Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 30

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 80 Tập 

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo KinhTập 30

Hôm qua, tôi nhận được thư của đồng tu từ đại lục gởi đến, họ nói ở đại lục có người bán phái quy y. Có lẽ những người này cầm được những phái quy y của chúng tôi rồi in ấn ở Trung Quốc đại lục, đây là hàng nhái. Nghe nói giá tiền 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, giá cao nhất bán đến 200 đồng, thậm chí đến 300 đồng (giá từ 30 đồng đến 300 đồng). Hy vọng các bạn sau khi trở về Trung Quốc, nói cho đại chúng biết đây là giả. Cả đời tôi xưa nay chưa hề làm công việc buôn bán. Toàn bộ sách chúng tôi in đều là biếu tặng kết duyên, tuyệt đối không bán một xu nào. Băng đĩa mà chúng tôi ở đây lưu hành ra như VCD, băng ghi âm và ghi hình đều là hoàn toàn miễn phí, tuyệt đối không thu một xu nào của ai. Nếu như có người thu tiền thì phải hiểu rằng đó là giả, chắc chắn không phải thật, có thể báo cảnh sát địa phương để cảnh sát đến xử lý họ. Phàm là có sự việc này thì tuyệt đối không phải thật. Xưa nay tôi cũng không hề phái người đến Trung Quốc đại lục để truyền giáo. Nếu như có những sự việc này thì đều là giả, chắc chắn không phải thật. Mọi người gặp phải sự việc này, gọi điện, gởi email đến tôi cũng rất tốt, nhưng phương pháp tốt nhất là báo cho cục công an và cục tôn giáo, hiệp hội Phật giáo địa phương biết, họ sẽ xử lý những sự việc này, vì đây là phạm pháp.

Chúng ta hôm nay giảng đến chỗ này là tham dục, đây đều là tham dục đang quấy phá. Ngạn ngữ thường nói: “Cây lớn rước gió”, có cái hư danh như vậy ở bên ngoài. Cho nên, có rất nhiều người mượn danh nghĩa này để lừa gạt đại chúng, lừa gạt tín đồ và cũng có người đặt điều sinh sự phỉ báng, giả mạo nói là đệ tử của pháp sư Tịnh Không, hoặc là pháp sư Tịnh Không phái đến, đây là lừa gạt chúng sanh. Tôi thấy sự việc như vậy không phải là ít, đây toàn là phạm pháp. Những sự việc như phỉ báng, thậm chí là hãm hại, chúng ta có thể không cần quan tâm, chúng tôi hoàn toàn không phản ứng, vì phản ứng nhất định là sai lầm. Vì là kẻ trộm thì tâm bất an, khi bạn phản ứng, bạn phải đi biện bạch, đó là do bạn sợ hãi. Tôi không có việc này, mặc cho họ phỉ báng, Phật Bồ-tát biết. Họ tạo tội nghiệp thì không trốn khỏi nhân quả, “vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.

Người sống ở đời, trong kinh điển Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp, dù có chút thiện căn, phải cố gắng bồi dưỡng thiện căn này. Trong bộ kinh này, Phật nói rất hay: “Bồ-tát trú dạ, thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Lời khai thị này thật quý báu. Tôi không những trong đời này không tọc mạch chuyện của người khác. Họ không quan hệ gì với tôi, tôi tọc mạch họ làm gì? Người ta đến nói với tôi việc tốt của người khác thì tôi nghe, tôi hoan hỷ, nói việc xấu thì tôi lập tức ngăn chặn, tôi không nghe, “bạn muốn nói, hãy đi nói với người khác”. Tại sao vậy? Chúng ta bảo vệ tâm thanh tịnh, bảo vệ tâm cung kính, đây là tánh đức, tuyệt đối không cho ô nhiễm. Người ta nói người nào đó phỉ báng thầy ra sao, họ nói vài câu, tôi liền không cho phép họ nói nữa. Chúng ta vĩnh viễn nhớ kỹ chỗ tốt của người khác đối với chúng ta, điều này tốt, làm thiện với người, bản thân chúng ta tự tại biết bao, an lạc biết bao, hạnh phúc biết bao! Ở trong một đời không có kẻ oan gia, không có người đối đầu. Cho dù có oan gia đối địch, nhưng là ở bên phía họ, do họ hiểu lầm về chúng ta, ta không có hiểu lầm về họ. Họ dùng ý xấu đối với ta, ta dùng thiện ý đãi họ. Đời này không biết thì đời sau biết, đây là học Bồ-tát. Cổ thánh tiên hiền thường hay dạy chúng ta: “Nhân giả vô địch”. “Nhân giả” trong Phật pháp là cách xưng hô đối với Bồ-tát, người nhân từ trong tâm không có oan gia, không có đối đầu, vậy mới là nhân từ. Bạn còn có người này làm khó với ta, người kia đối với ta không tốt, là chính bạn không có nhân từ. Chúng ta học Phật chí ít phải hiểu được điểm này, phải nghiêm túc học tập.

Sanh tử là việc nhỏ. Người ta xem sanh tử là việc lớn, nhưng chúng tôi nhìn thấy sanh tử là việc nhỏ, nhân quả mới là việc lớn. Chết rồi không phải là mọi thứ đều hết, mà còn có đời sau. Chúng ta đời này dùng tâm chân thành cung kính đối nhân xử thế tiếp vật mà vẫn gặp phải lời phỉ báng không tốt thì chúng ta phải sám hối. Ta trong đời quá khứ tạo nghiệp bất thiện (trong đời này không tạo, nhưng trong đời quá khứ đã tạo nghiệp bất thiện) nên mới chiêu cảm đến quả báo bất như ý này. Bản thân chúng ta hiểu rõ khi nghịch cảnh đến thì vui vẻ tiếp nhận, vậy là trả xong rồi. Nợ đã hết rồi, lần sau gặp mặt lại là bạn bè tốt, nhất định không nên oan oan tương báo. Oan oan tương báo thì không bao giờ dứt, đó là sai lầm nghiêm trọng.

Thế gian những kẻ làm càn làm bậy bất thiện này, tại sao vay mượn danh nghĩa để ra bên ngoài huyênh hoang lừa bịp vậy? Đó chẳng phải vì tâm tham sao? Tham tài, tham danh, tham lợi. Cho nên, người ta vừa nhắc đến, chúng tôi liền biết ngay. Họ đem những chuyện này nói với tôi, tôi liền viết thư nói cho họ biết, sự việc này không nên tìm tôi, tôi không quản nổi. Những sự việc này đều có thể xảy ra mọi nơi, cho nên khi gặp phải những sự việc này nên tìm công an, ở nước ngoài thì tìm cảnh sát đến xử lý, tìm cục tôn giáo, hiệp hội Phật giáo, vậy mới đúng.

Vẫn có rất nhiều đồng tu thường hay viết thư cho tôi, họ muốn xây đạo tràng, xây thôn Di Dà, đây là sự việc tốt. Nhưng điều quan trọng nhất của đệ tử Phật là trì giới. Nếu giới mất đi rồi, thì Phật cũng không còn nữa. Nhà Nho nói thủ lễ, lễ không có thì Nho cũng không còn nữa. Điều này nhất định phải biết, nhất định phải trì giới. Ý nghĩa của trì giới tôi đã nói rất nhiều, dùng cách nói hiện nay để nói, trì giới chính là tuân thủ pháp luật. Phương pháp mà Phật dạy chúng ta phải tuân thủ. Phật ở trong kinh Phạm Võng đã nói với chúng ta hai câu, câu thứ nhất là “bất tác quốc tặc”, tức là người Trung Quốc thường nói “không làm Hán gian”. Tuyệt đối không làm những việc tổn thương quốc gia của mình, tuyệt đối không được phép làm những việc tổn thương xã hội. Muốn xã hội tốt đẹp thì giữa người với người phải chung sống hòa mục. Nếu có bất hòa thì chúng ta phải hòa giải, dứt khoát không thể nói là ta vào trong đoàn thể hòa mục này để phân hóa, xúi giục ly gián. Tội này rất nặng, phần trước chúng ta đã nói, đây là “lưỡng thiệt”, quả báo ở địa ngục kéo lưỡi. Người làm những sự việc này, bề ngoài nói họ là tín đồ Phật giáo, nhưng trên thực tế họ không hiểu về Phật giáo. Họ không tin nhân quả báo ứng nên họ mới dám làm. Nếu như bạn thật sự hiểu rõ, bạn thật sự tin nhân quả báo ứng không hề sai chạy, thì khởi tâm động niệm tự mình biết kiềm chế, chắc chắn không dám làm càn, làm bậy.

Chúng ta cố gắng lợi dụng thời gian ngắn ngủi của đời này để tu đạo lớn cho tiền đồ của mình sáng sủa, đời sau của ta sẽ thù thắng hơn đời này. Chí ít cũng phải thù thắng gấp mười lần trở lên thì đời này của ta mới không bị uổng phí. Gặp được pháp môn Tịnh Độ mà không thể vãng sanh Tịnh Độ, thì đó là thiệt thòi! Thật sự vãng sanh Tịnh Độ thì siêu việt hơn đời này gấp ức vạn lần trở lên. Chúng ta nên làm việc này. Muốn làm được việc này nhất định phải tuân thủ lời giáo huấn của Phật. Tại sao vậy? Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “chư thiện thượng nhân câu hội nhất xứ”. Những người ở thế giới đó đều là người thượng thiện, vì vậy bản thân chúng ta ở trong đời này phải tu đến thượng thiện thì chúng ta mới có tư cách gia nhập câu lạc bộ của thế giới Cực Lạc.

Chúng ta niệm Phật, niệm có tốt đi nữa, tín nguyện hạnh đều đầy đủ, nhưng nếu tâm hạnh bất thiện thì không thể vãng sanh. Trong kinh điển, đại đức xưa nói rất rõ ràng, rất sáng tỏ: “Tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Điều kiện đầu tiên để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là tâm thanh tịnh. Thanh tịnh chính là thuần thiện. Cho nên người khác phỉ báng chúng ta, chúng ta chắp tay niệm: “A Di Đà Phật”, chúng ta cảm kích họ, tại sao vậy? Họ thay ta tiêu tai. Họ tạo tội nghiệp thay ta tiêu tai, sao ta có thể không cảm ơn họ? Sao ta có thể oán hận họ? Nếu như ta oán hận họ thì lỗi lầm của ta nặng rồi. Người ta bất chấp nguy hiểm đọa ba đường ác để tiêu tai, tiêu nghiệp chướng cho chúng ta, sao chúng ta có thể không cảm kích? Ta dùng công đức của ta tu tích hồi hướng cho họ, phát xuất từ tâm chân thành. Người rõ lý mới biết làm, mới có thể làm được; người không rõ lý, có tâm oán hận thì không được. Tâm oán hận là nghiệp nhân của ba đường ác; tâm từ bi là nghiệp nhân của Phật Bồ-tát. Phải đem tham sân si chuyển thành đại từ đại bi, phải đem tham sân si chuyển đổi thành trí tuệ chân thật, thì chúng ta đời này mới thật sự được độ, thật sự có phần nắm chắc, một mảy may hoài nghi cũng không có thì tiền đồ là một vùng hào quang sáng lạn.

Mười pháp giới, mười con đường bày ra trước mắt, bạn chọn con đường nào? Phật nói cho chúng ta biết, tất cả chúng sanh đều có nhân của thập pháp giới. Duyên hiện nay bày ra trước mắt, bạn chọn duyên nào? Nhân nào chín mùi? Thật sự là người thông minh, có trí tuệ, có thiện căn, có phước đức sẽ chọn con đường thành Phật này. Tại sao không đi làm Phật? Muốn làm Phật thì những lời mà Phật nói chúng ta phải hiểu, “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”; hạnh mà Phật dạy chúng ta thì chúng ta phải cố gắng làm. Bộ kinh này vừa mở đầu đã nói rõ với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tại sao không nghĩ thiện mà lại nghĩ ác? Bạn muốn làm ác, ham muốn danh vọng lợi dưỡng thế gian, bạn có thể ham muốn được thời gian bao lâu? Sự hưởng thụ năm dục sáu trần ở thế gian này, bạn hưởng được mấy ngày? Dù cho bạn sống đến 100 tuổi, cho bạn hưởng thụ 100 năm, 100 năm thì không thể so với vô lượng kiếp. Thời gian hưởng thụ ngắn ngủi như vậy, đọa lạc tam đồ vô lượng kiếp cũng không thể chuyển thân, bạn là người khờ rồi, mê hoặc rồi, thật sự không biết được lợi hại! Chúng ta có thể xả bỏ tất cả ác nghiệp, “không nhớ ác cũ, không ghét người ác”, dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh thì một đời này chúng ta thoát khỏi sáu cõi, thoát khỏi mười pháp giới rồi. Điều kiện này chính là điều kiện gần gũi Phật A Di Đà, tại sao chúng ta không làm? Khắc phục tập khí phiền não là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt của chúng ta. Ngày nay tu học Phật pháp không cần thiết biết quá nhiều. Giáo huấn của Phật nắm được mấy câu, phụng hành cả đời, chúng ta sẽ thành công.

Tôi giảng kinh trên bục giảng 41 năm rồi, tôi quy nạp tinh túy của Phật pháp Đại Thừa viết thành 20 chữ [là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác từ bi; nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật]. Chúng ta thật sự làm được 20 chữ này thì chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, đây là tâm Bồ-đề. Nếu nói “tâm Bồ-đề” thì mọi người khó hiểu, cách nói này của tôi thì mọi người dễ hiểu. Đối với tất cả mọi người, đối với bạn tốt chí thân chí thành, đối với oan gia trái chủ cũng chân thành, người hãm hại ta, sát hại ta, ta chỉ có một lòng chân thành đối với họ, vĩnh hằng bất biến. Đường ta đi là Phật đạo. Mạng sống này là giả, không phải thật. Tâm chân thành vĩnh viễn không thể thay đổi, vừa thay đổi lập tức liền sa đọa. Chúng sanh sáu cõi dùng tâm hư ngụy, không phải chân thành; tâm nhiễm ô, không phải thanh tịnh; tâm cao thấp, không phải bình đẳng; tâm ngu si, không phải giác ngộ; tâm tự tư tự lợi, không phải từ bi. Cho nên, từ tập khí phiền não chuyển ngược trở lại, chính là tâm đại Bồ-đề.

Đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta sống đời này như thế nào? Nhìn thấu, buông xả. Nhìn thấu là mọi thứ đều tường tận, mọi thứ đều hiểu rõ. Danh từ Phật pháp gọi là tánh tướng, sự lý, nhân quả, hiểu rất tường tận, hiểu rất sáng tỏ, đó là nhìn thấu. Buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn tự tại biết bao! Ở thế gian này, chúng ta “không tranh với người, không cầu gì ở đời”. Người ta tranh, chúng ta nhường; người khác tiến, chúng ta lùi, đây là tâm trạng mà chư Phật Bồ-tát, các bậc thánh hiền dạy chúng ta sống, làm việc, đối nhân xử thế. Vậy là đời sống của chúng ta liền tự tại, liền vui vẻ. Tự tại chính là nhà Phật gọi là giải thoát. Tùy duyên chứ không phan duyên, hay nói cách khác, ở thế gian này, chúng ta ở đâu cũng là bị động chứ không chủ động. Chủ động là chúng ta phải làm thế nào, thế nào đó, bạn liền có phiền não. Tùy duyên là không có phiền não, có cơ hội chúng ta phải làm, không có cơ hội chúng ta càng vui vẻ, chúng ta vô sự.

Lần trước, Phó hội trưởng Đao của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đến nơi đây nói với chúng tôi muốn hợp tác thành lập lớp bồi dưỡng, chúng tôi cũng rất hoan hỷ, chúng tôi tùy duyên. Nếu như không làm thì sao? Không làm chúng tôi sẽ càng hoan hỷ hơn. Việc của chúng tôi càng ít thì thời gian an nhàn càng nhiều, chẳng phải càng hoan hỷ hơn sao? Hiện nay lớp bồi dưỡng này chính thức được nhà nước phê chuẩn. Phê chuẩn rồi thì mọi người đều phải bận, mọi người phải vất vả nhiều một chút. Vất vả này tốt, báo ơn Phật! Thật sự là kệ hồi hướng mà chúng ta niệm mỗi ngày thành hiện thực rồi, “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Có cái duyên này chúng ta phải toàn lực tham dự, không có duyên này thì tuyệt đối không miễn cưỡng, bạn sẽ được đại tự tại, thân tâm an lạc. Sau cùng tổng kết về niệm Phật, nhất định niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Tâm của chúng ta với tâm của Phật giống nhau, hạnh của chúng ta với hạnh của Phật giống nhau, dùng công đức này hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì đâu có đạo lý nào mà không vãng sanh? Những điều tôi học trong đời này là 20 chữ này, dạy người khác cũng là 20 chữ này. Hai mươi chữ này, tôi nhớ trước đây đã từng giảng qua một lần rồi. Đây là pháp yếu truyền tâm của Phật pháp Đại Thừa. Các vị thật sự hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi, các vị đến Singapore chuyến này là không có uổng công. Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ: “Nhẫn được cái mà người khác không thể nhẫn, làm được việc mà người khác không thể làm”. Việc mà người khác không chịu làm, chúng ta làm; việc người khác không thể nhẫn, chúng ta nhẫn được. Những việc chúng ta làm là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, dứt khoát không vì lợi ích chính mình.

Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly tham dục, tức đắc thành tựu ngũ chủng tự tại. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố”.

Điều này phần trước tôi đã nói rồi, nghĩa lý này cảnh giới sâu rộng vô cùng, có thể nói là vĩnh viễn không thể nói hết. Bộ kinh này không dài, trong cuốn sách nhỏ này của chúng ta, kinh văn chỉ chiếm một nửa, nhưng đó là lời giáo huấn căn bản của Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh. Nếu như không cố gắng tu học từ trên căn bản, tuy pháp môn Phật pháp rất nhiều, nhưng bất kể tu học pháp môn nào cũng không thể thành tựu. Đây chính là điều mà mọi người chúng ta đều nhìn thấy. Người tu hành thì nhiều, mà người thành tựu thì ít, đặc biệt là thời cận đại, nhân tâm không có chỗ về, người không có chí hướng rất dễ dàng bị cám dỗ, liền đọa lạc ngay. Trước đây có, cũng không phải thiểu số nhưng hoàn toàn không thật phổ biến. Hiện nay có thể nói là vô cùng phổ biến. Trong một vạn người mới có một vài người không bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, không đọa lạc là vô cùng hy hữu. Cho nên hãy quan sát từ chỗ này, chúng ta đối với cái mà người Tây phương gọi là thế giới ngày tận thế là có thể tin được. Bộ kinh này nói cho chúng ta biết đạo lý lớn chân thật về nhân quả.

Người sống ở đời, Phật nói cho chúng ta biết có hai loại người. Loại người thứ nhất là phàm phu sáu cõi, quá khứ tạo nghiệp thì đời này đến thọ báo, cho nên Phật nói ở trong kinh là “nhân sinh trả nghiệp”. Trong đời quá khứ bạn tu phước thì đời này đến hưởng phước, trong đời quá khứ bạn tạo tội nghiệp, tạo ác nghiệp thì đời này đến chịu khổ, chịu nạn, đây là phàm phu. Loại người thứ hai là bậc giác ngộ. Chư Phật Bồ-tát đến thế gian này để cứu khổ cứu nạn. Người cứu khổ cứu nạn chịu đau khổ còn nhiều hơn người bình thường chúng ta, các Ngài đến thị hiện, đến làm tấm gương cho chúng ta thấy, quên mình vì người. Thế gian này có hai loại người như vậy.

Chúng ta thuộc vào loại nào? Đương nhiên chúng ta là thuộc về nghiệp báo, chúng ta là phàm phu. Nhưng hôm nay, chúng ta hiểu rõ, hiểu tường tận rồi, nghiệp báo có thể chuyển biến. Nếu như đem nghiệp lực chuyển đổi thành nguyện lực, thì người này là chuyển phàm thành thánh, người này với chư Phật Bồ-tát thừa nguyện tái lai không hai không khác, đây chính là tu Bồ-tát đạo mà chúng ta thường nói, tu đạo thành Phật.

Có thể nói đạo thành Phật quá khó, chúng ta nghiệp chướng sâu nặng, chúng ta không có năng lực để học. Quan niệm này, Phật nói rất rõ ràng ở trong kinh Vô Lượng Thọ: “Biên địa nghi thành”. Tại sao bị sanh đến biên địa vậy? Có hai nguyên nhân. Một là có hoài nghi đối với trí tuệ viên mãn vạn đức vạn năng của Phật. Hai là thiếu tín tâm đối với bản thân. Nhưng nếu rất cố gắng nỗ lực niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh thì họ vẫn được sanh Tịnh Độ, nhưng sanh vào biên địa. Phật đến thế gian này giúp chúng ta điều gì, chúng ta phải hiểu rõ, chính là giúp chúng ta chuyển đổi từ nghiệp lực thành nguyện lực, chỉ là một việc như vậy. Cách chuyển như thế nào? Lý luận của chuyển đổi, trong tất cả kinh luận đều nói rất nhiều, rất nhiều. Bạn chuyển được bao nhiêu, chuyển được đến trình độ như thế nào, đó là do công phu của chính bạn. Bản thân bạn thật sự y giáo phụng hành, nghiêm túc nỗ lực sửa đổi tập khí, từ bỏ phiền não, y giáo phụng hành, bạn chắc chắn chuyển lại được.

“Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Khi tôi mới học Phật, vừa vào cửa Phật, Đại sư Chương Gia liền đem những đạo lý này dạy cho tôi. Những người này không phải người phàm, đối với người bình thường vừa tiếp xúc liền biết ngay. Không những Đại sư Chương Gia, về sau Cam Châu cũng đã nói với tôi (Cam Châu là học trò của Đại sư Chương Gia). Họ ở sau lưng tôi cũng phê bình tôi, vào thời đó tôi chưa xuất gia, họ đều nói theo tên của tôi: “Anh họ Từ nọ là người rất thông minh, đáng tiếc không có phước báo, lại đoản mạng”. Đây là sự thật, không hề giả dối. Không có phước, chuyển đổi thành có phước; không có thọ mạng, chuyển đổi thành có thọ mạng. Chuyển thế nào vậy? Đoạn ác tu thiện. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói rõ ràng hơn, thấu triệt hơn, thầy đứng giữa bạn học chúng tôi, nhìn thấy người diện mạo rất kém, chúng ta thông thường gọi là tướng đoản mạng, tướng không có phước báo, thầy khuyên họ học giảng kinh. Lão sư Lý nói cho chúng tôi biết, công đức của giảng kinh là lớn nhất, chuyển nghiệp lực nhanh nhất. Chúng tôi sau này đã hiểu rõ tại sao. Vì giảng kinh là thay Phật thuyết pháp. Phật không còn ở thế gian này, người nào thuyết pháp vậy? Những người phát tâm thay Phật thuyết pháp. Những người thay Phật thuyết pháp này được trí tuệ của Phật, được thọ mạng của Phật. Phật vô lượng thọ, phước báo của Phật quá lớn. Đây là đem nghiệp lực của mình hoàn toàn chuyển đổi rồi. “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân”.

Chúng tôi có phải mong cầu thọ mạng hay không? Không mong cầu. Thọ mạng dài ngắn không bận tâm. Trường thọ, đoản thọ là một không phải hai, vấn đề là ở trong một đời này phải có được thành tựu. Thành tựu gì vậy? Dứt sanh tử, xuất tam giới là thành tựu. Có thể vãng sanh Tịnh Độ, gần gũi Phật A Di Đà, đây là thành tựu đứng hàng đầu, tất cả chư Phật đều tán thán. Chúng ta làm sao đạt được? Quên mình vì người, vì Phật pháp, vì chúng sanh. Ta không biết nói, chỉ cần phát tâm thì tam bảo sẽ gia trì. Tôi thường hay nói và đã nói rất nhiều năm, đem thân thể này cho Phật Bồ-tát mượn dùng. Tôi chịu cho mượn, còn các bạn không chịu cho mượn. Lên bục giảng không phải tôi nói, mà là chư Phật Bồ-tát nói. Tôi đem thân thể này hiến dâng cho Phật Bồ-tát, cho các Ngài mượn dùng. Chúng ta nên phát tâm nguyện này, phải hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này. Đối với bản thân xả cho thật sạch sẽ, hồi phục tâm thanh tịnh, hồi phục đến thanh tịnh tịch diệt. Càng thanh tịnh, càng tịch diệt thì sức mạnh gia trì của chư Phật Bồ-tát càng rõ rệt, càng thù thắng. Nếu như trong tâm chúng ta có nghi hoặc, có vọng tưởng, có phân biệt, lại cộng thêm chấp trước, thì Phật Bồ-tát muốn gia trì cũng vô phương, không gia trì được, đạo lý này nhất định phải biết.

Được thân người, nghe Phật pháp là thù thắng không gì bằng, hãy lợi dụng thời gian ngắn ngủi này vĩnh viễn thoát luân hồi. Chúng ta thử nghĩ, chư Phật Bồ-tát vì nguyện lực gì, tâm nguyện của các Ngài là gì? Một mảy may ý nghĩ tự tư tự lợi cũng không có. Nguyện lực của Phật Bồ-tát là rộng độ chúng sanh, hy vọng mỗi một chúng sanh nhanh chóng thành Phật. Hoàn toàn không hy vọng bạn đến bao nhiêu kiếp về sau hãy thành Phật, vậy thì đâu phải từ bi? Phật là dạy chúng ta lập tức liền thành Phật. Chúng ta có thể lập tức thành Phật hay không? Đáp án là chắc chắn. Tại sao bạn không thể thành Phật vậy? Vì không tin! Không tin năng lực của Phật, không tin mình có thể thành Phật. Hơi bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ liền lập tức đọa lạc, lập tức thối tâm, đổi tâm rồi, vậy mới chiêu cảm đến luân hồi nhiều kiếp.

Tại sao người trên thế gian ngày nay dễ dàng đổi tâm, dễ dàng đọa lạc như vậy? Vì đã mất đi nền giáo dục thánh hiền. Tại sao người thời xưa có thể gìn giữ được? Vì từ nhỏ được tiếp nhận nền giáo dục luân lý đạo đức. Công năng của giáo dục luân lý đạo đức là ngăn ngừa chúng ta đọa lạc, giúp chúng ta thăng hoa. Một trăm năm gần đây nhất, đại chúng xã hội lơ là rồi, tất cả hướng về danh lợi, tôn sùng tranh danh đoạt lợi, cho rằng đạo nghĩa là những thứ của xã hội cũ, xã hội ngày nay không cần nữa. Ngũ luân bát đức, trung hiếu nhân ái hiện nay không cần nữa, đã đem bỏ vào trong sọt rác hết. Người hiện nay cần gì vậy? Họ cần danh, cần lợi. Trong mắt của người hiện đại buông thả dục vọng, tranh lợi. Người trên toàn thế giới đều bạt mạng tranh lợi. Chúng ta nhìn thấy thì nên nhanh chóng tránh xa. Lời cổ nhân nói có đạo lý: “Nguy bang bất cư, loạn bang bất nhập”. Hiện nay địa cầu này đã nguy và loạn, người thông minh phải nhanh chóng nghĩ cách di dân. Di dân đến nơi nào vậy? Di dân đến thế giới Cực Lạc. Chúng ta sống ở thế gian này không mảy may lưu luyến, lúc nào cũng muốn đi, lúc nào cũng có thể đi được. Cái thân này còn ở tại thế gian, vẫn chưa đi là tại sao vậy? Vì vẫn còn mấy người có duyên. Sao gọi là có duyên? Đối với Phật pháp có thể tin, có thể hiểu, có thể hành, đây là có duyên. Chúng ta giúp đỡ những người có duyên này cùng nhau đến thế giới Cực Lạc.

Trong kinh luận thường nói: “Phật không thể độ người không có duyên”. Quí vị phải hiểu rằng, “có duyên” chính là người Trung Quốc nói hiếu học, hiếu học chính là “có duyên”. Trong kinh luận thường nói: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”, người này là có duyên. Nếu như thọ trì đọc tụng, không vì người diễn nói, đây là Tiểu Thừa. Vì người diễn nói, chịu giúp đỡ người khác, đây là Đại Thừa. Nhưng quí vị nên biết, nếu như không có bốn chữ phía dưới này, có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Không thể! Tại sao vậy? Họ là Tiểu Thừa, thế giới Tây Phương Cực Lạc chủng Tiểu Thừa không sanh. Chúng ta cũng nhìn thấy, có một số cụ ông, cụ bà niệm Phật vãng sanh tướng lành hy hữu, họ không có vì người diễn nói, sao họ có thể vãng sanh vậy? Chúng ta phải hiểu rằng, họ không có duyên “vì người diễn nói”, hay nói cách khác, họ không đủ điều kiện này chứ không phải họ không có tâm nguyện. Họ có tâm nguyện, nhưng họ không có điều kiện này, họ vẫn có thể vãng sanh. Có điều kiện mà không có tâm nguyện này thì không thể vãng sanh.

Mỗi một người vãng sanh đều là tâm Đại Thừa, đều là tâm đại Bồ-đề. Người có tâm đại Bồ-đề thì niệm niệm muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh. Tuy không thể giảng kinh thuyết pháp cho mọi người, nhưng khi gặp người đều khuyên họ niệm A Di Đà Phật, vậy là được rồi. Không được phép nói khi gặp người không thèm quan tâm, bản thân ta niệm A Di Đà Phật, ta mặc kệ họ, ta đến thế giới Cực Lạc, cứ mặc họ đọa lạc thì người này không thể vãng sanh. Gặp người đều khuyên niệm A Di Đà Phật, người này chính là Bồ-tát. Có thể đem đạo lý, phương pháp niệm Phật giảng rõ ràng, giảng minh bạch thì càng tốt, càng thù thắng hơn. Cho nên, tâm Bồ-đề không thể không phát. Giúp đỡ người khác gọi là tâm Bồ-đề. Tấm gương tốt không thể không làm, người khác không chịu làm nhưng ta phải làm, quyết không thể vì bản thân.

Trong “Lễ ký- Khúc lễ”, Nho gia dạy chúng ta: “An an nhi năng thiên”. Đây là gì vậy? Bạn có phước báo. Thân bạn an, tâm cũng an, bạn có thể sống những ngày tháng rất thoải mái, rất tự tại. Thấy người khác có đau khổ, ta liền phải từ bỏ chỗ an cư của mình mà bôn ba vì người khổ nạn. Không thể nói, hoàn cảnh đời sống này của bản thân ta vô cùng an nhàn, tại sao ta phải từ bỏ? Tại sao ta phải sống những ngày tháng khổ sở này? Sống những ngày khổ sở này, người ta nghe ta dạy thì còn tốt, nếu không nghe dạy thì ta chẳng phải bị thiệt thòi sao? Người ta nghe thì phải dạy, không nghe cũng phải dạy, khổ cực như thế nào, giày vò như thế nào cũng phải chịu, quên mình vì người. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Đây là xả ly tham dục, cũng chính là xả bỏ sự an lạc của mình.

Trong năm loại tự tại, loại thứ nhất là “tam nghiệp tự tại”. “Tam nghiệp” là thân, ngữ, ý. Thân không bệnh, thân tự tại, khẩu nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp tràn đầy trí tuệ, không sinh phiền não, đây là tam nghiệp tự tại. “Các căn đầy đủ”  là thân thể khỏe mạnh, không bị khiếm khuyết. Đây là phước báo đứng hàng đầu, nhà Phật gọi là “thanh phước”, chính là tám chữ này.

Đoạn này chúng ta chỉ giảng đến đây. Ngày mai giảng tiếp với quí vị loại tự tại thứ hai là “tài vật tự tại”, hữu cầu tất ứng. Hôm nay chúng tôi chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *