THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 128 Tập
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 128 TẬP
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
Tập 114
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Tịnh Tông Học Hội Quán-Thế-Âm ở Đài Bắc đã nỗ lực tổ chức một lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Cư sĩ Triệu Tông đã mời tôi có đôi lời nói với mọi người. Đến nay, có thể nói là gần một thế kỷ rồi, Đại đức trong Phật môn, bất luận là xuất gia hay tại gia, đều kêu gọi nhanh chóng bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Từ đây có thể thấy, việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp là nhận thức chung của đại chúng. Người xưa nói rất hay, “Người có thể hoằng đạo, đạo không thể hoằng người”, sự hưng suy của Phật pháp mấu chốt là ở nhân tài. Chúng ta từ trên lịch sử mà nhìn, thời đại Tùy Đường, cao Tăng đại Đức xuất hiện lớp lớp. Cho nên Phật pháp đã có tình trạng vô cùng hưng vượng. Lại xem thế kỷ này của chúng ta, trong 100 năm qua, Phật pháp đã suy vi. Đến ngày nay thì đã suy vi đến mức cùng cực rồi. Nguyên nhân của việc suy vi là ở đâu? Nhân tài hoằng pháp không có. Xin nói với các vị là: nhân tài hoằng pháp mà không có thì người tu hành chứng quả cũng không có. Đây là nhân tố nhất định. Vì sao lại nói người tu hành chứng quả không có vậy? Vì con người không rõ Phật pháp, không hiểu đạo lý, thậm chí là ý nghĩa của danh từ thuật ngữ cũng không thể hiểu. Thử hỏi họ tu như thế nào đây? Họ chứng như thế nào đây? Đại sư Thanh Lương giảng giải Kinh Hoa Nghiêm”cho chúng ta đã đem toàn kinh phân ra thành bốn phần là: tín, giải, hành, chứng. Tín giải còn không thể thì làm sao có thể hành chứng chứ? Cho nên thế gian nhất định cần phải có người thầy tốt thì chúng sanh mới có khả năng hành chứng.
Tôi từ lúc học Phật cho đến nay cũng đã gần 50 năm rồi, không lúc nào không khuyên bảo mọi người trong tứ chúng đồng tu phải phát đại Bồ-đề tâm, phải học giảng kinh, phải học tu trì. Tuy đã tận tình khuyên bảo, thế nhưng người có thể chân thật tiếp nhận không nhiều. Lão sư Lý dạy học 38 năm ở Đài Trung cũng là ngày ngày kêu gọi, ngày ngày khuyên bảo. Người nghe thì nhiều, người nghe xong mà gật đầu cũng nhiều, nhưng trở về thật làm thì rất ít. Nguyên nhân là gì? Khi chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu thì hiểu ra được một chút. Thứ nhất là, thời gian huân tu đối với Phật pháp còn quá ít. Mỗi một tuần giảng kinh một lần. Một tuần giảng kinh 1-2 lần. Lúc trước ở Đài Trung, một lần giảng kinh chỉ có khoảng 45 phút. Một lần giảng một tiếng rưỡi là vì phải phiên dịch ra tiếng Đài Loan, Lý lão sư ở Đài Trung mỗi lần giảng kinh đều có phiên dịch. Các đồng học giảng kinh cũng có phiên dịch. Cho nên trên thực tế một giờ rưỡi mà đem chia ra làm hai thì chỉ còn 45 phút mà thôi. Một tuần lễ mà chỉ huân tập một thời gian ngắn như vậy, còn sự huân tập của phiền não tập khí thì lại quá nhiều, chống đỡ không nổi. Cho nên chúng ta hãy xem ghi chép trong các sách xưa. Người xuất gia tại gia ngày trước tu hành 3 năm, 5 năm là có người khai ngộ, có người chứng quả. Vì sao hiện tại lại không có? Tỉ mỉ mà quan sát, ngày xưa mỗi ngày họ nghe kinh 8 giờ đồng hồ. Mỗi ngày tu trì 8 giờ đồng hồ. Sự huân tập tập trung đến như vậy thì chẳng trách là 3 năm 5 năm họ liền có thành tựu. Chúng ta ngày nay cứ xem như là Lý Bỉnh Nam lão cư sĩ đang dạy học ở Đài Trung thì cũng thật sự là “một ngày ấm áp, mười ngày lạnh giá”. Một tuần lễ mà lão sư và các đồng học giảng kinh cộng lại cũng chỉ được một giờ rưỡi đồng hồ. Sức mạnh này làm sao có thể thắng nổi phiền não tập khí? Làm sao có thể thắng nổi sự dụ hoặc của xã hội? Cho nên không thể thành tựu.
Chân thật muốn có một chút thành tựu thì chỉ có tự mình dụng công. Tự mình dụng công thì việc này nhất định có liên quan đến thiện căn phước đức trong đời quá khứ với nhân duyên của hiện tiền. Thiện căn phước đức trong quá khứ là gì? Ưa thích kinh giáo. Nếu bạn có tâm yêu thích hoan hỉ, việc này có thể thành công hay không? Tôi ở dưới hội của Lý lão sư ở Đài Trung 10 năm, có thể có được một chút thành tựu chính là vì tôi yêu thích kinh giáo. Tôi mỗi một tuần để nghe Lý lão sư giảng kinh 45 phút thì tôi phải dùng bao nhiêu thời gian để chuẩn bị vậy? Đại khái là phải dùng 20 đến 40 giờ đồng hồ. Tôi phải dùng thời gian nhiều như vậy để chuẩn bị, chuẩn bị để nghe giảng kinh. Ngài giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi vào lúc đó cũng rất chăm chỉ học tập. Tôi đã tìm ra được hơn 30 loại cổ chú của Kinh Lăng Nghiêm. Nếu tuần này, Lý lão sư giảng đoạn kinh nào thì tôi xem qua một lượt tất cả những ghi chú của người xưa đối với đoạn kinh đó, sau đó tôi lại nghe lão sư giảng, sau khi giảng xong tôi lại suy nghĩ xem ngài giảng có chỗ nào nói được hay. Tôi đã học tập như vậy. Cho nên thời gian của tôi không uổng phí. Nếu không có tâm nhiệt thành, yêu thích kinh giáo thì bạn sẽ giải đãi phóng dật, bạn sẽ không chịu chăm chỉ làm. Với tình trạng như vậy thì bạn làm sao có thể có thành tựu chứ? Tuổi trẻ thường ham chơi, cả đời của tôi chưa bao giờ tham dự những việc vui chơi giải trí. Trước khi tôi học Phật thì tôi thích đọc sách. Cho nên vào lúc đó, ngoài những lúc tôi đến văn phòng làm việc ra thì những nơi nào tôi thường đi đến vậy? Là nhà sách, thư viện. Những nơi khác thì không thể nào tìm thấy tôi. Cho nên tôi rất thân thuộc với nhà sách và thư viện. Ông chủ nhà sách rất quen mặt tôi, vì thường đến mà, rất là tin tưởng tôi. Khi tôi mua sách mà quên mang tiền thì mua thiếu vẫn được, ông tin tưởng tôi, Kkhi tôi có tiền thì nhanh chóng đem trả ông. Ưa thích đọc sách, việc này trong Phật pháp gọi là thiện căn. Nhờ tập khí đọc sách trong quá khứ, nên dưới hội của lão sư tôi mới có được một chút thành tựu, không lãng phí thời gian. Đoạn kinh văn mà mỗi tuần lão sư giảng tôi đều tiêu hóa được hết, đều có được thọ dụng. Cho nên việc phúc giảng của tôi, cách chúng tôi học giảng kinh là phúc giảng, dường như lão sư giảng 45 phút thì tôi cũng có thể kéo dài hơn được một chút. Tôi có thể giảng được đoạn kinh đó một giờ đồng hồ. Chúng tôi đã học tập như vậy, nên mới có thể thành công. Phải phấn đấu, phải nỗ lực, phải vì toàn bộ Phật Pháp mà nghĩ, vì hết thảy chúng sanh mà nghĩ.
Thật sự tôi học Phật được đắc lực nhất là nhờ Chương Gia Đại sư. Chương Gia Đại sư đã giúp tôi nhổ trừ phiền não căn bản. Ngài dạy tôi nhìn thấu, buông xuống. Buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì lòng dạ sẽ rộng lớn, nhìn sự việc sẽ tương đối khách quan, sẽ có thể nhìn được rõ ràng, thể hội được càng sâu sắc hơn. Việc này rất quan trọng. Năm xưa, Pháp sư Thiên Nhất ở Cao Hùng đã hỏi tôi phương pháp giảng kinh. Tôi đã viết một đoạn văn ngắn gọi là “Phật Pháp Tu Học Yếu Lĩnh”. Trong đó tôi đã đề xuất ra bốn điểm. Thứ nhất là mục đích của tu học. Thứ hai là thái độ của tu học. Thứ ba là phương pháp của tu học. Thứ tư là quả dụng của tu học, nghĩa là chúng ta học xong thì có tác dụng gì. Đoạn văn ngắn này đang được áp dụng tại đạo tràng của bà, tại chùa Hưng Long Tịnh đã giảng ba lần. Chỉ một đoạn văn này mà đã giảng đến ba lần. Về sau mang đến Đài Trung trình cho lão sư Lý xem, Lý lão sư đồng ý, không thay đổi một chữ nào. Vào lúc đó là in ra bằng giấy nến, đem phân phát cho các đồng học để làm tham khảo, mọi người đều đang chú trọng phương pháp giảng kinh. Phương pháp giảng kinh không khó. Tôi xin nói thật với các vị là phương pháp để giảng kinh này khi tôi ở Đài Trung học tập với lão sư Lý chỉ một tuần là tôi đã học xong. Làm gì có khó khăn chứ! Chỉ một tuần là đã học xong, nhưng bạn phải vận dụng ở trên giảng đài, tâm nghĩ miệng nói, mọi việc đều suôn sẻ thì cũng không dễ dàng chút nào. Việc này cũng giống như là học binh pháp vậy, có thể học xong Binh Pháp Tôn Tử trong một tuần, nhưng khi ra chiến trường thì có biết đánh giặc hay không thì lại là một vấn đề khác. Chưa chắc là bạn sẽ biết đánh trận. Làm thế nào để đem những thực tiễn đã học được vận dụng ở trên giảng đài thì thật là rất khó. Nó là linh động. Tôi cũng vì vậy mà phải đến Đài Trung ở hết 10 năm, tỉ mỉ mà quan sát xem lão sư Lý đã vận dụng ở trên giảng đài như thế nào. Cho nên học thì chỉ một tuần là học xong, nhưng học Ngài vận dụng như thế nào thì tôi đã bỏ ra thời gian 10 năm, tỉ mỉ mà quan sát. Thế nên chúng tôi hiểu được thái độ tu học thật sự rất quan trọng. Phương pháp thì không quan trọng. Bạn có thái độ tu học tốt, dù chưa học qua phương pháp thì bạn cũng có thể giảng được hấp dẫn và lôi cuốn, cũng có thể nhiếp thọ nhân tâm. Cho dù bạn có phương pháp tốt hơn đi nữa, nếu thái độ tu học của bạn không tốt, giảng đến hoa trời rơi rụng thì tín chúng sau khi nghe xong, bước ra cửa thì liền quên hết, không thể nhiếp thọ nhân tâm. Cho nên thái độ học tập quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Cổ Đức nói “nghìn dặm tầm sư” là có đạo lý. Thân cận thiện tri thức, đây là chỗ mấu chốt thành bại của việc tu học chúng ta. Việc lựa chọn lão sư đương nhiên cần phải có trí huệ quan sát, tiếp cận từ nhiều phương diện.
Thời gian đầu tôi đến Đài Loan, tôi quen biết gần 20 vị giáo sư nổi tiếng của các trường vào thời đó. Tôi thường thân cận nghe họ nói chuyện. Từ trong đó, tôi chọn ra một vị. Vào lúc đó là học triết học, tôi lựa chọn thân cận với tiên sinh Phương Đông Mỹ. Tôi học Phật cũng là do Ngài giới thiệu. Nhân duyên học Phật rất thù thắng. Việc tiếp xúc với Phật pháp, vào lúc đó tôi sống ở Tân Bắc Đầu, hàng xóm của tôi là một vị thân vương của Mông Cổ. Vào thời tiền Thanh thì địa vị ông cũng cao. Sau khi Thanh triều sụp đổ, vị thân vương này cũng trở thành thường dân. Ông là một Phật giáo đồ kiền thành. Nhìn thấy tôi đọc kinh Phật, ông rất là hoan hỷ. Ông đến hỏi tôi, hỏi tôi đã học Phật được bao lâu rồi? Tôi nói tôi vừa mới tiếp xúc, mới bắt đầu mà thôi. Ông hỏi tôi: “Vậy anh có cần người nào giúp đỡ cho anh hay không?”. Tôi nói: “Việc này thì cần”, vì trên kinh Phật có rất nhiều thứ xem không hiểu được. Thế là, ông đã giới thiệu tôi quen biết với Chương Gia Đại sư, là một chân thiện tri thức. Ngài rất từ bi ái ngữ, vừa gặp mặt thì đã bị Ngài nhiếp thọ rồi. Cho nên về sau tôi mới hiểu “tứ nhiếp pháp” mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói. Tôi vừa thân cận thì đã bị Chương Gia Đại sư nhiếp thọ. Thế nhưng “tứ nhiếp pháp” mà chúng ta học nhiều năm lại không biết dùng, không có cách gì để áp dụng thực hiện. Phải chăm chỉ mà học tập, thân cận một vị lão sư, vị lão sư này chân thật có đức hạnh, chân thật có học vấn. Vậy thì phải truy rõ đến ngọn nguồn, tiếp nhận ngôn luận của một nhà. Đây chính là sư thừa mà người xưa đã nói. Tôi ở trong thời đại này vẫn còn có thể tiếp xúc được với ranh giới của sư thừa. Lão sư nghiêm túc dạy bảo. Chúng tôi là người làm học trò cũng nghiêm túc tu học. Thầy trò đạo hợp. Ở trong đây có ân, có đức, có tình, có nghĩa, khiến cho chúng tôi trong một đời này hành nghĩa báo ân, niệm niệm không quên.
Ở trong cái thời đại trược ác này chúng ta vẫn còn có thể giữ gìn được sự thanh tịnh không nhiễm thì thật sự không dễ dàng, thật là quá khó, quá khó! Việc học tập quan trọng nhất là giữ lấy ngôn luận của một nhà, ở trong đây thành tựu tam học “Giới Định Huệ”. Cái “huệ” này là trí huệ chân thật, là thật trí mà trong Bát-nhã đã nói. Thật trí là tâm thanh tịnh. Cho nên nói là “Bát-nhã vô tri”. Căn bản trí là vô tri. Phải đặt nền móng từ chỗ này. “Vô tri” là căn bản của hết thảy, “hữu tri” thì hỏng rồi. Cho nên trước tiên phải học “vô tri”, học tâm thanh tịnh. Đại sư Huệ Năng đã nói: “Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi nhơ”, trước tiên hãy học cái này, sau đó lại quảng học đa văn, thành tựu hậu đắc trí. Hậu đắc trí là vô sở bất tri (không gì mà không biết). Đây là chánh tri, không phải tà tri. Ngày nay hầu hết người học Phật không hạ công phu từ chỗ này. Không có căn bản trí thì làm sao bạn có hậu đắc trí? Cho nên nói sao thì nghe vậy. Trong tâm của chính mình không có chủ tể, tu học, đức hạnh, học vấn không có căn bản. Vừa nghe lời đồn đại thì tâm liền dao động rồi, liền bị người khác dắt mũi đi rồi, làm sao có thành tựu đây? Không những đức hạnh không thể thành tựu, mà học vấn cũng không thể thành tựu, sự nghiệp cũng không thể thành tựu. Chính mình trong đời quá khứ đã tu được một chút phước báo cũng không thể thành tựu, đều bị họ chà đạp hết. Những thí dụ như thế này rất nhiều.
Tôi đi theo Lý lão sư 10 năm. Lão sư Lý đã đem bản Hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư truyền trao lại cho tôi. Ngài vì sao không truyền cho người khác? Học trò của Ngài nhiều như vậy. Dụng ý mà Ngài truyền lại cho tôi là gì? 9.000 năm mạt pháp còn lại phải nhờ vào quyển sách này để cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn. Nhưng thế gian này pháp nhược ma cường. Ma đến chướng ngại. Khi Ngài truyền lại cho tôi, tôi vừa mở quyển sách này ra thấy các ghi chú được Ngài ghi lại rất rõ ràng tường tận. Lúc đó tôi sinh ra tâm vô cùng hoan hỉ. Lão sư đã ngăn tôi lại. Hiện tại chưa thể hoằng dương. Tôi vào lúc đó liền muốn giảng quyển kinh này, phát tâm giảng bộ kinh này, chuyên giảng. Lão sư lắc đầu nói không được. “Thời tiết nhân duyên vẫn chưa chín muồi. Con hiện tại còn trẻ, kinh nghiệm còn ít. Nếu làn sóng phản đối bên ngoài mà đến thì con không có đủ năng lực để kháng cự”. Tôi vẫn không hiểu làn sóng phản đối là gì, chỉ đành nghe lời, đành gấp sách lại, chuyên tâm học Kinh Lăng Nghiêm, học Hoa Nghiêm. Đến khi lão sư Ngài vãng sanh, tôi mới đem quyển sách này đưa đi in ấn, in trước 10.000 quyển để lưu thông, để kỷ niệm lão sư. Vì vậy rất nhiều đồng tu ở hải ngoại đã nhìn thấy được quyển kinh này, khải thỉnh tôi giảng bộ kinh này. Tôi giảng lần đầu tiên là ở Canada, lần thứ hai là giảng ở Mỹ. Ở trong nước cũng có đồng tu đến khải thỉnh. Đây mới gọi là nhân duyên chín muồi. Cũng không nghe thấy ai phản đối, chỉ có gần đây mới nghe được người phản đối. Nghe nói Đài Loan, ở Đại Lục, có không ít người chuyên môn phản đối bộ kinh này. Tôi mới nghĩ đến lời của lão sư Lý. Đồng học đến nói với tôi có bao nhiêu người phản đối. Tôi nói dù hết thảy người ở trong thiên hạ này phản đối thì lòng tin của tôi tuyệt đối không lay động. Nếu lòng tin của tôi mà lay động thì 10 năm ở Đài Trung của tôi là uổng phí rồi, Lý lão sư cũng nhìn lầm con người tôi rồi. Tôi còn có thể truyền pháp được sao? Hết thảy người thế gian đều phản đối thì một mình tôi vẫn chuyên tu chuyên hoằng. Đây chính là thái độ tu học, tổ tổ tương truyền là truyền cho những người như vậy. Nếu dễ tin nghe những lời đồn đại, tâm lập tức liền dao động, loại người như vậy không thể truyền pháp. Cho nên phải có lòng tin kiên định, một môn thâm nhập. Thế nhưng, để ứng phó với muôn trùng chúng sanh thế kỷ 21 này, nếu không phải là học rộng nghe nhiều thì bạn không thể ứng phó nổi. Cho nên học rộng nghe nhiều cũng cần thiết. Làm thế nào để “một môn thâm nhập” lại vừa “học rộng nghe nhiều” mà có thể không phát sinh sự xung đột, có thể kết hợp hỗ trợ lẫn nhau ? Đây là đại học vấn. Đây chân thật là thiện xảo phương tiện. Cho nên tôi khuyên các đồng học: Hiện nay chúng ta một môn thâm nhập, đọc Kinh Vô Lượng Thọ, đọc quyển sách này, học rộng nghe nhiều là từ đâu mà học? Là từ trong chú giải mà học. Pháp sư giảng kinh thì nhất định phải có dẫn chứng. Dẫn chứng phải phong phú. Giống như chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ thì rất tốt. Đọc quyển chú giải này thì cũng như là đọc một hai trăm quyển kinh luận vậy. Đây chính là “học rộng nghe nhiều” và “một môn thâm nhập” bổ túc hỗ trợ lẫn nhau. Ở trong đây, nếu còn có một số thuật ngữ, danh tướng, nghĩa lý, những chỗ mà bạn chưa hiểu thì có thể đi tra trong Phật Học Đại Từ Điển Phật Học Đại Từ Điển cũng có thể giúp bạn “học rộng nghe nhiều”. Cho nên đây là “một môn thâm nhập” và “học rộng nghe nhiều” tiến hành cùng một lúc, không trái nghịch với nhau. Học thì vẫn là một môn. Thế nhưng nghe giảng, xem chú giải của người khác thì ở trong những việc này có thể hấp thu được rất nhiều tri thức. Những tri thức này có thể ứng phó với các loại chủng tánh không đồng của chúng sanh.
Nếu muốn thành tựu thì sự thực tập ở trên giảng đài là quan trọng. Hơn nữa thời gian phải nhiều. Sơ học thì một tuần là một lần. Một lần giảng bao lâu vậy? Mức độ thấp nhất cũng là một giờ đồng hồ. Hay nói cách khác là phải viết một bản thảo 10.000 chữ. Mỗi một tuần phải viết bản thảo 10.000 chữ. Không hạ công phu thì không được. Học hai năm, ba năm, nếu có tiến bộ thì hai-ba năm sau mỗi tuần chí ít phải giảng 2-3 lần. Nói cách khác, bạn mỗi tuần phải viết 20-30.000 chữ bản thảo, chuyên tâm chăm chú thì mới được. Các lão đồng học lớp bồi huấn của chúng ta hôm qua các vị đã họp rồi. Cư sĩ Hà Vân hôm qua đã đem bảng thỏa thuận đưa cho tôi xem. Rất tốt! Nửa năm tới nếu có thể thành tựu thì sẽ chiêu sinh khóa thứ năm. Đồng học các vị phải giảng hai lần ba lần. Trong tương lai Cư Sĩ Lâm chúng ta giảng kinh, hiện tại là giảng buổi tối, tương lai là giảng cả ban ngày. Buổi sáng giảng một lần, buổi chiều giảng một lần, buổi tối giảng một lần, giảng ba buổi. Các vị sẽ dẫn đầu. Những người sơ học đến tham gia lớp bồi huấn thì mỗi tuần là một lần, còn các vị thì ít nhất phải hai lần, phải dẫn đầu. Như vậy đạo tràng Cư Sĩ Lâm mới chân thật giống một đạo tràng. Hi vọng là trên giảng đài của chúng ta mỗi ngày có thể giảng được 6 giờ đồng hồ. Mức độ thấp nhất thì cũng là 4 giờ đồng hồ. Hai giờ đồng hồ thì không được rồi. Từ chỗ này mà bắt đầu. Đạo tràng này ngày ngày giảng kinh, ngày ngày niệm Phật. Bất luận là bạn đến nơi này vào lúc nào, muốn nghe kinh thì nhất định sẽ được nghe. Đây gọi là đạo tràng. Mọi người nhất định phải phát tâm.
Việc giảng kinh không phải dễ dàng. Ai có tư cách có thể giảng kinh vậy? Không có ai dám nói. Chúng tôi có thể lên giảng đài, có thể giảng là hoàn toàn nhờ vào một chút chân thành cung kính, nên được oai thần của Tam Bảo gia trì. Chư Phật Bồ-tát thương xót thời đại này chúng sanh khổ nạn, chỉ cần có người chân thật phát tâm, tư chất có ngu độn dốt nát hơn đi nữa thì Phật Bồ-tát đều sẽ bảo hộ họ, đều gia trì họ. Như vậy mới có thể thành công. Cho nên chúng tôi có lòng tin. Thế nhưng nhất định phải khiêm hư, phải cung kính, quyết không thể có tơ hào tâm thái kiêu ngạo, vì ngạo mạn sẽ chướng ngại sự cảm ứng. Khiêm hư cung kính thì được cảm ứng. Không nhờ cảm ứng thì không những giảng không được mà nghe cũng không xong, nghe đều nghe không hiểu. Chúng ta nghe kinh mà có thể nghe hiểu cũng là nhờ có Phật Bồ-tát bảo hộ, cũng là nhờ oai thần của Phật Bồ-tát gia trì.
**********
Các vị đồng học, xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 103. Đây là đoạn lớn thứ 15 trong toàn văn, giảng đến phần “những điều xấu ác trong gia đình”.
“Tham lam vô yếm. Chú trớ cầu trực.” (Tham lam không chán. Thề thốt để người khác tin mình chánh trực).
Hai câu này, câu thứ nhất ý nghĩa là nói tham lam quá nặng. Chúng tôi đọc qua chú giải một lần: “Dùng miệng nuốt chửng đồ vật thì gọi là lam, ý nói lòng tham của con người giống như cái miệng ăn nuốt thực phẩm, chẳng chán, chẳng ngừng, chẳng có cùng cực.” Mấy câu này đã nói được rất thấu triệt. Tham không biết chán. Cái tội này cực nặng cực lớn.
Phía sau dẫn ra một câu nói của Lão Tử. Lão Tử nói: “Tội không gì lớn bằng lắm dục vọng, họa không gì lớn bằng chẳng biết đủ. Kẻ biết đủ dẫu nghèo hèn vẫn vui sướng. Kẻ không biết đủ, dẫu phú quý vẫn lo rầu. Người đời tham cầu quá nhiều, rốt cuộc đều hao tán! Vì thế, chẳng cần phải nói nữa, lại còn gieo mầm tai họa, càng khó kết liễu”. Đoạn này chúng ta phải nên đọc nhiều lần, tỉ mỉ mà thể hội ý nghĩa ở trong văn tự, lại tỉ mỉ mà quan sát cái xã hội hiện tại thì chúng ta liền hiểu được cổ Thánh tiên Hiền đích thực là có trí huệ chân thật.
Ngày nay trên thế giới này, người tham lam vì sao lại nhiều như vậy? Đây là tạo tội nghiệp. Đây là mầm mống của tai họa, là gốc và mầm mống của tội và tai họa. Vì sao có nhiều người đang làm như vậy mà không biết quay đầu? Nguyên nhân là ở đâu? Là do không có người dạy bảo. Cho nên chúng tôi ở trên giảng đường, thời thời khắc khắc nhắc nhở các đồng học. Đồng học chúng ta tự mình có thể quay đầu hay không? Có giác ngộ hay không? Rất khó nói. Ngày ngày đều nghe, ngày ngày đều học, nhưng vẫn là không thể quay đầu, vẫn là không thể giác ngộ. Hoặc là nói biết nhưng vẫn phạm. Nguyên nhân này là ở đâu? Sức mê hoặc của xã hội bên ngoài thật quá lớn mạnh. Còn trí huệ của chính mình thì lại vô cùng mỏng yếu, không chống cự nổi. Nếu tuân theo giáo huấn của Phật Bồ-tát, sự dạy bảo của cổ Thánh tiên Hiền thì dường như trước mắt chúng ta bị thiệt thòi rất lớn, bị mắc lừa, tiện nghi và lợi ích đều bị người khác chiếm lấy. Chính mình vẫn luôn không cam tâm, không tình nguyện. Cho nên, biết mà vẫn phạm, thậm chí là nghi hoặc giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, nói đó là lỗi thời, là quá khứ, hiện nay không còn thích hợp nữa. Người có loại kiến giải như vậy rất nhiều. Có mấy người có thể hiểu được chân tướng sự thật chứ? Chân thực hiểu được chân tướng sự thật thì sẽ chấp nhận chịu thiệt thòi, chấp nhận bị lừa gạt. Tiện nghi của mình để cho người khác chiếm lấy, thiệt thòi thì mình chịu. Họ vì sao lại chịu làm như vậy? Vì họ hiểu được hoàn cảnh sau đó sẽ không như nhau, chúng ta đời này chịu thiệt thòi thì đời sau sẽ có được đại tiện nghi lợi ích. Người thế gian hiện tại chiếm tiện nghi thì đời sau sẽ chịu thiệt thòi rất lớn. Đạo lý này nhất định phải là người thâm nhập kinh tạng, thâm giải nghĩa thú thì họ mới hiểu, họ mới chịu làm. Người hiểu nông cạn chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không nhìn thấy được lợi ích trong tương lai. Trước mắt chúng ta đang ở trong thời đại như thế nào thì tự mình phải nên rõ ràng.
Quá khứ, những năm đầu Dân Quốc, cư sĩ Đinh Phúc Bảo là một người rất giỏi, ông có trình độ tương đối sâu đối với Nho và Phật. Khi ông 40 tuổi thì đã nhìn rõ được chân tướng của cuộc đời, không còn lưu luyến đối với hết thảy các pháp của thế gian. Ông nói với bạn của mình: “Tôi sống tại thế gian này cũng giống như là người khách đi du lịch vậy, biết được sự nghiệp và tài sản ở thế gian này đều không phải là thật, đều là giả”. Trong Kinh Kim Cang nói là “mộng huyễn bào ảnh”, một chút ý niệm chấp trước lưu luyến cũng đều không có, tâm của ông được thanh tịnh, trí huệ đã khai rồi, cho nên ông chuyên tâm vào Phật pháp. Chuyên tâm vào Phật pháp là vì tiền đồ mà suy nghĩ. Con người có đời sau. Đời sau khi nào thì tới vậy? Ai cũng không biết. Trong sát-na mà thôi. Sát-na này khi nào thì đến? Không một ai biết. Có thể là mấy mươi năm sau. Có lẽ là năm ba năm nữa. Cũng có thể là ba bốn ngày, mà cũng có thể là ngay hiện tại. Nhất định phải hiểu rõ. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay của chúng ta. Xã hội hiện tại giống cái gì? Giống như một quả bom nguyên tử đã châm ngòi. Chúng ta ở nơi này, mù mờ bất giác, còn nó sắp sửa phát nổ rồi. Chúng ta ngày nay sống ở thế gian này chính là cái hiện trạng như vậy. Người phương Tây nói đến ngày tận thế, rất nhiều người không tin nhưng tôi tin. Bạn xem trên thế giới này những quốc gia tiên tiến, những quốc gia có vũ khí hạt nhân càng ngày càng nhiều. Mọi người đều biết số vũ khí hạt nhân mà nước Mỹ đang có thì có thể hủy diệt được mấy mươi lần quả địa cầu này. Những thứ này là dùng máy vi tính để điều khiển. Đến một ngày nào đó nếu máy tính xảy ra sự cố, nói không chừng các quả bom nguyên tử sẽ nổ tung, dẫn đến thế giới này bị hủy diệt. Thế giới vì sao bị hủy diệt ? Chẳng ai biết vì sao mà nó bị hủy diệt. Có thể nào hay không? Rất có thể! Thế kỷ kết thúc, người của toàn thế giới đều sợ sự cố Y2K. Sự cố Y2K là gì? Là một loại sự cố máy vi tính. Máy vi tính mất tác dụng. Sợ cái gì ? Sợ bom nguyên tử sẽ bay đầy bầu trời. Tình hình này hiện tại có thể xem là đã qua khỏi hay chưa? Vẫn là chưa qua khỏi. Các nhà khoa học nói với chúng ta đại khái là cần phải đến hai tháng nữa thì nguy cơ này mới xem là đã qua khỏi, mới có thể trở lại được bình thường. Họ đang toàn tâm toàn lực khống chế. Cho nên bản thân chúng ta hiểu được nguy cơ vẫn còn đang ở trước mắt, thời gian rất là gấp gáp. Trước một ngày lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam vãng sanh, Ngài đã nói với học trò là: “Thế giới loạn rồi”. Ngài nói “Chư Phật Bồ-tát, thần tiên có giáng thế cũng không cứu nổi”. Nghiệp lực không thể nghĩ bàn. Kinh Địa Tạng nói nghiệp lực của chúng sanh “có thể bằng với núi Tu-di, có thể sâu tựa biển lớn”. Nghiệp lực không thể nghĩ bàn. Chư Phật Như Lai cũng không thể xoay chuyển định nghiệp của chúng sanh. Đây không phải là chư Phật Bồ-tát không từ bi. “Tâm Phật chúng sanh tam vô sai biệt”, nghiệp lực của chúng sanh nếu có thể kết hợp với Phật pháp thì vẫn có thể cứu, thế nhưng nghiệp lực của chúng sanh ngày nay lại hoàn toàn tách rời với Phật pháp.
Tuần trước, có mấy vị xuất gia Tỳ-kheo ni ở Đài Loan đến hỏi tôi: “Ở Phố Lý, chùa miếu nhiều như vậy, người xuất gia nhiều như vậy, vì sao vẫn có những trận động đất mạnh? Vì sao lại có tai nạn lớn như vậy?” Tôi hỏi họ, tôi hỏi ngược lại họ: “Vì sao Pháp sư Sám Vân không bị tai nạn? Ông cũng ở nơi đó mà”. Ngày trước lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói: “Có chùa mà không đạo thì không thể nào hưng giáo”. Không phải chùa miếu nhiều, tượng Phật Bồ-tát nhiều thì nói nơi đó có Phật pháp, vậy thì sai rồi. Hỏi bạn là ở nơi này có người tu hành chân thật hay không? Là không có người tu hành chân thật. Tuy đã xuất gia rồi, nhưng vẫn tranh danh đoạt lợi, vẫn hủy báng lẫn nhau, đôi bên giành tín đồ, không từ bỏ thủ đoạn, vậy thì đạo ở chỗ nào chứ? Hiện nay mọi người có một quan niệm rất sai lầm, cho rằng xây thêm nhiều chùa miếu, tạo thêm nhiều tượng Phật thì Phật Bồ-tát liền đến bảo hộ chúng ta, chính mình có thể không lo sợ gì nữa, làm càn làm bậy, Phật Bồ-tát vẫn bảo hộ cho họ. Làm gì có đạo lý này chứ? Bản thân chúng ta phải rõ ràng, phải minh bạch. Thậm chí là hiện nay rất nhiều người xuất gia mà ý nghĩa của xuất gia cũng không hiểu được, học Phật mà Phật là gì cũng không biết. Vấn đề vô cùng nghiêm trọng rồi.
Thề thốt chính là chúng ta nói phát lời thệ. Ở Đài Loan việc này rất thường xuyên. Các vị xem mỗi lần tuyển cử thì họ đều thề thốt, còn chặt đầu gà ở trước mặt thần thánh thề thốt. Đây là tạo nghiệp. Không thề thốt thì tội lỗi đã rất nặng rồi, thề thốt mà còn cầu thần linh đến để bao che cho bạn, che giấu tội lỗi của bạn, làm gì có đạo lý như vậy chứ. Trong các cổ thư ở Trung Quốc có giải thích “Thông minh chính trực gọi là thần”, thần thì thông minh chính trực, vậy thì thần có nhận hối lộ của bạn hay không? Thần có bao che cho bạn hay không? Tiếp nhận sự hối lộ của bạn, bao che cho bạn, đùa giỡn với bạn, vậy thì đó không phải là thần rồi, đó là yêu ma quỷ quái. Thế gian hiện nay của chúng ta có thần hay không? Xin nói với các vị là Phật, Bồ-tát, thần đều đã rời xa rồi. Bao vây hết cả thế giới này là gì? Là yêu ma quỷ quái. Vì sao yêu ma quỷ quái đến còn Phật Bồ-tát thần tiên đều đi rồi vậy? Cảm ứng đạo giao. Con người nếu dùng thiện tâm chân thành thì có thể cảm động được chư Phật Bồ-tát. Con người nếu là tự tư tự lợi, dùng ác tâm, ác hạnh thì bạn cảm được yêu ma quỷ quái. Trong nhà Phật thường nói: “Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng”, cảm mà thiện thì Phật Bồ-tát ứng, cảm mà ác thì yêu ma quỷ quái ứng. Kinh Dịch cũng nói: “Vật hợp theo loài, người phân theo nhóm”, chúng ta phải hiểu cái đạo lý này. Thiện thì cảm ứng với thiện, ác thì cảm ứng với ác. Đồng tu học Phật chúng ta, ngày ngày đọc kinh, ngày ngày niệm Phật, tuyệt đối sẽ không đến những nơi ca hát nhảy múa, tuyệt đối sẽ không đi đến những sòng bài. Bạn đi đến những nơi đó tìm sẽ không tìm thấy một ai. Không phải là cùng một loại sao? Vì họ không cùng loại mà. Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cho nên việc thề thốt là sỉ nhục các chánh thần, nịnh nọt yêu ma quỷ quái. Các vị suy nghĩ xem phải có đạo lý như vậy không? Có phải là sự thật như vậy không? Hậu quả của họ, chúng ta không cần nói, mọi người cũng đều biết rõ.
Cho nên chúng ta phải đọc kỹ Cảm Ứng Thiên, đọc thuộc Cảm Ứng Thiên, muôn trùng hiện tượng ở trong xã hội ngày nay, vừa nhìn là hiểu ngay. Bạn có thể nhìn thấy cát hung họa phước rất rõ ràng, rất minh bạch. Làm thế nào để tránh hung, được cát thì bạn cũng biết rồi, lý luận phương pháp đều hiểu rõ rồi. Chúng ta học Phật, đặc biệt là Ấn Quang Đại sư cả một đời đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, dụng ý của Ngài là để cứu vãn kiếp vận trước mắt. Trước mắt chúng ta có đại tai nạn chưa từng có. Tai nạn này vô cùng rõ ràng, người thông thường cũng đều có thể cảm giác được. Chúng ta phải nắm lấy cái cơ hội này, có được cơ hội một ngày thì chăm chỉ một ngày, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tuyệt đối không tùy thuận chúng sanh làm ác. Nhất định phải tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ-tát, phải sửa đổi từ trên “tâm”. Đặc biệt là người học Phật, trong những người học Phật thì đặc biệt là người xuất gia. Bắt đầu sửa từ đâu vậy? Là không vì chính mình mà suy nghĩ. Hết thảy phải vì chúng sanh khổ nạn mà cống hiến một chút tâm sức của chúng ta. Đúng như người xưa đã nói: “Biết không thể mà vẫn cứ làm”, đây là một niệm từ bi. Tôi tuổi tác đã lớn như vậy rồi, vì sao ngày ngày vẫn phải ở nơi đây giảng kinh thuyết pháp? Vì còn có những nơi khác cũng đang mời nên vẫn phải vất vả bôn ba. Các vị có thể thể hội được không? Không vì chính mình, mà vì chúng sanh, vì Phật pháp. Nếu vì chính mình, tôi xin nói với các vị là tôi mong muốn sớm có ngày có thể ẩn cư, rời xa thành thị, tìm một thôn làng nhỏ nào đó để ẩn cư. Bạn nói xem tự tại biết bao. Đọc sách, tụng kinh, niệm Phật. Cơ hội để làm việc này thì tôi có, tôi có thể làm được. An hưởng những năm cuối đời. Vì sao vẫn còn phải bôn ba vất vả như vậy? Là bởi vì thế gian này không có ai giảng kinh thuyết pháp. Nếu có người giảng kinh thuyết pháp thì tôi quyết định không làm những việc này. Tôi hy vọng các đồng học của lớp bồi huấn ở bên này có thể học tốt vài năm. Chúng tôi có thể đem những việc này giao lại. Tôi sẽ không ở trên giảng đài nữa. Vẫn là cần có người tiếp nối. Tôi tiếp nối từ cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lý lão sư cả đời giảng kinh thuyết pháp, 97 tuổi vãng sanh. Trước khi vãng sanh hai tuần vẫn còn giảng kinh trên đài. Lão sư Ngài làm tấm gương cho chúng ta xem, làm mẫu cho chúng ta xem, quyết không cầu sự an lạc cho riêng mình, xả mình vì người. Chúng ta học Phật Bồ-tát, nơi mà chúng ta sẽ đi là thế giới Tây Phương Cực Lạc, tiền đồ là một mảng quang minh xán lạn. Trong một đời này chịu lấy một chút khổ thì có là gì chứ.
Tôi ở đây nhìn thấy Pháp sư Ngộ Giáo ở Dallas, Pháp sư Ngộ Giáo các vị cũng có thể đã nghe thấy. Nếu các bạn có thể về sớm một chút, vào tháng 5 này ở Cổ Tấn cũng có một pháp hội. Năm nay cư sĩ Lý tổ chức 3 pháp hội ở Tan Sri Malaysia, tháng 5 thì ở Cổ Tấn, tháng 9 thì có hai pháp hội, một cái ở Kuala Lumpur, một cái ở Penang, ước tính đại khái cũng có khoảng 10.000 đến 20.000 người tham gia. Hy vọng các bạn cũng phát tâm. Không nên vì sự an lạc của riêng mình, mà nên tận một chút tâm sức phục vụ chúng sanh. Những nơi này thì chắc các vị tương đối hiểu rõ.
Được rồi, xin mời xem tiếp Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 104. Chỉ có một câu: “Thị tửu bội loạn” (Ham nhậu nhẹt, quậy phá).
Trong Phật pháp uống rượu được liệt vào trọng giới, tuy nhiên không phải là nặng nhất. Giới nặng nhất chúng ta xem trong Tỳ-kheo giới và Tỳ-kheo ni giới, bốn trọng giới đó là “sát, đạo, dâm, vọng”, ngoài bốn trọng giới này ra thì nặng nhất là giới rượu. Cho nên trong năm trọng giới thì giới sau cùng là giới rượu. Thế Tôn vì sao xem việc này nặng như vậy? Thực tế mà nói, giới luật trong nhà Phật thì “sát, đạo, dâm, vọng” là Tánh tội, là bản thân nó có tội. Bất luận là bạn có thọ giới hay là không, hễ đã phạm thì liền có tội. Thế nhưng nếu bạn không thọ giới điều thì uống rượu không có tội. Cho nên rượu là thuộc về Giá tội, nó không giống với bốn điều ở phía trước. Thế Tôn xem việc này nặng như vậy chính là vì thông thường phạm bốn trọng tội thì trước đó đã phạm giới rượu rồi. Rượu có thể làm loạn tánh. Người ham uống rượu, uống say rồi thì trí huệ không thể làm chủ, cho nên mới làm những việc “sát, đạo, dâm, vọng”. Do đó mà nhà Phật giới rượu, chính là để phòng ngừa, không phạm đến những trọng tội “sát, đạo, dâm, vọng” này. Là nguyên nhân như vậy, chúng ta phải nên biết. Cho nên “Tỳ -kheo thanh tịnh, giọt rượu không uống”. Thế nhưng trong giới luật thì sự khai duyên của rượu cũng rộng nhất, lớn nhất. Vì vậy, Thế Tôn dạy người tu học là hợp tình hợp lý hợp pháp, không phải là không thông rõ nhân tình. Có rất nhiều phương thuốc phải dùng đến rượu để làm nguyên liệu, việc này là không phạm. Đây là rượu thuốc. Trong các món ăn, nếu đem nó làm thành một loại gia vị thì việc này cũng không phạm, là rượu gia vị. Tóm lại mà nói, miễn bạn thấy nó không phải là để làm cho bạn say không phải làm cho bạn bị mê hoặc. Thêm nữa là thân thể bị suy nhược, máu huyết lưu thông không tốt. Đặc biệt là những người lớn tuổi, những người trên 70 tuổi, tuổi tác quá cao, cũng bao gồm luôn những người xuất gia trong đó, sức khỏe không tốt, máu huyết tuần hoàn không tốt thì Thế Tôn cũng có sự khai duyên, bạn có thể uống một ly rượu để giúp cho máu huyết của bạn dễ lưu thông. Người trên 70 tuổi cũng có thể mặc áo da, quần áo từ lông và da. Nhưng nếu trên 70 tuổi mà sức khỏe rất tốt, còn cường tráng, vậy thì không cần đến. Cho nên hết thảy đều phải cân nhắc vào tình trạng thực tế của chính mình để quyết định. Không phải là nói cứ đến 70 tuổi thì có thể, vậy thì cũng sai. Giống như cư sĩ Hứa Triết thì 101 tuổi cũng không được dùng, vì sức khỏe của bà tốt, nên bà không thể dùng được. Thậm chí có người 50- 60 tuổi nếu sức khỏe rất kém thì họ cũng có thể dùng. Cho nên việc này là linh động chứ không phải chết cứng. Mỗi một giới điều đều có “Khai – Giá -Trì – Phạm”. Bạn nhất định phải nên hiểu, phải hiểu vì sao Phật chế định ra những giới điều này, tác dụng của chúng rốt ráo ở chỗ nào? Chúng ta tu học lợi ích ở chỗ nào? Nếu phạm giới thì tổn thất của chính chúng ta là ở chỗ nào? Không cần nói quá khứ, việc tổn thất thì chúng ta có những tổn thất nào, nhất định phải nên hiểu, sau đó mới biết được tâm của Phật chế định ra những giới này là chân thật từ bi, là trí huệ chân thật. Không có một việc gì mà không phải là để giúp cho chúng ta thành tựu. Phật chú trọng sự khỏe mạnh của thân tâm chúng ta, giúp đỡ chúng ta đoạn phiền não, khai trí huệ, thành tựu đạo nghiệp, chăm lo có thể nói là từng li từng tí. Việc này chúng ta phải nên hiểu, hiểu được rồi thì bạn mới sanh tâm cung kính, mới sanh tâm cảm ân, tuân thủ giáo giới của Phật. Việc uống rượu nếu biến thành sở thích, mê rượu hơn mạng sống thì người này không thể tu hành. Không những pháp xuất thế không thể thành tựu mà thế gian pháp cũng không thể thành tựu. Đây là việc mà chúng ta phải nên biết, phải hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó.
Mời xem tiếp đoạn 105, có ba câu:
“Cốt nhục phẫn tranh. Nam bất trung lương. Nữ bất nhu thuận.” (Là ruột thịt với nhau mà giận dữ. Trai không trung lương. Gái chẳng nhu thuận). Đoạn này là vấn đề luân lý.
Nền tảng của quốc gia xã hội là gia đình. Người hiện nay biết cái đạo lý này quá ít. Gia đình chúng ta bất hòa, không nên cho rằng đây là sự việc riêng của gia đình mình, không liên quan gì đến người khác. Vậy thì cách nghĩ, cách nhìn của bạn đã hoàn toàn sai rồi. Gia đình bất hòa thì xã hội không an định, thế giới cũng không thể hòa bình. Cho nên gia đình là gốc của xã hội, của quốc gia, của thế giới. Quan niệm về chữ “gia đình” này của người hiện tại hoàn toàn đã sụp đổ. Chúng ta xem cổ lễ của người xưa, bạn hãy xem hôn lễ của họ. Lễ kết hôn giữa nam và nữ, vì sao lại long trọng đến như vậy? Vì sao mà rườm rà đến như vậy? Người xưa vì sao lại có cách làm như vậy? Vì người xưa hiểu được đây là nền tảng của thế giới hòa bình, xã hội an định, không thể nào không long trọng được, không thể nào không cẩn thận. Cho nên vào thời xưa, nếu các vị đã đọc qua lịch sử, hoặc là xem những loại bút ký, tiểu thuyết của người xưa thì rất ít nghe đến việc người xưa ly hôn. Chúng tôi ngày xưa sống ở dưới vùng thôn quê, xã hội khoảng 70 năm về trước cũng không nghe nói đến ly hôn. Việc ly hôn tạo nên hiện tượng gì? Thế giới đại loạn. Bạn có muốn chịu cái nhân quả này không? Bạn đã không nghĩ đến tính nghiêm trọng của vấn đề này. Hai người ly hôn, nếu bạn vẫn còn có con cái, những đứa trẻ này sẽ trở thành trẻ mồ côi. Hoặc do thiếu tình yêu thương của cha mẹ thì tâm tình của chúng sẽ sinh ra sự biến hóa. Những nhân tố xấu sẽ được trồng xuống từ đây. Có mấy ai nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy chứ? Phật Bồ-tát biết, Thánh nhân biết. Thánh nhân là người thấu suốt, người triệt để hiểu rõ nhân quả, sự lý của vũ trụ nhân sinh. Cho nên có câu “nhổ một sợi lông cả thân người đều rúng động”. Gia đình giống như một tế bào trên thân thể chúng ta, tế bào này mà hoại tử thì sẽ ảnh hưởng đến toàn thân thể. Đó không phải là việc của một mình bạn, không phải chỉ là việc của gia đình bạn. Người xưa đã xem nó long trọng đến như vậy. Việc giáo dục từ đâu mà bắt đầu? Bắt đầu từ việc dạy bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa người và người. Những thứ này có liên quan đến nhau. Mối quan hệ giữa người với người, mối quan hệ giữa người với hoàn cảnh tự nhiên, mối quan hệ giữa người với thiên địa quỷ thần là cùng một mối quan hệ, là một mối quan hệ chỉnh thể. Nền dạy học của nhà Nho, nhà Phật, dạy học của nhà Đạo cũng không có gì khác. Nền giáo dục hiện nay không còn nữa, toàn bộ đều tan vỡ rồi. Cho nên xã hội động loạn, thế giới bất an. Tuy là nền khoa học kĩ thuật thế giới phát triển, về mặt hưởng thụ vật chất thì chúng ta có được sự thuận tiện, thế nhưng tổn thất thì lớn biết bao, không cách gì tưởng tượng được. Con người đa phần không biết cách làm người. Nếu tôi nói là vong ân phụ nghĩa thì đó là đang còn tâng bốc họ, vì sao vậy? Vì như vậy nghĩa là họ vẫn còn biết có ân có nghĩa. Con người hiện nay không thể nào nói đến bốn chữ “vong ơn phụ nghĩa” được, vì họ còn không hiểu được thế nào là “Ân”, không biết được cái nào là “Nghĩa”, không có “ân nghĩa” thì còn nói đến “vong ân phụ nghĩa” gì nữa chứ? Chúng ta bất hạnh nên sinh ra vào thời đại này. Thời đại này là thời đại đại loạn. Người đời sau mà viết lịch sử thì sẽ gọi thời đại này là “thời kỳ đen tối”. Từ xưa đến nay đều không có tình trạng hiện tượng như vậy. Thế nào gọi là đen tối? Không có dạy học, mọi người không có trí huệ. Đây gọi là đen tối, ngu si. Tươi sáng là người có trí huệ, là con người hiểu chuyện, rõ lý.
Trong đoạn này, phần chú giải mở đầu có nêu một công án rất hay. Đây là một câu chuyện rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trương Công Nghệ thời triều Đường, chín đời ở chung một nhà, chỉ một chữ nhẫn. Nhẫn là một đức lớn. Trong Kim Cang Bát Nhã, Phật đã nói với chúng ta: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn” (tất cả pháp thành tựu nơi nhẫn). Nhẫn là một đức lớn. Trong tất cả các đức hạnh thì Nhẫn là đệ nhất, có thể thành tựu hết thảy thiện pháp, có thể ngăn chặn hết thảy ác pháp. Trong Phật pháp dạy Bồ-tát lục ba-la-mật thì cốt lõi chính là nhẫn. Nếu không có nhẫn nhục thì Tinh tấn, Thiền định, Bát-nhã hết thảy bạn đều không có. Bạn xem Tinh tấn, Thiền định, Bát-nhã là từ Nhẫn nhục ba-la-mật mà sanh ra. Bạn có thể tu bố thí, bạn có thể trì giới mà bạn không thể nhẫn nhục thì những gì bạn tu chỉ là phước báo hữu lậu trong Tam Giới. Từ đây cho thấy, nhẫn nhục rất quan trọng. Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy Bồ-tát Lục ba-la-mật thì bố thí, nhẫn nhục được nói nhiều nhất. Chúng ta phải nên hiểu nghĩa thú mà Phật thuyết pháp.
Thánh nhân thế xuất thế gian đều dạy bảo chúng ta, “phụ từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ cung”, mở rộng ra đến thân bằng quyến thuộc, quyết không thể tranh. Tranh là nghiệp tội. Xã hội hiện nay không nói đến nhẫn nhường. Những đứa trẻ từ nhỏ chúng ta đã dạy chúng phải cạnh tranh. Việc này nguy hiểm biết bao? Cho nên thanh thiếu niên hiện nay tranh giành với cha mẹ, anh em tranh giành với nhau thì càng không cần phải nói. Ở trường học thì tranh với thầy cô. Tương lai lớn lên bước ra xã hội thì trong quan niệm của chúng chỉ có cạnh tranh. Người người đều tranh nhau thì đó là ngày tàn của thế giới rồi. Mạnh Tử đã nói: “Trên dưới đều tranh lợi thì đất nước sẽ nguy nan” quốc gia này sẽ hết cách rồi. Ngày nay là toàn thế giới cạnh tranh, không có một người nào mà không tranh. Cho nên trong các tôn giáo như là kinh Tân Cựu Ước của Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo, trang sau cùng là nói đến ngày tận thế. Ngày tận thế khi nào thì phát sinh vậy? Là cuối thế kỷ này. Cuối thế kỷ đã nói đó là chúng ta ngày nay đúng lúc gặp phải, không phải là năm 1999 mà là năm 2000 mới là năm cuối cùng của thế kỉ. Rất nhiều người thế gian đều vô cùng kiêng kỵ những lời này, không muốn nghe những lời này, cũng không muốn nói những lời này. Bạn không muốn nghe, bạn không muốn nói, đó là một việc khác, sự thật thì vẫn là tồn tại. Những lời tiên tri cổ xưa, nơi nào trên thế giới cũng nói đến cái thời khắc này. Chúng ta ngày nay quyết cũng không phải là tung tin đồn nhảm. Không phải là ý như vậy. Chúng ta là tùy việc mà xét. Phật Pháp là nói nhân quả. Con người trên thế giới ngày nay của chúng ta trồng cái nhân gì? Chúng ta hãy xem họ nghĩ là những gì? Họ nói những gì? Họ làm là những gì? Đây là nhân. Từ tâm hạnh của họ thì chúng ta liền biết sẽ có quả báo như thế nào. Trồng thiện nhân thì nhất định được thiện quả. Ở trong thiện thì đại thiện đệ nhất là nhẫn nhường, ở trong ác thì đại ác đệ nhất là cạnh tranh. Con người cả thế giới đều đang nói đến cạnh tranh, muốn cạnh tranh, không từ một thủ đoạn nào để cạnh tranh. Thế giới này còn có tiền đồ nữa hay không? Cạnh tranh đến sau cùng thì sẽ quay về chỗ tận. Đây chính là ngày tận thế. Cho nên có người nói đại chiến tranh thế giới lần thứ ba chính là lần chiến tranh sau cùng của quả địa cầu này, gọi là chiến tranh kết thúc chung cuộc. Sau khi trận chiến tranh này kết thúc sẽ không còn chiến tranh nào nữa. Vì sao vậy? Vì con người đều chết hết rồi thì còn chiến tranh gì nữa chứ. Bạn xem, nhà tiên tri Nostradamus của người Pháp đã nói, “Sau cuộc chiến tranh này, trên địa cầu số người còn sót lại”, ông chỉ nói là úp úp mở mở, không có nói rõ ràng, ông nói là “đại thất chi số”. Có một số người cho rằng đây là 70 triệu người, nhiều nhất thì cũng là chỉ khoảng 700 triệu người. Đây là nhiều lắm rồi. Cũng có thể nói là 70 triệu người, cũng có thể nói là 7 triệu người.
Chúng ta phải giác ngộ, chúng ta phải tu học cho tốt, không thể trái nghịch giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền. Thế nào là “Trung”? Thế nào là “Lương”? Thế nào là “Nhu”? Thế nào là “Thuận”? Bạn có thể y giáo phụng hành thì quyết định sẽ có lợi ích đối với bạn. Cho dù là tai nạn đến thật, chúng ta cũng có một nơi tốt để đi. Quyết định sẽ không tham sống sợ chết, bởi vì biết được chính mình còn có một nơi vô cùng tốt để đi. Phật Bồ-tát không lừa gạt chúng ta, Thái Thượng Lão Quân cũng không lừa gạt chúng ta. Nếu chúng ta y giáo phụng hành thì nhất định sẽ có lợi ích. Ý nghĩa của đoạn này vẫn chưa giảng giải hết, ngày mai chúng tôi lại tiếp tục giảng tiếp. A Di Đà Phật!
—HẾT—