THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 128 TẬP
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
Tập 55
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Đây là đoạn thứ bốn mươi hai của Cảm Ứng Thiên. Đoạn này cũng chỉ có tám chữ:
“Cuống chư vô thức, báng chư đồng học”. (Lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học)
Đây cũng là thuộc vào đại ác.
Ở trong Vựng Biên nói rất hay: “Đối với kẻ chẳng hiểu biết, đúng là phải nên thuận theo từng sự mà chỉ bảo cho họ, dùng nghĩa lý nhắc nhở, dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm, khiến cho họ giác ngộ, chẳng đọa trong mê hoặc”. Làm sao có thể bởi vì họ ngu muội mà bạn lừa gạt họ? Phía sau đã dẫn một câu nói trong Kinh Lăng Nghiêm: “Kẻ lừa bịp người không hiểu biết, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián”. Người ở thế gian, vô tình hoặc cố ý đã tạo tác tội nghiệp cực nặng, tự mình hoàn toàn không biết, cũng không biết quả báo đáng sợ. Ở trong Cảm Ứng Thiên nêu ra những ví dụ này, chúng ta phản tỉnh thật kỹ, những lỗi lầm này bản thân cũng thường hay phạm phải, nhưng mà xưa nay không hề nghĩ đến sẽ có quả báo nghiêm trọng như vậy. Bản thân luôn cho rằng những chuyện này là chuyện nhỏ, thậm chí là nói nó chẳng đáng kể gì. Tại sao lại có sai lầm nghiêm trọng như vậy? Người ngu muội vô tri chúng ta không học Kinh Phật, không hiểu rõ chân tướng sự thật, trong đời quá khứ, bao nhiêu đời nay đã tạo tác rất nhiều nghiệp bất thiện, chiêu cảm đến quả báo như vậy. Phật Bồ-tát thấy rất rõ ràng. Những chúng sanh này chính là đối tượng cứu độ của Phật Bồ-tát, hơn nữa còn xếp họ vào hàng ưu tiên nhất. Tại sao vậy? Người như vậy, nếu như không mau mau giúp đỡ họ, họ trong nháy mắt liền đọa vào địa ngục. Cho nên, Phật Bồ-tát giúp đỡ chúng sanh, chúng sanh nào sẽ bị quả báo nghiêm trọng nhất, khổ nhất thì nhất định là xếp vào ưu tiên hàng đầu. Người tạo tác tội nghiệp tương đối nhẹ, không đến nỗi đọa lạc khổ như vậy thì hơi chậm một chút vẫn không sao. Đây là hợp tình hợp lý.
Một loại tình hình khác tương đối đặc thù, đây cũng là Phật ở trong Kinh thường nói là người có căn cơ chín muồi [được] độ trước. Sao gọi là căn cơ chín muồi? Cơ duyên thành Phật đã đến rồi. Người này cũng phải được ưu tiên giúp đỡ họ thành Phật, sau khi họ thành Phật thì có thể rộng độ chúng sanh. Đạo lý ưu tiên là ở chỗ này. Người thế gian, suy cho cùng, kẻ ngu muội vô thức chiếm đa số. Chúng ta thử nghĩ lại, bản thân chúng ta có phải thuộc loại “vô thức” này hay không? Tư duy thật kỹ, phản tỉnh kiểm điểm, bản thân chúng ta thật sự là thuộc về “vô thức”. Tại sao vậy? Tuy hằng ngày đang học Kinh giáo, nhưng vẫn cứ phạm lỗi lầm như cũ, đây chẳng phải là vô thức sao? Cho nên phải tùy theo việc mà nhắc nhở, ở mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả cảnh duyên, nếu như không nhắc nhở thì lại phạm sai lầm nữa. Mặc dù không phạm sai lầm trong lời nói việc làm, nhưng khởi tâm động niệm, ý nghĩ thường đang phạm. Tại sao Phật Bồ-tát phải hằng ngày giảng Kinh vậy? Chỉ vì mỗi một việc này. Có mấy người có thể nghe một lần Kinh, nghe một bộ Kinh mà có thể quay đầu, có thể giác ngộ, có thể chứng quả? Loại người này không phải không có, nhưng quá ít, trong mấy trăm năm chúng ta mới nhìn thấy có một người; ở trong ức vạn người khó có được một người. Từ đó cho thấy, hầu hết mọi người đều có tập khí nghiệp chướng vô cùng sâu nặng (bản thân chúng ta cũng thuộc vào loại này), cho nên cần thiện tri thức từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta. Đến đâu để tìm ra thiện tri thức như vậy? Thật sự tìm không ra.
Đại đức xưa dạy chúng ta cúng dường Tam Bảo. Chúng ta cúng dường tượng Phật, cúng dường tượng Bồ-tát, dụng ý ở chỗ nào vậy? Mượn những hình tượng này, từng giây từng phút nhắc nhở mình, nhìn thấy tượng Phật thì liền nghĩ đến lời dạy của Phật Bồ-tát. Không nhìn thấy tượng Phật là quên mất rồi. Dụng ý của cúng tượng Phật là ở chỗ này, chứ không phải xem Ngài giống như thần linh, không phải cầu mong Ngài phù hộ thăng quan phát tài, mà dùng hình tượng Ngài để thường xuyên nhắc nhở mình. Nhắc nhở, điều đầu tiên là đọc Kinh, nhìn thấy tượng Phật thì nghĩ đến phải đọc Kinh. Đọc Kinh chính là nghe Phật Bồ-tát giảng Kinh thuyết pháp, khiến chúng ta hiểu rõ nghĩa lý, là việc nên làm. Những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm, đây gọi là “Nghĩa”. “Lý” là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Nội dung của tất cả Kinh mà Phật nói ra, quy nạp lại thì không ngoài hai sự việc này. “Nghĩa” chính là đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, là việc bạn nên làm. “Lý” là minh tâm kiến tánh. Không những mình phải học, mà còn phải giúp đỡ người khác. Làm sao giúp đỡ người khác đây? Làm nên tấm gương cho người ta thấy. Tấm gương gì vậy? “Dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm”, chúng ta phải thể hiện ra. Chúng ta khởi tâm động niệm, người khác không nhìn thấy, nhưng lời nói việc làm của chúng ta, người ta nhìn thấy. Chúng ta có thể trong một đời, miệng không nói lời ác, trong một đời có thể làm được không vọng ngữ, không lừa gạt người khác. Bắt đầu làm từ đâu vậy? Bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, ta ngay từ hôm nay, từ sáng đến tối không vọng ngữ, không ác khẩu. Đây là việc rõ ràng dễ thấy.
Phật dạy người sơ học bắt đầu làm từ Thập Thiện Nghiệp Đạo. Quán Kinh nói “Tam phước”, đưa ra cương lĩnh cho chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng ta muốn hỏi, chúng ta làm sao hiếu thân, làm sao tôn sư? Tu tâm từ, tu thập thiện chính là hiếu dưỡng phụ mẫu, chính là phụng sự sư trưởng. Nếu như ba nghiệp “Thân – Ngữ – Ý” của chúng ta đều bất thiện, đó chính là bất hiếu, chính là bất kính. Chúng ta bắt đầu làm từ đây. Quả nhiên thật sự làm được rồi, hằng ngày đều làm như vậy thì người này là người thiện. Người thiện không cần phải có người khác tán thán. Nếu chúng ta hy vọng người khác tán thán, hy vọng người khác biểu dương chúng ta, làm như vậy là đã bất thiện rồi. Tại sao vậy? Vì dụng ý bất thiện, hành vi dù là thiện mà tâm bất thiện, tâm địa đã ô nhiễm, không thanh tịnh. Chẳng mong cầu gì cả, cần nên làm như vậy. Cách làm này chỉ là giúp đỡ người khác, chỉ là phổ độ chúng sanh, để người ta thấy rồi thì sẽ giác ngộ, “tại sao họ có thể làm được mà ta không làm được?”. Họ thấy lâu rồi thì họ sẽ phản tỉnh. Xưa nay Tổ sư Đại đức giảng Kinh, nói đến cảm hóa người khác (ở trong Phật pháp nói phổ độ chúng sanh, cách nói hiện nay gọi là cảm hóa người khác), chỉ dùng tâm chân thành, tâm từ bi, làm ra một tấm gương tốt để người ta thấy. Tấm gương tốt nhất là vua Thuấn.
Vua Thuấn khi còn tuổi thanh thiếu niên, hoàn cảnh sống của ông vô cùng tồi tệ, sống trong nghịch cảnh. Người ác, ông có thể cảm hóa. Ông làm được vô cùng viên mãn, làm vô cùng thành công, là tấm gương tốt nhất. Tại sao ông có thể làm được vậy? Một câu nói của Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng là “không thấy lỗi thế gian”, cho nên ông mới làm được. “Không thấy lỗi thế gian” là lý, ông hiểu lý. Tại sao người khác dùng ác ý, dùng ác hạnh đối với ta? Luôn luôn là bản thân ta có lỗi lầm. Cho nên, ông niệm niệm không nhìn thấy người khác có lỗi, cho rằng người khác có thái độ gì cũng là chính xác, cũng đều đúng cả. Ông luôn nghĩ rằng bản thân ông có lỗi lầm, cần phải phản tỉnh, kiểm điểm, sửa chữa lỗi lầm, khiến những người có khuynh hướng ác ý này cũng không thể nhìn ra lỗi xấu của mình, vậy mới thật sự biết được đạo lý và phương pháp của sự tu hành. Ông thật sự biết được. Ở trong Phật pháp nói, đây là sự thị hiện của đại Bồ-tát, đây không phải là phàm phu. Sự hành trì của ông, chúng ta quan sát tỉ mỉ, thấy không có khác gì so với Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm.
Thiện Tài Đồng Tử cả đời tu hành không nhìn thấy lỗi thế gian, chỉ thấy mình có lỗi. Cho nên ông thuận buồm xuôi gió, một đời viên mãn Bồ-đề. Đây là Phật ở trong Kinh nêu ra một tấm gương tốt nhất. Ông từ quả địa phàm phu trải qua 51 cấp bậc của Bồ-tát, từ Sơ Tín đến Thập Tín chỉ theo học một vị thầy (Bồ-tát Văn Thù là thầy của ông). Khi Thập Tín tâm tròn đầy thì thầy bảo ông đi tham học, cho nên về sau là Năm Mươi Ba Tham. Mỗi lần tham học với một vị thiện tri thức thì vị thứ của ông được nâng cao lên thêm một cấp bậc; tham vấn Tỳ-kheo Kiết Tường Vân, ông là sơ trụ; tham vấn Tỳ-kheo Hải Vân, ông là nhị trụ; tham vấn Tỳ-kheo Diệu Trụ, ông là tam trụ. Chúng ta thử nghĩ, ông đã trải qua đời sống gì vậy? Quay lại thử nghĩ đời sống mà mình sống là đời sống gì? Người ta đạo nghiệp mỗi ngày tăng trưởng, định huệ cùng học, đời sống đó viên mãn biết bao, sung túc biết bao, còn chúng ta thì hằng ngày vẫn đang tạo nghiệp. Cho nên, chỗ này nói “vô thức”, chúng ta không phải vô thức thì ai vô thức đây? Chúng ta không hiểu nghĩa lý mà Phật nói. Tôi đã học 47 năm, 47 năm mới hiểu được một chút đạo lý như vậy. Cho nên, có cơ hội thì tôi chia sẻ với mọi người, không quên từng giây từng phút nhắc nhở các đồng học, khích lệ các đồng học, làm hết khả năng, một ngày cũng không buông lơi.
Bản thân tôi biết rất rõ ràng, rất minh bạch, nếu như mấy ngày không có người khích lệ thì Kinh cũng lười xem, tập khí tật xấu đều trổ ra rồi. Cổ nhân chúng ta nói hay, nói với người đi học là “ba ngày không đọc sách Thánh Hiền thì vẻ mặt liền khó coi”. Hoàn cảnh đó của họ, thật sự mà nói là thù thắng hơn nhiều so với chúng ta. Nói lời thành thật, hiện nay đâu cần đến ba ngày, một ngày không đọc là vẻ mặt hoàn toàn khác rồi. Một ngày vẫn quá dài, nửa ngày không đọc là vẻ mặt cũng đã hoàn toàn khác rồi. Người xưa còn có thể đợi ba ngày, chúng ta ngày nay nửa ngày không đọc thì tập khí tật xấu hoàn toàn lộ ra hết rồi, thậm chí là vừa đọc, tập khí tật xấu vừa lộ ra bên ngoài, bạn nói xem, có còn cách gì không? Đọc Kinh sinh phiền não, nghe giảng cũng sinh phiền não, nghiên cứu thảo luận thì cãi nhau. Hãy nghĩ xem, người xưa còn có thể nén lại được ba ngày, mới biết tập khí tật xấu của chúng ta hiện nay là nghiêm trọng cỡ nào. Cho nên đọc đến đoạn Kinh văn này, nói về lừa gạt những người vô tri này, suy nghĩ thấy bản thân chúng ta đúng là người vô tri. Người lừa gạt chúng ta quá nhiều, quá nhiều rồi, đầy khắp cả đường, còn người nhắc nhở chúng ta thì không có. Tìm ở đâu bây giờ? Người mà chúng ta tiếp xúc toàn là lừa gạt chúng ta.
Hai câu nói này xem ra rất bình thường, nhưng ý nghĩa quá sâu xa. Cho nên, lần này có cơ duyên như vậy, tôi lại đem Kinh Kim Cang Giảng Nghĩa xem kỹ lại một lần nữa. Sau khi xem xong, cảm thấy trong đó có rất nhiều thứ vẫn cần phải bổ sung, cần phải nói rõ thêm nữa. Tại sao vậy? Người thông thường xem xong vẫn không hiểu, cho nên không làm bổ sung là có lỗi với chúng sanh hiện tại. Người xưa giảng Kinh thuận tiện, gợi ý là thấy ngay, xem xong là có thể hiểu. Hiện nay thì không được, gợi ý thế nào họ cũng không thông nổi, cho nên không thể không nói nhiều, không thể không phiền toái. Việc độ chúng sanh hiện tại khó hơn quá nhiều so với trước đây. Nếu chúng ta không có tâm nhẫn nại, không có thường thức phong phú, không có đức hạnh, không quán sát căn cơ được, thì tự hành hóa tha đều làm không thành công. Cho nên, chúng ta không thể không nỗ lực vì chúng sanh, vì Phật pháp, dũng mãnh tinh tấn.
*******************
Chào chư vị đồng học, xin xem đoạn thứ 42 của Cảm Ứng Thiên:
“Cuống chư vô thức, báng chư đồng học”.
Ở trong Vựng Biên đã nói về ý nghĩa này rất rõ ràng, cũng đã nêu ra không ít ví dụ, thuyết minh nghiệp nhân quả báo ở trong đây. Lại dẫn ra một đoạn, Phật ở trong Kinh dạy chúng ta làm thế nào chung sống với bạn bè. Đoạn Kinh văn này không dài, thật sự đúng là chúng ta cần phải nhớ kỹ, hơn nữa còn phải thực hiện. Kinh văn nói: “Đức Phật dạy: Con người đối với bạn bè, có năm chuyện tương quan lẫn nhau”. Nền giáo dục của Nho gia coi trọng luân thường. Người xưa nói ngũ luân là vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, vua tôi. Cho nên, bạn bè ở trong ngũ luân có mối quan hệ với bản thân chúng ta vô cùng mật thiết. Làm sao để có thể trọn đạo nghĩa bạn bè? Phật đã nói cho chúng ta năm sự việc.
Thứ nhất, nếu đôi bên làm nghiệp ác thì phải khuyên nhau dừng. Cho nên, bạn bè có nghĩa vụ là phải khuyên nhau tránh lỗi lầm. Nếu như nhìn thấy bạn bè làm việc sai trái mà không nói thì không đủ gọi là bạn bè, đây không phải là bạn bè rồi. Nhưng mà khuyên nhủ thì phải có lễ, cho nên nhất định phải giữ lễ, phải hiểu được lễ độ. Chỉ ra lỗi thì tuyệt đối không ở trước mặt người thứ ba, chỉ khuyên nhủ nơi riêng tư, vì đây là bạn bè. Cha mẹ chỉ dạy thì có thể ngay trước mặt anh chị em trong nhà chỉ dạy với nhau, đây là động viên con em của mình, nhưng nếu có người ngoài thì cha mẹ cũng sẽ không nói, vì luôn muốn giữ thể diện cho con cái. Thầy dạy học trò, bạn đồng học, ở trong số các đồng học thì có thể nói, tại sao vậy? Các bạn là đồng học, thầy không phải dạy một mình ta, mà dạy tất cả học trò. Thế nhưng bạn bè thì không được phép, bạn bè chỉ có thể khuyên nhủ riêng tư. Những đạo lý này, chúng ta đều phải biết.
“Khuyên bảo lẫn nhau ngưng dứt” là giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân ta có lỗi lầm, bạn của ta sẽ giúp đỡ ta, động viên ta, nhắc nhở ta, ngược lại ta cũng phải giúp đỡ bạn của ta. Đặc biệt là ở trong Phật pháp, Phật pháp thật sự hiểu rõ nhân quả thông ba đời. Cho nên, khuyên nhủ là quan trọng hơn hết. Tạo một niệm ác, dường như trước mắt cảm thấy không sao cả, mà hậu quả tương lai là không thể tưởng tượng. Người thế gian đối với những sự lý này không hiểu. Chúng ta tự mình phải hiểu rõ, phải sáng tỏ. Tập khí ác rất nặng, trong Luận Ngữ nói (Luận Ngữ là Khổng Phu Tử nói): “Giao tiếp bạn bè mà nhiều lần (góp ý), sẽ bị xa lánh”. Cho nên, hiện nay là khó khăn hơn bao giờ hết. Khuyên lỗi không được quá ba lần, ba lần trở lên đó thì trở thành người ác rồi, họ sẽ tránh xa; không những tránh xa, mà còn kết thành oán thù. Từ đó cho thấy, trên thế gian, việc khó khăn nhất là tình người, thường nói là “làm việc khó, làm người càng khó hơn”. Thật sự thấu tình đạt lý thì nhà Nho gọi là quân tử, thật sự gọi là thông đạt đạo lý nhân tình. Thông tình đạt lý đến rốt ráo, đây là Thánh nhân, ở trong Phật pháp chúng ta gọi là Phật Bồ-tát.
Chúng ta ngày nay tội nghiệp đầy mình, khởi tâm động niệm lời nói việc làm đều bất thiện, tại sao Phật Bồ-tát không đến khuyên nhủ chúng ta, không đến chỉ dạy chúng ta? Chúng ta tự mình thử suy nghĩ, Phật Bồ-tát đến chỉ dạy chúng ta, chúng ta có thể tiếp nhận không? Không thể tiếp nhận! Khuyên ba lần trở lên là [chúng ta] phiền chán rồi, xem Phật Bồ-tát giống như oan gia rồi, cho nên Phật Bồ-tát từ bi mà không đến. Không đến là từ bi, để duy trì mối quan hệ tốt với bạn, không muốn bạn tốt lại trở thành oan gia, cho nên xa lại với bạn. Đến khi nào bạn thật sự giác ngộ, thật sự quay đầu, ở trong lục đạo đã chịu hết các đau khổ, có một niệm giác ngộ, một niệm quay đầu thì bạn tốt liền đến ngay thôi. Cách làm này của chư Phật Bồ-tát rất đáng để chúng ta làm tham khảo. Không nghe lời khuyên chân thành, không nghe lời thiện thì tạm thời tránh xa. Nhất định phải đợi họ muốn quay đầu thì mới tiếp cận. Đây là đạo lý lớn của cảm ứng đạo giao. Đây là khuyên lỗi, Phật đem điều này xếp thứ nhất.
Thứ hai, “Nếu đôi bên mắc bệnh khó trị, hãy nên chăm sóc, điều trị lẫn nhau”. Chúng ta gặp phải khó khăn, khi cần người giúp đỡ, lúc này bạn bè có nghĩa vụ phải giúp đỡ. Thứ đến khi có bệnh tật, là bạn bè thì nhất định phải quan tâm, phải tận tâm tận lực giúp đỡ họ tìm kiếm thầy thuốc giỏi, giúp đỡ họ chữa trị. Nhưng xã hội hiện nay quả thật là quá khó, quá khó rồi, cổ nhân nói là “thiên hạ đại loạn”. Rốt cuộc là loạn ở chỗ nào vậy? Người thông thường chúng ta nói là xã hội không có trật tự, trị an xã hội không tốt, người với người không có thiện ý giao thiệp, đầy rẫy dối trá. Sâu hơn một tầng, chúng ta chưa có quan sát thấy. Nếu quan sát sâu hơn một tầng, ta thấy luân thường đạo đức bị phá hoại rồi; cha con không có tình thân, bạn bè bất tín, vợ chồng vô nghĩa, vậy có nguy hiểm không? Đây là mối loạn đích thực. Hơi một chút bất như ý thì lập tức liền quay mặt, đây là đời loạn. Thời thái bình thịnh trị sẽ tuyệt đối không có loại tình trạng này. Chúng ta thử nghĩ, nguồn gốc của thái bình và loạn lạc là ở chỗ nào vậy? Ở giáo dục. Hiện nay mọi người không giảng giáo dục cổ Thánh tiên Hiền nữa rồi; không những vứt bỏ, mà còn muốn cật lực tiêu diệt nó. Đây là sự bất thường. Trong Tả Truyện có một câu nói: “Nhân khí thường tắc yêu hưng” (con người vất bỏ luân thường thì tà ác hưng thịnh). Khí thường là vứt bỏ luân thường. Vứt bỏ luân thường thì xã hội này chắc chắn là yêu ma quỷ quái. Nhà Phật nói mười pháp giới, ở trong mười pháp giới lại có mười pháp giới, mỗi một pháp giới đều có đầy đủ mười pháp giới. Lời nói này rất hay. Đại Sư Thiên Thai phát minh “Bách Giới Thiên Như” ở trong Kinh Pháp Hoa là phát huy từ ý nghĩa này. Nếu người có thể tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền, thì người này là thiên nhân trong cõi người, là Phật Bồ-tát trong cõi người. Nếu như người vứt bỏ nền giáo dục Thánh Hiền thì là ngạ quỷ ở cõi nhân gian, là súc sanh cõi nhân gian, là địa ngục ở cõi nhân gian, là yêu ma quỷ quái ở cõi nhân gian. Mấu chốt đều là ở giáo dục. Cho nên, Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ mọi ngành nghề, dấn thân vào làm công tác giáo dục. Tất cả chư Phật Như Lai cũng đều thị hiện như vậy. Chúng ta mới biết, sự việc này là sự nghiệp lớn đứng hàng đầu của thế xuất thế gian.
Việc mà Phật làm là sự nghiệp lớn hàng đầu của thế xuất thế gian, người khác không thể làm, người khác không làm được, người khác làm không tốt thì Ngài đến làm. Nếu chúng ta có thể thể hội được, chúng ta ngày nay phát tâm học Phật, làm đệ tử của Phật, nối tiếp huệ mạng Phật, ở thời đại này gánh vác gia nghiệp của Như Lai (gia nghiệp của Như Lai chính là dạy học). Làm sao giúp đỡ chúng sanh chân thật giác ngộ, đây là sự nghiệp của nhà Như Lai. Bạn bè có khó khăn, bạn bè có bệnh tật thì giống như mình có khó khăn, mình có bệnh vậy, toàn tâm toàn lực đi chăm sóc họ. Cần có phương tiện thiện xảo, cần có trí huệ. Phương pháp mà ở trong đây dùng thì rất nhiều, ví dụ cũng rất nhiều, Liễu Phàm Tứ Huấn cũng có nói đến. Nếu như bạn bè có tập khí ác quá nghiêm trọng thì dùng phương tiện ác để đối xử họ, hy vọng họ chịu thêm một chút khổ nạn, chịu thêm một chút dày vò, cuối cùng họ được thành tựu. Đây cũng là đạo đối xử với bạn bè. Đợi đến sau khi họ giác ngộ rồi, họ mới cảm kích người bạn này không phải ác ý, là muốn thành tựu cho ta. Tập khí ác có khi thật sự khó sửa đổi, trở thành thói quen rồi. Cho nên, dạy học nhất định là vào lúc tuổi còn thơ, trung niên trở lên thì vô phương dạy rồi, cũng không có cách gì khuyên được. Tại sao vậy? Đã hình thành thói quen rồi. Khuyên rồi, bản thân có muốn sửa hay không? Muốn sửa. Muốn sửa cũng sửa không được. Không có năng lực khắc phục tập khí của mình thì đây là phàm phu. Người nghe qua mà có thể sửa, có dũng khí, có quyết tâm, có nghị lực khắc phục tập khí của mình, người này không phải là người phàm. Chúng ta nhìn thấy trong lịch sử, bất luận là thế pháp hay là Phật pháp, người có thành tựu lớn, phần lớn là loại người này, khắc kỷ phục lễ (khắc chế dục vọng, hành vi chuẩn mực), Thánh Hiền quân tử, ở trong Phật pháp là Phật Bồ-tát.
Thứ ba, “Đôi bên có những điều chỉ nên nói riêng trong nhà, chớ nên nói với người ngoài”. Đây là ở trong nhà có những lời không hay, cái gọi là “đừng vạch áo cho người xem lưng”. Bạn bè có một số ác hạnh, chỉ có thể khuyên nhủ, không nên nói với người ngoài. Chúng ta thử xem mấy điều mà Phật nói đây, hiện nay xã hội này, giữa bạn bè với nhau hầu như đều làm trái lại hoàn toàn.
Thứ tư, “Hãy nên tôn kính, tán thán lẫn nhau, không ngừng lui tới với nhau, chớ nên ghi oán”. Nhất định phải tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, thường xuyên qua lại thăm viếng, nhớ ân, không nhớ oán, nhất là đối với bạn bè mới quen. Trong Phật pháp thường nói: “Chỉ luận hiện hành, không luận dĩ vãng”. Trước đây họ làm việc xấu, ác hạnh, ngày nay họ quay đầu rồi, giác ngộ rồi, ngạn ngữ thường nói: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Lúc tuổi trẻ không biết chuyện, tạo tác rất nhiều ác nghiệp, chỉ cần họ có thể tiếp nhận lời dạy của Thánh Hiền, ưa thích nghe Kinh, có thể tin, có thể hiểu, có thể phụng hành, họ đúng là người tốt. Đại Sư Thiện Đạo nói rất hay: “Gặp duyên khác nhau”. Trước đây chưa gặp được thiện tri thức, chỉ gặp được những ác tri thức, chắc chắn đại đa số con người đều không có tánh cố định, người không có tánh cố định nên mới gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, qua lại với bạn bè nào, họ nhất định học theo người bạn đó. Quay đầu là tốt rồi, có người nào mà không có lỗi lầm? Người không phải là Thánh Hiền, ai mà không có lỗi? Bạn không phải Thánh Hiền tái lai, chắc chắn là có lỗi lầm, quay đầu là tốt. Tổ sư Đại đức luôn luôn làm những thị hiện này.
Tổ sư của Tịnh tông chúng ta, quí vị khâm phục nhất là Ngẫu Ích Đại Sư, Ấn Quang Đại Sư, lúc còn trẻ các Ngài cũng phỉ báng pháp. Đây đều là làm thị hiện cho chúng ta, đều là Phật Bồ-tát tái lai làm thị hiện cho chúng ta. Khi còn trẻ, các Ngài học sách Nho, bài xích Phật pháp. Sau khi tiếp xúc Phật pháp, nghe thấy rồi mới hối hận, sám hối, sửa chữa lỗi lầm, và trở thành Tổ sư một đời của nhà Phật. Thử xem Ngài trước sau 20 tuổi, với cái nhìn của chúng ta hiện nay thấy đó là ma, vì đã phản đối người học Phật. Tại sao lại phản đối vậy? Đây là Ngài thị hiện. Ngày nay trong xã hội bao nhiêu người phản đối Phật pháp. Tại sao phản đối vậy? Chưa từng tiếp xúc qua, không biết Phật pháp là gì hết, chỉ là nghe người khác nói, người ta nói thế nào thì phụ họa theo thế ấy. Người ta nói Phật pháp là mê tín, họ cũng nói theo là mê tín. Người ta nói Phật pháp là tiêu cực, họ cũng cho rằng nó thật sự là tiêu cực, vì họ chưa từng tiếp xúc qua. Chúng ta biết, Kinh điển của nhà Phật tập kết trễ nhất cũng là vào thời Nam Tống. Tuy một số Pháp sư dịch Kinh đã dùng văn tự đơn giản dễ hiểu nhất vào thời đó để dịch, nhưng chúng ta ngày nay đọc những Kinh văn này vẫn còn thấy khó khăn, huống chi Phật ở trong Đại Kinh nói rõ cho chúng ta biết: “Phật pháp nếu không có người giảng, tuy có trí cũng không thể hiểu”. Nếu muốn lý giải Phật pháp, nhất định phải gặp thiện tri thức, có người giảng giải cho bạn, giúp bạn học Phật, giúp bạn đọc Kinh, bạn mới có thể hiểu được. Chúng ta hiện nay học Phật hiểu được rồi thì chúng ta có nghĩa vụ giúp đỡ bạn bè của chúng ta, đem Phật pháp giới thiệu cho họ, dùng phương tiện thiện xảo phá trừ nghi hoặc của họ. Thánh Hiền thế xuất thế gian đều dạy cho chúng ta, chúng ta chỉ nhớ ân đức của người, tuyệt đối không nhớ oán hận. Chúng ta biết, ân đức là sự bộc lộ của tình cảm chân thật, oán hận đều là đủ thứ hiểu lầm, không phải thật, vậy thì việc gì phải đem nó để ở trong lòng?
Thứ năm, “Nghèo giàu khác nhau, hãy nên giúp đỡ, đừng nên phỉ báng lẫn nhau”. Người ở thế gian, bởi do nhân tu trong đời quá khứ khác nhau, cho nên chắc chắn không thể nào bình đẳng. Người có của cải phải biết giúp đỡ bạn bè, thường xuyên chu cấp, trợ giúp cho bạn bè, quyết định không được phỉ báng, không được phép khinh mạn. Đây là dạy cho chúng ta đạo giao thiệp qua lại với bạn bè. Ngược lại với điều này chính là “lừa dối kẻ chẳng hiểu biết, gièm báng bạn học”. Bạn bè, ở trong nhà Nho nói là “đồng học thì gọi là bằng, đồng chí thì gọi là hữu”, cho nên “hữu” phải thân hơn nhiều so với “bằng”. Hữu là đồng chí, chí hướng giống nhau. Đồng là học chung, học chung không nhất định có chí hướng giống nhau. Ở trong ngũ luân, nhất định phải biết là không được lừa dối; phỉ báng lại càng không được. Chúng ta học Phật thì phải áp dụng từ những chỗ này, bắt đầu học từ những chỗ này.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!