Tập 1/14 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú (Giảng Lần 5 – 2018)

#CHƯA-UPDATE

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ – GIẢNG LẦN 5 – 2018

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Chùa Cực Lạc – Đài Nam & Hiệp Hội Giáo dục Phật Đà Hồng Kông
Thời gian: Từ 19/01/2018 đến 19/01/2019

Chuyển ngữ: Tỳ kheo Thích Thiện Trang & Nhóm Học Làm Người Tốt

Mã AMTB: 02-047-0001  đến 02-047-0014

MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ – GIẢNG LẦN 5 – TẬP 1

 

Mời mở trang 137, sách Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Khoa Chú. Chúng ta bắt đầu xem từ đoạn thứ nhất:

          講述因緣:一、蓮社授經,慈光聞法。二、華嚴啟信,決擇行門。三、專修專弘,念佛三要:不懷疑、不夾雜、不間斷。四、流通疏註,廣結勝緣。五、遵師教誨,海外傳燈,化解劫難,唯獨此經。六、感得經解,願海同證,一門深入,長時薰修。

          “Giảng thuật nhân duyên: nhất, Liên Xã thụ kinh, Từ Quang văn pháp. Nhị, Hoa Nghiêm khải tín, quyết trạch hành môn. Tam, chuyên tu chuyên hoằng, niệm Phật tam yếu: Bất hoài nghi, bất giáp tạp, bất gián đoạn. Tứ, lưu thông sớ chú, quảng kết thắng duyên. Ngũ, tuân Sư giáo huấn, hải ngoại truyền đăng, hóa giải kiếp nạn, duy độc thử kinh. Lục, cảm đắc Kinh giải, nguyện hải đồng đăng, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu( Bày tỏ nhân duyên: Một, tôi nhận kinh ở Liên Xã, nghe pháp tại Từ Quang. Hai, từ Kinh Hoa Nghiêm mở lòng tin, mà quyết chọn hành môn. Ba, chuyên tu chuyên hoằng, ba trọng yếu của niệm Phật: Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Bốn, lưu thông chú sớ giải, để rộng kết thắng duyên. Năm, tuân lời thầy dạy, truyền đăng khắp chốn, để hóa giải kiếp nạn, chỉ có mỗi Kinh này. Sáu, cảm được Chú giải Kinh, nguyện cùng lên Biển Giác, một môn thâm nhập, huân tu lâu dài ).

          Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, kính chúc mọi người năm mới tốt lành! Bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ của Lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, chúng ta đã học không ít năm. Ở những lần giảng đầu, chúng ta không xem được Chú giải của Niệm Công, chúng tôi có được bản Kinh này, là do Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Ngài tuyên giảng bản kinh này tại Đài Trung. Đây là bản kinh mà Lão sư trao cho tôi, tôi xem xong thì vô cùng hoan hỷ, lúc đó tôi liền hướng thầy báo cáo, con muốn nghiên cứu giảng bộ kinh này. Thầy nói với tôi, hiện nay không được, duyên chưa chín muồi.

          Qua hai hay ba năm sau, tôi mới hiểu rõ vì sao duyên chưa chín muồi. Là vì có những người phản đối bản hội tập, tạo thành chướng ngại rất lớn đối với bản hội tập. Nếu chúng tôi giảng bộ kinh này, tất phải biện luận với những người đó, đấy là điều không tốt. Cho nên, Lão sư dạy tôi cần đợi duyên chín muồi. Khi duyên này chín muồi thì Lão sư Lý đã vãng sanh rồi. Lúc đó tôi ở tại nước Mỹ, sau khi tin Ngài vãng sanh truyền đến nước Mỹ, tôi liền mau chóng từ Mỹ trở về, tham gia hoạt động ấy. Đồng thời, ở tại Mỹ tôi khai giảng bản hội tập này của Liên công, tôi nhớ trước sau tôi đã giảng 10 lần. Lão sư Lý chú thích rất đơn giản, hoàn toàn dùng bút lông viết lên bản kinh, là bản trong tay tôi, hiện nay tôi đã giao bản ấy cho Cư sĩ Hồ Tiểu Lâm bảo quản.

           Về sau, tại nước Mỹ, tôi đã gặp được Lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, hoan hỷ vô lượng. Vào thời gian đó, ở hải ngoại, tôi là người duy nhất giảng bộ kinh này, còn ở trong nước, thì Ngài cũng giảng bộ kinh này, nên chúng tôi gặp nhau vui mừng vô cùng. Bản chú giải đã ra đời, lúc đó vô cùng gian nan, bản thảo ban đầu là bản in dầu, đến hiện nay thì không thấy nữa, rất là lạc hậu rồi. Chữ còn coi như là rõ ràng, tôi từ đầu đến cuối đọc qua một biến. Tôi hỏi Niệm Lão: sách này của Ngài có bản quyền không? Ngài nói: vì sao thầy hỏi như vậy? Tôi nói: tôi muốn in lại, Ngài có bản quyền, thì tôi tôn trọng Ngài, nếu Ngài không có bản quyền, thì tôi đưa đến Đài Loan để in lại. Ngài mỉm cười, nói không có bản quyền. Nên lần đầu tiên chúng tôi ấn bản tại Đài Loan, đã in một vạn quyển, loại bìa cứng, cũng đem mấy bộ tặng cho Niệm Lão, mọi người xem thấy vô cùng hoan hỷ. Đó là bản chú giải kinh sớm nhất.

          Bản hiện nay tôi dùng, là bản mà Niệm Lão đã tu sửa, Ngài đã mất không ít thời gian để tu chỉnh lại. Kinh hội tập được tận thiện tận mỹ, chú giải cũng là hội tập, Ngài đã dùng hơn 190 loại kinh luận, chú sớ, để làm chú giải. Cho nên, Kinh là bản hội tập, Chú Giải cũng là bản hội tập, đáng quý khó được! Bản chú giải này tốt ở chỗ nào? Là mỗi một câu, mỗi một chữ đều có nguồn gốc, đều không phải tùy tiện mà viết. Đây là dạng tập chú để chú giải cho kinh, đại khái Ngài là người đầu tiên làm việc này, trong quá khứ thì chúng ta chưa từng thấy qua. Cách làm này, đối với hiện nay và thời đại sau, có thể nói là thái độ vô cùng có trách nhiệm. Khiến mọi người sau khi gặp được, cảm thấy rất sâu sắc thân thiết, như mặt đối mặt cùng nói chuyện vậy. Đã giúp chúng ta tăng trưởng tín tâm, không có hoài nghi.

          Sau đó, tôi giảng bộ kinh này, thì dùng chú giải của Niệm Lão, trước sau giảng qua bốn lần. Hôm nay là lần giảng thứ năm, lần trước tôi gọi là lần thứ tư, còn đây là lần thứ năm. Tôi phát nguyện: trong đời này, tôi chuyên tu chuyên hoằng, nương theo bộ kinh, bộ chú giải này tu học, hoằng dương cũng là bộ kinh này. Giảng kinh dạy học 59 năm, trong lúc tuổi đã lớn này, chính tôi không biết không cảm thấy mình đã già rồi, năm nay là 92 tuổi. Thể lực, bề ngoài nhìn thấy vẫn tốt không tệ, nhưng bên trong có thể có vấn đề, tôi cảm thấy vẫn không đến mức nghiêm trọng, nhưng khí lực không đủ, chư vị đồng tu có thể nhìn thấy rõ ràng như vậy. Vì thế giảng kinh, tôi thử nghiệm xem mỗi lần giảng một giờ. Nếu giảng hai giờ, thì sau đó trung khí không đủ, không lên giảng buổi tiếp theo được. Đây là cảnh báo cho tôi, cảnh báo điều gì? Phải mau mau bồi dưỡng đồng học có thể giảng Kinh Vô Lượng Thọ, người xuất gia hay tại gia đều tốt. Hy vọng mọi người phát tâm, vì sao vậy? Vì bộ kinh này quá tốt.

          Trong phần nhân duyên này, tôi đã viết sáu điều, ‘Liên Xã thụ kinh’(nhận kinh ở Liên Xã), là Phật giáo Liên Xã Đài Trung, Lão sư Lý chú thích bên lề bản kinh này, tại nơi đó trao cho tôi. ‘Từ Quang Văn Pháp’(nghe pháp tại Từ Quang), là Từ Quang Đồ Thư Quán Đài Trung, ở đó Lão sư Lý không có giảng bộ kinh này, nghe pháp đây là tất cả kinh luận Đại Tiểu thừa. Tôi đã ở tại Đài Trung 10 năm, tức là theo học giảng kinh với Lão sư Lý, cũng tính là có chút thành tựu, tôi vô cùng cảm ơn. Học kinh giáo, tôi có thể là đệ nhất của Đài Loan, có thành tựu rõ ràng. Vì có người học thành tựu, có người học không thành tựu.

          Khi tôi ở Đài Trung, tôi cũng mời hai vị đồng học, giới thiệu họ với Lão sư Lý, hy vọng ba người chúng tôi cùng theo học với Ngài. Nhưng hai người ấy học chưa đến một năm, thì rời khỏi. Họ nói rằng, tiến độ giảng kinh của Lão sư Lý quá chậm, một tuần chỉ giảng một lần, đã lãng phí rất nhiều thời gian của chúng tôi. Lời này nói được không sai, tuy nhiên, nếu như chúng ta đem nhân duyên này bỏ qua, thì ai đồng ý dạy chúng ta giảng kinh? Đây là vấn đề rất thực tế. Cho nên, những đồng học đó đã ra đi, còn một mình tôi ở lại Đài Trung, kiên trì đến 10 năm. Đây cũng là khi gặp nhau, tôi và thầy đã ước định sự việc rồi, tôi nói: con hy vọng theo thầy ít nhất 10 năm, 10 năm con mới rời đi.

          Trong 10 năm đó, tôi cũng đã giảng không ít kinh, tôi nhớ tôi xuất gia ở chùa Lâm Tế, Viên Sơn, Đài Bắc. Hai hay ba ngày sau, thì Pháp sư Bạch Thánh tìm tôi, Ngài đã lập ra Phật Học viện, tên là Tam Tạng Học viện, tại chùa Thập Phổ, Ngài muốn tôi đến Tam Tạng Học viện của Ngài để dạy học. Nên có thể nói, tôi xuất gia hai ngày, thì lên đài giảng kinh. Giảng kinh dạy học 59 năm, đến năm sau là tròn một giáp, tôi cũng nghĩ đến, tôi giảng kinh nên đến một giáp là viên mãn rồi. Về sau, tôi hy vọng những đồng học của tôi đều có khả năng lên đài, giảng càng hay hơn tôi, càng viên mãn và khế cơ hơn tôi. Đây là nguyện vọng của tôi, mong sự nghiệp giảng kinh dạy học không bị gián đoạn.

          Duyên phận học Phật của tôi, có mối liên hệ với Giáo thọ Phương Đông Mỹ, tôi biết được Ngài, Ngài là giảng viên Triết học nổi tiếng của Đài Loan. Lúc ấy, tôi yêu thích Triết học, nên bái Ngài làm thầy. Khóa học của tôi là tại nhà của Ngài, học sinh chỉ có một mình tôi, là một thầy một trò, học tại phòng khách nhỏ nhà thầy. Một tuần lễ chỉ học một buổi, vào sáng chủ nhật từ lúc chín giờ rưỡi đến 11 giờ rưỡi, là hai tiếng đồng hồ, Ngài đã giảng cho tôi một bộ Triết Học Khái Luận. Sau cùng, Ngài giảng cho tôi một đề mục là Triết học Phật Kinh, tôi cảm thấy rất là ngạc nhiên, nên tôi hướng đến thầy thỉnh giáo, tôi nói: Phật giáo là tôn giáo, là mê tín, thì làm sao mà có Triết học được? Lão sư Phương nói với tôi: Anh tuổi còn trẻ nên không biết, ‘Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà Triết học vĩ đại nhất trên thế giới’. Tôi chưa bao giờ nghe nói như vậy, đó là lần đầu nghe được những lời này ở nhà của Ngài, ‘Kinh điển Đại thừa là đỉnh cao nhất của Triết học trên toàn thế giới’. Trong những Kinh điển Đại thừa, Ngài giới thiệu cho tôi bộ kinh đệ nhất, đó là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Đây là kinh tôi cũng đã giảng qua, nhưng giảng chưa xong, đại khái đã giảng được phần đầu là một phần năm của toàn kinh.

          Tôi từ Triết học mà nhập môn, nên đời này của tôi, thường thường ở trong và ngoài nước đều giảng, hoặc thảo luận đến Phật pháp, tôi đều nói: đấy là nền giáo dục của Đức Phật. Có những lão bằng hữu nghe được cách nói này của tôi, họ đều đồng ý, không hoài nghi, rất nghiêm túc chấp nhận. Phật giáo thật sự là giáo dục, cùng một mục tiêu, phương hướng, thành tựu giống với giáo học của Cổ Thánh Tiên Hiền Trung Hoa, mục đích dạy học ấy là khai ngộ, không phải là học kiến thức chết cứng. Phật giáo dạy chúng ta khai ngộ, Nho, Đạo cũng dạy chúng ta khai ngộ, đây là sự khác nhau giữa giáo học của phương Đông và phương Tây.

          Nếu Thích Ca Mâu Ni Phật sinh tại Trung Hoa, thì người Trung Hoa gọi Ngài là Thánh nhân, cũng giống như Khổng Tử vậy. Nếu Khổng Tử sinh tại Ấn Độ, thì người Ấn Độ nhất định xưng Ngài là Đức Phật. Do đó chúng ta biết, Đức Phật và Thánh nhân vốn là địa vị như nhau, là những người có đại thành tựu. Sự thành tựu lớn đó là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Khổng Tử có minh tâm kiến tánh không? Có. Quý vị thường hay đọc sách Tứ Thư, thì quý vị biết rõ, Ngài là đại triệt đại ngộ. Phương pháp Ngài dùng, thành tựu thu được, cùng với Đức Phật là không hai, hoàn toàn tương đồng. Cho nên chúng ta khẳng định, những Thánh nhân ấy, là người một nhà, vô cùng thân thiết, phương pháp các Ngài sử dụng cũng hoàn toàn tương đồng.

          Từ đâu để nhập môn? Đại sư Chương Gia đã nói với tôi. Ngài là người thầy thứ hai của tôi, duyên rất thù thắng. Đại khái sau hai tháng từ khi Lão sư Phương đem Phật pháp giới thiệu cho tôi, thì tôi biết được Đại sư Chương Gia, Ngài là một nhà Phật học, sách Ngài viết cũng chất cao bằng người. Đáng tiếc, trước tác của Ngài viết bằng chữ Tây Tạng, vô cùng phong phú, nhưng khi đến Đài Loan, tình thế lúc đó rất khẩn cấp, nên Ngài không có thể mang theo. Tất cả tác phẩm Ngài viết vào cuối đời tại Đài Loan, số lượng ít, phân lượng không nhiều. Lần đầu tôi gặp Ngài, tôi hướng Ngài thỉnh giáo: Thầy Phương nói với con, Phật pháp là giáo dục, kinh điển là sách giáo khoa, con có thể tiếp nhận, nhưng không biết nhập môn từ đâu, Đại sư có thể chỉ cho con phải từ đâu để nhập môn không ạ? Tôi đưa vấn đề ra rồi, thì Ngài nhìn tôi, tôi cũng nhìn Ngài. Tôi và Ngài đã nhìn nhau nữa giờ, không nói một câu nào, giống như nhập định vậy. Thật ra yêu cầu của Ngài là nhập định, vì tính khí quý vị bộp chộp nóng nảy, nên Ngài không giảng nói cho quý vị. Ngài nhìn vào quý vị, khiến quý vị cũng nhìn Ngài, để hoàn toàn định xuống rồi, thì Ngài mới nói cho quý vị. Ngày đầu tiên gặp Ngài, tôi nêu lên vấn đề đó, còn Ngài thì dùng phương pháp ấy để dạy tôi.

          Tôi đợi đến nửa tiếng đồng hồ, Ngài mới mở lời, nói hai câu gồm sáu chữ ‘nhìn được thấu, buông được xuống’. Hai câu này mới xem dường như không khó hiểu, ý nghĩa cũng rất rõ ràng chính xác, nhưng chúng ta đều hiểu hai câu ấy nông cạn, xem thường rồi, đây là giáo dục của Thánh Hiền, Phật Bồ-tát dạy học quan trọng nhất là phương pháp. Tại sao vậy? Vì quý Ngài muốn chúng ta khai ngộ. Vì sao chúng ta không thể khai ngộ? Bởi quý vị không nhìn thấu, không buông xuống. Không dễ dàng gì nhìn thấu, buông xuống, nếu quý vị làm được, thì thật sự quý vị có thành tựu rất nhanh chóng.

          Về sau, tôi lại đọc sách Nho, đọc Tứ Thư, trong đó có sách Đại Học, những đại Thánh đại Hiền thời cổ làm sao để thành tựu? Chúng ta đối chiếu, vốn giống với Phật, đó là nhìn thấu, buông xuống. Nhưng quý Ngài không dùng bốn chữ đó, mà quý Ngài dùng là ‘cách vật, trí tri’. Ý nghĩa cách vật là gì? Đó là buông xuống, quý vị có thể đem sự ham muốn vật buông xuống, gọi là cách vật. Trí tri là trí huệ, quý vị có thể đem chân tướng sự thật nhìn thấu, thì người đó liền là Bồ-tát, là Phật. Tiếp theo đây giảng cho chúng ta làm thế nào? Quý vị làm sao mới có thể nhìn thấu, mới có thể buông xuống, sách Đại Học nói là thành ý, chánh tâm, bắt đầu từ nhìn thấu, buông xuống, để chân tâm hiện ra. Nên chúng ta thấy phương pháp của Khổng Tử dùng, cùng với lời giảng của Thích Ca Mâu Ni Phật hoàn toàn tương đồng. Chúng ta chỉ thừa nhận Khổng Tử là giáo dục, mà không thừa nhận Thích Ca Mâu Ni Phật là giáo dục ư?

          Học vấn thật sự không đến từ bên ngoài, bên ngoài không có, mà vốn đầy đủ ở trong Tự-tánh của quý vị. Quý vị muốn trí huệ, cần đức hạnh, thì quý vị lấy từ trong tâm quý vị ra, đó là sự thật, học đến từ bên ngoài đó là giả, không phải thật. Cho nên, Phật pháp gọi là nội học, hướng nội để cầu, không hướng ngoại cầu, không thể không biết điều này. Hướng bên ngoài để cầu là tri thức, còn hướng nội để khai phát là trí huệ, trí huệ là vốn có của Tự-tánh, Tự-tánh khởi tác dụng, tức là trí huệ.

          Hiện nay chúng ta làm sai hoàn toàn rồi, đó là không buông xuống. Vì sao không buông xuống? Bởi không nhìn thấu. Nhìn thấu, liễu giải chân tướng của sự thật, chúng ta không biết chân tướng sự thật. Ta từ đâu mà đến? Không biết được. Tương lai ta sẽ đi về đâu? Cũng không biết. Ta sẽ làm gì? không biết. Đời này từ mê mờ mà sanh ra, lần mò cả cuộc đời, mê mờ đến lúc chết, không có nhìn thấu, quý vị nói có oan uổng không? Vậy thì phải làm sao? Không nhìn thấu được, thì làm lục đạo luân hồi, còn nhìn thấu được, thì siêu việt lục đạo luân hồi, không giống nhau. Vượt khỏi sáu đường luân hồi, Tiểu thừa là A-la-hán, Đại thừa là Quyền giáo Bồ-tát, quý vị tu hành đã chứng quả rồi. Nên quý vị thấy nhìn thấu, buông xuống là vô cùng quan trọng.

          Buông xuống điều gì? Buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mỗi mỗi đều buông xuống, không nên để ở trên tâm, thì quý vị mới có thể nhập môn. Nhập môn được như vậy, thì quý vị mới có thể liễu giải chân tướng sự thật, tức là nhìn thấu. Ngưỡng cửa của Phật pháp rất cao, bao nhiêu người có thể buông xuống được?

          Những điều chứa trong tâm quý vị toàn là không cần thiết, vì sao vậy? Không phải là Tự-tánh của quý vị biến ra. Tự-Tánh biến ra là thuộc về chân. Tự-tánh biến ra điều gì? Quý vị đến Thế Giới Cực Lạc thì biết được. Tư tưởng của Tự-tánh biến ra, là vô lượng trí huệ; cảnh giới của Tự-tánh biến ra, là nhất Nhất-chân Pháp-giới. Chúng ta nghe đến danh từ này, ý nghĩa thế nào cũng không hiểu, nếu quý vị niệm Phật vãng sanh, sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, thì quý vị hoàn toàn hiểu rõ. Thế Giới Cực Lạc tốt đẹp, từ đâu mà đến? Là từ Tự-tánh biến ra. Thế giới này của chúng ta thì thế nào? Là từ tâm tưởng sanh, từ A-lại-da thức biến ra, chứ không phải từ Tự-tánh. A-lại-da là vọng tâm, còn Tự-tánh là chân tâm.

          Chân tâm tốt đẹp! Quý vị xem câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: ‘Nhân chi sơ, tánh bổn thiện’, đó chính là chân tâm, là Tự-tánh, vốn thiện. Nó biến ra tất cả hiện tượng, cũng chí thiện. Vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, được thân là vô lượng thọ. Thân thể chúng ta ở thế giới này, mấy mươi năm thì suy lão rồi, không sử dụng được nữa, làm sao có thể so sánh với Thế Giới Cực Lạc được? Thế Giới Cực Lạc dùng chân tâm, cảnh giới hiện là thật, cảnh giới thật tức là Thật-báo-trang-nghiêm-độ, chúng ta nói Pháp-tánh-thân, Pháp-tánh-độ, đó là thuộc về chân. Ngày nay chúng ta tại địa cầu này, là Pháp-tướng-thân, là Pháp-tướng-độ, vả lại tướng trong đây là mê hoặc điên đảo.

          Chỉ có Phật biết, Khổng Tử biết, Khổng Tử và Phật chưa từng gặp mặt, nhưng cảnh giới của quý Ngài là bình đẳng, những điều quý Ngài nói cũng là tương đồng, chúng ta phải dùng tâm cẩn thận để quan sát mới phát hiện ra. Khổng Tử vốn là Phật, Phật vốn là Khổng Tử, là một không phải hai. Lời này giải thích thế nào? Nói theo giáo lý Đại thừa, là minh tâm kiến tánh, quý vị có thể buông xuống được vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não, thì quý vị liền chứng được, nhìn thấu được rồi. Nhìn thấu thì đương nhiên buông xuống, buông xuống giúp quý vị nhìn thấu, nhìn thấu giúp quý vị buông xuống, đấy gọi là tu hành. Nhìn thấu là trí huệ, buông xuống là công phu. Công phu của Bồ-tát từ đâu mà rèn luyện? Là sáu căn trong cảnh giới sáu trần, mắt thấy sắc, thấy được rõ ràng minh bạch, không để ở trên tâm. Phàm phu nhìn thấy rõ ràng hay không đều để ở trên tâm, tai nghe được cũng để trên tâm, lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, đều đem tất cả để trên tâm. Tâm của quý vị bị những trần cấu này làm ô nhiễm rồi, vốn là chân tâm, hiện nay biến thành vọng tâm, là sai rồi.

          Chúng ta học tập Kinh Vô Lượng Thọ lần này là lần thứ năm, tôi nghĩ chúng ta nên đổi cách thức, quá khứ tôi giảng mọi người nghe, hiện nay chúng ta dựa vào kinh văn để nghiên cứu thảo luận, thì lợi ích càng lớn hơn. Thí dụ như ngày nay quý vị nói: nhìn thấu, buông xuống rất quan trọng. Phương pháp này quan trọng như vậy, mà quý vị không chịu làm, thì quý vị trách ai? Quý vị còn thuận theo nhiễu loạn trong chốn hồng trần, còn làm lục đạo luân hồi, thì sai rồi!

          Nếu chúng ta đều buông xuống, vì sao phải buông xuống? Bởi là giả, không phải là thật. Trên địa cầu này không có thứ gì là thật, hiện nay những điều nhà khoa học nói với chúng ta, so với trong kinh Phật  là giống nhau. Kinh Kim Cang nói với chúng ta: ‘Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán’, vậy thì đúng rồi. Ngày nay chúng ta làm sai rồi. Nhất thiết hữu vi pháp, pháp hữu vi thì có sanh có diệt, tất cả pháp của thế giới chúng ta đây, bao gồm địa cầu, những ngôi sao, mặt trời, tất cả đều là pháp sanh diệt, gọi là hữu vi pháp. Phật dùng tỷ dụ này để nói, như mộng huyễn bào ảnh, không đạt được, toàn là giả thôi. Quý vị lại làm những việc như vậy, thật đáng thương!

          Phật Bồ-tát, Khổng Tử, Mạnh Tử của Trung Hoa, những chuyên gia học giả của Đạo gia, tuy quý Ngài không như vô vi pháp trong kinh Phật, nhưng quý Ngài tiếp cận với vô vi pháp, cao hơn học thuật của phương Tây. Vô cùng đáng tiếc, hiện nay không có người kế thừa. Nhiều năm qua, mười phương cúng dường cho tôi không nhiều, rất ít, cả đời tôi không hỏi người để cần tiền, nếu tôi có tiền cũng không có chỗ dùng. Những năm đầu, tiền cúng dường tôi tích lũy lại để in kinh sách, in Đại Tạng Kinh, in Tứ Khố Toàn Thư, Tứ Khố Hội Yếu. Tứ Khố Toàn Thư do Báo Thương Mại in, tôi đã mua 112 bộ. Tứ Khố Hội Yếu là do Nhà Sách Thế Giới in, tôi đã mua hơn 300 bộ. Mua những sách đó để làm gì? Chính tôi không xem, mà tôi sợ tương lai những bộ sách này sẽ mất đi. Nếu để mất đi, thì văn hóa 5000 năm của Trung Hoa bị diệt rồi, rất là đáng tiếc! Cho nên tôi mới in nhiều, có tiền thì in. In rồi thì làm sao? Tôi tặng cho thư viện của trường Đại học, thư viện quốc gia các nước ngoài để cất giữ, họ đều yêu thích. Đấy là thứ gì? Là kho báu, để những bộ sách ấy có thể không bị mất đi trên địa cầu, dù cho đại tai nạn xảy ra, cũng lưu lại được vài bộ hoàn chỉnh cho chúng ta. Tôi là dụng tâm như vậy.

          Những năm ra nước ngoài, bởi tôi có mối quan hệ với những trường học, thường hay đến các trường học để xem xét và phỏng vấn, nhìn thấy Tứ Khố Toàn Thư của chúng ta để trong tủ sách. Tôi hỏi nhân viên quản lý, có người xem hay không? Không có. Có người đến mượn hay không? Không có. Phiền não của tôi sanh khởi rồi, bảo tồn thì bảo tồn thôi, nếu như không có người có thể đọc, thì sách ấy cũng là phế sách, không khởi tác dụng. Phải làm sao đây? Sách cổ Trung Hoa là viết bằng văn ngôn văn, nên tôi cố gắng khuyên người, khuyên những người trẻ, phát đại tâm, cứu vớt văn hóa truyền thống. Làm sao để cứu? Là học văn ngôn văn. Hy vọng quý vị có thể bỏ ra thời gian ba năm, là đủ rồi, thì quý vị có đủ năng lực đọc văn ngôn văn. Khi đó, quý vị là người kế thừa truyền thống văn hóa, thì tốt rồi!

          Mục tiêu của tôi thay đổi rồi, tôi không in kinh nữa, hiện nay tiền cúng dường, tôi đem xây dựng trường học, tại nước Anh, tôi cùng với Đại học Xứ Wales lập ra Viện Hán Học, đã khai giảng được một năm rồi, năm nay là học kỳ thứ ba, ngoài ra còn giúp họ mở lớp học Tiến sĩ Hài Hòa, khóa học Tiến sĩ Hài Hòa là học điều gì? Là Tôn giáo học. Hoàng Tử và Hiệu trưởng, hai người ấy đưa ra ý tưởng này, nói với tôi, mong muốn mỗi một tôn giáo phái hai học sinh và một Giáo sư, bởi vì chúng ta không có sở trường chuyên môn, nên không làm sao giảng kinh điển của họ được, phải đào tạo giảng viên.

          Hiện nay các tôn giáo trên thế gian này, người thâm nhập nghiên cứu thật sự đối với kinh điển không nhiều, đều chỉ là biết đọc kinh, còn ý nghĩa trong kinh ra sao thì không biết, đó gọi là mê tín. Nên chúng ta phải giúp tôn giáo quay về giáo dục, khiến mỗi tôn giáo đều có Lão sư rất tốt, đi ra để dạy học, họ có học vị Tiến sĩ, họ có tư cách của Giáo thọ. Được như vậy, thì giúp tất cả tôn giáo toàn thế giới khôi phục trở lại, đó là việc tốt. Cho nên, tôi rất tôn kính đối với hai vị học giả, là Hoàng Tử và Hiệu trưởng, tôi nói với hai người ấy: quý vị phát tâm làm việc lớn này, thì quý vị sẽ được thần của tất cả tôn giáo bảo hộ, Thượng Đế của tất cả tôn giáo hộ trì. Tôi nói thọ mạng của họ sẽ rất dài, phước báo càng ngày càng lớn. Lời tôi nói với họ là chân thật, không phải là giả.

          Nơi đây có mấy tấm ảnh lúc tôi xuất gia, có hai tấm, một là lúc thế độ, một là lúc thọ giới, trên tấm ảnh có tôi, quý vị nhìn kỹ, xem tướng tôi có phước báo hay không? Nhìn qua là biết, đó là người không có phước báo, tuổi thọ lại ngắn. Tôi đều thừa nhận, một chút kiêng kỵ đều không có. Khi còn nhỏ mẹ tôi đã tính mạng cho tôi, thọ mạng tôi chỉ có 45 tuổi, tôi tin tưởng điều này. Cha tôi 45 tuổi thì ra đi rồi, bác của tôi cũng 45 tuổi thì mất, ông nội tôi cũng ra đi lúc 45 tuổi. Nên tôi một tơ hào kiêng kỵ đều không có, thọ mạng chỉ tính đến 45 tuổi, 45 tuổi thì chết rồi.

          Năm 45 tuổi, tôi bị một trận bệnh nặng, cả đời tôi không vào ở bệnh viện, không bị bệnh nặng, tôi cũng không tìm Bác sĩ, không dùng thuốc, mà niệm A Di Đà Phật cầu vãng sanh. Vì sao tôi không tìm Bác sĩ? Vì Bác sĩ chỉ có thể chữa bệnh, không thể chữa mạng, thọ mạng tôi hết rồi, thì Bác sĩ và thuốc không can thiệp được. Tôi nhất tâm niệm Phật, đã trải qua trạng thái như vậy một tháng, thì thân thể mạnh khỏe trở lại, lại bắt đầu giảng kinh. Năm sau, tôi gặp được Phật sống Cam Châu, Ngài cũng là học sinh của Đại sư Chương Gia, chúng tôi là đồng học, Ngài lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi, tôi đối với Ngài rất tôn kính. Năm sau tôi với Ngài gặp sau, Ngài đặc biệt đón mời tôi ngồi bên cạnh Ngài, Ngài nói với tôi: thầy đã vượt qua cửa ải rồi. Tôi hỏi: cửa ải gì?  Là 45 tuổi, cửa ải năm 45 tuổi đã qua rồi. Tôi nói: ồ! Vì sao mà vượt qua được? Bởi đến lúc đó tôi đã giảng kinh 12 năm, tôi xuất gia rồi thì liền lên đài giảng kinh. Năm 33 tuổi, tôi xuất gia, tôi bắt đầu giảng kinh từ 33 tuổi, đến khi ấy đã giảng 12 năm. Ngài nói, công đức giảng kinh 12 năm qua của thầy, giúp thầy vượt qua. Tôi vốn không nghĩ đến điều này. Ngài nói: thọ mạng của thầy rất dài, phước báo của thầy rất lớn. Tôi nói: tôi không có phước báo, sự thật ngay cả việc ăn uống cũng là vấn đề.

          Nên công đức từ đâu mà đến? Là cũng do chính mình tu mà được. Chính mình vì Phật pháp, vì giúp đỡ đại chúng hiểu rõ Phật pháp, yêu thích học Phật pháp, y giáo phụng hành. Độ một người thì công đức không thể nghĩ bàn, độ càng nhiều người thì công đức càng lớn. Chính mình phải biết, phải có nhận thức như vậy, đó là trí huệ, có thể nhận biết, một khi cơ hội đến thì mau mau nắm lấy, thường khéo làm nghiêm túc, thì phước báo vô lượng, đó là sự hồi đáp. Nhân quả thật có, tuyệt đối không phải là giả.

          Nên tôi nói với hiệu trưởng: đây là đào tạo giáo viên, giáo sĩ của những tôn giáo khác nhau, là đại công đức! Quý vị thay cho mỗi tôn giáo bồi dưỡng người kế vị, thì có đạo lý nào mà thần và Thượng Đế của mỗi một tôn giáo, không bảo hộ quý vị không?  Họ hiểu rõ rồi. Cho nên tôi nói: lời của tôi là sự thật, không phải giả, chính tôi là người đã trả qua. Năm nay 92 tuổi, chính tôi không có nghĩ đến, những năm đầu trong tâm nghĩ cũng không sống được đến quá bảy tám mươi tuổi. Lão sư Lý vãng sanh năm 97 tuổi, tôi ở với Ngài tại Đài Trung mười năm, tôi nói: tương lai tuổi thọ của tôi so với Ngài cũng không sai khác nhiều.

          Do đó, phải quyết định hành môn, hành môn tức là cửa đạo của tu hành. Ngày đầu năm nay, đồng tu chúng ta tìm tôi yêu cầu giảng vài câu, tôi hình như đã giảng ba lần, mỗi lần giảng 15 phút, giảng điều gì? Là giảng ba tư lương: tín, nguyện, hạnh. Quý vị có thể nắm chắc ba tư lương đó, thì quyết định quý vị sẽ vãng sanh. Sanh qua Thế Giới Cực Lạc, đây là pháp môn quá tốt, thù thắng không gì bằng! Mà lại với bất kỳ ai cũng tu được, tam căn phổ bị, lợi độn toàn thu.

          Điều kiện thứ nhất là thật tín, thật sự tin tưởng có Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, Thế Giới Cực Lạc có A Di Đà Phật, tôi phát tâm phải thân gần Ngài. Nguyện là cầu sanh, tôi nguyện sanh Tịnh độ, tôi mong muốn gặp A Di Đà Phật, tôi mong muốn đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc để làm Phật, để tu hành, nguyện như vậy. Hành tức là một câu Phật hiệu, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, trong đầu trống không điều gì cũng đều không có, ngoại trừ Phật hiệu. Vừa mới khởi ý niệm, niệm thứ nhất là vọng niệm, thì niệm thứ hai là A Di Đà Phật. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vừa khởi lên, thì liền niệm Nam Mô A Di Đà Phật, dùng một câu Phật hiệu để thay thế tất cả, đó là người chân niệm Phật. Như vậy thì lúc lâm chung, không có chuyện không vãng sanh, một người thật tu, thì một người vãng sanh, mười người tu, thì mười người vãng sanh, trăm người tu, thì trăm người vãng sanh. Ghi nhớ, vấn đề then chốt đó là nhìn thấu, buông xuống.

          Vì sao quý vị không thể thành công? Bởi quý vị không nhìn thấu, quý vị không buông xuống. Không nhìn thấu, không buông xuống là oan thân trái chủ thật sự của chính mình, chỉ cần có những điều này tồn tại, thì công phu đời này của chúng ta uổng phí rồi, thật đáng tiếc! Nên phải buông xuống.

          Thời gian một tiếng đồng hồ hôm nay đã hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi. Lần giảng thứ năm này, không coi trọng văn kinh, không theo thứ tự, mà chọn vài câu bất kỳ, để chúng ta dễ dàng thâm nhập nghiên cứu, giúp chúng ta đến Thế Giới Cực Lạc, đây là điều quan trọng, đó là con đường chúng ta đi. Vì vậy, mọi người cùng nhau nghiên cứu thảo luận, nếu có vấn đề thì có thể đưa ra để vấn đáp. Tốt rồi, cảm ơn mọi người!

 ( Hết tập 1)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *