độ thì chúng ta mới có thể cứu mình, mới có thể giúp đỡ người khác.

*******************

Khổng Lão Phu Tử nói, cả đời Ngài dạy học là “chỉ thuật lại chứ không sáng tác”. Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hóa chúng sanh trong 49 năm cũng “chỉ thuật lại chứ không sáng tác”. Đây cũng chính là nói những đạo lý mà các Ngài nói ra đều do quá khứ từng đời tương truyền xuống, chứ không có sáng kiến của riêng mình (ngày nay người thế gian thông thường gọi là sáng tạo). Khổng Lão Phu Tử không hề sáng tạo. Thích-ca Mâu-ni Phật cũng không hề sáng tạo. Khổng Lão Phu Tử nói, những điều mà Ngài nói là do trước đây Hoàng đế Hạ, Thương, Chu, Văn, Vũ, Chu Công truyền thừa lại. Thích-ca Mâu-ni Phật nói là cổ Phật quá khứ từng đời tương truyền xuống, hoàn toàn không phải do Ngài sáng tạo. Vậy thì những đạo lý này rốt cuộc là do ai sáng tạo? Không có ai sáng tạo, nói thực ra là từ trong tự tánh lưu xuất ra một cách tự nhiên. Tự tánh của ai vậy? Là tự tánh của chính chúng ta, chắc chắn không phải là sáng tạo. Trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Tự tánh vốn đầy đủ trí huệ, đức năng”. Từ đó cho thấy, những điều mà đại Thánh thế xuất thế gian nói với chúng ta đều là sự lưu lộ tự nhiên của tự tánh. Nhà Phật nói: “Pháp vốn như vậy”, một mảy may sáng tạo ý mới cũng không có. Đây mới là sự thật. Nếu bạn nói là do bạn sáng tạo thì đó là đồ giả. Bạn sáng tạo là cái của bạn, không phải của tự tánh. Tự tánh vốn có, tự tánh là bản thể chung của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Cho nên, nếu nói đó là cái sáng tạo của bạn, tự nhiên sẽ không phải là lý lẽ chung của tất cả chúng sanh, đó không phải là chân thật.

Người hiện nay có ý niệm sáng tạo dầy đặc. Đây là mê, là phân biệt, là vọng tưởng, là chấp trước. Những thứ từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước lưu xuất ra là trái ngược với tự tánh. Cho nên, chúng ta có ý nghĩ sáng tạo thì mê rồi, đã sai rồi. Cái sai lầm này không những đã đem đến tai họa cho bản thân, mà còn đem lại tai họa vô cùng cho đại chúng xã hội, cho tất cả chúng sanh. Đạo lý và chân tướng sự thật này, chúng ta phải suy nghĩ nhiều, phải bình tâm mà quan sát, vậy mới có thể sáng tỏ. Nho và Phật dạy chúng ta phải tuân theo gốc đạo. Gốc đạo là cội gốc của đạo lớn, chính là nhất niệm tâm tánh. Thể của nhất niệm tâm tánh chính là hiếu. Tác dụng của nhất niệm tâm tánh chính là trung. Cho nên thể và gốc của đạo lớn chính là “trung hiếu” mà thôi. Chúng ta khởi tâm động niệm phải tuân theo cội gốc. Đây là tâm hạnh bộc lộ ra một cách tự nhiên của Thánh nhân thế xuất thế gian, dạy chúng ta tìm về nguồn cội của thiên mệnh. Thiên mệnh là gì? Thiên chính là tự nhiên. Hóa ra hai chữ “thiên mệnh” này chính là tùy thuận tự nhiên. Nguyên tắc của tự nhiên chính là thiên mệnh. Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng, đây là thiên mệnh. Noi theo tự nhiên, tùy thuận tự nhiên, đây chính là người khỏe mạnh nhất, người hạnh phúc nhất, người mỹ mãn nhất. Người mà không phân giàu nghèo, không phân sang hèn, biết sống thuận theo tự nhiên, biết làm việc thuận theo tự nhiên, xử thế thuận theo tự nhiên thì người này chính là Thánh nhân. Từ đó cho thấy, phàm phu đã hoàn toàn đi ngược lại tự nhiên, ngày nay chúng ta nói là phá hoại môi trường tự nhiên. Thân người, đôi chân là để đi, nên đi là tự nhiên, ngồi xe là không tự nhiên, là làm trái tự nhiên rồi. Cho nên, người mà thường xuyên ngồi xe, đến khi về già thì đôi chân không thể nhúc nhích, vì tê dại, đây là bị bệnh rồi. Tại sao những lão nông ở thôn quê khỏe mạnh như vậy, trường thọ như vậy? Vì họ thuận theo tự nhiên. Người sống ở đô thị, cái gì cũng hưởng thụ văn minh khoa học kỹ thuật, sống hoàn toàn trái ngược tự nhiên, nên bệnh gì cũng có cả. Ở trong đây đạo lý rất sâu, sự tướng quá phức tạp, chúng ta hãy suy nghĩ thêm. Những lời tôi nói này chính là nguồn gốc của tai nạn trên thế giới hiện nay, do chúng ta đã hoàn toàn làm trái ngược với đời sống tự nhiên, đã phá hoại môi trường tự nhiên. Đây là loài người tự làm, cho nên quả báo vẫn phải tự chịu. Làm sao để tự cứu đây? Thánh Hiền nhân dạy cho chúng ta “thượng đồng thiên chí”. Chúng ta thử nghĩ, cái chí của thiên thần, Thượng Đế, Phật Bồ-tát là gì? Đều là ở trung hiếu, anh em yêu thương nhau. Tâm của đại Thánh đại Hiền là cái tâm thuần hiếu.

Chữ “hiếu” này, ở phần trước tôi đã giảng qua với quí vị rồi, chính là “thực tướng các pháp” mà trong Kinh Bát Nhã nói, chúng ta bình thường nói là “chân tướng của vũ trụ nhân sanh”. Còn trong văn tự Trung Quốc (văn tự là ký hiệu), hàm nghĩa của ký hiệu này là hư không pháp giới là một chỉnh thể. Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, cùng chung mạng sống, “hiếu” biểu thị cho ý nghĩa này. Trong Kinh Đại Thừa nói “ngã”, có chân ngã. Hiện nay người thông thường nói “ngã”, khái niệm này là sai lầm, cho nên Phật nói với chúng ta “vô ngã”; “không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Nếu bạn minh tâm kiến tánh rồi thì có ngã, có “thường – lạc – ngã – tịnh”, có chân ngã. Chân ngã không phải cái thân này, mà chân ngã là tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Hiện nay chúng ta cho rằng cái thân này của mình là ngã. Hiểu sai rồi! Cái thân này chỉ là một vi trần của hư không pháp giới mà thôi, chúng ta đem vi trần cho là ngã, mà quên đi cả hư không pháp giới. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật có ví dụ rất hay. Ngài ví dụ biển lớn là ngã, nhưng trong biển lớn lại nổi lên bong bóng nước nhỏ, bạn hiểu lầm cho rằng bong bóng nước là ta, mà quên mất biển lớn rồi. Cho nên phàm phu không biết có pháp thân, người tu hành không thể chứng được pháp thân, nguyên nhân ở chỗ này. Người minh tâm kiến tánh thì giác ngộ rồi, họ biết được tất cả chúng sanh là ngã, cho nên họ khởi tâm động niệm đương nhiên là vì tất cả chúng sanh, ý nghĩ tự tư tự lợi hoàn toàn đoạn tuyệt sạch sẽ rồi. Đây là sự khác nhau về nhận thức cơ bản giữa Phật Bồ-tát và phàm phu chúng ta. Phật Bồ-tát biết rõ chân tướng sự thật, còn chúng ta thì hoàn toàn sa đọa vào trong vọng tưởng và từ vọng tưởng khởi lên phân biệt, chấp trước.

Sự nhận biết thuần chánh chính là trí huệ. Trí huệ này là tự tánh vốn đầy đủ, không phải đến từ bên ngoài. Sự nhận biết này khởi tác dụng là “hiếu – đễ – trung – tín”, nhân từ với nhân dân, yêu thương mọi vật. Đây đều là thuận theo tự nhiên, không hề có mảy may tạo tác. Phàm phu chúng ta mê quá lâu rồi, vô lượng kiếp đến nay đã mê mất tự tánh, cho nên sống đời sống như thế nào vậy? Thuận theo phiền não của mình, thuận theo vọng tưởng của mình, thuận theo tập khí của mình, đem Nhất Chân Pháp Giới chuyển biến thành mười pháp giới, chuyển biến thành sáu cõi luân hồi, chuyển biến thành ba đường ác. Chúng ta ngày nay sống đời sống gì vậy? Nếu chúng ta thấy rõ ràng, thấy minh bạch rồi thì chúng ta ngày nay sống đời sống của ba đường ác: Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nhìn thấy cái thân thể này là hình dạng con người, nhưng tư tưởng, ngôn hạnh, đời sống toàn là ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Ai biết vậy? Phật Bồ-tát biết, người sáng tỏ thấy rất rõ ràng. Ba đường ác là trạng thái gì? Tham – sân – si là ba đường ác. Người chấp trước kiên cố, tham danh văn lợi dưỡng, tham ngũ dục lục trần thì đời sống của họ là đời sống của cõi quỷ. Việc không như ý nho nhỏ thì tâm sân hận liền sinh khởi, đố kỵ, chướng ngại người khác, đó là đời sống của địa ngục. Đúng sai không rõ, tà chánh không phân biệt được, không thể thân cận thiện tri thức, hằng ngày thân cận với tà tri thức, ở trong Kinh Phật gọi là “thầy tà, bạn ác”, thân cận giao thiệp với những người này, đây là ngu si, là đời sống của súc sanh. Chúng ta thử nghĩ đáng sợ biết bao. Chúng ta tự mình phải phản tỉnh từng giây từng phút, không nên nhìn người khác, phải xem lại đời sống của mình là đời sống gì. Nếu bạn sống đời sống con người thì ngũ giới thập thiện viên mãn rồi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm nhất định tương ưng với ngũ giới thập thiện, nhất định tương ưng với hiếu – đễ – trung – tín.

Chúng ta phải hiếu thân, tôn sư. Cha mẹ còn sống thì phải luôn quan tâm chăm sóc, nếu cha mẹ không còn thì vẫn phải thường xuyên nhớ ân đức của cha mẹ. Bản thân chúng ta cố gắng tu học, nhà Phật nói đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ. Công đức là gì? Mặc áo, ăn cơm đều là công đức; khởi tâm động niệm đều là công đức; không dám khởi niệm ác, không dám khởi vọng tưởng, vì khởi niệm ác, khởi vọng tưởng, làm một việc sai trái là có lỗi với cha mẹ. Đây là hồi hướng thật sự. Không phải nói là bạn mỗi ngày niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, đọc bao nhiêu quyển Kinh, đem công đức này hồi hướng cho cha mẹ, như vậy thì cha mẹ bạn không nhận được gì cả! Tại sao vậy? Vì bạn niệm Phật, bạn đọc Kinh, bạn có miệng mà không có tâm. Công đức chân thật là đời sống của bạn phải tương ưng với lời dạy của Phật, lời dạy của Thánh nhân, đó mới gọi là công đức. Bạn có thể dùng công đức này để hồi hướng.

Công đức chân thật là ở khởi tâm động niệm của bạn, ở ngôn ngữ tạo tác của bạn. Bạn dùng tâm thuần thiện, thuần là tâm yêu thương người, thuần là tâm hạnh giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ, hoàn toàn thực hiện vào trong đời sống, trong công việc của mình thì đây là công đức chân thật. Bạn dùng công đức này hồi hướng mới có tác dụng. Đây là hiếu thuận cha mẹ đích thực, niệm niệm không quên. Nếu cha mẹ vãng sanh rồi, công đức này có thể giúp họ nâng cao phẩm vị. Nếu cha mẹ bạn bất hạnh, bị đọa ở đường ác, công đức này có thể giúp họ siêu sanh. Đây là siêu độ đích thực, không phải mời mấy vị Hòa thượng, đạo sĩ tụng Kinh là có thể siêu độ được, đó là mê tín. Hoàn toàn ở trên tâm hạnh thực tế của mình.

Quí vị có lẽ đã đọc qua Ảnh Trần Hồi Ức Lục của Pháp sư Đàm Hư. Cư sĩ Lưu – bạn của Pháp sư Đàm Hư “tám năm gian khổ đọc Lăng Nghiêm”, ông siêu độ gia thân quyến thuộc của ông, siêu độ oan thân trái chủ của ông như thế nào? Không có bất kỳ hình thức nào, hoàn toàn dựa vào đức hạnh của mình, khởi tâm động niệm, hành vi đời sống như Phật đã dạy, học theo những gì mà Phật đã hành. Đây gọi là hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, hữu hảo yêu quí anh em. Có thể tôn trọng tất cả chúng sanh, yêu thương tất cả chúng sanh vô điều kiện, vô tư, tận tâm tận lực giúp đỡ tất cả chúng sanh, giúp chúng sanh lìa khổ được vui, chỉ có một cái tâm như vậy, chỉ có một ý nghĩ như vậy. Ý nghĩ này, cái tâm này chính là thiên chí (chí của trời), trong Phật pháp gọi là nguyện của Phật. Quí vị thử nghĩ, chúng ta gần đây giảng Kinh Vô Lượng Thọ, đúng lúc giảng đến 48 nguyện, mỗi nguyện đều giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui. “Lìa khổ được vui” là tổng nguyện. Lìa khổ được vui là quả. Có quả ắt có nhân. Muốn khiến tất cả chúng sanh lìa khổ được vui thì trước tiên dạy họ tu nhân. Nhân là gì vậy? Phá mê khai ngộ. Khổ là từ trong mê mà ra, vui là từ trong ngộ mà có. Phá mê chính là lìa khổ, khai ngộ thì liền được vui. Cho nên, đại Thánh nhân thế xuất thế gian cả đời đều dấn thân vào công tác dạy học. Dạy học là trực tiếp giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, còn những ngành nghề khác đều là thuộc về gián tiếp. Không những hướng dẫn, chỉ dạy mà còn phải làm nên tấm gương cho người ta thấy. Hy vọng mọi người nhìn thấy hình tướng của các Ngài, nghe thấy ngôn từ chỉ dẫn của các Ngài thì liền giác ngộ, liền sáng tỏ. Chúng ta phải noi theo Thánh Hiền, học tập theo Phật Bồ-tát thì mới có thể đạt được quả báo chân thật. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, nhất là vào cuối thế kỷ này, tai nạn rất nhiều và tương đối nghiêm trọng.

Làm thế nào phòng tránh tai nạn? Làm thế nào tự độ, độ người? Thảy đều ở việc hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, triệt để quay đầu, quay đầu là bờ thì vấn đề này liền có thể được giải quyết. Mọi lời tiên đoán của phương Đông, phương Tây đã nói có rất nhiều khả năng xảy ra tai nạn. Kết luận cuối cùng của họ rất hay, mục đích của tiên đoán không phải cảnh cáo bạn tai nạn sắp đến, mà là để bạn hiểu rõ có khả năng sự việc này xảy ra, để chúng ta từ trên tâm lý làm một cuộc chuyển đổi, gấp rút quay đầu, đoạn ác tu thiện. Tai nạn rốt cuộc có hay không là quyết định ở trong một niệm của chính chúng ta, không phải quyết định ở bên ngoài, mà quyết định bởi chính mình. Cho nên, chúng tôi ở trong buổi giảng thường nói, tâm tham chiêu cảm đến là nạn nước; trong Kinh Lăng Nghiêm nói sân hận là nạn lửa, ngu si là nạn gió, cống cao ngã mạn là động đất. Nếu như chúng ta dập tắt tham sân si từ trong nội tâm, đối với người, với vật chúng ta học khiêm tốn, nhẫn nhường thì tai nạn này liền không còn nữa. Thiên nhân Tứ Thiền tại sao không có ba nạn lớn nước, lửa, gió? Vì họ hoàn toàn chế phục được tham sân si rồi. Cho nên người có phước báo thì nơi họ cư trú là đất phước. Chúng ta nghe Phật nói rồi thì phải giác ngộ, phải hiểu rõ, phải thật sự từ bên trong nội tâm dập tắt tham sân si mạn, dùng lòng từ bi đối nhân xử thế tiếp vật.

Hôm qua tôi giảng Kinh, khuyên mọi người học Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát dùng ánh mắt gì để nhìn người vậy? Các Ngài thấy tất cả chúng sanh đều là Phật Bồ-tát. Đó là sự thật. Chúng ta thấy tất cả chúng sanh đều là phàm phu, đều là người ác. Chúng ta thấy sai rồi, Phật Bồ-tát thấy chính xác. Người thông thường nghe thấy lời này của tôi, họ giữ ý kiến tương phản: “Phật Bồ-tát thấy sai rồi, chúng tôi thấy mới chính xác, rõ ràng người này là người tốt, người kia là người xấu”. Tại sao Phật Bồ-tát không phân biệt được tốt xấu? Trên thực tế, Phật Bồ-tát thấy chính xác, chúng ta thấy sai rồi. Đạo lý này rất sâu, phải suy nghĩ chín chắn, điều chỉnh quan niệm sai lầm, điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta.

Chịu ơn người một giọt nước thì vĩnh viễn phải ghi nhớ, vĩnh viễn không quên. Người ta có gì không phải với chúng ta, tuyệt đối không nên nhớ ở trong lòng, phải quên cho thật sạch sẽ, dứt khoát không lưu lại ấn tượng thì bạn mới có đủ điều kiện học Phật, mới có tư cách làm Phật. Vong ơn bội nghĩa, thường hay ghi nhớ người này không phải với ta, người kia có lỗi với ta thì chắc chắn đọa tam đồ, hằng ngày tụng Kinh niệm Phật vẫn phải đọa tam đồ. Những năm đầu triều Thanh, Pháp sư Quán Đảnh cũng nói như vậy, Ngài nói không sai chút nào. Hy vọng chúng ta ghi nhớ, chúng ta nghiêm túc nỗ lực học tập, gấp rút quay đầu, phòng tránh tai nạn.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *