Tập 24/600 – Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
Thời gian: Từ 5/4/2010

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang.
Thu Âm: Trung tâm Diệu Pháp Âm.
Diễn đọc: Huy Hồ.

Mã AMTB: 02-039-0001 đến 02-039-0600.

MP3 Tự động phát trên Chrome, nếu không tự động phát, vui lòng bấm nút Play ▶️ ở dưới.

TỔNG CỘNG 600 TẬP

001 002 003 004 005 006 007 008 009 010 011 012 013 014 015 016 017 018 019 020 021 022 023 024 025 026 027 028 029 030 031 032 033 034 035 036 037 038 039 040 041 042 043 044 045 046 047 048 049 050 051 052 053 054 055 056 057 058 059 060 061 062 063 064 065 066 067 068 069 070 071 072 073 074 075 076 077 078 079 080 081 082 083 084 085 086 087 088 089 090 091 092 093 094 095 096 097 098 099 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246 247 248 249 250 251 252 253 254 255 256 257 258 259 260 261 262 263 264 265 266 267 268 269 270 271 272 273 274 275 276 277 278 279 280 281 282 283 284 285 286 287 288 289 290 291 292 293 294 295 296 297 298 299 300 301 302 303 304 305 306 307 308 309 310 311 312 313 314 315 316 317 318 319 320 321 322 323 324 325 326 327 328 329 330 331 332 333 334 335 336 337 338 339 340 341 342 343 344 345 346 347 348 349 350 351 352 353 354 355 356 357 358 359 360 361 362 363 364 365 366 367 368 369 370 371 372 373 374 375 376 377 378 379 380 381 382 383 384 385 386 387 388 389 390 391 392 393 394 395 396 397 398 399 400 401 402 403 404 405 406 407 408 409 410 411 412 413 414 415 416 417 418 419 420 421 422 423 424 425 426 427 428 429 430 431 432 433 434 435 436 437 438 439 440 441 442 443 444 445 446 447 448 449 450 451 452 453 454 455 456 457 458 459 460 461 462 463 464 465 466 467 468 469 470 471 472 473 474 475 476 477 478 479 480 481 482 483 484 485 486 487 488 489 490 491 492 493 494 495 496 497 498 499 500 501 502 503 504 505 506 507 508 509 510 511 512 513 514 515 516 517 518 519 520 521 522 523 524 525 526 527 528 529 530 531 532 533 534 535 536 537 538 539 540 541 542 543 544 545 546 547 548 549 550 551 552 553 554 555 556 557 558 559 560 561 562 563 564 565 566 567 568 569 570 571 572 573 574 575 576 577 578 579 580 581 582 583 584 585 586 587 588 589 590 591 592 593 594 595 596 597 598 599 600

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 24/600

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai mươi bốn, dòng thứ tư, chúng ta xem từ câu đầu tiên.

“Thuận Bồ Đề môn giả, Bồ Tát viễn ly như thị tam chủng Bồ Đề môn tương vi pháp, tức đắc tam chủng tùy thuận Bồ Đề môn pháp” (Thuận Bồ Đề môn: Bồ Tát xa lìa ba pháp trái nghịch Bồ Đề như thế, liền đắc ba pháp tùy thuận Bồ Đề môn). Phía trước câu này sót một chữ, tức chữ “nhị”, vì trong đoạn thứ nhất thuộc phần trước đã ghi: “Tiên tu ly tam chủng dữ Bồ Đề môn tương vi pháp” (trước hết, cần phải lìa ba pháp trái nghịch Bồ Đề môn) đã nói xong. Ở chỗ này sẽ giảng về “thuận Bồ Đề môn”; thuận Bồ Đề môn cũng có ba điều, tiếp đó, sách viết: “Hà đẳng vi tam: Nhất giả, vô nhiễm thanh tịnh tâm, bất vị tự thân cầu an lạc cố. Bồ Đề thị vô nhiễm thanh tịnh xứ, nhược vị tự thân cầu lạc, tức vi Bồ Đề môn, thị cố vô nhiễm thanh tịnh tâm thị thuận Bồ Đề môn” (Những gì là ba? Một là tâm vô nhiễm thanh tịnh, chẳng cầu an lạc cho chính mình. Bồ Đề là chỗ vô nhiễm thanh tịnh. Nếu cầu vui sướng cho bản thân chính là trái nghịch Bồ Đề môn. Vì thế, tâm vô nhiễm thanh tịnh là Bồ Đề môn). Đề mục của đoạn lớn này là Nhất Kinh Tông Thú, nếu nói theo cách bây giờ, sẽ là y theo nguyên tắc chỉ đạo tu học tối cao của bộ kinh này. Nguyên tắc chỉ đạo này đã được nêu chung trong phần trước: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đấy là nguyên tắc chỉ đạo tu học tối cao trong Tịnh Tông. Ở đây, vì chúng ta nói chi tiết: Đắc thanh tịnh tâm như thế nào? Đặc biệt là trong tựa đề của bộ kinh này, nửa sau nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, nêu ra cương lĩnh tu hành. Có Tông, đó là tông chỉ, tức tông chỉ tu học của bộ kinh này. “Thú” là quả, ta chiếu theo phương pháp này để tu, trong tương lai sẽ đắc quả báo ra sao. Cái quả nằm ngay trong nửa trước của tựa đề kinh. Quý vị đạt được điều gì? Đạt được “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, quý vị thấy quả báo này thù thắng lắm! Trong kinh Hoa Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng Như Lai”, ai nấy đều có, vốn sẵn có. Do vậy, giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật” .

          Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa này của đức Phật, chẳng phải là mê tín. Phật là tiếng Ấn Độ, người Ấn Độ gọi là Phật, người Trung Quốc gọi là thánh nhân. Do vậy, Phật và thánh nhân có cùng một ý nghĩa. Chữ “thánh nhân” của Trung Quốc nên giảng như thế nào? Thánh (聖) là thông đạt, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đó là “thánh”. Chữ Phật trong tiếng Ấn Độ nghĩa là Giác, cũng là hoàn toàn giác ngộ, hiểu rõ chân tướng của nhân sinh và vũ trụ; đúng là có cùng một ý nghĩa. Phật giáo truyền tới Trung Quốc, chữ này được dịch âm. Nói thật ra là có thể dùng chữ Thánh của tiếng Hán để dịch. Có những [đoạn kinh văn] trong Phật pháp, [gọi Phật] là Đại Thánh, điều này rất thích hợp với khẩu vị của người Hoa, Đại Thánh Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, quý vị hiểu rõ văn tự, sẽ chẳng nói Phật giáo là mê tín. Quý vị chẳng hiểu ý nghĩa, tưởng Phật là thần, Bồ Tát là thần, La Hán là thần, hoàn toàn sai lầm! Trong Phật giáo, Phật, Bồ Tát, A La Hán là những danh xưng học vị: Phật là tối cao, người Trung Quốc gọi là Thánh. Cấp thấp hơn thánh nhân là hiền nhân, cấp thấp nhất là quân tử. Trong Phật pháp cũng có ba đẳng cấp, tối cao là Phật Đà, thứ nhì là Bồ Tát, kém hơn nữa là A La Hán. Ba danh xưng học vị, chớ nên không hiểu rõ!

          Sự giáo học của Phật nhằm mục tiêu cuối cùng, tột bậc là dạy chúng ta trở về tự tánh, vì sao? Tự tánh viên mãn. Tổ tiên dạy chúng ta: Bổn tánh vốn lành, Phật gọi là tự tánh, còn gọi là bổn tánh. Hai câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (tánh con người thoạt đầu vốn lành), quý vị làm thế nào để trở về bổn thiện thì sự giáo học này sẽ đạt được! Vì sao chẳng thấy bổn thiện? Vì quý vị có tập tánh bất thiện. Tam Tự Kinh nói rất rõ ràng: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Tánh thì gần giống nhau, do được giáo dục mà trở thành khác xa). Tánh của mọi người đều như nhau, đều là chí thiện. Thiện ấy chẳng phải là thiện trong thiện ác, phải hiểu rõ: Thiện ấy là danh từ nhằm ca ngợi nó quá hoàn mỹ, chẳng có một chút khiếm khuyết nào. Trong tự tánh có vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, nay chúng ta nói tới tướng hảo là nói tới phước báo, vô lượng phước báo mà chính quý vị vốn có, vì sao mất đi? Nay ở trong thế gian này, chúng ta thấy trí huệ bất bình đẳng, đức hạnh cũng chẳng bình đẳng, phước báo cũng không bình đẳng, do duyên cớ nào? Do nghiệp chướng của chính quý vị có dầy hay mỏng khác nhau. Nghiệp chướng dầy, thông minh, trí huệ kém sút; nghiệp chướng mỏng, thông minh trí huệ hơn một chút. Do vậy, trí huệ và đức tướng đều như nhau, nhưng vì phiền não có dày, mỏng, cạn, sâu khác nhau, cho nên lộ ra chẳng giống nhau.

          Giáo học của Phật Đà chẳng có gì khác, nhằm dạy chúng ta xa lìa tập khí phiền não, buông xuống, thảy đều buông xuống, quý vị sẽ thành Phật, sẽ hoàn toàn khôi phục. Phiền não tập khí vô lượng vô biên, Thích Ca Mâu Ni Phật quy nạp thành ba loại lớn, nhằm mục đích dễ nói hơn, dễ giảng hơn trong khi dạy học. Mỗi loại đều là vô lượng vô biên, chẳng thể tính đếm được:

– Loại thứ nhất gọi là Vô Minh phiền não, kinh Hoa Nghiêm gọi loại này là vọng tưởng, còn trong giáo pháp Đại Thừa gọi nó là Vô Minh phiền não; đây là một loại.

– Loại thứ hai là Trần Sa phiền não. Trần Sa là tỷ dụ các phiền não ấy nhiều như bụi, cát; trong kinh Hoa Nghiêm, chúng được gọi là phân biệt. Vì thế, phân biệt là phiền não, tức Trần Sa phiền não.

– Loại lớn thứ ba gọi là Kiến Tư phiền não. Kiến là kiến giải của quý vị sai lầm, Tư là tư tưởng, quý vị nghĩ trật rồi, nghĩ sai chân tướng sự thật rồi, thấy sai rồi. Điều này gọi là Kiến Tư phiền não. Kinh Hoa Nghiêm gọi loại này là chấp trước, chấp trước là Kiến Tư phiền não.

Quý vị có thể buông chấp trước xuống, sẽ chứng quả A La Hán, được gọi là bậc A La Hán, đã đạt được học vị thứ nhất, chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Nếu tiến hơn một bước nữa, không chỉ chẳng chấp trước, mà phân biệt cũng không có, quý vị là Bồ Tát, đạt được học vị thứ hai. Học vị tối cao là lục căn đối với cảnh giới lục trần chẳng khởi tâm, không động niệm, đấy là chẳng có Vô Minh phiền não. Vô Minh phiền não là khởi tâm động niệm; chẳng khởi tâm, không động niệm, quý vị sẽ thành Phật, đạt được học vị tối cao. Đó là ba danh xưng học vị.

          Do vậy, các đồng học nhất định phải biết, hiện nay Phật giáo biến thành tôn giáo, chúng ta đều là tội nhân đối với Thích Ca Mâu Ni Phật, cớ sao hai ngàn năm trăm năm sau khi lão nhân gia [nhập diệt], giáo học đã biến thành tôn giáo? Chúng ta phải biết: Chúng ta chẳng trọn hết trách nhiệm. Thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng dính líu gì đến tôn giáo, mười chín tuổi cầu học, tham học, ba mươi tuổi khai ngộ. Khổng lão phu tử cũng thế, mười lăm tuổi dốc chí học hành, ba mươi tuổi hoàn tất. Thánh nhân Đông Phương và Tây Phương có rất nhiều chỗ tương đồng; nhưng sau khi khai ngộ, đức Thế Tôn liền giáo học, suốt đời làm công tác này. Thân hành, ngôn giáo, Ngài thật sự làm được, làm được toàn bộ những điều Ngài đã giảng. Nếu Ngài làm không được, sẽ chẳng nói; hễ nói ra, đều thật sự làm được, nêu gương tốt cho mọi người chúng ta. Dạy bao lâu? Dạy suốt cả đời, bảy mươi chín tuổi viên tịch. Vì thế, trong kinh giáo, thường thấy ghi: “Giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm”. Từ ba mươi tuổi bắt đầu, đến bảy mươi chín tuổi [viên tịch], sống một ngày bèn dạy một ngày, vui thích dạy dỗ chẳng mệt mỏi. Nói theo cách bây giờ, Ngài mang thân phận gì? [Giáo dục] đa nguyên văn hóa! Có thể nói là đa nguyên, vì Ngài chẳng phân biệt quốc gia, tôn giáo, tín ngưỡng, cũng chẳng phân chia dân tộc, là một nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, thật sự mang thân phận ấy. Chính Ngài thì sao? Chính Phật là một người thực hiện nghĩa vụ công tác giáo dục xã hội đa nguyên, chẳng lấy học phí, cuộc sống rất đơn giản, trưa ăn một bữa, ngủ dưới cội cây, ăn cơm từ chỗ nào? Khất thực, đúng là “nhất bát thiên gia phạn” (một bát cơm ngàn nhà), lời này là sự thật, chẳng giả. Quý vị mở kinh điển ra xem, sẽ thấy: Các vị thường tùy đệ tử của Phật, tức là những người thường theo Ngài chẳng rời, đức Phật tới nơi đâu, họ theo tới đó, một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, mỗi người đều ra ngoài khất thực, tức là một ngàn hai trăm mấy cái bát. Khất thực chẳng phải là ta xin được bèn ăn, chẳng phải vậy! Trở về đổ dồn cơm vào với nhau, sau đấy, chia ra ăn. Do vậy, cơm trong bát của mỗi người đều là do xin từ ngàn nhà về. Chúng ta liễu giải chân tướng sự thật này, biến Phật giáo thành tôn giáo là do lũ học trò đời sau chúng ta đại bất hiếu, cớ sao biến Phật giáo thành ra nông nỗi này? Là học trò thật sự của đức Phật, phải khôi phục diện mạo vốn có, diện mục vốn có của Phật giáo là giáo học.

          Phật giáo truyền tới Trung Quốc là do hai vị đại đức Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung Quốc. Thuở ấy, Hán Minh Đế bái họ làm thầy; do vậy, họ biến thành quốc sư. Họ vốn đều là khất thực, đều ngủ dưới cội cây, nay làm thầy hoàng thượng; tại Trung Quốc, nếu thầy của hoàng thượng ra ngoài khất thực, đến ngủ dưới cội cây, người ta sẽ chửi bới hoàng đế chết mất! Ngươi làm hoàng đế kiểu gì? Làm sao có thể khiến cho thầy nhà ngươi sống như vậy được! Do vậy, sau khi đến Trung Quốc, họ đành bỏ truyền thống xưa ấy, quý vị thấy: Hằng thuận chúng sanh, tùy thuận tập quán của dân Trung Quốc. Hoàng thượng cũng ban cho họ cung điện, dựng chùa (tự), “tự” là gì? Quý vị phải biết: Tự (寺) là cơ cấu làm việc của chính phủ, là một cấp hành chánh trực thuộc hoàng đế cai quản, đó là Tự. Quý vị tới thăm Cố Cung. Trong Cố Cung có rất nhiều tấm biển, như Hồng Lô Tự, Thái Thường Tự, đấy đều là các đơn vị cấp dưới của hoàng đế, do hoàng đế trực tiếp quản trị, gọi là Cửu Tự. Trưởng quan của chín tự gọi là Khanh, Tam Công Cửu Khanh; Tam Công[1] là cố vấn của hoàng thượng, địa vị rất cao, Cửu Khanh là thủ trưởng đơn vị ở dưới họ một cấp. Đơn vị dưới Tể Tướng một cấp là Bộ. Thủ trưởng của Bộ gọi là Thượng Thư. Thượng Thư là Bộ Trưởng. Thị Lang là Thứ Trưởng. Do vậy, cơ cấu dưới hoàng thượng một cấp sẽ cao hơn Tể Tướng một bậc. Cấp dưới của Tể Tướng gọi là Thượng Thư, còn họ (những người đứng đầu cửu tự) gọi là Khanh, tức Tam Công Cửu Khanh. Cơ cấu làm việc của Phật giáo cũng gọi là Tự, do hoàng thượng trực tiếp nắm giữ. Do vậy, Trung Quốc vào thời ấy trở thành có hai bộ giáo dục: Bộ giáo dục dưới quyền Tể Tướng là bộ Lễ, sắp theo thứ tự thuận, bộ Lễ đứng đầu, đây là [quy chế] do tổ tiên Trung Quốc truyền lại. Bất luận là gia đình hay quốc gia, đều xếp giáo dục lên đầu. “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (xây dựng đất nước, cai trị nhân dân, giáo dục làm đầu). Quý vị thành lập một chính quyền, “quân” là người lãnh đạo, lãnh đạo nhân dân, coi điều gì là bậc nhất? Giáo dục bậc nhất. Vì thế, bộ Lễ là bộ thứ nhất. Khi Tể Tướng có việc chẳng thể coi sóc chính sự, Thượng Thư bộ Lễ sẽ thay mặt, quý vị thấy địa vị của ông ta rất cao! Nhìn vào chế độ thời cổ của Trung Quốc, bất luận là gia đình hay quốc gia, đều xếp giáo dục vào bậc nhất; nói cách khác, hết thảy đều nhằm phục vụ giáo dục. Do vậy, quốc gia mấy ngàn năm ổn định, đạo lý ở chỗ này!

          Dạy những gì? Giáo dục vun bồi căn bản, giáo dục cơ sở trong ba năm đầu. Trẻ nhỏ từ lúc sanh ra cho đến ba tuổi là giáo dục vun bồi căn bản, do mẹ dạy. Vai trò người thầy đầu tiên của đứa trẻ do mẹ nó đảm nhận, dạy gì? Nay tôi nói với mọi người: Đấy chính là Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy chẳng phải là dạy trẻ nhỏ đọc, mà là cha mẹ [làm gương] cho con thấy. Trẻ nhỏ vừa sanh ra, mở mắt ra nó có thể thấy, tai nó có thể nghe, nó đã đang học tập. Quý vị thấy từ lúc sanh ra cho đến ba tuổi, nó học một ngàn ngày. Trong một ngàn ngày ấy, trong sự giáo dục trước đây, điều được hết sức coi trọng là hết thảy những thứ phản diện chẳng để cho trẻ nhỏ thấy, nghe, hay tiếp xúc, hết thảy những gì nó được tiếp xúc đều là chính diện. Cha mẹ trước mặt con luôn lịch sự, từ tốn. Do vậy, cổ ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Tam tuế khán bát thập”, [ý nói] ba tuổi vun bồi căn bản, tám mươi tuổi sẽ chẳng biến đổi. Sự giáo dục này nhằm vun bồi cội sâu rễ vững. Sách Đại Học có câu: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm”, bồi dưỡng lúc nào? Bồi dưỡng trong ba năm một ngàn ngày ấy, vun bồi cội rễ thật tốt! Sau này, nó đi học, thầy giáo là sự tiếp tục của gia giáo, kéo dài gia giáo. Thầy giáo phải nêu gương cho học trò thấy, thầy thay thế bậc trưởng thượng trong gia đình. Bậc trưởng thượng làm như thế, thầy cũng làm như thế, lòng tin của trẻ đã được đặt vững rồi. Vì thế, trước kia, giáo dục của Trung Quốc thành công như thế đó!

Kiểu giáo dục ấy đến khi nào chẳng còn nữa? Sau khi Dân Quốc thành lập, quan niệm giáo dục ấy còn được kéo dài hai mươi năm, sau năm Dân Quốc thứ hai mươi (1931) bèn chẳng còn nữa! Nó bị triệt để tiêu diệt sau thời chiến tranh Trung Nhật, sau tám năm kháng chiến, hoàn toàn chẳng còn nữa. Do vậy, tôi thường nói: Chúng ta và Nhật Bản đánh nhau tám năm, người bị tử thương, tổn thất sanh mạng, tài sản là chuyện nhỏ, bé nhỏ không đáng kể; tổn thất lớn nhất gia đình truyền thống và nền gia giáo truyền thống bị mất đi, tổn thất quá lớn. Đối với sự tổn thất này, nếu chúng ta không có tâm cảnh giác cao độ để khôi phục ngay lập tức, dân tộc sẽ bị diệt vong. Trong bốn nền văn minh cổ[2] trên thế giới, ba nền văn minh khác không có điều này (gia đình truyền thống và nền gia giáo truyền thống), chỉ riêng Trung Quốc có. Nếu Trung Quốc vứt bỏ truyền thống này, cổ văn minh của Trung Quốc sẽ tiêu mất! Tôi tin rằng chưa đầy ba mươi năm, Trung Quốc sẽ chẳng còn gì hết! Nền giáo dục ấy bị mất đi là chuyện đáng buồn nhất của nhân loại trên toàn thế giới, không riêng gì Trung Quốc bị tổn thất mà cả thế giới đều bị tổn thất. Thập niên 70, ông Thang Ân Tỷ (Arnold J. Toynbee) thường nói, ông này là một nhà sử học người Anh, ông ta nói: “Giải quyết vấn đề xã hội trong thế kỷ hai mươi mốt, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh của Trung Quốc và Đại Thừa Phật pháp”. [Điều này do] người khác nói, chẳng phải do tôi nói, nói thật sự có lý. Ngày nay, chúng ta khôi phục nền giáo dục của đức Phật bằng cách nào? Phật giáo là giáo dục, chẳng phải là tôn giáo. Làm thế nào để khôi phục truyền thống giáo dục Nho gia và Đạo gia Trung Quốc? Truyền thống Trung Quốc chắc chắn chẳng tách lìa Nho, Thích, Đạo. Nho, Thích, Đạo trên hình thức thì có, trên thực tế đã chẳng còn nhìn thấy nữa! Người học Nho cũng học Đạo và Phật, người học Phật cũng học Nho và học Đạo, môn nào cũng đều thông, thứ gì cũng đều hiểu. Đây là một nhận thức căn bản đối với văn hóa truyền thống mà chúng ta phải hiểu rõ, phải minh bạch.

          Hiện thời, muốn khôi phục, chẳng cần phải dựng chùa miếu, đó là [cách làm] trong thời đại đế vương trước kia, không cần tạo dựng hình thức ấy. Hiện thời, những chùa miếu ấy là cổ tích, là nơi để vãn cảnh du lịch, có đặc tính hấp dẫn lịch sử, chuyện ấy tốt lắm, nhưng chẳng thể dạy học. Cần xây dựng trong hiện thời là trường học. Trước kia, tôi thường gặp cụ Triệu Phác Sơ[3], hầu như hàng năm tôi đều về thăm cụ. Tôi đề nghị với cụ, hiện tại giao thông thuận tiện, truyền thông phát triển, Phật giáo Trung Quốc là mười tông phái, mười tông phái đều khôi phục, mỗi tông phái thành lập một đạo tràng, giống như viện đại học tại ngoại quốc, tìm một cuộc đất thuận lợi để xây dựng, thành lập viện đại học, chia thành hai bộ phận: Một bộ phận là Giải môn, bộ phân kia là Hành môn. Về danh xưng, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã từng đề nghị, đề nghị ấy hết sức hay! Bộ phận tu hành gọi là Học Hội, chúng ta là Tịnh Độ Tông thì Tịnh Tông Học Hội là bộ phận tu hành, còn bộ phận nghiên cứu lý luận và kinh điển được gọi là Tịnh Tông Học Viện. Đối với Thiên Thai Tông thì là Thiên Thai Học Hội và Thiên Thai Học Viện. Đấy là danh xưng được hiện đại hóa, mọi người vừa nhìn vào liền liễu giải, đó là đúng. Hoa Nghiêm Học Viện, Hoa Nghiêm Học Hội, danh xưng ấy khiến cho người ta chẳng mê hoặc tí nào. Đấy là một đề nghị hết sức hay! Nếu chúng ta thật sự hiểu, thật sự làm, có như vậy thì mới có thể phục hưng văn hóa truyền thống Trung Quốc, tối thiểu Trung Quốc sẽ có một ngàn năm hưng thịnh xuất hiện, ngàn năm thịnh vượng và ổn định lâu dài. Trung Quốc hưng thịnh, nhất định sẽ hướng dẫn thế giới tiến đến hòa bình, yên định, quý vị nói xem chuyện này có vĩ đại lắm hay không? Rất có ý nghĩa!

          Trong thời kỳ Mạt Pháp, trong giáo pháp Đại Thừa, kinh Vô Lượng Thọ thù thắng khôn sánh. Chúng tôi vừa nói đến đề kinh, quý vị thấy cái tâm thanh tịnh và quả báo đạt được do tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là nhân, quả là trang nghiêm, trang nghiêm là đẹp đẽ, tốt lành. Tâm bình đẳng là định, là tam-muội, quả báo là vô lượng thọ, đó là đức. Sau đó là giác, giác chứ không mê, quả báo là Đại Thừa. Đại Thừa là trí huệ, kinh Hoa Nghiêm nói: Tự tánh vốn trọn đủ đức tướng Bát Nhã. Đức là vô lượng thọ, tướng là trang nghiêm, trí huệ Bát Nhã là Đại Thừa, [những nhân và quả này] đều được đặt trong tựa đề kinh, tu nhân, chứng quả, đấy là Tông Thú của kinh này. Nay điều đầu tiên được dạy trong kinh này là: Vô nhiễm là tâm thanh tịnh. Nhiễm là ô nhiễm; nay tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, vì sao? Có chấp trước, có phân biệt, có phải như vậy hay không? Nói chẳng tận. Nói đơn giản thì chấp trước cái thân là ta, đó là ô nhiễm. Quý vị còn có Thân Kiến, đó là cái ải đầu tiên, chấp trước thân là ta. Đức Phật nói thân này chẳng phải là ta. Thân là gì? Thân là “ngã sở”, tức là cái mà ta có. Giống như y phục, y phục là cái ta có, chẳng phải là ta, mọi người hiểu điều này dễ dàng. Y phục dơ bẩn thì thay bộ khác. Cùng một đạo lý, thân chẳng phải là ta, thân là cái mà ta có, sử dụng vài chục năm, giống như một cỗ máy, chẳng sử dụng ngon lành nữa thì đổi lấy cái mới, đổi lấy một thân thể mới. Đó là đúng!

          Người thật sự có công phu, các khoa học gia hiện thời bảo: Tế bào của con người, tức tế bào trong thân thể, cứ bảy năm là một chu kỳ, mỗi ngày chúng đều thay đổi. Sau bảy năm, những tế bào cũ đều chẳng còn, đổi mới toàn bộ. Nếu chúng ta hỏi, vì sao nó càng thay đổi càng tệ? Lão hóa, chứ không phải là tệ đi. Càng thay đổi càng chẳng được lanh lợi, sáng suốt, vì sao chẳng đổi thành một cỗ máy mới? Nếu đổi thành cỗ máy mới, quý vị sẽ trường sanh bất lão, vì sao lại càng thay đổi càng kém cỏi? Quý vị suy nghĩ đạo lý này sẽ hiểu: Thuở nhỏ ngây thơ, từ mười tuổi đến hai mươi tuổi, từ bảy tuổi tới mười bốn tuổi, hai mươi mốt tuổi, mỗi lúc thay đổi, gần như đều là đổi mới, không có gì sai khác, thật là tốt. Sau hai mươi tuổi, cứ mỗi bảy năm sau chẳng bằng bảy năm trước đó, vì sao? Vì tự tư tự lợi dấy lên, vì vọng niệm dấy lên, chạy theo dục vọng, tham, sân, si, mạn, thôi rồi, càng thay đổi càng kém cỏi hơn, càng già hơn, chấp trước càng nghiêm trọng, càng kém hơn, đạo lý là như thế đó. Tế bào trên thân thể thay đổi, nghe theo lệnh của ai? Nghe theo ý niệm của chúng ta. Do vậy, nếu quý vị thật sự đắc thanh tịnh tâm, sự thay đổi toàn là tốt đẹp. Cũng có nghĩa là quý vị chẳng có tướng già yếu. Nếu quý vị đắc tâm bình đẳng, khi thay đổi sẽ gần giống như đổi mới. Chúng ta nói: “Bồ Tát niên niên thập bát” (Bồ Tát mỗi năm đều là mười tám). Bồ Tát thay đổi thân tướng, do có tâm bình đẳng, các Ngài không chỉ thanh tịnh, mà còn đạt đến bình đẳng, thanh tịnh là tâm A La Hán, bình đẳng là tâm Bồ Tát. Giác là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là tâm Phật. Vì thế, “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là ba giai đoạn, họ hiểu được. Phàm nhân chúng ta lo được, lo mất, tham lam không chán, nên càng thay đổi càng tệ, năm sáu chục tuổi đã suy, hoàn toàn không biết đến chân tướng sự thật nên mới sanh ra hậu quả như thế.

          Quý vị thấy Bồ Tát dạy chúng ta, chúng ta tu Tịnh Độ, mục tiêu cuối cùng là cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cầu sanh về thế giới Cực Lạc, điều kiện khẩn yếu thứ nhất, chư vị phải ghi nhớ, trong kinh thường nói: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Tâm địa quý vị chẳng thanh tịnh, suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày niệm mấy chục vạn tiếng, chẳng nhất định có thể vãng sanh. Vì sao? Tâm không thanh tịnh. Tới thế giới Cực Lạc để làm gì? Hưởng thụ! Thế giới Cực Lạc tốt đẹp quá, ta đến đó hưởng phước, do ý niệm này sẽ chẳng thể vãng sanh, do quan niệm ấy hoàn toàn trái nghịch thế giới Cực Lạc! Cần biết: Thế giới Cực Lạc là trường học, quý vị cũng chẳng thể coi trường học là nhà mình. Bước vào trường, chẳng nghĩ sẽ rời khỏi, chẳng thể được! Sau khi tốt nghiệp, nhất định phải rời khỏi, nơi ấy là chỗ bồi dưỡng, huấn luyện quý vị thành Phật, quý vị đến học [chứ không phải đến để hưởng phước]! Sau khi thành Phật, phải rời khỏi. Rời khỏi để đến đâu? Đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, chẳng thể quyến luyến mãi nơi ấy. Quý vị có một động cơ như vậy, không chỉ A Di Đà Phật chẳng tiếp dẫn quý vị, mà cư dân trong thế giới Cực Lạc cũng phản đối quý vị, làm sao quý vị đến được? Do vậy, điều kiện đầu tiên là tâm vô nhiễm, thanh tịnh.

Đã nhiều năm qua, tôi thường khuyên mọi người, chúng ta học Phật điều đầu tiên là học thanh tịnh. Tôi nêu ra mười sáu chữ, buông tự tư tự lợi xuống, buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, buông ngũ dục lục trần xuống, buông tham, sân, si, mạn xuống! Thật sự làm được mười sáu chữ này, có nhập môn hay không? Thưa quý vị, chưa nhập môn! Tôi nói rất minh bạch, chớ nên hiểu lầm lời tôi nói, tôi đã dẫn quý vị đến cửa ngõ, đưa tới cửa ngõ. Nhập môn thì sao? Phải thỏa điều kiện nêu trong kinh Phật, [tức là] phải buông Thân Kiến xuống. Cái thân này thật sự chẳng phải là ta, đừng vì thân này tạo nghiệp nữa. Đó là đúng! Quý vị mới có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, quyết định chẳng vì thân này nữa, thân bỏ đi. Điều thứ hai là phải buông Biên Kiến xuống. Nói đơn giản, Biên Kiến là đối lập. Chẳng còn đối lập với người khác, người khác đối lập với ta, nhưng ta chẳng đối lập với họ. “Biên” (邊) là nhị biên (二邊), không chỉ chẳng đối lập với hết thảy mọi người, mà với hết thảy động thực vật cũng chẳng đối lập. Đối với núi, sông, đại địa cũng chẳng đối lập, đối với hiện tượng tự nhiên cũng không đối lập, ý niệm đối lập chẳng có. Quý vị phải hiểu: Buông ý niệm đối lập xuống, đó là cảnh giới gì? Khắp pháp giới hư không giới và chính mình là nhất thể, nhất thể chẳng đối lập, đối lập chẳng phải là nhất thể. Trong đối lập nẩy sanh phiền não, căn nguyên của tất cả hết thảy phiền não do đây sanh ra. Do vậy, phải buông nó xuống! Lại còn phải buông thành kiến xuống, người Trung Quốc hay nói: “Người nào đó có thành kiến rất sâu”. Phật pháp chia “thành kiến” thành hai loại lớn: Một là thành kiến nơi nhân. Hai là thành kiến nơi quả. Chẳng có thành kiến, con người đạt đến mức không có thành kiến, sẽ xử sự, đãi người, tiếp vật thuận buồm xuôi gió, vì sao? Chính mình chẳng có ý nghĩ gì, người khác đều tốt, nhưng quý vị có trí huệ, có thể phán đoán. Người khác đề ra điều gì tốt đẹp, quý vị nhất định phục tùng, nhất định tùy thuận. Người khác nêu ra thứ gì bất thiện, quý vị có thể uốn nắn, khuyên lơn kẻ ấy; nếu nhận thấy kẻ ấy chẳng thể lý giải, chẳng thể tiếp nhận, bèn cười cho qua. Tận hết sức tránh né hậu quả, tức hậu quả của cái nhân bất thiện ấy, đó là đúng, vĩnh viễn vui sướng. Đấy mới là thật sự nhập môn, nhập pháp môn của Phật.

          Nhập Phật môn: Trong Tiểu Thừa [nhập môn] là đã chứng quả Tu Đà Hoàn, tức Sơ Quả của Tiểu Thừa. Trong Đại Thừa, như kinh Hoa Nghiêm đã giảng, [nhập môn] thuộc địa vị Sơ Tín trong hàng Thập Tín Bồ Tát của Viên Giáo. Thập Tín là Tiểu Học, quý vị đã vào học lớp Một Tiểu Học. Tôi nói mười sáu chữ để dẫn quý vị đến cửa lớp Một, quý vị sử dụng tiêu chuẩn ấy của Phật sẽ vào lớp. Hễ vào rồi, tuy rất thấp, địa vị rất thấp, nhưng quý vị cũng rất lỗi lạc, được gọi là thánh nhân, tiểu thánh, một vị thánh nhỏ nhoi. Tuy là thánh nhân nhỏ nhoi, chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, nhưng chắc chắn chẳng đọa trong tam ác đạo, quý vị được bảo đảm, sanh trong cõi trời hay nhân gian bảy lần, chắc chắn chứng A La Hán, cũng có nghĩa là: Địa vị của quý vị ngày được nâng cao hơn, sẽ chẳng thoái chuyển. Trong ba thứ Bất Thoái, quý vị chứng đắc Vị Bất Thoái, tiến bộ mỗi ngày. Quý vị là một vị Bồ Tát nhỏ. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: Đức Phật căn dặn hàng đại Bồ Tát phải thường chăm nom hàng tiểu Bồ Tát. Tiểu Bồ Tát định lực chẳng đủ, có khi vẫn phạm tội lỗi, cho nên bậc đại Bồ Tát thường chiếu cố quý vị. Đầu tiên là quyết định chẳng cầu an lạc cho chính mình, nơi nào có tai nạn, quý vị đừng nên tránh né, mà hãy vội vã tới đó, tận tâm tận lực giúp đỡ họ.

          Hiện thời, trên địa cầu này có tai nạn, đức Phật dùng phương pháp gì để giúp họ? Giáo học! Phải biết: Giảng kinh, giáo học là phương thuốc bí truyền để hóa giải tai nạn. Quý vị phải dạy họ vì tánh họ vốn lành, quý vị phải hiểu đạo lý này, bất thiện là tập tánh. Giảng rõ ràng, giảng minh bạch, họ sẽ buông bất thiện xuống, tìm lại bổn thiện, đó là thành công, đã đạt được mục đích giáo dục. Người dẫu hư hỏng cách mấy, kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác vẫn có bổn thiện, chỉ là nhất thời hồ đồ làm quấy, quý vị tha thứ, khéo dạy dỗ kẻ ấy, dạy kẻ ấy quay đầu; chớ nên bỏ mặc! Bỏ mặc kẻ ấy tức là quý vị giáo dục thất bại.

          Ở nước ngoài, tôi không muốn dạy học trong nhà trường, tôi rất thích chuyện trò với những vị giáo sư lâu năm, mở những cuộc tọa đàm cùng họ. Tôi bảo họ, Trung Quốc từ xưa coi trọng giáo dục nhất. Người Hoa có trí huệ và phương tiện thiện xảo trong giáo học, dạy học có hiệu quả, trên thế giới quả thật rất ít ai có thể sánh với Trung Quốc về điều này! Điều đầu tiên trong giáo dục Trung Quốc là khẳng định “con người tánh vốn lành”, dạy học chẳng có gì khác, ngoài việc làm cho người ấy từ tập tánh trở về bổn tánh. Nếu nói “đứa học trò này quá hư hỏng, chẳng thể dạy được, phải khai trừ nó”, tức là dạy dỗ thất bại. Quý vị phải biến học trò hư hỏng thành học trò ngoan hiền, quý vị mới giáo dục thành công. Chẳng thể dạy, khai trừ, tức là trò chẳng có khuyết điểm, mà là chính quý vị có khuyết điểm: Thiếu năng lực, thiếu đức hạnh, chẳng thể cảm hóa nó. Đó là quý vị thất bại, chẳng phải học trò, học trò chẳng có khuyết điểm! Trong các cuộc tọa đàm, tôi thường nói với các giáo sư về chuyện này, họ nghe xong, cũng gật đầu, cũng cảm thấy tôi nói rất có lý. Những điều này chẳng phải do tôi nói, mà do cổ thánh tiên hiền đã nói. Dạy chẳng thành công, hãy trách chính mình! Cổ nhân Trung Quốc nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (làm không được, hãy xét lại mình), quý vị mới có thể giải quyết vấn đề. Quý vị muốn đem trách nhiệm đổ lên đối phương, trật rồi, hoàn toàn trật rồi! Trung Quốc từ xưa tới nay giáo học thành công, không có gì khác, chỉ là hai câu nói ấy. Cha mẹ dạy con cái không nên thân, chẳng phải là con cái bất hảo, mà do chính mình chẳng trọn hết trách nhiệm, chẳng dạy kỹ lưỡng. Thầy dạy học trò, dạy chẳng nên người, khi đó, thầy phản tỉnh: Chẳng phải là lỗi của học trò! Do vậy, tu dưỡng đức hạnh của chính mình, nâng cao cảnh giới của chính mình, tự nhiên sẽ có thể cảm hóa thế hệ kế tiếp.

          Trung Quốc mấy ngàn năm ổn định nhờ vào gia đình. Vì thế, chỗ tuyệt diệu của dân tộc Trung Hoa là: Một là biết giáo dục, hai là gia. Gia là gì? Thực hiện giáo dục triệt để. “Gia” ở Trung Quốc là “đại gia đình”. Trước thời Kháng Chiến, chúng tôi sống ở nông thôn, [sống trong] đại gia đình. Thôn này là Vương thôn, tức là Vương gia (gia tộc họ Vương), là người một nhà. Kia là Uyển thôn, Uyển thôn là một nhà, là thân thích của chúng ta. Anh em mười mấy người chẳng sống tách riêng. Trong một nhà, số người có hơn hai trăm người, [tức là nhà ấy] đã suy. Khi hưng vượng, hơn ba trăm người. Do vậy, nhà có gia đạo, có gia quy. Đệ Tử Quy là quy củ chung trong gia quy, ắt phải tuân thủ. Trừ điều này ra, sở học của mỗi nhà khác nhau, kinh doanh những sự nghiệp khác nhau. Họ còn quy củ đặc biệt, đều chép trong gia phả. Trị gia có quy củ, giống như chính phủ, có chế độ, có pháp luật, chẳng thể trái nghịch. Do vậy, từ nhỏ, trẻ đã được dạy đại công vô tư. Nếu có tư tâm, một gia đình to như thế sẽ bị nó phá hoại, nát cửa, tan nhà. Từ nhỏ không có tư tâm, quý vị sống trong thế gian này vì điều gì? Vì gia đình, vinh tông diệu tổ, vẻ vang dòng họ, cả đời người ấy có mục tiêu. Quý vị thấy hiện thời rất nhiều học trò nhỏ tự sát, vì sao? Nó chẳng biết sống vì lẽ gì! Không có phương hướng, không có mục tiêu, cuộc sống tinh thần khổ lắm! Trước đây, bất luận theo đuổi nghề nghiệp gì, bất luận tới nơi nào, gia đình quý vị là hậu thuẫn, gia đình là người ủng hộ quý vị trung thực nhất. Khi quý vị gặp khó khăn, cả nhà sẽ chiếu cố quý vị. Do vậy, thuở còn thơ, gia học là tư thục, tư thục là trường học dạy con em trong gia đình. Chỉ cần chịu học hành, nhất định sẽ có người thành tựu quý vị, gia đình giúp đỡ quý vị. Lúc già, gia đình là nơi dưỡng lão, cáo lão hoàn hương, hưởng niềm vui thiên luân. Quý vị thấy con cháu của chính mình, những đứa cháu chắt, kể ra mấy chục đứa quây quần quanh quý vị, vui sướng lắm! Hiện thời, gia đình chẳng còn nữa, thật sự đáng thương, thật đáng thương, đặc biệt là tuổi già, cô đơn. Đối với sự nghiệp dưỡng lão trong xã hội này, tôi đã thấy rất nhiều, đến mỗi nơi, chuyện tôi rất quan tâm là coi xem sự nghiệp phước lợi dành cho người già, coi tình hình phạm tội của thanh thiếu niên nơi ấy. Đấy là vấn đề lo nghĩ, đau đầu nhất của chính phủ mỗi quốc gia trên thế giới, nhưng về căn bản, tại Trung Quốc, trong thời cổ đại, vấn đề ấy chẳng tồn tại! Quý vị kiểm trong hai mươi lăm bộ sử của Trung Quốc, có triều đại nào nói tới vấn đề dưỡng già, nuôi trẻ? Chẳng nhắc tới, gia tộc thay [chính quyền lo liệu], thực hiện tốt đẹp, đều dạy trẻ tốt đẹp, chăm lo người già chu đáo. Vì thế, ai nấy là người tốt, mọi chuyện đều là chuyện tốt.

          Trong các nghề nghiệp của Trung Quốc cổ đại, người ta ưa thích nghề nghiệp gì nhất? Thưa quý vị, làm quan, vì sao? Đãi ngộ rất tốt, lại có địa vị xã hội, lại không có chuyện gì làm, không có những hồ sơ phải giải quyết, không có kẻ phạm tội, không có chuyện phạm tội. Chúng ta thấy những tác phẩm văn học, văn chương, thi từ, ca phú thuộc phần Tập trong Tứ Khố Toàn Thư do ai soạn? Đều do những kẻ làm quan, chẳng có chuyện gì làm, hằng ngày ở nhà đọc sách, học khá lại có chức vụ, du sơn, ngoạn thủy. Chúng ta thấy trong những tác phẩm văn học, thấy rất nhiều trường hợp [các quan chức] bái phỏng các đạo trưởng, thăm viếng hòa thượng, họ có thời gian, chẳng giống như hiện thời! Hiện thời, trong ba trăm sáu mươi nghề, làm quan vất vả nhất! Thời cổ, ngay cả hoàng đế cũng thong dong, khoanh tay cai trị, chẳng làm gì mà thiên hạ hưởng thái bình, do đâu mà được như vậy? Thực hiện giáo dục tốt đẹp, sự bồi dưỡng trong gia đình tốt đẹp, nên gia tề, quốc trị, thiên hạ bình. Chỉ cần gia đình đã ổn định, gia đình tốt đẹp, xã hội sẽ chẳng có vấn đề gì. Nếu không, sẽ có chuyện phạm tội nẩy sanh, hoàn toàn cậy vào giáo dục! Quý vị thấy tổ tiên trí huệ lắm, trong mấy ngàn năm xếp giáo dục vào vị trí thứ nhất, tất cả những tổ chức hành chánh không gì chẳng nhằm giáo dục. Giáo dục là then chốt, quốc thái dân an, có thể thu được hiệu quả tốt đẹp ngần ấy. Giáo dục Phật giáo chú trọng nhất là chuyện nâng cao, tức là nâng cao linh tánh của chính mình.

          Vì thế, điều đầu tiên, bất luận là tại gia học Phật hay xuất gia học Phật, đều phải ghi nhớ “chẳng cầu an lạc cho bản thân”. Cầu an lạc cho bản thân, dẫu đạt được an lạc, vẫn có những tác dụng phụ rất phiền phức, tác dụng phụ sẽ dẫn đến bệnh tật, tai nạn. Con người sống trong thế gian là vì chúng sanh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nêu gương cho chúng ta: Vì hết thảy chúng sanh giáo học. Lợi ích lớn nhất, công đức thù thắng nhất là giáo học: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hành vi làm khuôn mẫu cho cõi đời). Vì thế, “vô nhiễm thanh tịnh tâm”, hễ làm được điều đầu tiên là vô nhiễm thì tâm thanh tịnh mới có thể đạt được. Chỉ cần có ô nhiễm, chúng ta nói tới ô nhiễm về mặt tinh thần hay vật chất, thảy đều rời khỏi, quyết định chẳng bị tiêm nhiễm. Hiện thời, ô nhiễm phổ biến nhất, nghiêm trọng nhất là gì? TV, Internet hại chết người! Tại Trung Quốc, tôi không rõ lắm, nhưng ở ngoại quốc, đặc biệt là tôi ở nước Mỹ mười mấy năm, học trò lớp Một Tiểu Học đã dùng computer. Ngoài bài tập ra, trẻ còn tiếp nhận tin tức từ Internet. Do vậy, quý vị thấy nó bị ô nhiễm từ nhỏ, ô nhiễm biến thành thói quen, cả đời chẳng bỏ được, quay lại không được, đáng sợ lắm!

          Thầy tôi là tiên sinh Phương Đông Mỹ, xưa kia, có lần tôi đến nhà thầy, lúc ấy, chạm mặt ba quan chức thuộc bộ Giáo Dục, địa vị cũng rất cao đến phỏng vấn lão nhân gia, nói tới chuyện phục hưng văn hóa truyền thống, hỏi cụ dùng phương pháp gì để có thể phục hưng văn hóa truyền thống của Trung Quốc? Cụ nghe hỏi xong, thái độ hết sức nghiêm túc, im lặng cả năm phút. Mọi người chúng tôi hết sức chú ý, chăm chú nghe cụ giáo huấn. Năm phút sau, cụ nói, phương pháp thì có. Thứ nhất, thuở ấy tại Đài Loan có ba đài TV, là Đài Thị, Trung Thị và Hoa Thị, ba đài truyền hình, hãy đóng cửa đài truyền hình. Thứ hai là phải đóng cửa tất cả đài phát thanh, nhật báo, tạp chí đều phải đình bản! Ba viên chức nghe xong [thốt lên]: “Thầy ơi! Chuyện ấy không làm được đâu!” [Thầy trả lời]: “Những thứ ấy phá hư văn hóa truyền thống Trung Quốc, nếu quý vị chẳng xóa bỏ chúng, làm sao phục hưng [văn hóa truyền thống] được!” Cụ nói rất có lý. Do vậy, ta học Phật, tuy họ không đóng cửa, họ có quyền phát sóng, nhưng ta cũng có quyền không tiếp nhận. Gần như năm mươi năm tôi chẳng coi TV, chẳng đọc nhật báo, chẳng xem tạp chí, chẳng nghe radio. Mỗi ngày tôi đọc kinh, đọc những tác phẩm của thánh hiền. Vì thế, người khác hỏi tôi, đối với tôi, thiên hạ thái bình, chẳng có chuyện gì! Quý vị có chuyện, chứ tôi chẳng có gì. Vì thế, chỉ cần chúng ta chịu xa lìa, liền đạt được cái tâm thanh tịnh. Chúng tôi sống mỗi ngày vui vẻ, thanh tịnh lắm! Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, trí huệ có thể giải quyết vấn đề, chẳng để lại hậu quả! Tri thức không được, tri thức giải quyết vấn đề, nhưng sau đó để lại hậu quả. Hơn nữa, tri thức giải quyết vấn đề cục hạn, chẳng viên mãn, chúng ta chớ nên không biết điều này!

          Thuở trước, tôi diễn giảng, trao đổi với các sinh viên và giáo sư thuộc khoa Hán Học của đại học Kiếm Kiều (Cambridge) và đại học Luân Đôn của Anh. Tôi rất bội phục những người ngoại quốc ấy, họ trẻ tuổi, nói tiếng Phổ Thông rất khá. Nói giọng Bắc Kinh rất chuẩn, có thể đọc văn chương Văn Ngôn, có thể xem cổ thư Trung Quốc, chẳng thể không bội phục. Người trẻ tuổi hai mươi mấy tuổi, học giỏi như thế, nghiên cứu Hán học, nghiên cứu Nho, Thích, Đạo, dùng kinh điển Nho, Thích, Đạo để viết luận văn tiến sĩ. Tôi từng hỏi họ: Ông Thang Ân Tỷ đã nói: “Để giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ hai mươi mốt, phải cần tới học thuyết Khổng Mạnh của Trung Quốc và Đại Thừa Phật pháp”. Tôi nói hiện nay các vị đều học tập học thuyết Khổng Mạnh và Đại Thừa Phật pháp, những thứ ấy có thể thật sự giải quyết vấn đề hay chăng? Tôi hỏi họ, họ nhìn tôi cười, chẳng trả lời. Sau đấy, tôi hỏi tiếp: “Ông Thang Ân Tỷ nói sai rồi hay sao? Quý vị có nghĩ ông ta nói sai hay không?” Họ cũng không đáp. Cuối cùng, tôi bảo họ: Ông Thang Ân Tỷ nói chẳng sai, nhưng nhiều người đọc rồi hiểu sai ý. Nhắc tới học thuyết Khổng Mạnh của Trung Quốc, chắc chắn quý vị nghĩ đến Tứ Thư, Ngũ Kinh, mười ba kinh, chính là những thứ họ đang học tập, trong số đó có sinh viên dùng sách Mạnh Tử để viết luận văn (thesis, luận án), còn có một sinh viên dùng kinh Vô Lượng Thọ để viết luận văn. Tôi hỏi anh ta: “Kinh Vô Lượng Thọ có chín phiên bản khác nhau, anh dùng bản nào?” Anh ta dùng bản hội tập của Hạ Liên Cư, khó có!

          Ta nói rất nhiều người đọc rồi hiểu sai, vì sao? Tứ Thư, Ngũ Kinh, mười ba kinh là hoa quả của Nho gia, đương nhiên quý vị thấy ngay. Vừa nhắc tới Đại Thừa Phật pháp, nhất định quý vị nghĩ đến những bộ đại kinh, đại luận như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, có thể giải quyết vấn đề hay chăng? Chẳng thể giải quyết. Quý vị không nói, để tôi nói với quý vị. Đấy là hoa quả, nhưng quý vị phải nghĩ hoa quả do đâu mà có? Do cây sanh ra, cây do đâu mà có? Cây do rễ sanh ra. Ông Thang Ân Tỷ chẳng nói sai, nhưng quý vị phải tìm cội rễ. Cội rễ là gì? Cội rễ của Nho gia là Đệ Tử Quy, cội rễ của Đạo gia là Cảm Ứng Thiên, cội rễ của Phật pháp là Thập Thiện Nghiệp; ba thứ này quý vị đều coi rẻ, nghĩ chúng quá nông cạn, quá thấp, nhưng đó là cội rễ. Nếu quý vị vứt bỏ cội rễ, lấy đâu ra cành, lá, hoa, quả? Do vậy, quý vị nghiên cứu [kinh điển Nho gia và kinh luận Đại Thừa] chẳng thấu triệt. Tôi nói hiện thời quý vị đang làm gì? Ở nơi đây, trong nhà trường, quý vị dạy và học về Nho Học, Phật học, Đạo học. Tôi nói tôi và quý vị khác nhau, trong tương lai quý vị có thể đạt được học vị Tiến Sĩ, có thể thành một chuyên gia về Hán học của Âu Châu, có thể là một giáo sư nổi tiếng, nhưng quý vị chẳng thể nào sung sướng, tự tại như tôi được, do nguyên nhân gì? Tôi học trái ngược với quý vị. Hiện thời, người ngoại quốc viết chữ từ bên trái sang bên phải, quý vị thấy những gì quý vị học được là Phật học, còn tôi tương phản, học Phật! Quý vị học Đạo học, Nho học, Phật học, còn tôi là học Nho, học Đạo, học Phật, khác nhau! Học Nho là học giống như Khổng Mạnh, họ là gương mẫu, tiêu chuẩn cho chúng ta, phải mong bằng họ. Học Phật là phải giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, học Đạo phải giống như Lão Trang, như vậy thì mới kể là có thành tựu, mới là trí huệ, có thể thật sự giải quyết vấn đề. Bởi lẽ, Phật học, Đạo học, Nho học là tri thức, học Phật, học Nho, học Đạo là trí huệ. Lời ông Thang Ân Tỷ nói chẳng sai, nhưng rất nhiều người giải thích sai lầm.

          Buổi học ấy chỉ một giờ, tuy thời gian chẳng dài, nhưng soi sáng cho họ rất nhiều. Bởi lẽ, ba món căn bản ấy trọng yếu, là cội rễ của Trung Quốc, trước đây, do người mẹ vun bồi căn cội này cho rễ sâu cội chắc. Nho gia là giáo dục luân lý, đạo đức, Đạo gia nhằm giáo dục nhân quả, Phật pháp là giáo dục trí huệ. Quý vị thiếu căn bản này, dụng công cách nào, học tập cách nào, đều vô dụng! Quý vị học chẳng giống! Nói cách khác, trong cuộc sống quý vị có vấn đề, trong công tác có vấn đề, quý vị đều chẳng thể giải quyết! Nếu quý vị thật sự học Nho, học Đạo, học Phật, vấn đề gì cũng đều có thể giải quyết. Quý vị mới thật sự giống như Phu Tử đã nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (học rồi luyện tập, cũng chẳng vui ư?), pháp hỷ sung mãn, nhà Phật nói “thường sanh tâm hoan hỷ”. Một người mỗi ngày đều vui vẻ, làm sao chẳng khỏe mạnh cho được! Mỗi ngày đều lo âu, sẽ đổ bệnh, chẳng phải là dáng vẻ khỏe mạnh được! Tướng trạng khoẻ mạnh là mỗi ngày đều vui sướng. Nho, Thích, Đạo đều là như vậy. Vì thế, chúng ta phải nhận biết rõ ràng, phải nghiêm túc học tập.

          Tiếp đó, điều thứ hai là: “An thanh tịnh tâm, vị bạt nhất thiết chúng sanh khổ cố” (Tâm an, thanh tịnh, vì dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh). Đó là cứu khổ, cứu khổ, cứu nạn, dùng phương pháp gì? Mục đích gì? Khiến cho hết thảy chúng sanh được bình an. Quý vị thấy trong xã hội hiện tại, lòng người bất an, không định được, chẳng tĩnh được, mỗi cá nhân đều có phiền não khá nghiêm trọng, làm như thế nào đây? Chúng ta biết ô nhiễm quá nghiêm trọng, do những gì tạo thành? Nói thật ra, do TV tạo thành, do Internet tạo thành. Internet và TV là đại ma vương, rất đáng sợ! Trong quá khứ, thầy Phương bảo tôi những thứ này có thể hủy diệt một quốc gia, hủy diệt dân tộc, quý vị chớ nên không cẩn thận đối với nó. Thầy nói trong tương lai nước Mỹ bị diệt vong thì nhân tố đầu tiên là TV. Khi ấy, thầy đã cảnh cáo chính phủ Đài Loan phải cẩn thận. Lúc đó, Đài Loan vừa mới khởi đầu, nếu đi theo nếp sống của Mỹ sẽ bị hủy diệt trong tương lai. TV hủy diệt thế hệ kế tiếp, hủy diệt những kẻ trẻ tuổi, TV dạy gì vậy? Bạo lực, tình dục, giết, trộm, dâm, dối, học từ nhỏ, kinh khủng quá! Hoàn toàn trái nghịch Tánh Đức; nhưng người trong xã hội và những kẻ chịu trách nhiệm trong chính phủ hoàn toàn chẳng có ý thức về vấn đề nghiêm trọng này.

          Khi tôi phỏng vấn tại Mã Lai, vị Thủ Tướng trước kia là Mã Cáp Địch (Mahathir Bin Mohamad) cũng từng bàn với tôi về vấn đề này, ông ta nói vấn đề này hết sức nghiêm trọng. Nhất là sau khi kỹ thuật mã hóa (digitalized) ra đời, quý vị thấy một con chip nhỏ ngần ấy, một con chip lớn bằng móng tay mà chứa đựng thông tin nhiều ngần ấy, nhưng hiện thời những thông tin ấy đều chẳng tốt, đều là bất thiện, đều làm hỏng con người, vấn đề này nghiêm trọng lắm! Ông ta còn tìm người nhắn tôi, mong trong lần phỏng vấn thứ hai sẽ thảo luận với ông ta về vấn đề này trong một thời gian dài; đấy cũng là một người hữu tâm. Con người hiện thời một mực mê muội truy cầu danh lợi, tranh danh trục lợi, đạt được gì? Dẫu có đạt được, khổ chẳng thể nói nổi, lo được, lo mất. Khi chưa đạt được thì mong đạt được; khi đã đạt được, lại sợ mất đi, làm sao an tâm cho được? Không thể nào an, tâm không thanh tịnh sẽ không an, con người như vậy sống khổ sở quá! Vì thế, Phật, thánh nhân dạy chúng ta phương pháp: Chúng ta muốn cứu xã hội, thế giới, và địa cầu này thì dùng phương pháp gì? Giảng kinh, giáo học, vẫn là câu nói cũ rích này! Càng nghĩ, càng thấy có lý. Quý vị giảng kinh, giáo học, nhằm đánh thức giác tánh của con người, đánh thức bổn thiện, chỉ cần người ấy giác ngộ, quay đầu, tâm người ấy sẽ định, trí huệ mở mang. Đối với những thứ hư giả, tiếng tăm, lợi dưỡng là giả, tiền tài dẫu nhiều đến mấy, chẳng phải là quý vị vẫn ngày ăn ba bữa, đêm ngủ [chỉ nằm một chỗ dài rộng] sáu thước ư! Nếu liễu giải chân tướng sự thật, quý vị truy cầu những thứ ấy để làm gì? Khổ chẳng thể nói nổi! Áo cơm đầy đủ là được rồi. Mỗi ngày có thể ăn no, quần áo mặc ấm, có một căn nhà nhỏ để đụt mưa, tránh gió, quý vị nói có phải là sung sướng lắm hay không? Nhà to, mỗi ngày phải tốn không ít thời gian để quét tước, dọn dẹp!

          Tôi ở Mỹ rất nhiều năm, những đồng học bên ấy làm ăn khá lắm, mua một căn nhà to. Thứ Sáu và thứ Bảy không đi làm, họ ở nhà làm gì? Dùng thời gian cả ngày để dọn dẹp nhà cửa. Nếu quý vị không dọn dẹp, cảnh sát sẽ thay quý vị dọn dẹp, phạt tiền quý vị. Đó là người làm đầy tớ cho nhà cửa, quý vị phải hầu hạ nó. Quý vị mua một căn nhà nhỏ khỏe hơn, tốn một hai tiếng đồng hồ đã dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, mới có thời gian rảnh rỗi để hưởng thụ. Người Hoa biết sống, người đọc sách thật sự, bậc cao nhân, dựng một túp lều tranh nhỏ ở nông thôn, thoải mái cùng cực. Tôi nhớ thuở bé sống ở nông thôn, ở trong căn nhà tranh, vách đất, tôi rất lưu luyến. Căn nhà ấy quý vị thấy chẳng vừa mắt, nhà tranh, Đông ấm, Hè mát, rất thoải mái, tường rất dầy. Tường gần như dầy đến hai ba thước, đắp bằng đất, lợp bằng cỏ tranh rất dầy. Quả thật Đông ấm, Hè mát! Mùa Đông khí lạnh chẳng lọt vào được, sống rất thoải mái. Nhà đúc bằng bê tông cốt sắt nhìn đẹp đẽ, nhưng thật sự chẳng có ích cho con người như lều tranh của Trung Quốc. Con người sống nơi ấy tâm địa thanh tịnh, trường thọ. Con người hiện thời nói là từ trường khác nhau. Hiện thời, một tòa cao ốc bao nhiêu người ở? Từ trường rất hỗn loạn, rất phức tạp. Ở nông thôn, gần bên túp lều tranh không có ai, rất xa mới có nhà người khác, làm sao giống nhau cho được? Giúp đỡ người khác bằng thân hành, ngôn giáo, chúng ta dùng thân mình tận lực thực hiện, thật sự thực hiện giáo huấn của cổ thánh tiên hiền trong công việc, trong xử sự, đãi người, tiếp vật. Học vấn thật sự là đem những đạo lý trong kinh điển biến thành tư tưởng và kiến giải của chính mình, cảnh giới ấy sẽ được nâng cao!

          Vấn đề trong hiện tại là vì giao thông thuận tiện, thông tin phát triển, địa cầu đúng là thôn địa cầu, đi vòng quanh trái đất mất hai ngày, tôi đi mất ba ngày. Tôi đi một lần, ngày đầu tiên, từ Bắc Kinh bay tới Ba Lê, ở Ba Lê ngồi xe lửa sang Anh. Ngày thứ hai, từ Anh bay tới Nữu Ước. Ngày thứ ba, từ Nữu Ước bay về Bắc Kinh. Thôn địa cầu mà! Con người trước kia không có cách nào tưởng tượng chuyện này. Truyền thông phát triển, bất luận nơi đâu xảy ra chuyện gì, qua TV, radio lập tức biết ngay. Không gian sống của chúng ta khác với trước kia, đương nhiên nhu cầu tri thức khác nhau! Do vậy, chẳng thể không quan tâm đến thế giới này, thế giới này có tương quan mật thiết với chúng ta, nhưng những thứ thông tin rác rưởi quá nhiều. Nếu quý vị xem, tiếp xúc [những thứ ấy], phải lãng phí bao nhiêu tinh thần? Do vậy, tôi đều buông xuống hết; nhưng tôi cũng có “đường ống”, [tức là] có những đồng học hảo tâm, đối với những sự kiện trọng đại, họ bèn hạ tải từ Internet, đưa cho tôi xem, đại khái đôi ba ngày tôi đọc chừng hai ba trang. Những sự kiện trọng đại được nói trên Internet tôi đều biết, đó là những thứ tất yếu, không xem những thứ chẳng tất yếu, toàn bộ chẳng tiếp xúc, tận hết sức giữ gìn cái tâm thanh tịnh, giữ cho tâm an định, chúng ta mới có năng lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn. Giảng kinh, giáo học là cùng nhau chia sẻ trí huệ của Nho, Thích, Đạo.

          Thứ ba là “lạc thanh tịnh tâm”, chữ 樂 đọc là Nhạo, nghĩa là ưa thích, nếu đọc là Lạc sẽ là vui sướng. Quý vị thấy hết thảy đều giảng về cái tâm thanh tịnh; thứ nhất là “vô nhiễm”, thứ hai là “an”, thứ ba là “lạc”, “dục linh nhất thiết chúng sanh đắc đại Bồ Đề cố” (vì muốn làm cho hết thảy chúng sanh đắc đại Bồ Đề). Đối với Lạc thì phải ban cho họ chân lạc; nếu sau khi vui mà còn có tác dụng phụ sẽ chẳng phải là Lạc, chẳng phải là chân lạc. Do vậy, Phật pháp từ bi cứu thế. Hai chữ “từ tế” (từ bi cứu giúp) nói đến chân thật rốt ráo sẽ là Đại Thừa Phật pháp. Có phải là ban cho quý vị của cải hay chăng? Không phải! Có phải là ban cho quý vị địa vị hay chăng? Không phải! Có phải là ban cho quý vị sự vinh diệu hay chăng? Cũng không phải, mà là giúp quý vị phá mê khai ngộ. Vì sao? Khổ do mê mà có, quý vị chẳng liễu giải chân tướng sự thật, cũng có nghĩa là quý vị nghĩ sai, thấy sai, làm sai, nên chuốc lấy quả báo bất thiện, đó là khổ. Nếu quý vị tỉnh ngộ, giác ngộ, tư tưởng và kiến giải của quý vị chính xác, lời nói và việc làm chính xác, sẽ cảm được thiện quả, thật sự sung sướng. Lìa khổ được vui là quả báo, phá mê khai ngộ là nhân. Phật, Bồ Tát giúp hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, tự nhiên phải đạt đến lìa khổ, được vui, giáo học mà! Trong giáo học, quan trọng nhất là chính mình phải nêu gương tốt; nếu lời nói chẳng đi đôi với việc làm, người khác chẳng tin tưởng quý vị: “Ngươi là đồ giả, chẳng thật!” Chẳng hạn như đối với ba căn bản của giáo dục, những năm qua, tôi luôn hết sức nhấn mạnh, khuyên mọi người chúng ta phải học bù đắp những môn ấy. Những môn ấy từ nhỏ chúng ta chưa học, cha mẹ cũng chẳng học, ông bà cũng chẳng học, nay chúng ta học bù những môn ấy, đương nhiên khá khó khăn, nhưng biết những môn ấy trọng yếu, nghiêm túc học tập, học bù những môn ấy cũng chẳng khó khăn, thật sự chịu làm, hai năm sẽ nhất định học bù xong xuôi. Hai năm ấy nhằm vun bồi căn bản, hãy còn kịp!

          Nếu muốn giúp đỡ người khác, giáo hóa chúng sanh, hãy học theo Khổng Tử, học theo Phật Thích Ca, còn phải học bù một môn nữa là văn chương Văn Ngôn. Văn chương Văn Ngôn là trí huệ chân thật của tổ tiên Trung Quốc, chẳng gì có thể sánh bằng. Tổ tiên biết ngôn ngữ sẽ biến đổi theo thời đại, nếu văn nói và văn viết giống như nhau, người mấy trăm năm sau đọc đến, sẽ chẳng hiểu văn chương hiện thời. Do vậy, phát minh một phương pháp: Tách rời văn viết và văn nói, bất luận ngôn ngữ biến đổi ra sao, văn viết chẳng thay đổi! Phương pháp hay lắm, cả thế giới tìm không ra nước thứ hai nào. Hai ngàn năm trăm năm trước Khổng Tử viết sách, nay chúng ta có thể đọc hiểu, giống như đối diện trò chuyện, đây là một chuyện tuyệt diệu! Do vậy, chúng ta phải bổ sung văn chương Văn Ngôn vào khóa trình. Học văn chương Văn Ngôn như thế nào? Chẳng khó khăn chút nào cả! Văn chương Văn Ngôn phải cậy vào học thuộc. Vì thế, trong quá khứ, thầy Lý dạy chúng tôi: “Các anh có thể học thuộc năm mươi bài cổ văn”, khi ấy, tài liệu dạy học được chọn từ bộ Cổ Văn Quán Chỉ, “có thể thuộc năm mươi bài sẽ có năng lực đọc văn chương Văn Ngôn, nắm vững văn chương Văn Ngôn”. Đại Tạng Kinh được viết bằng Văn Ngôn, Tứ Khố Toàn Thư viết bằng Văn Ngôn, quý vị nắm được cái chìa khóa này, cổ nhân lưu lại những kho báu, quý vị đều có thể thụ dụng. Nếu có thể thuộc một trăm bài, quý vị sẽ có năng lực viết Văn Ngôn. Nếu chúng ta mỗi tuần học một bài, thuộc một bài rồi mới học bài khác, [học thuộc] một trăm bài cũng không tới hai năm. Hai năm, nắm được chìa khóa, đối với những kho báu do tổ tông lưu lại, quý vị sẽ có phần. Nếu quý vị chẳng chịu làm [sẽ rất uổng], những thứ ấy hiện thời đều có. Kỹ thuật ấn loát tiến bộ, in Tứ Khố Toàn Thư chẳng khó. Năm ngoái, hình như là năm trước đó, tôi đặt Thương Vụ Ấn Thư Quán in một trăm bộ Tứ Khố Toàn Thư, đại khái tháng Năm, tháng Sáu năm nay sẽ in xong, giao toàn bộ cho tôi. Tôi đặt in một trăm bộ, dự tính tặng cho những trường có nhu cầu trong nước! Tốn thời gian hai năm, quý vị nắm được chìa khóa, có thể duyệt đọc. Kinh là học vấn, Sử là kinh nghiệm; có học vấn, có kinh nghiệm lịch sử, quý vị sẽ có năng lực trị quốc, bình thiên hạ, có thể giải quyết vấn đề, thật sự đem lại “thân tâm khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội hài hòa, thiên hạ thái bình” cho chúng sanh, thật sự làm được, chẳng phải là mơ tưởng viễn vông, mà là thật sự có thể thực hiện được! Do vậy, ông Thang Ân Tỷ có thể nói ra câu ấy, tôi rất bội phục ông ta. Đây là một người ngoại quốc, nghiên cứu văn hóa sử thế giới, là một nhà lịch sử triết học, nói rất hay. Do vậy, người thật sự giác ngộ trong thế gian đại từ, đại bi, đại nguyện, đại lực, gần như đều theo đuổi giáo học, chọn lựa nghề nghiệp này hết sức có lý. Họ chẳng làm nghề nào khác, mà làm nghề này; làm nghề nghiệp này đúng là cứu thế, cứu dân.

          Trong Phật pháp, tâm vui thanh tịnh vì muốn làm cho hết thảy chúng sanh đắc đại Bồ Đề. Đại Bồ Đề: Trí huệ viên mãn trong tự tánh gọi là đại Bồ Đề, giúp đỡ hết thảy chúng sanh trở về tự tánh. Trí huệ Bát Nhã viên mãn trong tự tánh hiện tiền, đó gọi là “đắc đại Bồ Đề”. Chuyện này rất khó, tuy trong tự tánh vốn có, nhưng quý vị cần phải buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống; nói rất dễ, làm thật khó! Có thể chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian là tiểu trí huệ, nhưng trí huệ ấy là thật, chẳng giả, tiểu trí huệ! Lại buông phân biệt xuống, bèn là Bồ Tát, gọi là đại trí huệ. Cuối cùng có thể không khởi tâm, không động niệm, trí huệ viên mãn, đó là trí huệ của Phật, đúng là chúng ta chẳng dễ gì làm được. “Khởi tâm động niệm”, câu này chúng ta chẳng dễ gì liễu giải. Tới khi bản thân chúng tôi học kinh Hoa Nghiêm, học bộ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ quốc sư mới liễu giải khái niệm này đôi chút. Thật sự khó! Ngay cả nhập pháp môn đã quá khó! Quý vị thấy nhập môn, phải buông xuống Ngã Chấp, phải buông Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến xuống, rất khó khăn! Do vậy, trong Đại Thừa có pháp môn đặc biệt là “nhiếp thủ chúng sanh sanh bỉ quốc độ cố” (nhiếp thủ chúng sanh sanh về cõi Phật ấy). “Bỉ quốc độ” là thế giới của Tây Phương A Di Đà Phật. Trong các vị Phật Như Lai, A Di Đà Phật giống như một vị đã phát đại tâm thành lập một ngôi trường. Tây Phương Cực Lạc thế giới là đại học Phật giáo, là một đại học đa nguyên văn hóa. Tôi chẳng học Phật, tôi học Cơ Đốc giáo có thể vãng sanh hay không? Tôi học đạo Hồi có thể vãng sanh hay không? Thưa quý vị, thảy đều có thể vãng sanh, tuyệt diệu! Vãng sanh chỉ là lúc lâm chung, đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới tin tưởng, phát nguyện, ta tin tưởng, ta phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc, ta tu Cơ Đốc Giáo, hay tu đạo Hồi, đem công đức tu hành hồi hướng Tây Phương Cực Lạc thế giới, thảy đều có thể vãng sanh, môn này lớn lắm! Bất luận quý vị học pháp môn nào [cũng đều có thể vãng sanh], vì sao? Quý vị luôn tu thiện, tích đức, đem công đức ấy hồi hướng Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều có thể nâng cao phẩm vị của quý vị. Nhà Phật không có quan niệm môn hộ; nếu có kiến giải về môn hộ, chẳng phải là đối lập ư? Vừa mở đầu đã bảo quý vị buông đối lập xuống, nhận biết cả vũ trụ và chính mình là nhất thể, ta và A Di Đà Phật là nhất thể. Trong kinh Phật chẳng nói “tin tưởng, ngưỡng mộ các tôn giáo khác sẽ bị loại trừ!” Không có! Không có câu ấy! Quý vị đọc kinh giáo Đại Thừa sẽ phát hiện trong ấy có rất nhiều vị Bà-la môn, đó là [tín đồ] Bà La Môn giáo, còn có rất nhiều ngoại đạo, họ đều là tín đồ của các tôn giáo khác, nhưng đều là học trò của Phật. Do vậy, đức Phật tiến hành giáo dục, chẳng phải là [truyền bá] tôn giáo, chẳng đối lập với các tôn giáo khác. Tôn giáo nào đến học cũng đều hoan nghênh, đều thành tựu giống hệt như nhau, đều vãng sanh như nhau, tới thế giới Cực Lạc thành Phật, đạt được học vị tối cao trong giáo dục Phật giáo. Sau khi đạt được, người ấy vẫn là Bà La Môn giáo, hay vẫn là Cơ Đốc Giáo, chẳng thay đổi tôn giáo, biến thành bậc thánh nhân trong tôn giáo của người ấy. Đấy là chân thật nghĩa trong giáo pháp Đại Thừa.

          Trong những năm qua, đã mười năm rồi, từ năm 1999 bắt đầu, trọn cả mười năm, chúng ta tiếp xúc nhiều tôn giáo, đề xướng tôn giáo trên thế giới là một nhà. Tôi học tập kinh điển của tôn giáo khác, tôi cũng đã từng giảng Thánh Kinh, giảng Cổ Lan Kinh, họ cũng rất hoan nghênh. Tôi giảng kinh Mân Côi đọc trong khóa lễ sáng tối của đạo Thiên Chúa, DVD [thâu bài giảng] về kinh Mân Côi được lưu thông trong tôn giáo của họ. Trong sự cảm nhận của chúng tôi, tất cả giáo chủ các tôn giáo, nói theo Phật pháp, đều là hóa thân của Phật. Trong Phổ Môn Phẩm có nói: “Nên dùng thân gì để độ, bèn hiện thân ấy”. Nên dùng thân Cơ Đốc (Christ) để độ, bèn hiện thành Cơ Đốc; nên hiện thân thầy cả đạo Hồi (Akhoond) để đắc độ, bèn hiện thân thầy cả đạo Hồi. Trong nhiều năm qua, cách nghĩ này của tôi được rất nhiều tôn giáo tán đồng, trước kia, tôi cứ tưởng còn phải mất một thời gian dài biện luận, kết quả là chẳng cần, đã nhiều năm như thế chưa hề gặp phải tranh cãi lần nào, đều có thể tán đồng. Do vậy, tôn giáo có thể đoàn kết .

          Tôn giáo nhất định phải giảng học, phải giáo dục. Tôn giáo không có giáo dục thì chỉ có hình thức, sẽ biến thành mê tín, nhất định phải có giáo học. Thật sự, những giáo chủ sáng lập tôn giáo đều là nhà giáo dục xã hội, lại còn là đa nguyên. Thời gian dạy học của Thích Ca Phật dài nhất: Bốn mươi chín năm. Gia Tô (Jesus) bị kẻ khác hại chết, dạy học ba năm; Mục Hãn Mặc Đức (Mohamed) dạy học hai mươi bảy năm. Chúng ta chú tâm quan sát, lúc họ tại thế đều là giảng kinh, giáo học. Hơn nữa, nhìn vào nội dung, đặt vững cơ sở giáo dục, giáo dục khắp thế gian, không gì chẳng phải là luân lý, đạo đức, nhân quả. Vì sao? Ba thứ giáo dục ấy có thể đem lại lợi ích thiết thân cho đại chúng trong xã hội, chúng ta thường nói là thân tâm khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội hài hòa, thiên hạ thái bình, ba món giáo dục ấy có thể làm được. Một số ít những kẻ căn cơ thượng thượng lại nâng cao lên, trong kinh điển có giáo dục triết học, giáo dục khoa học, giảng rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, giảng hết sức hay, Phật pháp có thể thuyết giảng chuyện này viên mãn. Đấy là A Di Đà Phật kiến lập một ngôi trường, giúp quý vị giành được học vị tối cao. Người Trung Quốc gọi đức Phật là “thánh nhân”. Nếu chúng ta dùng cách xưng hô quen thuộc của Trung Quốc, chúng ta gọi Khổng Tử là Chí Thánh Tiên Sư, thì chúng ta có thể gọi Thích Ca Mâu Ni Phật theo cách xưng hô như vậy, tức là Chí Thánh Bổn Sư. Phật môn gọi Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổn Sư, [nghĩa là] vị thầy căn bản, vị thầy lập giáo. Chí Thánh là Phật, Chí Thánh Bổn Sư, mọi người sẽ chẳng nẩy sanh hiểu lầm.

          Bồ Tát là hiền nhân, đại hiền. Đại hiền Văn Thù Sư Lợi, đại hiền Quán Thế Âm, đại hiền Địa Tạng Vương. Rất nhiều người tưởng Phật, Bồ Tát, A La Hán là thần, đều là quỷ thần, sự hiểu lầm ấy rất lớn! Chúng ta là đệ tử Phật chẳng giảng rõ ràng, giảng minh bạch, khiến cho đại chúng trong xã hội nẩy sanh hiểu lầm to lớn như thế rất đáng tiếc. Vì thế, Ngài kiến lập thế giới ấy, thế giới ấy do nguyện lực tạo thành, đại nguyện tuyệt diệu. Điều này có căn cứ lý luận từ kinh giáo Đại Thừa, đức Phật nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, sự biến hóa trong cả vũ trụ có quan hệ hết sức mật thiết với tâm tưởng của chúng ta. Do vậy, nếu tư tưởng của mỗi cá nhân chúng ta thuần chánh, tâm thái tốt lành, quý vị sẽ khỏe mạnh, trường thọ, chẳng sanh bệnh tật gì! Tật bệnh do đâu mà có? Lời đức Phật nói giống như những điều đã giảng trong Trung Y, cùng một đạo lý, tức là tâm thái của quý vị nẩy sanh vấn đề. Trong Phật pháp nói tới Tam Độc tham, sân, si, đấy là căn nguyên của tất cả hết thảy bệnh tật. Trong tâm quý vị có ba thứ ấy, cho nên bản thân quý vị có cái nhân bệnh tật. Tôi thường nói thêm hai thứ là ngạo mạn và hoài nghi. Hoài nghi thánh hiền, hoài nghi chính mình, tôi gọi [năm điều ấy] Ngũ Độc; đức Phật giảng Tam Độc là tham, sân, si, tôi thêm vào hai cái nữa, thành tham, sân, si, mạn, nghi, Ngũ Độc. Quý vị có năm thứ độc này, bên ngoài có vi khuẩn cảm nhiễm, quý vị rất dễ nhiễm bệnh. Nếu bên trong chẳng có tham, sân, si, mạn, nghi, dẫu vi khuẩn gây bệnh bên ngoài nghiêm trọng cách mấy, vẫn chẳng thể nhiễm bệnh cho quý vị. Vì thế, [điều ấy được] gọi là sức miễn dịch, quý vị sẽ không bị bệnh. Quý vị ra vào khu vực đang xảy ra nạn ôn dịch nghiêm trọng chẳng sao cả, đạo lý ở chỗ này!

          Đã có ngũ độc, mà nếu quý vị còn có năm thứ duyên thì hết sức dễ bị nhiễm bệnh. Năm thứ bệnh duyên là gì? Oán hận! Quý vị có oán khí, có hờn giận, có phiền não. Oán, hận, não, nộ, phiền, là duyên, tức là duyên gây nhiễm bệnh. Có nhân, có duyên, lẽ đâu quý vị chẳng ngã bệnh? Nếu quý vị hiểu đạo lý này, buông ngũ độc xuống, năm thứ tâm thái chẳng tốt đẹp cũng buông xuống, bất luận trong hoàn cảnh nào, ta không có oán mà cũng chẳng có hận, đối với thuận cảnh chẳng khởi tham luyến, đối với nghịch cảnh chẳng oán hận, vĩnh viễn giữ cho chính mình thanh tịnh, bình đẳng, quý vị sẽ trăm bệnh chẳng sanh! Dẫu bị bệnh, không cần trị liệu, tự mình lành bệnh, vì sao? Chúng ta hiểu: Phân tích mỗi tế bào trên toàn thân thì tế bào đều do nguyên tử, hạt cơ bản [hợp thành]. Những hạt cơ bản, nguyên tử ấy mang bệnh, vì lẽ gì? Do quý vị có ngũ độc, nên mới bị nhiễm bệnh, những tế bào ấy biến thành tế bào nhiễm bệnh. Nếu quý vị giác ngộ, hiểu rõ, buông những phiền não tập khí xuống, những tế bào mang bệnh sẽ lập tức khôi phục bình thường. Khôi phục bình thường, chẳng phải là khỏe mạnh ư? Do vậy, lý luận trong cách trị bệnh của Trung Y rất cao sâu, người ngoại quốc chẳng biết. Bệnh có thể chữa lành, bảy phần cậy vào tâm thái, thuốc men chỉ hữu dụng ba phần. Khi tâm thái tốt, ba phần thuốc chẳng cần dùng đến. Nếu tâm thái của quý vị bất hảo, thường có ưu lự, thường có phiền não, thường có tham, sân, si, mạn, bệnh ấy cũng rất khó chữa lành, dẫu thầy thuốc giỏi cũng đành bó tay chịu phép! Do vậy, hiểu đạo lý này, đấy chính là đạo dưỡng sanh, chính mình có thể chẳng bị bệnh tật, dẫu mỗi năm tuổi cao hơn, nhưng sức khỏe chẳng bị tổn hại tí nào, cũng chẳng dễ dàng lão hóa, đấy là gì? Tâm thái tốt đẹp. Đấy là Phật pháp mang đến lợi ích chân thật hiện tiền cho chúng ta.

          Người thuộc lớp tuổi trung niên trở lên, mọi người chú trọng sức khỏe, sức khỏe phải nhờ vào thuốc bổ là giả, những thứ ấy đều rất đáng sợ, vì sao? Chúng có tác dụng phụ, chẳng phải là thứ tốt lành. Thứ tốt đẹp là tâm thái của quý vị. Hãy điều chỉnh tâm thái, đoạn ác, tu thiện. Vì thế, ăn chay là đạo dưỡng sanh tốt nhất. Tôi học Phật chưa đầy nửa năm bèn chọn cách ăn chay, tôi chẳng phải là mê tín. Vì trước khi học Phật, lúc tôi còn học trong trường, tức lúc học Trung Học tại Nam Kinh, quê tôi ở An Huy, tôi một mình ở Nam Kinh, ở nhà người bạn học họ Trần, Nhĩ Đông Trần[4], Trần Trí, về sau anh ta học Y, tôi ở trong nhà anh ta hình như hai học kỳ, tức một năm. Gia đình anh ta là đa nguyên văn hóa, bà nội niệm Phật, trong nhà có tiểu Phật đường, niệm Phật, thắp nhang. Mẹ anh ta là tín đồ Cơ Đốc, cha là tín đồ đạo Hồi. Do vậy, tôi ở đấy một năm, đối với Cơ Đốc Giáo và đạo Hồi đều hiểu đôi chút, thường nghe các vị lão nhân giảng giải. Hơn nữa, tôi rất thích đạo Hồi, đạo Hồi nói tới Ngũ Công[5], Ngũ Điển. Ngũ Điển là Ngũ Luân của Nho gia. Vì thế, đạo Hồi của Trung Quốc và văn hóa truyền thống Trung Quốc đã dung hợp thành một khối, vô cùng ôn hòa. Sau này, tôi ở ngoại quốc, có một phái đạo Hồi tại Trảo Oa (Java) thuộc Ấn Ni (Indonesia) do Trịnh Hòa[6] truyền qua, nên trong phái ấy có dấu ấn văn hóa Trung Quốc, vô cùng ôn hòa. Trịnh Hòa là tín đồ đạo Hồi, chủ nhân của ông ta là hoàng đế Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ), [nhà vua] là một Phật tử kiền thành, cho nên Trịnh Hòa cũng quy y Phật giáo, ông ta cũng truyền đạo Hồi. Một chi phái đạo Hồi ở Tô Môn Đáp Lạp (Sumatra) của Ấn Ni do Trung Đông truyền qua, so ra mạnh mẽ, hung hãn, khác hẳn phái đạo Hồi tại Trảo Oa. Vì thế, vùng Nam Dương chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trịnh Hòa mãi cho đến hiện thời đã sáu trăm năm mà vẫn còn thấy những hiệu quả ấy.

          Khi ấy, tôi biết ăn uống trong đạo Hồi được tìm hiểu kỹ hơn bình thường. Người bình thường chúng ta chỉ biết vệ sinh, sinh là sinh lý, ăn uống nhằm bảo vệ sinh lý ấy, đó là vệ sinh. Đạo Hồi không chỉ biết vệ sinh, mà còn biết vệ tánh, tánh là gì? Tánh tình. Chúng ta tánh tình ôn nhu có liên quan tới ăn uống. Do vậy, phàm những động vật hay thực vật có tánh tình bất hảo họ cũng không ăn. Năm ấy, tôi hiểu được một đạo lý như thế. Sau này, tiếp xúc Phật pháp, Phật pháp chọn lựa cách ăn chay, giảng ba điều: Phật giáo không chỉ biết vệ tánh, mà còn biết vệ tâm, “tâm” là tâm từ bi. Do vậy, ẩm thực trong nhà Phật là vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm, đây là đạo dưỡng sanh rất viên mãn, tôi vừa tiếp xúc bèn tiếp nhận. Tôi ăn chay đến năm nay là năm mươi chín năm, sang năm tròn một giáp, khỏe mạnh, suốt đời chẳng bị bệnh. Tôi tham gia nhiều hội nghị quốc tế, người ta hỏi tôi nhiều nhất là: “Pháp sư! Thầy dùng phương pháp dưỡng sanh nào?” Tôi bảo họ: “Ăn chay, tâm thanh tịnh. Tôi chẳng có đạo dưỡng sanh nào khác!” Chỉ là ăn chay, tâm thanh tịnh. Tận hết sức tránh né ô nhiễm bên ngoài, ô nhiễm vật chất, ô nhiễm tinh thần, tận hết sức tránh né, mỗi ngày thân cận cổ thánh tiên hiền, đấy là tình trạng sinh hoạt mỗi ngày của tôi. Họ thấy thân thể tôi khỏe khoắn đều rất hâm mộ. Đấy là vì người khác thuyết pháp, tuy họ không hiểu Phật giáo, cũng không mong học Phật, thấy thân thể tôi khỏe mạnh, mong học theo tôi. Tôi sẽ dạy họ một chiêu, vô cùng hữu hiệu. Lớn nhất là A Di Đà Phật đã kiến lập một đạo tràng tu hành cho chúng ta là thế giới Cực Lạc. Thế giới ấy vô cùng viên mãn. Trong bộ kinh này, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, giới thiệu lịch sử và trạng huống trong cõi ấy, trạng huống sinh hoạt, giới thiệu thành quả giáo học bên ấy. Đương nhiên phương pháp tốt nhất là di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật, nơi ấy là chốn đạt được thường lạc rốt ráo.

          “Bồ Đề thị tất cánh thường lạc xứ” (Bồ Đề là chỗ thường lạc rốt ráo), quý vị phải ghi nhớ, Bồ Đề là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là giác ngộ, thật sự giác ngộ là chốn thường lạc rốt ráo. Trái lại, mê mà chẳng giác chính là thật sự thường khổ, lục đạo luân hồi do mê hoặc, điên đảo tạo thành, là một cơn ác mộng. Giác ngộ là quý vị tỉnh lại. “Nhược bất linh nhất thiết chúng sanh đắc tất cánh thường lạc giả, tắc vi Bồ Đề môn” (nếu chẳng làm cho hết thảy chúng sanh được rốt ráo thường lạc sẽ là trái nghịch môn Bồ Đề). Câu này nói rất hay, đối với hết thảy chúng sanh, nếu chính mình đã đạt được, mà chẳng giúp cho người khác đạt được, đấy chính là trái phạm Bồ Đề. Chính chúng ta đã đạt được, bèn có nghĩa vụ giúp cho hết thảy chúng sanh đều đạt được. Chính chúng ta hướng tới thế giới Cực Lạc, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì phải giúp hết thảy chúng sanh đều đến thế giới Cực Lạc. Nơi ấy có hoàn cảnh khác nơi đây, con người bên ấy là hóa sanh, chẳng phải là thai sanh, nên chẳng có sanh khổ. Người bên ấy vô lượng thọ, Đối với vô lượng thọ, nay chúng ta biết: Tâm thái của quý vị giữ được mức bình thường nhất định, thân thể sẽ chẳng dấy lên biến hóa, gọi là thân Kim Cang bất hoại. Thân Kim Cang bất hoại chẳng hiếm lạ chút nào! Quý vị hiểu rõ đạo lý này, có căn cứ lý luận, chỉ cần quý vị có thể không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, tế bào trong thân thể quý vị sẽ chẳng biến đổi, vĩnh viễn giữ được sự bình thường. Nếu quý vị có phiền não, không được rồi, nó sẽ dấy lên biến hóa; có tham, sân, si, nó bèn biến hóa to lớn. Vì thế, chẳng khởi tâm, không động niệm, vĩnh viễn giữ gìn bình thường. Ở bên Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật gia trì quý vị, mỗi ngày chỉ dạy bên ấy, hướng dẫn quý vị, quý vị sẽ chẳng khởi tâm động niệm, muôn hình muôn vẻ trong vũ trụ, tánh, tướng, sự, lý, nhân, quả đều giảng thấu triệt cho quý vị. Quý vị đều minh bạch rồi, chẳng còn khởi tâm động niệm nữa, thế giới Cực Lạc hình thành như vậy đó, là một phòng học tốt. “Cố linh nhất tâm chuyên chí, nguyện sanh bỉ quốc, dục sử tảo hội vô thượng Bồ Đề dã” (vì thế, khiến cho nhất tâm chuyên chí, nguyện sanh sang cõi kia, khiến cho mau đắc vô thượng Bồ Đề). “Hội” (會) là quý vị đạt được, chứng đắc, chữ Hội có ý nghĩa này. Hôm nay hết thời gian rồi, chúng ta học tập tới đây.

[1] Tam Công là ba chức quan phù tá tối cao của nhà vua, được thiết lập từ đời Châu, gồm Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Đến đời Hán, Tam Công là Thừa Tướng (về sau đổi thành Đại Tư Đồ), Thái Úy, Ngự Sử Đại Phu (về sau đổi thành Đại Tư Không). Nhà Hậu Hán gọi Thái Úy, Tư Đồ, Tư Không là Tam Công. Đến đời Tống Huy Tông, lại đổi Tam Công thành Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Về sau, với sự hình thành lục bộ và vai trò ngày càng lớn của Tể Tướng, Tam Công chỉ còn là chức quan danh dự tặng cho các vị cố vấn cao cấp.

[2] Bốn nền văn minh cổ nổi tiếng nhất và sớm nhất trên thế giới là Cổ Ai Cập, văn minh lưu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia), Cổ Ấn Độ và Cổ Trung Quốc. Đây là khái niệm do Lương Khải Siêu đưa ra trong bài xã luận Nhị Thập Thế Kỷ Thái Bình Dương Ca. Nếu theo quan điểm Tây Phương thì văn minh cổ không chỉ gồm bốn quốc gia này mà còn phải kể văn minh Babylon, văn minh Cổ Hy La (Hy Lạp – La Mã), văn minh của thổ dân châu Mỹ v.v…

[3] Triệu Phác Sơ (1907-2000) là một nhân vật đặc biệt của Trung Quốc, ông là một nhà hoạt động xã hội, lãnh tụ tôn giáo, thi nhân, chuyên gia thư pháp, đồng thời là một cư sĩ Phật giáo hữu danh. Ông quê ở huyện Thái Hồ, tỉnh An Huy, từng đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Hội Phật Giáo Trung Quốc, kiêm chủ tịch hội nhà văn Trung Quốc, Hội Trưởng Danh Dự của hội Hồng Thập Tự Trung Quốc.

[4] Họ Trần (陳) đọc theo âm Quan Thoại là Chén, nhưng đồng thời các họ 沈 (Thẩm), 沉 (Trầm), cũng có cùng âm đọc, nên hòa thượng nói rõ là Nhĩ Đông Trần (để người ghi lại văn tự đừng chép sai), tức là bộ Phụ ghép với chữ Đông. Do bộ Phụ viết tắt có hình dáng giống như cái tai nên nói là Nhĩ Đông Trần.

[5] Ngũ Công (Arkān-al-Islām) chính là năm tín điều căn bản của tín đồ đạo Hồi, bao gồm:

  1. Tín niệm (Shahada), tức chỉ tin vào một Chúa là Allah và chấp nhập Mohamed là tiên tri của Chúa Allah.
  2. Cầu nguyện (Salat): Thực hành năm thời cầu nguyện mỗi ngày: bình minh, hoàng hôn, giữa ngọ, giữa chiều, tối.
  3. Trai giới (Sawm): Tức mùa chay Ramadan. Trong mùa chay, tín đồ Hồi giáo nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, hoàn toàn kiêng ăn uống, rượu chè, hút thuốc, kiêng quan hệ xác thịt từ lúc mặt trời mọc đến mặt trời lặn trong suốt tháng Ramadan. Chỉ có trẻ con, người già, người bị bệnh tật, có thai hay đang cho con bú mới được miễn trai giới trong tháng Ramadan.
  4. Bố thí (Zakat): Trích 2,5% thu nhập của mình để giúp người nghèo khó. Khi cho mượn tiền, không được lấy tiền lời. Vì thế, có những kẻ lách luật bằng cách cho vay nợ, rồi đòi hỏi người mượn phải tặng quà để tỏ lòng “biết ơn”. Cái gọi là “tặng quà” ấy thật ra là tiền lời.
  5. Hành hương (Haji): Mỗi tín đồ được khuyến khích hành hương ít nhất một lần trong đời đến thánh địa Mecca trong tháng Dhu al-Hijjah theo lịch Hồi giáo, tức tháng Mười Hai trong lịch Hồi Giáo.

[6] Thái giám Trịnh Hòa là thái giám thân tín của Minh Thành Tổ, vốn có tên thật là Mã Tam Bảo, theo đạo Hồi. Tổ tiên từ Bukhara (thuộc Uzbekistan hiện thời) di cư đến Vân Nam, Trung Hoa. Khi quân Minh chiếm Vân Nam đã bắt được ông khi còn là một cậu bé con, bèn đem hoạn, đưa vào cung hầu hạ hoàng tử Châu Lệ (Minh Thành Tổ). Châu Lệ đã đổi tên ông thành Trịnh Hòa. Trong chính sách “viễn giao, cận công” (xa thì ngoại giao, gần thì đánh) của nhà Minh, ông đã được vua sai hướng dẫn thương thuyền đi khắp Đông Nam Á kết giao, phô trương thanh thế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *