#CHƯA-UPDATE
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ – GIẢNG LẦN 5 – 2018
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Chùa Cực Lạc – Đài Nam & Hiệp Hội Giáo dục Phật Đà Hồng Kông
Thời gian: Từ 19/01/2018 đến 19/01/2019
Chuyển ngữ: Tỳ kheo Thích Thiện Trang & Nhóm Học Làm Người Tốt
Mã AMTB: 02-047-0001 đến 02-047-0014
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ – GIẢNG LẦN 5 – TẬP 11
Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời an tọa. Mời mọi người cùng tôi quy y Tam-Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)
Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 150, đếm ngược đến hàng thứ tư, 《華嚴經.性起品》:如來、應供、等正覺性起正法不可思議 “Hoa Nghiêm Kinh, Tánh Khởi phẩm: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác tánh khởi chánh pháp bất khả tư nghị”(Phẩm Tánh Khởi của Kinh Hoa Nghiêm nói: Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác tánh khởi chánh pháp không thể nghĩ bàn):
Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, đó là một trong mười hiệu của Phật, mười hiệu đều là tánh đức, tánh đức của tự-tánh. Từ mười loại đức hiệu này thì quý vị liền hiểu tự-tánh công đức vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Đó là thông hiệu, chúng ta có hay không? Có, tất cả chúng ta đều có, chỉ là sau khi đã mê, hiện giờ làm phàm phu, thì mười loại đức hiệu đó đều ẩn rồi. Quý vị buông xuống được vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì mười loại đức hiệu đó liền hiện tiền, mười loại tánh đức đó liền hiện ra thôi.
Tánh khởi chánh pháp không thể nghĩ bàn. Thế gian chúng ta đây gọi là duyên khởi, không phải là tánh khởi, tánh khởi thì chúng ta không có cách nào tưởng tượng được. Chúng ta sống ở thế gian duyên khởi, chính là nhân duyên sanh pháp. Tánh khởi không phải là nhân duyên, vì không có nhân, cũng không cần duyên. Nơi nào thì do tánh khởi? Cõi nước nơi trụ của chư Phật Như Lai là do tánh khởi, gọi là Thật-báo-trang-nghiêm-độ, gọi là nhất chân pháp giới, pháp giới đó là tánh khởi, không phải là duyên khởi. Tánh khởi và duyên khởi có gì khác nhau? Hiện tượng của duyên khởi thì có sanh có diệt, còn hiện tượng của tánh khởi thì không sanh không diệt; hiện tượng của duyên khởi có dao động, còn hiện tượng của tánh khởi không dao động, vĩnh viễn như ở trong định, không dao động; duyên khởi thì có ô nhiễm, có phiền não, sẽ sanh phiền não; còn tánh khởi không có ô nhiễm, không sanh phiền não.
Thế giới Cực Lạc là tánh khởi, không phải duyên khởi. Trong phẩm thứ 9 của kinh này, Tỳ-kheo Pháp Tạng 所發誓願,圓滿成就,如實安住,具足莊嚴,威德廣大,清淨佛土“Sở phát thệ nguyện, viên mãn thành tựu, như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, uy đức quảng đại, thanh tịnh Phật độ”(Thệ nguyện đã phát, thành tựu viên mãn, như thật an trụ, đầy đủ trang nghiêm, uy đức rộng lớn, cõi Phật thanh tịnh). Thật là chân thật, cũng chính là thật tướng, chân-như và pháp-thân. Như thật an trụ chính là như thật an trụ bên trong của chân thật vậy. Bên trong của chân thật chính là minh tâm kiến tánh, bên trong của chân thật chính là chân-như bản-tánh, cũng chính là ‘chư pháp thật tướng’ mà trên Kinh Bát Nhã thường nói. Chư pháp thật tướng là thể tánh của Thế giới Cực Lạc, cũng chính là nói: tất cả sự tốt đẹp trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc đều là xứng tánh. Trang nghiêm những gì? 榮色光曜,不可勝視“Vinh sắc quang diệu, bất khả thắng thị”(Màu sắc đẹp diệu chói lọi, chẳng thể nhìn hết được), thị là quý vị nhìn, với vẻ đẹp của phong cảnh nơi đó, quý vị nhìn không hết được. 無量光炎,照耀無極“Vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực”(vô lượng ánh sáng rực rỡ chiếu ngời vô cùng). Thế giới Cực Lạc không cần mặt trời, mặt trăng, và ánh đèn, tại sao vậy? Vì thân của mỗi người đều có ánh sáng, cho nên tất cả hiện tượng vật chất đều phóng ánh sáng, là thế giới ánh sáng. Vả lại ánh sáng đó đều nhu hòa, đều không làm chói mắt, mà mát mẻ. Như người thế gian chúng ta hình dung ánh sáng của mặt trăng, ai ai cũng thích ánh sáng mặt trăng, vì không nóng, còn ánh sáng mặt trời thì quá nóng, bởi đó là quả cầu lửa. Ánh sáng của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nhiều màu sắc, là mát dịu. 白珠摩尼以為交絡,明妙無比“Bạch châu ma-ni dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ”(Bạch châu, ma-ni dùng làm lưới giăng, sáng đẹp không gì sánh được). Ma-ni là tên gọi chung của bảo châu, ở nơi đây nói bảo châu bên trong có màu trắng, ‘giao lạc’ là lưới giăng, làm trang trí, là trang trí phổ biến, sáng đẹp không gì sánh được. 華果恆芳,光明照耀“Hoa quả hằng phương, quang minh chiếu diệu”(hoa quả luôn thơm tho, quang minh chiếu rực rỡ). Hoa thì không tàn, quả thì không thay đổi. Đó là thực vật, thực vật ở thế giới chúng ta đây có sanh trụ dị diệt, Thế giới Cực Lạc thì không có, tại sao vậy? Vì sanh trụ dị diệt là biến hóa, tại sao thế giới chúng ta đây lại biến hóa? Bởi người của thế giới chúng ta đây có vọng niệm, có phân biệt, có chấp trước. Cho nên động vật có sanh già bệnh chết, thực vật có sanh trụ dị diệt, khoáng vật có thành trụ hoại không. Đó là bốn tướng, bốn loại hiện tướng mà nhà Phật nói, ở Thế giới Cực Lạc không có. Ở Thế giới Cực Lạc, hễ là người sanh đến Thế giới Cực Lạc, dù cho là đới nghiệp vãng sanh, do sự gia trì bởi uy thần nguyện lực của A Di Đà Phật, mà ở Thế giới Cực Lạc tìm không được duyên của vọng tưởng phân biệt chấp trước. Mặc dù trong A-lại-da-thức của quý vị có nhân, chính là quý vị có tập khí, nhưng không có duyên, thì tập khí không phát ra, không khởi tác dụng. Người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có sanh già bệnh chết, cho nên hoa cỏ cây cối vĩnh viễn xanh tươi, trái cây vĩnh viễn là chín, quý vị có thể hái xuống để ăn, trái cây vĩnh viễn sẽ không hư hoại, đó đều là sự trang nghiêm bất khả tư nghị. 隨風散馥,沿水流芬“Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân”(hương thơm tản theo gió, nước chảy mang mùi thơm), đó là nói hoa ở hư không. 無量光明,百千妙色,悉皆具足“Vô lượng quang minh, bá thiên diệu sắc, tất giai cụ túc”(Vô lượng ánh sáng, trăm ngàn màu sắc, tất cả đầy đủ), thế giới ấy đẹp không gì hơn được). 奇妙珍異,周遍校飾,光色晃曜,盡極嚴麗“Kỳ diệu trân dị, châu biến hiệu sức, quang sắc hoàng diệu, tận cực nghiêm lệ”(báu vật quý lạ, trang hoàng khắp nơi, màu sắc ánh sáng sáng ngời, đẹp đẽ vô cùng), báu vật quý lạ mà chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, khi quý vị đến Thế giới Cực Lạc thì mới thấy được. Những điều này đều là tự-tánh pháp vốn như vậy, là của tánh đức hiển hiện ra, hoàn toàn không phải do người làm.
Thế gian chúng ta đây, phàm phu sáu đường là nhiễm, tứ thánh pháp giới là tịnh, là Tịnh-độ của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, còn sáu đường là uế độ. Khi minh tâm kiến tánh, siêu vượt mười pháp giới, trụ ở báo-độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, báo-độ chính là thế giới Hoa Tạng, thế giới Hoa Tạng cũng là tánh khởi. Người tu học những pháp môn khác, thì tương lai họ sẽ đi đến đâu? Thật sự tu hành thành công, khai ngộ rồi, thì đều sanh đến thế giới Hoa Tạng. Thế giới Hoa Tạng không có khác với thế giới Cực Lạc. Nhưng thế giới Hoa Tạng dựa vào tự lực, còn pháp môn Tịnh-độ dựa vào Phật lực của A Di Đà Phật, là khác nhau. Nguyên nhân của pháp môn Tịnh-độ vượt hơn tất cả pháp môn khác là ở chỗ dựa vào Phật lực, còn tất cả pháp môn khác đều là dựa vào tự lực.
Chúng ta hoàn toàn dựa vào A Di Đà Phật, thật là vững chắc, phải tin tưởng, không được nghi ngờ. Quý vị có một chút nghi ngờ, thì cuối cùng biến thành chướng ngại vãng sanh, đi không được đâu. Nên phải tuyệt đối tin tưởng, không được có một tơ hào hoài nghi. Điều kiện của vãng sanh Tịnh-độ: thứ nhất là tín, thứ hai là nguyện, thứ ba là trì danh niệm Phật. Tín nguyện đặc biệt quan trọng, có tín có nguyện nhất định vãng sanh. Đại sư Ấn Quang giảng về tín, thì giảng hai phương diện: tin thế giới Ta Bà khổ, tin Thế giới Cực Lạc vui. Nguyện, cũng giảng hai phương diện: nguyện rời Ta Bà, nguyện sanh Cực Lạc. Đầy đủ hai điều kiện tín nguyện như vậy, nhất định vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật sâu hay cạn, chứ không phải nhiều hay ít. Công phu là nhìn thấy ở nơi đâu? Chính là quý vị buông xuống nhiều hay ít. Công phu nhìn thấy ở sự buông xuống, quý vị buông xuống được càng nhiều là công phu càng sâu, buông xuống càng được ít là công phu cạn. Phải đem chỗ khó buông nhất thực hiện trước, thông thường người ta nói: tình chấp là khó buông xuống nhất. Tài sản vật chất, địa vị, danh tiếng, loại nào quý vị ưa thích nhất, thì quý vị hạ thủ buông xuống từ đó, thứ khó xả nhất cũng xả sạch rồi, thì những thứ khác cũng dễ dàng thôi. Không buông xuống, thì thiệt thòi lớn rồi, người chịu hại là chính mình, không phải là người khác. Chúng ta phải quay về được tánh khởi, không nên lưu luyến duyên khởi, vì duyên khởi toàn là giả thôi.
所以者何?非少因緣,成等正覺出興於世。以十種無量無數百千阿僧祇因緣,成等正覺出興於世“Sở dĩ giả hà? Phi thiểu nhân duyên, thành Đẳng Chánh Giác xuất hưng ư thế. Dĩ thập chủng vô lượng vô số bá thiên A-tăng-kỳ nhân duyên, thành Đẳng Chánh Giác xuất hưng ư thế”(Tại sao như vậy? Do không ít nhân duyên, mà thành Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Lấy mười loại vô lượng vô số trăm ngàn A-tăng-kỳ nhân duyên, mà thành Đẳng Chánh Giác xuất hiện nơi đời).
Đó là thế nào? Đó là duyên khởi, chư Phật Như Lai ứng hóa ở thế gian là duyên khởi, không phải là tánh khởi. Duyên khởi đó là gì? Là cảm ứng. Nhân là gì? Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Chúng sanh không có cảm, thì Phật sẽ không xuất hiện. Quyết định không phải là do một người chúng ta, chúng ta ở nơi đây nghĩ tới Phật, thì Phật liền xuất hiện ở thế gian, không phải vậy. Phải biết bao chúng sanh có duyên với Phật, cộng nghiệp sở cảm, thì Phật mới xuất hiện ở thế gian, là không đơn giản! Chúng ta quay lại để suy xét, thân nghiệp báo hiện nay của chúng ta đây là đang mang nghiệp, đến thế gian này, tìm được cha mẹ, chúng ta đến nhân gian, là có bao nhiêu nhân duyên? Nói với chư vị, là giống như vậy, cũng là mười loại vô lượng vô số trăm ngàn A-tăng-kỳ nhân duyên, thì chúng ta mới đến được thế gian này. Trong duyên này có nhiễm có tịnh, có thiện có ác. Phật Bồ-tát xuất hiện, thì duyên đó là thanh tịnh, là thiện; còn chúng ta đến thế gian này, ở trong sáu đường xả thân thọ thân làm luân hồi, đó là duyên nhiễm, đó là duyên bất thiện. Cho nên, bất kỳ một pháp nào cũng là do vô lượng nhân duyên mà thành. Hễ là do nhân duyên mà thành tựu, thì phải biết rằng: là không có tự-tánh, không có tự thể. Đây là nói rõ điều gì? Phật pháp là duyên sanh pháp, duyên sanh pháp thì không được chấp trước, nhưng có cần hay không? Hiện nay chúng ta đang mê, vẫn chưa có khai ngộ, chưa kiến tánh, thì tôi cần Phật pháp, Phật pháp giúp cho tôi; sau khi kiến tánh, thì không cần nữa, thì buông xuống hết. Sau khi kiến tánh mà quý vị đi chấp trước lời của Phật pháp, vậy là quý vị lại mê, là sai lầm rồi. Chúng ta chưa thấy được người kiến tánh còn mang theo một đống kinh sách lớn, không có. Chưa thấy người kiến tánh đi đến đâu thì mang kinh sách theo, kiến tánh thì không có nữa. Tại sao vậy? Vì tất cả kinh luận đều là do trong tự-tánh lưu xuất ra, thì quý vị cần mang theo để làm gì? Đại sư Huệ Năng không biết chữ, cả đời chưa từng mang theo một quyển sách, ngài đến nơi đâu là mang theo y bát, không cần mang theo một quyển kinh sách nào. Quý vị cầm kinh sách để hỏi ngài, thì ngài đối đáp như nước chảy, không có chỗ nào làm khó ngài được, đó là thế nào? Là xứng tánh. Mục tiêu học Phật cuối cùng của chúng ta là phải kiến tánh, muốn kiến tánh thì phải buông xuống được. Buông xuống phiền não chướng, cũng phải buông xuống sở tri chướng, thì chướng ngại liền không còn nữa.
Không phải ít nhân duyên, mà là vô lượng không thể nghĩ bàn nhân duyên, thì Phật mới thành Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Đó là thị hiện thành Phật ở thế gian chúng ta, là trên Kinh Pháp Hoa đã nói do vô lượng nhân duyên được thành tựu, không thể nghĩ bàn, không có cách nào để tính đếm được. Dựa vào ghi chép của Trung Hoa, thì Thích Ca Mâu Ni Phật sanh ra năm thứ 24 đời Chu Chiêu Vương, diệt độ vào năm 52 đời Chu Mục Vương, Đức Phật trụ thế, theo người Trung Hoa nói là 80 tuổi, vì người Trung Hoa tính là tuổi mụ, còn người nước ngoài nói là 79 tuổi. Sau khi khai ngộ, Ngài khai ngộ năm 30 tuổi, liền bắt đầu dạy học, đã dạy cả một đời, giảng kinh dạy học 49 năm. Ảnh hưởng của 49 năm đó, ảnh hưởng về không gian là toàn bộ địa cầu, ảnh hưởng về thời gian là 12 ngàn năm. Biết bao người chịu sự ảnh hưởng của Ngài, chúng ta thấy được gặp được, hay chúng ta thấy được không gặp được, nhưng không thể không thừa nhận, lục đạo luân hồi và mười pháp giới của Phật pháp nói, đó không phải là một loại học thuyết, mà đó là chân tướng sự thật. Phật từ nơi đâu mà xem thấy được? Là từ trong định. Cho nên, người thật sự tu hành đắc thiền định, thì họ có thể đột phá các chiều không gian, có thể qua lại với những người không cùng chiều không gian, đó không phải là giả. Phát hiện nhân gian chúng ta chịu ảnh hưởng của Thích Ca Mâu Ni Phật, người không cùng chiều không gian chịu ảnh hưởng của Thích Ca Mâu Ni Phật, so với địa cầu chúng ta càng nhiều hơn! Cho nên vô lượng nhân duyên, mà thành Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời.
Nghĩ đến Phật thì nhất định nghĩ đến chính mình, tại sao vậy? Vì chính mình và Phật là một chứ không phải là hai, là cùng một tự-tánh. Ngài đã trải qua giác ngộ, Ngài đã buông xuống rồi, còn ta chưa buông xuống, ta vẫn chưa giác ngộ. Tại sao Ngài có thể được sạch hết nghiệp hoặc, phước huệ viên mãn, an trụ tịch quang, thường hưởng pháp lạc? Tại sao tôi lại khởi tham sân si, tạo sát đạo dâm, luân hồi lục đạo, chẳng thoát ra được? Tự-tánh là một, mà khổ vui lại xa một trời một vực. Ngày nay Ngài biểu diễn, vì chúng ta thị hiện một con đường trở về tự-tánh, con đường thành Phật, chúng ta cần phải mong muốn đi con đường ấy, nương theo tấm gương của Ngài, y giáo phụng hành, thì nhất định thành tựu ngay trong đời này, không phải đợi đến đời sau.
Chúng ta muốn vãng sanh Thế giới Cực Lạc, cũng không thể dùng ít thiện căn phước đức nhân duyên, mà được sanh cõi ấy. Chúng ta vãng sanh được đến Thế giới Cực Lạc, là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Sanh đến Thế giới Cực Lạc A Di Đà Phật, đó là việc vô cùng lớn, không phải việc nhỏ. Nào có thể đơn giản được vãng sanh như vậy! Người thật sự được vãng sanh, bất kể là họ dùng cách nào, họ học rộng nghe nhiều, hay là họ hoàn toàn không biết chữ, hay vô tri vô thức, chỉ cần biết được một câu này: biết tín nguyện trì danh, họ thật niệm Phật, thật làm, thì thật vãng sanh thôi. Chúng ta ở thế gian này thấy họ đơn giản như vậy, nhưng không biết rằng họ đã tích lũy công đức đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, thiện căn phước đức nhân duyên thành tựu vô cùng sâu dày, chúng ta không biết, nhưng Phật biết. Chỉ với một câu Phật đã nói rõ cho chúng ta: mỗi một người vãng sanh đều là đời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đời này đã gặp được pháp môn này, nên đạt được sự gia trì bởi uy thần của vô lượng chư Phật quá khứ. Vì vậy, họ có thể tin, có thể phát nguyện, có thể niệm Phật, họ được vãng sanh, đó chính là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Chúng ta thấy ít, nhưng thật ra không ít, ít thì không được, ít thì không đi được.
Tiếp theo nói, 乃至廣說如是等無量因緣,唯為一大事因緣。大事因緣者何?唯欲眾生開示佛知見故“Nãi chí quảng thuyết như thị đẳng vô lượng nhân duyên, duy vi nhất đại sự nhân duyên. Đại sự nhân duyên giả hà? Duy dục chúng sanh khai thị Phật tri kiến cố”(Cho dù rộng nói vô lượng nhân duyên như thế, nhưng chỉ vì một đại sự nhân duyên. Ðại sự nhân duyên gì? Chỉ vì muốn chỉ bày tri kiến Phật cho chúng sanh).
‘Chỉ’ tức là duy nhất, chính là hy vọng chỉ bày Phật tri kiến cho chúng sanh, Phật tri Phật kiến chính là trí huệ Bát Nhã vốn đầy đủ trong tự-tánh. Cả đời đức Phật là làm giáo dục, thân phận của Ngài, dùng lời chúng ta để nói là thân phận giáo sư, cả đời làm thầy, là một vị thầy tốt vô cùng chăm chỉ có trách nhiệm, một vị thầy mẫu mực. Vị thầy ấy không vì chính mình, mà đều vì học sinh, dùng trí huệ của chính Ngài, dùng thiện xảo phương tiện của chính Ngài để giúp chúng sanh giác ngộ, giúp đỡ chúng sanh quay đầu, giúp chúng sanh trở về tự-tánh. Việc dạy học đó là công đức viên mãn. Trở về tự-tánh chính là thành tựu Phật quả rốt ráo. Ngài chỉ có một nguyện vọng đó, xuất hiện ở thế gian chỉ vì một việc lớn đó.
Tiếp theo Chú Giải nói: Kinh Hoa Nghiêm, thế nào gọi là Kinh Hoa Nghiêm「乃世尊最初所創言,《法華經》乃末後之垂教」“Nãi Thế Tôn tối sơ sở sáng ngôn, Pháp Hoa Kinh nãi mạt hậu chi thùy giáo”(Chính là lời giảng đầu tiên của đức Thế Tôn. Kinh Pháp Hoa là lời dạy cuối cùng), Đã nói Kinh Hoa Nghiêm, rồi Kinh Pháp Hoa,自始至終,唯為此大事因緣 “Tự thủy chí chung, duy vi thử đại sự nhân duyên”(từ đầu đến cuối, chỉ vì đại sự nhân duyên ấy).
Lúc Đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật ở thế gian chúng ta, bộ kinh giảng thứ nhất là Hoa Nghiêm, đó là lần giảng đầu tiên, Kinh Pháp Hoa là giảng cuối cùng, giảng lần sau cùng. Từ đầu đến cuối, chính là hy vọng giúp đỡ chúng ta quay về tự-tánh, thành tựu Phật quả cứu cánh. Nhưng Phật giúp đỡ đối với chúng ta, chỉ có chỉ bày Phật tri Phật kiến, còn người nghe thì sao? Người nghe phải ngộ nhập. Khai thị là việc của thầy, còn ngộ nhập là việc của chính mình. Nếu thầy khai thị, mà chính mình không ngộ nhập được, vậy thì uổng công nghe rồi. Vậy hiện nay chúng ta làm sao ngộ nhập? Vẫn là phải dùng phương pháp cũ, là chuyên công một môn, không thể làm quá nhiều, không thể làm quá tạp. Một môn cầu đều gì? Cầu được tam-muội, cầu khai ngộ, chính là ‘nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu’, đó chính là lý niệm của học tập. Phương pháp là ‘đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa kia’. Tự hiểu chính là khai ngộ, không có thầy dạy quý vị, mà chính mình khai ngộ rồi. Làm sao để khai ngộ? Niệm nhiều rồi, niệm thuộc rồi, thì chính mình khai ngộ tuyệt đối không sai lầm. Tại sao vậy? Vì kinh điển có thể làm chứng minh, chỗ ngộ của quý vị toàn là trên kinh đã nói, lúc đầu xem không hiểu, hiện nay hiểu hết tất cả rồi, không còn chướng ngại nữa, đó chính là khai ngộ. Phật giảng kinh là khai ngộ rồi mới giảng kinh, hiện giờ quý vị khai ngộ rồi, cảnh giới giống như Phật, thì có đạo lý nào không hiểu chứ! Vì vậy phải dùng phương pháp cũ, đi con đường khai thị ngộ nhập, đi con đường tam học: giới định huệ, nhân giới được định, nhân định khai huệ. Giới ở đây chính là quy củ, một môn thâm nhập là giới, trường thời huân tu, đọc sách ngàn lần, đó cũng là giới.
Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi. Cảm ơn mọi người.
Nguyện đem công đức giảng kinh nghe pháp hồi hướng đến:
Biến pháp giới, hư không giới, cõi nước mười phương, vi trần pháp giới, tất cả chúng linh, nghe kinh giác ngộ, đều biết niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ, viên thành Phật đạo. (đọc 3 lần)
Tất cả những người bị thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, thỉnh cầu chư Phật Bồ-tát từ bi hóa giải.
Tất cả những người bị chiến tranh, thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, chúng sanh gặp nạn, chúng vong linh vân vân.
Tất cả chúng sanh có duyên với đệ tử chúng con trong đời quá khứ cũng như đời hiện tại, nghe kinh giác ngộ, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh-độ, gặp Phật nghe pháp, hoặc tận huệ khai, chân thật an lạc, mau thoát sanh tử, chóng thành Chánh Giác, như Phật độ sanh.
Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho: các quốc chủ toàn cầu, các nước đều hưng thịnh, tiêu trừ các tai ách, thế giới mãi hòa bình, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm Bồ-đề, hết một báo thân này, đồng sanh cõi Cực Lạc.
( Hết tập 11)