Tập 7/8 – Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao Giảng Giải

(đang cập nhật video)

ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG SỚ SAO

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tháng 10 năm 1992
Giảng tại California – Mỹ
Tổng cộng 8 tập

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm

 

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương – Tập 7

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm

Xin mời mở giảng nghĩa ra. “Như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí, thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm”. Đoạn trước Đại Thế Chí Bồ Tát đem phương pháp tu học cho đến hiệu quả tu học, đều nói ra cho chúng ta rồi. Hôm nay đem danh xưng pháp môn này dạy cho chúng ta. Chư vị xem tiểu chú. Hai câu đầu là ví dụ, hai câu sau đã nói ra danh xưng của pháp môn này, hương quang trang nghiêm.

“Thân cận Phật thân, tâm khai Phật tâm, như nhiễm hương nhân”. Thân thể con người không có mùi hương, bây giờ thuận tiện hơn ngày xưa rất nhiều rồi, bây giờ nước hoa, thoa mùi hương, xông hương, tiến bộ hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa y phục phải xông hương, người thời nay đều chưa nhìn thấy, dùng hương thơm để xông lên y phục, giống như sấy khô vậy, xông lâu rồi y phục liền có mùi hương, ví dụ cho người nhiễm mùi hương.

Phật Pháp trong kinh luận thường nói năm loại pháp thân hương, gọi là “ngũ phần pháp thân”. Đây là điều mà trong kinh luận Đại thừa Tiểu thừa thường nhìn thấy. Năm loại nào vậy? Chính là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương, năm loại này gọi là ngũ phần pháp thân hương.

“Thân cận Phật thân”, làm thế nào tiếp cận với Phật thân? Chư vị nên biết, tuyệt đối không phải ngày ngày bên cạnh Phật thì đó gọi là gần Phật thân, cũng không hoàn toàn như vậy. Ngôn ngữ, hành động của Phật, đem ghi chép nó lại thì gọi là giới luật. Nói cách khác, giới luật chính là nhất ngôn nhất hành của Phật. Ngôn hành của Phật có thể làm gương cho người thế gian chúng ta, có thể làm thành tiêu chuẩn ngôn hành của thế gian. Vậy gọi đó là giới luật. Đức Phật có phải là vị rất trì giới luật? Trong quan niệm của Phật không có giới luật. Những hành động tạo tác của Ngài là như vậy, nhưng ngôn hành của chúng ta phạm lỗi lầm quá nhiều, ngài là từ trong tâm thanh tịnh mà hiển lộ ra ngôn hạnh, chắc chắn không có lỗi lầm. Chúng ta dùng hành vi của Ngài làm gương mẫu, sửa đổi lại những sai trái trên tất cả hành vi của bản thân chúng ta. Đây gọi là trì giới, gọi là giữ giới. Cũng là chiếu theo tiêu chuẩn này mà học tập, là ý nghĩa này vậy. Đây gọi là thực sự thân cận Phật thân.

“Tâm khai Phật tâm”, tâm của Phật và tâm của chúng ta không giống nhau. Điều này chư vị nên ghi nhớ. Nếu như nói chân tâm, nói bổn tâm là giống nhau, Phật tâm và chúng sanh tâm không hai không khác. Hiện tại vì sao lại không giống nhau? Một bên mê, một bên ngộ. Đức Phật hoàn toàn giác ngộ, không có mảy may mê hoặc nào. Tướng giác ngộ là định, tướng của mê là động. Tâm phàm phu chúng ta là động. Một niệm khởi lên, một niệm đã diệt, niệm đang khởi diệt. Đây gọi là tâm động, tâm động là mê. Cho nên trong kinh Phật thường nói “vô minh”, vô minh chính là tướng động. Minh chính là tướng thanh tịnh, tức bất động rồi. Tâm nếu làm được bất động, đây gọi là định, tức không có vọng niệm. Lúc tâm bất động, tác dụng của nó chính là trí tuệ chân chánh, trí tuệ chân thật. Phàm phu chúng ta tâm này là động. Tâm động có trí tuệ hay không? Cũng có. Đó là tiểu trí tuệ, không phải là đại trí tuệ, cũng không phải là trí tuệ chân thật. Đây là điều mà Đức Phật trong kinh luận thường nói thông minh trí tuệ của phàm phu gọi là “thế trí biện thông”, chính là thông minh tài trí của thế gian, không phải là trí tuệ chân thật. Vì sao nói không phải là trí tuệ chân thật? Bởi vì đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh hoàn toàn không hiểu. Rất nhiều sự việc họ nghĩ sai, họ nhìn sai. Vì sao vậy? Vì họ dùng tư duy, dùng tưởng tượng, dùng suy luận, đều không thấy được sự thật thật sự. Sai lầm này nhất định không thể tránh khỏi. Định tâm giống như một tấm gương vậy, nó không có phân biệt, không có dao động, tấm kính này chiếu bên ngoài sẽ chiếu rõ ràng, sáng suốt. Cho nên định tâm nhìn thấy là chân tướng của sự thật, vậy làm sao mà có sai lầm được? Không những chân tướng sự thật trước mắt họ nhìn thấy, họ có thể nhìn thấy quá khứ, cũng có thể nhìn thấy vị lai. Có lẽ chúng ta cảm thấy kỳ quái làm sao mà có thể nhìn thấy quá khứ, vị lai? Quá khứ thì đã qua rồi, vị lai còn chưa đến, làm sao mà họ lại thấy được? Chư vị nên biết, phàm là có quá khứ, hiện tại, vị lai, là hiện tượng trong tâm sanh diệt của chúng ta. Một niệm sanh khởi, một niệm diệt đi, đã diệt rồi là quá khứ, hiện tại khởi lên là hiện tại, còn chưa khởi lên niệm tiếp theo đó là vị lai. Bởi vì quí vị có tâm sanh diệt, hiện tượng ba đời này hiển lộ ra rồi. Giả sử như tâm quí vị không có ý niệm, nói cách khác, căn bản là không có quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại, không tồn tại. Cho nên mười phương ba đời, ‘ba đời’ chính là quá khứ, hiện tại, vị lai. “Mười phương” chúng ta nói đông tây nam bắc tứ duy thượng hạ là một chỉnh thể. Bởi vì quí vị có phân biệt, có chấp trước, cho nên mới sản sanh hiện tượng này. Hiện tượng này không phải là chân thật.

Phật trong Duy Thức Luận nói rõ sự thực của hiện tượng này. Ngài nói loại hiện tượng này là “bất tương ưng hành pháp”, không thể nói không có sự việc này, có sự việc này. Rốt cuộc là chân tướng của nó như thế nào, gọi là bất tương ưng hành pháp. Đây là danh từ Phật học. Nếu dùng lời hiện tại để nói, chính là khái niệm trừu tượng. “Bất tương ưng hành pháp” người hiện tại gọi nó là khái niệm trừu tượng. Không phải có một thứ có thực thể thực sự tồn tại, là khái niệm trừu tượng. Đức Phật giải thích cho chúng ta như vậy. Hiện tại khoa học phát triển đích thực đã chứng minh cho chúng ta rồi. Thời gian đích thực là “bất định pháp”, ở nơi này của chúng ta, bây giờ là tám giờ, ở Đài Loan Đài Bắc lúc này là 12 giờ, 12 giờ trưa. Thời gian thực sự không phải là một định pháp. Xa rời trái đất đến thái không thì thời gian không có nữa. Cho nên Đức Phật tại ba ngàn năm trước, đem chân tướng sự thật này nói cho chúng ta, hoàn toàn là từ trong tâm sanh diệt mà kiến lập một quan niệm. Nó không phải là sự thật. Cho nên trong tâm giác ngộ, họ có thể hiểu được chân tướng sự thật. Đây chính là định và tuệ thực sự. Giới định tuệ là cương lĩnh của dạy học trong Phật học, cũng là cốt lõi mà Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa tại thế, 49 năm giảng kinh thuyết pháp. Đây chính là “Phật tâm”. Cho nên chúng ta có giới định tuệ, chính là “tâm khai Phật tâm”. Ngôn ngữ, động tác của chúng ta đều có thể tương ưng với giới kinh, đó chính là “thân cận Phật thân”. Đây chính là “như nhiễm hương nhân”. Ý nghĩa chính là đây vậy.

“Vị dĩ Như Lai pháp thân hương quang, trang nghiêm tự tâm bổn giác Như Lai”. Hai câu nói này rất quan trọng. Học Phật chắc chắn không có mê tín. Chúng ta lấy Phật làm điển hình cho chúng ta, làm một bậc mô phạm cho chúng ta, chúng ta phải học cho giống y như Ngài. Vậy thì quí vị được gọi là thành Phật rồi. Điều này nên biết. Hình dáng của Phật ở đâu? Không phải là tượng Phật mà chúng ta vẽ đó, cũng không phải tượng Phật mà chúng ta tạc, hình dáng của Phật ở trong kinh điển. Quí vị phải tỉ mỉ mà đọc, phải tỉ mỉ mà lĩnh ngộ, sau đó đem những đạo lý này, biến thành tư tưởng, kiến giải, hành vi trong cuộc sống thường nhật của bản thân chúng ta. Đây gọi là học Phật. Đức Phật nói cho chúng ta rất nhiều rất nhiều. Phải chăng toàn bộ đều phải học? Không nhất thiết như vậy. Hà huống tất cả pháp mà Đức Phật đã nói, nhân người, nhân thời, nhân địa không đồng, giảng ra pháp vô lượng vô biên, người biết học nắm bắt được cương lĩnh của nó, nắm bắt được trung tâm của nó, cũng tức là nói nguyên lý nguyên tắc nắm bắt được rồi. Tư tưởng, kiến giải, tất cả hành vi của chúng ta tự nhiên sẽ tương ưng với Phật.

Những cao tăng đại đức xưa nay của Trung Quốc rất hiểu nguyên lý dạy học, kinh điển phiên dịch ra trung văn không phải là ít, hiện nay trong Đại Tạng Kinh chúng ta đều đã nhìn thấy, nhưng từ xưa đến nay kinh điển mà người Trung Quốc học tập thực sự mà nói không nhiều. Thông thường tính ra, tức là thường chọn ra để tu học nhất vẫn chưa đến 50 bộ. Đây chính là những kinh điển cực thiểu số này đủ để đại biểu cho toàn thể Phật Pháp. Đây chính là chúng ta nắm bắt được cương lĩnh. Giống như chúng ta hiện nay, chỉ nắm bắt một bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Những lý luận nguyên tắc nói đến trong tất cả các kinh, thì trong Kinh Vô Lượng Thọ đều có, thật là một kinh thông, tất cả kinh đều thông. Bởi vì nguyên tắc nguyên lý của nó là bất biến. Điều này vô cùng khế hợp với thời đại hiện tại này. Thời đại này mỗi một người cuộc sống đều vô cùng bận rộn, không giống như xã hội nông nghiệp ngày xưa, thời gian nhàn rỗi rất nhiều, thời gian bận rộn rất ít, thời gian nghỉ ngơi rất dài. Ngày xưa nông dân, lúc chúng tôi còn nhỏ, tại nông thôn đại lục nghỉ tết, nghỉ tết bắt đầu từ ngày nào? Chính là bắt đầu từ mồng tám tháng chạp âm lịch. Mồng tám tháng chạp là mồng tám tháng 12. Nghỉ đến ngày nào? Nghỉ tết đến mồng hai tháng hai âm lịch. Quí vị cẩn thận mà xem kỳ nghỉ lễ dài biết bao. Hiện nay nghe nói nghỉ tết nghỉ ba ngày là ghê gớm lắm rồi. Điều này nếu người ngày xưa có nghĩ như thế nào cũng không nghĩ ra được. Nghỉ lễ tết lớn như vậy mà nghỉ ba ngày, ngày xưa nghỉ một tháng rưỡi đến hai tháng, cũng gần hai tháng rồi. Cho nên kỳ nghỉ dài, thời gian nhàn rỗi nhiều, đại kinh đại luận họ có thời gian mà đọc qua. Hiện nay chúng ta công việc bận rộn như vậy, làm sao có thể có thời gian nhiều như vậy để nghiên cứu những đại kinh này. Cho nên trong thời đại này, Kinh Vô Lượng Thọ phân lượng cũng vừa vặn thích hợp, xem ra cũng không ngắn lắm, cũng không dài lắm, hơn nữa nội dung đích thực bao la tất cả những kinh luận. Đây là đặc điểm của Kinh Vô Lượng Thọ. Đây chính là phải hiểu được, làm thế nào để dùng Như Lai pháp thân hương quang trang nghiêm chính mình. Đây dạy chúng ta phải học theo tâm nguyện, giải hạnh của Phật đà.

“Hoa Nghiêm vân: Bồ đề tâm hương, năng trừ thâm nhuế si đẳng nhiệt não, linh kỳ cụ túc trí tuệ thanh lương”. Chúng ta xem từng đoạn từng đoạn nhỏ. Đây xuất xứ từ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, đây là bộ kinh điển lớn nhất trong Phật Giáo. Trong kinh nói ‘bồ đề tâm hương”. Bồ đề là tiếng Phạn, dịch thành ý nghĩa Trung là giác ngộ. Nói cách khác, tâm giác ngộ, tâm đó là hương. Mê rồi, hương khí của tâm không còn nữa, mê mất rồi, tâm giác ngộ thì có. Vậy những khí vị nào là không thơm, không tốt? Tham sân, nhuế chính là sân nhuế, ngu si. Dưới đó còn có chữ ‘đẳng’, đẳng là những thứ nào nữa? Kiêu mạn, cống cao ngã mạn. Hoài nghi đối với thánh giáo, tham, sân, si, mạn, nghi, ngoài năm loại này, tất cả những tư tưởng quan niệm sai lầm hợp lại gọi là “ác kiến”, tức là kiến giải sai lầm. Bồ đề tâm hương có thể đối trị những bệnh hoạn trên tâm lý này. Đây thuộc về tâm bệnh trong tâm lý. Từ đó có thể biết, bồ đề tâm mới là tâm lý lành mạnh nhất. Tâm lành mạnh, thân liền lành mạnh, thân tâm lành mạnh, người này tự nhiên trường sanh bất lão. Trường sanh chính là không chết, không bệnh, không già, đích thực có thể làm được. Cho nên tâm lý lành mạnh, chúng ta nhất định phải chú ý, phải nghiêm túc nỗ lực mà học tập. Tâm phải giác, không thể mê.

“Linh kỳ cụ túc trí tuệ thanh lương”, trí tuệ là mỗi mỗi đều thông đạt rõ ràng. Đối với chân tướng của nhân sinh vũ trụ rõ ràng sáng suốt. Thanh lương là không có phiền não. Trong tâm không có phiền não, không có vướng bận, không có âu lo, không có phân biệt, không có chấp trước, quí vị nói xem tự tại biết bao. Đây là phước báo chân thật, hưởng phước. Đó mới là hưởng phước thực sự. Tâm địa thanh tịnh, mảy trần không nhiễm.

“Bồ đề tâm hương nhất niệm công đức phổ huân pháp giới”. Đây là nói bồ đề tâm thể dụng rộng lớn. Chân tâm vốn là bao hàm hư không pháp giới. Điều này nguyên bản chính là như vậy. Hiện nay vì sao tâm lượng biến thành nhỏ nhoi như vậy? Tâm lượng biến thành nhỏ chính là chúng ta có phân biệt, có chấp trước. Một niệm phân biệt tâm, trong đó liền vạch ra một giới tuyến, liền chướng ngại rồi. Nếu như trong tâm không có phân biệt, không có chấp trước, trong tâm này không có chướng ngại, không có chướng ngại thì tâm lượng này là tận hư không biến pháp giới. Trong kinh Đại thừa thường nói “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm quí vị lớn chừng nào? Bao hàm toàn thể hư không, còn lớn hơn cả hư không. Tâm lượng lớn chừng nào? Mười phương vô lượng vô biên hằng sa thế giới đều ở trong tâm lượng quí vị, không lìa khỏi tâm lượng đó. Quí vị liền nghĩ tâm thể tâm lượng này thực sự không thể nghĩ bàn. Chúng ta hiện tại tâm lượng trở thành nhỏ, trở thành nhỏ là ngã chấp, pháp chấp. Ngã chấp, pháp chấp chính là phân biệt chấp trước. Một niệm tâm khởi liền phân biệt chấp trước, giới hạn này rất nhỏ hẹp. Vốn là tâm lượng vô lượng vô biên, hiện nay trở thành nhỏ nhỏ như thế này, quí vị nói xem có oan uổng hay không? Bồ đề tâm chính là tâm giác ngộ, không có phân biệt chấp trước. Cho nên họ “nhất niệm công đức”, nhất niệm này là nhỏ, thời gian cũng ngắn, nó liền có thể biến hư không pháp giới, “phổ huân pháp giới”.

“Bồ đề tâm hương, nhược nhất phát thời, tức linh nhất thiết thiện căn vĩnh xuất tam giới”. ‘Tam giới’ tức thường nói lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi từ đâu mà có? Từ mê mà có, từ chấp trước mà có, quí vị mê, quí vị có chấp trước, quí vị liền có lục đạo luân hồi. Nếu như một ngày nào đó ta không mê nữa, ta chấp trước không còn nữa, thì lúc đó chính là tìm lục đạo mà không có được, làm gì có luân hồi nữa. Đại sư Vĩnh Gia trong Chứng Đạo Ca nói rất hay: “mộng lý minh minh hữu lục thú”, lúc thú tức là lục đạo luân hồi. Mộng là gì? Mộng là mê hoặc điên đảo mới nằm mộng. “Giác hậu không không vô đại thiên”, tỉnh lại rồi, không mê nữa, không mê thì đại thiên thế giới tìm không ra, cũng không có nữa. Cho thấy Phật Pháp nói, thực sự nói đến hạt nhân then chốt chính là mê ngộ, mê gọi là phàm phu, ngộ rồi gọi là Phật Bồ Tát, chỉ đổi một danh từ mà thôi. Trên thực tế không có đổi, chỉ đổi danh từ mà thôi. Vì sao có Phật có Bồ Tát? Mức độ ngộ có cạn sâu không đồng, cho nên có Phật, có Bồ Tát, có A la hán. Đây đều là người giác ngộ. Vì sao có lục đạo? Lục đạo là mê cạn sâu không tương đồng. Người mê cạn là cõi trời, người mê sâu nhất là địa ngục. Cho nên lục đạo là từ trên mức độ mê khác nhau mà hiện ra hiện tượng. Nếu như giác ngộ rồi, thực sự giác ngộ rồi, “vĩnh xuất tam giới”, tam giới chính là lục đạo luân hồi, chính là Vĩnh Gia đại sư nói “giác hậu không không vô đại thiên”, siêu việt đại thiên thế giới. Đại thiên thế giới chính là nói lục đạo.

“Thanh Lương Sớ Sao kết thành thập hương”. Thập hương này không nhất thiết phải giải thích từng thứ từng thứ, tôi chỉ đọc đọc qua danh từ này thôi.

Thứ nhất phát bồ đề tâm hương, thứ hai nhẫn hương, thứ ba tinh tấn hương, thứ tư giới hương, thứ năm định hương, thứ sáu huệ hương, thứ bảy giải thoát hương, thứ tám tri kiến hương. Tôi vừa nói ngũ phần pháp thân, chính là từ thứ tư đến thứ tám, đây gọi là ngũ phần pháp thân hương. Thứ chín xứng pháp giới hương, thứ mười vong năng sở hương. Nói với chư vị đồng tu một sự thật rằng, hương này là chân thật, thực sự có, nhất định không phải là giả.

Ngày xưa tại đại lục, hiện tại bởi vì tôi đến thời gian ít, tiếp xúc cũng không nhiều, không hiểu rõ lắm, như Lão hòa thượng Hư Vân, như Pháp sư Ấn Quang. Lão hòa thượng Hư Vân chúng tôi biết một năm tắm một lần, một năm cạo tóc một lần, người xuất gia đầu tóc đều cạo sạch, ngài lại không cạo tóc, ngài một năm chỉ cạo một lần, cho nên đầu tóc của Ngài rất dài, quí vị ở trong ảnh cũng đều nhìn thấy, một năm cạo tóc một lần, tắm gội một lần. Áo quần cũng không thường giặt, quí vị thấy sau cổ áo dường như cũng rất bẩn, đều là dầu mồ hôi. Nhưng trên thân ngài lại có một thứ thanh hương, mùi vị này rất dễ chịu, sẽ không cảm ngửi rất khó chịu. Hương đó từ đâu mà có? Quí vị đọc đoạn văn này liền biết được. Không những thân thể ngài có mùi hương, áo quần của ngài cũng có mùi hương. Đương nhiên ngài tuyệt đối không có ướp hương. Điều này chứng tỏ mùi hương này là thật, không phải là giả. Nói chung lại một câu, mùi hương của ngài đó là bồ đề tâm hương. Đây là sự thật. Hiểu rõ được đạo lý này rồi. Thân thể của chúng ta ba ngày không tắm gội, trên thân mùi sẽ rất khó chịu, tâm hương của chúng ta chạy đi đâu rồi? Bị phiền não, vọng tưởng bao phủ mất rồi. Tuy có tâm hương mà không tiết ra được, nó có chướng ngại. Phiền não vọng tưởng là chướng ngại. Mỗi một người thân thể đều có mùi vị, người thường nói là mùi hôi của thân thể. Mùi vị này cũng có thể thấy được tâm tánh của người này trong đời quá khứ hiện tại. Người thế gian chúng ta, người xem tướng đoán mệnh nói người có quí nhân, quí nhân đó và người bình thường thực sự không giống nhau, không những tướng mạo đoan chánh, thân thể của họ có thanh hương. Người này có phước, hoặc là quá khứ, hoặc là hiện tại tu phước tu huệ. Họ có mùi hương. Không những trên thân có mùi hương, y phục cũng có mùi hương, thậm chí căn phòng họ cư trú cũng có mùi hương. Họ hoàn toàn không đốt hương. Quí vị bước vào môi trường cư trú của họ, môi trường của họ cũng có mùi hương phảng phất. Giống như những điểm này chúng ta đều nên biết, công phu của bản thân chúng ta rốt cuộc có tiến bộ hay không, công phu có đắc lực hay không, những nơi này cũng có thể kiểm nghiệm ra được vài phần.

Dưới đây nói, “nhược năng ư khứu hương, khởi như thị thập chủng quán chiếu, tắc danh nhập hương quang thất giả”. Pháp môn này của chúng ta gọi là “nhập hương quang thất”. Nếu chư vị nhìn thấy có một số đạo tràng tự viện, tức là nơi tu hành, phòng ở đó phải gọi là hương quang thất, hoặc gọi là hương quang trang nghiêm. Chúng ta biết được nó nhất định là niệm Phật, cho nên đạo tràng niệm Phật gọi là hương quang thất, gọi là hương quang trang nghiêm.

Gọi là “quán chiếu”, dùng lời hiện tại để mà nói, chính là nhắc đến cảnh giác. Hương là đối với tỷ căn. Chúng ta dùng mũi để ngửi hương, liền có thể nghĩ đến hương quang trang nghiêm, liền có thể nghĩ đến mười nguyên tắc tu học này. Chúng ta phải phát tâm bồ đề, chúng ta phải tu nhẫn nhục, chúng ta phải tu giới định tuệ, cho đến quên năng quên sở, năng sở đều quên, tâm quí vị mới thực sự thanh tịnh. Tâm tịnh tức độ tịnh. Đây mới thật sự là đang tu Tịnh độ.

Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây.

“Ngã bổn nhân địa, dĩ niệm Phật tâm, nhập vô sanh nhẫn”. Đại Thế Chí Bồ Tát ở đây hiện thân thuyết pháp cho chúng ta, trước đây nói đến dạy chúng ta tu học như thế nào, tu học đạt được điều tốt như thế nào, chỉ là trên lý sự mà nói, vẫn chư đủ thân thiết, thân thiết nhất là quí vị lấy ra được chứng cứ, vậy điều này đã nói ra được vô cùng thân thiết rồi. Đoạn này ngài đem chứng cứ ra rồi, lấy mình làm gương, bản thân ngài chính là một chứng cứ. “Ngã bổn nhân địa, dĩ niệm Phật tâm, nhập vô sanh nhẫn”.

“Bổn nhân, nhân dã, vô sanh quả dã, thứ cú, triệt quả cai nhân”. Pháp môn này chúng ta trong Kinh Di Đà, trong Kinh Vô Lượng Thọ sâu sắc mà hiểu rõ nó. Pháp môn tu học này và bất cứ pháp môn nào khác không tương đồng, không tương đồng ở đâu? Pháp môn thông thường đều là tu nhân chứng quả. Nói cách khác, nhân quả không đồng thời. Có nhân trước, sau có quả. Pháp môn niệm Phật này là nhân quả đồng thời, trong nhân có quả, trong quả có nhân. Cho nên gọi là “triệt quả cai nhân”. Đây là chỗ không giống nhau. Bởi vì một câu danh hiệu Phật này, không chỉ là đức hiệu trên quả địa của A Di Đà Phật, cũng là quả hiệu mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai chứng đắc được. Chúng ta ngày nay dùng nó để làm nhân, lấy quả làm nhân. Cho nên tu nhân chính là chứng quả, nhân quả đồng thời, nhân quả không hai. Đây là điều không tương đồng với bất cứ pháp môn tu học nào. Điều này người niệm Phật nhất định phải nhận thức cho rõ ràng.

“Niệm Phật tâm” chú trọng nơi tâm niệm Phật. Từ đó có thể biết, không phải chú trọng nơi khẩu niệm, mà chú trọng tại tâm niệm. Khẩu niệm có cần thiết hay không? Khẩu niệm cũng không thể bỏ, tâm khẩu phải tương ưng, tâm khẩu phải nhất như. Đây mới là chân chánh niệm Phật. Nếu như trong miệng niệm Phật, mà trong tâm và những đạo lý Phật nói này hoàn toàn trái ngược, không tương ưng, kiểu niệm Phật này không có ích gì cả, cũng chính là cổ đức đã nói: quí vị hét rách cổ họng chẳng ích gì, không đạt được hiệu quả. Nhất định phải miệng niệm tương ưng với tâm hành. Cho nên chú trọng tại “tâm niệm Phật”. Cảnh giới ở đây nói đã cao rồi.

“Thuật dĩ phi dụng, phân biệt ý thức nhi niệm, nãi lục căn đô nhiếp, nhất tâm bất loạn niệm dã”. Tâm niệm Phật của Ngài là tiêu chuẩn ở mức độ tương đối cao, không phải là nói qua loa. Chúng ta niệm Phật, thực sự mà nói Kinh Lăng Nghiêm, đoạn trước trong đề kinh đã giới thiệu sơ lược với quí vị rồi, cảnh giới mà trong kinh này nói đến là cảnh giới của pháp thân đại sĩ, không phải là cảnh giới của người bình thường. 25 vị Bồ Tát đều là viên giáo sơ trụ Bồ Tát. Nói cách khác, đều là đã phá nhất phẩm vô minh, chứng nhất phần pháp thân, gọi là pháp thân đại sĩ. Cho nên họ niệm Phật và chúng ta niệm không giống nhau. Vì sao vậy? Vì họ không còn vọng tâm nữa. Chân tâm hiển lộ rồi. Chúng ta ngày nay hoàn toàn dùng vọng tâm. Chân tâm tuy là có, nhưng không thấu lộ ra mảy may nào. Cho nên niệm Phật ở đây, tiêu chuẩn của ngài là “nhất tâm bất loạn” mà niệm. Đây là chúng ta hướng đến, nhưng hiện tại không thể làm được. Tuy không thể làm được phải nghĩ phương pháp để mà làm được. Quí vị không nghĩ phương pháp làm được, quí vị vĩnh viễn không thể đạt đến cảnh giới này. Vậy chúng ta trong đời này lại luống qua rồi, đáng tiếc quá. Phương pháp rất nhiều, trong kinh điển có, tổ sư đại đức xưa nay nói cũng rất nhiều. Nhưng nếu như đem nó quy nạp lại, câu quan trọng nhất là “trung thực niệm”. Điều này rất quan trọng.

Ngày xưa Linh Nham Sơn tự ở Tô Châu, trên tường có một tấm bia đá viết mấy bài kệ. Mấy bài kệ đó cũng là dạy người phương pháp niệm Phật, không hiểu là người nào viết, pháp sư Ấn Quang vô cùng tán thán, phương pháp của họ chúng ta nếu chọn dùng cũng rất tốt, họ không cần nhớ số. Họ là quán tưởng sắc hương quang của hoa sen, căn cứ theo như Kinh Di Đà đã nói đến, thế giới tây phương Cực Lạc trong ao thất bảo hoa sen bốn sắc: “thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang”. Họ dạy người niệm Phật câu thứ nhất niệm Nam mô A Di Đà Phật liền nghĩ hoa sen màu xanh, hương hoa màu xanh, màu sắc giống như vậy. Câu thứ hai niệm Nam mô A Di Đà Phật liền nghĩ đến hoa màu vàng. Câu thứ ba nghĩ đến màu đỏ, tức màu hồng. Câu thứ tư chính là nghĩ đến màu trắng. Câu thứ năm lại nghĩ như câu thứ nhất ở trước. Tức là bốn loại màu sắc luân lưu mà quán tưởng. Họ dùng phương pháp này để “đô nhiếp lục căn”. Nói cách khác, chúng ta một mặt niệm Phật một mặt đang khởi vọng tưởng, phiền phức là đây vậy. Làm thế nào để dạy niệm Phật không khởi vọng tưởng. Niệm Phật không khởi vọng tưởng chính là đô nhiếp lục căn. Niệm Phật còn khởi vọng tưởng thì công phu niệm Phật của quí vị chưa đủ, quí vị không nhiếp nổi sáu căn. Cho nên phương pháp này của họ tốt, họ cũng không cần ghi nhớ số, không cần thiết nhớ số, chính là quí vị một mặt niệm, một mặt trong tâm quán hoa sen. Đại sư Ấn Quang nói pháp môn này tương ưng với những điều trong kinh điển nói. Chúng ta ở đây nói (đoạn trước đã nói qua), nhớ Phật niệm Phật, niệm Phật là miệng niệm danh hiệu Phật, nghĩ sắc hương quang của bốn màu hoa sen, đây là ‘ức’, đơn thuần nhớ nghĩ đến hoa sen. Rất tốt. Đây là phương pháp tốt.

Ngộ chính là ngộ nhập, thông thường chúng ta cũng có nói là thành đạo chứng quả. Nhập chính là có ý nghĩa này.

Có phân biệt giải ngộ và chứng ngộ. Giải ngộ là lý rõ ràng rồi, không còn hoài nghi nữa, nhưng chưa làm được. Nói cách khác, giải ngộ vẫn chưa có hiệu quả. Giải ngộ đích thực là giúp quí vị đoạn nghi sanh tín. Tuy là đoạn nghi sanh tín, nhưng tập khí phiền não của quí vị chưa đoạn được. Nói cách khác, những thứ này vẫn là chướng ngại, chướng ngại thanh tịnh trí tuệ của quí vị. Hiện tại tâm quí vị không thể thanh tịnh, trí tuệ chưa thấu lộ ra được, đây là chướng ngại đối với hiện tiền, tức là chướng ngại trong đời này. Hướng xa hơn chút nữa là chướng ngại quí vị vãng sanh thành Phật. Từ đó có thể biết, giải ngộ thì chưa đủ, nhất định phải chứng ngộ. Phải chân thực khế nhập cảnh giới Phật.

Bản kinh này từ tam tiệm thứ đến Thập tín vị là giải ngộ vậy. Kinh Lăng Nghiêm cổ nhân xưng là Kinh Lăng Nghiêm khai trí tuệ. Lời này nói rất có đạo lý. Trong Lăng Nghiêm nói chân tướng của vũ trụ nhân sinh, nói lý luận phương pháp và thứ tự của việc tu hành, có thể nói giảng tường tận hơn bất cứ bộ kinh nào. Trong Kinh Hoa Nghiêm chỉ giảng 52 vị thứ. Trong Kinh Lăng Nghiêm tổng cộng nói 60 vị thứ, nói kỹ hơn cả Kinh Hoa Nghiêm. Vậy vị thứ của nó vì sao lại nhiều hơn như vậy? Ở trước Thập tín vị có thêm “tam tiệm thứ”. Đây là điều mà trong các kinh khác không có. Tam tiệm thứ, thực sự mà nói là cơ sở của việc tu hành. Giống như chúng ta đi học đại học vậy, tam tiệm thứ là lớp dự bị, còn chưa vào được năm thứ nhất. Trước năm thứ nhất học tiến, thì vào học lớp dự bị này. Trong các kinh khác không có nói đến giai đoạn này. Giai đoạn này có cần thiết hay không? Rất cần thiết.

Tam tiệm thứ. Thứ nhất là “tu tập”, tu trong từ tu hành, tập trong từ luyện tập, tập trong từ thực tập, tu tập đó là điều thứ nhất. Mục đích của nó là đem những trợ duyên như phiền não tập khí này, trước hết trừ bỏ nó đi, đoạn trừ những ác duyên này trước. Thí dụ, nêu một ví dụ, trong Kinh Lăng Nghiêm nói đến một người thực sự tu hành, nhất định phải đoạn ngũ tân, ngũ tân chính là năm loại rau củ cay nồng. Năm thứ rau củ này bao gồm những gì? Điều này rất nhiều đồng tu đều biết: hành, tỏi, kiệu, củ kiệu gọi là củ tỏi nhỏ, ở Đài Loan có, đó gọi là củ kiệu, tính chất cũng gần như củ tỏi, rau hẹ, bốn loại này ở Trung Quốc có, còn có một loại là hưng cừ, ở Trung Quốc không có, hưng cừ là Phạn âm của Ấn Độ phiên dịch ra, trên thực tế chính là cây hành tây của Mỹ, là loại này. Năm thứ này, đây cũng là rau củ, rau củ vì sao không được ăn nó? Loại rau củ này gọi là huân thái. Chư vị nên biết, chữ ‘huân’ này không phải là thịt, thịt gọi là ‘tinh’, huân tinh. Huân thái chính là năm loại rau củ này, điều này chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Ăn thịt gọi là ăn mặn, đó là sai lầm lớn rồi, người ngoài rồi. Chữ huân này có bộ thảo trên đầu, bộ thảo trên đầu dưới đó là chữ quân trong từ quân đội, chữ ‘huân’, nó là thực vật, nó không phải là động vật. Động vật gọi là ‘tinh’, gọi là “huân tinh”. Trong Kinh Lăng Nghiêm giảng cho chúng ta rất rõ ràng, nó là một trợ duyên rất không tốt, chúng ta phải tránh xa nó. Đức Phật nói ăn sống nó sẽ kích thích sinh lý của chúng ta, ăn sống dễ dàng làm nóng gan, dễ dàng nổi nóng giận. Nói cách khác, nó có thể giúp quí vị dẫn khởi tâm sân nhuế của quí vị, nó có tác dụng này. Ăn chín nó làm tăng trưởng hormone, dễ dàng dẫn khởi tính kích động, nguyên nhân chính là đây. Điều này chư vị đồng tu đều nên biết. Cho nên năm thứ cay nồng này phải đoạn. Đây là trợ duyên, đoạn trừ trợ duyên ác nghiệp này, mục đích là đây vậy. Tính chất của nó không tốt. Nhưng có rất nhiều đồng tu tìm đến tôi mà hỏi, điều này đã từng gặp, họ nói, ngày xưa chúng ta ăn thịt, hiện tại bảo tôi không ăn thịt, phải ăn chay, lúc ăn chay, những thứ này coi như là hương liệu vậy, nêm làm gia vị, cũng không cần đến, thì thức ăn chay này không có chút mùi vị nào, vậy là nuốt không nổi. Mọi người nên biết, giới luật nhà Phật mỗi điều giới luật đều có khai duyên, đây gọi là khai giới, không phạm giới. Quí vị biết hành tỏi nếu ăn đến một phân lượng nhất định nào đó mới sản sanh tác dụng, trong một dĩa thức ăn cắt thêm một tí làm gia vị, tuyệt đối không khởi tác dụng, vậy thì có thể được. Tự viện người xuất gia nếu dùng thứ này sẽ dẫn đến lời đàm tiếu của người khác, cho nên không nên nữa. Người tại gia thì không sao. Đây là tôi nói với quí vị không thể dùng quá lượng. Thực sự mà nói tỏi người thông thường chúng ta ăn không nổi, ăn sống quí vị có thể ăn được sao? Cay nồng vô cùng. Giống như người Sơn Đông mà ăn nó liền khởi tác dụng. Họ ăn tỏi múi như ăn đậu phụng vậy, một lần họ ăn cả bát lớn. Vậy mới khởi tác dụng. Cho nên Đức Phật giáo giới là ngăn cấm điều này, không phải là cấm quí vị một đĩa rau dùng hai múi tỏi làm gia vị, điều đó không khởi tác dụng. Cũng giống như lý trong đại giới cấm uống rượu vậy. Rượu bản thân không có tội lỗi, sát đạo dâm vọng là tội lỗi, đây là tánh tội. Rượu gọi là giá tội. Thế nào gọi là giá tội? Là dự phòng. Rượu uống say rồi, tánh loạn lên. Ở Mỹ ban đêm lái xe, nghe nói tối ngày mai lái xe phải cẩn thận. Vì sao vậy? có rất nhiều người rượu uống say rồi, xảy ra tai nạn xe, hại mình hại người. Cho nên nói rượu nếu như không uống say thì không có tội lỗi, sẽ không sản sanh lỗi lầm. Quí vị phải rõ lý. Đức Phật rất hiểu lý lẽ. Đức Phật không phải nói điều không có lý. Quí vị ở nhà nấu thức ăn, trong thức ăn bỏ một chút rượu gia vị, rượu gia vị đó có thể làm người ta say được sao? Không thể. Cho nên rượu làm gia vị có thể dùng. Rượu gia vị không chỉ là rượu trắng, thông thường làm rượu gia vị là rượu trắng, rượu tốt cũng có thể dùng làm rượu gia vị, nhưng rượu tây thì không được lắm. Giống như Trung Quốc nổi tiếng một số rượu ngon giống như rượu Mao Đài, đều có thể dùng làm rượu gia vị, dùng hương vị của nó, nó không khởi tác dụng. Những thường thức thông thường này chúng ta nên hiểu, sau đó chúng ta mới thực sự biết được học Phật như thế nào. Giống như ngũ vị tân này nhất định không thể dùng quá lượng, làm gia vị dùng chắc chắn không phạm giới. Đây là điều thứ nhất trong tam tiệm thứ, chính là quí vị phải biết phòng ngự. Bản thân chúng ta có tập khí ác, có tật xấu, phàm là những duyên có thể làm lớn mạnh, thúc đẩy nó chúng ta đều phải đoạn trừ. Đây là nêu một ví dụ để nói.

Thứ hai là “chân tu”, tu hành nhất định phải chăm chỉ, phải dùng tâm chân thật để tu. Tâm chân thật nhất định phải trì giới. Trong Kinh Lăng Nghiêm nêu ra cho chúng ta “tứ trọng giới”, cho thấy nó đích thực là nắm bắt được tổng cương lĩnh tu học. Bốn trọng giới chính là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ. Trong vọng ngữ không phải là tiểu vọng ngữ, gọi là đại vọng ngữ.

Thế nào gọi là đại vọng ngữ? Quí vị chưa chứng quả bản thân tự đồn thổi rằng tôi đã thành Phật rồi, tôi là Bồ Tát gì đó tái lai. Đây là đại vọng ngữ. Đây là điều tuyệt đối không cho phép. Hiện nay chúng ta thường nghe nói đây là Phật gì đó tái lai, kia là Bồ Tát gì đó tái lai. Ngày xưa có, ngày xưa người ta vừa nói ra lập tức liền bỏ đi, ngày xưa thật sự có. Giống như Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, không phải bản thân ngài tự nói cho mọi người, mà người khác nói ra ngài là A Di Đà Phật tái lai, thân phận vừa bị tiết lộ ngài lập tức viên tịch. Đây là thật. Bồ Tát Di Lặc chính là Bố đại hòa thượng. Đây là vị xuất hiện ở Trung Quốc vào thời Nam Tống, xuất hiện tại Triết Giang Phụng Hóa. Ngài là đích thân tự nói ra, bản thân là Bồ Tát Di Lặc tái lai. Nói xong ngài liền vãng sanh, liền đi rồi. Đây là chính xác. Nói xong thì phải đi, nói xong còn chưa đi thì vị này có vấn đề. Nói xong mà không đi thì có vấn đề rồi. Đây gọi là đại vọng ngữ. Điều này chúng ta phải biết. Trong trọng giới vọng ngữ là chỉ cho đại vọng ngữ này. Người niệm Phật chúng ta chưa đắc nhất tâm, nói bản thân đã đắc nhất tâm bất loạn. Đây thuộc về đại vọng ngữ. Bản thân chưa chứng đắc nói bản thân đã chứng đắc. Đó là vọng ngữ.

Thứ ba là “tăng tiến”, quí vị có thể đoạn các ác duyên, có thể chân chánh phát tâm tu, không ngừng cầu tiến bộ. Đây là lấy sức mạnh định huệ, để tránh xa phiền não, vọng tưởng, tập khí của bản thân. Đây là công phu dự bị của việc tu hành. Sau đó mới nhập Thập tín vị, mới có thể khế nhập vào Thập tín vị. Cho dù chứng được Thập tín viên mãn, vẫn còn thuộc về giải vị. Vì sao thuộc về giải vị? Quí vị chưa kiến tánh. Chưa kiến tánh, dùng lời hiện đại mà nói là chân tướng của vũ trụ nhân sanh quí vị chưa đích thân thấy được.

Sơ trụ trở lên, đây là phá một phẩm vô minh thấy một phần chân tánh. Thấy một phần chân tánh nói như thế nào? Chân tướng của vũ trụ nhân sanh họ nhìn thấy rồi. Chân tướng mà họ nhìn thấy được, và chân tướng mà Chư Phật Bồ Tát nhìn thấy là giống nhau. Đây gọi là “chứng ngộ”. Lúc đó đối với những điều nói trong kinh Phật hoàn toàn tin tưởng chắc chắn. Vì sao vậy? Vì nhìn thấy rồi. Điều Đức Phật nói ta đã thấy được hết rồi, ta không phải là nghe nói nữa, ta thực sự nhìn thấy được rồi. Sơ trụ trở lên là thật chứng.

“Trụ, hạnh, hướng, địa, đẳng, diệu”, đây là Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác, những vị này gọi là “chứng nhập” có địa vị cạn sâu không tương đồng, họ tổng cộng có 42 vị thứ, 42 vị thứ này trong Kinh Hoa Nghiêm nói 42 vị pháp thân đại sĩ. Vì sao có 42 vị thứ này? Vì cảnh giới họ chứng ngộ sâu cạn không tương đồng. Đến Diệu giác đó là chứng đắc rốt ráo viên mãn. Thông thường chúng ta nói thành Phật. Thành Phật là chứng đắc rốt ráo viên mãn. Đẳng giác trở xuống tuy là chứng đắc, cũng chứng đắc nhưng không viên mãn, không rốt ráo.

“Tiểu thánh ngộ sanh không, phá nhân ngã chấp, diệc thị chứng nhập sanh nhẫn dã”.

Ở đây nói “nhập vô sanh nhẫn”, vô sanh nhẫn bao gồm Đại thừa và Tiểu thừa, phạm vi này nói rất rộng, không giống như trong một số kinh điển nói rất hạn hẹp, ở đây nói rất rộng. Không những Sơ trụ trở lên là nhập vô sanh nhẫn, ngay Tiểu thừa tứ quả A la hán, Bích Chi Phật cũng xem như họ nhập vô sanh nhẫn. Họ ngộ nhập “sanh không”. Nói cách khác, “pháp không” họ chưa thể ngộ nhập. “Sanh không” họ là chứng đắc, “pháp không” họ có thể lý giải được, nhưng chưa nhập được. Cho nên đối với “pháp không” họ là giải ngộ, đối với “sanh không” họ là chứng ngộ. Cho nên họ có thể “phá nhân ngã chấp”, có thể phá ngã chấp, họ không thể phá pháp chấp. Nhưng cũng coi như là chứng nhập vô sanh pháp nhẫn. Nên vô sanh pháp nhẫn của họ ở đây tiêu chuẩn tương đối rộng.

“Nhân Vương kinh vân”, đây là nêu một ví dụ, kinh Nhân Vương là Bát Nhã bộ, trong đó nói vô sanh pháp nhẫn, tiêu chuẩn ở đó rất cao, không giống như trước đây đã nói. Đoạn trước đây nói đến thì ngay cả A la hán họ cũng chứng nhập rồi. Nếu như dùng tiêu chuẩn trong kinh Nhân Vương vậy thì không được.

“Vô sanh pháp nhẫn Bồ Tát, sở vị viễn, bất động, quán huệ”, cảnh giới này cao rồi. “Viễn” là viễn hạnh địa, tức là Thất địa Bồ Tát. “Bất động” địa là Bát địa Bồ Tát. “Quán huệ” là Cửu địa Bồ Tát. Ở đây trong tiểu chú này đều đã chú giải hết rồi. Nói cách khác, Lục địa trở về trước chưa thể chứng đắc “vô sanh pháp nhẫn”, Thất địa là hạ phẩm vô sanh nhẫn, Bát địa là trung phẩm, Cửu địa là thượng phẩm. Trong kinh Nhân Vương tiêu chuẩn này tương đối cao. Vô sanh pháp nhẫn hướng lên trên nữa gọi là “tịch diệt nhẫn”. Tịch diệt nhẫn cũng có ba phẩm. Hạ phẩm là Pháp vân địa Bồ Tát, tức là Thập địa Bồ Tát, trung phẩm là Đẳng giác Bồ tát, thượng phẩm chính là Phật. Cho nên trong mỗi một bộ kinh nói không giống nhau, nhưng nó đích thực có khai hợp không đồng.

“Vị dĩ chân chánh tịnh niệm trừ diệt tà vọng trược tưởng”. Đây là lấy tịnh niệm chân thật thực sự. Bản kinh này đoạn cuối nhắc nhở chúng ta cương lĩnh niệm Phật, quan trọng nhất trong tu học của chúng ta chính là “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”. Đây là Đại Thế Chí Bồ Tát dạy cho chúng ta, là tịnh niệm thực sự. Trừ diệt tà kiến, vọng tưởng. Trược chính là ô nhiễm, nhiễm ô tâm lý chúng ta, nhiễm ô tinh thần, nhiễm ô tư tưởng, nhiễm ô kiến giải đều gọi là trược tưởng. Nói cách khác, chúng ta có những thứ này tồn tại, thì niệm của chúng ta sẽ không tịnh. Vậy quí vị hỏi thế nào là tịnh niệm thật sự? Tà kiến, vọng tưởng, trược tưởng đều không còn nữa, thì đó chính là tịnh niệm thật sự. Cho nên niệm Phật, cương lĩnh tu học không thể không biết, nhất thiết phải nắm vững. Chúng ta dụng công như thế nào? Lúc niệm Phật thứ gì cũng không nên nghĩ, chúng ta rất muốn thứ gì cũng không nghĩ đến, nhưng nó cứ khởi vọng tưởng thì làm thế nào? Có một số người nói với tôi: Lúc con không niệm Phật không có vọng tưởng, càng niệm vọng tưởng càng nhiều. Đây là sự thật. Thực sự mà nói, không phải lúc không niệm Phật không có vọng tưởng, lúc không niệm vọng tưởng của quí vị nhiều như vậy, quí vị không phát giác ra được. Lúc quí vị vừa niệm Phật, quí vị mới phát hiện hóa ra có nhiều vọng tưởng đến vậy. Tuyệt đối không phải vọng tưởng là vì niệm Phật mà có. Vậy thì quí vị nghĩ sai rồi. Bình thường sơ suất không chú ý đến, bây giờ vừa niệm Phật liền chú ý đến, phát hiện nó rồi. Cho thấy vọng tưởng vốn là nhiều như vậy. Đoạn trước chúng tôi giảng dùng phương pháp quán tưởng bốn sắc hoa sen có thể đối trị được. Tôi niệm A Di Đà Phật, nghĩ đến hoa sen thanh sắc thanh quang. Câu thứ hai A Di Đà Phật nghĩ đến huỳnh sắc huỳnh quang. Quí vị có thể nghĩ như vậy thì những vọng tưởng khác không còn nữa. Đem tất cả những vọng tưởng nghĩ đến một thứ. Nghĩ thứ nào đó, tùy nguyện của bản thân chư vị. Có người nghĩ bạch hào của Phật, có người nghĩ đến vô kiến đảnh tướng của Phật. Phương pháp này dạy quí vị nghĩ đến hoa sen. Nói chung, thế giới tây phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm đều có thể quán tưởng. Quí vị chỉ cần nghĩ đến một thứ, dần dần nghĩ nó thành thói quen, tức là dùng một ý niệm, làm cho tất cả những tạp niệm vọng niệm khác đều bị mất đi. Đây là một thủ pháp, là một phương pháp, mục đích là muốn tâm thanh tịnh hiện tiền, muốn thực sự làm mất đi những tà kiến, vọng tưởng, trược tưởng này. Đó mới gọi là công phu chân chánh.

“Nội tưởng bất khởi, ngoại cảnh tự tịch”, đây là công phu chân thật. Bên trong không có vọng tưởng, bên ngoài cảnh giới này liền thanh tịnh rồi. Quí vị nhìn thế giới bên ngoài này, nhìn tất cả mọi người, nhìn tất cả mọi sự, nhìn tất cả mọi vật, quí vị sẽ thấy hoàn toàn khác với cách nhìn trước đây. Vì sao không tương đồng? Trước đây quán sát thế gian này đích thực là ngũ trược ác thế, cách nhìn hiện tại thì thế giới này là thế giới thanh tịnh. Có thể thấy được cảnh giới bên ngoài đích thực là tùy tâm mà chuyển. Tâm thanh tịnh không những thân thanh tịnh mà thế giới cũng thanh tịnh. Chúng ta từ nơi này có thể chứng minh được, Phật trong kinh điển Đại thừa thường nói: nhất thiết pháp duy tâm sở hiện, nhất thiết pháp duy thức sở biến. Lại nói “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Tâm thanh tịnh tất cả pháp đều tịnh. Tâm nhiễm ô tất cả pháp đều nhiễm ô. Tâm là một chủ tể, tâm là then chốt, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng.

“Nội ngoại pháp không, nhất thiết vô sanh”, đây là vô sanh pháp nhẫn chân thật. Cảnh giới này nhất định phải là tiêu chuẩn trong kinh Nhân Vương, mới có thể hiển hiện ra được. Đó chính là cảnh giới của Thất địa trở lên.

“Đắc vô sanh nhẫn, hựu vô sanh nhẫn diệc danh vô diệt nhẫn, vô trú nhẫn”. Trong Kinh Kim Cang nói: “ưng vô trở trụ nhi sanh kỳ tâm”, từ đó có thể biết, thực sự làm được vô trụ sanh tâm, cũng là cảnh giới của Thất địa trở lên.

Tiết cuối cùng, chúng ta dẫn chứng trong Kinh Hoa Nghiêm nói.

“Hoa nghiêm vân vô sanh nhẫn giả, bất kiến hữu thiểu pháp sanh, diệc bất kiến hữu thiểu pháp diệt”. Đoạn này là đoạn kinh văn trong Kinh Hoa Nghiêm, nói rõ hiện tượng vô sanh pháp nhẫn, cũng chính là chúng ta thường hỏi vô sanh pháp nhẫn là như thế nào? Khi nào quí vị có thể nhìn thấy được, tận hư không biến pháp giới không có một pháp sanh, cũng không có một pháp diệt, quí vị liền chứng đắc được cảnh giới này. Không sanh không diệt, nói với chư vị rằng đây mới là chân tướng sự thật. Chúng ta nhìn thấy tất cả pháp có sanh có diệt, đó là huyễn tướng, cách nhìn đó là nhìn sai, nhìn hoa mắt rồi, tất cả pháp không sanh không diệt. Lời này rất khó hiểu, rất khó khăn để tiếp thu. Vì sao vậy? Trước mắt chúng ta nhìn thấy, động vật có sanh lão bệnh tử, thực vật có sanh trụ dị diệt, khoáng vật tức là trái đất cũng có thành trụ hoại không, làm sao lại nói không sanh không diệt là chân tướng? Thực sự mà nói, chúng ta rất khó để chấp nhận hai câu khai thị này của Đức Phật. Vì sao lại khó? Không phải là cảnh giới thân chứng trước mắt chúng ta. Thực sự mà nói, tâm của chúng ta và tâm của Phật Bồ Tát không giống nhau, nguyên nhân tại đây vậy. Tâm của Phật Bồ Tát là định, là bất động. Tâm của chúng ta là động, ý niệm này tiếp nối ý niệm kia trước nay chưa từng dừng nghỉ. Chúng ta dùng là tâm sanh diệt. Nhìn thấy tướng cảnh giới bên ngoài là tướng sanh diệt. Tâm của Phật Bồ Tát định, bất động, nhìn thấy tất cả hiện tượng bên ngoài là không sanh không diệt, không sanh không diệt là chân tướng. Bất động tâm là chân tâm. Chân tâm thấy được là tướng chân thật. Trong tâm có niệm sẽ động, gọi là vọng tâm. Tướng mà vọng tâm nhìn thấy là vọng tướng, tướng hư vọng. Đạo lý chính là đây vậy. Nếu như chúng ta tưởng tượng đạo lý này, có thể tin tưởng, có thể tiếp thu, chúng ta liền tu định, đến lúc chúng ta buông xả được tất cả những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tâm của chúng ta cũng định, xem lại vũ trụ nhân sinh phải chăng cũng giống như Phật đã nói là không sanh không diệt. Giả sử thật sự nhìn thấy không sanh không diệt, vậy thì quả nhiên không sai rồi. Chúng ta cũng chứng minh chân tướng sự thật đích thực là không sanh không diệt. Cho nên điểm tốt của Phật Pháp không phải nói Phật nói là coi như đúng, Phật xưa nay chưa từng nói lời như vậy. Đức Phật nói bản thân quí vị thân chứng rồi mới coi là đúng. Đức Phật chỉ là nói lại cho chúng ta về cảnh giới mà bản thân Ngài đã thân chứng, làm cho bản thân chúng ta hiểu rõ được lý luận này, y theo lý luận này làm cơ sở nghiêm túc tu học, sớm hay muộn cũng có một ngày chứng được cảnh giới này, đích thân thấy rồi, Như vậy mới tính. Cho nên trong kinh điển Đại thừa thường nói: “Phật không độ chúng sanh”, chính là đạo lý này vậy. Đức Phật vì sao không độ? Chứng nhập cảnh giới này là bản thân quí vị làm được, Đức Phật không giúp đỡ quí vị, Đức Phật chỉ là đem chân tướng sự thật này nói rõ, là bản thân quí vị thân chứng được. Đây là bản thân độ bản thân, không phải là Phật độ cho mình.

Đoạn kinh văn dưới đây rất dài. Tôi tóm tắt lại. “Vô sanh, vô lai, li dục, vô tác, vô nguyện”, mấy cách nói này làm tổng kết cho nó chính là “không”. “Không” là từ trên lý mà nói, từ trên bản thể mà nói, gọi là vạn pháp đều không.

“Vô diệt, vô tận, vô khứ”, những cách nói này đều là từ trên sự mà nói. Trên sự không phải là không, sự là có. Sự tuy là có, thể là không. Đây là chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh mà đức Phật đã nói ra cho chúng ta: sự có- thể không có. Sự này từ đâu mà có? Đức Phật đã nói “vạn pháp nhân duyên sanh”, là duyên sanh. Duyên, dùng lời hiện tại mà nói chính là rất nhiều điều kiện sản sanh những hiện tượng này. Hiện tượng này tuyệt đối không phải đơn thuần vài điều kiện mà sanh ra được, là “vô lượng nhân duyên” như trong Kinh Hoa Nghiêm nói. Sự hưng khởi của bất kỳ pháp nào cũng là vô lượng nhân duyên, chắc chắn không phải đơn thuần như vậy. Đã là nhân duyên sở sanh thì không có tự thể, không có tự thể thì tự thể là không. Cho nên Phật Pháp nói ‘không’ là từ thể mà nói. ‘Không’ không phải dùng ‘vô’ mà nói. Không là ‘có’. Nếu như nói ‘vô’, trong ‘vô’ không thể sanh có. Cho nên ‘không’ này không thể nói thành là ‘vô’. Vì sao nói là không? Bởi vì sáu căn của chúng ta không tiếp xúc được, mắt không nhìn thấy được, tai cũng không nghe đến được, mũi cũng không ngửi đến được, thân thể tiếp xúc không đến được, trong tâm cũng không nghĩ đến được. Đành phải gọi nó là ‘không’, nhưng nó thật có, thực sự tồn tại. Cho nên ‘có’ gặp được duyên rồi nó sẽ biến hiện, sẽ biến hiện thành vạn pháp. Đây gọi là ‘bất không’. Nếu như đem chân tướng sự thật này làm cho rõ ràng, thì cuộc sống của chúng ta tự tại rồi. Tự tại ở đâu? Chúng ta dùng trung, Phật Pháp nói là trung đạo, sẽ dùng trung. Dùng trung thế nào? Đã không thiên về không thể, cũng không thiên về giả tướng, vậy thì cuộc sống của quí vị liền được đại tự tại, tức thực sự an lạc rồi.

Nho gia cũng hiểu, cũng biết được, nhưng Nho gia nói không thấu triệt được như Phật Pháp. Nho gia nói “trung dung”. Quí vị xem Chu Hi biên tập Tứ Thư, đối với chiêu này của ông tôi khâm phục đến năm vóc sát đất. Chu Hi là người đời nhà Tống, ông cũng là một người học Phật, trong Phật môn thực sự có hạ không ít công phu. Ông biên tập Tứ Thư, tôi không có chứng cứ không dám khẳng định, nhưng tôi thường nghĩ, ông ấy nhất định là được gợi ý từ Kinh Hoa Nghiêm. Bởi vì kết cấu của Tứ Thư và Kinh Hoa Nghiêm rất tương tự. Linh cảm này của ông nhất định có xuất xứ nào đó. Đặc sắc lớn nhất của Kinh Hoa Nghiêm là có lý luận có phương pháp, còn có biểu diễn nữa. Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học chính là biểu diễn, đem lý luận phương pháp ứng dụng vào trong cuộc sống thường nhật, làm ra cho quí vị thấy. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm là bộ đại kinh viên mãn nhất trong tất cả các bộ kinh. Kết cấu của Tứ Thư cũng như vậy, Trung Dung là lý luận, Đại Học là phương pháp, Luận Ngữ, Mạnh Tử là biểu diễn. Luận Ngữ là Khổng lão phu tử, ghi chép Khổng lão phu tử một đời xử sự, đối người, tiếp vật. Mạnh Tử đại biểu cho Hiền nhân. Thánh Hiền làm thế nào đem lý luận của Trung Dung, Đại Học ứng dụng vào trong cuộc sống thường nhật của bản thân mình. Diệu không thể bàn rồi. Đều có thêm biểu diễn. Đây là điều mà nó rất giống Hoa Nghiêm.

Quí vị đều biết dùng trung, trong Luận ngữ Khổng lão phu tử một đời làm người, xử sự, tiếp vật, ông đều giữ đạo trung dung, gọi đó là “chí trung hòa”. Lại nói rõ cho chúng ta “lễ chi dụng hòa vi quý”, duy chỉ có lấy trung, lấy hòa, vậy thì cuộc sống của ông tự tại rồi, thực sự đạt đến hạnh phúc mỹ mãn. Cách dạy học này kết nạp thành lý niệm trung tâm của nền giáo dục cổ đại Trung Quốc.

Chúng tôi đến Bắc Kinh, quí vị nhìn thấy hoàng cung đó, trong hoàng cung ba vật kiến trúc chủ yếu nhất là ba đại điện: thái hòa, trung hòa, bảo hòa. Mới biết được ngày xưa đế vương dùng thứ gì để trị thiên hạ? Hòa. Lúc nào bất hòa thì họ liền mất nước. Lúc nào có thể hòa quốc gia của họ sẽ cường thịnh nhất, thực sự có thể “chí trung hòa” liền cường thịnh. Cho nên gia hòa vạn sự hưng. Một quốc gia trên dưới có thể hòa mục thì quốc gia này làm sao mà không hưng vượng được? Chúng ta xem ngược lại lịch sử, cuối đời nhà Thanh bất hòa, bên trong bất hòa, bên ngoài cũng bất hòa, triều đình đến bá tánh đều bất hòa, dẫn đến mất nước. Một gia đình và một quốc gia cho đến thế giới đều không ra ngoài nguyên tắc này.

“Ly cấu”, cấu là ô nhiễm. Ngày nay chúng ta nói đến bảo vệ môi trường, nhưng chỉ nói đến vật chất, không nói đến tinh thần, chưa nói đến tâm lý. Làm thế nào có thể bảo vệ tâm lý ô nhiễm? Đây là “li cấu”.

“Vô biệt” là không phân biệt.

“Vô xứ, tịch tĩnh, vô trụ”, đây đều là không bất không. Những lời khai thị này là dạy chúng ta “dùng trung”. Đã không thiên về không lý, cũng không thiên về giả tướng, quí vị có thể đạt được kỳ trung.

“Không bất không” là thật tướng của lý sự. “Không” là chân tướng của lý, “bất không” là chân tướng của sự. “Quý tại dùng trung vậy”, quí vị có thể đạt được ‘trung’, vậy thì giải thoát rồi, tự tại rồi, cho nên quý tại dùng trung.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.

HẾT TẬP 7

 

 

 

 

 

 


 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *