Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 34

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 80 Tập 

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo KinhTập 34

 

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hôm nay, Cư Sĩ Lâm bắt đầu Phật thất, đây cũng là pháp hội trung nguyên của nhà Phật truy điệu kỷ niệm tiền nhân, ý nghĩa rất là trọng đại. Chúng ta nhất định phải rất nỗ lực làm cho tốt pháp hội này.

Vừa rồi, tôi gặp vị cư sĩ từ Malaysia đưa đến một tôn tượng Phật. Tôn tượng được làm rất trang nghiêm, khiến tất cả chúng sanh thấy được đều có thể sanh tâm hoan hỉ.

“Tượng này có làm ra thêm không?”. “Có!”. “Tốt! Có thể làm ra nhiều hơn, là chất nhựa đúng không? Tốt! Nhựa tốt hơn sứ, sứ rất dễ ngã bể”. [Đây là đoạn đối thoại giữ Hòa thượng và vị cư sĩ]

Năm xưa,khi khánh thành thư viện Hoa Tạng Đài Bắc của chúng ta, lão cư sĩ Triệu Mặc Lâm có làm một tôn tượng Phật cúng dường. Tôn tượng này nguyên bản là sứ, đại khái cũng có hai, ba trăm năm rồi, cho nên giữ gìn chân thật là cẩn trọng vô cùng, vì lo sợ bị tổn hại. Về sau chúng ta dùng phương pháp chụp hình, đem in ra, đại khái in ra cũng được mấy chục ngàn tấm, lưu thông ở toàn thế giới, mỗi một người xem thấy đều sanh tâm hoan hỉ. Vào bốn, năm năm trước, ở Đài Loan mới bắt đầu dùng điêu khắc gỗ, chiếu theo kiểu dáng tôn tượng Phật này, đại khái cũng khắc ra nhiều vị, điêu khắc cũng rất đẹp, mang đến nơi đây, cư sĩ Lý Mộc Nguyên xem thấy cũng rất hoan hỉ. Ở Trung Quốc cũng dùng kiểu dáng của tôn tượng Phật này làm ra bằng đồng. Vốn dĩ là nghĩ đến tương lai xây thôn Di Đà, vào lúc đó đã có kế hoạch. Kiểu dáng bằng đồng cũng tạo thành, thế nhưng tượng Phật bằng đồng rất nặng, tôi không thể ôm lên được, cho nên bằng nhựa vẫn là tốt.Hôm nay có Phật thất, đợi lát nữa chúng ta đem tôn tượng Phật này cúng vào Phật đường của Phật thất. Tôi muốn giới thiệu với mọi người, tôi nghĩ mỗi một người đều rất hoan hỉ, thỉnh vào trong nhà để cúng dường. Tượng Phật đó cùng với tôn tượng Phật ở đây là một kiểu dáng.

Cúng Phật, ý nghĩa quan trọng nhất là nhắc nhở chính mình hướng tới Phật Đà để học tập, người xưa chúng ta thường nói là “kiến hiền tư tề”, xem thấy người hiền, chúng ta liền phải sanh khởi một ý niệm, muốn giống như Ngài vậy. Phật là chí thánh chí hiền. Ngay trong thánh hiền đích thực là người chí thiện nơi thiên thượng nhân gian, không có chút kém khuyết, là đáng được chúng sanh chín pháp giới tu học. Ngài làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng ta, điển phạm tốt nhất. Cả đời Phật ngay trong 49 năm giáo học, tuy là đã giảng rất nhiều, nhưng chúng ta có thể dùng một câu nói đem nó tổng kết, suốt 49 năm Ngài giảng những gì? Trên kinh Bát Nhã chỉ dùng một câu là nói rõ rồi, đó là “Thật tướng các pháp!“. Ngài nói ra với chúng ta là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Sau khi hiểu rõ chân tướng thì đây chính là minh tâm kiến tánh mà trong Tông môn nhà Phật đã nói. Minh tâm kiến tánh chính là triệt để hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Sau khi tường tận thì tư tưởng hành vi của họ tự nhiên đoạn chánh, tâm đoan chánh chính là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, đây là tâm đoan chánh.

Phật tâm, các vị phải nên biết, Phật tâm là chân tâm của chính chúng ta, là bản tâm của chính chúng ta, vốn dĩ chính là như vậy. Hiện tại biến thành không chân, không thành, không thanh, không tịnh, đây là sai lầm. Cái sai lầm này không phải theo mình mà sanh ra, không phải trong tự tánh vốn có, mà là mê hoặc điên đảo vọng tưởng tập khí tạo thành. Vậy thì chúng ta muốn học Phật thì phải biết đem vọng tưởng tập khí của chính mình, vọng tâm huân thành xả bỏ, vĩnh viễn lìa khỏi, hồi phục đến chân tâm của chúng ta, hồi phục đến tự tánh của chúng ta. Chân tâm thực tiễn ngay trong đời sống, thực tiễn ngay trong đối nhân xử thế tiếp vật chính là nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên. Cách nói này của Phật, Nho, Đạo, thậm chí cũng của thần thánh các tôn giáo khác, đích thực là dị khẩu đồng âm, đều là có cách nói này, chúng ta nhất định phải tin tưởng. Nhà Nho dạy người, nếu như chúng ta dùng một câu nói đem nó tổng kết lại, thực tế chính là trong Đại Học đã nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Khổng, Mạnh cả đời dạy người không rời khỏi cái nguyên tắc này. Nhà Nho gọi là “Đại nhân”, chính là trong tôn giáo gọi là “thánh nhân”, trong Phật giáo gọi là “Phật Bồ Tát”. Danh từ không giống nhau, nhưng nghĩa lý hoàn toàn như nhau. Đại nhân chi học, thứ nhất là “minh minh đức”. “Minh minh đức” chính là minh tâm kiến tánh, chính là triệt để tường tận thật tướng các pháp, cùng nhà Phật nói không gì khác. Minh đức chi hậu phải thực tiễn, thực tiễn ở “thân dân”. Thân dân chính là vì nhân dân tác sư tác phạm, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, đây là thân dân. Minh minh đức, dùng lời của nhà Phật để nói là tự độ, thân dân là độ tha. Tự độ độ tha đều phải “chỉ ư chí thiện”, phải làm đến cứu cánh viên mãn. Chí thiện của nhà Phật, ở trong Phật kinh chúng ta thường hay xem thấy có một danh từ là “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”, đó là chỉ ư chí thiện. Trong nhà Phật chúng ta gọi là viên mãn Phật đạo, cứu cánh viên mãn Phật quả, đây là chí thiện. Nhà Nho nói rất hay, ở trên Đại học đã nói: “Tri chỉ nhi hậu hữu định”. Bạn biết được chỉ ư chí thiện, tâm của bạn liền định, vì sao vậy? Bạn sẽ không còn bị phiền não dao động, không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc. Do đây có thể biết tại vì sao Phật pháp Đại Thừa, Thế Tôn vừa mở đầu liền khuyên người phát tâm Bồ Đề? Khuyên người phát tâm Bồ Đề, dụng ýđó chính là nhà Nho nói là “tri chỉ”. Bạn có một phương hướng hướng thượng, có một mục tiêu hướng thượng là ta phải làm Phật. Phát tâm Bồ Đề chính là phát tâm làm Phật, nhà Nho nói là phát tâm làm thánh.

Nhà Nho “đọc thư chí tại thánh hiền”, tại vì sao cầu học? Tại vì sao đọc sách? Là muốn học thánh nhân. Do đây có thể biết nhà Nho làm Thánh, nhà Phật thì làm Phật, đây là chỉ ư chí thiện. Ta phải làm Thánh, phải làm Phật, quyết không thể nào để trôi theo dòng nước, quyết không thể nào tùy dòng ô nhiễm, cho nên tâm của họ định. “Định nhi hậu năng tịnh, tịnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”. Đây là một quá trình vĩnh viễn không thay đổi.

Quay nhìn lại xã hội hiện tại, tại vì sao xã hội động loạn, lòng người bất an như vậy? Điều kiện đời sống vật chất ưu việt hơn so với ngày trước quá nhiều lần, tại sao đời sống thống khổ đến như vậy? Chính là họ không biết tri chỉ, hay nói cách khác họ không có phương hướng mục tiêu chính xác. Giống như một chiếc thuyền đi trong biển lớn, không biết được phương hướng, không biết được sẽ đi đến nơi đâu, họ đương nhiên sẽ bất an. Tình hình xã hội ngày nay đích thực là như vậy, làm thế nào giúp đỡ chính mình, giúp đỡ chúng sanh để tiêu trừ cái bụng lo này, cái mê chướng này? Trên thế giới hiện đại cũng có một số chí sĩ chân thật có lòng nhân, có học vấn, có kiến thức, họ hô hào lên, muốn giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21 chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa. Chúng ta nghĩ lại thật hay, học thuyết Khổng Mạnh dạy chúng ta “minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện”. Phật pháp Đại Thừa dạy chúng ta “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi; nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên”, 18 chữ này, sau cùng tổng kết đến niệm Phật, đây là đại viên mãn, chắc chắn không luống không. Cho nên, chỉ đạo này của Nho và Phật đích thực là khiến cho chúng ta ở trong biển khổ tìm ra được phương hướng, tìm ra được mục tiêu, không còn bàng hoàng, không còn mê hoặc, đây là nhà Phật gọi là lìa khổ được vui.

Nho và Phật nói đại cương lĩnh, chúng ta phải nên tiếp nhận, y giáo phụng hành. Điển tích của hai nhà này đều rất là phong phú, đó là tiết nhỏ, là mục nhỏ, chúng ta học được bao nhiêu thì được bấy nhiêu thọ dụng. Học được ít thì được thọ dụng ít; học được nhiều thì được đại thọ dụng; học được triệt để thìđược thọ dụng cứu cánh viên mãn. Nho, Phật như vậy, các tông các phái khác, mỗi mỗi tôn giáo khác nhau cũng đều là như vậy. Chúng ta rõ ràng, chúng ta tường tận. Chúng ta ngày nay đích thực là có thể khẳng định tất cả tôn giáo đều là người hiện đại gọi là “nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá”. Các giáo các phái, mỗi mỗi tôn giáo đã nói đích thực là một sự việc, là cùng đồng một phương hướng, đồng một mục tiêu, chẳng qua họ nói ra có khác biệt không đồng nhau. Nho và Phật nói được viên mãn, các tông các phái tôn giáo khác chưa nói đến được viên mãn. Cách nói này chúng ta không thể chấp trước, chính là nhà Phật dạy người, đối với người thượng căn lợi trí thì nói pháp cứu cánh viên mãn, đối với người căn tánh trung hạ nói pháp tiếp cận viên mãn. Do đây có thể biết cái gọi là “viên mãn”, cái gọi là “không viên mãn” không phải ở trên tông chỉ giáo học có khác biệt, mà là ở căn tánh chúng sanh tiếp nhận giáo học có khác biệt, đạo lý này chúng ta phải hiểu.

Hiện tại do vì thông tin phát triển, giao thông thuận tiện, địa cầu này biến thành một đại gia đình, đây là chúng ta cần phải nhận biết. Cho nên, các loại học thuật khác nhau, tôn giáo khác nhau, dần dần từ từ nhất định là dung hợp quán thông, khiến tất cả chúng sanh đều có thể hướng về cứu cánh viên mãn, thành tựu mục tiêu cuối cùng của giáo học đa nguyên văn hoá. Sau đó chúng ta xem thấy thế giới này an lành, xã hội phồn vinh hưng vượng, giữa người và người tương thân tương ái giống như cha con anh em, đôi bên tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, động loạn bất an của thế gian này có thể tiêu trừ, nguy cơ kiếp nạn của thế gian cũng có thể hóa giải. Chúng ta ở nơi đây nhận biết tầm quan trọng của giáo học, công năng của giáo dục. Tôn giáo không nên chỉ ở nơi nghi thức, chỉ ở nơi nghi thức là mê tín. Chúng ta cần phải tỉ mỉ nỗ lực nghiên cứu giáo nghĩa, giải thích giáo nghĩa, phụng hành giáo nghĩa, thực tiễn vào công việc đời sống thực tế của chúng ta, đối nhân xử thế tiếp vật. Phật pháp chân thật là có lợi ích cho chúng sanh, có cống hiến thù thắng không gì bằng, chúng ta là người giác ngộ, người tường tận, phải nên chăm chỉ nỗ lực phụng hành mà thúc đẩy.

Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly sân nhuế, tức đắc bát chủng, hỉ duyệt tâm pháp”.

Đây là loại thứ hai của ba độc phiền não. Cái hại của tham dục phía trước đã sơ lược nói qua. Chỗ hại của sân nhuế thì rất là mãnh liệt, có sự tổn hại rất lớn đối với thân tâm của chính mình, hơn nữa đến được rất là mau chóng. Tổn hại của tham dục là chậm rãi, thời gian dài, sân hận thì thời gian ngắn mà rất mãnh liệt. Chúng ta xem thấy ở trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, một số những phụ nữ vô tri ở nông thôn, sau khi tức giận rồi cho trẻ nhỏ bú sữa, sau khi trẻ nhỏ bú rồi liền trúng độc tử vong. Do đây có thể biết sân hận liền có thể biến sữa thành độc tố, bạn nói xem đáng sợ dường nào. Chúng ta biết được sữa có thể biến thành độc tố, máu huyết cũng có thể biến thành độc tố, tại vì sao người X-Lam giáo ăn thịt bò, ăn thịt dê, họ không ăn huyết, họ nhất định sẽ rửa thật sạch huyết đi? Tôi nghĩ họ hiểu được đạo lý này, động vật khi bị giết hại không thể nào không khởi tâm sân hận, cái tâm sân hận này sẽ biến máu huyết thành độc tố, đây là việc rất rõ ràng. Cho nên Phật nói với chúng ta, sân hận là nhân tố thứ nhất của đường địa ngục. Đương nhiên bị đọa địa ngục thông thường nói mười ác nghiệp thảy đều có đủ, tạo mười bất thiện mới đọa vào địa ngục, thế nhưng điều kiện thứ nhất chính là sân hận. Nếu như phạm mười ác nghiệp mà sân hận không nghiêm trọng thì không đến nổi đọa địa ngục, quả báo ngạ quỷ, súc sanh nhẹ hơn so với địa ngục. Cho nên, sân hận thực tế mà nói quá đáng sợ, có tổn hại cực kỳ nghiêm trọng đối với thân tâm của chúng ta, sức phá hoại rất lớn, trong nhà Phật nói là “nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Chúng ta tỉ mỉ mà suy xét câu nói này của nhà Phật có quá đáng lắm không.

Đồng tu học Phật cũng thường hay nghe được câu “lửa thiêu rừng công đức”, lửa là sân hận. Cho nên, một người rất khó mà tích lũy được công đức, bạn tu tích công đức, tu tích được rất nhiều năm rồi, hôm nào bạn vừa cảm thấy không vui, một cơn giận nổi lên thì công đức của bạn liền mất hết, cho nên rất không dễ gì thành tựu được công đức. Chúng ta phải nghĩ lại xem, chính mình tích công lũy đức rốt cuộc đã tích được bao nhiêu công đức? Phải nghĩ xem, từ sau ngày nổi tức giận thì mới tính, nếu như ngày hôm qua đã nổi lên một trận, vậy thì công đức không còn. Công đức của bạn nhiều nhất là mấy giờ đồng hồ này, sáng sớm sau khi nổi lên tức giận, công đức hoàn toàn không còn, tại vì sao? Công đức là tâm thanh tịnh, công đức là Giới-Định-Huệ. Bạn vừa khởi tâm sân giận thì tâm thanh tịnh của bạn không có. Bạn xem qua lời của cụ Hứa Triết, bà nói, khởi lên tức giận một phút, cần phải mất ba ngày thì cái tâm này mới có thể hồi phục bình thường. Thế là chúng ta liền liên tưởng đến, nổi lên tức giận 10 phút đến 20 phút đồng hồ, một tuần lễ cũng chưa thể hồi phục, huống hồ thường hay sân hận thì phiền phức này sẽ lớn, chắc chắn là nghiệp nhân của đường địa ngục.

Người tu hành tại vì sao không thể vượt qua được chính mình? Bạn hận người khác, người khác bị hại chăng? Không hề thấy. Nếu như đối phương có tu dưỡng thì không có chút tổn hại nào. Tổn hại đối với chính mình thì nghiêm trọng. Chúng ta phải tỉ mỉ tư duy những lời giáo huấn của Phật trên kinh điển, bình lặng mà quán sát hành vi chính mình cùng người khác. Hành vi của người khác có thể làm tham khảo cho chính mình. Con người phần nhiều không thể thấy lỗi của chính mình, nhưng rất dễ dàng thấy lỗi của người khác. Từ lỗi lầm của người khác, chúng ta dùng nó để phản tỉnh, đem người khác làm tấm gương phản chiếu cho chính mình, đổi ác hướng thiện.

Nếu như chúng ta thường hay khởi tức giận, thường hay có tâm sân hận, đoạn kinh văn tiếp theo nói: “Bát chủng hỉ duyệt tâm pháp”, bạn hoàn toàn không có được tám loại tâm pháp hỉ duyệt này, chính là nhà Phật thường nói “thường sanh tâm hoan hỉ”, triển khai ra là tám câu. Chúng ta chính mình phải trắc nghiệm chính mình, còn có ý niệm sân hận hay không, dùng tám câu này kiểm chứng rất thích hợp. Nếu như tám câu này đều đầy đủ thì có thể chứng minh bạn không có tâm sân hận, bạn chân thật là lìa tâm sân hận. Nếu như bạn không có tám câu này,thì bạn có tâm phiền não sân hận, nhiều nhất là tạm thời không khởi hiện hành mà thôi, chưa lìa khỏi sân hận, gặp được duyên thì khởi tác dụng. Cho nên, trong pháp môn Tịnh Độ sợ nhất chính là khi lâm chung khởi lên sân hận, lúc này chính là thời khắc then chốt. Con người khi ở hơi thở cuối cùng, cái niệm cuối cùng quyết định họ đi đến cõi nào để đầu thai. Nếu cái niệm sau cùng là sân hận thì phần nhiều đều rơi vào đường địa ngục.

Trong “Sức Chung Tân Lương”, “Sức Chung Tu Tri”, tại vì sao xem trọng khi người sắp lâm chung đến như vậy, không nên xúc chạm đến họ? Tình hình thần thức lìa khỏi thân thể, phàm phu chúng ta không biết, ở trên kinh Phật nói với chúng ta, đây là lúc họ thống khổ nhất, trên kinh điển thí dụ đau đớn thống khổ như kéo rùa sống ra khỏi mai, cho nên nếu bạn đụng họ, xúc chạm đến họ thìhọ rất dễ dàng dẫn khởi tâm sân hận, đây là bất lợi cực lớn đối với người chết. Có một số người nghe nói sau khi người qua đời, xem hơi nóng còn lại ở chỗ nào, thử nghiệm xem là họ đến được đường thiện hay là đến đường ác. Tốt nhất là không nên xúc chạm, chúng ta muốn thăm dò, nhưng không biết được thần thức của họ lìa khỏi chưa. Nếu thần thức lìa khỏi rồi thì không vấn đề gì; nếu thần thức chưa lìa khỏi, vậy thì bất lợi cho họ, vì vậy chúng ta không nên nhẫn tâm làm việc này.

Thông thường nói thần thức lìa khỏi thân thể 8 giờ đồng hồ đến 12 giờ đồng hồ sau, cũng chính là nói, trong vòng 8 giờ đồng hồ nhất định không được đụng chạm đến [thân xác người mất]. Họ nằm ở trên gường, gường cũng không được đụng vào, đây mới là chân thật yêu thương, chân thật giúp đỡ. Sau 8 giờ đồng hồ, bạn muốn thử nghiệm thăm dò thì được, thế nhưng an toàn nhất là 12 giờ đồng hồ sau, sau khi dứt hơi 12 giờ đồng hồ thì an toàn. Thường thức này chúng ta phải biết, chúng ta phải giúp đỡ người, thành tựu người, không thể hại người. Do đây có thể biết người niệm Phật, cho dù khi còn sống công phu niệm Phật không tệ, khi vãng sanh người thân quyến trong nhà không hiểu được đạo lý này, ở bên cạnh vừa khóc vừa kêu thì dễ dàng dẫn khởi cảm tình của họ, lại còn xúc chạm đến họ, kéo kéo họ, vậy thì càng đáng lo. Có mấy người ở vào lúc lâm chung có thể gặp được thiện tri thức, hiểu được những đạo lý này, biết được những chân tướng sự thật này, chân thật đến giúp đỡ họ? Thân bằng quyến thuộc xem thấy người nhà qua đời, đây là khó phân khó xả, nên cách ly họ, không để họ nghe được âm thanh tiếng khóc của thân bằng quyến thuộc. Giờ khắc then chốt này quan trọng hơn bất cứ thứ gì, phòng hộ chu đáo, như lý như pháp trợ niệm thì đích thực là có đại lợi ích đối với họ. Vào lúc này trong lòng họ chánh niệm phân minh, một câu Phật hiệu đề khởi liền chắc chắn được vãng sanh.

Khi sắp lâm chung mười niệm hay một niệm đều chắc chắn được sanh, đây chính là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện [của Phật A Di Đà]. Từ những chỗ này chúng ta hiểu rõ, trợ niệm rất quan trọng, trợ niệm là lợi ích công đức chân thật. Đại Từ Bồ Tát nói được rất hay, bạn có thể giúp cho hai người vãng sanh thì cũng bằng chính mình tinh tấn; bạn có thể giúp cho mười mấy người vãng sanh thì phước báo của bạn là vô lượng, chính mình tương lai vãng sanh, đích thực trong tâm bạn đã nắm chắc; bạn có thể giúp đỡ trên 100 người vãng sanh, Đại Từ Bồ Tát nói, bạn chính là Bồ Tát chân thật. Cho nên có rất nhiều đoàn thể niệm Phật, họ đều có tổ chức đoàn trợ niệm, đây là việc tốt, đáng được đề xướng, đây là đối với người niệm Phật không thuần thục thì có được lợi ích lớn, có giúp đỡ lớn.

Thế nhưng chúng ta sanh vào thời đại này, cái thời đại này phước rất mỏng, chướng duyên quá nhiều. Xã hội ngày nay mỗi bước đều là hầm hố, nơi nơi đều là địa ngục, chỉ cần không cẩn trọng chắc chắn đọa lạc, sức mê hoặc bên ngoài quá lớn, phiền não tập khí bên trong quá nặng, sức mê hoặc bên ngoài quá lớn, bạn làm sao mà không đọa lạc, học Phật cũng khó giữ không đọa lạc. Ngày nay chúng ta có được thành tựu nhỏ nhờ vào đâu vậy? Nhờ vào ngày ngày đọc kinh, ngày ngày nghe pháp, dùng cái này để huân tập. Sức huân tập có thể cân bằng với phiền não tập khí, vẫn không thể bảo đảm được vãng sanh. Sức huân tập cần phải siêu quá phiền não tập khí, cũng chính là nói phiền não tập khí đích thực bạn có thể phục được nó, gọi là “phục phiền não”. Ở mọi lúc vào mọi nơi, phiền não tập khí không khởi hiện hành. Những ngoại duyên bên ngoài, không luận là thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, sáu căn đối diện đều có thể không bị ảnh hưởng, bạn liền có thể nắm phần vãng sanh, công phu này cần phải giữ gìn. Chân thật muốn giữ gìn, hay nói cách khác đối với thế duyên nhất định phải lãnh đạm mới giữ gìn được, chân thật có thể làm đến được nhìn thấu, buông xả. Đối với tu học của cả một đời này cầu sanh Tịnh Độ, đây mới xem là có thành tựu. Nếu như không thể giữ được, vẫn bị cảnh giới bên ngoài dao động, phiền não trong nội tâm vẫn thường hay khởi hiện hành, việc này chính mình phải cảnh giác. Đối với việc cầu sanh Tịnh Độ thì không hề nắm chắc chút nào, đối với tương lai đọa vào ba đường ác thì nắm được phần lớn, có thể từ chỗ này mà cảnh giác, đây mới xem là bạn đã có giác ngộ. Nếu như đối với những cảnh giới hiện tiền này vẫn cứ là mù mịt, vẫn cứ là tùy theo dòng chảy, việc này chúng ta phải cảnh giác, ta đời sau vẫn là phải luân hồi sáu cõi, vẫn là sẽ đọa lạc, đời sau còn khổ hơn so với đời này. Chúng ta tỉ mỉ mà nghĩ tưởng, chúng ta đời sau có thể được thân người hay không? Thập Thiện Nghiệp Đạo ta có thể làm đến được bao nhiêu? Ngày trước tôi ở trong lúc giảng dạy thường hay nói, “Thập Thiện Nghiệp Đạo” nếu có thể làm đến được 80%, thì có thể miễn cưỡng giữ được thân người. Nếu bạn nói tôi làm đến được 60%, vẫn còn 40% chưa làm đượcthì hoàn toàn không thể đáng tin, thế là chúng ta không thể không chăm chỉ, không thể không nỗ lực. Tám loại pháp trong đây, mỗi một điều pháp, chúng ta chính mình đều rất nỗ lực mà kiểm điểm, mà học tập.

“Nhất, vô tổn não tâm”. “Tổn” là tổn người lợi mình, “não” là làm cho người khác phiền não, chúng ta có làm hay không? Không có, không có làm việc này, không hề thấy. Hành động, việc làm của chính chúng ta làm cho người khác xem thấy chán ghét, chính là “tổn não tâm”. Chúng ta ngày ngày đang làm, ngày đêm đang làm đều không biết. Khó, vô cùng vô cùng khó! Chúng ta biết được phải làm thế nào chân thật làm được “vô tổn não tâm”? Cần phải giữ giới, thủ pháp, giữ qui củ, mọi người xem thấy bạn đều hoan hỉ, sẽ không làm cho người chán ghét. Cho nên điều đầu tiên, chúng ta làm người phải làm thế nào đến được thập toàn thập mỹ? Tận sức mà làm, chân thật làm đến ngẩn mặt không thẹn, tâm của chúng ta mới có thể an. Chúng ta ở trong đoàn thể không giữ quy củ của đoàn thể, tuy là người ta rất ngại khi nói với bạn, nhưng trong lòng người ta đều thấy không vui. Bạn chính là tổn não đại chúng, giới tướng trong đây rất là vi tế, chúng ta nhất định phải biết được.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 34)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *