Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 74

Phần A Phần B

Các vị đồng học, xin chào mọi người. Mời xem đoạn thứ 61 trong Cảm Ứng Thiên.

 Xạ phi trục tẩu, phát trập kinh thê. Điền huyệt phúc sào, thương thai phá noãn” (Săn bắt chim thú; Phá lỗ hang loài vật, làm kinh động chỗ chim đậu; Lấp lỗ hang và lật úp tổ chim; Phá thai hại trứng)

Đây là đoạn thứ tư nói về tội ác sát sanh trong phần Ác báo. “Phi” là chỉ loài chim bay, “tẩu” chỉ loài thú chạy, “trập” tức là động vật [côn trùng] nhỏ bé vẫn chưa sanh ra. “Thê” tức là nghỉ ngơi, chỉ cho chim chóc nghỉ ngơi trên cây, các loài thú nghỉ ngơi trong hang động. “Thương thai phá noãn”, “thai” là chỉ các loài thú, “noãn” tức là phi cầm (chim).

Con người thời xưa sống cuộc sống du mục nên sát sanh cũng là hành vi bất đắc dĩ. Thế nên thời xưa, cổ Thánh tiên Vương khi đi săn bắt thì thường “mở lưới trống ba phía”, đây là nhân từ, tuyệt đối không phải đuổi cùng giết tận trong một lần. Cái tâm đó, hành vi đó thật quá tàn nhẫn, cho nên “mở lưới trống ba phía”.

Con người nhất định phải có tâm từ bi, nhất định không nên sát hại bất kỳ động vật nào. Chúng ta tự đặt mình vào đó mà nghĩ xem, khi người khác tổn thương chúng ta, trong tâm chúng ta có cảm nhận như thế nào? Người khác giết hại người thân của chúng ta, thậm chí là giết hại chính chúng ta, nhất định chúng ta sẽ ôm thâm thù đại hận, tâm báo thù vĩnh viễn không phai nhạt. Người học Phật đều hiểu, con người chết đi không phải là hết. Nếu chết đi là hết, vậy chuyện này dễ dàng rồi. Người hiện nay mê tín khoa học, nói người có tôn giáo tín ngưỡng là mê tín, lời nói này thật quá võ đoán. Chúng ta bình tĩnh mà tư duy thì thấy lời này nói không thông.

Phật nói với chúng ta một chân lý “nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh” (tất cả pháp từ tâm tưởng sanh ra). Trong lòng các vị nghĩ đến Thần thì Thần sẽ xuất hiện, trong lòng các vị nghĩ tới ma thì ma sẽ xuất hiện, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh mà! Trong tâm chúng ta có rất nhiều suy nghĩ mà chính mình không thể phát giác.

Suy nghĩ vi tế từ đâu mà có? Từ vô lượng kiếp tích lũy mà có. Phật đã nói rõ với chúng ta, A-lại-da thức giống như một cái kho vậy, ý niệm từ vô lượng vô biên kiếp đến nay của các vị đều trồng xuống hạt giống, hạt giống này gặp được duyên thì khởi hiện hành, vô cùng vi tế. Thập pháp giới từ đâu mà có? Từ tâm tưởng sanh. [Nếu] “tôi không nghĩ tưởng” thì còn có nữa không, hay là vẫn có? “Tôi không nghĩ tưởng” là cái tôi hiện tại không nghĩ, cái tôi đời này không nghĩ, vậy đời trước có nghĩ hay không?

Người hiện tại mê tín khoa học, không tin vào báo ứng của thiên địa quỷ thần. Nhưng trên thực tế ở phương Tây, những chuyện báo ứng của quỷ thần, chúng ta thường nghe, thường thấy ở trên tin tức báo chí. Họ nói chuyện này khoa học không thể lý giải. Chuyện khoa học không thể lý giải rất nhiều. Điều này cho thấy khoa học không phải là vạn năng, khoa học vẫn chưa đạt đến cảnh giới cứu cánh viên mãn. Ngày nay [khoa học] vẫn còn đang tìm tòi, vẫn còn đang suy đoán. Lĩnh vực tri thức không có bờ bến còn thành tựu của khoa học ngày nay thì có giới hạn.

Không chỉ Phật pháp mà các nhà tôn giáo khác thực sự đều có trí huệ, rất nhiều nhà tôn giáo khác cũng có công phu định ở mức độ khá cao. Mặc dù họ không giống như Thiền Tông ngồi quay mặt vào tường tọa thiền, nhưng tâm địa của họ thanh tịnh, thanh tâm quả dục, đối với danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian vô cùng lợt lạt, người như vậy có công phu thiền định.

Định là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh có thể đột phá chướng ngại của thời gian, không gian. Trong lục đạo họ có thể nhìn thấy được cõi trời, có thể nhìn thấy được cõi ngạ quỷ, có thể nhìn thấy được địa ngục. Đó là gì? Đột phá chiều không gian. Công phu càng sâu thì mức độ đột phá càng lớn, càng sâu càng rộng, sâu rộng không biên giới. Sự thù thắng của Phật pháp, công phu định của Phật đã đạt tới chỗ rốt ráo, đột phá được chiều không gian rồi. Phật nói với chúng ta, công phu như vậy, kiến giải trí huệ như vậy, không phải chỉ mình Ngài có, Ngài không thể nào độc chiếm. Ngài nói “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”, Phật pháp là bình đẳng. Vấn đề là tâm của các vị hiện tại đã loạn rồi, chỉ cần các vị có thể khôi phục lại sự an ổn, thanh tịnh cùng cực giống như Phật thì các vị sẽ hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Cho nên Phật Bồ-tát bảo chúng ta đi chứng minh, chứng thực. Chúng ta có thể chứng thực lời Ngài nói không phải là giả. Làm thế nào chứng thực? “Diệt trừ tham sân si, siêng tu giới định huệ” thì các vị sẽ hiểu được chân tướng sự thật, hiểu được nhân quả báo ứng trong lục đạo, oan oan tương báo không bao giờ dứt.

Con người không những không được sát hại chúng sanh mà trong giới kinh còn khuyên bảo chúng ta cũng không được làm chúng sanh phiền não, dù vô ý cũng không được huống hồ là cố tình. Khởi tâm động niệm đều có báo ứng, thiện nhân cho thiện quả, ác nhân gặt ác báo. Sau khi hiểu được đạo lý này rồi tự nhiên sẽ đoạn ác tu thiện.

Con người sống trên thế gian, thời xa xưa họ hiểu được phải chọn hoàn cảnh sinh sống, môi trường sinh sống. Thế nào là môi trường tốt? Ngạn ngữ nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”, đây là tiêu chuẩn cho chúng ta chọn lựa môi trường sống. Nơi nào có môi trường tốt? Nhân hòa, con người nơi đây hòa ái, thiện lương, nhân từ, không làm não hại chúng sanh. Mấy năm trước tôi lần đầu đến Úc, nghe nói người Úc rất bảo vệ động thực vật. Sửa đường phải chặt cây, nhìn thấy trên cây có tổ chim thì không thể chặt cái cây này, phải đợi những chú chim non trưởng thành, bay đi rồi mới chặt, có khi phải đợi mất mấy tháng, chúng tôi nghe thấy rất cảm động. Những nơi khác chỉ xem đây là công trình công cộng, không để ý đến chuyện này. Thế nên từ chỗ này mà quan sát thì các vị biết được tấm lòng yêu thương của con người nơi đây đối với động thực vật còn như vậy, huống hồ là đối với con người? Cho nên nơi đây là môi trường sinh sống tốt. Lúc đó Quán Trưởng cùng với chúng tôi đi đến Úc tham học, sau khi xem xong bà nói đó mới thực sự là thiên đường ở nhân gian, vô cùng hâm mộ. Bà cảm thán nói, đáng tiếc là bà đã đầu tư xây đạo tràng ở Mỹ rồi.

Cho nên chúng ta chọn môi trường sống, chọn nơi ở, điều kiện thứ nhất là nhân hòa, con người nơi này vô cùng thiện lương, vô cùng hiền hòa. Tận hư không khắp pháp giới, nơi mà nhân hòa đạt mức chí thiện, chư Phật đều tán thán và giới thiệu cho chúng ta chính là thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ” (các bậc thượng thiện cùng tụ hội về một nơi), người ở Tây Phương Cực Lạc là thượng thiện, không phải là thiện thông thường. Chúng ta nếu muốn sanh đến thế giới Tây phương Cực Lạc thì chính mình nghĩ xem đã làm được thượng thiện hay chưa? Nếu như làm được thượng thiện thì nguyện thứ 18 trong 48 đại nguyện có nói là dù mười niệm, một niệm cũng nhất định vãng sanh Tịnh độ.

Nếu không phải là thượng thiện, khởi tâm động niệm vẫn là ác niệm, lời nói, việc làm vẫn là hành vi ác, tự tư tự lợi, tham sân si mạn, người như vậy cho dù một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh. Lời này không phải tôi nói, là Tổ sư Đại đức xưa đã nói, có câu “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Cho nên điều kiện vãng sanh trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng, thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm, “tam bối vãng sanh”, [điều kiện] vãng sanh ba bậc thượng trung hạ đều là nói tám chữ như nhau: “phát Bồ-đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm”, tám chữ này chính là chí thiện.

Thế nào là Bồ-đề tâm? Bồ-đề tâm là thiện tâm chân thật. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Thế Tôn có nói cho chúng ta Bồ-đề tâm là tâm chí thành, là chân thành đến cùng cực, chúng ta có phát cái tâm này hay chưa? Phải dùng tâm chân thành đối đãi với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, nhất định không được lừa gạt, đó là chân thành, nhất định không có chút hư dối. “Thâm tâm” là tự thọ dụng của tâm chân thành, chính là trong Kinh Kim Cang nói: lìa hết thảy tướng mới là thâm tâm. Người xưa có giải thích “hiếu đức hiếu thiện” (mến đức ưa thiện) chính là thâm tâm. Cái gì là đức? Lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là đức. Cái gì là thiện? Giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui là thiện, phải có cái tâm như vậy. Thứ ba là “hồi hướng phát nguyện tâm”, phải đem thiện tâm thiện hạnh của các vị vận dụng vào thực tế, thực làm mới là phát nguyện hồi hướng. Không có tâm Bồ-đề thì nhất hướng chuyên niệm cũng không thể vãng sanh. Điều kiện vãng sanh của các vị chỉ có một nửa, vẫn còn thiếu một nửa, các vị làm sao vãng sanh được. Nói cách khác, Bồ-đề tâm đầy đủ rồi liền quyết định tư cách vãng sanh.

Sau đó vì sao phải nhất hướng chuyên niệm? Các vị nếu không nhất hướng chuyên niệm, “tôi có tư cách rồi nhưng tôi không muốn đi”, vậy cũng không có cách gì đi được. Cho nên “phát Bồ-đề tâm” chính là điều kiện đầy đủ của các vị, “nhất hướng chuyên niệm” là tôi nguyện ý đi, các vị có đủ điều kiện lại bằng lòng đi thì đương nhiên sẽ vãng sanh.

Do đó Đại sư Ngẫu Ích trong Yếu Giải nói với chúng ta rất hay: “Có thể vãng sanh được hay không phải xem ở chỗ có tín nguyện hay không”. Tín nguyện là gì? Tín nguyện là Bồ-đề tâm, là điều kiện chân thật để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc “phẩm vị cao thấp thì xem ở công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Hai câu này của Ngài nói rất hay.

Người chân thật phát Bồ-đề tâm, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì làm theo “pháp mười niệm” của Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh dạy chúng ta là được. Sáng sớm niệm mười niệm, Pháp sư Quán Đảnh dạy một niệm là một hơi, một hơi thở không hạn chế niệm được bao nhiêu câu Phật hiệu, thời gian niệm mười hơi thở không dài. Buổi tối trước khi đi ngủ cũng tu pháp mười niệm này, người này nhất định vãng sanh. [Việc này] phù hợp với những gì dạy trong kinh điển là không gián đoạn. Ngày ngày đều làm, một ngày cũng không thiếu, như vậy là một đời không gián đoạn. Phương pháp mười niệm này tốt, thời gian ngắn, các vị khi niệm Phật “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”.

Tôi dạy cho các đồng tu pháp mười niệm là niệm mười câu Phật hiệu, còn đơn giản, dễ thọ trì hơn. Một ngày tu chín lần. Có rất nhiều đồng tu dùng phương pháp này. Phương pháp này đối với người công việc bận rộn sẽ không làm lỡ công việc của họ, hiệu quả càng thù thắng.

Những điều trên cho thấy việc phát tâm rất quan trọng, chỉ có phát tâm niệm Phật mới có thể vãng sanh. Phải đoạn ác tu thiện, phải biết được cái gì là căn bản của ác, cái gì là căn bản của thiện. Người biết tu phải tu từ căn bản, căn bản là tâm, chính là tâm thiện lương, tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, đó là chí thiện. Dùng cái tâm chí thiện này đối đãi với hết thảy người, hết thảy việc, hết thảy vật đó gọi là tu tất cả thiện.

Cho nên không những đối với động vật mà đến thực vật cũng không được làm hại. Trong giới kinh của nhà Phật nói rất rõ ràng: “tỳ- kheo thanh tịnh, không giẫm đạp lên cỏ xanh”. Cỏ mọc rất tốt mà các vị đi ngang qua giẫm đạp chúng thì các vị không nhân từ, không có tâm từ bi. Hoa nở rất đẹp, các vị ngắt xuống thì không có tâm từ bi rồi. Thế nên giới kinh nói với chúng ta khi đi đường, nếu có đường thì nhất định phải đi theo đường, không thể đi trên cỏ, trừ phi nơi đó các vị nhất định phải đi qua mà không có đường đi, vậy thì được, đây là khai duyên. Nếu như nơi này có đường, các vị lại giẫm đạp lên cỏ, vậy là các vị phá giới, các vị làm tổn thương tâm từ bi. Những giới điều nhỏ nhặt này, có mấy người nhớ đến, có mấy người tuân thủ?

Đối với cây cỏ còn yêu thương bảo vệ như vậy thì động vật làm gì có đạo lý không yêu thương bảo vệ. Hiện tại chúng ta ăn chay, đây là đại thiện, không kết oán thù với hết thảy chúng sanh. Tuy nhiên có khi ăn uống do vô tình hữu ý mà làm hại đến những sinh vật nhỏ, vẫn khiến một số động vật sanh phiền não, chúng ta ngay lập tức phải cảnh giác, đó là lỗi lầm của chúng ta. Biết sám hối, biết sửa lỗi, như vậy là tốt.

 

**********

(Tập 74B)

 

Các vị đồng học. Kinh văn phần trước của Cảm Ứng Thiên có  nói:

Xạ phi trục tẩu, phát trập kinh thê. Điền huyệt phúc sào, thương thai phá noãn (Săn bắt chim thú; Phá lỗ hang loài vật, làm kinh động chỗ chim đậu; Lấp lỗ hang và lật úp tổ chim; Phá thai hại trứng). Bốn câu này là nói tội ác sát sanh.

Thế gian có rất nhiều tôn giáo, những tôn giáo từ xa xưa trong lịch sử dường như không có tôn giáo nào không khuyên người giới sát (đừng giết hại). “Sát đạo dâm vọng” không những là giới điều căn bản của nhà Phật mà có thể nói là giới điều căn bản của hết thảy tôn giáo trên thế giới, trong đó không sát sanh đứng ở vị trí thứ nhất. Chúng ta nhất định phải tôn trọng cổ Thánh tiên Hiền thế xuất thế gian, tôn trọng đức hạnh, học vấn và công phu tu học của các Ngài, đó là những điều mà chúng ta không sánh kịp.

Trong tôn giáo cấp cao, không ai không tu thiền định. Chúng ta biết được trong định có cảnh giới, cũng giống như người bình thường nằm mộng, trong mộng có cảnh giới. Cảnh giới trong mộng là chủng tử tập khí trong A-lại-da thức khởi hiện hành, đó là hư huyễn không thật. Thế nhưng cảnh giới trong định và cảnh giới trong mộng hoàn toàn khác nhau. Trong định có thể nhìn thấy được quá khứ, thấy được tương lai, thấy được thế giới này của chúng ta, cũng thấy được thế giới khác.

Nhà Phật nói lục đạo luân hồi, thực ra lục đạo luân hồi là kiến giải chung của hầu hết tôn giáo thời Ấn Độ xưa. Họ làm thế nào phát hiện ra? Là ở trong thiền định mà nhìn thấy, không phải là một người thấy mà rất nhiều người thấy. Chúng ta có thể nhìn thấy hay không? Đáp án là khẳng định, chỉ cần các vị tu định, tu tâm thanh tịnh, không cần thời gian dài, nửa năm đến một năm thì các vị có thể nhìn thấy cõi ngạ quỷ.

Tôi trước đây xuất gia có một bạn đồng tu là pháp sư Minh  Diễn, ông là người bạn rất thân với tôi. Những năm đó ông học Mật tông với lão cư sĩ Khúc Lương Quang. Đại khái sau thời gian một năm, ông ấy nói với tôi, lúc ông ngồi thiền, lúc dụng công nhìn thấy cõi quỷ, tình trạng cuộc sống ở cõi quỷ cũng giống với cõi người vậy. Ông nói buổi chiều 5-6 giờ là trên đường có quỷ đi lại, lúc đó là buổi sáng ở cõi quỷ, số lượng không nhiều, đến sau 10 giờ đêm thì rất nhiều, rất náo nhiệt. Người và quỷ sống chung lẫn lộn, người không nhìn thấy quỷ, quỷ không nhìn thấy người, ông nhờ công phu tu trì này mà nhìn thấy. Lúc mới gặp cũng cảm thấy sợ hãi, sau này thì quen rồi, cũng thấy bình thường, đôi bên không làm phiền đến nhau nhưng cùng sống chung một chỗ. Khi đó ông sống ở một nơi, nơi đó có xây một tòa tháp, tháp vẫn chưa xây xong, chỉ mới được hai tầng, có lẽ là do thiếu hụt kinh phí nên đã đình công, ông sống trong cái tháp đó, tôi gọi nó là bán tháp. Tòa tháp đó có mấy con quỷ sống bên trong, họ cũng yên bình không có việc gì, đôi bên đều dụng công. Thế nên qua lại với quỷ cũng không khó, còn dễ dàng hơn những cõi khác nhiều, chỉ cần có một chút công phu định thì có thể đột phá cảnh giới này. Đó không phải là nằm mộng, nằm mộng không thể nào ngày ngày đều nằm mơ một chuyện giống nhau, công phu định của ông có thể nhìn thấy quỷ, ngày nào cũng nhìn thấy, đây là thật không phải giả.

Chúng ta biết được các lãnh đạo của mỗi tôn giáo, Đại đức giáo chủ đều có công phu tu định ở một mức độ nào đó, thế nên họ đối với tình trạng của lục đạo vô cùng hiểu rõ, cho đến tận cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ. Thế nhưng những người này chỉ hiểu được bề ngoài mà không hiểu được bản chất. Thế Tôn vì chúng ta xuất hiện mà giảng kinh thuyết pháp, nói rõ tất cả đạo lý bản chất cho chúng ta.

Tại sao có lục đạo? Lục đạo từ đâu mà có? Không những có lục đạo mà còn có mười pháp giới. Tứ Thánh pháp giới trong thập pháp giới, các tôn giáo khác ít nói tới, việc này phải có công phu định cao hơn [mới biết được], công phu định của thế gian đạt không tới. Công phu định của thế gian trong Phật pháp gọi là tứ thiền bát định. Nếu muốn đột phá lục đạo, hiểu được tình hình bên ngoài lục đạo, trong Kinh Lăng Nghiêm có nói, công phu định của các vị phải nâng cao hơn nữa, công phu định đạt đến tầng thứ chín thì mới siêu vượt lục đạo, mới có thể nhìn thấy pháp giới Tứ Thánh.

Năng lực này Phật nói rất hay, là bản năng vốn có của hết thảy chúng sanh chúng ta, không phải là đặc quyền của riêng Ngài, chỉ có Ngài mới nhìn thấy còn người khác thì không nhìn thấy, không phải như vậy. Phật nói mỗi một người đều có thể nhìn thấy, hiện nay các vị nhìn không thấy là do năng lực của các vị đã bị chướng ngại rồi, chướng ngại này chính là phiền não, tập khí, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn. Các vị có những tập khí này thì bản năng của các vị bị chướng ngại rồi, đạo lý là ở chỗ này. Nếu như chúng ta buông bỏ được hết phiền não tập khí thì năng lực của chúng ta sẽ khôi phục, sẽ hiểu được tình hình của lục đạo, biết được quan hệ nhân quả trong lục đạo, mới hiểu được những giáo huấn mà cổ Thánh tiên Hiền dạy cho chúng ta, câu nào cũng đều là lời chân thật.

Sát sanh thì phải đền mạng, đời đời kiếp kiếp, oan oan tương báo bao giờ mới dứt. Phật nói với chúng ta, hết thảy chúng sanh đều có nghiệp duyên với nhau, duyên rất phức tạp chứ không hề đơn thuần. Phật đem nhân duyên phức tạp đó quy nạp thành bốn loại lớn: thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên và tăng thượng duyên. Mỗi một điều trong đó đều là vô lượng vô biên. Trong kinh điển Phật nói rất rõ ràng, nói rất thấu triệt, quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người và hết thảy mọi vật đều không rời bốn cái duyên này, có duyên thì ắt sẽ gặp. Thế nhưng duyên có thiện duyên, có ác duyên, oan oan tương báo.

Người giác ngộ làm thế nào chuyển ác duyên thành thiện duyên, chuyển thiện duyên thành pháp duyên, việc này cần có trí huệ, không có trí huệ thì làm không được. Oán kết cần phải hóa giải, Thánh Hiền của hết thảy tôn giáo đều khuyên người rằng “oan gia nên giải không nên kết”. Cha con, anh em đều là duyên phận, khi gặp phải duyên phận thì lúc này cả nhà đoàn tụ, cho dù đời này không gặp được thì còn có đời sau, hoặc là đời sau nữa, “khi nhân duyên hội tụ, quả báo vẫn tự mình nhận lấy”.

Hiện tại chúng ta nhìn xã hội này xem, thường xuyên nghe thấy con cái bất hiếu, anh em bất hòa, đây là duyên gì? Đương nhiên là duyên bất thiện, làm thế nào chuyển duyên bất thiện thành thiện? Đó là [thông qua] giáo dục, giáo hóa. Chúng ta nghe lời dạy của Thánh Hiền, trong lòng hiểu được rồi, giác ngộ rồi, cho dù trước đây có ác duyên, bình lặng mà nghĩ thì nên bỏ qua, buông xuống suy nghĩ báo thù, tiêu trừ ý nghĩ oán hận, như vậy mới có thể sanh khởi tâm từ bi lân mẫn. Dùng tâm từ bi đối xử với hết thảy chúng sanh, với hết thảy oan gia trái chủ thì chúng ta mới có thể siêu thoát, mới có thể không ngừng nâng cao tâm tánh của chính mình, đó là tự cầu đa phước.

Hôm nay tôi ở đây nhìn thấy tờ fax của cư sĩ Đồng Tiểu Anh ở Sơn Đầu Trung Quốc, nhà ông hiện tại gặp phải khó khăn, làm thế nào để giải quyết khó khăn? Phương pháp giải quyết khó khăn chân thật có hiệu quả là phải cầu Phật Bồ-tát. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, Đại sư Chương Gia dạy tôi rằng “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong cửa Phật, có cầu liền có ứng), chúng ta phải thành tâm cầu nguyện, phải phát nguyện, tự nhiên sẽ có cảm ứng.

Phải phân biệt được cái gì là chân tâm, cái gì là vọng tâm. Cái tâm vì lợi ích hết thảy chúng sanh là chân tâm, cái tâm vì tự tư tự lợi là vọng tâm. Chúng ta học Phật nhiều năm như vậy, rốt cuộc phải hiểu rõ ràng, minh bạch việc này. Mọi người đều đọc Tứ hoằng thệ nguyện rất thuộc, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chúng ta có chân thật suy nghĩ ý nghĩa của câu nói này hay không? “Chúng sanh vô biên” nhất định là không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, không phân biệt dân tộc, quốc gia, tất cả đều bình đẳng, hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới đều bao gồm ở trong đó. “Độ” nghĩa là gì? Độ là vì chúng sanh phục vụ. Cho nên thật sự hiểu rõ rồi, chúng ta sống trong thế gian này, phải giống như chư Phật Bồ-tát, phải giống với Thánh Hiền xưa nay trong và ngoài nước, sống trên thế gian này là vì cái gì? Vì xã hội an định, vì thế giới hòa bình, vì hạnh phúc chúng sanh. Ước mong này phải thực hiện, chúng ta phải thực sự thật làm, vì nhân dân phục vụ, vì xã hội phục vụ, vì chúng sanh phục vụ, vì thế giới mà phục vụ; không có tư tâm, không có mong cầu, không có bất kỳ điều kiện gì, đó là Thánh nhân, đó là Hiền nhân, đó là những gì mà hết thảy tôn giáo đều công nhận.

Chúng ta dùng tâm nguyện như vậy mà cầu chư Phật Bồ-tát, cầu hết thảy Thần minh thì đều sẽ được giúp đỡ. Tuyệt đối không phải chúng ta phải tin tôn giáo này thì Thần mới giúp chúng ta, mới bảo hộ chúng ta, không tin tôn giáo này thì Thần không bảo hộ chúng ta, đó là quan niệm sai lầm của con người. Chúng ta hãy xem lại kinh điển của rất nhiều tôn giáo đều không có cách nói này. Người chân thật có thể quên mình vì người, người này có phước, không có nói nhất định phải tin vào tôn giáo thì mới được.

Tuy trong kinh điển có rất nhiều lời chỉ dạy đặc sắc, nhưng ngay cả Phật pháp cũng không thể tránh khỏi việc thời gian truyền thừa lâu năm, người sau sẽ thêm ý của chính mình vào, đó là chuyện không tránh khỏi, chúng ta phải có trí huệ, phải có thể nhìn ra được. Làm sao có thể nhìn ra được? Nếu là lời đại công vô tư thì đó là lời dạy của Thánh Hiền. Nếu như trong đó có một chút tư tâm thì có thể là do người đời sau thêm vào, đó không phải là lời của chư Phật Bồ-tát, không phải là giáo huấn của Thần minh, chúng ta có thể từ phương pháp này mà quan sát tỉ mỉ.

Cho nên chúng ta gặp phải khó khăn, cầu Phật, cầu Thần minh bảo hộ, cầu phải có phương pháp, chúng ta phải có cùng thiện tâm, cùng thiện nguyện, cùng thiện hạnh với chư Phật Bồ-tát, với thiên địa quỷ thần. Thiện tâm, thiện niệm, thiện hạnh của con người sẽ được chư Phật Bồ-tát gia trì, long thiên thiện thần bảo hộ. Hết thảy vì chúng sanh, không vì chính mình.

Trong gia đình nuôi dạy con cái, nếu như nói “nuôi con để phòng khi về già”, người xưa thường nói câu này, cũng là tư tâm, như vậy không có được sự bảo hộ của Phật Bồ-tát. Các vị nuôi dạy con cái là vì xã hội, phải dạy bảo chúng thật tốt, tương lai chúng trưởng thành sẽ vì xã hội mà phục vụ, vì chúng sanh mà tạo phước. Nếu các vị có tâm nguyện như vậy, có thể làm được một cách nghiêm túc có trách nhiệm thì đó là đại hiền nhân. Ấn Quang Đại sư trong Văn Sao nói rất nhiều về sự an nguy của thế gian. Ấn Tổ nói phụ nữ là người nắm giữ hơn phân nửa [sự an nguy của thế gian], nhưng người chân thật hiểu được lời này không nhiều. Tổ sư nói rất hay, “trong nhà có vợ hiền thì mới dạy ra được người thiện lương”, có mẹ hiền mới có con cháu hiếu thuận. Người chồng là bậc hiền năng thì sẽ có hiếu tử hiếu tôn, nhất định là tạo phước cho xã hội, cho chúng sanh. Những bậc đại Thánh đại Hiền, chư Phật Bồ-tát từ đâu mà có? Từ người mẹ dạy mà ra, cho nên vợ hiền mẹ hiền là báu vật của xã hội, là báu vật của quốc gia, báu vật của chúng sanh.

Lời nói này chúng ta ở trong nhà Phật nghe được, trong nhà Nho nghe được, trong các tôn giáo khác cũng có cách nói này, đó là câu mà người xưa thường nói “Anh hùng sở kiến, đại lược tương đồng” (kiến giải của các bậc anh hùng thường tương đồng). Có rất nhiều lãnh tụ tôn giáo chưa từng gặp mặt nhau, cũng chưa từng họp với nhau, xã hội trước đây thông tin không thuận tiện, kinh điển của các tôn giáo khác chúng ta cũng không dễ gì xem được. Hiện nay khoa học phát triển, thông tin phát triển, chúng ta có duyên tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo, vừa nhìn thấy thì mọi người đều có kiến giải giống nhau, cách nghĩ giống nhau, cách nhìn nhận giống nhau, cách làm giống nhau. Chúng ta lúc này mới khẳng định, lời dạy bảo của đại Thánh đại Hiền xưa nay trong ngoài nước đều là chân thật. Chúng ta muốn cầu pháp thì phải tìm tòi, hiểu rõ, tin sâu không nghi ngờ, y giáo phụng hành, tự cầu đa phước. Như vậy mới có thể lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh, đạt được mục tiêu mang lại hạnh phúc cho xã hội, cho thế giới, cho chúng sanh.

Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng tới đây thôi. A Di Đà Phật!

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *