(đang cập nhật video)
ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG SỚ SAO
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tháng 10 năm 1992
Giảng tại California – Mỹ
Tổng cộng 8 tập
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương – Tập 4
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Mời xem giảng nghĩa: “Hoan Hỷ Quang”, đây là vị thứ tám trong 12 Như Lai. Hoan hỷ, ở trước có vô đẳng, “vô đẳng quang” nghiêng nặng về tâm đại bi. Tâm đại bi, nói như hiện nay, là tâm thương xót chúng sanh, bây giờ chúng ta thường gọi là tâm đồng tình. Nhà Nho gọi là tâm trắc ẩn, rất gần với điều này. “Từ” là ban vui cho tất cả chúng sanh, đây gọi là từ. “Hoan hỷ” là “từ khiến an lạc”, hợp từ và bi lại gọi là đại từ đại bi.
Thứ chín là “Giải Thoát Quang”, trong Vô Biên Quang Phật ở trước, có ý nghĩa của giải thoát. Vô biên là quả của giải thoát, giải thoát là nhân của vô biên, danh từ này đều ứng dụng phổ biến trong Phật pháp đại tiểu thừa. Rốt cuộc “giải” là gì? “Thoát” là gì? Cần phải hiểu rõ điều này. Danh từ này đọc khứ thanh, đọc giải (xie) thoát, làm động từ, không phải danh từ, động từ. Giải là nhân, thoát là quả. “Thoát” trong tiểu thừa Phật pháp nói, thoát ly luân hồi trong tam giới lục đạo. Giải là giải gì? “Giải”, người thế gian nói là mở vô số nút thắt trong tâm ra, “nút thắt” này là gì? Là phiền não. Giải trừ phiền não, ta mới có thể thoát ly tam giới lục đạo, đây là nói từ phương diện của tiểu thừa.
Trong Phật pháp đại thừa ý nghĩa sâu rộng hơn tiểu thừa, tiểu thừa chỉ đoạn kiến tư phiền não là vượt thoát luân hồi. Đại thừa ngoài kiến tư phiền não, còn có trần sa phiền não, vô minh phiền não, cần phải đoạn tận toàn bộ một cách rốt ráo, như vậy mới có thể thoát ly hai loại sanh tử, là phân đoạn sanh tử và biến dị sanh tử, viên mãn chứng được vô thượng bồ đề, đó chính là “thoát”.
Trong tiểu chú nói “ly tướng phổ ích”, ly tướng nghĩa là không chấp trước tất cả pháp tướng thế xuất thế gian, sau đó mới có thể phổ biến lợi ích hết thảy quần sanh.
Thứ mười là “An Ổn Quang”, An ổn, ý nghĩa rất gần với Thủ Lăng Nghiêm trong đề kinh này. Thủ Lăng Nghiêm là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là “mọi sự cứu cánh kiên cố”, ở trước chúng ta đã học. Sự việc như thế nào mới cứu cánh kiên cố? Ở đây nói “ly tướng sanh diệt”, nói cách khác, có sanh có diệt là không an ổn. Khi nào thật sự đạt đến bất sanh bất diệt, lúc đó sẽ an ổn. Bất sanh bất diệt mới cứu cánh kiên cố.
Về lý mà nói, chân tâm bổn tánh của chúng ta là bất sanh bất diệt, chân tâm bổn tánh mỗi người đều có, tuy chúng ta có nhưng không dùng được nó. Vì sao không dùng được nó? Vì có một ý niệm sanh diệt đang tác quái, ý niệm này chướng ngại bổn tánh, che mất chân tâm, vì thế phải chịu rất nhiều khổ nạn oan uổng. Những khổ nạn này chính là luân hồi lục đạo, thực tế đều là giả, không phải thật. Đã không phải thật, vậy thì không có gì lo lắng, nhưng cũng không thể nói như vậy. Mọi người đều biết ban đêm nằm mộng là giả, không phải thật. Nếu mỗi tối đều thấy ác mộng, quý vị nói có dễ chịu chăng? Bây giờ chúng ta mê mất chân tâm, đồng nghĩa với ngày ngày đều thấy ác mộng. Không những ban đêm thấy ác mộng, ban ngày cũng thấy ác mộng, ác mộng này liên tục không gián đoạn, cuộc sống này thật đáng sợ. Giả như ta thật sự hiểu được điều này, sửa đổi tập khí khuyết điểm này, vậy là ta đã tỉnh ngộ, không còn thấy ác mộng. Đây gọi là Phật Bồ Tát, là ý nghĩa của an ổn quang.
“Siêu Nhật Nguyệt Quang”, trong 12 loại quang này, mười loại trước tức là đến An Ổn Quang, thực tế mà nói toàn là thường quang. Cho thấy trí tuệ đức năng cứu cánh viên mãn của Phật A Di Đà, từ trong mười danh tướng này có thể hiển thị vô dư, từ đây chúng ta có thể lãnh hội được một ít. Vì sao xưng ngài là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”.
Hai loại bên dưới là chỉ phóng quang, bên dưới là phóng quang. “Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghì Quang”, hai loại này là phóng quang. Thường quang thông thường gọi là tự thọ dụng, phóng quang là lợi ích tất cả chúng sanh. “Siêu Nhật Nguyệt”, ở thế giới này của chúng ta quang minh lớn nhất, nổi bật nhất là nhật nguyệt. Phật vì chúng sanh ở khu vực này mà thuyết pháp, lấy ví dụ rất gần, điều này mắt chúng ta có thể nhìn thấy, vừa nói ta có thể lãnh hội được ngay. Ánh sáng của Phật hơn hẳn ánh sáng nhật nguyệt, dùng ví dụ này để hình dung sự thù thắng của Phật quang. Phật quang có lợi ích gì? Câu bên dưới nói “bất tư nghì quang”, là nói rõ lợi ích chân thật của Phật quang, mà ánh sáng của nhật nguyệt không có. Công đức bất tư nghì, chư vị cổ đức quy nạp nó thành năm loại lớn, gọi là năm loại không thể nghĩ bàn, năm là năm loại lớn. Dùng để tán thán quang minh của Phật A Di Đà, chúng ta cần phải ghi nhớ điều này. Đối với việc tu học pháp môn này, đoạn nghi sanh tín, cầu nguyện vãng sanh có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là hoành siêu tam giới, không đợi đoạn hoặc.
Chúng ta muốn hỏi, quang minh của Phật A Di Đà ở đâu? Quang minh biến chiếu. Trong tâm chúng ta nghĩ đến Phật A Di Đà, miệng niệm Phật A Di Đà, đây là lúc Phật quang chiếu đến. Chúng ta không nhìn thấy cũng không có cảm xúc, là vì bản thân nghiệp chướng quá nặng, bản thân không cảm nhận được. Nói cho chư vị biết, người có định công có thể thấy được. Tôi nghe nói, hiện nay ở đây có rất nhiều người học khí công, người có khí công tốt có thể thấy được, người có khí công kém một chút không thấy được, khí công tốt có thể thấy. Người có định công có thể thấy càng rõ ràng, càng thù thắng hơn.
Phật quang gia trì trên thân chúng ta, thân thể ta cũng phóng quang, ta phóng quang lớn hay nhỏ đều tỷ lệ thuận với tâm thanh tịnh của mình. Nói cách khác, khi ta nhớ Phật niệm Phật, tâm càng thanh tịnh thì quang minh càng lớn, quang minh càng tốt đẹp. Đạo tràng chúng ta giảng bộ đại kinh này, hoặc mọi người cùng nhau niệm Phật ở đây, đạo tràng niệm Phật, đạo tràng này có quang minh rất lớn, nơi rất xa đều có thể thấy quang minh của đạo tràng này. Cho nên mắt thịt không thể thấy, ta thường nghe người khác nói, ở đâu có phóng quang, đây là thật, không có gì kỳ lạ, tuyệt đối không phải bịa đặt, đây là điều thực tế.
Lợi ích của pháp môn này, không cần đoạn hoặc. Hoặc là mê hoặc, là phiền não. Trong kinh luận Đức Phật dạy chúng ta, tam giới lục đạo từ đâu mà có? Do mê hoặc sanh ra, tức là cảnh giới do kiến tư phiền não biến hiện ra. “Kiến” tức là kiến giải sai lầm, “tư” là tư tưởng lệch lạc, kiến giải sai lầm, tư tưởng sai lầm, biến hiện ra luân hồi lục đạo. Luân hồi lục đạo là một hiện tượng, hiện tượng này từ đâu mà có? Đức Phật nói với chúng ta, nếu chúng ta không có kiến giải và tư tưởng sai lầm, nói cách khác, tuyệt đối không có hiện tượng của luân hồi lục đạo. Không có nhân làm sao có quả? Do đó, Đức Phật dạy chúng ta vượt thoát luân hồi lục đạo, nhất định phải đoạn kiến tư phiền não, mới có thể vượt thoát được. Câu này nói thì dễ, làm mới khó. Từ sáng đến tối chúng ta suy nghĩ lung tung, rất muốn dừng ý niệm, không nghĩ nữa. Không muốn nghĩ lại cứ nghĩ, không đừng được, là vấn đề rất khó khăn, nhưng ta không đoạn vọng niệm, tuyệt đối không thể ra khỏi. Thiền định là tạm thời chế ngự vọng niệm, chưa đoạn, lấy đá đè cỏ, rễ vẫn còn, công phu này không ra khỏi ba cõi. Họ có thể chế ngự, cao minh hơn người không chế ngự một chút, họ có thể sanh lên trời sắc giới, sanh đến trời vô sắc giới, nhưng không ra khỏi được. Có rất nhiều người tu hành ngộ nhận sắc giới, vô sắc giới, cho rằng đó là niết bàn, đó là thanh tịnh tịch diệt, đặc biệt là vô sắc giới. Vô sắc giới không có sắc tướng, chúng ta gọi là linh giới, thế giới tinh thần, họ ngộ nhận đây là đại niết bàn. Đến đó, họ lại không dụng công, tự cho rằng mình đã viên mãn, công đức đã viên mãn, vì thế họ không thể ra khỏi tam giới.
Pháp môn niệm Phật, được oai thần bổn nguyện không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà gia trì, không cần đoạn phiền não cũng có thể vãng sanh, vãng sanh liền vượt thoát tam giới. Trong tất cả các pháp môn, không đoạn phiền não có thể ra khỏi tam giới, chỉ duy nhất pháp môn này. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, trong đó chỉ có pháp môn này, không cần đoạn phiền não cũng xuất tam giới. Đây là một pháp môn rất đặc biệt, không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn không phải nói với chúng ta, trình độ chúng ta quá kém. Không thể nghĩ bàn là nói với A la hán, Bích Chi Phật, Chư Bồ Tát. Định tuệ của họ đều có trình độ tương đối, thấy không đoạn phiền não có thể ra khỏi tam giới, đối với họ mà nói đúng là không thể nghĩ bàn. Đây là thứ nhất.
Thứ hai: “tức sanh tây phương, hoành cụ tứ độ, phi do tiệm tiến”. Đây là việc không thể nghĩ bàn thứ hai. Tất cả các kinh điển đại thừa, tu nhân chứng quả đều có thứ lớp. Giống như đi học ở trường vậy, học xong lớp một lên lớp hai, học xong lớp hai lên lớp ba, học xong tiểu học lên trung học, học xong trung học lên đại học, có thứ tự. Mười phương Chư Phật đều có tứ độ, bốn loại Tịnh độ này không phải chỉ Phật A Di Đà có, mỗi thế giới đều có, thế giới này của chúng ta cũng không ngoại lệ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có tứ độ.
Tứ độ chúng ta không nhìn thấy, vì sao không nhìn thấy? Vì nó không ở một chổ. Như trường học hiện nay vậy, học sinh tiểu học có trường tiểu học, cấp một và cấp hai không học cùng nhau. Học sinh tiểu học không thấy học sinh trung học, học sinh trung học cũng không thấy học sinh tiểu học. Học sinh trung học với sinh viên đại học cũng không học cùng nhau, nó tách rời.
Đức Phật dạy rằng, chưa đoạn tận kiến tư phiền não, như phàm phu lục đạo chúng ta, luân hồi lục đạo, lục đạo là cõi phàm thánh đồng cư, trong này có phàm phu, có thánh nhân, gọi là cõi phàm thánh đồng cư. Phàm phu mê hoặc điên đảo trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Thánh nhân có hai loại, một là phàm phu giác ngộ tu hành ở đây, công phu của họ chưa rốt ráo, chưa thể siêu việt, vẫn ở đây tu hành, ngày nay chúng ta tu hành là thuộc loại này. Thứ hai là Bồ Tát, A la hán thị hiện đến đây để hóa độ chúng sanh. Họ thị hiện đến đây, họ cũng phải ở đây, cho nên ở đây gọi là cõi phàm thánh đồng cư.
Giả như chúng ta đoạn tận kiến tư phiền não, như vừa mới nói, vượt thoát luân hồi lục đạo, đi về đâu? Đi vào một cõi tịnh khác, cõi tịnh này gọi là cõi phương tiện hữu dư, không ở trong luân hồi lục đạo. Đây là ngoài tam giới, chỉ có cõi phàm thánh đồng cư là trong tam giới, đã vượt thoát tam giới. A la hán, Bích Chi Phật, Quyền giáo Bồ Tát, họ trú trong cõi phương tiện hữu dư. Đây là đã đoạn kiến tư, vẫn chưa phá vô minh, họ ở đây. Phàm phu chúng ta không thấy được cõi tịnh này.
Nếu phá nhất phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, họ lìa xa cõi phương tiện hữu dư, sanh đến cõi thật báo trang nghiêm. Cõi thật báo không giống với hai cõi trước, hai loại trước là a lại da thức biến hiện ra, tướng phần của a lại da biến hiện ra. Cõi thật báo là cõi pháp tánh, họ minh tâm kiến tánh, nó là chân như bổn tánh biến hiện ra, cho nên thanh tịnh trang nghiêm khác biệt rất lớn với hai cõi dưới, không thể nhất loạt như nhau.
Tuy nói bốn cõi tịnh, thực tế mà nói, từ sự tướng mà nói chỉ có ba cõi tịnh. Thường tịch quang là bổn thể, là lý, lý xuyên suốt các cõi, xuyên suốt trước sau, lý là quán thông. Chúng ta phải biết điều này. Tất cả các cõi tịnh, đều từ trong thường tịch quang biến hiện ra, đến ba đường ác cũng là thường tịch quang biến hiện ra, thường tịch quang là bổn thể. Bốn cõi, thực tế nói trên sự tướng là ba loại Tịnh độ, ba loại Tịnh độ là ba cảnh giới khác nhau. Công phu ta chưa đạt đến, thì không thấy được. Cõi tịnh của mười phương Chư Phật đều như vậy, chỉ có cõi tịnh của thế giới tây phương rất đặc biệt, cõi tịnh này gọi là “ngang đủ bốn cõi, không do tiệm tiến”. Nó có bốn cõi chăng? Có, bốn cõi của nó ở một nơi, điều này rất đặc biệt.
Như chúng ta vừa đưa ra ví dụ, bài học ở trường này rất kỳ lạ, học sinh cấp một, học sinh trung học, sinh viên đại học, đều học trong một giảng đường. Có tình trạng trình độ bất đồng chăng? Có, tuy có, nhưng mọi người cùng học, trường học này rất đặc thù. Do đó vãng sanh thế giới Cực Lạc “một sanh tất cả sanh”. Ví dụ phàm phu sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, tiểu thừa A la hán, Bích Chi Phật tránh nhỏ hướng lớn, cầu sanh tây phương Tịnh độ, sanh vào cõi phương tiện hữu dư. Chư đại Bồ Tát, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc sanh vào cõi thật báo trang nghiêm. Đến thế giới tây phương, những người này đều câu hội ở một nơi, đây là điều rất đặc biệt, cho nên gọi là một sanh tất cả sanh. Chúng ta sanh đến đó là cõi đồng cư, đồng nghĩa là đồng thời sanh vào cõi phương tiện, lại sanh vào cõi thật báo, lại chứng đến cõi tịch quang. Chư vị đại Bồ Tát đó, sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, sanh đến cõi thật báo trang nghiêm, đồng thời cũng sanh vào cõi phương tiện, cõi hữu dư. Chúng ta đến đó, là ngày ngày thấy được Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, lúc nào cũng ở cùng nhau không có cách trở. Đúng là không thể nghĩ bàn, trong thế giới của mười phương Chư Phật đều không có hiện tượng này, duy nhất thế giới tây phương mới có hiện tượng này. Điều này nói lên rằng, nó đích thực là thế giới bình đẳng.
Công phu tu hành của mỗi người, trình độ đoạn hoặc chứng chân không tương đồng. Ngoài điều này ra, trong các phương diện sự tướng thọ dụng, không có gì khác nhau. Hoàn toàn tương đồng, hoàn toàn bình đẳng, đây là loại bất tư nghì thứ hai.
Thứ ba là “đản trì danh hiệu, bất giả phương tiện”. Đây là nói phương pháp tu hành không thể nghĩ bàn, đúng là quá dễ, chỉ một câu “Nam mô A Di Đà Phật”, ai không biết niệm? Ai không thể niệm? Không cần phương pháp khác trợ giúp. Có cần xem thật nhiều kinh luận chăng? Không cần thiết. Cần tu các pháp môn khác chăng? Cũng không cần, thậm chí đến Chú Vãng Sanh, Kinh Di Đà đều không cần đọc, chỉ một câu A Di Đà Phật là được.
Quý vị xem vị đệ tử của pháp sư Đế Nhàn, đó đúng là tấm gương tốt gần đây của chúng ta. Không hề biết chữ, suốt đời chưa từng đọc kinh, cũng chưa từng nghe kinh, sư phụ chỉ dạy ông chuyên niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật, bảo ông cứ niệm chân thành, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ xong lại niệm, quý vị xem tự tại biết bao. Ông niệm suốt ba năm thì đứng vãng sanh, ông đã niệm thành công. Sau khi chết ông còn đứng ba ngày, đợi pháp sư Đế Nhàn lo hậu sự cho, đứng vậy mà thân thể không ngã, đứng suốt ba ngày. Trong thời cận đại này, đúng là người đầu tiên, chúng ta có nghe nói đứng vãng sanh, chưa nghe nói sau khi vãng sanh còn đứng ba ngày, chưa nghe nói, chỉ có một người như vậy. Một câu Phật hiệu, chỉ có một câu Phật hiệu tâm mới thật sự thanh tịnh, mọi vọng niệm đều không có, mọi nghi hoặc đều không còn. Ông niệm Phật đạt được niệm Phật tam muội, định tuệ thành tựu viên mãn. Đây là điều bất tư nghì thứ ba.
Thứ tư là “nhất thất vi kỳ, bất tạ đa sanh thời kiếp”. Niệm Phật là dùng thời gian công phu không thể nghĩ bàn, họ không cần thời gian rất dài, các phương pháp khác cần tu thời gian rất dài. Trong các kinh Phật thường nói, từ sơ phát tâm đến thành Phật phải tu hành ba đại a tăng kỳ kiếp, đây là chữ số thiên văn, cần thời gian rất dài. Thời gian niệm Phật cần bao lâu? Bảy ngày là thành công. Kinh A Di Đà nói, nếu một ngày đến bảy ngày, tâm chuyên cần chơn chánh, thật sự buông bỏ tất cả, một ngày sẽ thành công. Vấn đề này trong thời cận đại chúng ta cũng từng thấy, ba ngày thành công, bảy ngày thành công chúng ta từng thấy, là sự thật. Còn như ba tháng thành tựu, nửa năm thành tựu, vậy thì rất nhiều. Vấn đề ở đâu? Vấn đề là chúng ta có chân niệm hay không, vừa niệm Phật, vừa hoài nghi, hoặc nghĩ những chuyện vặt vãnh khác, đây là tâm không chuyên. Trong niệm Phật có xen tạp, có gián đoạn, vì thế không đạt được kết quả. Một ngày đến bảy ngày thành tựu, chân thành niệm câu Phật hiệu này. Ngoài câu Phật hiệu này ra, một vọng niệm cũng không còn, thật sự buông bỏ tất cả pháp thế xuất thế gian, như vậy mới có thể thành tựu.
Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta yếu lĩnh của niệm Phật: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, đây là yêu lĩnh tu hành. Có thể tu hành theo cương lĩnh này, đúng là “nhất thất vi kỳ”, trong bảy ngày nhất định thành tựu, không cần thời gian dài, “đa sanh thời kiếp” là chỉ thời gian rất dài, đó là nói tu học các pháp môn khác, đều cần thời gian rất dài. Pháp môn này thời gian rất ngắn, có thể thành tựu nhanh chóng.
Loại thứ năm là “trì nhất Phật danh, tức vi Chư Phật hộ niệm, bất dị trì nhất thiết Phật danh”. Trong tâm chúng ta nghĩ đến Phật A Di Đà, niệm Phật A Di Đà, chỉ nhớ niệm một vị Phật, đồng nghĩa nhớ niệm tất cả Chư Phật khắp mười phương ba đời, quả thật điều này không thể nghĩ bàn. Quý vị muốn hỏi vì sao? Vì tất cả Chư Phật trong mười phương ba đời đều niệm Phật A Di Đà, chính là đạo lý này. Vì sao tất cả Chư Phật đều niệm Phật A Di Đà? Phật A Di Đà đầy đủ năm loại bất tư nghì này, cho nên được tất cả Chư Phật hoan hỷ tán thán. Do đó tất cả Chư Phật niệm Phật A Di Đà, tất cả Chư Phật tán thán y chánh trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Tán thán này, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói cho chúng ta Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, và tất cả kinh điển đại thừa, đều tán thán thế giới Cực Lạc, đây gọi là tán thán. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta, tất cả Chư Phật ở thế giới của họ, không ai không giảng kinh này. Thực tế mà nói, Phật nói tất cả kinh, kinh này là bộ kinh chủ yếu của Phật, là bộ kinh quan trọng nhất, các kinh luận khác đều là phụ trợ. Giống như đi học ở trường vậy, đây là môn học chính, ngoài ra đều là chọn học, học hay không cũng không sao, kinh này mới quan trọng, tu chính. Vì sao vậy? Vì kinh này bảo đảm ta thành Phật ngay trong đời này, nó là bộ kinh tu chính. Cho nên tất cả Chư Phật tán thán, tất cả Chư Phật tuyên dương, tất cả Chư Phật đều khuyên chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Vì thế niệm Phật A Di Đà đồng nghĩa niệm hết thảy chư Phật, không sót một vị Phật nào, đây là điều không thể nghĩ bàn.
Phật phóng quang, chúng ta nhớ nghĩ xưng dương câu Phật hiệu này, chính là lúc vô lượng quang minh chiếu đến, gọi là Bất Tư Nghì Quang. Đây là giới thiệu sơ lược về 12 Như Lai.
Bên dưới nói: “Tương tục nhất kiếp, thử thập nhị Phật, nãi cổ Như Lai, phi kim Di Đà”. Làm sao biết được? Vì Bồ Tát Đại Thế Chí nói: “ngã ức vãng tích hằng hà sa kiếp”, hiện nay Phật A Di Đà của thế giới tây phương Cực Lạc_trong Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà đều nói rất rõ ràng, Phật A Di Đà thành Phật ở thế giới Cực Lạc đến nay mới mười kiếp. Mười kiếp không thể sánh với hằng hà sa kiếp, mười kiếp quá gần, khoảng cách này quá gần. Hằng hà sa kiếp thời gian quá xa, quá xa. Do đây có thể biết, Bồ Tát Đại Thế Chí nói đây là “cổ Như Lai”, Như Lai rất cổ về trước. “Phi kim Di Đà”, không phải Phật A Di Đà của thế giới Cực Lạc hiện nay, nhưng vị cổ Phật đó danh hiệu giống với Phật A Di Đà bây giờ, đồng danh đồng hiệu. Danh hiệu của Phật Bồ Tát, không giống danh hiệu người thế gian chúng ta. Danh hiệu người thế gian, người bây giờ đặt tên và cổ nhân đặt tên, quan niệm lại khác nhau. Thời xưa, cha mẹ đặt tên cho con cái, là kỳ vọng một đời của cha mẹ đối với con cái, hy vọng sự nghiệp của họ đúng như tên gọi. Cho nên tùy tiện thay đổi tên mình là đại bất hiếu, tên của mình suốt đời không được thay đổi. Bản thân lấy vài biệt hiệu là được, tên nhất định không được sửa đổi, sửa tên là đại bất hiếu. Chư vị đọc Lễ Ký, trong đó nói rất rõ ràng. Người bây giờ đặt tên, quan niệm không giống với cổ nhân, rốt cuộc là quan niệm gì ta cũng không rõ ràng. Chư vị thử nghĩ xem, cũng có thể biết được.
Chư Phật Bồ Tát không có danh hiệu, danh hiệu này xưng hô như thế nào? Hoàn toàn kiến lập từ trí tuệ đức năng của họ, hoặc kiến lập trên phương pháp giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải biết điều này. Do đó chúng ta thấy Phật và Bồ Tát danh hiệu tương đồng, nói cách khác, tâm nguyện hành giải của họ nhất định hoàn toàn tương đồng, vì thế danh hiệu của họ cũng vậy. Do đó, Phật A Di Đà bây giờ không khác với cổ Phật A Di Đà, hoàn toàn tương đồng.
Bên dưới nói: “Dĩ sư tư nhất đạo, cổ kim bất dị, thị cố đồng danh, bất khả cùng tận”. Bồ Tát đồng danh, Như Lai đồng danh trong mười phương thế giới rất nhiều, chỉ cần đồng tên thì đức nhất định tương đồng, nguyện nhất định tương đồng.
Đây là nói ra sự thật, ngoài sự thật, còn có nghĩa thú biểu pháp quan trọng, chúng ta phải đặc biệt lưu ý điều này. Trong biểu pháp họ “biểu hành giả nhị thập thời trung, 12 Như Lai biểu trưng 12 thời, 12 thời là một ngày đêm. Ngày xưa chia một ngày đêm thành 12 thời, dùng tí, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi để biểu trưng.
“Bất niệm thế gian trần dục, niệm Phật vô gián dã”, ý nghĩa quan trọng là đây, là công phu niệm Phật không gián đoạn, niệm niệm không quên. Không nhất định miệng luôn niệm Phật hiệu, chư vị phải ghi nhớ điều này. Miệng niệm Phật hiệu không gián đoạn, đó là người rất thanh nhàn, đó là người có phước. Như chúng ta hiện nay mỗi ngày công việc rất bận rộn, làm sao có thể niệm Phật hiệu từ sáng đến tối, đây là điều không thể. Miệng không niệm Phật hiệu, trong tâm phải có, trong tâm nhớ Phật niệm Phật tuyệt đối không được gián đoạn.
“Ức Phật”, chư vị cũng phải hiểu rõ ràng minh bạch, không phải bảo ta từ sáng đến tối nhớ đến tượng Phật A Di Đà, hoặc nhớ đến tên của Phật A Di Đà, cách nghĩ đó rất ngu ngốc. Trong ức Phật nghĩ xem Phật phát tâm như thế nào? Nghĩ xem Phật tu hành như thế nào? Nghĩ xem Phật xử sự đối nhân tiếp vật như thế nào? Nghĩ xem Phật đoạn phiền não ra sao? Thành Phật đạo ra sao? Nghĩ xem Phật giúp tất cả chúng sanh như thế nào? Ta phải thường nghĩ đến điều này. Chúng ta phải tuân theo giáo huấn của ngài, học tập theo ngài, phải học một cách linh hoạt như thế, thật sự có lợi ích.
Tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ thường nói, phải đem lý luận, phương pháp, cảnh giới trong Kinh Vô Lượng Thọ, biến thành hành vi cuộc sống thực tế của mình, đây là người niệm Phật chơn chánh. Chúng ta học tập theo Phật A Di Đà, học giống y như Phật A Di Đà. Niệm câu danh hiệu này là nói đến ức niệm của chúng ta, một câu Phật hiệu, bao gồm tâm- nguyện- giải- hành viên mãn của Phật A Di Đà. Bởi vậy không phải dạy chúng ta chấp trước cứng nhắc trong danh hiệu, mỗi niệm phải rõ ràng, mỗi niệm phải minh bạch. Chúng ta làm người như thế nào? Phật A Di Đà là tấm gương, nếu ta có thể làm giống y như ngài, đây là niệm Phật thật sự. Đây là biểu thị ý nghĩa “không gián đoạn”.
“Hựu biểu chuyển phàm thành thánh, chuyển vọng tưởng thành Phật đức dã”, ý nghĩa này đều bao hàm trong đó. Thường nghĩ đến Phật A Di Đà, thường học tập Phật A Di Đà. Phàm phu là vọng, Phật là chân thật. Phương pháp tu hành này là chuyển phàm thành thánh, chuyển vọng thành chân. Kinh điển chính là tiêu chuẩn chân thật, kinh điển là tiêu chuẩn của Phật đức, tu hành theo trong kinh điển, mới có thể có thành tựu viên mãn được.
Đoạn này là thuật lại về nhân duyên sư thừa của Bồ Tát Đại Thế Chí, ngài có thầy hướng dẫn.
Bên dưới nói: “bỉ Phật giáo ngã, niệm Phật tam muội”. Ở trước nói đến Vô Lượng Quang Phật chính là Phật A Di Đà, Vô Lượng Quang Phật chính là Đại Thế Phật, Bồ Tát gặp ngài ngài dạy những gì? Phật dạy Bồ Tát điều gì? Dạy Bồ Tát “niệm Phật tam muội”. “Bỉ Phật” chính là Vô Lượng Thọ Phật, “giáo ngã ”, ngã là Bồ Tát Đại Thế Chí tự xưng, dạy ngài “niệm Phật tam muội”, câu này rất quan trọng. Chúng ta rất nhiều người biết niệm Phật A Di Đà, nhưng không biết thế nào gọi là niệm Phật tam muội, hèn gì họ niệm Phật không thể vãng sanh, nguyên nhân là đây. Cho nên thế nào gọi là niệm Phật tam muội rất quan trọng.
“Tam muội” là dịch âm từ tiếng Phạn, dịch âm của tiếng Phạn, ý nghĩa của nó gọi là “chánh thọ”, nghĩa là hưởng thụ bình thường. Nếu chúng ta niệm Phật thật sự có thọ dụng, niệm thấy niệm Phật là một sự hưởng thụ, công phu này cũng tương đối. Có người niệm Phật rất khổ, vậy là không bình thường. Niệm Phật một cách hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn, đây là hưởng thụ. Niệm Phật có thể niệm đến tinh thần sung mãn, nếu niệm Phật thời gian dài, mệt mỏi muốn ngủ, vậy là không đạt được hưởng thụ. Nếu niệm đến chánh thọ, khi thân tâm rất mệt mri, vài câu Phật hiệu làm tinh thần phấn chấn, đó là chánh thọ, quả thật là như vậy. Càng niệm càng hoan hỷ, càng niệm càng có tinh thần, đây là hiện tượng được niệm Phật tam muội. Khi công việc mệt mỏi, niệm vài câu Phật hiệu, mệt mỏi không còn nữa, đây là hiện tượng công phu niệm Phật đắc lực. Hưởng thụ của hàng phàm phu, vì sao gọi là không bình thường? Trong kinh Đức Phật nói, tất cả hưởng thụ của phàm phu có thể chia thành năm loại lớn, gọi là năm loại thọ. Năm loại thọ này là gì? Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, là năm loại thọ, khổ lạc ưu hỷ xả. Thế nào gọi là hưởng thụ bình thường? Cả năm loại này đều không có, thọ này là bình thường, hưởng thọ bình thường, có năm loại này đều không bình thường.
Trời dục giới trở xuống, khổ lạc ưu hỷ xả đều có. Sắc giới và vô sắc giới, khổ lạc ưu hỷ không có, làm sao không có? Chúng ta biết cái mà họ tu thành gọi là tứ thiền bát định, họ nhập định, trong định rất thanh tịnh tự tại, không có khổ lạc ưu hỷ, lúc này gọi là “xả thọ”. Xả gì? Xả bỏ khổ lạc ưu hỷ, cho nên họ được định. Xem định công của họ sâu hay cạn, phân thành tám cấp bậc, tám cấp bậc là phân theo định công sâu cạn của họ, gọi là trời tứ thiền, trời tứ không. Vì sao gọi là “xả thọ”? Vì định của họ không thể duy trì vĩnh viễn, nó có tính thời gian. Nói cách khác, họ xả tạm thời, không phải xả vĩnh viễn. Như ở trước nói, họ là lấy đá đè cỏ, là chế ngự, trong đó vẫn còn rễ, chưa nhổ nhận gốc. Nếu nhổ tận gốc rễ không gọi là xả thọ, mà gọi là tam muội. Tam muội và xả thọ không giống nhau, tam muội là thật, xả thọ là tạm thời, đó không phải cứu cánh, không thể coi là thật.
Chúng ta xem bên dưới, tiểu chú điều thứ nhất: “Niệm Phật hữu sự lý, sự niệm tắc nhất tâm ức niệm”. Bất luận là sự hay là lý, then chốt đều ở “nhất tâm”, nhất tâm vô cùng quan trọng. Nhất tâm tức không có tạp niệm, không có vọng tưởng, như vậy mới gọi là nhất tâm. Có tạp niệm, có vọng tưởng xem tạp vào, vậy không gọi là nhất tâm. Người niệm Phật đa phần là niệm Phật với tâm tạp niệm, niệm Phật bằng tâm vọng tưởng, người nhất tâm niệm không nhiều. Thật sự nhất tâm xưng niệm, như ở trước nói “một tuần, hai tuần”, họ thật sự thành tựu tam muội, họ đã thành tựu. Về sự chính là “nhất tâm bất loạn”, những gì ở trước chúng ta nói đều thuộc về sự. Ngay cả ức niệm phát tâm của Chư Phật, công đức của Chư Phật, tu hành của Chư Phật, đều thuộc về sự niệm.
“Lý niệm, niệm tức thỉ giác, Phật tức bổn giác, thỉ bổn tương hợp, thỉ bổn bất nhị, danh vi niệm Phật”. “Lý niệm”, thực tế chính là điều bên dưới, “thật tướng niệm Phật” trong bốn loại niệm Phật, đây thuộc về lý niệm. “Lý niệm”, đối với hàng phàm phu sơ học mà nói thì rất khó khăn. Nói cách khác, chúng ta vẫn phải bắt đầu từ sự niệm. Sự niệm, niệm đến công phu nhất định, sự niệm biến thành lý niệm. Đến khi nào biến thành lý niệm? Chúng ta từ sự nhất tâm bất loạn niệm đến lý nhất tâm bất loạn, sau khi được lý nhất tâm sự và lý đều viên dung. Sự chính là lý, lý chính là sự, lý sự không hai, cho nên từ sự niệm biến thành lý niệm. Vừa bắt đầu đã từ lý niệm, là việc của viên giáo sơ trụ trở lên, chúng ta không làm được. Vì sao vậy? Vì chúng ta không thể hợp thỉ bổn, không biết như thế nào gọi là thỉ giác, như thế nào gọi là bổn giác, không sao hợp lại được. Đây là điều chúng ta cần phải biết. Nói cách khác, viên giáo sơ trụ trở lên, 42 địa vị Bồ Tát, họ niệm Phật đều là lý niệm. Thập tín vị trở xuống đều thuộc về sự niệm.
Chúng ta lại hỏi, chuyên niệm câu A Di Đà Phật này, khi vãng sanh biết trước giờ chết, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, không sanh bệnh, người này là sự niệm hay lý niệm? Sự và lý đều có. Thực tế mà nói, công phu tốt sự niệm đi vào lý niệm. Công phu niệm đến cảnh giới này, bản thân biết khi nào mình vãng sanh. Nói cách khác, hết thảy sự lý thế xuất thế gian không có gì không thông đạt thấu triệt, trong Thiền tông gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Đã đến trình độ này, vì sao họ không ở thêm vài năm nữa để hoằng pháp lợi sanh? Họ đi gấp như vậy làm gì? Chúng ta không thể không biết điều này. Tất cả pháp thế xuất thế gian, thành tựu hay không đều ở một chữ “duyên”. Phật pháp đều do duyên, pháp thế gian cũng do duyên. Người này và người kia có duyên, người này và người kia không có duyên, không có duyên nói chuyện không thể hợp được, đều do một chữ duyên. Họ ở trong cảnh giới đó, đều thấu triệt tất cả. Họ muốn hoằng pháp lợi sanh, không có duyên, ở đây cũng vô dụng, uổng công. Nói cách khác, người ta coi thường họ, tuy nói pháp chân thật, không ai nghe theo, không có duyên. Họ ra đi thị hiện một tấm gương tốt, đó cũng là hoằng pháp lợi sanh, là dùng một phương thức khác tiếp dẫn chúng sanh, làm chứng niệm Phật vãng sanh cho tất cả chúng sanh, đây cũng là hoằng pháp lợi sanh. Nói cách khác, ở đây là lợi ích chúng sanh, họ ra đi cũng lợi ích chúng sanh, khiến hết thảy chúng sanh noi theo gương họ, nhớ đến thành tựu của họ.
Người thế gian mê hoặc điên đảo, thật giả bất phân. Nói thật họ không tin, nói giả thì vừa nghe là tin ngay, Chư Phật Bồ Tát cũng không thể thay đổi họ. Chư Phật Bồ Tát đến, nói thật họ không tin, yêu ma quỷ quái đến, ngày ngày gạt họ, đùa giỡn, họ lại tin, lại thích. Tất cả đều nơi một chữ “duyên”, duyên không thuần thục, giáo hóa chúng sanh cũng rất khó khăn.
Đoạn thứ hai nói, “niệm Phật hữu tứ”, đây là bốn loại lớn. Niệm Phật có rất nhiều phương pháp, nhưng quy nạp lại không ngoài bốn loại lớn này.
Thứ nhất là “Thật tướng, niệm tự tánh Phật”, đây là cao nhất trong phương pháp niệm Phật, hàng sơ học chúng ta không học được. Bên cạnh có tiểu chú: “Đế liễu tự tâm chân tánh”, đế là chân thật, liễu là thấu triệt, là thật sự minh tâm kiến tánh. Đây là “niệm tự tánh Phật”, nó thuộc về thật tướng niệm Phật.
Từ loại thứ hai trở về sau, chúng ta có thể học tập, vì sao vậy? “Thật tướng” không dùng tâm ý thức, cho nên chúng ta không làm được. Thập lục quán trở xuống dùng tâm ý thức, chúng ta đều có thể học, hiện nay chúng ta tâm ý thức làm chủ, không biết chân như bổn tánh ở đâu, tâm ý thức làm chủ, dùng tâm ý thức niệm Phật.
“Quán tưởng, như thập lục quán, tâm tưởng Phật thời, thị tâm tức Phật, tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo”. Câu này là kinh văn trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Trong kinh điển đại thừa thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, câu khai thị này của Đức Phật chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ. Tất cả pháp không chỉ nói pháp thế gian, bao gồm pháp xuất thế gian, hết thảy pháp thế xuất thế gian đều từ tâm tưởng sanh. Tâm ta nghĩ gì liền biến hiện ra như thế, hiện tượng trong hư không pháp giới là vô lượng vô biên. Từ đâu đến? Từ tâm tưởng của chúng sanh thành tựu. Ta biết nguyên lý này, biết sự thật này, ta nghĩ đến Phật tâm liền biến thành Phật, liền hiện tướng của Phật. Nghĩ đến Bồ Tát liền thành Bồ Tát, nghĩ đến A la hán liền thành A la hán, nghĩ đến điều gì liền thành tựu như thế. Nói một cách rõ ràng, tôi muốn thân thể tôi mạnh khỏe, thân thể liền mạnh khỏe. Nghĩ mình ở đây có bệnh, chỗ kia có bệnh, hai ngày sau bệnh thật, bệnh từ đâu đến? Từ tâm tưởng sanh. Tuổi tác đã lớn, già rồi, già rồi, ngày nào cũng nghĩ mình già làm sao không già được? Già thật. Nếu không nghĩ già, ngày ngày nghĩ mình còn trẻ, dù sống 100 tuổi vẫn thấy trẻ, không có tướng già, vì sao vậy? Từ tâm tưởng sanh. Đây là một câu chân lý Đức Phật nói với chúng ta. Vì sao không nghĩ về phương diện an vui, mạnh khỏe? Ngày ngày nghĩ đến phiền não, như vậy làm sao có thể đoạn phiền não? Đây là câu khai thị rất quan trọng.
Thân thể dung mạo của Phật Bồ Tát vĩnh viễn không thay đổi, vì sao không thay đổi? Họ không có ý nghĩ, cho nên không có thay đổi. Có nghĩ là có biến hóa, không nghĩ thì không có biến hóa. Quý vị hỏi vì sao ở thế giới tây phương Cực Lạc dung mạo đều như nhau? Vì sao đều không suy không diệt? Vì họ không có vọng tưởng. Ngày nay chúng ta không đoạn được vọng tưởng, không đoạn được phải nghĩ đến phương diện tốt, nghĩ đến Phật A Di Đà là thù thắng nhất. Trong nhà thờ Phật A Di Đà, ta thường thấy ngài, thường nghĩ đến ngài. Nhìn lâu, nghĩ lâu, dung mạo mình sẽ giống như dung mạo của Phật, “tướng tùy tâm chuyển”, xem bói toán đều nói tướng tùy tâm chuyển, đây là thật. Tướng tùy tâm chuyển, thể chất của thân thể cũng tùy tâm chuyển, tâm tạo vạn pháp. Điều này rất quan trọng, nếu hiểu được điều này suốt đời lợi ích vô cùng.
“Quán tưởng”, trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Thế Tôn dạy cho bà Vi Đề Hy phương pháp tu học, nói ra 16 loại. 16 phương pháp này, ngày nay chúng ta gọi là thập lục quán, 16 loại tu học, bất kỳ loại nào cũng có thể thành tựu, không nhất định tu hết cả 16 loại, không cần. Có thể chọn hoặc hai loại kiêm tu cũng được, ba loại hợp tu cũng được, chuyên tu một loại cũng được. 16 phương pháp, 12 loại trước đều là quán tưởng, loại thứ 13 là quán tượng, không thuộc về quán tưởng. Quán tượng là gì? Trong nhà thờ tượng Phật A Di Đà, ngày nhìn tượng Phật, tâm nghĩ đến tượng Phật này, nhớ đến tượng Phật này, đây gọi là quán tượng niệm Phật. Quán tượng, khi lìa xa tượng Phật công phu sẽ gián đoạn. Quán tưởng niệm Phật, tâm phải rất vi tế, người tâm lơ là không thích hợp dùng phương pháp này.
Phương pháp thứ 16 là phương pháp cuối cùng, phàm những gì sắp cuối cùng đều đặc biệt nhất, cũng là thù thắng nhất, phương pháp sau cùng là “trì danh niệm Phật”. Chúng ta niệm Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu xuất phát từ quán thứ 16 trong Quán Kinh, đây là thù thắng nhất, phương tiện nhất. Không cần quán tưởng, cũng không cần quán tượng, chuyên niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Niệm sáu chữ này, hoặc niệm bốn chữ cũng được, đây là pháp môn phương tiện nhất. Thành tựu của nó, như vừa mới nói “tướng tùy tâm chuyển”. Khi niệm Phật, nghĩ đến Phật, tâm trở thành tâm Phật, tướng tự nhiên biến thành tướng hảo của Phật, nó sẽ thay đổi.
Thứ ba là “quán tượng”, tức quán thứ 13 trong thập lục quán. “Quán thái họa”, như bức tượng này thuộc thái họa. “Đúc tạo”, tạo là điêu khắc tạo, đúc là đúc tạo. Như ngày xưa tượng Phật bằng đồng thuộc về đúc tạo, còn có tượng Phật hợp kim, tượng Phật lưu kim, hợp kim, ngày xưa rất nhiều. Đúc tạo có đúc bằng thạch cao, có điêu khắc bằng gỗ. Những tượng Phật này trong kinh nói: “khởi lập hợp chưởng nhất tâm quán Phật”. Tu theo phương pháp này trong nhà mình nhất định phải có thờ Phật, phải có thời gian rảnh. Phương pháp tu học này, sau khi nghỉ hưu có thể tu, nếu còn đi làm rất khó khăn, không có thời gian để tu học, vì phải tu tại Phật đường, không thể rời Phật đường. Lìa Phật đường tức lìa tượng Phật, vậy là không thấy được tượng Phật, cho nên không được lìa xa, đây là phương pháp quán tượng.
Thứ tư, là quán sau cùng trong thập lục quán. “Trì danh, nhất tâm chấp trì danh hiệu, bất hoài nghi, bất giáp tạp, bất gián đoạn”. Ba câu này như Bồ Tát Đại thế Chí nói: “tịnh niệm tương tục”, tương tục nghĩa là không gián đoạn, không hoài nghi, không xen tạp tức là tịnh niệm.
Trong chú giải Quán Kinh đại sư Thiện Đạo khai thị cho chúng ta rất tường tận rõ ràng. Lần trước chúng ta nói về Chương Thượng Phẩm Thượng Sanh, chư vị cần ghi nhớ đừng quên, đại sư tận tâm tận lực dạy chúng ta phải tin lời Phật dạy. Lời Phật dạy, lời trong kinh, đặc biệt là kinh vãng sanh. Ngày nay chuyên giảng về kinh vãng sanh, ngoài ba kinh ra, chư vị tổ sư đại đức đem Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Chương Đại Thế Chí Viên Thông, hợp xưng thành năm kinh.
Cho dù Đẳng giác Bồ Tát, thậm chí là Chư Phật tái sanh, những gì họ nói khác với kinh này, chúng ta đều không nghe. Tín tâm của ta phải thanh tịnh, kiên định như thế, mới chắc chắn vãng sanh. Tuyệt đối không để một vài ý kiến khác, kiến giải bất đồng, cách nhìn khác nhau làm ảnh hưởng, vậy là hỏng, nhất định phải tin vào những lời Phật dạy. Dù gặp Phật, Phật Phật đạo đồng, nếu Phật nói với chúng ta, không giống với những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong kinh, chúng ta đều không tin. Phật đó là giả, không phải thật, Phật thật nói nhất định tương đồng. Bồ Tát thật nói chắc chắn không trái với ý của Phật, sao có thể nói không giống lời Phật. Nhất định không nghe, nhất định không tiếp thu, như thế mới có thể thành tựu. Điều này rất quan trọng.
Đoạn nhỏ thứ ba giải thích về tam muội: “Phạn ngữ tam muội, thử vân chánh định, diệc vân chánh tư, chánh tâm hành xứ”, đây đều là chú giải trong kinh điển. Chánh định là định đúng đắn, chánh tư là tư duy đúng đắn, đây gọi là tam muội. Tứ thiền bát định của thế gian không gọi là chánh định, không gọi là chánh tư duy. Nguyên nhân như ở trước nói, không thể coi là đúng đắn, vì họ không duy trì được dài lâu, sẽ bị mất đi, chỉ là tạm thời. Họ chỉ tương tự chánh định, không phải chánh định thật sự, là tương tự. Cảnh giới trong định của họ, tương đồng với cảnh giới người chánh định, nhưng người chánh định không bị mất đi, còn họ có lúc sẽ bị mất, không thể duy trì lâu được. Họ chỉ chế ngự phiền não, không phải đoạn phiền não, người chánh định đoạn tận phiền não, giống như diệt cỏ tận gốc vậy. Tứ thiền bát định là phục phiền não, lấy đá đè cỏ, chưa nhổ tận gốc, đây là điểm không tương đồng.
Chánh tư duy chọn lìa vọng tưởng, tư duy người thế gian đều là vọng tưởng, đều là vọng niệm. Họ không có vọng niệm, cho nên gọi là chánh tư duy, cũng là chánh tâm hành xứ. Tâm hành xứ, “hành xứ” bây giờ chúng ta gọi là hoạt động, hoạt động trong tâm mình là bình thường. Hay nói cách khác, hoạt động trong tâm phàm phu đều không bình thường. Khởi tâm động niệm, trong Kinh Địa Tạng nói: “không có gì không phải là tội”, đều đang tạo nghiệp. Khởi một thiện niệm, tạo nghiệp của ba đường lành. Khởi một ác niệm, tạo nghiệp của ba đường ác. Khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp, thiện sẽ biến thành ác, ác cũng sẽ biến thành thiện, thiện ác hỗn tạp. Đây là tình trạng khởi tâm động niệm của phàm phu lục đạo, khởi tâm động niệm chính là tâm hành xứ. Đạt được niệm Phật tam muội, trong khởi tâm động niệm là chân thật, tuyệt đối không có hư vọng.
“Nhất tâm niệm Phật, danh chánh định tâm, nhược tha niệm trước, tức danh tà tư duy dã”. Cổ đức nói mấy câu này rất hay, chúng ta phải biết “nhất tâm niệm Phật” chính là tu niệm Phật tam muội. Niệm đến trong cuộc sống hằng ngày của mình không sanh vọng niệm, tức là chứng được niệm Phật tam muội, vậy là thành công. Đương nhiên, cảnh giới niệm Phật tam muội có sâu cạn khác nhau, nói cách khác, là vì công phu niệm Phật tam muội không giống nhau. Bất luận công phu sâu hay cạn, công phu dù cạn đến đâu, ta vừa đạt được niệm Phật tam muội, vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc sẽ tự tại, chỉ cần đạt được tam muội là tự tại. Tự tại này tức là muốn khi nào vãng sanh là khi đó có thể vãng sanh.
Ta cần phải biết một sự thật, như xem trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, đọc Truyện Vãng Sanh xưa nay, sẽ phát hiện có rất nhiều người niệm Phật đều khoảng ba năm vãng sanh. Trong truyện ký từ xưa đến nay chúng ta thấy được điều này, nếu ta lưu ý đến vấn đề này, liền nghĩ rằng, chẳng lẽ thọ mạng của họ chỉ ngắn như vậy thôi? Mới niệm Phật ba năm là vãng sanh? Không nhất định. Người ta tu đến trình độ đó, tức đạt được niệm Phật tam muội, họ thấy thế gian này, muốn phát tâm hóa độ chúng sanh, nhưng không có duyên. Thọ mạng vẫn còn, nhưng không cần nữa, đi trước thời hạn, đây mới là sự thật. Vì đến lúc đó, tất cả sự lý đều thông đạt thấu triệt, ta tự nhiên sẽ quyết định, ta có cần tiếp tục ở lại đây hay không? Có cần thiết không? Không cần thiết, vậy thì ra đi, nếu cần nghĩa là ở đây vẫn còn duyên hóa độ. Họ đứng ra giảng kinh thuyết pháp, còn nhiều người tin tưởng, tôn kính họ, họ liền ở lâu tại thế gian. Ở bao lâu hoàn toàn do nhân duyên, bản thân họ tự tại vô ngại, đây là sự thật, không thể không biết.
Bình thường ta niệm Phật kỵ nhất chính là vọng niệm, có vọng niệm tức là tà tư duy, nó chướng ngại rất lớn đối với niệm Phật tam muội. Nói cách khác, người công phu niệm Phật đắc lực, họ là chuyên niệm. Ngoài một câu Phật hiệu ra tuyệt đối không có vọng tưởng, họ đã xả bỏ mọi vọng niệm, chuyên niệm A Di Đà Phật.
Cũng có thể có người muốn hỏi, nói như vậy chẳng phải họ biến thành si ngốc, hỏi gì cũng không biết. Đó là ta đang khởi vọng tưởng, sự thật không như vậy. Tuy họ không nghĩ gì, khi niệm đến tâm thanh tịnh, họ hiểu rõ tất cả, hiểu rõ hơn quý vị nhiều. Đây là công đức lợi ích chân thật của tâm thanh tịnh, tâm họ thật sự thanh tịnh, họ hiểu rõ mọi thứ, minh bạch mọi lẽ, thông đạt hết thảy, họ không nói mà thôi. Vì sao vậy? Có nói quý vị cũng không tin. Đây là lợi ích chân thật của nhất tâm niệm Phật, lợi ích thật sự.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Hết tập 4