Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 15

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 80 Tập 

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo KinhTập 15

 

Chào chư vị đồng tu, chào mọi người!

Sáng hôm nay, cư sĩ Thôi ở Bản Khê Liêu Ninh có điện thoại đến, yêu cầu tôi nói với mọi người vài câu. Họ đang tổ chức khóa tu Phật thất, Phật thất vô cùng thù thắng. Tôi nói với bà, sáng hôm nay chúng tôi sẽ giảng kinh thời gian từ 9 giờ đến 9 giờ 30, họ sẽ xem ở trên mạng internet.

Phật pháp dạy người, điều then chốt nhất là khiến người hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, đây là sự giác ngộ cứu cánh viên mãn. Sau khi giác ngộ rồi, chúng ta làm người sẽ có thể dung hòa thành một thể với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, đây là đại đạo lý của thế xuất thế gian. Cũng tức là nói, học Phật là học làm thế nào chung sống với người khác, làm thế nào chung sống với tất cả chúng sanh giống như quyến thuộc trong gia đình của mình vậy. Ví dụ như quyến thuộc trong gia đình vẫn chưa thỏa đáng, tại sao vậy? Xã hội hiện nay, người bất hiếu với cha mẹ rất nhiều, con cái không thể chung sống với cha mẹ, mẹ chồng nàng dâu không thể chung sống với nhau, anh em không thể chung sống với nhau, thậm chí vợ chồng cũng không thể chung sống với nhau. Vấn đề này nghiêm trọng, thật vô cùng nghiêm trọng! Chúng ta triển khai kinh điển của Thế Tôn, tỉ mỉ mà quán sát, nghiên cứu, chúng ta sẽ rút ra được một kết luận là Phật chẳng qua chỉ dạy chúng ta làm người mà thôi! Từ đó cho thấy, học Phật chính là học làm người.

Nếu như chúng ta ở trong thế gian này, người với người còn đối xử không tốt thì bạn làm sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc? Bạn làm sao có thể chung sống với người ở thế giới Cực Lạc? Nói lời thành thật, người ở thế giới Cực Lạc phức tạp hơn xã hội chúng ta ngày nay rất nhiều. Tại sao biết vậy? Họ là người từ mười phương vô lượng vô biên cõi nước vãng sanh về, hình dáng, màu sắc đủ thứ khác nhau, không có cách gì tính được. Những người này có thể vãng sanh là do họ rất biết cách làm người, rất hiểu cách làm người. Nguyên tắc cao nhất của làm người chính là kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn khai thị này là nguyên tắc cao nhất. Chúng ta đem đoạn này thực hiện được rồi, thì bất kể bạn ở pháp giới nào, bạn cũng là Bồ-tát chân thật, bạn là Phật chân thật, bạn không phải là đồ giả, không phải là bản sao, không phải bắt chước. Nguyên tắc mà Phật dạy chúng ta chính là phải thường xuyên nghĩ đến cái thiện của người khác.

Ở Cư Sĩ Lâm, chúng ta đã nghe đạo Hồi giáo giới thiệu sơ lược, Ấn Độ Giáo và Ba-Cáp-Y-Giáo cũng giới thiệu sơ lược, mọi thánh nhân tôn giáo đều là dạy chúng ta làm người, đều là chỉ dạy chúng ta phải tâm thiện, niệm thiện, hành vi thiện. Nhưng mà tất cả kinh điển tôn giáo, quả thật mà nói, kinh điển của Phật giáo là nói rốt ráo nhất, viên mãn nhất. Tại sao vậy? Đức Phật nói: “Bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”, đây là điều mà ở trong những kinh điển tôn giáo khác tôi không hề nhìn thấy. Đây là nói triệt để, nói rốt ráo, không được phép xen tạp. Người này có mười phần là ác, có một phần là thiện, chúng ta chỉ tán thán một phần thiện của họ, chỉ lấy một phần thiện này, quên hết mười phần ác đó của họ, không nên để ở trong lòng, người này vẫn là người thiện. Người này có mười phần thiện, có một phần ác, thì một phần ác đó đương nhiên càng phải quên nó đi, dứt khoát không được để ở trong lòng. Trong tâm chúng ta ghi nhớ lỗi lầm của người khác, ghi nhớ cái ác của người khác là bản thân chúng ta ác.

Ngẫu Ích đại sư ở trong Linh Phong Tông Luận nói rất hay: “Cảnh duyên không có tốt xấu”. Cảnh là hoàn cảnh đời sống vật chất của chúng ta, duyên là hoàn cảnh đời sống nhân sự của chúng ta. Người và vật bên ngoài đều không có tốt xấu. Tốt xấu sinh ra từ đâu vậy? Tốt xấu sinh ra từ trong tâm của mình. Bản thân bạn ưa thích thì nó tốt, bạn không ưa thích thì nó xấu. Tốt xấu không có tiêu chuẩn, tốt xấu tùy theo tập khí, phiền não của mỗi người mà ra. Cho nên, Phật dạy chúng ta, lìa khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì thế giới này là nhất chân pháp giới. Ở trong nhất chân pháp giới, tất cả mọi chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Từ đâu mà có vậy? Là như vậy mà ra. Chúng ta tu hành thật, dụng công thật cũng là ở ngay chỗ này.

Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường hay nêu vua Thuấn làm ví dụ, quí vị đọc lịch sử đều biết sự việc này. Cha mẹ huynh đệ của vua Thuấn, có thể nói người trong thiên hạ đều cho rằng họ là người xấu, nhưng trong con mắt của vua Thuấn thì họ là người tốt. Ông không hề nhìn thấy mảy may tội ác nào từ nơi cha mẹ, huynh đệ của mình, mà chỉ nhìn thấy lỗi lầm, khuyết điểm của chính mình. Hằng ngày, ông tự mình sửa chữa lỗi lầm, không hề yêu cầu người nhà của ông. Sau banăm , ông đã cảm hóa được cả nhà. Tự hành hóa tha, đây chẳng phải là một ví dụ sinh động nhất mà kinh Phật đã nói hay sao? Tự hành chính là hóa tha, bản thân không hành, làm sao có thể hóa tha được? Tự hành hóa tha, chúng ta hãy nhìn từ bản thân vua Thuấn sẽ nhận rõ ra ngay, hóa ra đây mới gọi là tự hành hóa tha! Thành tựu tánh đức viên mãn của mình, bản thân mình thật sự một chút khuyết điểm cũng không còn thì tự nhiên sẽ cảm hóa tất cả chúng sanh hữu tình. Bản thân thành Phật liền có thể khiến tất cả chúng sanh thành Phật. Cho nên, trong đoạn kinh văn này, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, từ hàng thứ ba của kinh văn đến hàng cuối cùng này, tổng cộng kinh văn là sáu hàng rưỡi, đây là cương lĩnh tu hành của chúng ta.

Phật ở chỗ này nói rất hay, Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát đều không thể lìa khỏi pháp môn này, đều là từ pháp môn này thành tựu. Ở đây nói rõ ràng, nói thấu triệt, dạy chúng ta ngày đêm thường niệm thiện pháp là tâm của bạn thiện, tư duy thiện pháp là tư tưởng của bạn thiện, quán sát thiện pháp là hành vi của bạn thiện. Quán sát điều gì vậy? Nhìn cái thiện của người khác, không nên nhìn cái ác của người khác, thế là chúng ta sẽ sanh ở thế gian tốt lành. Thế gian này không có ác, chỉ có thuần thiện, đây là sự thật, không phải giả. Đây chính là tùy thuận pháp tánh mà ở trong kinh Đại Thừa thường nói, không phải tùy thuận theo phiền não. Ở trong kinh luận chúng ta thường đọc thấy câu “tùy thuận pháp tánh”, mà không hiểu được thế nào là tùy thuận pháp, làm như thế nào thì không biết. “Tùy thuận phiền não” thì biết, còn “tùy thuận pháp tánh” thì không biết. Ở chỗ này nói cho chúng ta biết, đây là tùy thuận pháp tánh. Thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, đây là tùy thuận pháp tánh. Pháp tánh là chí thiện viên mãn.

Đến khi nào chúng ta “không thấy lỗi thế gian”. Thế gian là tất cả người, sự và vật. Người là thế gian hữu tình của chúng ta, là hoàn cảnh đời sống nhân sự của chúng ta. Sự và vật là hoàn cảnh vật chất. Ở trong tất cả hoàn cảnh này, chúng ta không nhìn thấy ác, chỉ thấy thiện chứ không thấy ác, đó chính là Đại sư Huệ Năng nói: “Nếu người chân thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian”. Ở trong tâm vẫn còn thị phi nhân ngã, đây không phải người chân thật tu đạo. Thị phi nhân ngã từ đâu mà có vậy? Là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Phật thường hay dạy chúng ta, người chân chánh tu đạo phải buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông xả rồi, chính là trong kinh A Di Đà nói: “Nhất tâm bất loạn”, nhất tâm bất loạn này mới có thể hiện tiền, công phu niệm Phật mới có thể thành tựu, chắc chắn vãng sanh bất thối thành Phật. Từ đó cho thấy, chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn còn thị phi nhân ngã, phải biết đây là chướng ngại trên đường Bồ-đề của mình.

Quí vị nghe xong những lời này, có lẽ lại phát sinh vấn đề ngay. Thế gian thật sự có rất nhiều người ác, thật sự gây phiền phức, chúng ta gặp họ thì phải làm sao? Chúng ta chỉ thấy họ thiện, họ thấy ta bất thiện, ta không trêu chọc họ, họ đến kiếm chuyện với ta, nếu chúng ta rơi vào trong hoàn cảnh này thì phải làm sao? Phật dạy chúng ta đoạn phiền não, khai trí tuệ. Thế nào là đoạn phiền não vậy? Phần trước nói, thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp thì phiền não sẽ đoạn hết thôi. Phiền não đoạn hết thì trí tuệ hiện tiền. Ở trong hoàn cảnh đời sống, bạn có trí tuệ cao độ, bạn có nghệ thuật cao độ tự nhiên bạn có thể tránh khỏi. Mặc dù có đủ thứ chướng nạn nhưng trên thực tế không thể chướng ngại được bạn, cũng không thể hại được bạn. Ở trong tất cả thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, bạn chắc chắn được pháp hỷ sung mãn, bạn có trí tuệ có thể ứng phó, chắc chắn là đôi bên cùng có lợi, tuyệt đối không phải là tổn người lợi mình, không có đạo lý này. Đây chính là Phật pháp.

Sau cùng, mấy câu sau này vô cùng quan trọng, từ nhân thiên đến quả địa Phật đều dựa vào thiện pháp thành tựu. Pháp này là gì vậy? “Thủ pháp tức thị, thập thiện nghiệp đạo. Hà đẳng vi thập? Vị năng: vĩnh ly sát sanh”. Ý nghĩ sát hại vĩnh viễn tiêu diệt rồi thì bất kể đối với người nào, đối với người cực ác, đối với người làm tổn hại mình, thậm chí là như trong kinh Kim Cang đã nói “Ca Lợi vương cắt thân thể” (Câu chuyện này ở trong kinh Đại Niết Bàn nói rất chi tiết), đó là gì vô duyên, vô cớ lăng trì xử tử, nhưng tiên nhân không hề mảy may sân hận, tuyệt đối không khởi ý nghĩ “tôi đúng, anh không đúng”. Đây là người tu đạo chân chánh, vậy mới gọi là “vĩnh ly sát sanh”. Ý này suy ra là dứt khoát không có ý nghĩ tổn hại chúng sanh. Ý nghĩ còn không có thì làm gì có hành vi? Niệm niệm giúp đỡ chúng sanh, niệm niệm lợi ích chúng sanh, đâu có niệm niệm đi cản trở chúng sanh, đi chướng ngại họ? Đây là nghĩa thực của “vĩnh ly sát sanh”.

Vĩnh ly là xuyên suốt.

“Vĩnh ly trộm cắp”. “Trộm cắp” là không cho mà lấy. Vật này có chủ, chủ nhân không có đồng ý, mà ta cầm lấy nó, bất kể dùng phương pháp gì, dùng thủ đoạn gì đều gọi là trộm cắp. Chúng ta đem ý này tổng kết lại, nói cho dễ hiểu nhất là giành phần hơn với người khác, đây chính là tội trộm cắp. Chúng ta niệm niệm là giúp đỡ người khác, dứt khoát không được giành phần lợi của người khác. Ở mọi lúc, mọi nơi luôn tôn trọng người khác.

“Tà hạnh” là dâm dục. Chúng ta phải trừ bỏ nó từ trong ý nghĩ, không có tâm này, không có ý nghĩ này, đây mới gọi là vĩnh ly. Nếu như chúng ta có thể hàng phục được ý nghĩ này (nghĩa là tuy gốc chưa dứt nhưng chắc chắn không khởi hiện hành), thì tương lai chúng ta sẽ sanh về cõi trời sắc giới, không phải dục giới. Nếu ý nghĩ này chưa dứt, mặc dù rất vi tế, vẫn còn ý niệm này khởi lên thì bạn không thể ra khỏi dục giới, cho dù công phu tu hành của bạn cao đi nữa, bạn cũng ở trời Lục Dục.

“Tài, sắc, danh, thực, thùy”, ngũ dục này chưa đoạn hết, những ý nghĩ này nếu như nghiêm trọng thì là đọa địa ngục. Ở trong kinh Phật thường nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy là gốc năm đường đọa địa ngục”. Bạn đem ngũ dục buông xả hết, thì gốc của địa ngục dứt sạch. Người thế gian tham luyến đối với sự hưởng thụ của năm dục sáu trần, gốc đó vô cùng kiên cố, đến khi nào bạn mới có thể thoát khỏi địa ngục? Gốc kiên cố này, nếu như không đoạn hết thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Cái gốc này sẽ kéo bạn lại, bạn không thể đi được, cho dù bạn niệm Phật tốt thế nào đi nữa cũng không thể vãng sanh, tâm địa thanh tịnh đi nữa cũng không thể vãng sanh. Cho dù bạn tu nhân thiện, chẳng qua chỉ hưởng phước báo trời người mà thôi, chắc chắn không thể ra khỏi tam giới. Cho nên, Phật dạy đệ tử, không những là “lấy giới làm thầy” mà còn phải “lấy khổ làm thầy”, ý này rất sâu. Chúng ta chịu đựng được bất kể là đời sống vật chất, đời sống tinh thần, thà chịu khổ một chút. Đời sống khổ thì dễ có tâm xuất ly, đối với thế gian này không có lưu luyến. Đời sống quá thoải mái, quá dồi dào, chúng ta sẽ lưu luyến đối với thế gian này, không muốn xa lìa thế gian thì không thể vãng sanh. Cho nên, nhà Phật tại sao lại tán thán khổ hạnh như vậy? Khổ hạnh, đối với chúng ta tu pháp xuất thế gian chướng ngại ít, đạo lý là ở chỗ này.

Đây là nói “sát, đạo, dâm”, ba nghiệp của thân nhất định phải vĩnh viễn đoạn trừ.

Tiếp đó, vĩnh viễn đoạn trừ lỗi lầm của miệng. “Vọng ngữ” là nói năng không thành thật, nói dối để gạt người. “Lưỡng thiệt” là xúi giục thị phi. “Ác khẩu” là nói năng thô lỗ. “Ỷ ngữ” là lời ngon tiếng ngọt, nói nghe có vẻ rất hay nhưng mục đích là hại người, đây là bốn loại lỗi lầm của miệng.

Ý thì có “tham dục, sân hận, tà kiến” (tà kiến là ngu si), đều phải cần đoạn trừ vĩnh viễn. Đoạn kinh văn này là lời giáo huấn vô thượng, lời khai thị chân thật của Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh, không chỉ là Thích Ca Mâu Ni Phật, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cũng không ngoại lệ.

Kinh văn: “Hà đẳng vi thập? Vị năng vĩnh ly sát sanh, thâu đạo, tà hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ý ngữ, tham dục, sân nhuế, tà kiến”.

Kinh văn càng về sau vẫn phải nói kỹ, nhưng đoạn này là tổng cương lĩnh của toàn kinh. Chúng ta nhất định phải thể hội cho thật sâu, ghi nhớ cho thật kỹ. Phần trước, ở trong kinh Phật nói cho chúng ta biết: “bất dung hào phân bất thiện gián tạp”, chúng ta mới có thể thật sự làm đến thuần thiện. Chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải biết thế giới đó là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Tâm hạnh của chúng ta bất thiện, niệm Phật có niệm tốt đi nữa cũng không thể vãng sanh. Đây chính là điều mà trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói: “Người niệm Phật nhiều, mà người vãng sanh thì ít”. Nguyên nhân do đâu vậy? Xen tạp bất thiện đã bỏ lỡ mất cơ hội vãng sanh của đời này rồi.

Hai chữ “vĩnh ly” này là thông suốt một mạch xuống dưới đến tà kiến.

Điều thứ nhất, “sát sanh”. Phần trước tuy đã báo cáo sơ lược qua với quí vị, trên thực tế là vĩnh viễn nói không hết, nghĩa lý vô lượng vô biên. Không những không được phép sát sanh, mà ý nghĩ sát sanh cũng phải vĩnh ly. Sau khi vĩnh ly sát sanh rồi, chúng ta phải sinh khởi được tâm hộ sanh, yêu thương tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Phật dạy Bồ-tát tu học sáu môn, ở trong kinh Phật gọi là sáu Ba-la-mật. Thứ nhất là bố thí. Đối tượng của bố thí chính là tất cả chúng sanh. Bố thí tài vật, bố thí Phật pháp, bố thí vô úy. Nếu như bạn khiến chúng sanh sợ hãi, đây cũng bao gồm ở trong điều sát sanh này. Tuy không có sát hại họ, bạn khiến họ cảm giác sợ sệt, cảm thấy sợ hãi, cảm thấy bất an là đều thuộc về trong phạm vi này. Thậm chí là chúng sanh đối với lời nói việc làm của chúng ta không vừa lòng, không vui vẻ, chúng ta cũng sai rồi. Đây chính là phần trước đã nói “bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”. Tu hành là ở trong đời sống thường ngày, xử sự đối nhân tiếp vật, đem những khuyết điểm vi tế này chấn chỉnh trở lại, đây gọi là tu hành.

Điều thứ hai là “trộm cắp”. Vĩnh ly trộm cắp, tôi cũng đã nói rất nhiều về trộm cắp. Ở trong kinh Phật đối với định nghĩa về trộm cắp gọi nó là “bất dữ thủ”. Vật này có chủ, chủ nhân chưa có đồng ý mà bạn liền cầm lấy nó, hoặc giả là chiếm làm của riêng, hoặc giả là tạm thời sử dụng, hoặc giả là chuyển đổi vị trí đều không được phép, vì vật có chủ. Có lẽ bạn thấy như những cỏ cây hoa lá này là mọc hoang, bạn cho là vô chủ, đó là bạn sai rồi. Thế Tôn giáo giới người xuất gia, có rất nhiều người xuất gia sống ở trên núi, tự họ phải cất một am tranh, lấy vật liệu tại chỗ, đốn mấy cây gỗ để cất am tranh. Cây gỗ này có chủ hay không vậy? Có chủ. Ai là chủ vậy? Thần núi là chủ, thần cây là chủ, mắt thường chúng ta không nhìn thấy. Bạn muốn chặt gốc cây này, Phật nói, cây chỉ cần có độ cao cao bằng đầu người, nếu bạn muốn chặt nó thì trước đó ba ngày bạn phải đi cúng tế, phải tụng kinh niệm chú cho nó và nói rõ: “Tôi cần dùng cây này để cất am tranh tại đây tu hành, xin thần cây dời nhà”. Nếu như bạn không làm như vậy, đây là thuộc về trộm cắp. Cho nên, từng cái cây, ngọn cỏ không nên nói đây là không có chủ, rất khó nói. Chủ nhân của nó mắt thường chúng ta không nhìn thấy, cơ thể chúng ta không tiếp xúc được. Có vật nào mà không có chủ đâu? Cho nên, đối với người, với sự, với vật, chúng ta nhất định phải chú ý cẩn thận.

Trong giới trộm cắp, ở trong tất cả kinh luận Phật đều cảnh báo chúng ta, lấy của Tam Bảo bị tội nặng nhất. Chủ của vật Tam Bảo là “Phật, Pháp, Tăng” trong tận hư không khắp pháp giới, tội trộm cắp này bạn vĩnh viễn trả không dứt. Trong kinh Đại Thừa thường nói, bạn tạo ngũ nghịch thập ác, chư Phật Bồ-tát đều có cách để cứu bạn; còn trộm của Tam Bảo, trộm của thường trụ thì mười phương ba đời tất cả chư Phật đều không có cách gì cứu bạn. Cho nên ngạn ngữ nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”, lời nói này vô cùng có đạo lý, lời nói này là sự thật, không phải giả dối. Của thường trụ ở cửa Phật dễ dàng trộm cắp, vậy có nguy không? Khi bạn dùng thì rất thuận tiện, nhưng tương lai bạn trả không nổi. Đạo lý này nhất định phải hiểu. Thường trụ một cây kim, một cọng chỉ, một tờ giấy, đều không được phép dùng tâm trộm để lấy. Nhưng ngày nay mọi người lơ là rồi, nhìn thấy người khác làm như vậy không có sao, ta cũng làm như vậy. Hiện tại không có sao, khi quả báo hiện trước mắt rồi thì hối hận không kịp. Ở nơi này thường trụ rất từ bi, đem đoạn kinh văn này trong kinh Địa Tạng photo, dán lên khắp nơi nói với mọi người, đây là đại từ đại bi, không phải sợ của thường trụ bạn lấy đi mất. Ở đây thường trụ rất rộng rãi, bạn muốn lấy cứ việc lấy, tương lai quả báo đến bạn phải làm sao? Cho nên, bạn nhất định phải hiểu đạo lý này.

Tôi thường hay nói, thời đại hiện nay không giống như trước đây, khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta bật đèn điện có phải trả tiền điện hay không? Tiền điện là do thường trụ trả. Chúng ta điện thoại cũng phải trả tiền điện thoại. Không cần thiết mà lãng phí những nguồn năng lượng này của thường trụ, để thường trụ phải nộp phí cũng là thuộc về trộm cắp. Có một số cư sĩ rõ lý, tôi nhìn thấy rất bái phục, họ dùng điện thoại của thường trụ, sau khi dùng xong rồi nhất định phải để tiền lại, vậy là đúng. Sự việc từng li từng tí rất nhỏ, chính là ở đây nói: “Hào phân bất thiện”, đây không phải bất thiện lớn, một chút bất thiện rất nhỏ xen tạp ở trong đây là hủy sạch thiện pháp của bạn rồi, chúng ta không thể không biết.

Trộm cắp nói đến chỗ gần gũi nhất, chính là chúng ta ngày nay nói giành phần lợi của người khác, phạm vi này bao gồm rất lớn. Phần lợi của người không dễ gì chiếm đoạt. Người ta tổn thất không lớn, mà sự tổn thất của chính chúng ta thì thật quá to lớn. Tại sao vậy? Chướng ngại đạo nghiệp của mình, phá hoại mất tâm thanh tịnh của mình, bỏ lỡ mất đi cơ hội vãng sanh làm Phật của đời này rồi. Bạn nghĩ thử, tổn thất này lớn bao nhiêu? Không cách gì bù đắp tổn thất, chúng ta phải biết, hà tất phải làm việc này chứ? Người ta giành phần lợi của mình thì được, không sao cả, ta cũng không cần phải tính toán, đây là bố thí không nên để ở trong tâm. Nếu như muốn tính toán, vậy là chúng ta lại sai rồi, chúng ta lại biến thành bất thiện. Chúng ta dứt khoát không được có ý niệm chiếm phần lợi của người khác. Chiếm phần lợi của một người còn không được phép, bạn sao có thể chiếm phần lợi của tập thể được? Như của chính phủ địa phương, của nhà nước, của tam bảo, tự nhiên sẽ hết thôi. Nhất định phải nhớ kỹ vĩnh ly, chúng ta một đời này chắc chắn thành tựu.

“Tà hạnh” chỗ này là chỉ dâm dục, là quan hệ nam nữ, tôi cũng thường nói đến những sự việc này. Ở trong xã hội hiện nay, quan hệ nam nữ bừa bãi đã quá phổ biến rồi, cho nên xã hội loạn động, thế giới không thái bình. Sự việc này không phải là chuyện nhỏ, không phải là chuyện riêng của hai người. Chuyện riêng của hai người thì không bận tâm, tội đó không lớn, đây là chuyện lớn. Bạn thử xem lễ xưa của Trung Quốc liền hiểu ngay, cổ nhân Trung Quốc đối với sự việc này xem trọng biết bao. Khi tôi giảng kinh thường hay đưa ra ví dụ, cả xã hội, cả địa cầu, ở trong Phật pháp gọi là hư không pháp giới, nhà Phật gọi là pháp thân, giống như cơ thể này, một gia đình là giống như một tế bào trên cơ thể, vợ chồng chính là hạt nhân của tế bào. Vợ chồng bất hòa, người nam đi ra ngoài có người tình, hoặc giả người nữ cũng đi ra ngoài có người tình, thì nhân tế bào này hư rồi. Tế bào hư rồi sẽ ảnh hưởng cả cơ thể, cơ thể bạn bị bệnh rồi. Cho nên, vợ chồng bất hòa, gia đình tan vỡ chính là căn nguyên loạn động của xã hội. Bạn nghĩ thử, nhân quả mà bạn sẽ gánh là bao lớn? Cả thế giới bất an, xã hội loạn động là từ chỗ này mà ra. Cho nên, ngày nay chúng ta nhìn thấy toàn thế giới tỉ lệ ly hôn cao như vậy, bạn thử nghĩ, thế giới này không loạn làm sao được? Quan hệ thật vô cùng lớn. Nếu như không có quan hệ nghiêm trọng như vậy, sao Phật lại đem nó đặt làm giới căn bản? Đại đức xưa Trung Quốc thường nói: “Vạn ác dâm vi thủ, bách thiện hiếu vi tiên”. Chúng ta nên thể hội thật kỹ lời nói này, phải hiểu rõ đạo lý này.

Thế giới hòa bình, xã hội ổn định, sự hưng vong của quốc gia đều ở gia đình. Cho nên, nhà Nho nói tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bình thiên hạ có nghĩa là thế giới hòa bình. Hiện nay nói thế giới hòa bình, thời xưa Trung Quốc gọi là thiên hạ thái bình. Gốc đó là gia đình, căn bản của gia đình là vợ chồng. Trong tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Nho gia, đối với sự việc này nói rất nhiều, nói rất thấu triệt. Khi khởi tâm động niệm, lập tức bạn liền nghĩ đến nhân quả mà bạn phải gánh là gì. Chúng ta khởi một niệm ác, khiến cả xã hội, cả thế giới, tất cả chúng sanh bị nạn. Ta khởi một niệm thiện, có thể khiến tất cả chúng sanh được phước. Sự an nguy của xã hội, họa phúc của chúng sanh đều ở trong khởi tâm động niệm của chúng ta, không phải là chuyện nhỏ. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là pháp căn bản của tu học Phật pháp, người hiện nay gọi là pháp cơ bản từ sơ phát tâm đến đạo vô thượng.

“Vọng ngữ” là có ý hay vô ý lừa gạt chúng sanh. Vọng là hư vọng, không thành thật, hiện nay gọi là nói dối, lừa gạt người khác. Đây là điều nghiêm trọng nhất ở trong ác khẩu, hơn nữa dễ dàng phạm nhất. Tại sao lại tạo ác, lại hủy phạm lời giáo huấn của Phật Đà? Người hiện nay nói, chẳng qua là bảo vệ lợi ích của mình. Thật ra đâu phải là lợi ích của mình. Thành thật mà nói là chẳng qua bao che cho tội ác của mình. Tội ác không nên tích lũy, Phật dạy chúng ta tích lũy công đức, công đức phải tích lũy. Tội ác sao có thể tích lũy chứ? Tôi ác mà tích lũy thì càng tích càng lớn, quả báo tương lai bạn đọa lạc, càng đọa càng khổ.

“Lưỡng thiệt” là xúi giục thị phi, hỗn loạn đôi bên. Tội lỗi này đặc biệt nặng, Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết, quả báo là ở địa ngục kéo lưỡi. Xem nghiệp bạn tạo tác, đương nhiên ở trong đây tội lỗi nghiêm trọng nhất là phá hòa hợp tăng, đây là một trong năm tội ngũ nghịch. Chúng ta xem thấy ở trong kinh Phát Khởi Bồ-Tát Thù Thắng Chí Nhạo nói, người xuất gia đố kỵ người xuất gia, phỉ báng người xuất gia, phỉ báng pháp sư giảng kinh thuyết pháp, phá hoại đạo tràng của họ, khiến tín đồ của họ mất đi lòng tin đối với pháp sư, không đi nghe pháp sư này giảng kinh nữa. Mục đích của người đố kỵ này đạt được rồi, nhưng mà quả báo, chúng ta xem thấy ở trong kinh Phật đã nói, họ đọa lạc vào trong địa ngục, dùng thời gian của nhân gian chúng ta để tính là một vạn tám ngàn năm. Quí vị phải hiểu rằng, nhân gian chúng ta với địa ngục có chênh lệch múi giờ rất lớn. Ở trong địa ngục, cảm thọ của họ là vô lượng kiếp. Thời gian này không phải pháp thật, là từ trên khái niệm trừu tượng tạo thành, nó không phải chân thật.

Cho nên ở trong kinh Đại Thừa, Phật nói với chúng ta: “Niệm kiếp viên dung”. Một niệm triển khai ra là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp có thể đem nó rút ngắn lại thành một niệm. Cho nên, ở trong địa ngục cảm thọ thật quả đúng là vô lượng kiếp. Chúng ta thử nghĩ, việc gì phải tạo tội nghiệp này chứ? Nếu như nhìn thấy người khác làm việc tốt, chúng ta tùy hỷ tán thán họ, giúp đỡ họ, thành tựu họ thì công đức mà chúng ta giúp đỡ đó cũng lớn giống như công đức của họ. Cho nên, tự lợi với tự hại là trong một niệm, kiết hung họa phước cũng chỉ ở trong một niệm. Một niệm giác thì được vô lượng vô biên phước báo, một niệm đã sai lầm thì rướt về họa hoạn vô cùng. Người không học Phật không biết, người học Phật cần phải thông suốt đạo lý này. Bản thân khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, tự nhiên sẽ chú ý cẩn thận, không đến nỗi hủy phạm.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *