Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 73

Tập 73 - Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Phần A Phần B

Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Buổi giảng sáng nay của chúng ta đã dời từ lầu ba lên lầu tám, do nơi này thiết bị đầy đủ hơn lầu ba, hiệu quả đương nhiên sẽ tốt hơn. Đối với vấn đề của hai bên, chúng tôi gần đây đã cải thiện rồi, nghe nói lầu tám lại lắp thêm một đường dây điện thoại, vậy hai bên của chúng ta có thể khôi phục rồi. Các vị đồng tu ở Mỹ rất hi vọng có thể khôi phục lại liên lạc giữa hai bên, chúng tôi sẽ tận lực xử lý sớm vấn đề này.

Nội dung của chú giải trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên vô cùng phong phú, bởi vì vấn đề thời gian nên chúng tôi không thể chia sẻ với mọi người từng chỗ đặc sắc ở trong chú giải được. Tuy nhiên quyển sách này được lưu thông rất rộng rãi, hi vọng mọi người có thể tự mình nghiêm túc nỗ lực học tập. Đặc biệt là phải thường xuyên làm theo lời dạy bảo của cổ Thánh tiên Hiền, nghiêm túc phản tỉnh, sửa đổi làm mới chính mình thì chúng ta mới có thể giúp đỡ chính mình thoát ly khổ nạn. Không những là khổ nạn hiện tiền, người thông thường thường xem trọng việc trước mắt, sao biết được khổ nạn về sau còn nghiêm trọng hơn việc trước mắt biết bao nhiêu lần, điều này đáng để chúng ta cảnh giác.

Đoạn sau kết luận là “Sùng tín Thánh Hiền giả, vị hữu bất hoạch Thánh Hiền chi báo giả” (Những người kính trọng tin tưởng bậc  Thánh Hiền, chưa từng có ai lại không được quả báo làm Thánh làm Hiền), câu kết này rất hay, khích lệ chúng ta phải sùng kính lời dạy bảo của Thánh Hiền. Thế nào là sùng kính? Thế nào là tín ngưỡng? Đều ở y giáo phụng hành thì chúng ta mới có thể được quả báo chân thật mà Thánh Hiền đã nói.

Trong đoạn thứ 60:

Xâm lăng đạo đức” (Xâm hại hủy nhục người đạo đức.) Mở đầu chú giải đã nói với chúng ta về “người đạo đức trên thế gian”, ai mới là người đạo đức? “Như bậc Nho sĩ đọc sách hiểu đạo lý” là nói nhà Nho, và “Tăng đạo khắc khổ tu hành”, đây là những người có đạo đức. Nói cách khác, đạo là hiểu đạo lý, đức là có thể thực hành những đạo lý đã hiểu vào trong cuộc sống thì gọi là đức hạnh.

Phía dưới có nói “lời nói là pháp tắc, hành vi là tấm gương”, chính là câu mà chúng ta nói “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời) , người như vậy là người có đạo đức. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của họ là vì xã hội, vì chúng sanh, không phải vì bản thân. Cho nên nói “siêu đẳng xuất luân” (siêu việt hơn tất cả), họ đã siêu việt người thông thường, siêu việt ở điểm nào? Người thông thường khởi tâm động niệm không cái nào không vì chính mình, tâm lượng nhỏ hẹp. Người có đạo đức, tâm lượng rộng lớn, trong Phật pháp nói là “phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo”. Cho dù hiện tại chúng ta có thân phận gì, làm ngành nghề nào, đều phải hiểu được đạo lý này, đều nên tu học. Cho nên tâm phải lớn, ngạn ngữ thường nói “lượng lớn phước lớn”. Người người đều mong cầu đại phước báo, đại phước báo từ đâu mà có? Không biết! Lời dạy bảo của người xưa rất nhiều mà chúng ta lại lơ là bỏ qua. Tuy cũng thường nghe thấy, thậm chí là chính mình cũng thường nói nhưng nói rồi nghe rồi đều không để ý. Không để ý là không thực sự đặt ở trong tâm, không thực sự đặt ở trên hành vi, cho nên chính mình không đạt được quả báo thù thắng.

Hôm qua tôi gặp phải hai sự việc, việc thứ nhất là Lý hội trưởng nói với tôi công việc ở Đường Thành đang được tiến hành, đây là một chuyện tốt. Tối qua họ đến thảo luận với chúng tôi, hai bên gặp mặt thảo luận. Chúng tôi đã bày tỏ thái độ của mình một cách rõ ràng minh bạch, chúng tôi không vì chính mình mà vì xã hội, vì đất nước này, vì cả thế giới, làm một tấm gương tốt, chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Cho nên công việc ở Đường Thành chúng tôi có thể tranh thủ được, chúng tôi sẽ rất vất vả, thế nhưng vất vả này rất xứng đáng, không phải vì chính mình mà là vì xã hội an định, thế giới hòa bình. Dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau nhưng có thể tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, chúng tôi là vì điều này. Nếu như không tranh thủ được thì cũng cảm ơn trời đất. Vì sao vậy? Chính chúng tôi vui vẻ vì không có nhiều chuyện phiền não như vậy. Cho nên đối phương nhất định phải hiểu được thái độ của chúng tôi, chúng tôi không phải là nhất định phải làm. Việc này đối với chúng tôi không có chút lợi ích gì mà là lợi ích của xã hội đại chúng, là lợi ích của hết thảy chúng sanh. Cho nên yêu cầu [của họ] đối với chúng tôi không thể quá đáng, quá đáng thì chúng tôi sẽ không đồng ý, chúng tôi không vì bản thân mà là vì chúng sanh. Nếu như chẳng may không có cơ hội, tôi nói với Lý Mộc Nguyên và mọi người, công đức của chúng ta đã viên mãn rồi. Vì sao vậy? Tâm chúng ta phát ra là chân tâm, chân tâm phục vụ cho chúng sanh, cho xã hội nhưng không có cơ hội! Mặc dù không có cơ hội nhưng công đức của chúng ta vẫn viên mãn, không làm được cũng là viên mãn. Nếu như có thể lấy được thì phải làm được mới viên mãn; thế nên cho dù không lấy được nhưng hễ chúng ta phát tâm thì không làm cũng viên mãn rồi. Tôi nói thái độ của chúng tôi rất rõ ràng, rất minh bạch, để đối phương nghĩ xem làm cách nào để xử lý.

Chuyện thứ hai là cư sĩ Thôi Ngọc Tinh ở đông bắc gọi điện thoại cho tôi. Bên chỗ bà ấy có xây một nhà máy sản xuất xe hơi, nhân viên có hơn 4000 người, hiện tại gặp phải một chút khó khăn, bà rất chán nản, không muốn làm nữa. Nhưng phía chính phủ, một số cán bộ cấp tỉnh yêu cầu bà, hi vọng bà có thể làm tiếp. Bà nói không làm, nhưng nhìn thấy cuộc sống của hơn 4000 người không được ổn định, bà vẫn còn chút tâm từ bi nhưng nếu làm tiếp thì bà gặp khó khăn rất nhiều, trong tình huống khó khăn này bà đã điện thoại cho tôi. Tôi nói: “Bà phải phát đại tâm, tuyệt đối không vì chính mình mà phải phát cái tâm này.” Bà ấy nói: “Con phát tâm không đủ.” Tôi nói: “Đúng vậy, bà cuối cùng cũng giác ngộ rồi, bà phát tâm không đủ, bà vì mọi người nhưng trong đó vẫn còn có chính mình, phần chính mình bà vẫn chưa gạt bỏ được, nhất định phải trừ bỏ suy nghĩ vì lợi ích chính mình, hết thảy vì chúng sanh thì việc làm của bà sẽ vô cùng hoan hỷ. Làm việc viên mãn, thành công là chúng sanh có phước, xã hội có phước, đất nước có phước; làm không thành công, vậy thì chúng sanh không có phước báo, công đức của chính bà đã viên mãn rồi.” Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, con người phải phát chân tâm, chân tâm vừa phát thì công đức viên mãn.

Việc có thể làm được hay không đó là do duyên phận, dùng lời ngày nay mà nói duyên phận chính là rất nhiều điều kiện. Tất cả điều kiện đầy đủ rồi thì nguyện vọng của các vị thành hiện thực; điều kiện không đầy đủ thì nguyện vọng của các vị không thể thực hiện. Nguyện vọng mặc dù không thành hiện thực, nhưng nguyện vọng của các vị là thật, không phải là giả, cho nên công đức vẫn viên mãn. Nếu có người chướng ngại duyên phận của các vị, phá hoại duyên phận của các vị, nhân quả đó họ phải nhận, chúng ta không nhận, họ phải nhận. Chính là đoạn kinh văn phía trước mà chúng ta vừa đọc qua, “Ung tắc phương thuật”, ý này mở rộng ra chính là ngăn trở hết thảy những việc lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh. Vậy thì phải xem việc thiện đó của họ có tầm ảnh hưởng lớn bao nhiêu, thời gian bao lâu, phải từ chỗ này mà kết tội. Tầm ảnh hưởng càng lớn, thời gian ảnh hưởng càng dài thì tội chướng ngại này càng nặng, kết tội lớn nhỏ khác nhau là từ chỗ này mà nói.

Thánh Hiền thế xuất thế gian, không chỉ Thánh Hiền ở Trung Quốc mà các tôn giáo khác của nước ngoài, đại Thánh đại Hiền hầu như đều khác miệng đồng lời dạy chúng ta phải thành tựu việc tốt đẹp của người, không thành tựu việc xấu của người. Những việc mà người khác làm nếu bất lợi đối với xã hội chúng sanh thì chúng ta không nên giúp họ; nếu có lợi ích đối với xã hội chúng sanh thì chúng ta phải tận tâm tận lực mà giúp họ, tùy hỷ công đức. Công đức này cùng với việc họ làm, công đức tùy hỷ với công đức làm việc không có gì khác nhau. Vì sao vậy? Tâm của mọi người đều tương đồng. Họ có thể tự mình đi làm là do duyên phận đầy đủ; chúng ta không thể làm là vì duyên phận của chúng ta không đủ, nhưng tâm lượng của họ và chúng ta giống nhau, là bình đẳng, cho nên phước báo có được cũng giống nhau. Nếu nhìn thấy việc tốt của người khác, việc thù thắng của người khác mà đố kỵ chướng ngại, nói lời hủy báng, dùng các thủ đoạn không chính đáng để phá hoại thì tội này rất nặng.

Đồng tu học Phật đều biết, trong tội ngũ nghịch có tội phá hòa hợp tăng. Ý nghĩa này rất rộng, nhưng rất ít người hiểu được, cho rằng phá hòa hợp tăng là phá hoại tăng đoàn, đây chỉ là một ý rất hẹp. Ý nghĩa ban đầu của “hòa hợp tăng” là gì? “Tăng” là danh từ đại biểu cho đoàn thể, đoàn thể này hòa hợp, nên mới gọi là tăng đoàn. Không nhất định là chỉ đoàn thể của người xuất gia mà bất kỳ đoàn thể nào trên thế gian, chỉ cần lãnh đạo và các thành phần bị lãnh đạo một lòng hòa hợp thì đoàn thể này được gọi là tăng đoàn. Không nhất định là chỉ người xuất gia. Nếu người xuất gia ở cùng nhau không hòa hợp thì không gọi là tăng đoàn. Phật nói ý này, chúng ta nhất định phải hiểu.

 Nhà Phật nói sáu điều kiện hòa hợp, được gọi là “lục hòa kính”. Chúng ta cũng nhìn thấy trong các tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, họ đích thực là đầy đủ lục hòa kính. Đoàn thể này có cống hiến đối với xã hội, đối với chúng sanh, họ làm rất nhiều sự nghiệp phúc lợi. Nếu như chúng ta ác ý phê bình, ác ý hủy báng thì tội nghiệp này [là tội] đọa địa ngục. Tầng ý nghĩa này ít người biết được.

Trong Nho giáo, Đạo giáo, những người thực sự tu hành đều là tăng đoàn hòa hợp. Chúng ta nhìn xem các tôn giáo khác, chỉ cần họ chân thật tin tưởng tôn giáo [của mình], hiểu được giáo nghĩa, y giáo phụng hành, lợi mình lợi người thì không đâu không là tăng đoàn. Trong các tăng đoàn, tăng đoàn nhà Phật thù thắng hơn những tôn giáo khác, vì trong Phật giáo không có tự tư tự lợi. Lời dạy bảo của Phật là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, điều này siêu việt hơn hết thảy tăng đoàn.

Thế nhưng chúng ta nghĩ xem, chúng ta học Phật, gia nhập tăng đoàn Phật giáo, chúng ta vẫn còn “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng” thì chúng ta nhất định không có gì hơn các tôn giáo khác, thậm chí là không bằng các tôn giáo khác. Chúng ta phải dựa vào lương tâm mà nói, không thể tự khen mình mà hủy báng người, điểm tốt của người chính là điểm tốt, ưu điểm là ưu điểm, chúng ta nhìn thấy phải xưng tán, phải tán dương. Chỗ nào chúng ta không bằng người thì phải thừa nhận, phải sám hối, [thấy] Phật pháp là cao minh, là thù thắng mà chúng ta vẫn chưa làm được.

Đối với những người có đạo đức, nếu như xâm phạm họ thì tội này càng nặng. Các vị không những không tôn trọng họ, mà còn khinh thường, vô tình hữu ý nhục mạ họ, bắt nạt họ, chướng ngại họ. Thực tình mà nói, trong nhà Phật không phải định tội này của các vị là tội chướng ngại một người, vì các vị bắt nạt một người, nhục mạ một người, [mà cho rằng] đây là tội nhỏ. Nếu như học vấn, đạo đức, đức hạnh của người đó đối với xã hội có ảnh hưởng rất lớn, các vị phá hoại nhục mạ người đó là phá hoại tín tâm của xã hội đại chúng. Trong kinh điển Phật nói rằng, những thiện tri thức này là đôi mắt của chúng sanh, là ngọn đèn trong bóng tối. Những người này giáo hóa chúng sanh, là thiện nhân của xã hội, là tấm gương tốt của xã hội đại chúng. Các vị hủy báng họ, không phải là đối với họ, mà là nhục mạ hết thảy chúng sanh trong xã hội, hủy hoại tấm gương thiện lương của hết thảy chúng sanh, khiến cho xã hội đại chúng đánh mất đi tiêu chuẩn thiện ác, tội này rất lớn. Do sự định tội như vậy, họ mới đọa địa ngục A-tỳ.

Ngược lại, nếu các vị xưng tán, bảo hộ, giúp đỡ những người đạo đức thì công đức vô lượng vô biên. Kiết hung họa phước chỉ trong một niệm, cho nên người giác ngộ nhất định toàn tâm toàn lực tán thán hỗ trợ [những người đạo đức]. Sức lực của chúng ta tuy không đủ, duyên phận không đủ nhưng cái tâm hướng về [họ] của chúng ta là viên mãn, tâm tán thán là viên mãn thì vẫn được công đức viên mãn, vì sao lại không vui vẻ mà làm, vì sao phải tạo tội nghiệp?

 

**********

(Tập 73B)

Các vị đồng học! Kinh văn Cảm Ứng Thiên phía trên từ “tri quá bất cải” (biết lỗi không sửa) cho đến “xâm lăng đạo đức” (hãm hại người đạo đức) là nói về ác nghiệp bất thiện mà người đọc sách và người dân bình thường phạm phải. Đoạn tiếp theo là nói về “sát sanh chi ác” (tội ác của sát sanh).

Con người nhất định phải giác ngộ, thời gian con người sống trên thế gian này vô cùng ngắn, cho dù là sống đến 100 tuổi thì cũng chẳng qua là 36.000 ngày mà thôi, thực tình mà nói là vô cùng ngắn ngủi. Trong 36.000 ngày, trên thực tế thời gian thực sự mà chúng ta sử dụng lại vô cùng có hạn. Mỗi một ngày chúng ta ngủ tám giờ đồng hồ, thì đã mất một phần ba thời gian rồi, mất đi 12.000 ngày rồi. Lại trừ tiếp thời gian lúc tuổi nhỏ và tuổi già, các vị tỉ mỉ tính xem, thời gian con người thực sự sống trên thế gian này là vô cùng ngắn ngủi! Thọ mạng 100 năm, nhiều lắm chỉ có thể sử dụng 10 năm mà thôi, là một phần mười thời gian. Thời gian ngắn ngủi như vậy, chúng ta hà tất phải tạo nghiệp?

Phật trong kinh điển thường dạy chúng ta, “thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”, cơ hội hiếm có khó gặp mà chúng ta đã gặp rồi, gặp rồi thì nhất định phải trân trọng, lợi dụng cơ hội này mà tu phước. Không tạo nghiệp chính là tu phước. Thọ mạng của cõi người ngắn ngủi, thử nhìn xem, những cõi khác trong lục đạo đều sống lâu hơn cõi người. Các vị có thể cho rằng lời nói này chưa đúng lắm, chúng ta nhìn thấy rất nhiều động vật nhỏ trong cõi súc sanh sáng sanh chiều đã chết rồi. Không sai! Những động vật nhỏ này ngu si, chấp trước kiên cố vào thân hình, tập tính của chúng, cho nên không dễ gì thoát ly thân súc sanh. Thích-ca Mâu-ni Phật trong kinh điển có kể một câu chuyện cho chúng ta, Phật nhìn thấy một tổ kiến trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc thì mỉm cười? Đệ tử thấy Phật nhìn tổ kiến rồi cười thì hỏi vì sao Ngài cười? Phật nói: “Tổ kiến này, bảy vị Phật xuất thế rồi mà chúng vẫn chưa thoát khỏi thân kiến”. Không phải nói thọ mạng của kiến dài, mà nói chúng chết đi rồi vẫn ở trong tổ kiến đó đầu thai lại làm kiến. Nguyên nhân là gì? Chấp trước. “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, chúng không giác ngộ, cho rằng thân đó là thân của mình, cho rằng hoàn cảnh cuộc sống đó là hoàn cảnh sống của chính mình, đời đời kiếp kiếp đều làm kiến, đời đời kiếp kiếp không rời khỏi được cái tổ của mình, thật đáng sợ!

Thế nên cổ Thánh tiên Hiền từ bi đến cùng cực, các Ngài đều là lợi ích chúng sanh, không vì lợi ích chính mình, lợi ích chính mình thì hà tất phải nói nhiều như vậy, viết nhiều chữ như vậy làm gì, mệt chết được. Các Ngài vì sao không chọn thanh nhàn tự tại, vì sao phải tận tâm tận lực dạy người, chỉ chuyên làm lợi ích cho người? Ân đức này quá lớn, đáng tiếc chúng sanh thế gian ngu muội, không nhận ra được ân đức.

Các vị xem chư Phật Bồ-tát, Thánh Hiền thế gian xuất thế gian, các Ngài mong cầu chúng ta điều gì? Chúng ta ngày ngày kỷ niệm, tế bái, cung kính các Ngài, đó không phải là điều các Ngài cần, không phải vì cái này. Các Ngài cái gì cũng chẳng cần, chỉ hi vọng chúng sanh được tốt, học tốt hướng thiện, không đọa lạc vào trong ác đạo chịu khổ. Chân thật những gì mà nhà Phật nói là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi” là không có điều kiện. Các Ngài đối với chúng ta không mong cầu bất cứ thứ gì, chúng ta phải nhận thức rõ ràng [điều này]. Chúng ta cung kính Thánh Hiền, thực tế mà nói là tôn kính tánh đức của chính mình, là tôn trọng sự hiếu học của chính mình. Ý nghĩa trong đó rất sâu xa, hiện tại ngày càng ít người trên thế gian hiểu được điều này. Vì sao vậy? Không có ai nói, cũng không ai chịu làm.

Chúng ta may mắn có thể gặp được Phật pháp, có thể gặp được Phật pháp Đại thừa. Những năm 1970, ông Thang Ân Tỷ (Joseph Toynbee) người Anh nói rằng: “Thế kỷ 21, chỉ có Phật pháp Đại thừa và học thuyết Khổng Mạnh mới có thể cứu chúng sanh khổ nạn”, người phương Tây nghe được câu nói này có tính cảnh giác tương đối cao, chúng ta cũng nhìn ra được. Trường học ở Anh, từ mẫu giáo cho đến đại học đều có học kinh Phật, đó là họ đã cảnh giác. Úc châu cũng đang làm theo, lần trước chúng tôi tới Úc, lãnh đạo chính phủ Úc còn nhờ chúng tôi, mong muốn chúng tôi biên soạn sách giáo khoa cho mẫu giáo vào tiểu học. Thiên Chúa giáo thì yêu cầu Linh Mục của họ đối thoại với Phật giáo, đều là bị ảnh hưởng của ông Thang Ân Tỷ. Chúng ta là người Trung Quốc, chúng ta kế thừa Phật pháp Đại thừa và văn hóa Nho gia, việc tu học của chúng ta so với họ mà nói nhân duyên thù thắng hơn nhiều. Ngôn ngữ, văn tự, hình thái ý thức dễ dàng hơn họ, họ phải vượt qua những khó khăn này mới có thể nhìn thấy được giáo học của Đại thừa và Nho gia. Chúng ta ngày nay sống trong đó, nên biết được phải nghiêm túc nỗ lực, nhất định phải biết được chính mình. Người xưa thường nói phải có “tự tri chi minh”, biết được căn tánh của chính mình, điều này quan trọng hơn bất cứ thứ gì, biết được năng lực của chính mình, biết được hoàn cảnh sống của chính mình, ta phải nên làm những gì, nên học những gì. Quyết định mục tiêu và phương hướng mà đời này chính mình phải nỗ lực, như vậy mới có thể có thành tựu. Nếu như trong đời này không có mục tiêu, không có phương hướng thì các vị sống đến già vẫn không có chút thành tựu, điều này thật đáng tiếc biết bao!

Hoàn cảnh sống của chúng ta rất khổ, pháp thế gian đều không phải là thành tựu chân thật. Nhà Nho và nhà Phật đều dạy chúng ta như vậy. Pháp thế gian dù có huy hoàng thế nào đi nữa cũng chỉ là phù dung sớm nở tối tàn, không có ý nghĩa, không có giá trị. Người thế gian truy cầu những hư vinh này mà không biết thực tế. Chỉ có đại Thánh đại Hiền, các Ngài mới rõ ràng, mới hiểu được, cái mà các Ngài truy cầu là chân thật. Chân thật là đạo đức, đạo đức nhân nghĩa mới là chân thật. Chúng ta phải lấy cái này làm mục tiêu, tỉ mỉ mà tư duy căn tánh của chính mình.

Lên bục giảng kinh không phải ai cũng có thể làm được, nhất định phải biết căn tánh của chính mình, phải hội tụ đầy đủ vài điều kiện cơ bản. Điều kiện thứ nhất là phải “xả mình vì người”, phải có tâm từ bi! Các vị không có tâm này thì học vấn của các vị không thể thâm nhập, không thể thấu triệt. Tự tư tự lợi là chướng ngại lớn nhất, nhà Phật thường nói “từ bi vi bổn, phương tiện vi môn” (từ bi là gốc, phương tiện là cửa), tâm từ bi là căn bản, căn bản dạy học là đại từ đại bi. Chúng ta tỉ mỉ quan sát, từ Thích-ca Mâu-ni Phật cho đến lịch đại Tổ sư Đại đức hoằng pháp, nếu không có tâm từ bi thì hiệu quả hoằng pháp lợi sanh có hạn, tầm ảnh hưởng không lớn, chân thật có thành tựu to lớn đều là đại từ đại bi. Đó là điều kiện cần có đầu tiên.

Điều kiện thứ hai nhất định là “sư thừa”, điều này khó! Sư thừa là tuyệt đối tôn kính phục tùng đối với lão sư. Lão sư là người từng trải, lão sư đem kinh nghiệm tâm đắc truyền thụ cho chúng ta, chúng ta không kính trọng lão sư, không tu học theo phương pháp của lão  sư thì làm sao có thể thành công? Chỉ đành tự mình tìm tòi, điều này khó! Cho nên người khéo học, nhất định sẽ trân trọng kinh nghiệm thành tựu của Thầy mình, lấy đó làm nền tảng, hoàn toàn kế thừa điểm tốt của lão sư, lại sửa đổi khuyết điểm của chính mình thì học trò sẽ vượt qua thầy của mình. Nhà Phật, nhà Nho đời đời tương truyền đều là dùng phương pháp này dạy bảo. Thời đại mới tiến bộ, trình độ văn hóa mới không ngừng nâng cao, nếu không có điều kiện tôn sư trọng đạo này thì chúng ta sẽ không hoằng pháp lợi sanh được ở trên bục giảng.

Điều kiện thứ ba là phải hiểu được “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Một môn thâm nhập, phải thâm nhập đến mức độ nào? Thâm nhập đến kiến tánh, dùng điều này làm tiêu chuẩn. Trong Giáo hạ nói chính là thâm nhập đến viên giải, đại khai viên giải. Hiện tượng này tức là thông một bộ kinh rồi, thông tức là thấu đạt được tánh, kiến tánh thì đều thông hết thảy kinh. Mở bất kỳ bộ kinh nào ra, ý nghĩa trong đó các vị đều rõ ràng, minh bạch. Không những Phật pháp thông rồi mà hết thảy pháp thế gian cũng đều thông, đây là điều mà nhà Phật thường nói: “Một bộ kinh thông, hết thảy kinh đều thông”.

Chúng ta nếu không tuân theo nguyên lý nguyên tắc này, chính mình muốn sáng tạo thì sẽ tương đối không dễ dàng. Nguyên lý nguyên tắc này được dùng trong nhà Phật hai ba ngàn năm rồi. Trong ba ngàn năm này, bất luận là tại gia hay xuất gia tu học thành tựu đều không đi ngược lại nguyên tắc này, đều là đi theo con đường này. Chúng ta muốn từ bỏ con đường của người xưa, chính mình mở một con đường mới thì chuyện này không phải là chuyện dễ dàng. Cho nên chúng ta nhất định phải biết, phải chăm chỉ đoạn ác tu thiện, đoạn những tập khí ác của chính mình. Nếu đối với Phật pháp, thiện pháp, thiện hữu, chúng ta không tin tưởng, không khẳng định, còn do dự không quyết thì đây đều là ác. Chúng ta phải chân thật sửa đổi lại, phải bồi dưỡng điều kiện thành công của chính mình.

Thành công còn phải nhận được sự giúp đỡ của ngoại duyên, bên trong có thân nhân duyên, bên ngoài có ngoại duyên, quan trọng nhất là ngoại duyên, ngạn ngữ xưa có câu “thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Thế nên chúng ta mới biết “nhân hòa” quan trọng hơn bất cứ điều gì. Giữa người với người nhất định không được kết oán, một ý niệm cũng không được có. Chúng ta hành Bồ-tát đạo, chúng ta học Phật, người khác đối với chúng ta có oán hận nhưng chúng ta đối với họ nhất định không được có ý niệm oán hận nào, đến suy nghĩ cũng không được có, vì chúng ta học Phật còn họ không học Phật.

Nhà Phật gọi người tu hành, gọi Bồ-tát là “nhân giả”, “nhân giả” là cách xưng hô tôn quý nhất trong nhà Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật đều gọi các vị Bồ-tát là nhân giả. Nhân giả là gì? Người nhân từ, người đầy đủ tâm Bồ-đề, tâm từ bi, người như vậy được xưng là nhân giả. Nhà Nho nói “nhân giả vô địch” (người nhân không có kẻ đối địch), nhà Nho định nghĩa như vậy cho từ “nhân giả”. “Địch” là gì? Là đối lập với người, nếu các vị đối lập với bất kỳ chúng sanh nào thì các vị là bất nhân. Nhân giả đích thực dùng tâm chân thành, nhân từ mà đối đãi với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật.

Vì sao lại sanh ra đối lập? Vì quan niệm chủ quan quá mạnh, không chịu nhường người khác thì đối lập với người, đôi bên không nhường nhịn lẫn nhau. Hai bên chỉ cần có một bên nhường nhịn thì vấn đề sẽ được giải quyết. Ai chịu nhường nhịn? Phật Bồ-tát chịu nhường nhịn. Phật Bồ-tát tùy thuận tánh đức, phàm phu tùy thuận phiền não, phiền não thì sẽ không nhường nhịn, tánh đức mới nhường nhịn. Phiền não là ác, tánh đức là thiện. Tùy thuận lời dạy bảo của Đức Phật, tùy thuận lời dạy bảo của cổ Thánh tiên Hiền thì đều là tùy thuận tánh đức, chúng ta phải hiểu được điều này, phải chăm chỉ học tập.

Phương pháp tích lũy công đức vô lượng vô biên, sự nghiệp giáo hóa chúng sanh thì mọi người phải đồng tâm hiệp lực, một người đơn độc không thể làm được. Mọi người hiểu được việc hoằng pháp rất quan trọng, nếu như không có hộ pháp, không có điều kiện hộ trì bên ngoài thì người hoằng pháp cũng không có chút tác dụng gì.

Các vị nhìn cuộc đời tôi sẽ thấy rất rõ ràng. Cuộc đời của tôi gặp được ba người thầy tốt, thầy là người chỉ đường, đường phải tự mình đi, đi con đường này cần người giúp đỡ, chính là hộ pháp. Nếu tôi không có được sự hộ trì của Hàn Quán Trưởng thì rõ ràng tôi chỉ có hai con đường để đi, một là kinh sám Phật sự, hai là hoàn tục, không có con đường khác để đi. Các vị muốn phát tâm giảng kinh nhưng ai mời các vị đi giảng kinh? Ai sẽ để cho các vị giảng kinh? Nên người hộ trì thật quá quan trọng.

Tôi ở Đài Loan có được sự hộ trì của Hàn Quán Trưởng, 30 năm giảng kinh không gián đoạn. Trước đây tôi ở Hồng Kông giảng kinh, mỗi năm đi một lần giảng một tháng. Nhờ có sự hộ trì của Lôi cư sĩ, tôi ở Hồng Kông giảng kinh bảy tám năm. Sau khi Lôi cư sĩ vãng sanh, không có ai mời thì đành gián đoạn việc giảng kinh. Sau khi Hồng Kông trả về Trung Quốc tôi đi tham dự, gặp lại các đồng tu xưa, họ nói: “Pháp sư, Ngài đã nhiều năm rồi không đến đây”. Tôi nói: “Không phải tôi không đến mà không có ai mời tôi”. Ở Singapore, các vị nghĩ xem nếu không có cư sỹ Lý Mộc Nguyên thì tôi không có chỗ đứng ở Singapore này. Cho nên hộ pháp không phải ở chỗ nhiều mà thực sự phải có được một đại hộ pháp đắc lực, hoằng pháp hộ pháp phải phối hợp thì Phật pháp mới có thể trường tồn trên thế gian.

Cho nên chúng ta tự mình nghĩ xem, nếu chúng ta chân thật tự mình phát tâm hoằng pháp lợi sanh, nếu chưa đủ điều kiện lên bục giảng thì làm công việc hộ trì, chân thật phát tâm hộ trì, phối hợp chặt chẽ như vậy thì Phật pháp sẽ hưng thịnh, chúng sanh có phước báo, công đức nhất định là tương đương. Nhất định không nên hiểu lầm, công đức của Pháp sư trên bục giảng lớn, công đức của chúng ta hộ trì thì nhỏ, không có chuyện này, đều lớn như nhau. Cũng giống như một chiếc đồng hồ, lên bục giảng kinh cũng giống như kim đồng hồ vậy, bên trong thiếu một con ốc thì nó không chạy được. Thế nên công đức là bình đẳng, không có lớn nhỏ. Chúng ta hiểu được đạo lý này thì phải hợp tác lẫn nhau, phát dương quang đại Phật pháp, lợi ích chúng sanh.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây. A Di Đà Phật!

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *