Tập 28/600 – Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
Thời gian: Từ 5/4/2010

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang.
Thu Âm: Trung tâm Diệu Pháp Âm.
Diễn đọc: Huy Hồ.

Mã AMTB: 02-039-0001 đến 02-039-0600.

MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.

TỔNG CỘNG 600 TẬP

001 002 003 004 005 006 007 008 009 010 011 012 013 014 015 016 017 018 019 020 021 022 023 024 025 026 027 028 029 030 031 032 033 034 035 036 037 038 039 040 041 042 043 044 045 046 047 048 049 050 051 052 053 054 055 056 057 058 059 060 061 062 063 064 065 066 067 068 069 070 071 072 073 074 075 076 077 078 079 080 081 082 083 084 085 086 087 088 089 090 091 092 093 094 095 096 097 098 099 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364 365 366 367 368 369 370 371 372 373 374 375 376 377 378 379 380 381 382 383 384 385 386 387 388 389 390 391 392 393 394 395 396 397 398 399 400 401 402 403 404 405 406 407 408 409 410 411 412 413 414 415 416 417 418 419 420 421 422 423 424 425 426 427 428 429 430 431 432 433 434 435 436 437 438 439 440 441 442 443 444 445 446 447 448 449 450 451 452 453 454 455 456 457 458 459 460 461 462 463 464 465 466 467 468 469 470 471 472 473 474 475 476 477 478 479 480 481 482 483 484 485 486 487 488 489 490 491 492 493 494 495 496 497 498 499 500 501 502 503 504 505 506 507 508 509 510 511 512 513 514 515 516 517 518 519 520 521 522 523 524 525 526 527 528 529 530 531 532 533 534 535 536 537 538 539 540 541 542 543 544 545 546 547 548 549 550 551 552 553 554 555 556 557 558 559 560 561 562 563 564 565 566 567 568 569 570 571 572 573 574 575 576 577 578 579 580 581 582 583 584 585 586 587 588 589 590 591 592 593 594 595 596 597 598 599 600

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 28/600

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai mươi tám. Đoạn Ất, “thứ minh Thú” (kế tiếp giảng về Thú). Xin xem phần kinh văn ấy:

   “Phù Tông chi sở quy giả, danh Thú. Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm chi sở quy, tại ư vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, chứng tam Bất Thoái. Cố bổn kinh dĩ viên sanh tứ độ, kính đăng Bất Thoái vi Thú” (phàm chỗ Tông quy vào thì gọi là Thú. Chỗ quy về của “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm” là vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, chứng ba thứ Bất Thoái. Vì thế, kinh này lấy “sanh trọn vẹn trong bốn cõi, mau chóng đạt lên Bất Thoái” làm Thú). Trước hết, giải thích đơn giản, dễ hiểu tiểu đề của khoa này. Trong phần trước, đoạn thứ nhất giảng về Minh Tông, tức là giảng rõ nguyên tắc chỉ đạo tu học tối cao của bộ kinh này, đó cũng là phương hướng. Trong đoạn này, Thú (趣) là thú hướng (hướng đến), quy thú (hướng về), chúng ta nương theo tông chỉ và nguyên tắc chỉ đạo này để học tập, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được kết quả như thế nào. Đấy là Thú.

Do trong phần trước đã nói tông chỉ là “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, hai câu ấy trọng yếu phi thường! Phát Bồ Đề tâm là gì, phải hiểu rõ ràng, minh bạch. Trong phần trước, nói đơn giản thì phát Bồ Đề tâm là “phát tâm thành Phật, tâm làm Phật”. Làm Phật nghĩa là gì? Làm Phật là muốn phổ độ hết thảy chúng sanh, giúp đỡ những chúng sanh mê hoặc, điên đảo ấy được giống như chư Phật, giống hệt như chính mình, cũng đều trở về tự tánh, đều chứng đắc Bồ Đề rốt ráo viên mãn, đấy là Thú. Niệm niệm chẳng đánh mất Bồ Đề tâm, câu này rất trọng yếu. Kinh Hoa Nghiêm có nói: Nếu quý vị quên mất Bồ Đề tâm, hết thảy các pháp đã tu đều là ma nghiệp. “Nghiệp” là sự nghiệp, quý vị làm những việc ấy đều dính dáng tới ma! Vì sao? Đều là phước báo trong tam giới, chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, đó gọi là ma! Phật là vượt thoát luân hồi, vượt thoát mười pháp giới. Quý vị chẳng thể thoát ra, đó gọi là “vùi dập”, quý vị vẫn bị vùi dập trong lục đạo, phải liễu giải rất rõ ràng, rất minh bạch ý nghĩa này.

  Vì thế, chúng ta học Phật, mục tiêu là thế giới Cực Lạc, cuối cùng chúng ta vãng sanh thế giới Cực Lạc, khi nào? Ngay trong một đời này. Tới thế giới Cực Lạc để làm gì? Đến chứng ba món Bất Thoái. Vị Bất Thoái là vĩnh viễn chẳng còn lui xuống địa vị phàm phu trong mười pháp giới. Chư vị phải biết: Lục đạo trong mười pháp giới gọi Nội Phàm, [nghĩa là] phàm phu còn thuộc trong tam giới. Tứ thánh pháp giới gọi là Ngoại Phàm, [tức là] ở ngoài lục đạo, nhưng chưa ra khỏi mười pháp giới thì vẫn phàm phu. Tiêu chuẩn [phân biệt] phàm và thánh ở nơi đâu? Phàm phu dùng A Lại Da, tức vọng tâm; thánh nhân dùng chân tâm, dùng tự tánh, sai biệt ở chỗ này. Chỉ cần dùng A Lại Da, sẽ chẳng thoát khỏi mười pháp giới. Tuy tứ thánh pháp giới dùng vọng tâm, nhưng dùng chính đáng, hoàn toàn tuân theo giáo huấn của Phật, Bồ Tát, y giáo phụng hành. Vì thế, rất giống Phật, Bồ Tát, tuy chưa phải là chân thật, nhưng rất tương tự, tuy trên thực tế chẳng giống, cũng tức là họ chưa chuyển Thức thành Trí. Chuyển bát thức thành tứ trí, sẽ là Phật thật sự, là thánh nhân thật sự. Chúng ta hiểu rõ ràng, minh bạch những Sự Lý này, chính mình là hạng người như thế nào, chẳng cần phải hỏi [người khác], chính mình biết quá rõ ràng! Ta là phàm phu, hay là Phật, Bồ Tát chẳng rõ rệt hay sao? Nếu là phàm phu, hãy nghiêm túc, nỗ lực, nương theo Tông Thú trong kinh giáo để tu hành. Bồ Đề tâm là tâm thành Phật, tâm độ chúng sanh. Thành Phật bằng cách nào? Độ chúng sanh ra sao? Thưa quý vị, [chính là] chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, dùng những điều ấy để viên thành Phật đạo, mà vẫn dùng những điều ấy để giáo hóa chúng sanh sẽ chẳng sai! Tự mình thành tựu chẳng dễ dàng, giáo hóa chúng sanh càng khó hơn. Vì thế, đem những gì chính mình đã tu, đã hành đưa về Tịnh Độ, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chuyện này dễ dàng, đỡ tốn công hơn! Sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuy chưa đoạn tập khí phiền não, nhưng cũng giống như đã chuyển Thức thành Trí. Trong thế giới Cực Lạc, trong một đời, chắc chắn chứng đắc quả vị rốt ráo, [chứng đắc] Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, Niệm Bất Thoái.

  “Cố bổn kinh dĩ viên sanh tứ độ” (nên kinh này lấy sanh trọn vẹn về bốn cõi), phía trước thêm một chữ Viên, Viên là viên mãn. Đối với bốn cõi ấy, quý vị chỉ cần sanh vào một cõi, bốn cõi đều viên mãn! Hơn nữa, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, liền chứng đắc ba món Bất Thoái. Lời nguyện thứ mười chín của A Di Đà Phật đã bảo rõ ràng: Vãng sanh thế giới Cực Lạc đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí là [đạt được] ba món Bất Thoái, quý vị bèn viên chứng ba thứ Bất Thoái. Đây là điều hiếm có, khó gặp! Phải biết chuyện này là chân thật, nên chuyện này mới gọi là “đại sự”. Trọn pháp giới, hư không giới, trong hết thảy các cõi Phật, chẳng có chuyện nào lớn hơn chuyện này! Ngày nay chúng ta may mắn gặp gỡ, há chẳng cảm ơn? Há chẳng trân trọng! Há chẳng phát tâm thành tựu trong một đời này? Vậy là quý vị đã lầm lẫn quá đỗi, chẳng có gì quan trọng hơn chuyện này. Phải như thế nào thì mới được? Tổ Ấn Quang dạy chúng ta, đem chữ “Tử” dán trên trán, thời thời khắc khắc nghĩ ta sắp chết, điều ấy có nghĩa là gì? Khiến cho quý vị buông thân, tâm, thế giới xuống, “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, dạy quý vị điều ấy. Tôi cũng thường nói, hoặc khuyên lơn, cổ vũ đồng học: Hãy coi ngày hôm nay như ngày cuối cùng của ta trên thế gian này, ngày hôm nay là ngày cuối cùng của ta, chuyện gì nên làm, chuyện gì chớ nên làm, há chẳng phải là rõ ràng, minh bạch ư? Chuyện nên làm là phát tâm niệm Phật, cầu Phật tiếp dẫn, những chuyện khác đều kém quan trọng hơn. Trong những chuyện thứ yếu, thứ nhất giúp đỡ chúng sanh hữu duyên, khuyên dạy họ phát tâm niệm Phật, đấy là chuyện thứ yếu. Chuyện kém quan trọng hơn có thể buông xuống. Khi cần thiết, chuyện này cũng có thể buông xuống; về thế giới Cực Lạc trước đã! Đến thế giới Cực Lạc, sau khi thành tựu rồi sẽ trở lại cũng chẳng muộn! Đây là đại sự nhân duyên khiến đức Thế Tôn xuất hiện trên thế gian, chúng ta chớ nên không biết đại sự nhân duyên này, chớ nên chẳng nắm chắc duyên phận này.

  Trong phần tiếp theo, chúng ta cũng phải học tập kỹ càng đoạn kinh văn này, [những điều nói trong đoạn này] đều là kinh văn! Biết chúng ta phải sanh về đâu; trước hết, phải hiểu rõ ràng, minh bạch chỗ ta sẽ sanh về. “Phù Tịnh Độ hữu tứ độ” (phàm Tịnh Độ có bốn cõi). [Chữ “phù”] ở đầu câu này là một ngữ trợ từ (tiếng đệm) trong Văn Ngôn, chẳng có ý nghĩa gì. Ở đây nói Tịnh Độ có bốn thứ: Thứ nhất là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thứ hai là cõi Phương Tiện Hữu Dư, thứ ba là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, thứ tư là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. “Dĩ hạ lược thuyết minh tứ độ vãng sanh chi tướng” (dưới đây, nói đại lược tướng vãng sanh trong bốn cõi). Tiếp đó, đoạn Minh Thú này chia thành bốn đoạn. Chúng ta xem đoạn thứ nhất, tức cõi Phàm Thánh Đồng Cư. [Danh xưng này] nêu rõ nơi ấy vừa có phàm phu, vừa có thánh nhân. Nói cách khác, từ lục đạo tới tứ thánh pháp giới, nếu tiến cao lên thì có Đại Thừa và Tiểu Thừa. Tiểu Thừa có Tứ Quả và Tứ Hướng[1], Đại Thừa theo như kinh Hoa Nghiêm nói có năm mươi mốt giai vị, tức [năm mươi mốt] địa vị Bồ Tát. Trong phạm vi của cõi Phàm Thánh Đồng Cư, [thánh và phàm] đều ở cùng một chỗ, nên gọi là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Tuy ở cùng một nơi, chiều không gian (spatial dimensions, không gian duy thứ) của mỗi tầng lớp khác biệt.

  Chúng ta xem tiếp, đoạn văn tự kế tiếp là: “Cực Lạc thế giới chi Phàm Thánh Đồng Cư độ, thị đồng cư Tịnh Độ” (Cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế giới Cực Lạc là cõi Tịnh Độ đồng cư). Hãy chú ý chữ “Tịnh”, nó là Đồng Cư Tịnh Độ, khó có! Vì sao? Phàm phu, tức lục đạo phàm phu, ở trong thế giới ấy tiếp nhận sự giáo huấn của A Di Đà Phật, khiến cho chúng ta nghĩ đến câu nói của tổ tông: “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (kiến thiết đất nước, cai trị nhân dân, giáo học làm đầu). Tam Tự Kinh giảng rất hay: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện; tánh tương cận, tập tương viễn; cẩu bất giáo, tánh nãi thiên” (Con người thoạt đầu tánh vốn lành, tánh gần giống nhau, do huân tập mà thành khác nhau. Nếu chẳng dạy, tánh sẽ biến đổi). Thế giới Cực Lạc hoàn toàn thực hiện những gì đã nói trong câu này. Trong thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật dạy mỗi ngày, A Di Đà Phật rất tuyệt vời! Ngài chứng nhập tự tánh viên mãn; vì thế, Tánh Đức khởi tác dụng, thật sự phát huy tác dụng đến tột cùng. Nghĩa là sao? Thế giới Cực Lạc có bao nhiêu chúng sanh, A Di Đà Phật liền biến hóa bấy nhiêu thân. Mỗi cá nhân đối diện A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đích thân chỉ dạy. Đấy là Tánh Đức phát huy viên mãn. Đồng thời, phàm phu trong thế giới Cực Lạc, do [tất cả nhân dân trong] thế giới Cực Lạc đều là thiện tâm, đều tu thiện, cho nên chỉ có thiện đạo, chẳng có ác đạo. Lục đạo trong cõi ấy chỉ gồm hai đường, chẳng có A Tu La, chẳng có ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, chỉ có hai đường nhân thiên, khác hẳn! Nhưng nhân thiên bên đó, do được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, trong phần trước chúng ta đã học, họ đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Điều này có nghĩa là: Tuy họ là phàm phu, nhưng cuộc sống vật chất, cuộc sống tinh thần, đời sống tu hành, đều hưởng thụ giống hệt, có cùng một mức độ như Pháp Thân Bồ Tát. Pháp Thân Bồ Tát cũng có thể hóa vô lượng vô biên thân, giống như A Di Đà Phật, họ có thể hóa ra vô lượng vô biên thân. Hóa thân để làm gì? Hóa thân tới hết thảy các cõi Phật trong mười phương để cúng Phật, nghe pháp, chẳng thể nghĩ bàn! Cúng Phật là tu phước, tu vô lượng vô biên phước báo, nghe pháp là tu huệ.

  Nếu chúng ta hỏi, mười phương chư Phật Như Lai giảng pháp gì cho những người ấy? Chư vị đồng học có nghĩ đến [chuyện ấy] hay không? Mười phương chư Phật, quý vị đến nghe pháp, các Ngài giảng cho quý vị pháp gì? Chư vị chẳng trả lời được! Tôi suy nghĩ rồi nói ra, quý vị suy ngẫm xem có lý hay không nhé? Có đồng ý hay không nhé? Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đều giảng kinh Vô Lượng Thọ, đều dạy quý vị “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, quý vị nghĩ xem có thể là như vậy hay chăng? Có đúng như vậy hay không? Thuở đức Thế Tôn tại thế đã nhiều lần tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, cho dù nói hết thảy các kinh, cũng thường xuyên giới thiệu kèm thêm thế giới Cực Lạc và A Di Đà Phật. Chúng ta có thể dự đoán được! Vì sao? Trong kinh Đại Thừa, đức Phật bảo: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân, nhất tâm, nhất trí huệ, lực vô úy diệc nhiên” (Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ, lực, vô úy cũng thế). Đây là căn cứ lý luận để chúng ta dựa vào, suy ra mười phương chư Phật giáo hóa chúng sanh đều dùng kinh Vô Lượng Thọ. Vô Lượng Thọ là chỗ quy thú của kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, đương nhiên [mười phương chư Phật] giảng bộ kinh này. Vì vậy, quý vị muốn học kinh giáo thì học kinh gì? Quý vị học kinh Vô Lượng Thọ [là bản kinh] được hết thảy chư Phật cùng nhau tuyên dương; đấy là Đại Thừa viên mãn. Bộ kinh này học thông, môn nào cũng đều thông, chớ nên chuốc phiền nữa! Khi thật sự thông hiểu một kinh, sẽ thông hiểu hết thảy kinh. Học thông suốt bộ kinh này, quý vị sẽ có thể giảng kinh Hoa Nghiêm, có thể giảng kinh Pháp Hoa. Đã có thể giảng Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, quý vị sẽ có thể giảng hết thảy các kinh, đấy là bí quyết. Quý vị thật sự hiểu rõ ràng, thật sự hiểu tông chỉ của Tịnh Tông Học Viện, sẽ hiểu rõ tông thú, có còn phải rườm lời hay không? Chẳng cần! Phải nhận thức Đồng Cư Tịnh Độ chẳng thể nghĩ bàn!

  Tiếp đó, sách viết: “Ngã đẳng sở tại chi Sa Bà thế giới, diệc thị Phàm Thánh Đồng Cư độ” (thế giới Sa Bà chúng ta đang ở cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư), cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. “Thử độ diệc hữu phàm, hữu thánh, như Văn Thù thường hiện Ngũ Đài” (cõi này cũng có phàm và thánh, như ngài Văn Thù thường hiện thân ở núi Ngũ Đài), Văn Thù Bồ Tát thường thường xuất hiện tại Ngũ Đài sơn; “chư A La Hán thường vãng Thiên Mục hoặc Nhạn Đãng” (các vị A La Hán thường đến núi Thiên Mục hoặc Nhạn Đãng), hai rặng núi này ở tỉnh Chiết Giang. Núi Thiên Mục gồm năm ngọn, Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung, ở tại Chiết Giang. Nhạn Đãng là đạo tràng của Thiên Thai đại sư, cách núi Thiên Thai chẳng xa. “Thị giai thử độ chi thánh dã” (đều là các bậc thánh trong cõi này). Đây là nêu ví dụ, chẳng hạn như Quán Âm tại Phổ Đà, Địa Tạng tại Cửu Hoa, Phổ Hiền tại Nga Mi, những vị ấy đều là thánh nhân. “Đản ngã đẳng sở cư chi Đồng Cư độ thị Đồng Cư uế độ” (Nhưng cõi Đồng Cư chúng ta đang sống là Đồng Cư uế độ), chẳng phải là Tịnh Độ. Do nguyên nhân nào? Nói chung, chẳng lìa nhân quả. Nhân quả ấy do chính mình tạo; chính mình đã tạo cái nhân thì chính mình phải gánh lấy quả báo. Phật, Bồ Tát đối với quý vị cũng chẳng thể làm gì được! Ắt phải sám trừ sạch nghiệp chướng, tập khí. Sau khi sám trừ, Phật, Bồ Tát mới có thể giúp đỡ. A Di Đà Phật có thể phân thân giáo hóa hết thảy chúng sanh trong thế giới Cực Lạc, vì sao chẳng dạy dỗ trong thế giới của chúng ta? Chúng ta nghiệp chướng quá nặng, đức Phật có thị hiện dạy ta hay không? Có! Hạng người nào? Người thật sự tu tập, có phước báo, nghiệp chướng nhẹ nhàng! Còn đối với kẻ nghiệp chướng nặng nề thì chẳng được, vì sao? Kẻ ấy chẳng tiếp nhận, chẳng tôn trọng. [Nếu có trường hợp nào mà] Phật, Bồ Tát mỗi ngày giảng nói với kẻ ấy, mỗi ngày đều hiện thân cho kẻ ấy thấy, không được rồi, ma đấy! Phải nghĩ trọn hết các phương pháp để đuổi ma đi, [hiện tượng ấy] bất bình thường! Xã hội cũng chẳng chấp nhận. Chẳng phải là Phật, Bồ Tát không đến, mà là duyên chưa chín muồi, đôi khi có vài người duyên chín muồi [mới thấy Phật, Bồ Tát], điều đó gọi là “Phật độ kẻ hữu duyên”. Thật sự tin, chịu phát nguyện, chịu phát Bồ Đề tâm, chịu phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nguyện tâm khẩn thiết, sẽ có cảm ứng. Trong nguyện tâm mà còn một tí tự tư tự lợi, tiếng tăm, lợi dưỡng, tham, sân, si, mạn thì không được rồi, chẳng có cảm ứng! Chúng tôi cũng đã từng gặp những người có cảm ứng, họ có những tập khí ấy hay chăng? Có chứ, nhưng thường là mỏng nhẹ; họ có những tập khí ấy, nhưng thời gian tương đối ngắn. Thí dụ như nổi nóng, nổi giận một trận, người ấy liền lập tức giác ngộ, hối lỗi. Có người tức giận ba ngày hay cả tuần chẳng thể hóa giải được, như vậy là quá ư nặng nề! Phật, Bồ Tát muốn giúp quý vị, quả thật cũng chẳng giúp được mảy may nào! Do vậy, Phật độ chúng sanh cần phải có thời tiết, nhân duyên; khi nào đến thời, các Ngài nhất định sẽ tới. Thời tiết nhân duyên chưa chín muồi, cầu cách nào cũng chẳng cầu được. Thật sự cầu được, sẽ có họa hại xảy tới! Không chỉ bất lợi cho bản thân quý vị, mà còn bất lợi đối với gia đình quý vị, thậm chí bất lợi đối với toàn thể xã hội. Phật, Bồ Tát có làm chuyện ấy hay chăng? Chẳng làm chuyện ấy! Yêu ma, quỷ quái sẽ làm chuyện ấy; chúng nó chỉ sợ quý vị chẳng loạn, Phật, Bồ Tát chẳng như vậy. Trong kinh Đại Thừa thường nói, Phật, Bồ Tát ở nơi đâu cũng đều làm cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Quý vị chẳng ưa thích Phật, Bồ Tát; Phật, Bồ Tát sẽ chẳng đến, không phải là [khiến cho] quý vị rất vui vẻ hay sao? Quý vị thấy các Ngài từ bi lắm. Quý vị ưa thích Phật, Bồ Tát, các Ngài bèn đến. Quý vị chán ghét, các Ngài sẽ không tới. Chắc chắn là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, chúng ta làm đệ tử Phật phải học tập Phật, Bồ Tát điều này! Một người thật sự chẳng vì chính mình, chẳng vì gia đình, khởi tâm động niệm luôn vì chúng sanh khổ nạn, vì an định xã hội, vì hòa bình thế giới, vì chánh pháp được trường tồn, đó là đúng! Những gì đáng nên buông xuống, tự nhiên quý vị thảy đều buông xuống. Bất luận là cuộc sống, công việc, đãi người, tiếp vật, thân tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, đó gọi là “tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Tâm quý vị thanh tịnh, bất luận ở nơi đâu cũng đều là Đồng Cư Tịnh Độ.

   “Cố tuy đồng danh Đồng Cư, nhi thật hữu bất đồng dã” (vì thế, tuy cùng gọi là Đồng Cư, nhưng thật ra chẳng đồng). Đây là nói rõ cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật và cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế giới Cực Lạc, danh xưng tương đồng, nhưng trên thực tế, sai biệt rất lớn, sai biệt là do chúng sanh mê hay ngộ. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế giới Cực Lạc, chúng sanh giác ngộ, giác ngộ nhưng chưa chứng quả, đó là gì? Giải ngộ, chưa buông tập khí phiền não xuống! [Chúng sanh trong] cõi Phàm Thánh Đồng Cư thuộc thế giới Cực Lạc tuy chưa chứng ngộ, nhưng được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, nên giống như chứng ngộ. Họ thật sự chưa chứng ngộ, nhưng cũng gần bình đẳng với người đã chứng ngộ, gần giống như nhau. Nói “gần giống như nhau”, đương nhiên chẳng phải là hoàn toàn như nhau. Phật lực gia trì chẳng thể nghĩ bàn!

  Chúng ta đọc tiếp: “Như Yếu Giải vị thử chi Đồng Cư viết” (như sách Yếu Giải nói về Đồng Cư trong cõi này), đây là những điều do Ngẫu Ích đại sư đã nói trong sách Yếu Giải: “Do thật thánh quá khứ hữu lậu nghiệp” (do bậc thật thánh có nghiệp hữu lậu trong quá khứ). Thật là chân thật, Tiểu Thừa Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả thật sự đoạn phiền não, sở chứng thuộc những tầng cấp này, có thể đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, chứng quả Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa. Lại đoạn sáu phẩm đầu trong tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc thuộc tam giới, chứng Nhị Quả Tư Đà Hàm. Những vị này chưa đoạn hết phiền não tập khí trong quá khứ. Đó là những địa vị chân thật. “Quyền thánh” là các vị như Văn Thù, Phổ Hiền, “đại quyền thị hiện chi Bồ Tát” (các vị Bồ Tát đại quyền thị hiện). Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí, Địa Tạng đều đã thành Phật trong kiếp lâu xa, nay đang trụ trong thế gian này. Chúng ta biết, [các Ngài] nên dùng thân Bồ Tát để độ, bèn hiện thân Bồ Tát, nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân Phật. Hòa thượng Hư Vân triều bái Ngũ Đài Sơn, trên đường đi ngã bệnh, được một người ăn mày chăm sóc. Người ăn mày ấy tên là Văn Cát, ở Ngũ Đài Sơn, hai lần [hòa thượng] ngã bệnh đều gặp người ấy chăm sóc; về sau mới biết người ấy là Văn Thù Bồ Tát giúp đỡ lão hòa thượng Hư Vân đang bệnh tật. Nên dùng thân ăn mày để độ, bèn hiện thân ăn mày để thuyết pháp. Đó gọi là “đại quyền thị hiện”. “Đại từ bi nguyện”, xuất hiện trên thế gian, “cố phàm phu đắc dữ thánh nhân đồng cư” (cho nên phàm phu được ở chung với thánh nhân), những vị Tiểu Thừa A La Hán, những vị Phật, Bồ Tát trong Đại Thừa ở cùng một chỗ [với người phàm]. “Chí thật thánh hôi thân” (tới khi bậc Thật Thánh diệt thân), những vị thánh giả Tiểu Thừa khi đã hết thọ mạng, chúng ta nói các Ngài vãng sanh. “Quyền thánh cơ tận” (cơ duyên ứng hiện của bậc quyền thánh đã hết), nói thật ra, những vị Phật, Bồ Tát đại quyền thị hiện chẳng nhập Niết Bàn. Thời gian các Ngài trụ trong thế gian này dài hay ngắn tùy thuộc chúng sanh ở nơi này có căn tánh [đáng độ] hay không. Nếu căn cơ của chúng sanh ở nơi này có thể độ, các Ngài sẽ ở lâu hơn một chút. Nếu nơi này không có căn cơ để độ, các Ngài sẽ rời đi.

  Căn cơ đáng độ là gì vậy? Tức là người có đủ sáu thứ tín tâm như Ngẫu Ích đại sư đã giảng trong sách Yếu Giải, có thể cảm động chư Phật, Bồ Tát đại quyền thị hiện trong thế gian này. Trong sáu thứ tín tâm ấy, thứ nhất là tin vào chính mình. Tin bổn tánh của chính mình vốn lành, tin bổn tánh của chính mình là Phật, ta cũng vốn là Phật, phải tin tưởng điều này. Ta là vị Phật mê hoặc, chư Phật là những vị Phật rất gần với giác ngộ, các Ngài đã chứng đắc vị Phật viên mãn trong tự tánh. Ta phải tin tưởng các Ngài, các Ngài tới giúp đỡ ta, thành tựu ta, chỉ dạy ta trở về tự tánh. Đấy là Tín Tha, [điều thứ nhất là] Tín Tự, [điều thứ hai là] Tín Tha. Thứ ba là Tín Sự, [thứ tư là] Tín Lý, có Sự, có Lý; cuối cùng là Tín Nhân và Tín Quả. Đó là sáu thứ Tín. Trọn đủ sáu thứ tín ấy, Phật, Bồ Tát tự nhiên ứng hiện trong thế gian này, các Ngài phải giúp đỡ quý vị! Vì sau khi quý vị đã có sáu thứ tín ấy, cơ duyên quý vị đắc độ đã chín muồi. Nếu sáu thứ tín ấy chẳng trọn đủ, nói cách khác, trong một đời này, quý vị chẳng thể vượt thoát lục đạo, chẳng thể vượt thoát mười pháp giới. Phật, Bồ Tát tới nơi đây, chủ yếu chẳng vì quý vị mà tới, quý vị là kẻ kèm thêm (hưởng ké)! Nếu quý vị có phước báo ấy, sẽ được hưởng lây, gieo một tí thiện căn, chẳng phải vì độ quý vị mà các Ngài xuất hiện. Nếu các Ngài đến thế gian này, chắc chắn trong thế gian này có mấy người [cơ duyên chín muồi], tối thiểu là có một người! “Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”, một người có căn cơ ấy, các Ngài sẽ đến. Nếu hoàn chẳng có ai, các Ngài sẽ không tới, phải hiểu đạo lý này! Vì sao có người thấy, có kẻ chẳng thấy? Do đời đời kiếp kiếp trong quá khứ có duyên học tập khác nhau.

  Chúng ta xem tiếp, do vì Thật Thánh diệt thân, đã qua đời rồi, cơ duyên giáo hóa của bậc Quyền Thánh đã hết, “tiện thăng trầm thạc dị, khổ lạc huyền thù, nãi tạm đồng, phi cứu cánh đồng dã” (liền thăng trầm rất khác, sướng khổ khác biệt vời vợi, đó là tạm thời đồng, chẳng phải là rốt ráo đồng vậy). Ý nói cõi Đồng Cư của chúng ta và cõi Đồng Cư trong thế giới Cực Lạc khác nhau. Chúng ta là tạm thời đồng, còn người ta là rốt ráo đồng. Thế giới Cực Lạc có lạc, chẳng có khổ; thế giới của chúng ta khổ và lạc khác biệt vời vợi. Thế giới Cực Lạc chỉ có tiến lên, chẳng có thoái chuyển. “Trầm” là thoái chuyển. Trong thế gian này, nếu chúng ta chẳng chú tâm, cẩn thận, rất có thể bị trầm luân trong địa ngục, cũng có thể nói là ngã xuống tận đáy hang! Chúng ta sanh lên cao hơn, con người sanh lên thiên đạo. Thiên đạo có Dục Giới Thiên; phân chia đại lược thì Dục Giới Thiên có sáu tầng, nếu chia tỉ mỉ sẽ chẳng thể nói trọn hết, nhất định phải hiểu điều này! Nếu có thể chế ngự Dục, Dục là gì? Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Dùng gì để chế phục? Dùng công phu định lực. Quý vị thật sự tu định, tâm định là thanh tịnh, đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ chẳng động tâm. Chẳng phải là thật sự không động tâm, mà là do công phu định lực chế ngự. Nếu lúc Định mất đi, những phiền não sẽ lại hiện tiền, từ tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, tham, sân, si, mạn lại dấy lên, phiền não hiện tiền. Do vậy, trong lục đạo, đúng là thăng trầm bất định. Sanh lên trời, hưởng hết phước trời, thường đọa xuống địa ngục rất nhiều, nhất là Sắc Giới Thiên và Vô Sắc Giới Thiên, hầu như đều đọa lạc tam đồ. Dục Giới Thiên đỡ hơn một chút, Dục Giới Thiên đọa vào nhân đạo vì họ trèo không cao lắm!

  Lại xem tiếp đoạn kế đó: “Hựu thiên nhưỡng chi gian, kiến văn giả thiểu. Hạnh hoạch kiến văn, thân cận, bộ xu giả thiểu” (Lại nữa trong vòng trời đất, người được thấy nghe [thánh nhân] thì ít. Người được may mắn thấy nghe bèn thân cận, hướng theo lại ít). Ở vùng phụ cận của những đạo tràng ấy, nếu chúng ta dò hỏi thôn dân, thôn dân phụ cận Ngũ Đài Sơn đã từng gặp Văn Thù Bồ Tát hay chưa? Có! Thật sự trông thấy. Sau khi vừa thấy, liền chẳng còn nữa. Có tìm cũng chẳng được, bèn biết là Bồ Tát hiện thân. Chúng tôi từng triều bái núi Kê Túc[2], núi Kê Túc là đạo tràng của tôn giả Ca Diếp, [tức là đạo tràng của bậc] A La Hán! Trên thực tế, Ngài là Bồ Tát, có ai đã gặp chưa? Có! Tôi còn nghe nói có lữ khách từ Đài Loan đến vãn cảnh, lạc đường, trong khi đang lo lắng, gặp một cụ già chống gậy đi ở phía trước, bèn thưa hỏi, được cụ chỉ đường, bảo hãy đi theo đường nào, quay đầu nhìn lại, chẳng thấy cụ già đâu nữa. Do vậy, mọi người nghĩ cụ già có thể là tôn giả Đại Ca Diếp xuất hiện chỉ đường, khiến cho người ấy đến được Hoa Thủ Môn[3]. Thường có những chuyện như vậy, thường xảy ra. Người thấy nghe ít ỏi, người được may mắn thấy nghe, tuy có may mắn thấy, nhưng thấy mà chẳng biết, đợi đến khi quay đầu, chẳng thấy nữa, muốn tìm cũng chẳng tìm được, muốn hỏi cũng chẳng hỏi được. Đây là sự thật, chúng tôi tin tưởng thật sự có tình hình này.

   “Hựu Phật thế thánh nhân túng đa, như trân, như thụy, bất năng biến mãn quốc độ, như chúng tinh, vi trần” (Lại nữa, thuở Phật tại thế, thánh nhân dẫu nhiều, vẫn giống như vật quý, như điềm lành, chẳng thể đầy khắp cõi nước như các ngôi sao, vi trần). Chẳng hạn như thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, bậc thánh nhân nhiều, Bồ Tát đông đảo, A La Hán đông đảo, những vị này đều giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh, trong kinh chẳng nói như thế này hay sao? “Nhất Phật xuất thế, thiên Phật ủng hộ” (Một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ). Vị Phật ấy có duyên với thế gian này, bèn dùng thân Phật, hoặc dùng thân phận Bồ Tát, hoặc dùng thân phận tổ sư đại đức đến thế gian này. Nhiều vị Phật, Bồ Tát cùng đến với vị Phật ấy, có vị làm học trò, có vị làm hộ pháp, có vị làm quần chúng, thị hiện các thân phận khác nhau, theo Ngài học tập, họ được gọi là Ảnh Hưởng Chúng. Những vị ấy có trí huệ, có phước đức, đều tới thân cận vị tôn giả này, khiến cho đông đảo quần chúng trông thấy, dấy lòng kính ngưỡng vị tôn giả ấy, chủng tử Phật pháp bèn gieo trong A Lại Da thức điền. Giống như diễn tuồng, người này đóng vai chánh, nhất định phải có rất nhiều người phụ diễn thì vở tuồng ấy mới diễn hay được! Nếu một mình người ấy tới, không được, nhất định phải là một nhóm người. Phật pháp và thế gian pháp có cùng một đạo lý, thật sự tham thấu thì pháp thế gian vốn là Phật pháp, thế gian và xuất thế gian chẳng hai! Đó là đúng. Vì thế, thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, thánh nhân tuy đông, nhưng so với tỷ lệ nhân số trên cả thế giới vẫn quá ít, vẫn giống như vật báu, điềm lành. Vật báu và điềm lành rất hiếm hoi, chẳng thể đầy ắp trọn khắp cả cõi nước như các ngôi sao, như vi trần được! Đấy là nói phàm phu đông đảo, kẻ mê mất tự tánh đông lắm!

  Chúng ta đọc tiếp: “Hựu cư tuy đồng, nhi sở tác, sở biện, tắc huýnh bất đồng” (lại nữa, tuy cùng ở, nhưng việc làm rất khác biệt). So sánh hai thế giới, phàm phu trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế gian này mỗi ngày làm gì? Tạo nghiệp, tạo nghiệp luân hồi, tạo nghiệp tam đồ, họ thật sự làm! Bên thế giới Cực Lạc, tuy là phàm phu trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vãng sanh trong ba phẩm Hạ, nghiệp chướng tập khí vẫn còn rất nặng, nhưng tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn đi học, mỗi ngày Phật, Bồ Tát dạy người ấy, chỉ dạy người ấy, ngoài chuyện này ra, chuyện gì cũng chẳng có. Tới thế giới Cực Lạc không cần làm việc, nơi đó chẳng làm lụng, các ngành nghề đều chẳng có, toàn là giáo dục. A Di Đà Phật là hiệu trưởng, chư Phật, Bồ Tát đều là giáo sư đến dạy học. Trừ chuyện này ra, chẳng nghe nói thế giới Cực Lạc có tiệm buôn, chẳng nghe thế giới Cực Lạc có chánh phủ. Nơi khác có chánh phủ, chứ thế giới Cực Lạc chẳng có quốc vương. [Trong các thế giới khác], cõi trời có thiên vương, trong thế giới Cực Lạc chẳng hề nghe nói có đại vương [hay các thiên vương], chẳng có! Thế giới Cực Lạc chỉ có Phật, chỉ có Bồ Tát. Bồ Tát và A La Hán đều là học trò. Chúng tôi nghĩ: Trên thực tế, thế giới Cực Lạc giống như một viện đại học Phật giáo do chư Phật Như Lai cùng nhau sáng lập, mời A Di Đà Phật làm hiệu trưởng, mười phương chư Phật, Bồ Tát thường tới thế giới Cực Lạc để dạy học, [Cực Lạc] là một nơi như vậy đó! Quý vị ở nơi đó là học tập cho đến khi tốt nghiệp, tốt nghiệp là chứng đắc viên mãn Bồ Đề, chẳng phải do A Di Đà Phật gia trì, mà do chính quý vị chứng đắc. Sau khi chứng đắc, quý vị có ở lại thế giới Cực Lạc hay không? Chẳng ở! Quý vị phổ độ chúng sanh trọn pháp giới hư không giới, giúp đỡ hết thảy những kẻ hữu duyên với quý vị. Quý vị giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Âm Bồ Tát, nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy. Biết phải dạy họ pháp môn gì, quý vị sẽ dạy pháp môn ấy. Chúng sanh yêu thích khác nhau, nhưng tới cuối cùng, nhất định hướng dẫn về Cực Lạc. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa nhằm dẫn dắt, đến cuối cùng, thưa chư vị, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn thảy đều trở về Tịnh Độ. Vì sao biết? Nhìn từ kinh Hoa Nghiêm. Quý vị thấy hàng Bồ Tát, La Hán vãng sanh thế giới Hoa Tạng, các Ngài tu học các pháp môn bất đồng, vô lượng pháp môn, học khác nhau, cuối cùng đều về thế giới Hoa Tạng. Sau khi tới thế giới Hoa Tạng, chắc chắn là nghe lời hai vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền, sang thế giới Cực Lạc tham phỏng A Di Đà Phật, tiếp nhận giáo huấn của A Di Đà Phật, triệt ngộ tâm tánh, chứng đắc viên mãn Phật quả trong thế giới Cực Lạc, ở chỗ của A Di Đà Phật. Từ chỗ này, chúng ta thấy thế giới Cực Lạc thù thắng, thấy Phật pháp đại viên mãn. Việc làm rất khác biệt!

  Lại xem đoạn văn kế tiếp: “Án Yếu Giải nghĩa”, [tức là xét theo] nghĩa thú được giảng trong sách Yếu Giải, “thử độ phàm thánh chi đồng cư tốn ư Cực Lạc giả hữu tứ”, [nghĩa là] so ra thấy [Đồng Cư trong Sa Bà] thua kém, “tốn” (遜) là thua kém thế giới Cực Lạc. Tối thiểu có bốn điều thua kém thế giới Cực Lạc. Thứ nhất: “Tạm đồng, thử độ Tiểu Thừa Sơ, Nhị, Tam Quả, chứng A La Hán, tiện nhập tịch diệt” (Tạm đồng: Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả Tiểu Thừa trong cõi này chứng A La Hán liền nhập tịch diệt). Trước khi các Ngài chứng A La Hán, bậc Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả đều ở trong lục đạo, ở trong nhân gian hay trên cõi trời. Chứng đắc A La Hán bèn ra đi, vượt thoát lục đạo, vào tứ thánh pháp giới, nhập tịch diệt. Nhập tịch diệt là vào trong tứ thánh pháp giới, chẳng ở chung với chúng ta. Ở chung với chúng ta chỉ là Sơ, Nhị, Tam Quả. “Đại Quyền Bồ Tát, độ sanh cơ tận, tiện bất phục thị hiện” (Đại Quyền Bồ Tát cơ duyên hóa độ chúng sanh đã hết bèn chẳng thị hiện nữa), vị này cũng ra đi. Trong thế gian này, Đại Quyền Bồ Tát có hai phương cách ở chung với chúng ta: Thứ nhất là Ứng Thân, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có cha mẹ, được sanh ra, sống trong thế gian này vài chục năm, sanh tử tự tại, chẳng phải do nghiệp lực, các chúng sanh hữu duyên nhờ Ngài mà đắc độ. Nếu chẳng có hạng người ấy, khi Ngài đến thế gian này, phải biết hết thảy chúng sanh đáng độ đều đã độ, chẳng còn ai chưa độ, nên Ngài ra đi. Thích Ca Mâu Ni Phật bảy mươi chín tuổi bèn viên tịch, chẳng ở chung với chúng ta. Vì thế, sự “ở chung” này là tạm thời, chẳng phải là rốt ráo. “Cố dữ thử độ phàm phu chỉ thị tạm thời đồng cư, phi cứu cánh dã. Tại bỉ tịnh Đồng Cư độ, tắc khả dữ chư đại Bồ Tát câu hội nhất xứ, trực chí thành Phật” (vì thế chỉ là tạm thời ở chung với phàm phu trong cõi này, chẳng phải là rốt ráo. Trong cõi Đồng Cư thanh tịnh ấy, bèn có thể cùng ở một chỗ với các vị đại Bồ Tát mãi cho đến khi thành Phật). Khác nhau! Chúng ta sanh về nơi đó của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuy là hạ hạ phẩm vãng sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, quý vị hằng ngày ở chung với chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát, mãi cho đến lúc quý vị chứng đắc đến rốt ráo Phật quả, các Ngài sẽ trở về Thường Tịch Quang, chẳng ở chung nữa, mà trở về Thường Tịch Quang. Sau khi trở lại Thường Tịch Quang, nếu những người trong cõi Đồng Cư của thế giới Cực Lạc có duyên với quý vị, quý vị sẽ từ Thường Tịch Quang trở về giúp đỡ họ, đến đi tự tại! Phật độ kẻ hữu duyên. Duyên có hai thứ, có thiện duyên và ác duyên. Bất luận thiện hay ác, chỉ cần có duyên, khi họ chịu tiếp nhận Phật pháp, quý vị sẽ tự nhiên hiện thân giúp đỡ họ, thành tựu bọn họ. Đấy là chỗ khác nhau thứ nhất.

Thứ hai, “nan ngộ, tuy hữu thánh giả hiện cư thử độ, đản bất dị kiến văn thân cận” (khó gặp; tuy có thánh giả thị hiện sống trong cõi này, nhưng chẳng dễ gì thấy, nghe, thân cận). Thật vậy, thế giới này có Phật, Bồ Tát, A La Hán ở trên địa cầu này, nhưng phàm phu chúng ta chẳng dễ gì gặp được! Chẳng có duyên phận đặc thù, sẽ không gặp được. Đó là sự thật, chúng ta phải hiểu rõ. “Nhi tại Cực Lạc tắc giai như sư, như hữu, triêu tịch đồng tụ dã” (nhưng trong Cực Lạc, [thánh nhân] như thầy, như bạn, sáng tối cùng tu họp). Thế giới Cực Lạc khác hẳn, trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới Cực Lạc, quý vị và thánh nhân suốt ngày từ sáng đến tối ở cùng một chỗ, thân cận, chẳng tách lìa. Những vị ấy quả thật là thầy, mà cũng là đồng học. Thầy của thế giới Cực Lạc là A Di Đà Phật [và thập phương chư Phật đến thế giới dưới thân phận Bồ Tát], các Ngài đến thế giới Cực Lạc giúp đỡ chúng ta, giống như mang thân phận trợ giáo, chúng ta có thể sáng tối cùng tụ họp, chẳng phải là ngắn ngủi, tạm bợ, mà là sống cùng nhau, học tập cùng nhau. Trước khi thành Phật, trong thế giới Cực Lạc, công việc của quý vị là học tập, các Ngài sẽ giúp đỡ quý vị. Đây là chỗ khác nhau thứ hai!

  Thứ ba: “Hy thiểu” (hiếm hoi). Thế giới này “thánh giả như trân, như thụy, hy hữu nan phùng” (bậc thánh như vật quý, như điềm lành, hiếm có, khó gặp). Vì sao thế gian này ít như thế? Điều này có liên quan đến nghiệp cảm của chúng sanh, đó mới là nguyên nhân thật sự. Chúng sanh ưa thiện, chuộng đức, quý vị sẽ gặp được những người hiếm có, khó gặp, họ sẽ dạy quý vị. Nếu quý vị chẳng cảm thấy hứng thú đối với luân lý, đạo đức, và thánh học, mà cảm thấy hứng thú đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian này, Phật, Bồ Tát sẽ không đến. Phật, Bồ Tát chẳng có hứng thú đối với những thứ đó; đó là tạo nghiệp. Quý vị ưa thích những thứ ấy, cũng có người tới gia trì và giúp đỡ quý vị, ai vậy? Yêu ma quỷ quái. Chư vị đọc kinh Lăng Nghiêm sẽ hiểu! Bốn loại yêu ma quỷ quái lớn ưa thích những thứ đó, chúng sẽ đến. Tuy quý vị đạt được một chút vui sướng, tự nghĩ là vui sướng, trên thực tế là sự kích thích, chẳng phải là khoái lạc thật sự. Tôi giảng kinh, thường dùng tỷ dụ hút thuốc phiện. Khoái lạc ngũ dục lục trần trong thế gian giống như hút thuốc phiện, nó là một thứ kích thích ngắn ngủi, tạm bợ trong sát-na, hậu hoạn vô cùng, khổ chẳng thể nói nổi. Đó chẳng phải là chân lạc, mà là mê hoặc, điên đảo của người đời. Do vậy, bậc thánh nhân đến thế gian này, cơ hội cũng rất ít. Thế gian này có mấy kẻ lương thiện, hiếu học, các Ngài sẽ đến. Thời gian các Ngài đến [thế giới này] cũng rất ngắn ngủi, tạm bợ, đến để chỉ dạy những người hữu duyên. Kẻ hữu duyên học rất nhanh, học sơ sơ đã đi vào nề nếp, các Ngài bèn rời đi, chúng ta ngay cả mong được hưởng ké một chút cũng chẳng được! Phải hiểu rõ đạo lý ở chỗ này, vì bản thân chúng ta chưa phát tâm. Nếu thật sự phát tâm học tập, Phật, Bồ Tát sẽ thường trụ trong thế gian. Chính mình vẫn tham cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, đương nhiên các Ngài phải ra đi sớm, các Ngài chẳng mảy may lưu luyến thế gian này! Chúng ta biết các Ngài hiện thân, người ta chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân; theo kinh Hoa Nghiêm, trong Viên Giáo, bậc Sơ Trụ trở lên đều có năng lực này. Phẩm Phổ Môn nói tới ba mươi hai ứng thân, thảy đều có năng lực sau đây: Nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân Phật. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo hiện thân Phật, Ngài là chân Phật, chẳng phải là giả Phật. Ngài trụ nơi đâu? Trọn khắp pháp giới hư không giới và Ngài là một Thể, quý vị nói xem Ngài trụ nơi đâu? Vì vậy, bất luận nơi chốn nào, thời gian nào, chỉ cần có người thật sự khởi tâm động niệm mong học Phật, Ngài liền thị hiện.

  Mỗi chúng sanh chúng ta phải biết: Quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung; thời gian vô thỉ, vô chung, không gì lớn lao lọt ra ngoài, không gì nhỏ nhặt chẳng gồm trong. “Thỉ chung” là nói tới thời gian. “Thời – không” (thời gian, không gian) là Pháp Thân; thời – không là Tánh Đức của bậc kiến tánh, là Pháp Thân của người ấy. Vì vậy, Pháp Thân trọn khắp hết thảy mọi nơi, hết thảy mọi lúc; bất luận chúng sanh nào chỉ cần có cảm, lập tức bèn ứng, chẳng có đến đi, hiện diện ngay trong hiện tiền. Vì vậy, Đại Thừa nói “tức tại đương hạ” (ở ngay trong lúc này), câu ấy là thật, là lời thật, ngay trong hiện tại. Chẳng có quá khứ, vị lai, chẳng có cõi này hay phương khác. Thời – không cũng chẳng tồn tại. Khi mê, có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thời – không; khi giác ngộ chẳng có. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận, [Thiên Thân] Bồ Tát đã giảng chân tướng sự thật này rất rõ rệt. Trong bách pháp, thời gian và không gian là Bất Tương Ứng Hành Pháp. Người hiện thời gọi Bất Tương Ứng Hành Pháp là “khái niệm trừu tượng”, chẳng phải là sự thật, mà là khái niệm trừu tượng. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng, phải hiểu minh bạch, Bồ Tát ở đâu? Ngay trong hiện tiền! Chưa từng rời khỏi chúng ta, mà chúng ta cũng chưa hề rời khỏi Ngài; bất quá, chúng ta mê tự tánh nên chẳng thấy! Nếu giác ngộ tự tánh, quý vị sẽ biết chưa hề rời khỏi.

   “Nhi Cực Lạc tắc kỳ trung đa hữu Nhất Sanh Bổ Xứ, kỳ số thậm đa, phi thị toán số sở năng tri chi, đản khả dĩ vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thuyết” (nhưng Cực Lạc thì trong ấy có nhiều vị là Nhất Sanh Bổ Xứ, số ấy rất nhiều, chẳng thể tính toán mà hòng biết được, chỉ có thể nói là vô lượng vô biên A-tăng-kỳ). Đoạn này là kinh văn trong kinh Di Đà do đức Phật nói. Tây Phương Cực Lạc thế giới thánh hiền đông đảo, toàn là đại thánh, chẳng phải là tiểu thánh, Nhất Sanh Bổ Xứ mà! Quán Thế Âm Bồ Tát giống như Di Lặc Bồ Tát, trong tương lai, A Di Đà Phật lão nhân gia duyên đã tận, Ngài sẽ thoái vị, trở về Thường Tịch Quang, Quán Âm Bồ Tát bèn thay thế, kế tục Ngài thành Phật trong thế giới Cực Lạc. Khi Quán Âm Bồ Tát duyên tận, trở về Thường Tịch Quang, Đại Thế Chí Bồ Tát bèn kế tục Quán Âm Bồ Tát. Do vậy, thế giới ấy chỉ có Chánh Pháp, chẳng có Tượng Pháp, cũng chẳng có Mạt Pháp. Trong thế gian này của chúng ta, pháp vận của đức Phật có Tượng Pháp và Mạt Pháp, thế giới Cực Lạc chẳng có. Thế giới Cực Lạc vĩnh viễn có Phật trụ thế, từng vị kế tục nhau. Quý vị thấy lần này, Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, vị Phật kế tiếp là Di Lặc Bồ Tát sẽ giáng thế thành Phật nhằm khi nào? Kinh Di Lặc Hạ Sanh cho biết là năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, Di Lặc Bồ Tát mới giáng thế. Trong khoảng thời gian dài như vậy, thế gian này chẳng có Phật, không có Phật giáo, đáng thương thay! Chúng sanh tạo nghiệp. Phật, Bồ Tát vẫn từ bi, có người thay mặt Phật; trong thời gian dài như thế, ai thay mặt? Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hiện thời là thời kỳ Mạt Pháp của Thích Ca Phật, Địa Tạng Bồ Tát đã nhận nhiệm vụ, đã thay mặt Phật. Địa Tạng nghĩa là gì? Phải biết đó là hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy. Chỉ cần chúng sanh thật sự hiếu thuận cha mẹ, tôn sư trọng đạo, người ấy sẽ có duyên gặp gỡ thánh hiền. Nếu chẳng có tâm nguyện ấy, suốt đời chẳng gặp được. Dẫu gặp gỡ, cũng chỉ là trong sát-na đã trôi qua (chẳng còn gặp gỡ nữa), chẳng được thánh hiền giáo huấn. Do vậy biết: Tâm thái trọng yếu lắm, tâm thái quyết định hết thảy, pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng có ngoại lệ.

  Trong thế giới Cực Lạc đã là Nhất Sanh Bổ Xứ, là Đẳng Giác Bồ Tát, đấy là địa vị Bồ Tát tối cao, lại tiến cao hơn là Cứu Cánh Viên Mãn Phật (quả vị Phật rốt ráo viên mãn), người như vậy đông lắm! Nhiều đến mức độ nào? Chẳng có cách nào tính toán, chỉ có thể dùng “vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thuyết” (vô lượng vô biên A-tăng-kỳ để nói). A-tăng-kỳ (Asamkhya) là đơn vị danh xưng, là một trong mười con số lớn của Ấn Độ. Bao nhiêu A-tăng-kỳ? Vô lượng vô biên, huống chi những vị thấp hơn Đẳng Giác càng nhiều! Thập Địa Bồ Tát, Thập Hạnh Bồ Tát, Thập Hồi Hướng Bồ Tát, Thập Trụ Bồ Tát, chẳng biết là bao nhiêu! Hết thảy những vị ấy đều là học trò của A Di Đà Phật. Đẳng Giác Bồ Tát là trợ giáo của A Di Đà Phật. Trên thực tế, A Di Đà Phật hằng ngày chẳng rời khỏi quý vị, mỗi ngày đích thân giảng kinh, thuyết pháp cho quý vị. Quý vị thấy Đẳng Giác Bồ Tát nhiều ngần ấy ở bên cạnh giúp đỡ quý vị, lẽ nào quý vị chẳng thành tựu? Đâu có đạo lý ấy! Chúng ta ở trong thế gian này, thân cận một vị Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn còn chẳng có duyên phận ấy, tìm mãi không ra. Trong thế giới Cực Lạc, thân cận Đẳng Giác Bồ Tát đông ngần ấy. Không nhìn vào chuyện gì khác, chỉ nhìn riêng điều này, chúng ta phải nên khăng khăng một mực tu Tịnh Độ, biết vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời nhất định chứng đắc Phật quả viên mãn rốt ráo. Nếu chẳng đến đó, bất luận tu học pháp môn nào, phiền não tập khí chưa đoạn được, vẫn không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nghĩ đến luân hồi đáng sợ, hãy nên học theo pháp sư Oánh Kha, dẫu bỏ cái mạng này cũng phải cầu sanh Tịnh Độ. Có thể thành công hay không? Pháp sư Oánh Kha làm mẫu cho chúng ta thấy, Sư thật sự niệm được A Di Đà Phật hiện đến. Sau khi niệm ba ngày, A Di Đà Phật thật sự dẫn Sư đi.

  Lại xem điều thứ tư: “Sở tác bất đồng. Tại thử độ, thánh giả hàm du thánh vực” (Việc làm khác nhau. Trong cõi này, bậc thánh đều ngao du trong cõi thánh). Ở nơi đây, trong cõi Đồng Cư, Phật, Bồ Tát tuy trụ trong thế gian này, nhưng đối với nơi cư trụ [của các Ngài, kinh điển] đã nói rất hay, “cảnh chuyển theo tâm”. Các Ngài là bậc minh tâm kiến tánh, tự nhiên các Ngài trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, các Ngài đã chuyển biến [cõi Phàm Thánh Đồng Cư] thành cõi Thật Báo Trang Nghiêm]. Chúng ta ở chung với các Ngài, nhưng chúng ta là tâm luân hồi, nên thấy đại địa là uế độ, lục đạo trong uế độ, tâm chúng ta chẳng thanh sạch. Chớ nên chẳng biết đạo lý này! “Cảnh chuyển theo tâm”. Chúng ta ở trong thế gian này có tai nạn, nhưng các Ngài chẳng có tai nạn. Bất luận chỗ nào, các Ngài ở nơi đó quả thật giống như thế giới Cực Lạc. Báo độ của các Ngài do vô lượng trân bảo hợp thành, tuyệt đối chẳng phải là bùn cát, cây cối, hoa, cỏ cũng đều là trân bảo, vĩnh hằng không thay đổi, chẳng giống như chúng ta ở nơi đây: Mùa Xuân mọc lên, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu hoạch, mùa Đông ẩn tàng, bốn mùa biến hóa. Cõi Thật Báo của Bồ Tát chẳng biến hóa, hết thảy vạn vật hóa hiện, hóa sanh theo ý niệm. “Việc làm khác nhau”: Những vị thánh giả đều dạy học. “Nhi chúng sanh luân hồi lục đạo, thăng trầm vô định” (nhưng chúng sanh luân hồi trong lục đạo, thăng trầm chẳng nhất định), tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, chịu báo luân hồi, đấy là điều chắc chắn! Chúng ta khởi tâm động niệm, nghĩ gì? Nhớ gì? Nói gì? Tạo gì? Nếu chúng ta phản tỉnh, quý vị sẽ biết đúng như kinh Địa Tạng đã dạy: “Vô bất thị tội, vô bất thị nghiệp” (không gì chẳng phải là tội, không gì chẳng phải là nghiệp). Tội là gì? Nghiệp là gì? Chúng ta suy tưởng, nhớ nghĩ, tạo tác, hoàn toàn trái nghịch tự tánh. Đó là tội nghiệp.

  Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, Hiền Thủ quốc sư đã quy nạp Tánh Đức thành bốn điều. Tánh Đức cũng là “vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thuyết”, nói chẳng hết, quy nạp thành bốn điều. Đấy là bốn cột trụ của Tánh Đức, chúng ta hãy nghĩ xem chính mình có tương ứng với những điều ấy hay không.

1) Điều thứ nhất là “tùy duyên diệu dụng”. Chúng ta là tùy duyên, chẳng phải là diệu dụng. Chúng ta tùy duyên khởi dụng toàn là phiền não, toàn là tội nghiệp. Tùy duyên thảy đều áp dụng vào luân hồi, tâm luân hồi, ý niệm luân hồi, dùng trật lất rồi! Diệu dụng là gì? Trong tùy duyên, xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bèn là “diệu”. Trong tùy duyên chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bèn là Phật. Có vọng tưởng, nhưng chẳng có phân biệt và chấp trước thì là Bồ Tát. Có vọng tưởng và phân biệt, nhưng chẳng có chấp trước, là A La Hán. Nay chúng ta toàn bộ đều có, trong tùy duyên có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đấy là lục đạo phàm phu, như vậy sẽ chẳng diệu, chúng ta làm tương phản [với thánh nhân].

2) Điều thứ hai, “oai nghi hữu tắc” (oai nghi đúng pháp tắc), đó là cuộc sống trên thế gian này, những điều biểu diễn đều nhằm nêu gương tốt nhất cho hết thảy đại chúng; đó là Phật, Bồ Tát. Biểu diễn điều gì? Diễn xuất luân lý, diễn xuất đạo đức, diễn xuất nhân quả, diễn xuất giáo huấn của chư Phật, vì người khác diễn nói. “Diễn” là biểu diễn, làm gương tốt cho người khác xem, giúp đỡ chúng sanh giác ngộ. Đấy là điều thứ hai.

3) Điều thứ ba, “nhu hòa chất trực”. Đây là nói trong cuộc sống, công việc, xử sự, đãi người, tiếp vật hằng ngày đều phải có thái độ ôn hòa, đặc biệt là trong thời đại hiện tại. Trong thời đại này, những chúng sanh trên địa cầu hiển hiện như thế nào? Tự tư tự lợi, bạo lực tình dục, giết, trộm, dâm, dối, họ đang biểu diễn những thứ ấy. Quý vị thấy tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi của họ đáng ngán quá! Trái nghịch một trăm tám mươi độ với Tánh Đức. Nói cách khác, sự tạo tác ấy chắc chắn dẫn đến ngày tàn của thế giới, đi theo con đường hủy diệt, hướng đến A Tỳ địa ngục, thôi rồi! Đáng sợ quá!

4) Điều cuối cùng, “đại chúng sanh khổ” (chịu khổ thay cho chúng sanh). Con người hiện thời nghĩ theo kiểu nào? Tổn người, lợi mình, hoàn toàn tương phản với “chịu khổ thay cho chúng sanh!” Hãy nên bỏ mình vì người, đó là đúng. Quyết định chớ nên làm chuyện tổn người lợi mình.

Trong Hoàn Nguyên Quán, Hiền Thủ đại sư đã quy nạp Tánh Đức thành bốn điều như vậy.

  Đức Phật thường giảng Thập Thiện Nghiệp, Tánh Đức là Thập Thiện Nghiệp. Thập Thiện Nghiệp và Tứ Đức trong Hoàn Nguyên Quán hoàn toàn tương ứng. Chúng ta có thực hiện những gì kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã dạy hay không? Có thật sự làm hay không? Thật sự làm, sẽ là nghiêm túc học Phật, y giáo phụng hành. Có những người muốn làm, nhưng chẳng biết phải thực hiện từ chỗ nào! Tại Trung Quốc, xét trên cơ bản, lời tổ tiên dạy hoàn toàn phù hợp Phật pháp. Chúng ta hãy khởi sự từ sự giáo học đơn giản, dễ hiểu của tổ tiên, thì sẽ làm được chẳng khó! Đệ Tử Quy dạy chúng ta hiếu thân, tôn sư, đó là giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức. Hơn nữa, đó là giáo dục cơ sở cần phải tu, con người chẳng thể không học! Cảm Ứng Thiên là giáo dục nhân quả, phải thời thời khắc khắc ghi nhớ trong lòng: Thiện có thiện quả, ác có ác báo, nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may! Quý vị thật sự tham thấu thì mới tin tưởng, mới biết đoạn ác tu thiện, sám trừ nghiệp chướng trọng yếu lắm! Vì sao ngày nay quý vị học Phật chẳng có tiến bộ? Chắc cũng có người nói vì sao tiến bộ chậm thế? Đều là do nghiệp chướng của quý vị quấy phá, nghiệp chướng chướng ngại quý vị. Đó là nhân tố thứ nhất. Oán thân trái chủ đến gây rối, cũng tới chướng ngại quý vị; đó là nhân tố thứ hai. Chỉ cần tiêu trừ nghiệp chướng của chính mình, oán thân trái chủ bên ngoài sẽ rất dễ hóa giải. Nghiệp chướng chẳng trừ, oán thân trái chủ sẽ không tha quý vị, quý vị vẫn tiếp tục làm ác. Giả danh học Phật, dùng Phật pháp để che đậy [sự xấu xa của chính mình], người ta càng coi thường quý vị, rắc rối ở chỗ này.

Đã có căn bản Nho và Đạo thì Thập Thiện Nghiệp cũng sẽ rất dễ làm được. Cổ nhân học Phật, người trong một trăm năm trước, chúng ta nói là một thế kỷ, học Phật trong một trăm năm trước, người học Phật thành tựu nhiều! Vì sao? Họ được hưởng sự giáo dục ấy, từ nhỏ đã được cha mẹ, người lớn dạy! Tôi nhớ thuở nhỏ, chúng tôi sanh trưởng tại nông thôn, trẻ con chơi đùa với nhau, cũng có lúc cãi cọ, cũng có lúc cãi lẫy ồn ào, người qua đường trông thấy, bèn răn dạy chúng tôi. Thuở ấy, người lớn giáo huấn, chúng tôi đều ngoan ngoãn nghe, chẳng dám phản kháng! Đến khi cha mẹ chúng tôi biết chuyện, bèn đối đãi, cám ơn, cảm kích những người khách ấy. Quý vị nói có phải là xã hội thuở ấy rất hài hòa, thật tốt đẹp hay không? Trẻ nhỏ được cha mẹ trông chừng, người trong nhà dòm chừng, người ngoài cũng trông chừng, trẻ nhỏ đi tới đâu cũng được người lớn răn nhắc. Trong xã hội hiện thời, chẳng còn [tình trạng ấy nữa], cha mẹ không quản được trẻ nhỏ, thầy chẳng thể quản trò, làm sao được nữa, hiện tượng này đáng sợ lắm! Điều này khiến cho chúng tôi hiểu thật sâu [vì sao] cổ thánh tiên hiền thế gian và xuất thế gian coi trọng giáo dục ngần ấy, chúng tôi hiểu rõ. Con người do dạy dỗ mà trở thành tốt đẹp, cũng do dạy dỗ mà thành xấu xa, tùy thuộc cách dạy như thế nào! Trẻ nhỏ hiện thời đều bị dạy hư hỏng, ai dạy chúng nó? TV dạy, Internet dạy chúng nó, người trong nhà mặc kệ. Hiện thời, cách dạy trẻ nhỏ rất khả ái, rất sinh động, nhưng mười năm, hai mươi năm sau, sẽ có phiền phức xảy ra, lúc ấy, hối cũng chẳng kịp!  

Chúng ta xem tiếp phần dưới: “Phàm thánh tuy đồng cư thử độ, nhi kỳ sở tác dữ thành tựu tắc huýnh nhiên bất đồng” (Phàm và thánh tuy cùng sống trong cõi này, nhưng việc làm và thành tựu khác biệt rất xa). Vì sao bất đồng? Tiếp đó, sách viết: “Tại Cực Lạc tắc đồng tận vô minh, đồng đăng Diệu Giác” (Tại Cực Lạc thì cùng dứt vô minh, cùng lên Diệu Giác). Diệu Giác là đạt đến Phật quả viên mãn rốt ráo, còn cao hơn Đẳng Giác một tầng. Đại chúng vãng sanh cõi Đồng Cư của thế giới Cực Lạc mỗi ngày đều học tập, không ngừng nâng cao, muốn tiến lên địa vị Diệu Giác, đoạn hết tập khí vô minh, trở về cõi Thường Tịch Quang, trở về tự tánh. Đấy là việc làm và thành tựu của họ. “Cố tri Đồng Cư Tịnh Độ chi đồng cư, thắng ư thử gian vô lượng ức bội dã” (nên biết sự đồng cư trong cõi Đồng Cư Tịnh Độ thù thắng hơn cõi này vô lượng ức lần). Đúng vậy, chẳng thể sánh bằng!

  Lại đoái nhìn cõi Đồng Cư của chúng ta: “Hựu thử độ chi phàm” (lại nữa, phàm phu trong cõi này), đấy là phàm phu lục đạo, “bao quát địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tam ác thú” (bao gồm ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), đây là ba ác đạo, “nhi bỉ độ Đồng Cư tắc thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật” (nhưng trong Đồng Cư cõi kia, cái tên ác đạo còn chẳng có, huống là có thật). Đây là điều được giảng trong kinh Di Đà, thế giới Tây Phương còn chưa nghe tới danh xưng ác đạo, lẽ đâu có chuyện ấy? “Đắc vãng sanh giả, bất phục cánh nhập tam ác đạo, vĩnh ly ác thú” (người được vãng sanh, chẳng đọa trong ba ác đạo nữa, vĩnh viễn lìa đường ác). Cho dù quý vị đới nghiệp vãng sanh, hạ hạ phẩm vãng sanh sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thậm chí sanh vào biên địa, cũng chẳng còn đọa tam ác đạo, vĩnh viễn lìa đường ác, đó là chỗ thù thắng của thế giới Cực Lạc. “Bất tự thử gian chúng sanh, sanh tử hải trung, đầu xuất, đầu một, triển chuyển ác đạo, khổ thú thời trường dã” (Chẳng giống như chúng sanh trong cõi này, thoạt nổi, thoạt chìm trong biển sanh tử, xoay vần trong ác đạo, ở mãi trong nẻo khổ). Không như thế gian này, chúng sanh trong thế gian này, lục đạo luân hồi là biển cả sanh tử. “Đầu xuất” là giống như quý vị ở trong biển, ngoi đầu lên hít một hơi không khí trong lành, đó là gì? Tam thiện đạo, lập tức chìm xuống dưới. Do vậy, trong lục đạo, quý vị nhất định phải biết, thời gian trong thiện đạo rất ngắn, thời gian trong ác đạo rất dài! Quý vị thấy trong thiện đạo tạo bao nhiêu ác nghiệp, vào trong ba ác đạo tiêu sạch những nghiệp ấy rồi quý vị mới thoát ra. Lúc thoát ra, lại tạo ác. Thời gian thoát ra ngắn ngủi, [thời gian] tạo tác ác nghiệp thì nhiều, lại đọa xuống! Vì thế, nhà của chúng sanh trong lục đạo ở đâu? Nhà ở trong tam ác đạo, thoát [khỏi tam ác đạo] là lữ du, là đi ngắm cảnh. Lần này đi ngắm cảnh, gặp gỡ Phật pháp, thù thắng khôn sánh! Nếu quý vị có thể thật sự nắm vững, sẽ vĩnh viễn rời tam ác đạo, vĩnh viễn vượt thoát lục đạo luân hồi, đó là đúng! Nếu chẳng thể nắm vững cơ duyên này, nhất định phải biết: Quý vị vẫn tiếp tục ở trong lục đạo, vẫn phải tiếp tục chờ đợi trong tam ác đạo, thời gian chờ đợi vô cùng dài, khổ chẳng thể nói nổi! Thật sự giác ngộ điều này, mới thật sự phát Bồ Đề tâm, thật sự chịu niệm Phật, thật sự chịu buông xuống! Trên con đường Bồ Đề, phải dựa vào chính mình, chính mình chẳng thật sự phát tâm, thật sự phát nguyện, Phật, Bồ Tát đều chẳng giúp được. Thật sự phát tâm, sẽ cảm động chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát đại từ, đại bi, tìm đến chúng sanh hữu duyên. Hữu duyên là gì? Thật sự phát tâm, phát nguyện sẽ là người hữu duyên. Nguyện tâm ấy không dấy lên nổi, chân tâm chẳng phát ra được, A Di Đà Phật dẫu từ bi cũng chẳng có cách nào giúp đỡ quý vị! Ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tới đây.


[1] Tứ Hướng là bốn địa vị hướng tới Tứ Quả, gồm:

1. Dự Lưu Hướng (Srotāpatti-pratipannaka), bắt đầu kiến đạo, mới thấy được lý Tứ Thánh Đế, đắc huệ nhãn vô lậu thanh tịnh (còn gọi là thanh tịnh pháp nhãn), tiến thẳng về Sơ Quả (Dự Lưu Quả, Tu Đà Hoàn) chẳng đọa trong ba ác thú. Do chưa chứng quả, nhưng chắc chắn sẽ chứng, nên gọi là Hướng.

2. Nhất Lai Hướng (Sakrdāgāmi-pratipannaka): Đoạn trừ sáu phẩm đầu trong chín phẩm Tu Hoặc trong Dục Giới, nhưng chưa đoạn ba phẩm sau nên còn phải thác sanh lần nữa trong thiên giới.

3. Bất Hoàn Hướng (Anāgāmi-pratipannaka): Bậc thánh giả đã chứng quả Nhất Lai, sắp đoạn trừ ba phẩm cuối trong Tu Hoặc, tuy cố gắng đoạn ba phẩm cuối, vẫn chưa đoạn hết, còn sót một hai phẩm, chưa hoàn toàn chứng đắc Tam Quả (Bất Hoàn Quả), nên gọi là Bất Hoàn Hướng.

4. A La Hán Hướng (Arhat-pratipannaka), còn gọi là Vô Học Hướng, là bậc thánh giả đã đắc Tam Quả, tiến hướng địa vị A La Hán, nhưng chưa chứng nhập.

Tu Hoặc nói đủ là Tu Đạo Sở Đoạn Hoặc, tức là một danh xưng khác của Tư Hoặc.

[2] Núi Kê Túc ở huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam, nằm ranh giới các huyện Tân Xuyên Đặng Xuyên, Vĩnh Thắng, Hạc Khánh, Nhị Nguyên v.v… Ngọn cao nhất đến 3.248 mét. Do hình thế của núi giống như cái chân gà nên gọi là Kê Túc. Đúng ra, phải gọi là rặng núi vì Kê Túc gồm có đến 47 quả núi nhỏ họp lại. Cảnh nổi tiếng nhất gọi là Thiên Trụ Phật Quang. Vào cuối Hạ, sang Thu, sau khi mưa tạnh, bốn phía ngọn Thiên Trụ có mây ráng vờn quanh giống như ngọn núi tỏa hào quang bảy màu. Nơi này cũng có rất nhiều chùa, tám ngôi đại tự, ba mươi bốn chùa nhỏ hơn, sáu mươi lăm am viện, và hơn một trăm bảy mươi tịnh thất. Tăng nhân đến hơn năm ngàn người.

[3] Hoa Thủ Môn là một thắng cảnh tại núi Kê Túc. Ở phía Tây Nam của tháp Lăng Nghiêm, có một vách đá rộng hơn hai mươi mét, cao hơn bốn mươi mét, dựng đứng như tường thành, chính giữa có vết lõm trông như một cánh cửa đóng kín. Cảnh quan hùng vĩ nhất là những khi mưa to gió lớn, sấm giăng, chớp giật, mưa tạt vào vách đá Hoa Thủ Môn trông rất ngoạn mục, tiếng sấm bị vách núi vọng lại ầm ĩ khiến người nghe kinh tâm động phách.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *