PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 80 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo KinhTập 23
Thứ hai: “Đắc bất hoại quyến thuộc, vô năng phá cố”.
Quả báo này, tôi nghĩ bất luận là xưa nay, trong và ngoài nước, tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu. Mọi người đều mong cầu, nhưng chưa chắc mỗi người có thể đạt được.
Chúng ta thử xem xã hội hiện nay, vợ chồng bất hòa, tại sao bất hòa vậy? Trong đây có một nhân tố rất quan trọng, đó chính là bị người thứ ba xúi giục. Sau khi họ nghe nói rồi thì tin, cho là thật, không chịu thâm nhập để tìm hiểu, hai người nghi ngờ lẫn nhau, không tin tưởng lẫn nhau, vậy là phá hoại cả gia đình rồi. Bị người khác ly gián, xúi giục thì đây gọi là duyên. Nhân là gì vậy? Nhân là bất thiện nghiệp mà tự mình đã tạo ra. Bản thân chúng ta thường hay đi phá hoại người khác, nên sau này tự nhận lại quả báo là cũng có rất nhiều người đến phá hoại mình. Đây là đạo lý nhất định. Vợ chồng, gia đình là như vậy, đoàn thể, xã hội, quốc gia cũng là như vậy.
Nhân quả báo ứng là chân lý, là định luật của thế xuất thế gian. Bồ-tát tu hành đã thành Phật rồi cũng không có cách gì thay đổi nhân quả. Đạo lý này ở trong kinh Phật nói rất nhiều, nói rất thấu triệt, không có cách gì thay đổi được nhân quả. Hơn nữa, những điều trong Phật pháp nói với chúng ta quả thật rất có đạo lý: “Nhân quả thiện ác không thể bù trừ”. Không thể nói là quá khứ tôi đã tạo rất nhiều ác nghiệp, hiện nay tôi đều làm thiện nghiệp rồi, tôi đem thiện nghiệp để bù trừ nó, lấy công chuộc tội. Điều này pháp thế gian có nhưng trong Phật pháp thì không có, cho nên nhân quả thiện ác không thể bù trừ. Bù trừ là không hợp đạo lý.
Phật nói cho chúng ta biết, bạn tạo bất thiện nghiệp đây là nhân, nhân này muốn biến thành quả trong đó nhất định phải có duyên. Nghiệp nhân bất thiện lại gặp phải duyên bất thiện thì quả báo bất thiện này mới hiện tiền. Cho nên Phật nói, nghiệp nhân bất thiện của chúng ta đã tạo ra từ trước, từ đời đời kiếp kiếp trong đời quá khứ. Nếu bạn không gặp được Phật pháp thì bạn làm sao biết được thiện hay bất thiện? Tùy thuận phiền não của mình, hằng ngày đang tạo nghiệp. Cho nên, nhân bất thiện là nghiệp nhân của ba đường ác. Nghiệp nhân ngũ nghịch thập ác có người nào không có? Mỗi người đều có cả. Ngay cả thiện nhân làm Phật, làm Bồ-tát thì mỗi người cũng đều có, đây là điều mà Phật thường hay nói. Nghiệp nhân thập pháp giới của chúng ta ai nấy đều có cả, tương lai chúng ta sẽ đến thọ sanh ở pháp giới nào vậy? Đương nhiên chúng ta hy vọng sanh thiên để hưởng thiên phước, cao hơn nữa là hy vọng làm Phật, làm Bồ-tát được đại tự tại, được đại trí tuệ. Tất cả nghiệp nhân này chúng ta đều có cả, mấu chốt là ở trên duyên, hay nói cách khác, chúng ta đời này khởi tâm động niệm, lời nói việc làm là theo duyên nào? Nếu như chúng ta tùy thuận duyên Phật, thế thì chúc mừng bạn, bạn đời này chắc chắn làm Phật. Nếu như bạn còn muốn tùy thuận duyên phiền não, tùy thuận tự tư tự lợi, tùy thuận tham sân si mạn, tùy thuận thập ác nghiệp, thì quả báo tương lai của bạn chắc chắn ở tam đồ.
Tất cả quả báo không phải có người đang chủ tể, Phật Bồ-tát không thể chủ tể việc này, vua Diêm-la cũng không có quyền lực chủ tể, Thiên thần, Thượng đế cũng không thể chủ tể được. Người nào làm chủ vậy? Tự mình chủ tể chính mình! Việc này trong kinh luận Phật nói quá nhiều rồi. Cho nên, nếu chúng ta nhận quả báo bất thiện, thì dứt khoát không được oán trời trách người. Dù cho người khác lừa gạt, phỉ báng chúng ta, chúng ta bị mắc lừa rồi, nhưng chúng ta cũng không nên trách họ, tại sao vậy? Vì họ là cái duyên, do ta trong đời quá khứ đã tạo tác bất thiện cho nên mới gặp phải duyên bất thiện này. Nếu như ta đời đời kiếp kiếp đều hành thiện, thì cái ác duyên này ta sẽ không gặp phải. Chúng ta nghĩ lại xem, Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật là những người chí thiện trong thế xuất thế gian, không có người nào thiện hơn, nhưng bạn xem xã hội hiện nay, người phỉ báng A Di Đà Phật nhiều hay ít? Phỉ báng kinh luận Tịnh Độ nhiều hay ít? Phỉ báng Thích Ca Mâu Ni Phật lại càng nhiều hơn nữa. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Trước khi chưa làm Phật, thì đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà cũng là phàm phu như chúng ta. Do những ác nghiệp đã tạo này, nên các Ngài khi thành Phật rồi vẫn phải thọ báo. Qua đây bạn mới biết được nhân duyên quả báo là bất khả tư nghị.
Có rất nhiều đồng tu đều biết câu chuyện về Thiền sư Bá Trượng vào thời triều Đường, đây là chuyện về thiền chồn hoang. Chuyện này lịch sử có ghi chép, quyết định không phải là hư vọng. Đại sư Bá Trượng mỗi ngày cũng giảng kinh thuyết pháp. Triều Đường vào thời đó, Phật giáo là giáo dục, không phải tôn giáo. Phật giáo biến thành tôn giáo là khoảng giữa triều Thanh về sau. Thời gian này hoàn toàn không dài, chúng tôi nhẩm tính nhiều nhất cũng chẳng qua là hơn 200 năm, chưa đến 300 năm. Vào thời đó, Phật giáo vẫn còn là giáo dục. Tự viện, Am đường hằng ngày giảng dạy. Trong thính chúng có một cụ già, ông mỗi ngày đều đến nghe, cho nên mọi người đều rất quen biết ông. Người ta hỏi nhà ông ở đâu? Ông nói, nhà ông ở sau núi. Mỗi hội ông đều tham gia, mọi người đều rất tôn trọng vị lão cư sĩ này. Đại sư Bá Trượng biết ông là con hồ ly tinh, không phải là người. Có một hôm cụ già này thỉnh giáo với đại sư Bá Trượng, nói rõ bản thân ông trong đời quá khứ cũng là một vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp. Có người hỏi ông một vấn đề, họ hỏi: “Người đại tu hành có còn rơi vào nhân quả hay không?”, ông trả lời rằng: “Người đại tu hành không rơi vào nhân quả”. Câu trả lời này là sai rồi! Bởi vì cái sai lầm này mà ông đọa lạc vào đường súc sanh, đọa làm hồ ly 500 kiếp rồi. Ông tu rất khá, nên hiện nay có thể biến thành hình người, nhưng ông không có cách gì thoát khỏi đường súc sanh, nên cầu đại sư Bá Trượng giúp đỡ. Đại sư Bá Trượng nói: “Được! Ngày mai khi chúng tôi giảng kinh cho đại chúng, ông bước ra, đem câu hỏi mà người ta hỏi ông trước đây hỏi tôi”. Đến ngày hôm sau, khi lên lớp, ông bèn bước ra thỉnh giáo: “Xin hỏi Hòa thượng, người đại tu hành có còn rơi vào nhân quả hay không?”. Đại sư Bá Trượng đã sửa cho ông một chữ là “bất muội nhân quả”. “Bất lạc nhân quả” là không có nhân quả. Người đại tu hành là ai vậy? Phật là người đại tu hành, pháp thân Bồ-tát là người đại tu hành, các Ngài còn có nhân quả báo ứng hay không? Có, không phải không có. Con hồ ly già này trước đây trả lời là không có, câu trả lời này là sai rồi! Đại sư Bá Trượng nói là bất muội nhân quả, nghĩa là nhân quả có, nhưng biết rất rõ, không một chút mê hoặc.
Chúng ta biết tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay đã tích lũy vô lượng vô biên chủng tử tập nghiệp, thiện ác, cho nên khi thành Phật thì ở mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh cũng phải gặp rất nhiều chuyện trái nghịch. Đó là do nghiệp nhân bất thiện trong đời quá khứ hiện hành. Khi nó hiện hành, Phật biết rất rõ, rất sáng tỏ, không giống chúng ta. Chúng ta gặp phải cản trở thì không biết nguyên nhân là gì, còn các Ngài gặp phải thì biết rất rõ ràng, biết rất tường tận, biết đây là món nợ từ lúc nào, “được, bây giờ sẵn sàng trả hết, trả cho xong”. Cho nên bất muội là biết rất rõ ràng, biết rất minh bạch. Chúng ta hiểu được đạo lý này, thì biết người tu hành cần phải làm như thế nào? Từ nay về sau không tạo thêm ác nghiệp nữa, đây là quay đầu đích thực, chuyển ác tu thiện. Ở trong thuận cảnh, quyết không sinh tâm tham luyến, ở trong nghịch cảnh nhất định không có tâm sân hận. Cảnh duyên thuận nghịch đều nên dùng tâm bình thường, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng để xử sự đối nhân tiếp vật, vậy là đúng rồi. Bị cản trở, bị oan nhất định là có, không nên nói không có, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có, “Phật trung chi vương” – A Di Đà Phật cũng có. Cho nên, người thật sự giác ngộ đối với nhân quả vô cùng thận trọng. Chúng ta từ đạo lý này mà tỉnh ngộ ra, thì cách nhìn của chúng ta đối với vũ trụ nhân sinh sẽ chuyển đổi ngay. Đây chính là cái mà trong kinh Pháp Hoa gọi là “nhập Phật tri kiến”. Phật là viên mãn đại giác.
Giữa con người với nhau phải hòa mục. Người với sự, người với vật, phát triển thêm ra đến nhà với nhà, quốc gia với quốc gia, chủng tộc với chủng tộc không nên cạnh tranh. Cạnh tranh là không tốt, phải hợp tác, phải hòa mục. Hợp tác thì mọi người đều có phước, còn cạnh tranh thì đến cuối cùng sẽ biến thành đấu tranh. Sự phát triển của cạnh tranh dẫn đến không thể không đấu tranh. Đấu tranh thì vô cùng thê thảm, đây là tội nghiệp cực trọng. Cho nên, thật sự giác ngộ rồi thì với oan gia trái chủ, với những loại oán hận đó, chúng ta phải đem nó hóa giải. Họ đối với chúng ta không hòa mục, chúng ta đối với họ nhất định phải hòa mục. Tâm của họ đối với chúng ta bất bình, tâm của chúng ta đối với họ là bình đẳng. Thời gian lâu rồi thì tự nhiên cảm hóa được thôi, hóa giải rồi. Điều này quyết không phải nhất thời, mà là thời gian dài. Cho nên, chư Phật Bồ-tát vì chúng ta thị hiện, Thế Tôn, A Di Đà Phật đều đã thành Phật từ kiếp lâu xa rồi, nhưng mãi cho đến hiện nay, trong xã hội này vẫn có rất nhiều người phỉ báng các Ngài. Qua đó, bạn mới hiểu được nghiệp nhân quả báo này là vô cùng nghiêm trọng.
Chúng ta phải sửa đổi từ trong khởi tâm động niệm. Bất kể đối với người, với sự, với vật, đều cần phải chung sống hòa mục, đều cần phải hỗ trợ hợp tác. Chúng ta nhìn thấy một đóa hoa, nhìn thấy một ngọn cỏ bị những cành khác làm chướng ngại, đè bẹp, chúng ta gỡ nó ra để hai bên đều sinh trưởng thật tươi tốt. Đối với vật còn phải như vậy, huống hồ là đối với người. Thánh hiền thế xuất thế gian thường hay dạy chúng ta: “Oan gia nên giải, không nên kết”, không kết oán với người, có oán kết phải đem nó hóa giải. Đây là trí tuệ, đây gọi là thiện tâm, thiện hạnh. Học Phật là phải bắt đầu học từ chỗ này.
Đoạn này nói chúng ta nhất định không lưỡng thiệt, nhất định không xúi giục thị phi. Điều này phải chú ý, tại sao vậy? Có khi là hữu ý hay vô ý. Hữu ý đại khái là xảy ra xung đột lợi hại đối với mình nên nghĩ cách phá hoại người khác, sợ người khác làm phương hại danh lợi của mình, đây là hữu ý. Vô ý là nghe tin đồn đại thì phụ họa theo, quả thật chẳng có quan hệ lợi hại gì với mình cả. Ưa thích nghe tin đồn đại, ưa thích truyền bá tin đồn, tập khí này thì rất nhiều người có. Tạo tội nghiệp này thì vẫn phải thọ báo, hay nói cách khác, chúng ta đối xử người khác thế nào thì nhất định sẽ cảm được người khác đối xử với chúng ta thế ấy. Cho nên, thánh nhân Trung Quốc nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Lời nói này là hiểu sâu nhân quả báo ứng. Bản thân ta không muốn nhận, thì ta nhất định không được gán cho người khác. Ta không muốn người khác xúi giục người nhà của ta, không muốn người khác phá hoại gia đình ta, phá hoại sự nghiệp của ta, thì ta nhất định không được phép phá hoại người khác. Quả báo của lưỡng thiệt là phải tùy theo sự ảnh hưởng của nó. Nếu như phạm vi ảnh hưởng của nó càng lớn, mức độ ảnh hưởng của nó càng sâu xa, thì tội báo của nó sẽ càng nghiêm trọng.
Đặc biệt là trong cửa Phật, đồng tu học Phật chúng ta đều biết Phật pháp là con mắt của trời người, hướng dẫn người đoạn ác tu thiện, giúp người siêu phàm nhập thánh, đây là thiện hạnh đứng hàng đầu, sự nghiệp đứng hàng đầu của thế xuất thế gian. Nếu như bạn tùy tiện đi phá hoại, đi cản trở, phỉ báng, hãm hại, thì quả báo ở địa ngục A-tỳ. Trong kinh luận thường nói, tội giết người rất nặng, vì bạn đoạn thân mạng của người, nhưng thực ra cái tội này không thể sánh với tội nghiệp đoạn huệ mạng của người. Sao gọi là đoạn huệ mạng của người vậy? Là đọan mất cơ duyên học Phật của người khác, làm tín tâm của họ đối với Phật pháp bị phá hoại. Đây là tội nặng đứng hàng đầu của thế xuất thế gian, đọa địa ngục A-tỳ. Trong tội ngũ nghịch, nặng nhất chính là cái tội “phá hòa hợp tăng” này. Năm loại tội này đều là đọa địa ngục, nhưng thời gian đọa địa ngục dài ngắn không giống nhau. Tội ngũ nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu đều là đọa địa ngục A-Tỳ thời gian ngắn; phá hòa hợp tăng đọa địa ngục A-tỳ thời gian dài. Đây là điều chúng ta không thể không biết. Nhất là một nền Phật pháp thuần chánh, nếu như bạn phá hoại thì hậu quả thật khủng khiếp. Nghiệp nhân quả báo chúng ta nhất định phải hiểu. Chúng ta không muốn có người khác đến phá hoại gia đình, quyến thuộc, sự nghiệp của chúng ta thì chúng ta nhất định không được phá hoại, xúi giục người khác, đây là điều quan trọng hơn hết tất cả.
Thứ ba: “Đắc bất hoại tín, thuận bản nghiệp cố”.
Đây là nói lìa lưỡng thiệt thì sẽ được loại quả báo thù thắng thứ ba. “Bản nghiệp” là chỉ chúng ta ở trong thế gian này theo đuổi một loại nghề nghiệp nào đó. Câu này ý nói, bất kể làm nghề nghiệp gì bạn cũng có thể được đại chúng xã hội tín nhiệm và tùy thuận. Đương nhiên sự nghiệp của bạn sẽ thuận buồm xuôi gió, bạn chắc chắn sẽ thành công, người hiện nay gọi là nhân duyên tốt. Bạn có thể được rất nhiều người đến giúp đỡ bạn, thành tựu sự nghiệp của bạn, được nhiều thiện hữu đến giúp đỡ thì đây là duyên. Nhân đích thực là do lìa lưỡng thiệt, không vọng ngữ. Từ chỗ này chúng ta có thể thấy, công đức thù thắng của không vọng ngữ quả thật là không thể nghĩ bàn.
Từ trên đạo lý nhân quả mà nói, nếu chúng ta không phá hoại người khác, thì bản thân chúng ta bất kể kinh doanh sự nghiệp gì cũng sẽ không bị người khác đến phá hoại. Nếu như chúng ta ở ngay trong đời này không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, mà sự nghiệp của chúng ta vẫn bị người khác đố kỵ phá hoại, nói lời thô ác (sự việc này không phải không có) là do nguyên nhân gì vậy? Đó là trong đời quá khứ làm điều bất thiện. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Những việc ta tu trong đời này hoàn toàn không phải không có cảm ứng, nghi ngờ này của bạn là sai rồi. Nhà Phật thường nói: “Nhân quả thông ba đời”. Chúng ta trong đời này tạo tác, tất cả quả báo mà ta thọ nhận là do nghiệp nhân đời trước gieo. Đời trước đã tu bất thiện, tuy đời này tu rất thiện nhưng vẫn không thể tránh khỏi ác báo; trong tâm chúng ta hiểu rõ, đời sau, loại ác duyên, ác báo này sẽ không còn nữa. Cho nên trong đời này, chúng ta tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, nhất định phải tùy thuận Phật Đà, nhất định phải có tín tâm, dứt khoát không nghi ngờ. Trước kia chưa gặp được Phật pháp, chúng ta đã tạo việc sai trái quá nhiều rồi, đây là điều chắc chắn. Nếu chúng ta tích cực đoạn ác tu thiện, thật sự nỗ lực làm nghiêm túc giống như cư sĩ Liễu Phàm, thì quả báo bất thiện ở trong đời quá khứ cũng có thể cải thiện. Đây chính là nhà Phật gọi là dũng mãnh tinh tấn. Nếu chúng ta không dũng mãnh tinh tấn, thì định nghiệp này rất khó chuyển, không dễ gì chuyển được. Những điều chúng ta tu tích trong đời này thì đời sau sẽ được quả báo, cho nên không thể không dũng mãnh tinh tấn. Dũng mãnh tinh tấn thì chúng ta trong đời này có được là hoa báo. Quả báo so với hoa báo nhận được trong đời này là thù thắng hơn.
Thứ tư: “Đắc bất hoại pháp hành, sở tu kiên cố cố”.
“Pháp hành”, đây chính là nói chúng ta tu hành, học Phật. Bạn học Phật cũng sẽ không bị người phá hoại. Sự việc này chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Có một số người tu rất tốt, cũng đã học Phật rất nhiều năm, gặp được một vị tri thức khuyên là “còn có pháp môn khác thù thắng hơn so với pháp môn này”. Vừa nghe vậy thì tâm của họ dao động rồi, vứt bỏ ngay để đi học với người khác. Đây chính là phá hoại pháp hành của họ, đây là việc ác. Trong xã hội hiện nay, sự việc này rất nhiều, đúng như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Thời kỳ mạt pháp, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa”.
Có không ít đồng tu đến nói với tôi, các đạo hữu đồng tham của họ trước đây đều niệm kinh Vô Lượng Thọ, đều niệm A Di Đà Phật, đã tu rất nhiều năm, tu rất khá, nhưng bây giờ thì đi với người khác rồi, không tin kinh Vô Lượng Thọ nữa, cũng không niệm A Di Đà Phật nữa. Họ buồn rầu không tả nổi. Tôi bảo: “Không nên buồn, đây là nhân duyên của mỗi người, phải hiểu đạo lý này”. Mỗi người đều có nghiệp nhân, nghiệp duyên riêng của họ. Phật cũng không làm gì được thì chúng ta có năng lực gì? Chúng ta khuyên bảo họ là làm tròn trách nhiệm của một người bạn, họ có tin hay không là việc của họ, chúng ta không thể can thiệp. Can thiệp là làm nhiễu loạn đạo tâm của mình rồi. Tuy họ đi với người khác, đã từ bỏ pháp môn Tịnh Độ, nhưng cũng có thể qua vài năm sau họ lại quay lại, điều này rất khó nói. Bản thân chúng ta phải tu thật tốt để làm tấm gương. Qua mấy năm thử so sánh lại, họ cảm thấy bạn tu rất tốt, “tôi không bằng anh”, thì rất có thể họ sẽ quay trở lại. Đến lúc này ta dùng lời lẽ khuyên họ thì hiệu quả không gì sánh bằng. Chúng ta nhất định phải dùng sự hành trì chân chánh, thời gian dài để cảm hóa, vậy mới có thể có tác dụng. Nhất định phải hiểu đạo lý này.
Chúng ta thử nghĩ, đương nhiên nhân và duyên này đều là lưỡng thiệt, xúi giục. Người xúi giục có hai loại là hữu ý và vô ý. Người vô ý cũng rất nhiều, chính bản thân họ không biết họ đã tu tà pháp. Họ khuyên những bạn bè của họ đều tin theo tà pháp giống như họ, xem tà pháp là chánh pháp, xem chánh pháp là tà pháp. Đặc biệt là, chúng ta ngày nay đề xướng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, cho đến nay những lời phản đối rất nhiều. Năm xưa, khi Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam khai giảng bản kinh này tại Đài Trung, dường như là năm 1950 (năm Dân Quốc thứ 39), vào lúc đó đã có người phê bình. Nhưng người thời đại đó, tâm địa vẫn còn rất thuần hậu, vẫn không phải thẳng thắn phê bình, nói rất hàm súc, đây là đức hạnh của người ta.Người hiện nay không còn loại ẩn ý hàm súc này, mất hết rồi, họ chỉ trích rất gay gắt. Do đó có người bị ảnh hưởng điều này, cho nên đồng tu đến hỏi tôi: “Vậy làm thế nào?”. Tôi nói: “Tùy họ vậy, nhân duyên của mỗi người”. Đây là gì vậy? Bản thân họ nhận thức không rõ, đạo tâm không kiên cố mới bị lưỡng thiệt, ly gián làm dao động pháp hành.
Trong kinh điển Phật thường hay chỉ dạy chúng ta phải hiểu sâu nghĩa thú. Đối với nghĩa lý của kinh giáo, bạn phải hiểu cho thật sâu, thật rộng thì tín tâm của bạn mới kiên định, tâm nguyện kiên cố, thủy chung không dao động. Trước khi vãng sanh, cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói, bản hội tập này sẽ truyền đi khắp thế giới. Trên thế giới, người sáng mắt rất nhiều, người có trí tuệ cũng không ít. Chín loại sách bày ra trước mắt, họ tự mình có thể lựa chọn. Chín bản sách đều hay, bất kể dùng bản nào, chỉ cần thật sự chân thành tu hành thì đều có thể vãng sanh Tịnh Độ, đều có thể thấy Phật A Di Đà. Trong chín bản sách, rốt cuộc là bản nào hay, bản nào không hay? Không có tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là ở chính mình. Trong mấy bản sách này, bản sách nào bạn xem thấy rất thuận, xem thấy rất trôi chảy, ý nghĩa thật rõ ràng, thì bản sách này đối với bạn là khế cơ. Khế cơ thì được lợi ích.
Quí vị phải hiểu rằng, giảng kinh thuyết pháp là giới thiệu cho bạn, đây là duyên. Có thể thành tựu hay không là do công phu của bạn. Công phu là gì vậy? Công phu là “tín, nguyện, hạnh”. “Tín” là gì? Không phải là tin bản kinh này, mà là tin A Di Đà Phật. Cho nên, bất kể là bản kinh nào, nội dung mà nó giới thiệu đều là dạy bạn tin A Di Đà Phật, tin thế giới Tây Phương Cực Lạc, vậy là không sai. Cho nên chỉ cần xây dựng tín tâm, đầy đủ ba điều kiện “tín, nguyện, hạnh” này. “Hạnh” thì nhất định phải theo cương lĩnh mà Bồ-tát Đại Thế Chí chỉ dạy chúng ta là: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Trong “đô nhiếp lục căn” chắc chắn đã bao hàm thập thiện nghiệp đạo rất viên mãn. Tại sao vậy? Nếu như bạn tạo thập ác nghiệp thì bạn chắc chắn không có cách gì thâu nhiếp lục căn. Thật sự thâu nhiếp lục căn, thì người này nhất định là người thuần thiện. Dùng thiện tâm, thiện hạnh mà niệm Phật thì mới được vãng sanh Tịnh Độ.
Chúng ta thông thường nói phát tâm Bồ-đề, đây đều là nói qua loa. Thế nào là phát tâm Bồ-đề? Phát tâm Bồ-đề cần những điều kiện nào? Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng. Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn, ba vị thiện tri thức phía trước chính là đại biểu tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Tỳ kheo Kiết Tường Vân là đại biểu Phật bảo, cho nên dạy pháp môn niệm Phật. Tỳ kheo Hải Vân là đại biểu nhị trụ Bồ-tát, Trị Địa Trụ đại biểu pháp bảo, là nói với bạn phát tâm Bồ-đề. Trong kinh nói rất cặn kẽ, chúng tôi sau khi đọc xong mới biết, hóa ra Bồ-tát phát tâm Bồ-đề là hoàn toàn giống như chúng ta, “Phải làm thật!”. Tỳ kheo Diệu Trụ là đại biểu tam trụ Bồ-tát, đại biểu tăng bảo, tu hành trụ. Làm thế nào tu lục độ vạn hạnh? Tuy trong Hoa Nghiêm nói ra rất nhiều pháp môn nhưng chỉ quy về Tịnh Độ. Bồ-tát Phổ Hiền là sơ tổ của Tịnh Độ tông ở thế giới Ta-bà chúng ta, trong hội Hoa Nghiêm, thập đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc.
Bản thân chúng ta muốn được “bất hoại pháp hành, sở tu kiên cố” thì nhất định không được vọng ngữ, lưỡng thiệt. Cái tật xấu này nếu không thay đổi được thì trên đường Bồ-đề sẽ không thể thuận buồm xuôi gió. Nghịch cảnh, ác duyên của bạn mãi mãi không dễ dàng thoát được. Những chướng nạn này từ đâu mà có vậy? Nhất định phải hiểu rõ, là tự mình trong đời quá khứ hoặc đời này tạo nên. Nếu như bạn cứ oán trời trách người, thì bạn trên tội lại thêm tội, tự mình vẫn đọa lạc thọ khổ, không có ai có thể thay thế được. Người không hiểu Phật pháp, thường thường gặp phải tai nạn thì tâm của họ bất bình, luôn luôn cảm thấy người khác hãm hại họ, luôn luôn cảm thấy người khác có lỗi với họ, xã hội có lỗi với họ, thậm chí là ông trời có lỗi với họ, Phật Bồ-tát có lỗi với họ, cái tạo nghiệp này là nặng rồi! Đây là không hiểu nghĩa mà Như Lai đã nói. Thật sự thông đạt nghĩa thú mà Phật chỉ dạy là chúng ta giác ngộ rồi. Pháp thế xuất thế gian không lìa nhân quả, nhân chắc chắn phải tự mình tạo, Phật không có cách gì cho bạn. Nếu như Phật có thể cho chúng ta, thì chúng ta không cần tu hành nữa, Phật đại từ đại bi khiến chúng ta đều thành Phật cả. Đây là điều không thể làm được, “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”.
Sự từ bi của Phật chỉ là đem đạo lý nói rõ với chúng ta, chỉ dẫn phương pháp tu học cho chúng ta. Ngài là người đi trước, đem kinh nghiệm tu học của Ngài cung cấp cho chúng ta làm tham khảo. Chúng ta có thể tin, thuận theo con đường của Ngài mà đi thì chúng ta nhất định có thành tựu. Sự gia trì của Phật đối với chúng ta chỉ là như vậy mà thôi, điều này quí vị phải hiểu rõ. Giống như chúng ta làm học sinh nghe lời thầy vậy, sự gia trì của thầy đối với chúng ta là chỉ dạy chúng ta, còn đường thì nhất định phải tự mình đi. Bạn đi học ở trường, thầy dạy bạn, còn bài tập phải tự mình làm, không thể nói thầy làm bài tập thay cho bạn, đâu có loại đạo lý này? Thầy làm bài tập thay cho bạn, bạn có thể thành tựu không? Bài tập nhất định phải tự mình làm. Cho nên, chúng ta nhất định phải nghiêm túc tu hành. Tu là gì? Là thay đổi hành vi sai lầm. Phần trước, chúng ta học qua rồi, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt là hành vi sai lầm. Đem những hành vi sai lầm này sửa đổi lại, vĩnh viễn không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, đây gọi là tu hành. Cho nên, quí vị nhất định phải nhận thức rõ ràng định nghĩa của hai chữ “tu hành” này. Không phải nói, tôi mỗi ngày đọc kinh là tu hành, tôi mỗi ngày lạy Phật là tu hành, ở trong đời sống thường ngày vẫn cứ sát-đạo-dâm-vọng, thế thì có lợi ích gì? Lạy Phật cũng chẳng lợi ích gì, làm nhiều việc tốt đi nữa cũng vô ích. Loại ví dụ này rất nhiều, rất nhiều.
Trong tiểu thuyết bút ký của cổ nhân, chúng ta xem thấy có một số người ở trong một đời đã tạo rất nhiều tội nghiệp và phát tài to. Nhưng cái phát tài này đều là mê muội lương tâm, lừa gạt người khác mà có được. Khi về già biết là sai nên cũng biết hối lỗi, hằng ngày lạy Phật, làm hết các việc tốt như sửa cầu, đắp đường, nhưng cuối cùng vẫn bị ác báo. Nguyên nhân gì vậy? Cái nghiệp này không chuyển được. Chuyển không được, quả thật mà nói là do làm “không đắc lực”. Lừa gạt người khác kiếm được mười vạn, đem ra hai vạn để làm việc tốt, đến lạy Bồ-tát, vậy thì có lợi ích gì chứ? Cho nên chúng ta quan sát tỉ mỉ, đều là chưa thông về giáo lý nên việc mà họ làm là bất lực. Nếu như thật sự thông đạt, thật sự dũng mãnh tinh tấn thì nghiệp báo có thể chuyển, đâu có chuyện không thể chuyển? Vua A-xà-thế tạo ngũ nghịch thập ác, khi lâm chung sám hối vẫn có thể vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Từ đó cho thấy, dũng mãnh tinh tấn thì thật sự chuyển được. Chuyển không được, là do không dũng mãnh tinh tấn, tuy là muốn chuyển nhưng tham sân si chưa có hoàn toàn buông xả, cho rằng làm một chút việc tốt là có thể bù đắp rồi. Bạn đã làm mười phần ác, bạn mới làm hai phần thiện thì không thể chuyển được. Đã làm mười phần ác rồi, cần phải có mười hai phần thiện thì mới có thể chuyển được. Những đạo lý, sự thật này đều có trong kinh điển, trong bút ký, truyện ký của cổ nhân. Bạn tự mình bình tĩnh mà quan sát hoàn cảnh chung quanh chúng ta, trong những bạn bè quen biết của chúng ta, sự việc rành rành ở ngay trước mắt, chúng ta có thể nhìn thấy. Vậy mới biết, thế xuất thế gian, nghiệp nhân quả báo là chân lý, là định luật. Định luật này không những là phàm phu sáu cõi không thể thay đổi, mà Thánh Nhân tam thừa, Chư Phật Như Lai cũng không thể thay đổi nhân quả. Cho nên lời giáo huấn của Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh thì thập thiện nghiệp đạo là môn học đầu tiên. Chúng ta nhập môn từ bộ kinh này và cũng ở trong bộ kinh này được đại viên mãn. Thập thiện làm được vô cùng thanh tịnh, viên mãn thì bạn thành Phật rồi.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.
A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền