Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 62

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

TẬP 62

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Trong Cảm Ứng Thiên nói đến “thị phi” (lẽ đúng sai), “hướng bối” (điều nên theo và điều trái nghịch) chúng ta nhất định phải lưu ý. Mỗi chữ, mỗi câu trong phần văn tự này đối với sự tu học và đời sống của chúng ta đều vô cùng quan trọng. Đề xướng của Ấn Tổ chính là bảo chúng ta phải tôn trọng, học tập thiên văn chương này giống như là đối với kinh Phật vậy.

Kiến lập của Phật pháp mọi người đều biết, trong Quán Kinh đã nói rất rõ ràng, “tam phước” chính là nền tảng của Phật pháp. Những giải thích và dẫn chứng trong Cảm Ứng Thiên, đặc biệt là Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, chúng ta phải chăm chú tỉ mỉ mà đọc, vì đây nói rõ tường tận về tam phước. Trong tam phước đặc biệt nhất là điều đầu tiên. Điều đầu tiên là căn bản của căn bản, là nền tảng của nền tảng, nếu như không có những điều này thì những điều khác đều vô ích.

 Mỗi một người chúng ta đời đời kiếp kiếp đều học Phật. Chúng ta phải hiểu rõ thí dụ trong kinh Vô Lượng Thọ. Các vị cùng theo A Xà Vương tử trong đời quá khứ học Phật đã từng cúng dường 400 ức Phật mà hiện tại vẫn là phàm phu. Chúng ta thấy họ thì có thể nghĩ đến chính mình, tự mình cũng là trong vô lượng kiếp không biết đã cúng dường bao nhiêu ức chư Phật Như Lai rồi, hiện tại vẫn là phàm phu, nguyên nhân do đâu? Không quay đầu, không giác ngộ, những gì tu học, tu được trong nhiều đời nhiều kiếp đều là phước báo nhân thiên, vẫn mặc tình tạo tội như cũ, học Phật mà vẫn còn chướng ngại Phật pháp, phá hoại Phật pháp. Chúng ta có làm như vậy hay không? Đều đang làm mà không hay không biết, vẫn cho rằng mình đang hộ trì Phật pháp. Đây chính là không quay đầu.

Chúng ta đã đọc qua rất nhiều kinh giáo, Phật Bồ-tát nhất định là tùy duyên chứ không phan duyên. Phan duyên thì sẽ mất đi tâm thanh tịnh. Nhất định phải làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng. Cho nên, có người chướng ngại thì Phật Bồ-tát mặc họ chướng ngại, có người phá hoại thì tùy họ phá hoại. Phật độ chúng sanh là thời gian lâu dài, không phải trong thời gian ngắn. Bạn chướng ngại, phá hoại, tạo tội nghiệp thì bạn phải chịu thọ báo, Phật Bồ-tát vì sao không lập tức chỉnh sửa lại? Chẳng qua là thị hiện sự tùy duyên. Chúng ta có thể học được sự tùy duyên của Phật Bồ-tát thì tâm địa của mình sẽ thanh tịnh, thường sanh trí huệ. Cho nên ý nghĩa này rất sâu, rất rộng.

Phật Bồ-tát nếu như vì một người mà dạy bảo họ thì sẽ sinh ra tác dụng phụ với rất nhiều người, vậy thì sai lầm này sẽ rất lớn, cho nên vì toàn bộ đại chúng mà có thể hy sinh một số ít người, để cho số ít đó từ từ thành tựu sau. Tóm lại là để cho họ tự mình giác ngộ, quay đầu, vậy mới tốt. Miễn cưỡng khuyên họ quay đầu thì chưa chắc thật sự quay đầu, ngoài mặt thì không thể không phục, nhưng trong tâm thì không phục. Phật Bồ-tát làm việc là phải khiến người tâm phục khẩu phục, không có chút miễn cưỡng nào. Làm không thành công thì đời sau lại tái lai, đời tiếp theo không thành công thì đời sau nữa, kiếp này không thành công thì vô lượng kiếp sau học tiếp. Phật Bồ-tát không giống chúng ta. Có những lúc tâm từ bi của chúng ta quá mức, quá khẩn thiết, hy vọng lập tức được thành tựu. Thực ra là không thể lập tức thành tựu. Khuyên giải chúng sanh vẫn là chúng sanh có thiện căn, thời tiết, nhân duyên phải chín muồi. Vừa nghe thì họ hiểu, họ giác ngộ, họ sẽ quay đầu. Họ không chịu quay đầu vậy thì tùy họ. Nhất định phải hiểu đại đạo lý này.

Nhất định phải hiểu được “thị phi” (lẽ đúng sai) thật rõ ràng, minh bạch thì chúng ta mới tránh khỏi tạo tác lỗi lầm. Những điều mà chúng tôi đã làm tại Singapore, các vị ở bên cạnh đều nhìn thấy rất rõ ràng, nhưng trong xã hội vẫn có một số người hiểu lầm, cho nên đã đặt điều thị phi rất nhiều. Chúng tôi đề xướng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, người phản đối cũng không ít. Việc này Lý lão sư sớm đã nói với tôi, vì sao lại phản đối? Không buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; chẳng rõ đúng sai nên “hướng bối quai nghi” (hành xử không thích đáng). Cho nên những điều mà những người này làm chúng ta phải nên tha thứ cho họ. Họ phát biểu ở trên báo, trên tạp chí, tôi đều xem thấy, người ta đem đến cho tôi xem. Rất nhiều đồng học nói chúng ta phải đi biện bác. Không cần thiết, không cần phải rước lấy những phiền phức đó. Nếu có nhiều thời gian như vậy thì hãy lão thật niệm Phật, không nên đi kiện tụng tranh luận với người ta, không quan tâm đến thì được rồi. Chúng ta nhất định nắm chắc phần vãng sanh Cực Lạc là được rồi, tùy ý họ hủy báng như thế nào, tôi vẫn là đến Thế Giới Cực Lạc, tôi vẫn là thân cận A Di Đà Phật, còn bạn đi đến nơi đâu? Điều này tôi không biết. Như vậy thì tốt.

Chiều hôm qua, tôi gặp Lý hội trưởng, tôi không nghĩ là tốc độ họ làm việc ở Đường Thành nhanh như vậy, văn kiện của họ ngày hôm qua đã gửi tới. Hội trưởng kể tôi nghe gần đây có hai nhóm người đến tìm ông nói chuyện thị phi. Họ nói việc chúng ta đang làm là sai.Chúng ta giao lưu với các tôn giáo khác, giúp đỡ các tôn giáo khác, không giúp đỡ Phật giáo. Hội trưởng Lý giải thích từng việc cho họ nghe, Singapore có rất nhiều đoàn thể Phật giáo, chúng tôi đều giúp đỡ, đều chăm lo, ở Trung Quốc Đại Lục thì chăm lo còn nhiều hơn, vì sao lại nói là không giúp đỡ Phật giáo? Giúp đỡ Phật giáo chiếm 100 phần trăm, giúp đỡ các tôn giáo khác chỉ mới khoảng 1 phần trăm. In kinh sách, làm tượng Phật, chúng tôi đều làm nhiều hơn người khác. Sau cùng họ nói, các vị không cúng dường người xuất gia. Lý cư sĩ liền nói đạo tràng chúng tôi có khoảng 40-50 người xuất gia. Ở Singapore này chẳng có đạo tràng nào nhiều người xuất gia bằng chỗ chúng tôi, lẽ nào người xuất gia ở chỗ chúng tôi không phải là người xuất gia hay sao? Nói đến đây thì họ không còn lời gì để nói, thừa nhận là “chúng tôi đã sai rồi, xin lỗi, chúng tôi đã sai rồi”, rồi ra về. Cư sĩ Lý nói rất hay, chúng ta làm hết thảy việc tốt không cần tuyên truyền, lẽ nào mỗi khi làm một việc gì chúng ta đều phải đăng lên báo cho họ xem hay sao? Không cần thiết, chúng ta hiểu được “đúng sai”, “cách hành xử thích đáng”, chúng ta ngày ngày đọc kinh, ngày ngày giảng kinh, ngày ngày nghiên cứu thảo luận, còn họ thì đang khởi vọng tưởng, thực sựlà đang làm một cách quá đáng rồi. Đây là nói người khác, chúng ta lại suy nghĩ chính mình, chúng ta có hài lòng với những việc chúng ta đã làm không? Thực ramà nói là không hài lòng, chúng ta làm được quá ít, chúng ta làm chưa đủ. Chúng ta muốn chăm chỉ nỗ lực làm nhiều hơn nữa, nhưng nội bộ chúng ta có chướng ngại. Chướng ngại trong nội bộ là gì? Không đủ người, trình độ của chúng ta vẫn chưa đủ. Dù sao cũng phải nâng cao trình độ của chính chúng ta, hy vọng Phật Bồ-tát bảo hộ, có thể có thiện hữu chân thật nhiều một chút để công việc của chúng ta làm được viên mãn hơn, làm được tốt hơn. Nhất định đừng cho rằng hiện tại những gì đã và đang làm là rất tốt rồi, hài lòng rồi, việc này không thể được. Chúng ta phải cảm thấy vĩnh viễn đều làm chưa đủ.

Cho nên vào 20 năm trước, có rất nhiều người khuyên tôi nên viết sách, nên sáng tác, tôi không dám, mãi cho đến nay vẫn là không dám. Vì sao vậy? Sự lý giải của tôi đối với kinh giáo chưa đủ thấu triệt nên không dám bắt tay làm. Lão sư của tôi, tiên sinh Phương Đông Mỹ, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đều có thái độ về học vấn như vậy. Các Thầy đã 70-80 tuổi rồi, có thể xuất bản những gì đã viết nhưng vẫn không dám, nhìn rồi lại lắc đầu, không vừa ý. Lão sư Phương là nhà đại triết học nổi tiếng của thế giới, khi ngài còn sống thì trước tác của ngài chỉ có hai ba quyển. Sau khi qua đời, các học trò mới chỉnh lý bản thảo bài giảng của thầy, in những tài liệu đó thành sách, thành một bộ toàn tập, cũng chỉ có mười mấy loại. Lý lão sư cũng như vậy, sau lần sinh nhật thứ 80, các học trò thỉnh cầu, ngài mới đưa ra một ít, phân lượng cũng rất ít. Ngài không phải không thể viết mà là luôn cảm thấy chính mình chưa hài lòng, không muốn cầm bút lên. Cho nên, cũng là sau khi lão sư Lý vãng sanh, các học trò chỉnh lý những tác phẩm được lưu lại này rồi đem xuất bản, cũng có được mấy mươi loại. Đây đều là làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Tuổi tác còn chưa nhiều, tư tưởng đạo nghiệp chưa thành thục, bạn giảng ở trên giảng đài thì được, nhưng hiện nay thì ngay cả giảng đài cũng không được, vì sao vậy? Bạn giảng ở trên, người nghe ở dưới có máy ghi âm, máy ghi hình đều ghi lại. Ngày trước thì chưa có như vậy, có giảng cũng không sao. Cho nên Lý lão sư cả đời giảng kinh tuyệt đối cấm ghi âm. Vào lúc đó thiết bị ghi hình chưa có nhưng có thiết bị ghi âm. Lão sư vừa thấy có người ghi âm thì không giảng nữa, cho nên lão sư không có tài liệu ghi âm nào được lưu lại. Nếu như ghi âm lại mà có vấn đề, có sai lầm thì sẽ bị người ta nắm lấy điểm yếu, sẽ không dám nói nữa. Cho nên làm học vấn cẩn thận đến như vậy, khiêm hư đến như vậy, chúng ta phải học tập.

Chúng ta chỉ có một phương hướng là hướng Phật, chúng ta đi là con đường thành Phật, không được đi sai. Thập Pháp giới là mười con đường, chúng ta đi con đường nào đây? Phải đi chân thật, tâm hạnh của chúng ta đều phải tương ưng với con đường này, niệm niệm đều vì lợi ích chúng sanh, niệm niệm đều vì mở rộng hiệu quả của việc hoằng pháp lợi sanh. Chúng ta có thể thường có tư tưởng này, đây chính là tâm độ thế của Bồ-tát. Có tâm thì đương nhiên sẽ có hành, sẽ biết phải nên làm như thế nào. Tôi có cái tâm này, có cái nguyện này, đồng học các vị thì không đủ, không thể nói là không có tâm mà là không đủ, tức là từng phút từng giây trong cuộc sống thường ngày đều không nghĩ đến cần phải lợi ích chúng sanh. Nếu không phải là việc lợi ích chúng sanh thì chúng tôi không có thời gian để làm, cũng không có nhiều sức như vậy để làm. Các vị hãy tỉ mỉ mà quan sát, cư sĩ Lý Mộc Nguyên là một tấm gương học Phật rất tốt, toàn tâm toàn ý hộ trì Phật pháp, hoằng dương Phật pháp. Ông dẫn đầu, chúng tôi thì hỗ trợ. Có trí huệ không có phước báo thì không thể hoằng pháp lợi sanh, có phước báo mà không có trí huệ thì cũng không thể lợi ích chúng sanh. Ông có đại phước báo, có trí huệ nên có thể dung nạp được đại chúng. Những người như chúng ta nên biết, phải làm trợ thủ tốt của ông thì chánh pháp mới có thể thường trụ ở khu vực này. Thường trụ là một nguyện vọng, thật sự có thể thường trụ hay không thì phải xem chúng sanh ở khu vực này có phước báo hay không?

Chúng ta đã thấy trong lịch sử, trong số tổ sư đại đức ngày xưa, có không ít chư Phật Bồ-tát tái lai, đã khai sơn xây dựng đạo tràng, Phật pháp hưng vượng một thời, nhưng đến ngày nay đạo tràng suy yếu rồi, người cũng phân tán, rất nhiều phòng ốc cũng đổ nát. Cho nên việc cửu trụ ở thế gian là một nguyện vọng, là nguyện vọng vĩnh viễn không thoái mất, nhưng thực tế phải xem thời tiết nhân duyên, không miễn cưỡng chút nào thì tâm chúng ta mới được an tĩnh, tâm mới được an ổn. Một chút miễn cưỡng cũng không được. Tất cả việc thiện lành đều cần có rất nhiều điều kiện nhân tố thúc đẩy để đi đến thành công, nhưng tâm của chúng ta, nguyện của chúng ta vĩnh viễn không bị mất đi. Chúng ta quan sát cơ duyên, có cơ duyên thì nhất định lập tức nắm lấy. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, hiện nay mọi người đều biết, người ngoại quốc nói ngày tận thế, tai nạn mà chúng ta quan sát được thì có thể nói mỗi ngày một nhiều hơn, mỗi lần đều nghiêm trọng hơn, việc cứu giúp tất cả chúng sanh khổ nạn đã bức bách lắm rồi, không thể chậm trễ nữa. Nhất định không thể do dự, phải nhanh chóng mà làm, càng nhanh càng tốt, thời gian chỉ cần chậm một bước thì cơ hội vuột mất, sẽ không kịp nữa. Việc này mới gọi là hành Bồ-tát đạo, chân thật phát Bồ-đề tâm hành Bồ-tát đạo. Hiện tại trong xã hội người làm việc trong các ngành nghề thường hay nói “tranh thủ từng phút từng giây”. Chúng ta hôm nay phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo, giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn thì cũng phải tranh thủ từng phút từng giây, gặp được thời cơ thì lập tức phải nắm bắt, cơ hội chưa hiện tiền thì nỗ lực trau dồi bản thân, nâng cao cảnh giới của mình, có cơ hội thì nhất định phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đem Phật pháp giới thiệu cho đại chúng, tiến cử với đại chúng. Ngoài việc này ra quyết không phải là việc của người xuất gia chúng ta.

Lần trước Hội Đồng Trị Sự Tôn Giáo của Singapore đã tổ chức hoạt động quan hệ hữu nghị của các tôn giáo, diễn ra trong mười ngày. Đây là một nhân duyên hiếm hoi, các tôn giáo có thể tụ hội lại một nơi và làm triển lãm văn vật, để cho chúng ta đồng thời nhìn thấy được nội dung, phương pháp và lý luận tu học của chín tôn giáo. Vì để thu hút khách đến dự nên mỗi ngày họ đều có biểu diễn các tiết mục, chiêu đãi ăn uống. Đó chỉ là phần phụ, là thứ yếu, chủ yếu là triển lãm văn vật. Tôi có cử đồng học của chúng ta đến đó ghi hình, nhằm đem những đĩa ghi hình này lưu thông trên toàn thế giới. Sau khi quay xong thì đem về làm thành đĩa. Tôi vừa xem thì biết là sai rồi, ghi hình đều là quay lại các tiết mục biểu diễn ca múa, đã đảo lộn việc chính và việc phụ rồi, chính là chỗ này đã nói “thị phi bất đáng, hướng bối quai nghi” (chẳng phân biệt đúng sai, hành xử không thích đáng). Những loại ca múa biểu diễn này thì các tiết mục trên truyền hình làm còn hay hơn chúng ta rất nhiều, chúng ta không thể chiếu được, người ta sẽ không xem. Mọi người đều không nghĩ đến nội dung chính của chúng ta là để người ta thấy được sự đoàn kết các tôn giáo, sự hòa thuận giữa các tôn giáo ở Singapore. Nội dung chính chính là điều này. Chúng ta bỏ nội dung chính, đi làm ca múa, có thể thấy tâm của các vị vẫn là niệm niệm không quên được sự hưởng thụ ngũ dục lục trần của thế gian, vẫn chưa quên các loại vui chơi tiêu khiển. Đó là tâm luân hồi, vẫn là tạo nghiệp luân hồi. Sau khi tôi xem xong thì rất buồn, ngày ngày đều dạy học, ngày ngày đều khuyên bảo mà ý niệm [của bạn] vẫn chưa chuyển trở lại được, vừa gặp phải thì mê mất, bị mê hoặc mất rồi. Do vậy chúng tôi chỉ có thể than rằng chúng sanh phước mỏng nên phải chịu khổ chịu nạn. Chúng ta tuy học Phật nhưng không hiểu ý của Phật, tuy là phát tâm nhưng không có tâm từ bi chân thật. Đây chỉ là một thí dụ, những việc giống như vậy thì rất nhiều. Đến lúc nào thì chúng ta có thể buông bỏ danh văn lợi dưỡng, xả bỏ sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, chân thật vì chúng sanh khổ nạn mà suy nghĩ, thì cách nhìn cách nghĩ và cách làm của bạn tự nhiên sẽ khác, tự nhiên sẽ như pháp. Cho nên chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh, những việc nào chúng ta nên làm, những việc nào chúng ta không nên làm, những việc nào mà hiện tại chúng ta cần phải mau chóng làm, những việc nào chúng ta có thể để chậm vài ngày rồi làm. Bạn có thể hiểu rõ đúng sai, có thể biết cái nào trước cái nào sau thì đã gần với đạo rồi.

**********

Các vị đồng học, xin chào mọi người, chúng ta tiếp tục xem Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, đoạn thứ bốn mươi sáu: “Ngược hạ thủ công, siểm thượng hi chỉ” (Ngược đãi kẻ dưới để lập công, nịnh bợ kẻ trên để đón ý [cầu lợi]).

Hai câu này cũng là lỗi lầm nghiêm trọng. Chúng ta tỉ mỉ quan sát, rất nhiều người xưa nay trong ngoài nước đều có tập khí này. Từ đó biết được, đây là phiền não tích lũy từ vô thủy kiếp đến nay. Phật ở trong các kinh giáo thường nói với chúng ta, chân tướng sự thật là “giọt nước hạt cơm đều đã được định sẵn”. Nếu chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật thì tâm sẽ định lại. Đọc Liễu Phàm Tứ Huấn khiến chúng ta sâu sắc thể hội được, tiên sinh Liễu Phàm khi 26 tuổi, tâm của ông là thanh tịnh, không sanh một vọng tưởng nào. Đây là đạo lý gì? Truy về nguyên do, ông không phải là người có công phu tu học, ông chỉ là hiểu rõ chân tướng sự thật của nghiệp nhân quả báo mà thôi, do vậy ông có thể làm được. Khổng tiên sinh đoán mạng cho ông, hoàn cảnh mỗi một năm của ông, cát hung họa phước không sai chút nào. Ông tin tưởng nên tâm của ông định lại. Nếu như ông không gặp được thiền sư Vân Cốc thì ông là một phàm phu tiêu chuẩn, hoàn toàn bị vận mệnh làm chủ. Phàm phu tiêu chuẩn cũng có chỗ hay, đó là tất cả nghiệp thiện ác đều không tạo nữa. Điều này cũng không phải là dễ. Sau khi gặp được Phật pháp thì mới hiểu được đạo lý nguyên nhân của sự việc.

Con người có vận mệnh, vận mệnh là tự mình tạo, một gia đình có vận mệnh của một gia đình, một quốc gia có vận mệnh của một quốc gia, cả thế giới cũng có vận mệnh của nó. Vận mệnh này là ai đã đặt định vậy? Ai đang làm chủ tể? Phật nói với chúng ta, là tự mình quyết định, là tự mình làm chủ tể, quyền chủ tể không nằm ở trong tay của người khác mà là ở chính mình. Vận mệnh tốt là do thiện tâm thiện ý của chúng ta tạo ra, vận mệnh xấu là do ác ý ác hạnh của chúng ta chiêu cảm đến. Đây là chân lý. Hiểu rõ đạo lý này, biết được đạo lý này rồi thì con người làm sao dám làm ác? Không những không tạo ác mà ngay cả một ác niệm cũng đều không sanh khởi, vì sao vậy? Vì họ biết được một ác niệm sẽ chiêu cảm đến một lần ác báo, một thiện niệm thì sẽ mang đến vận tốt cho chúng ta. Phật nói rõ cho chúng ta đạo lý nguyên nhân của sự việc thì chúng ta mới chịu chuyển ác thành thiện, đoạn ác tu thiện, công đức tự nhiên được thành tựu, một chút miễn cưỡng cũng không có.

Phần chú giải trong Vựng Biên rất hay, phần dẫn dụng thí dụ cũng hay, đều là nói sự thật về nghiệp nhân quả báo trong quá khứ. Về lý, chúng ta đọc rồi sẽ tin. Đối với những việc được nêu ra này, không ít người trẻ hiện nay nói đây là chuyện ngụ ngôn, chưa chắc là thật, rất khó tin. Nguyên nhân là gì? Chính mình không thật thà lại cứ nghĩ người khác cũng không thật thà, nghĩ là: “người hiện tại đều gạt người, vậy thì người xưa lẽ nào không gạt người chứ?”, cho nên đối với giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền thậm chí là của Phật Bồ-tát đều không thể hoàn toàn tin tưởng. Cho nên, Ngẫu Ích đại sư đã nói với chúng ta về lòng tin, bạn hãy tỉ mỉ mà suy nghĩ, rất có đạo lý.

Trong sách Yếu Giải nói về lòng tin thì thứ nhất là phải tin chính mình, duy chỉ có tin vào chính mình thì mới tin người khác, người không tin vào chính mình thì làm sao tin người khác? Chính mình mỗi ngày gạt người nên cũng cho là người khác cũng ngày ngày gạt mình. Duy chỉ có người tự mình có thể tin tưởng chính mình thì người đó mới tin tưởng người khác. Tôi cả đời không gạt người, người khác cũng không đến nỗi gạt người. Ngài nói về lòng tin này, đem “tin chính mình” đặt ở phía trước là có đại đạo lý của nó, chỉ có “tin mình” thì sau đó mới “tin người”, đó là lòng tin chân thật. Không tin chính mình mà tin người khác thì lòng tin đó không đáng tin. Chúng ta quan sát rất nhiều rất nhiều tín đồ tôn giáo khác, bao gồm cả tín đồ Phật giáo của chúng ta, các vị xem họ có tin Thần hay không? Có tin Thượng Đế hay không? Có tin Phật Bồ-tát hay không? Đều là bán tín bán nghi. Lòng tin đó như cổ đức đã nói là “lúc có lúc không”, cho nên việc học tập của họ không thể có thành tựu.

Phật ở trong Đại Trí Độ Luận, kinh Hoa Nghiêm và các kinh luận khác đã nói rất nhiều: “lòng tin là nguồn đạo, mẹ của các công đức, trưởng dưỡng hết thảy thiện căn”. Xây dựng lòng tin là khó nhất. Chúng ta học Phật cũng nhiều năm rồi, biết được việc xây dựng lòng tin cần có điều kiện. Loại điều kiện thứ nhất là người thiện căn lợi trí, thông minh tuyệt đỉnh, một nghe ngàn ngộ, họ không hoài nghi, họ có lòng tự tin, họ có thể tin giáo huấn của Phật Bồ-tát. Loại điều kiện thứ hai là người hạ ngu, Phật Bồ-tát dạy bảo họ, tuy họ đối với chân tướng sự thật trong kinh luận chưa hiểu rõ ràng nhưng họ cũng có thể hoàn toàn tin tưởng, không mảy may nghi ngờ, cho nên họ cũng có thể thành tựu. Cả hai loại người này là dễ độ nhất. Người ở giữa hai đoạn đó nhiều, không phải là hàng thượng căn cũng không phải là kẻ hạ ngu, chúng ta thường nói là “người căn tánh trung hạ”, vọng tưởng tạp niệm, phiền não tập khí quá nhiều, rất khó tin tưởng. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, vì hết thảy chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, buốt lòng rát họng khuyên nhủ dạy bảo cũng là vì nhóm người này, là những người khó độ nhất. Những người này đều tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, đều tự cho mình là đúng, tự cho mình là thông minh, không chịu tin nhận giáo huấn của Thánh Hiền, những gì nghĩ và làm đều hoàn toàn ngược lại với chân lý.

Ngược hạ” là ngược đãi cấp dưới, chiếm đoạt công lao, nịnh nọt bợ đỡ cấp trên, hy vọng họ có thể đề bạt mình. Loại tâm lý này dường như ở bất kỳ nơi nào cũng đều có thể thấy. Họ không hiểu “miếng ăn giọt nước đều được định sẵn”, họ không hiểu đạo lý này, cho rằng nịnh nọt cấp trên thì có thể thăng quan phát tài, cướp đoạt công lao của người khác thì có thể thành tựu cho chính mình. Sai rồi! Tuy đây là sai lầm, nhưng dường như xưa nay trong ngoài nước, người có loại hành vi này lại cho là họ có được lợi ích, dường như thật sự là họ có được lợi ích, nên mới có nhiều người làm như vậy. Đây là đạo lý gì? Những công danh phú quý mà họ đạt được là do trong số mạng của họ vốn dĩ có được. Nếu như trong số mạng không có thì dùng bất kỳ thủ đoạn nào cũng đều không đạt được, cho nên những thứ mà họ có được một cách phi pháp thì cũng là do trong số mạng có. Làm kẻ cướp có thể cướp được tài vật, làm kẻ trộm có thể trộm được một ít đồ, cũng đều là trong số mạng có. Nếu số mạng không có, bạn không tin thì hãy làm thử xem, bạn đi cướp của người xem bạn có thể cướp được hay không? Bạn đi làm tên trộm xem, vẫn chưa trộm được thì đã bị cảnh sát bắt rồi, vì trong mạng không có. Cho nên, người xưa nói rất hay, người quân tử hiểu đạo lý này nên “quân tử vui vẻ làm quân tử”, kẻ tiểu nhân không hiểu được đạo lý này nên “tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”. Cứ theo quy củ khuôn phép mà làm, đáng phát tài đến lúc tự nhiên sẽ phát tài, đáng thăng quan đến lúc tự nhiên sẽ được thăng quan, không cần phải dùng đến những thủ đoạn phi pháp. Chúng ta phải tỉ mỉ tư duy về đạo lý của vũ trụ nhân sanh này.

Tôi đọc qua vài câu của chú giải. “Chúc ngộ dạ”, “chúc” là đèn, đèn ở trong đêm thì có công phá bỏ bóng tối, thuyền gặp nước thì có công chở vật nặng. Đây là ví dụ, rõ ràng rành mạch, tự nhiên thành tựu công đức, đây gọi là “nước chảy mãi thì thành sông”, hà tất phải có ý đi phan duyên. Không cần thiết. Nếu có ý đi tạo tác, phía sau có thí dụ: Tướng quân dung túng thuộc hạ của mình, dung túng binh sĩ của mình đi cướp đoạt, đặc biệt là ở chiến trường, khi đi đánh trận thì tạo nghiệp; quan văn dùng quyền thế của mình tăng thêm tô thuế cho lão bá tánh, tăng nặng lao dịch cho lão bá tánh, đây đều là lỗi lầm; hình quan, đây là pháp quan, nhận hối lộ, tăng nặng hình phạt cho người khác, đây đều là tạo nghiệp. Tuy rằng trước mắt được một chút lợi nhỏ, lúc nãy đã nói qua, lợi ích thăng quan phát tài đó đều là trong số mạng đã đặt định sẵn, nếu họ không tạo tội nghiệp này thì chức vị của họ còn cao hơn, phước lộc của họ còn lớn hơn, nhưng vì đã tạo ra tội nghiệp này nên bị tổn giảm. Có mấy ai hiểu được đạo lý này?

Ở đây nêu lên một thí dụ, Tào Bân đời nhà Tống. Đây là một đại tướng quân trong lịch sử, xuống Giang Nam không hề giết oan một người. Việc này thật không dễ. Trong lịch sử Trung Quốc, thường các tướng võ chết an lành không nhiều. Tào Bân không những chết một cách yên lành mà con cháu đời đời đều tốt đẹp, vì ông biết tích công lũy đức, yêu quý sinh mạng, không một mảy may vọng cầu, dù ông quyền cao chức trọng như thế. Đây là việc mà hậu thế nên noi gương học tập. Hãy làm người một cách khuôn phép quy củ, làm tốt bổn phận của mình, như lý như pháp, đây là tích công lũy đức, đây mới là thiện nhân thiện quả.

Ở đây cũng nêu ra rất nhiều câu chuyện, mọi người có thể tham khảo. Đoạn phía sau nói về việc nịnh nọt bợ đỡ cũng rất hay. Đặc biệt là các đế vương ngày xưa, khi họ xử lý quốc gia đại sự, vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nếu như gặp phải người a dua xu nịnh thì việc tốt trở thành việc xấu, việc xấu lại tăng nặng thành lỗi lầm, vậy thì lỗi lầm lớn rồi. Vì sao phạm phải lỗi lầm này? Truy cứu đến ngọn nguồn nguyên nhân thì chính là tự tư tự lợi. Chúng ta xem, trung thần hiếu tử vì sao có thể lưu lại tiếng thơm trăm đời trong lịch sử? Chỉ là có tâm chánh trực, vì quốc gia, vì nhân dân, vì xã hội, không nghĩ vì chính mình. Thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh nên thiện nghiệp mà họ đã tạo ra dù ngay lúc đó quả báo vẫn chưa hình thành, nhưng nghìn năm về sau vĩnh viễn được người đời tôn kính tưởng nhớ. Đó cũng là phước báo. Thế nên các vị suy nghĩ xem, Nhạc Phi đời Tống đích thực không nghĩ cho gia đình, không lo cho lợi ích của riêng mình. Ông bị Tần Cối hãm hại nhưng sau khi chết nghìn vạn năm sau khi nhắc đến Nhạc Phi có ai không tôn kính, có ai không tán thán! Đây là quả báo của ông. Quả báo có khi ở trong đời này, có khi đến đời sau. Quả báo đời sau sẽ càng lớn hơn so với đời này. Trong hàng quan văn các vị đều biết Gia Cát Lượng, ông cúc cung tận tụy đến chết mới thôi. Người này có nghĩa khí, Lưu Bị hậu đãi ông, xem ông như tri kỷ. Ông tri ân báo ân, tận tâm tận lực phò trợ hậu chủ. Tấm gương của Nhạc Phi trong hàng tướng quân thì nhà Phật chúng ta gọi là “Bồ-tát”. Bồ-tát chính là tấm gương tốt cho người thế gian, là mô phạm tốt. Gia Cát Lượng là Bồ-tát trong hàng quan văn, chúng ta phải nên học tập. Đây là nói ở hàng bậc cao, cứ như vậy mà suy ra, nói đến bình dân như chúng ta, ngày nay chúng ta bất luận đứng trên cương vị công việc nào thì nên noi theo cổ Thánh tiên Hiền phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát đạo như thế nào? Chúng ta phải học tập thể hội nhiều, cảm ngộ, phản tỉnh, sửa lỗi đổi mới.

Ở đây chỉ có một nguyên tắc lớn, đó là niệm niệm vì chúng sanh, nhất định không vì chính mình. Vì chính mình thì nhất định sẽ không tránh khỏi lỗi lầm, vì chúng sanh thì mới thành tựu được công lao sự nghiệp, thành tựu được thiện hạnh, dùng lời của người trong nhà Phật là thành tựu Bồ-tát hạnh, thành tựu Bồ-tát đạo. Thành tựu người khác thì mới chân thật là thành tựu chính mình. Chỉ lo cho chính mình mà không lo cho người khác thì nhất định sẽ tổn hại chính mình. Người học Phật lâu năm đều hiểu đạo lý này. Đời người không phải chỉ có một đời này, cuộc đời này quá ngắn ngủi, mấy mươi năm thật sự là trôi qua trong chớp mắt. Trong mắt chúng ta một trăm năm quá ngắn ngủi, huống hồ rất nhiều người thọ mạng không thể được một trăm tuổi. Trong cuộc đời ngắn ngủi như vậy hà cớ gì phải tạo tội nghiệp để rồi mang lại tai họa vô cùng cho mình về sau. Đây thật sự là ngu si đến cùng cực.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi, A Di Đà Phật!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *