PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 80 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo KinhTập 75
Kinh văn: “Chỉ trang nghiêm cố, tất năng địch trừ nhất thiết kiết sử. Quán trang nghiêm cố, năng như thực tri chư pháp tự tánh”.
Hai điều này là nói “chỉ quán”. Chúng ta đem “chỉ” và “quán” hợp chung lại nói, tiếng Phạn gọi là “Xa-ma-tha”, “Tỳ-bà-xá-na”, “Thiền-na” (chúng ta đọc thấy ở trong kinh Lăng Nghiêm). “Xa-ma-tha” dịch là “chỉ”, “Tỳ-bà-xá-na” dịch là “quán”, “Thiền-na” là chỉ quán viên dung. Nhưng hàm nghĩa danh từ của nó có thể dùng thay cho nhau, “Xa-ma-tha” có thể dịch là “chỉ”, cũng có thể dịch là “quán”, nhưng nghiêng nặng về “chỉ”; “Tỳ-ba-xá-na” tuy dịch là “quán”, nhưng trong đó cũng có nghĩa của “chỉ”. Trên thực tế, “chỉ” và “quán” nhất định là viên dung, trong chỉ có quán, trong quán có chỉ. Giả dụ chỉ có “chỉ” mà không có “quán, thì đó chính là “định vô tưởng”. Tu định vô tưởng không liên quan gì với Phật pháp. Phật pháp nói, trong thiền định là có quán, cũng chính là nói trong định có cảnh giới.
“Chỉ quán” là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành của nhà Phật. Bất luận tu học pháp môn nào đều không thể lìa khỏi “chỉ quán”. Pháp môn niệm Phật của chúng ta cũng là tu chỉ quán. Trong niệm Phật đường thường hay nhắc nhở mọi người “buông xả vạn duyên”, đó là “chỉ”; “đề khởi Phật hiệu”, đây chính là “quán”. Từ đó cho thấy, “chỉ quán” chính là Thiền định. Niệm Phật đâu có phải là không tu Thiền? Thế Tôn ở trong kinh Đại Tập nói cho chúng ta biết, pháp môn niệm Phật là “vô thượng thâm diệu Thiền”, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên không có Thiền định thì chắc chắn không thể khai trí tuệ. Chúng ta biết, pháp môn niệm Phật thật sự là “vô thượng thâm diệu Thiền”, bạn còn khởi tâm động niệm muốn đi học Thiền, muốn đi ngồi Thiền, vậy là sai rồi. Bạn đã và đang tu “vô thượng thâm diệu Thiền” nhưng bạn không biết, không biết sự thù thắng của pháp môn mình đã tu.
“Chỉ quán” cũng được dịch thành “định tuệ”. Định chính là chỉ, tuệ chính là quán. Lại dịch là “tịch chiếu”, tịch là chỉ, chiếu là quán, ý nghĩa này vừa nói ra, quí vị liền sáng tỏ. Lại dịch là “minh tĩnh”, minh là quán, tĩnh là chỉ. “Chỉ” có nghĩa của “đình chỉ”, có nghĩa của “chỉ tức”. Ở trong thập thiện nghiệp đạo, chỉ tức thập ác, đề khởi thập thiện, đây là quán. Khởi tâm động niệm đều là thập thiện, cổ đức có cái gọi là “Động niệm thì vạn thiện cùng theo, chỉ tĩnh thì một niệm không sanh”, đây là công phu chỉ quán đã đạt rồi. “Vạn thiện cùng theo”, gốc của vạn thiện chính là thập thiện nghiệp đạo, gốc của vạn ác chính là thập ác nghiệp.
Thế Tôn nói bộ kinh này, từ sơ học mãi đến quả địa Như Lai, vô lượng vô biên pháp môn, như chúng ta phần trước đã học qua Lục Độ, Tứ Nhiếp, 37 phẩm trợ đạo, hiện nay chúng ta nói đến Chỉ Quán, làm sao để thực hiện vậy? Đều ở thập thiện nghiệp đạo. Xa lìa thập thiện nghiệp đạo thì tất cả mọi Phật pháp đều tan vỡ cả. Từ chỗ cơ bản nhất mà nói, một điều ở trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, nếu như không có thập thiện nghiệp thì “hiếu thân tôn sư, từ tâm bất sát” thảy đều trống không. Đây là nói đến căn bản của căn bản. “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, nếu như đối với thập thiện, thập ác mà chúng ta không hiểu, vậy thì chúng ta tu từ đâu? Hàng ngày tạo nghiệp, giống như trong kinh Địa Tạng đã nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm toàn là tội lỗi”. Tại sao vậy? Đều tương ưng với thập ác, nhất là ở trong xã hội hiện đại, luân thường không còn nữa. Chúng ta thường xuyên nghe thấy con cái giết hại cha mẹ, cha mẹ giết hại con cái, anh em tàn sát lẫn nhau. Loại sự kiện này, những năm gần đây ngày càng nhiều, ngày càng gia tăng, đây không phải là xã hội của con người.
Con người phải biết đạo lý. Cái gì là đạo vậy? Quan hệ giữa người với người là đạo, chúng ta gọi là “Ngũ đạt đạo” (đạt là thông đạt). Năm loại thông đạt đạo lớn chính là ngũ luân: vợ chồng, cha con, anh em, vua tôi, bạn bè, đó là quan hệ giữa người với người. Bạn hiểu được sự quan hệ này thì bạn liền phải tận nghĩa vụ. Nghĩa vụ là hiến dâng không có điều kiện, phụ từ tử hiếu, anh nhường em kính. Phải tận nghĩa vụ thì xã hội mới có trật tự. Giống như bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, chúng ta thường gọi là 24 tiết khí, ngăn nắp thứ tự. Tinh cầu vận chuyển ở trong không gian là có trật tự. Nếu nó không có trật tự, thế chẳng phải đã loạn rồi sao? Chúng đâm vào nhau, chẳng phải thảy đều hủy diệt rồi sao? Tất cả là có trật tự. Từ đó cho thấy, “Đạo” chính là “trật tự”. Trật tự này là tự nhiên, tuyệt đối không phải nhân tạo.
Thập thiện nghiệp là thường đạo, là căn bản của đại đạo, là đại đạo mà trời người và thánh nhân Tam Thừa cùng theo đuổi. Trái ngược lại với đại đạo này thì chắc chắn đọa lạc, đây là đạo lý nhất định. Đọa lạc chính là ba đường ác. Rơi vào trong ba đường ác thì hối hận rồi. Ở trong ba đường ác cũng có người giác ngộ, biết sai rồi, sửa chữa lỗi lầm. Phật Bồ Tát đại từ đại bi, không từ bỏ chúng sanh ba đường ác, cho nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều có chư Phật Bồ Tát giáo hóa ở trong đó. Nhưng chúng ta phải biết, Phật trong kinh thường nói, chúng sanh trong đường ác bởi do nghiệp chướng quá nặng, nên tu hành có khó khăn ở mức độ nhất định, không thuận lợi bằng cõi nhân thiên. Họ muốn quay đầu nhưng không dễ dàng. Chư Phật Bồ Tát từ bi đến cực điểm, không bỏ chúng sanh, vẫn giúp họ như xưa, giúp họ tiêu nghiệp chướng. Trong kinh Địa Tạng, quí vị đã thấy rất rõ ràng, rất tường tận. Giúp họ như thế nào vậy? Việc đầu tiên là giúp họ hồi phục lại thân người, thoát khỏi tam đồ. Nhưng khi được thân người, họ lại mê hoặc, một khoảng thời gian không lâu thì họ lại quay lại ba đường ác.
Được thân người, muốn thành tựu ngay trong đời này, vĩnh viễn không đọa ba đường ác, sự việc này là quá khó. Bản thân chúng ta là một điển hình. Tập khí của chúng ta tại sao nặng như vậy? Vì chúng ta là từ ba đường ác đến. Tập khí này nếu như không đổi, thì sau khi chết lại quay trở lại ba đường ác. Giống như Bồ Tát Địa Tạng đã nói, khó khăn lắm mới giúp bạn đến được cõi người, sao chưa được mấy ngày bạn lại quay trở lại rồi? Ngày tháng nhân gian dường như là rất dài. Quí vị phải biết, một ngày ở cõi ngạ quỷ là một tháng ở nhân gian. Giả dụ từ cõi ngạ quỷ phục hồi được thân người, tính cho bạn sống được 100 tuổi, sau khi chết rồi lại quay về cõi ngạ quỷ. Cõi ngạ quỷ nhìn thấy bạn đi chưa được mấy ngày thì đã quay trở lại rồi. Đây là do sự chênh lệch múi giờ rất lớn.
Chênh lệch múi giờ ở cõi địa ngục sẽ càng lớn hơn. Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam giới thiệu Phật pháp cho sinh viên đại học chuyên khoa. Thầy đã soạn một giáo trình gọi là “Phật Học Khái Yếu Thập Tứ Giảng”, ở trong đây có nói đến cõi địa ngục. Một ngày trong cõi địa ngục là 2.700 năm nhân gian chúng ta. Giả sử bạn sống được 100 tuổi, khi quay trở lại địa ngục, người ta nói bạn đi còn chưa đến một giờ đồng hồ, sao bạn lại quay vào rồi? Cho nên tam đồ quả thật là khó ra khỏi. Phật ở trong kinh có nêu ví dụ: “Đầu thò đầu thụt”, ví dụ này rất đáng suy ngẫm. Chỉ cần còn ở lục đạo, thì tam đồ là quê nhà. Đến ba đường thiện là giống như đi ra du lịch, thời gian đều rất ngắn ngủi, lập tức liền phải quay về. Cho nên ở trong ác đạo, “đầu thụt” là chìm vào dưới nước rồi; “Đầu thò” thì thỉnh thoảng ngoi đầu lên, hít một hơi không khí, đây gọi là “đầu thò”. Phật dùng những cái này để miêu tả chân tướng ở trong lục đạo. Cho nên nói tóm lại, chúng sanh trong lục đạo đều là “kẻ đáng thương hại”. Chúng ta thử xem, tập khí lục đạo nặng cỡ nào! Vẫn đang theo đuổi sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, vẫn đang theo đuổi tài, sắc, danh, thực, thùy, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quan niệm này, nguồn gốc đã có từ lâu, từ vô lượng kiếp huân tập mà thành. Phật hết lòng hết dạ bảo chúng ta dừng lại. Những tư tưởng này là tư tưởng sai lầm, những cách nhìn này là cách nhìn sai lầm. Sống đời sống vật chất quá sung túc rồi thì không muốn xa lìa.
Phật pháp dạy học, mục tiêu cuối cùng là lìa khổ được vui. Tại sao Phật đề xướng khổ hạnh? Chẳng phải dạy chúng ta lìa khổ được vui sao? Tại sao Phật muốn tu khổ hạnh, tại sao tán thán tu khổ hạnh? Lìa khổ được vui mà Phật nói không phải là cái vui của trời người trong lục đạo, chúng ta phải hiểu rõ ràng điều này. Lìa khổ được vui mà Phật nói là cái vui của thế giới Tây Phương Cực Lạc, là cái vui của thế giới Hoa Tạng. Không những không phải lục đạo mà ngay cả thập pháp giới cũng không phải. Nếu như chúng ta tham luyến cái vui của lục đạo, tham luyến cái vui của thập pháp giới, thì chúng ta sẽ vĩnh viễn không thể chứng được nhất chân pháp giới. Nhất chân pháp giới đó là chân lạc, cái vui đó không bị thối chuyển, không bị biến chất. Cái vui ở trong lục đạo vô cùng dễ dàng biến chất, gọi là “lạc cực sinh bi”.
Chiều hôm qua chúng tôi giải đáp vấn đề, có một đồng tu hỏi, kết hôn chưa đầy hai năm, hàng ngày vợ chồng cãi nhau. Khi bạn mới vừa kết hôn chẳng phải vui sao? Thời gian vui còn chưa được hai năm thì buồn đã đến rồi. Hai năm xem ra vẫn còn dài, có một số người kết hôn vài ba tháng là ầm ĩ cả rồi. Những sự việc này chúng ta quan sát tỉ mỉ thì sẽ giác ngộ ngay, biết bản chất này là nghiệp duyên, oán tắng hội, là khổ, chắc chắn không phải lạc.
Phật nói, chỗ mà A La Hán chứng được là tiểu quả, đó là vui nhỏ; thoát khỏi lục đạo luân hồi, đến pháp giới Tứ Thánh gọi là tiểu quả. Đại sư Thiên Thai gọi họ là “Tương tự tức”, là cái lạc tương tự, không phải chân lạc. Chân lạc là nhất định phải thoát khỏi thập pháp giới. Cho nên, Phật tán thán khổ hạnh là có đạo lý. Khổ hạnh, nói thật ra, khiến chúng ta đối với tam đồ lục đạo không có lưu luyến. Nếu như chúng ta gặp được duyên thù thắng, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đời này mới có thể có thành tựu. Nếu như bạn từng tâm, từng niệm không xả bỏ cái vui của ngũ dục ở trong lục đạo, thì bạn sẽ không thể vãng sanh, nhất định bỏ lỡ cơ duyên quý báu của đời này. Cho nên chúng ta ở trong đời sống thường ngày, phải học năng lực “chỉ quán” này. Ý nghĩ ham thích tất cả thọ dụng phải dừng lại; tất cả pháp thế xuất thế gian phải thấy rõ ràng.
Tôi khi mới học Phật, đại sư Chương Gia dạy tôi: “Thấy rõ, buông xả”. Thấy rõ là quán, buông xả là chỉ. Tôi thỉnh giáo thầy phương pháp thiện xảo nhất để vào cửa Phật. Thầy nói với tôi hai câu: “Thấy cho rõ, buông cho được”. Đây vẫn là chỉ quán. Vì tôi mới học Phật, nếu thầy nói “chỉ quán” thì tôi không thể hiểu, nên thầy đổi cách nói khác là “thấy rõ, buông xả”, như vậy tôi có thể nghe hiểu.
Thấy rõ là phải quan sát tỉ mỉ chân tướng sự thật. Chân tướng sự thật điều quan trọng nhất là thấy nhân quả. Nhân quả bày ngay trước mắt, bạn có thể thấy ra được nhân như thế nào thì kết quả báo như thế đó. Từ quả báo nhìn thấy nhân hành của nó, từ nhân hành bạn có thể thấy ra quả báo, vậy là bạn đã rõ ràng rồi. Thảy đều thấy rõ ràng, thấy minh bạch rồi, bạn đương nhiên buông xả, đâu có đạo lý nào không buông xả? Không buông xả là vẫn chưa thấy rõ ràng, đạo lý này phải biết. Hai điều này ý nghĩa vô cùng rộng, thông suốt toàn bộ Phật pháp. Nó là tổng cương lĩnh tu hành của Phật pháp.
********************
Kinh văn: “Chỉ trang nghiêm cố, tất năng địch trừ nhất thiết kiết sử, quán trang nghiêm cố năng như thực tri chư pháp tự tánh”.
Trước tiên, chúng ta nhắm vào nghĩa kinh văn để nói một cách đơn giản. “Kiết sử” là đại danh từ của phiền não. “Nhất thiết kiết sử” chính là trong Phật pháp thường gọi là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, thảy đều bao gồm trong một câu này. Phiền não làm sao đoạn trừ? Dùng phương pháp chỉ quán có thể đoạn trừ. “Chỉ” là định, an trụ tâm vào một chỗ, đây chính là chỉ. An trụ vào chỗ nào vậy? Điều này không có nhất định. Trong Phật pháp, mỗi một pháp môn không giống nhau, nhưng “an trụ một chỗ” là nguyên lý nguyên tắc xuyên suốt, bất biến. Phật ở trong kinh gọi là: “Giữ tâm một chỗ thì việc gì cũng xong” cũng là ý nghĩa này. Phàm phu vọng niệm rất nhiều, cái gọi là “Tâm viên ý mã”, tâm của họ không thể dừng được.
Tông Tịnh Độ dạy chúng ta an trụ ở trong Phật hiệu, pháp môn chúng ta tu là an trụ ở trên Phật hiệu. Thực ra phương pháp chế tâm của tông Tịnh Độ cũng rất nhiều, đây chính là nói phương pháp niệm Phật, đại thể chia thành bốn loại niệm Phật là:
- Thực Tướng Niệm Phật
- Quán Tưởng Niệm Phật
- Quán Tượng Niệm Phật
- Trì Danh Niệm Phật
Trong mỗi một loại, lại chia thành rất nhiều loại, cho nên phương pháp niệm Phật rất nhiều. Quí vị đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong đó nói với chúng ta mười sáu loại phương pháp, thập lục quán. Trong mười sáu loại quán này, tu bất kỳ pháp quán nào cũng có thể chế tâm một chỗ, đều có thể định tâm lại được, hay nói cách khác, đều có thể đoạn phiền não. Mười sáu loại pháp quán này, ta tu một loại hoặc giả là hai loại, ba loại, hợp chung lại tu đều được, vì đều thuộc về cùng một pháp môn.
Trì danh niệm Phật là quán thứ mười sáu, một loại phương pháp cuối cùng. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết đạo có một nguyên tắc, nguyên tắc này là tương ưng với pháp thế gian. Có thể thấy, Phật pháp mà Phật đã nói không lìa pháp thế gian, khiến người thế gian chúng ta tiếp xúc đến Phật pháp, cảm thấy Phật Thích Ca Mâu Ni rất có tình người, đó chính là đem phương pháp tốt nhất để ở sau cùng. Giống như hát kịch vậy, màn kịch hay nhất là tiết mục nhất định để ở sau cùng. Cho nên, bạn thử xem trong hội Lăng Nghiêm hai mươi lăm viên thông, Bồ Tát Quan Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông đặt ở sau cùng. Nếu như theo thứ tự sắp xếp thì hai mươi lăm viên thông là lục căn, lục trần, lục thức, dựa theo cách sắp xếp này thì Bồ Tát Quan Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông cần phải sắp xếp ở thứ hai, nhưng Ngài lại đem để sau cùng, tức là nói cho bạn biết, đây là pháp môn đặc biệt. Trì danh niệm Phật đặt ở cuối cùng của thập lục quán là nói cho bạn biết, đây cũng là pháp môn đặc biệt. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được ý của Thế Tôn.
Chúng ta “giữ tâm một chỗ”, đem tâm dừng ở trên danh hiệu. Danh hiệu chỉ có bốn chữ “A Di Đà Phật”. Trước đây đại sư Liên Trì đã dùng phương pháp này. Trong “Trúc Song Tùy Bút”, chúng ta xem thấy có người thỉnh giáo đại sư rằng: “Đại sư dạy người khác niệm Phật như thế nào”?. Đại sư Liên Trì nói: “Tôi dạy người khác niệm Phật là dạy họ niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật””. Người đó bèn lại hỏi đại sư: “Cách niệm của chính bản thân sư là như thế nào?”. Ngài nói: “Bản thân tôi chỉ niệm bốn chữ “A Di Đà Phật””. Thế là người ta hỏi Ngài: “Đây là nguyên nhân gì?”. Ngài bèn nói: “Tôi đời này đã hạ quyết tâm nhất định phải sanh Tịnh Độ, cho nên tôi chấp trì danh hiệu, mà danh hiệu thì chỉ có bốn chữ, đây là trong kinh A Di Đà nói”. Ngài nói tiếp: “Tôi dạy người ta, người ta chưa hẳn phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, họ không có quyết tâm này, không có nguyện vọng này, nên tôi dạy họ niệm sáu chữ (tức là cộng thêm Nam Mô)”.
Nam Mô là tiếng Phạn, tiếng Ấn Độ cổ, ý nghĩa là quy y, là cung kính, lời khách sáo, quy y Phật A Di Đà, cung kính Phật A Di Đà. Từ đó cho thấy, người thật sự hạ quyết tâm cầu sanh Tịnh Độ thì không cần lời khách sáo nữa, có thể bỏ đi, càng đơn giản càng đắc lực. Niệm sáu chữ không đơn giản bằng niệm bốn chữ, đạo lý là ở chỗ này.
Phải đem tâm dừng ở A Di Đà Phật. Tâm thật sự dừng bất động ở trong đây, thì phiền não tự nhiên đã đoạn sạch, một cách tự nhiên phiền não sẽ không khởi hiện hành. Trong tâm, niệm niệm đều là A Di Đà Phật, “tịnh niệm nối nhau”. Niệm A Di Đà Phật là “tịnh niệm”; từng câu, từng câu tiếp nối nhau chính là “tương kế”, không gián đoạn. Nếu như đoạn sạch rồi, vọng niệm, tạp niệm lại sinh, lại khởi lên, đây là một phương pháp thù thắng nhất trong tất cả pháp môn tu hành. Chúng ta hãy thử nghĩ thật kỹ, hãy quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ gật đầu, bạn sẽ đồng ý, thật sự là phương pháp hay, đơn giản, dễ dàng, chắc chắn, còn nhanh chóng thành tựu. Cho nên phiền não có cần phải đoạn hay không? Không cần. Chỉ cần đem tâm an trụ vào một câu danh hiệu “A Di Đà Phật” này, thì phiền não không đoạn tự nhiên dần dần sẽ đoạn thôi. Phương pháp này tuyệt diệu!
Chúng ta nhất định phải biết (chữ “biết” này chính là nghĩa của chữ “quán”), thế gian tất cả mọi pháp đều là giả, không có cái gì là thật cả. Bốn câu kệ cuối cùng ở trong kinh Kim Cang, đó là tổng kết luận ở trên hội Bát Nhã: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bèo bọt, như sương như điện chớp, phải nên quán như vậy”. Chúng ta phải niệm nhiều một chút, suy nghĩ nhiều một chút, câu nói này là thật, không phải giả. Mộng huyễn, bèo bọt, thời gian tồn tại vô cùng ngắn ngủi, “như sương, như điện chớp”, rất ngắn ngủi. Nếu như chúng ta đem những pháp hư huyễn, ngắn ngủi này để ở trong tâm thì sai rồi. Tại sao vậy? Bạn để ở trong tâm đến cuối cùng vẫn là hoàn toàn vô ích. Đây là Phật tổ thường hay dạy chúng ta, đó là “cái không thể mang theo”. Thế gian, tài sản của bạn không thể mang theo; người, vật mà bạn ưa thích không thể mang theo, ngay cả người thân của bạn cũng không thể mang theo. Cho nên, người một nhà, người Trung Quốc gọi là “luân lý”, Phật pháp gọi là “pháp quyến thuộc”, nói viên mãn, nói sâu sắc hơn so với nhà Nho. Phật nói vì sao lại trở thành người một nhà vậy? Tóm lại không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, Phật nói bốn loại duyên này. Không có bốn loại duyên này sẽ không vào một nhà. Đoàn thể trong chùa chiền của người xuất gia chúng ta, mọi người cùng ở chung với nhau, tứ chúng đồng tu sống chung với nhau, nói lời thành thật, cũng là bốn loại duyên này. Bốn loại duyên này thông qua sự giáo hóa của Phật, đem duyên thiện ác đều biến thành pháp duyên.
Chúng ta hiểu rõ rồi thì đối với việc ân oán của thế gian này cần phải xóa sạch hết cả, không nên đem để ở trong tâm nữa. Ân đức, thiện hạnh chúng ta có thể để ở trong tâm. Oan nghiệp, tội ác tiêu rồi, xóa rồi, người với người mới có thể chung sống hòa mục, mọi người cùng nhau cố gắng nỗ lực tu học Phật pháp. Chúng ta cùng một mục tiêu, không tạo ra lục đạo luân hồi nữa. Mọi người đồng tâm, đồng đức cầu sanh Tịnh Độ, sống với nhau như vậy cộng tu sẽ như pháp. Đây mới thật sự là một tăng đoàn hòa hợp, kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu. Phương pháp tu hành của chúng ta là như nhau, đều chọn “Trì Danh Niệm Phật”. Mọi người niệm niệm đều tu thập thiện nghiệp đạo. Đây chính là “giới hòa đồng tu”. Cùng một cách nhìn, thế gian hư vọng, không đáng để lưu luyến, đồng tâm, đồng đức cầu sanh Tịnh Độ, đây là “kiến hòa đồng giải”. Trên cơ sở này, tổ chức một tăng đoàn, mọi người cùng tu chung với nhau thì đâu có đạo lý nào không thành tựu? Ở trong đây là đầy đủ chỉ quán. Tất cả pháp thế xuất thế gian đều không được để ở trong tâm.
Chúng ta muốn báo ân Phật, muốn báo ân cha mẹ, muốn báo ân chúng sanh, muốn báo ân quốc gia, trong kệ hồi hướng hàng ngày chúng ta niệm: “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường”, làm thế nào mới thật sự báo ân? Trong pháp thế gian, nhà Nho nói: “Bất hiếu có ba, vô hậu là lớn”. Câu nói này gợi ý rất lớn cho chúng ta, thế gian là phải tiếp tục dòng dõi. Trong pháp xuất thế gian, chúng ta phải biết: “Chánh pháp trụ lâu”, đây mới có thể báo ân, chân thật là báo tứ ân, cứu tam khổ. Báo ân, cứu khổ phải chánh pháp trụ lâu thì kệ hồi hướng này của chúng ta mới không có niệm suông. Dùng phương pháp gì để chánh pháp trụ lâu vậy? Đời đời đều có truyền nhân thì chánh pháp mới có thể trụ lâu. Không có truyền nhân thì pháp sẽ đoạn diệt mất. Dù cho để lại kinh điển, tượng Phật mà không có người lĩnh hội thì cũng không hiểu, cho nên phải có truyền nhân.
Nói đến truyền nhân, chúng ta đã biết tầm quan trọng của bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Hoằng pháp nếu không có hộ pháp thì nhân tài hoằng pháp có nhiều đi nữa cũng vô ích, cũng không thể khởi tác dụng. Giống như lập trường học vậy, có giáo viên rất tốt nhưng không có viên chức thì trường này không thể lập được. Giáo viên với viên chức quan trọng như nhau, viên chức là hộ pháp, giáo viên là hoằng pháp, hoằng – hộ là một thể. Cho nên, trong một đạo tràng, nhân viên quản lý là hộ pháp. Họ đến quản lý đạo tràng chính là chấp sự của đạo tràng, trụ trì ở trong đạo tràng (hiện nay gọi là trụ trì, chủ nhà), Duy na, Tri khách đều gánh vác nhiệm vụ công việc của đạo tràng, đều là hộ pháp. Pháp sư giảng kinh ở đạo tràng là thuộc về tăng đồ. Họ không hỏi bất kỳ công việc gì của đạo tràng, họ chỉ làm công việc hoằng pháp. Vào thời xưa, chúng ta nhìn thấy, người hoằng pháp đã đến một giai đoạn tuổi tác cao, người trẻ tuổi phía sau trưởng thành rồi, thì họ bèn rút khỏi hoằng pháp để làm hộ pháp. Việc này hay, thật sự biết yêu quý nhân tài, bồi dưỡng nhân tài, nhất định không có đố kỵ, chướng ngại. Tội lỗi của đố kỵ, chướng ngại là nặng hơn hết, chắc chắn đọa địa ngục A-tỳ. Chúng ta biết rất rõ ràng, Phật ở trong tất cả kinh luận nói quá nhiều, quá nhiều rồi. Trước đây, chúng tôi giảng bộ kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo rất minh bạch. Thông thường quí vị thường hay đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, trong đó cũng giảng rất tường tận. Cho nên công đức của hộ pháp vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn. Tôi thường nói công đức của hộ pháp hơn hẳn hoằng pháp. Có một số người nghe thấy, không cho là như vậy. Thực ra, lời này không phải tôi nói, mà là Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói ở trong kinh Đại Niết Bàn.
Tôi đời này cũng đang làm công việc hoằng pháp. Hiện nay duyên chín muồi rồi, muốn tôi làm hộ pháp. Tôi suy nghĩ, tôi nên làm hộ pháp. Gần đây, chúng tôi đã xây một đạo tràng ở Toowoomba, Úc châu. Hôm qua, đồng tu ở bên đó gọi điện thoại cho tôi (Chúng tôi hiện nay chính thức xin đăng ký với chính quyền thành phố, đăng ký thì cần có mấy người chấp sự), yêu cầu tôi làm hội trưởng, ngoài ra cần có một vị thư ký, một vị tài vụ, chí ít phải có ba người chịu trách nhiệm với chính phủ. Tôi cũng đồng ý rồi. Tôi nói với đồng tu bên đó, hy vọng tôi làm năm năm. Năm năm sau, tôi sẽ bàn giao lại Học Hội này. Tại sao vậy? Pháp luật của chính phủ Úc châu quy định, người chủ trì đạo tràng nhất định phải là công dân Úc châu, hoặc giả là người cư trú lâu dài tại Úc châu. Những đồng tu này hiện nay chưa có cầm được thẻ cư trú lâu dài, cho nên tạm thời tôi đến làm. Tôi nghĩ, năm năm sau, những đồng tu này có thể cầm được thẻ cư trú lâu dài, thậm chí là có thể cầm được thẻ công dân Úc. Khi họ trở thành công dân Úc rồi, thì tôi sẽ bàn giao toàn bộ Học Hội này cho họ. Chúng ta cải tổ lại về mặt nhân sự, tôi bàn giao lại chức hội trưởng này. Tôi nói: “Tôi phục vụ thêm năm năm nữa. Hy vọng người trẻ tuổi nên phát tâm hoằng pháp, phát tâm hộ pháp, hoằng – hộ một thể, không có mảy may tư tâm”. Chúng ta niệm niệm đang báo ân, niệm niệm đang cầu chánh pháp trụ thế, rộng độ chúng sanh. Sự nghiệp độ chúng sanh nhất định cần tự mình làm nên tấm gương. Bản thân bạn không thể làm nên tấm gương tốt, thì bạn sẽ không có cách gì giúp chúng sanh. Bạn nói hay đi nữa để khuyên người khác, mà bản thân bạn không thể làm được thì người ta sẽ rất khó tin, rất khó tiếp nhận. Nhất định bản thân bạn phải làm được.
Chúng tôi vốn dĩ là mời một vị đồng tu ở Úc đảm nhiệm chức hội trưởng, ông sống ở Sydney. Pháp luật của chính phủ Úc có quy định, nhà của người chấp sự trong hội phải cách đạo tràng không được xa hơn 75 km. Chúng tôi mời tiên sinh Cách-La-Mễ, ông sống ở Sydney, cách chỗ đó của chúng tôi hơn 1.100 km, nên người này không được phép. Mời ông làm cố vấn thì được, còn mời ông đảm nhiệm chức hội trưởng hay thư ký đều không được, cho nên phải tìm người gần đó. Tại sao vậy? Vì mỗi ngày họ có thể đến làm việc, khoảng cách 75 km không quá xa, đại khái lái xe khoảng một giờ đồng hồ. Pháp luật có quy định như vậy, thế là tôi không còn cách nào khác. Cho nên, chúng tôi vừa mở đầu thì liền nghĩ đến đường rút lui trong tương lai, phải rút lui. Tích cực giúp đỡ họ lấy được tư cách công dân Úc. Chúng tôi đến phụ đạo, giúp đỡ họ hộ pháp, giúp đỡ họ hoằng pháp.
Niệm niệm chỉ quán đầy đủ, niệm niệm lìa ác, tu thiện thì niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chúng ta mới có phần chắc, mới không đến nỗi luống qua.
Tốt rồi, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
A Di Đà Phật.
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 75)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền