PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB), Bộ dịch gộp 80 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo KinhTập 29
Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly ỷ ngữ, tức đắc thành tựu tam chủng quyết định”.
Hôm qua, chúng đã giải thích giảng lược hai chữ “ỷ ngữ” này rồi. Lỗi của miệng thì vô lượng vô biên, nhỏ thì một gia đình vợ chồng bất hòa; lớn thì là sự tranh chấp giữa quốc gia với nhau, tai họa vô cùng. Cổ thánh tiên hiền hiểu rõ đạo lý này, cho nên xem sự việc này là vô cùng nghiêm trọng. Khổng Lão Phu Tử dạy học có bốn môn, trong đó môn thứ nhất là đức hạnh, môn thứ hai là ngôn ngữ. Hai môn học đức hạnh và ngôn ngữ là phải giáo dục từ nhỏ.
Có một vị đồng tu đến hỏi tôi, nuôi dạy con cái có nên đánh mắng hay không? Dường như đối với trẻ, đánh mắng nó giống như là ngược đãi nó, thấy trong lòng không nhẫn tâm, có phải là có tội hay không? Từ đó cho chúng ta thấy, xã hội hiện nay thị phi lẫn lộn. Ở thế hệ tôi, những người 75 tuổi trở lên, từ nhỏ đều từng bị cha mẹ đánh mắng, cũng từng bị thầy cô xử phạt nghiêm trọng như khẽ bàn tay, phạt quỳ, đều từng bị đánh đòn. Chúng tôi không những không oán hận cha mẹ, không oán hận thầy cô, mà chúng tôi càng yêu thương cha mẹ, càng kính yêu thầy cô. Đây là sự yêu thương chân thật. Trẻ có lỗi lầm, bạn không trừng phạt chúng thì chúng sẽ không quay đầu. Sở dĩ đánh chúng là vì đây là đánh tánh nhớ, để chúng vĩnh viễn nhớ kỹ, không phạm lỗi nữa. Phương pháp dạy học này của người Trung Quốc đã có lịch sử mấy ngàn năm rồi. Trong mấy ngàn năm này, người làm cha mẹ, làm thầy cô đã phạm tội sao?
Trong lỗi lầm, cái đầu tiên chính là lỗi của miệng. Vọng ngữ, lưỡng thiệt, xúi giục thị phi, nói ngon nói ngọt, những sự việc này là cha mẹ và thầy cô nhất định là dạy bảo nghiêm khắc, không được phép phạm. Lời cổ nhân nói có đạo lý: “Thiếu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên”. Không dạy từ nhỏ, đến năm, sáu tuổi là không thể dạy rồi. Cổ nhân nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, bạn mới có biện pháp dạy. Bạn không bắt đầu dạy từ lúc còn nhỏ, đến năm, sáu tuổi muốn dạy chúng, chúng sẽ không nghe lời bạn, vì đã quen không bị kiềm chế rồi, cuối cùng như thế nào vậy? Cuối cùng người lớn phải nghe chúng, phiền phức này của bạn lớn rồi. Bạn phải tùy thuận sự ham muốn của chúng, nếu không thì hành vi phản nghịch của chúng liền biểu hiện ra. Cho nên ngày nay, chúng ta thường hay xem thấy trên báo chí, con cái giết cha mẹ, giết anh em; trong trường học, học trò giết thầy, giết bạn học, chúng ta đã nghe quá nhiều. Đây là vì nuôi dạy con cái không nghiêm. Giáo dục tiểu học là căn bản, căn bản này được xây dựng trên cơ sở của giáo dục gia đình. Gia đình cha mẹ không nuôi dạy con cái cẩn thận thì thầy cô cũng đành bó tay thôi, thầy cô có biện pháp gì được?
Chúng ta nhất định phải hiểu rõ tính nghiêm trọng của lỗi lầm ở miệng. Người lớn là tấm gương của con trẻ. Bản thân chúng ta không thành thật, chính mình nói chuyện thường hay có lỗi lầm thì bạn sẽ không có cách gì dạy con trẻ. Bạn dạy chúng, nhưng bản thân bạn lại làm trái ngược thì dạy làm sao được? Trước đây, khi tôi ở Đài Loan, một năm nọ có một vị thầy trung học đến nói với tôi (ông cũng là tín đồ Phật giáo rất mộ đạo), con gái lớn vào lúc đó học lớp năm tiểu học, không biết đã mua ở trong hiệu sách một cuốn sách gì, trở về nó chỉ dạy cha mẹ của nó: “Ba thử xem, điều này ba đã phạm rồi, điều này ba cũng phạm rồi”, khiến cho cha mẹ vô cùng khó xử. Ông đến hỏi tôi, tôi bảo: “Anh là thầy giáo, người làm thầy giáo trước tiên không được phạm lỗi thì học trò mới không chỉ trích. Bản thân anh ngôn hạnh không thận trọng, học trò của anh chỉ trích anh thì anh làm sao ứng phó? Hiện tại không những học trò của anh chỉ trích, mà con cái của anh cũng đều chỉ trích anh”. Ông vô cùng cảm khái! Hiện nay loại phong khí này ngày càng thịnh rồi. Chúng ta thử xem biết bao nhiêu đồng tu tụ tập lại với nhau, đối với việc giáo dục con cái họ đều lắc đầu. Người làm thầy giáo cũng bất lực vì không có biện pháp, không muốn dạy nữa, nhưng không tìm được công việc tốt. Đây là nguy cơ của xã hội, là tai nạn của thế gian. Mầm mống tai nạn đã nhìn thấy rồi, qua 20 hoặc 30 năm nữa thì tai nạn sẽ hiện tiền. Cho nên, giáo dục nhi đồng là nền tảng căn bản, là đường hướng then chốt của hòa bình, ổn định và hạnh phúc. Then chốt chính ngay chỗ này.
Tứ chúng đồng tu học Phật chúng ta nhất định phải bắt đầu làm từ bản thân, bắt đầu làm từ khéo giữ khẩu nghiệp, dứt khoát không vọng ngữ, không nói hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt. Dù cho trong đời này chúng ta ở đâu cũng bị thiệt thòi, nhưng phải nhớ kỹ lời cổ huấn: “Thiệt thòi là phước”. Trong thiệt thòi, kham nhẫn tu nhẫn nhục ba-la-mật, tu thiền định ba-la-mật, tu Bát-nhã ba-la-mật mới có thể tu thành công. Chỉ có nhẫn được, tùy thuận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, đoạn ác tu thiện thì con cái của bạn, học trò của bạn mặc dù không nghe lời nhưng thời gian lâu rồi chúng sẽ tỉnh ngộ. Mười năm, hai mươi năm chúng giác ngộ rồi, chúng sẽ nghĩ lại những việc làm này của thầy cô, của cha mẹ trước đây, lời chỉ dạy của cha mẹ đối với mình là có lợi ích chân thật. Mong muốn hiệu quả nhanh, lập tức liền có thể nhìn thấy hiệu quả là việc không thể, vì xã hội này ác duyên cám dỗ quá nghiêm trọng, quá phổ biến rồi. Cho nên, nhất định phải biết thân hóa giáo dục, bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không thể không thận trọng.
Lìa được lỗi lầm của ỷ ngữ sẽ được ba loại lợi ích.
Lợi ích thứ nhất: “Định vi trí nhân sở ái”.
Ai là “trí nhân” vậy? Chư Phật Bồ-tát là trí nhân, thiện tri thức chân chánh là trí nhân. Những người này hiện nay ở thế gian chúng ta không nhiều, nhưng ở những thế giới khác thì nhiều. Các vị đọc kinh Vô Lượng Thọ, người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là trí nhân, không có trí tuệ chân thật thì chắc chắn không thể vãng sanh. Số người ở thế giới Tây Phương không ai có thể tính hết được. Chúng ta mỗi ngày ở đây học “Hoa Nghiêm”, bạn xem, người của thế giới Hoa Tạng đều là trí nhân, đều là pháp thân đại sĩ, từ chỗ sở ái của họ chúng ta sẽ hiểu được. Hay nói cách khác, chư Phật hộ niệm, thiên long thiện thần ủng hộ, chúng ta có thể đạt được. Trong đời sống thường ngày, tâm của bạn là bình hòa, tâm của bạn là an định, bạn rõ lý, lý đắc tâm an, đây là việc tốt hàng đầu. Câu từ ở trong kinh văn đã khẳng định chắc chắn bạn đạt được ba loại lợi ích này, không hề mảy may nghi ngờ do dự.
Lợi ích thứ hai: “Định năng dĩ trí, như thực đáp vấn”.
Đàm đạo với người khác, ngôn từ của bạn nhất định là lời chân thật trí tuệ. Lời nói trí tuệ không phải do học mà có, mà là từ trong tự tánh lưu xuất ra. Phật dạy mọi người là yêu cầu minh tâm kiến tánh. Người tu Tịnh Độ cũng không ngoại lệ, nhất định yêu cầu minh tâm kiến tánh. Tâm tánh là cái vốn có của tất cả chúng sanh, không phải đến từ bên ngoài, cũng không phải do tu mà có, là nó vốn dĩ đầy đủ trong tự tánh của bạn. Hiện nay tại sao chúng ta không minh tâm, không thấy tánh vậy? Phật nói cho chúng ta biết, đây là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chướng ngại rồi. Phật đã nói rất nhiều lần, chúng ta đã nghe mấy chục năm, dần dần tỉnh ngộ ra, hiểu rõ chân tướng sự thật này rồi.
Chúng ta đối với pháp thế xuất thế gian đều không chấp trước thì chướng ngại thứ nhất này phá rồi, ở trong Phật pháp gọi là bạn đã chứng quả A La Hán. Tiến thêm một bước nữa, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không còn phân biệt nữa, lớp chướng ngại thứ hai bạn phá rồi, bạn liền trở thành Bồ-tát. Bồ-tát ở trong thập pháp giới tu tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, tâm lục độ thì bạn là Phật ở trong thập pháp giới. Lại có thể đem chướng ngại vô minh sau cùng trừ sạch đi, bạn liền thoát khỏi thập pháp giới, bạn liền vào thế giới Hoa Tạng. Người ở thế giới Hoa Tạng là Phật thật không phải Phật giả, đại sư Thiên Thai nói là: “Phần chứng Phật”, tuy bạn chưa chứng được Phật quả viên mãn nhưng bạn chứng được một phần, phần này là thật chứ không phải giả. Trong kinh điển thường hay dùng mặt trăng để làm ví dụ, trăng vào ngày rằm là trăng viên mãn, là Phật quả cứu cánh. Tuy mùng hai, mùng ba là trăng non, nhưng là trăng thật chứ không phải giả, không phải bóng trăng trong nước. Đây chính là tông môn thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Phần chứng Phật chúng ta có thể làm được không? Đáp án là khẳng định, chúng ta ở trong một đời có thể chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Làm sao biết? Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đã làm mẫu cho chúng ta rồi, Thiện Tài Đồng Tử một đời viên chứng Phật quả. Trong kinh Pháp Hoa, Long nữ cũng đã làm mẫu cho chúng ta thấy, là có thể chứng được. Tại sao bạn không thể chứng được vậy? Bạn không chịu buông xả phiền não, mấu chốt vấn đề là ở chỗ này. Chỉ cần bạn chịu đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông xả, bạn liền thành tựu. Trí tuệ của bạn là từ trong tự tánh lưu xuất ra, đương nhiên đối diện tất cả chúng sanh “như thực đáp vấn”. Đây đâu phải do học mà có. Người khác hỏi, bạn trả lời ngay, bạn không cần phải đi đọc kinh, nghiên cứu giáo lý. Mở kinh Phật ra, lời bạn đáp với điều Phật nói là giống nhau, Phật cũng trả lời như vậy. Cho nên kinh điển có tác dụng gì vậy? Vào lúc này, tác dụng của kinh điển là để làm chứng minh cho chúng ta. Trí tuệ có phải đã mở thật hay không? Trí tuệ đã mở thật thì tất cả mọi ngôn hạnh của bạn với những điều trong kinh đã nói chắc chắn là giống nhau. Nếu như so với những điều trong kinh điển nói vẫn không giống, thì tự mình phải phản tỉnh, phải hiểu rõ là phiền não của mình chưa buông xả, trí tuệ chưa mở. Trả lời vấn đề của người khác, phần lớn là từ trên thành kiến của mình mà trả lời, là biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến của mình, vậy không thể giải quyết vấn đề. Không những không thể giải quyết vấn đề mà làm vấn đề càng thêm rối rắm, càng thêm lộn xộn. Từ đó cho thấy, nói năng quan trọng biết bao.
Lợi ích thứ ba: “Định ư thiên nhân, uy đức tối thắng, vô hữu hư vọng”.
Cái mà “uy” và “đức” đều nói là trí tuệ ngôn hạnh. Trí tuệ ngôn hạnh dựa vào đạo đức, đây là uy đức chân thật. Nhân thiên kính ngưỡng, chư Phật hộ niệm, đây là “tối thắng”, không có gì thù thắng bằng điều này, không nhất định là có địa vị, có của cải trong xã hội. Bạn thấy, Khổng Lão Phu Tử lúc sanh tiền không có địa vị trong xã hội, bình dân, chưa từng làm quan lớn, nghèo nàn không giàu có. Ngài cả đời khởi tâm động niệm, lời nói việc làm dựa vào đạo đức, không làm trái đạo đức. Ngàn năm vạn đời khi nhắc đến Khổng Lão Phu Tử có người nào không kính trọng? Đây là “uy đức tối thắng, vô hữu hư vọng”, chúng ta cần phải học.
Thích Ca Mâu Ni Phật tuy có địa vị, có của cải nhưng Ngài từ bỏ, Ngài vui vẻ sống đời sống nghèo khổ, khất thực để duy trì mạng sống. Người Trung Quốc gọi khất thực là xin ăn, Ngài sống đời sống này. Ngài khởi tâm động niệm, lời nói việc làm dựa vào đạo đức, không làm trái đạo đức, giáo hóa khắp toàn thế giới. Sau 3000 năm, bạn thử xem người kính ngưỡng đối với Thích Ca Mâu Ni Phật nhiều hay ít? Tuổi tác của hai bậc thánh này đều không cao lắm, Phật Thích Ca Mâu Ni viên tịch khi 79 tuổi, người Trung Quốc tính tuổi mụ, nói Ngài “trụ thế 80 năm”; Khổng Lão Phu Tử ra đi cũng chỉ hơn 70 tuổi, đều chưa đến 80 tuổi. Sống trong thế gian này thời gian không dài nhưng có thể thành tựu được như vậy là dựa vào điều gì? Chúng ta hãy suy nghĩ nhiều ở chỗ này. Chúng ta muốn làm Phật Thích Ca Mâu Ni, làm Khổng Tử hay là muốn ở thế gian này làm quan to quyền quý? Suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn con đường đúng đắn cho tiền đồ của mình. Con đường thuần chánh này chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ. Đây là ba loại lợi ích quyết định.
“Nhược năng hồi hướng A-Nậu-Đa-La Tam Miệu Tam Bồ-đề giả”. Đây là đem công đức mà bản thân bạn đã tu học được không hưởng thụ một mình, mà hồi hướng cho chúng sanh. Hồi hướng là gì? Thảy đều nhường cho đại chúng xã hội, tất cả chúng sanh hưởng thụ.
“Hậu thành Phật thời”. Bạn có thể làm được như vậy, đem công đức, phước đức mà mình đã tu tích thảy đều chia cho tất cả chúng sanh cùng hưởng, thì bạn tương lai chứng được Phật quả viên mãn.
“Tức đắc Như Lai chư sở thọ ký”. “Chư sở thọ ký” chính là được thọ ký quá nhiều, quá nhiều rồi. Những thọ ký này đều ở trong kinh giáo Đại Thừa, tất cả thọ ký của chư Phật trong kinh giáo Đại Thừa bạn thảy đều đạt được.
“Giai bất đường quyên”. Ý của “đường quyên” là mất đi, đây là thuật ngữ của cổ nhân, bạn không bị thiếu hụt, tất cả đều đầy đủ. Cho nên sao thấy việc vui mà không làm?
Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly tham dục, tức đắc thành tựu ngũ chủng tự tại. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố. Nhị, tài vật tự tại, nhất thiết oán tặc bất năng đoạt cố. Tam, phước đức tự tại, tùy tâm sở dục vật giai bị cố. Tứ, vương vị tự tại, trân kỳ diệu vật, giai phụng hiến cố. Ngũ, sở hộ chi vật, quá bổ sở cầu, bách bội thù thắng, do ư tích thời, bất khan tật cố. Thị vi ngũ. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la Tam Miệu Tam Bồ-đề giả, hậu hành Phật thời, tam giới đặc tôn, giai cộng kính dưỡng”.
Ý của đoạn này sâu rộng vô cùng. Chư Bồ-tát tu hành tất cả ở một điều này, chúng sanh sáu cõi đọa lạc cũng ở một điều này. Từ đó cho thấy, điều này quan hệ với sự khác biệt giữa phàm và thánh thật quá lớn.
Trong tất cả kinh giáo, Thế Tôn nói cho chúng ta biết, “tham sân si” là tam độc phiền não, là căn bản của vô lượng vô biên phiền não. Tuy là nói ba thứ “tham sân si”, ba thứ này nếu quy thành một thì chính là tham. Cho nên, Phật dạy Bồ-tát sáu điều ở trong nguyên tắc tu học, trong đó điều thứ nhất chính là bố thí, bố thí là để đối trị tham dục. Tuy là nói sáu điều ba-la-mật, nhưng sáu ba-la-mật nếu quy thành một thì chính là bố thí ba-la-mật. Thế xuất thế gian đại thánh đại hiền, tại sao họ có thể trở thành thánh hiền vậy? Lìa được tham dục. Gốc của tham dục nhổ đi rồi thì người này liền thành Phật. Thật sự chịu nhổ bỏ, nhưng vẫn nhổ chưa được sạch sẽ thì người này được gọi là Bồ-tát. Phàm phu không những không lìa mà mỗi ngày một tăng trưởng. Tăng trưởng tham dục chính là tăng trưởng cơ hội đọa lạc ba đường ác. Lìa khỏi tham dục chính là xa lìa đường ác, chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này. Hay nói cách khác, đời người khổ đau và ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi cũng chẳng qua là việc trong một sát-na. Sau 100 năm, thời gian còn dài nữa thì làm thế nào? Sẽ đi về đâu? Người thông minh không thể không suy nghĩ. Phước báo mà bạn mong cầu hiện nay nhất định không phải từ trong tham sân si mà có được. Tham sân si chỉ có tổn phước, không thể tăng phước. Phước báo mà đời nay có được là do trong đời quá khứ đã tu nhân thiện. Ác nghiệp tạo ra trong đời này thì quả báo ở đời sau. Nhân quả thông ba đời, đây là đạo lý nhất định.
Hai ngày trước, tôi về Trung Quốc thăm một vị bác sĩ già, vị bác sĩ già này cũng đang xem băng ghi hình của tôi. Từ trên băng ghi hình nhìn thấy hình của tôi, ông nói tôi bị bệnh. Sau khi tôi nói chuyện với ông một lát thì biết thật sự ông là người có trình độ chứ không phải là bác sĩ thông thường. Ông phải hỏi ngày tháng năm sinh của bệnh nhân, phải hỏi bệnh nhân được sinh ra ở nơi nào, đây là điều mà chúng ta chưa từng thấy ở đông y, tây y bao giờ. Đây là đạo lý gì vậy? Là thể chất của cơ thể bạn. Rất có đạo lý. Bản chất cơ thể bạn là gì, bạn sẽ bị bệnh như thế nào, đây là từ căn bản. Trong Phật pháp nói cái gốc này càng sâu hơn, đó là những nghiệp thiện ác đã tạo trong đời quá khứ. Ông phải hỏi đến nơi sinh ra, thời gian ra đời, để quan sát bản chất thể chất của bạn, đây thật là cao minh.
Ông nói cho chúng tôi biết về đạo dưỡng sinh, ăn uống khỏe mạnh nhất là loại thức ăn sinh trưởng tại chỗ, sinh trưởng trong tháng này, đây là thức ăn dinh dưỡng nhất. Chúng ta ngày nay thích ăn thực phẩm của nước ngoài, mùi vị rất ngon nhưng sẽ bị bệnh, vì không tương ưng với thể chất của chúng ta. Thực phẩm sinh trưởng chỗ đất nơi nào là để nuôi dưỡng người ở nơi ấy. Chúng ta nhập gia phải tùy tục, đến địa phương đó phải ăn thức ăn ngay nơi đó, đây là khỏe mạnh nhất. Bạn không chịu ăn thức ăn nơi đó, vẫn muốn ăn thức ăn của nơi khác, như vậy liền không hợp thủy thổ, bạn sẽ bị bệnh. Những đạo lý này rất cao minh. Chúng tôi khi còn nhỏ cũng đã từng được người lớn dạy rồi, thời gian lâu quá nên quên mất. Thực ra trong sách xưa như Lễ Ký, Nguyệt Lệnh đã nói đến. Nguyệt Lệnh có nói 12 tháng, tháng nào ăn những thức ăn gì, nhưng phải nhớ kỹ là nhất định phải ăn những thứ được sinh ra ở nơi đó. Những thứ mà khu vực này sinh ra, đối với cơ thể của bạn nhất định có lợi ích. Đây là đạo dưỡng sinh.
Bạn hiểu được đạo dưỡng sinh mà không biết dưỡng tâm, đó chính là gốc bệnh của bạn không thể trừ sạch. Tâm là gì vậy? Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Nếu như tâm của bạn là “tham sân si”, thế thì tâm của bạn bệnh rồi. Đây là gốc bệnh chân thật, là nguồn gốc của mọi bệnh tật, chúng ta không thể không biết.
Bác sĩ nói với tôi, ở bên trong tôi có phong hàn. Khi trở về, tôi nói với mọi người, khi ngủ nhất định không được phép mở quạt hay mở máy lạnh, gốc bệnh từ đây mà ra. Đạo lý này tôi biết. Khi còn nhỏ người lớn nói cho tôi biết, khi đang ngủ ngay cả quạt tay cũng không được phép, vì khi đang ngủ, toàn bộ lỗ chân lông bạn mở ra nên rất dễ bị nhiễm lạnh. Khi bị bệnh thì không biết, đến sau tuổi trung niên khi bệnh phát ra thật rất khó chữa trị. Bệnh phong hàn này sẽ tổn thương tạng thận, tạng can của bạn, phá hủy rất nhiều hệ thống cơ quan ở bên trong. Đây đều là do trong sinh hoạt không cẩn thận, không chú ý. Tâm địa chúng ta rất thanh tịnh, đọc sách, ngồi thiền, tại sao ngồi thiền trên người phải khoác áo kỹ như vậy? Bởi vì cơ thể bạn ở trạng thái tĩnh. Trạng thái tĩnh là sợ gió nhất. Cho nên, khi chúng ta đang đọc sách trong trạng thái rất yên tĩnh thì không được phép bậc máy lạnh hay dùng quạt điện. Khi cơ thể bạn đang hoạt động thì không có sao cả, nhưng yên tĩnh thì không được phép, chúng ta lơ là rồi. Bác sĩ nói với tôi, hiện nay điều này rất phổ biến, gọi là chứng khí lạnh. Những người ở lâu trong phòng khí lạnh đều sẽ có chứng bệnh này. Cho nên, chúng ta nhìn thấy người có sắc mặt trắng bệch, vầng trán đen, trên mặt không có tươi nhuận, đó là người bệnh rất nặng, rất nghiêm trọng. Vì vậy mọi người trong sinh hoạt thường ngày phải chú ý, không nên ham mát, ham mát là mất mạng!
Phạm vi của tham dục vô cùng rộng lớn, đặc biệt là danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, không những khiến đức hạnh của con người đọa lạc, mà nó còn là nhân tố đứng đầu của ba đường ác. Chúng ta phải đoạn ý nghĩ tham, chứ không phải thay đổi đối tượng của tham. Ta bây giờ đối với danh vọng lợi dưỡng thế gian không tham nữa, năm dục sáu trần cũng không tham nữa nhưng lại ham muốn Phật pháp có được hay không vậy? Không được! Phật dạy chúng ta đoạn tâm tham, không phải dạy chúng ta đổi đối tượng. Kết quả của đổi đối tượng là bạn tham ác thì bạn đọa tam đồ, bạn tham thiện pháp thì sanh ba đường thiện, không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nói thêm với quí vị, quí vị niệm Phật không thể vãng sanh. Quan hệ này thì quá lớn rồi. Trong kinh Kim Cang Bát Nhã, Phật dạy chúng ta: “Pháp còn phải xả, hà huống phi pháp”. Chữ “xả” đó chính là không tham, hoàn toàn không phải nói không cần nữa. Phàm phu chúng ta nhất định cần Phật pháp, nhưng tuyệt đối không tham đắm Phật pháp. Phật pháp giúp chúng ta thoát ly sanh tử luân hồi, nhưng chúng ta không được tham đắm. Bạn tham đắm thì nguyện vọng của bạn sẽ không đạt được.
Tâm tham không thể không buông, nhưng thật sự là rất khó buông. Tại sao khó buông vậy? Tập khí của con người đối với danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần quá sâu. Vô lượng kiếp đến nay đã bị những tập khí phiền não này huân tập, bây giờ muốn đem nó đoạn hết lập tức, nói sao dễ thế? Nhưng nếu không đoạn thì rất nguy hiểm, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn vấn đề sanh tử. Nếu so sánh sanh tử với đoạn tập khí phiền não thì sanh tử là việc nhỏ, đoạn tập khí phiền não là việc lớn, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng.
Vô lượng kiếp đến nay tạo sanh tử luân hồi là việc cực kỳ nhục nhã của chúng ta. Sao lại tạo ra thế này? Tại sao người khác thành thánh, thành hiền, làm Phật, làm Bồ-tát mà chúng ta vẫn còn trôi lăn trong sáu cõi? Ở đây nhân tố đứng đầu chính là tham sân si buông không được, vĩnh kiếp không thoát khỏi tam giới luân hồi, nguyên nhân ở chỗ này. Xa lìa tham sân si, xa lìa mười nghiệp ác, không phải không thể làm được. Sự việc này không phải cầu ở người, cầu người khó, mà sự việc này là cầu chính mình. Chúng ta có nhận thức này hay không? Có quyết tâm này hay không? Có nghị lực này hay không? Ba sự việc này, đặc biệt là nhận biết là sự việc đứng đầu. Nhận biết phải nương theo lời giáo huấn của bậc thánh hiền. Thánh hiền không dạy chúng ta, chúng ta làm sao hiểu được tham sân si nghiêm trọng như vậy? Phật Bồ-tát giác trước, biết trước, các Ngài hiểu rõ, lý giải thấu triệt, nhắc nhở chúng ta, nói cho chúng ta biết. Chúng ta thật sự hiểu rõ rồi thì phải hạ quyết tâm, buông xả triệt để, không làm tiếp việc này nữa.
“Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Trong kệ khai kinh cũng đã nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Thật sự là trăm ngàn muôn kiếp mới gặp được một lần, không phải dễ dàng gặp được. Chúng ta đời này có được thân người, nghe được Phật pháp, đây là trong trăm ngàn muôn kiếp gặp được một lần như vậy. Nếu như không nắm chắc cơ hội này, nhân dịp trong mấy chục năm ngắn ngủi của đời này hạ quyết tâm từ bỏ tham sân si mạn, từ bỏ sự hưởng thụ danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần. Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm nên tấm gương cho chúng ta thấy, Ngài sinh trong nhà Đế vương, có thể kế thừa vương vị nhưng Ngài từ bỏ. Địa vị cao quí như vậy Ngài cũng không cần, từ bỏ phú quí, từ bỏ vợ con, làm tấm gương tốt triệt để nhất, cứu cánh nhất, viên mãn nhất cho chúng ta thấy. Danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần tràn ngập cũng không dính, trải qua đời sống khất thực, ngày ăn một bữa, tối ngủ gốc cây, Ngài sống đời sống này. Đây là dạy chúng ta điều gì vậy? Triệt để lìa xa tham sân si mạn, chúng ta mới có ngày vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Các vị phải biết rằng, tham sân si mạn là nhân của luân hồi, sáu cõi luân hồi là quả báo của tham sân si mạn. Bạn có thể lìa khỏi nhân rồi thì quả này vĩnh viễn sẽ không hiện tiền. Dứt sanh tử, xuất tam giới, thoát luân hồi ở ngay tại nhận thức này. Bạn có thật sự nhận thức hay không, có thật sự hiểu rõ hay không?
Phật ở chỗ này nói cho chúng ta biết, thật sự xa lìa rồi thì giống chư Phật Bồ-tát vậy, bạn thành tựu năm loại tự tại. Năm loại tự tại là điều mà tất cả chúng sanh đều ngưỡng mộ, đều hướng đến. Năm loại tự tại này là quả báo, vĩnh viễn lìa tham dục là nghiệp nhân. Bạn tu nhân thì nhất định chứng quả, bạn không tu nhân thì làm sao có thể chứng quả? Quả báo thứ nhất chính là chúng ta thường nói là khỏe mạnh trường thọ, “tam nghiệp tự tại” (tam nghiệp là thân, ngữ, ý), “các căn đầy đủ”. Các căn đầy đủ dùng cách nói hiện nay để nói là thân tâm khỏe mạnh, cơ thể của bạn không hề mảy may khiếm khuyết. Các căn của thân đầy đủ, đây là quả báo; tam nghiệp tự tại lại là nhân duyên. Sao gọi là “tam nghiệp tự tại”? “Tự tại” là không có phiền não. Bạn có phiền não là bạn không tự tại, bạn có lo lắng là bạn không tự tại, bạn có bận tâm là bạn không tự tại. Thân tâm thanh tịnh thì mới tự tại. trong đời sống thường ngày một vọng niệm cũng không sanh.
Sao gọi là vọng niệm? Nhất định phải hiểu rõ ràng, vì bản thân thì đều là vọng niệm. Bạn tu hành thành Phật là vì bản thân, làm Bồ-tát là vì bản thân, đây đều là vọng niệm. Phật dạy chúng ta không vọng niệm, phải có chánh niệm. Chánh niệm là gì vậy? Chánh niệm không phải là vọng niệm, chánh niệm là vì tất cả chúng sanh. Ta tu hành vì tất cả chúng sanh, ta thành Bồ-tát vì tất cả chúng sanh, ta thành Phật cũng vì tất cả chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh thì niệm này là chánh niệm; vì tự tư tự lợi đều là vọng niệm, đều là tà niệm. Trong Phật pháp nói “vô niệm”, đặc biệt là tông môn thường hay nói nhiều. “Vô niệm” không phải là không hề có ý nghĩ gì cả, ý nghĩ gì cũng không có thì quả báo ở trời tứ thiền vô tưởng, đó là trời ngoại đạo. Nhà Phật nói “vô niệm” là ý nghĩ không tự tư tự lợi, có chánh niệm. Chánh niệm là vì Phật pháp thường trụ thế gian, vì lợi ích tất cả chúng sanh. Trong lợi ích chúng sanh, điều đầu tiên là giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, đây là lợi ích chân thật. Không thể giúp chúng sanh phá mê khai ngộ thì lợi ích đó là lợi ích nhỏ, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ là lợi ích chân thật, họ mới có thể được tam nghiệp tự tại, họ mới có thể được chư căn đầy đủ.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, ý nghĩa của điều thứ nhất vẫn chưa giảng xong, ngày mai chúng ta giảng tiếp.
A Di Đà Phật!
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền