Tập 1/8 – Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao Giảng Giải

(đang cập nhật video)

ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG SỚ SAO

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tháng 10 năm 1992
Giảng tại California – Mỹ
Tổng cộng 8 tập

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm

 

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương – Tập 1

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
 
Chư vị đồng tu, lần này chúng ta chọn đề kinh, là một đoạn kinh văn quan trọng nhất trong Kinh Lăng Nghiêm_Chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.
Kinh Lăng Nghiêm rất nổi tiếng trong Phật giáo Trung quốc. Cổ nhân thường nói: “Lăng Nghiêm khai tuệ, Pháp Hoa thành Phật”. Do đây có thể biết, mọi người rất coi trọng bộ kinh điển này. Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh khai trí tuệ, trong giới Phật giáo hầu như mọi người đều công nhận điều này.

Vì sao gọi là Pháp Hoa thành Phật? Trong rất nhiều kinh luận đại thừa Thế Tôn thường nói, thành Phật, thành Phật chỉ có nhất xiển đề không thể thành Phật, Đức Phật thường nói như vậy. Xiển đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là người đoạn thiện căn, người không có thiện căn không thể thành Phật, đây là điều Phật thường nói. Nhưng trong Kinh Pháp Hoa nói, nhất xiển đề cũng có thể thành Phật, đây mới nói đến cứu cánh viên mãn, vì thế mới gọi là Pháp Hoa thành Phật. Trong Kinh Pháp Hoa nói thành Phật, là tất cả chúng sanh, bao gồm xiển đề đều có trong đó, cho nên nói là Pháp Hoa thành Phật.

Kinh Lăng Nghiêm truyền đến Trung quốc, nhân duyên cũng rất đặc biệt. Ở đây chúng ta không thể nói tường tận, kinh điển Phật giáo, đa phần đều là các cao tăng đại đức từ Ấn độ đến Trung quốc truyền giáo, bao gồm không ít cư sĩ. Thời kỳ đầu có không ít cư sĩ phiên dịch kinh điển đại thừa, điều này chúng ta thường thấy trong Phật pháp sơ khởi. Ngoài ra là do các vị tăng Trung quốc đến Ấn độ du học mang về, như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh đều ở Ấn độ nhiều năm. Những vị lưu học tăng này, ở Ấn độ đều chưa tiếp xúc với Lăng Nghiêm, chưa từng thấy. Nguyên nhân này đến sau cùng thông qua truyền thuyết chúng ta hiểu được, vương triều đương thời của Ấn độ, nghĩa là chính phủ xem bộ kinh này như quốc bảo, không cho phép lưu thông ra nước ngoài. Vì thế những lưu học tăng nước ngoài, họ không thấy được bộ kinh này.

Bộ kinh này truyền đến Trung quốc, do một vị cao tăng Ấn độ tên Bát Lạt Mật Đế, ông vượt biên để đem bộ kinh này đến Trung quốc, mà còn vượt biên rất gian khổ. Trong chú sớ Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, Ban Lạt Mật Đế hai lần ra nước ngoài đều bị hải quan lục soát được, sau khi lục soát được khi trở về còn bị ngồi tù, vì kinh điển không cho phép lưu thông đến nước ngoài. Lần sau cùng ngài dùng hết tâm tư, viết bộ kinh này lên vào một thứ rất nhỏ, không biết loại lụa gì, viết chữ rất nhỏ lên đó. Cuộn lại rồi tự xẻ tay mình ra, dấu kinh điển vào trong đó, đợi vết thương lành lặn, ra nước ngoài như vậy hải quan không kiểm soát được, đem kinh điển đến Trung quốc. Sau khi đến Trung quốc, đương nhiên lại mổ bắp tay ra, lấy kinh điển ra rửa sạch sẽ, ngài đã dùng phương pháp vượt biên này. Người xuất gia rất thành thật, mang kinh điển đến nước ngoài, là đã phạm pháp luật của quốc gia. Ở Trung quốc phiên dịch, sau khi phiên dịch xong, lập tức trở về đợi chính phủ xử phạt, không trốn ở Trung quốc để tránh hình phạt. Đây là điều rất khó được của người xuất gia, tôi trộm kinh điển, cần phải chịu sự trừng phạt của chính phủ. Bộ kinh điển này đến Trung quốc, có một nhân duyên đặc thù như thế. Nhưng trước khi bộ kinh này truyền đến Trung quốc, người Trung quốc đã nghe danh từ lâu. Nguyên nhân nghe danh, là đại sư Trí Giả Thiên thai tông cuối nhà Tùy đầu nhà Đường, chúng ta gọi ngài là Thiên thai đại sư. Ngài là một nhân vật rất quan trọng trong Thiên thai tông, có thể nói Thiên thai tông được hoàn thành trong tay ngài. Ngài căn cứ nghĩa thú của Kinh Pháp Hoa, phát minh “tam chỉ tam quán”. Thiên thai chỉ quán không phải truyền đến từ Ấn độ, mà là phương pháp tu học này do đại sư Trí Giả phát minh.

Đương thời có một vị cao Tăng Ấn độ đến Trung quốc tham bái đại sư Trí Giả, thấy đại sư Trí Giả dạy về tam chỉ tam quán, ông rất tán thán. Ông ta nói tư tưởng này, rất gần với những gì trong Kinh Lăng Nghiêm nói, do đó người Trung quốc mới biết, Ấn độ còn có một bộ kinh điển đại thừa gọi là Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, chưa truyền đến Trung quốc. Phàm những vị cao tăng đại đức đến Ấn độ lưu học, cũng chưa thấy bộ kinh này.

Lúc đó giao thông không phương tiện, muốn đến Ấn độ là một vấn đề vô cùng gian nan. Nhưng tinh thần của đại sư Thiên thai, quả thật rất đáng để xưa nay kính ngưỡng. Ngài dựng một cái đài trên núi Thiên thai, hiện nay vẫn còn, nếu quý vị lên núi Thiên thai tham bái chiêm ngưỡng, đài đó vẫn còn, gọi là đài bái kinh. Mỗi ngày ngài lên đài đó xoay mặt về hướng tây lễ lạy, hy vọng có cảm ứng đạo giao, bộ kinh này sớm ngày được truyền đến Trung quốc. Đại sư Trí Giả lạy suốt 18 năm, mãi đến khi ngài viên tịch, có thể nói không hề gián đoạn, tinh thần nghị lực này thật đáng khâm phục.

Vào thời nhà Đường, quả nhiên pháp sư Bát Lạt Mật Đế đem bộ kinh này đến Trung quốc, lúc này là cuối triều đại Võ Tắc Thiên. Thời trung tông nhà Đường, Bát Lạt Mật Đế đi theo đường biển vào Quảng châu Trung quốc, đem bộ kinh này truyền đến Trung quốc. Nhân duyên bộ kinh này rất đặc thù, dịch kinh không phải tại dịch trường có quy mô của quốc gia, mà là ở Quảng Châu, đương thời được coi là dịch kinh nơi ngôi chùa nhỏ. Tuy người tham gia phiên dịch không nhiều, vì được Phòng Dung, ông là tể tướng của Võ Tắc Thiên, đại khái đắc tội với hoàng đế bị lưu đày, tức là giáng cấp, đưa đến làm quan địa phương Quảng Châu. Cũng rất khó được, ông vui với nếp sống thanh nhàn, tham gia vào việc phiên dịch bộ kinh này. Văn tự của kinh điển này chính là bút pháp, do tể tướng viết ra. Phiên dịch kinh điển Trung quốc, từ văn tự mà nói, Lăng Nghiêm là bộ số một. Văn tự Kinh Lăng Nghiêm, về văn học mà nói nó đứng hàng đầu, mạch văn xuất phát từ tay Phòng Dung. Phòng Dung cũng là trong họa được phước, có thể có được một nhân duyên như thế, để ông tham gia dịch bộ đại kinh này.

Mời quý vị mở trang thứ nhất giảng nghĩa. Lần này tuy thời gian chúng ta ngắn ngủi, không thể giới thiệu toàn kinh, chỉ nói một chương trong kinh này. Lăng Nghiêm không phân phẩm, cho nên lấy ra một đoạn trong đó, đoạn kinh này đại sư Ấn Quang, đặc biệt rút ra trong Kinh Lăng Nghiêm, thêm vào sau Tịnh độ tứ kinh gọi là Tịnh độ ngũ kinh. Do đây có thể biết, tính quan trọng của chương kinh văn này, phía bên dưới khi giảng đến đề chương này, sẽ nói thêm với chư vị.
Chúng ta xem đề kinh này trước, trong Kinh Lăng Nghiêm, Thế Tôn nói tất cả năm tên đề, chính là ngài nói ra năm tên kinh. Chúng tôi đem năm đề mục này đều đưa vào trong giảng nghĩa, chư vị xem là hiểu ngay.

Đề thứ nhất là “Đại Phật Đảnh Tất Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Bảo Ấn Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn”. Đây là Phật nói đề kinh thứ nhất. Đề thứ hai là: “Cứu Hộ Thân Nhân Độ Thoát A Nan, Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni (Ma Đăng Già Nữ) Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải”. Đề thứ ba là: “Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa”. Đề thứ tư là: “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú”, đây là chuyên chỉ thần chú Lăng Nghiêm. Đề sau cùng: “Quán Đảnh Chương Cú Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”.
Sau khi dịch sang tiếng Trung, trong năm đề mục này, đại sư dịch kinh lược lấy ra mười chín chữ, trở thành tên kinh bản Trung văn hiện tại của chúng ta. Họ lấy bỏ đề kinh là lấy trong đề mục thứ nhất, ba chữ “Đại Phật Đảnh”. Đề thứ ba lấy hết “Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa”. Sau đó lại lấy nửa đoạn sau cũng đề thứ năm, chính là “Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”, cho nên lấy 19 chữ này làm đề kinh của bản dịch tiếng Trung. Đề mục này, chúng tôi giới thiệu sơ lược với chư vị, đối với đại ý của toàn kinh, có thể có một nhận thức khái lược.
Chúng ta xem đề mục tiếng Trung: “Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh”. Kinh là thông đề, thêm vào chữ kinh này, kinh này tổng cộng có 20 chữ, chúng ta phân đề kinh này thành bảy đoạn để giới thiệu. Bên dưới đưa ra, thứ nhất là “Đại”, thứ hai là “Phật Đảnh”, thứ ba là “Như Lai Mật Nhân”, thứ tư là “Tu Chứng Liễu Nghĩa”, thứ năm là “Chư Bồ Tát Vạn Hạnh”, thứ sáu là “Thủ Lăng Nghiêm”, sau cùng thứ bảy là “Kinh”, chia thành bảy đoạn để giới thiệu.

Chúng ta xem “đại”, ở đây “đại” là từ tán thán, không phải đại của đại tiểu, đại tiểu là đối đãi. Hay nói cách khác, là tương đối, tương đối là có hạn độ. “Đại” ở đây là vô hạn, nó không phải là một danh từ tương đối.
“Đại tức tâm chúng sanh tâm, tâm nhiếp nhất thiết pháp thế gian xuất thế gian, cố xưng vi đại”. Đây là giải thích đơn giản. Rốt cuộc “đại” là nói về điều gì? Thì ra là nói về tâm. “Tâm”, thực tế mà nói rất khó hiểu, rất khó lãnh hội. Ở đây không được ngộ nhận, nói đến tâm, đúng, chúng ta đều có tâm, tâm này là tâm ngu si, tâm này rất vô dụng, tâm này là một trong lục phủ ngũ tạng, vô ích.

Tâm trong Phật pháp nói, là chân tâm, vọng tâm. Chân tâm, vọng tâm là một, không phải hai tâm. Vì sao lại dùng hai loại xưng hô? Khi giác ngộ gọi là chân, khi mê gọi là vọng. Tất cả hoạt động của chúng ta, đều do tâm làm chủ, phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm gọi là vọng tâm, vì sao gọi là vọng tâm? Vì không biết chân tâm là gì, không biết. Tuy ta không biết nó là gì nhưng nó vẫn khởi tác dụng, không phải nói ta không biết thì nó không khởi tác dụng, không biết cũng khởi tác dụng. Biết, tác dụng đó rất vi diệu, tác dụng đó không có biên tế, quá vĩ đại. Sau khi mê, tác dụng này rất có giới hạn. Nói cách khác, không thể hoàn toàn khởi dụng, khởi tác dụng cục bộ, cũng là xem mức độ mê của chúng ta sâu cạn khác nhau. Mê nặng, năng lực tác dụng đó rất nhỏ, mê sâu hơn một chút, phạm vi tác dụng của nó sẽ lớn hơn một chút.

Đức Phật nói với chúng ta về cửu giới chúng sanh, chúng ta thường nghe nói điều này, chúng sanh cửu pháp giới. Cửu giới này từ đâu mà có? Chính là phân từ mức độ mê ngộ. Mê nặng nhất là địa ngục chúng sanh, mê nhẹ nhất là Bồ Tát. Mười pháp giới nói một cách đơn giản, chính là đối với mức độ mê ngộ của tâm tánh ta, nói ra những danh từ này.

“Tâm nhiếp” chính là thống nhiếp thế gian. “Thế gian” là nói đến lục đạo, tam giới. “Xuất thế gian” là nói đến Phật, Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác, gọi chung là mười pháp giới. Vì sao nó thống nhiếp mười pháp giới? Thực tế mà nói, mười pháp giới là hiện tượng do tâm này biến hiện ra, sao tâm đó không thống nhiếp mười pháp giới.
Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “ưng quán pháp giới tánh”, pháp giới chính là nói mười pháp giới. Tánh, nói như hiện nay tức là bản thể, ta muốn quan sát bản thể của mười pháp giới, Đức Phật nói “nhất thiết duy tâm tạo”. Thập pháp giới đều là hiện tướng do tâm tánh biến hiện ra, tâm là thể, mười pháp giới là hiện tướng. Do đây có thể biết, thực tế mà nói tâm tánh rộng lớn vô biên. Đức Phật nói rằng, đó chính là chân tánh của ta, là bản tánh của ta.

Người thật sự giác ngộ chân tâm bổn tánh, tâm họ nhất định thanh tịnh, nhất định bình đẳng, không có chấp trước thị phi nhân ngã. Vì sao vậy? Vì họ biết tất cả thị phi nhân ngã đều là tự tánh hiện tướng mà thôi, ngoài tâm tánh của tự tánh ra, không có một vật nào khác, họ làm gì có phân biệt chấp trước. Không có phân biệt chấp trước gọi là đại từ đại bi, chữ “đại” đó giống với ý nghĩa của chữ “đại” này, gọi là đại từ đại bi, hoàn toàn do tâm tánh hiển lộ.

Từ bi, ngày nay chúng ta gọi là thương yêu, đối với mọi người, mọi vật, mọi sự đều yêu thương bình đẳng, yêu thương chân thật, đây gọi là đại từ đại bi, vì thế nó thống nhiếp tất cả pháp thế xuất thế gian. Điều này không có danh từ có thể tán thán, bất đắc dĩ dùng chữ “đại” này để tán thán nó, đạo lý là như vậy. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là nhất chân pháp giới, Kinh Hoa Nghiêm gọi nhất chân pháp giới chính là ý này.
“Chư kinh hoặc danh thật tướng”, trong tất cả kinh điển đại thừa, có chỗ gọi là “thật tướng”. Như trong Kinh Bát Nhã, đa phần đều gọi là thật tướng, hoặc gọi là “Phật tánh”, hoặc gọi là “viên giác”, hoặc nói “chân như”. Trong Kinh Lăng Nghiêm, lại có một danh từ khác gọi là “Như Lai tạng”. Thật ra nhiều danh từ như vậy, danh từ khác nhau, nhưng nói về một sự thật, chính là tâm chúng sanh, cũng chính là chân tâm bổn tánh.

Vì sao trong tất cả kinh điển, Đức Phật nói ra nhiều danh từ khác nhau như vậy? Nói một danh từ chúng ta dễ hiểu, vì sao nói nhiều danh từ như vậy? Thật ra ở đây tôi nói ra rất đơn giản, nếu tra trong kinh điển nói, tôi thấy ít nhất có bảy tám mươi danh từ khác nhau, quá nhiều, tôi không thống kê nó, quả thật rất nhiều.
Phật giảng kinh thường nói với chúng ta, dạy chúng ta đừng chấp trước, chấp trước là sai. Trong Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh đặc biệt dạy chúng ta, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, tướng tâm duyên chính là chấp trước. Đức Phật nói rất nhiều danh từ, ý là nói với chúng ta, chỉ cần nói đến vấn đề đó là được, cần gì chấp vào danh tướng, dù danh tướng nhiều đến đâu đều nói đến một việc. Đây là ngài dùng phương tiện thiện xảo, dạy chúng ta lìa tướng danh tự, như vậy mới thật sự biết được những điều Phật nói là gì. Vì thế, tất cả đều nói về tâm.

“Thị tri thử tâm, thập phương vô tận, tam tế mạc cùng”. “Thập phương” là nói không gian, là vô hạn đại. “Tam tế” là nói về thời gian, quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung.

“Vị pháp giới thể”, pháp giới thường gọi là mười pháp giới, bản thể của mười pháp giới. Mười pháp giới từ đâu mà có? Chính là do tâm tánh biến hiện ra. Vì sao tâm tánh biến hiện? Thế giới ngày nay, rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học, nhà Tôn giáo, ngày ngày đang thảo luận vấn đề này, ngày này đang nghiên cứu vấn đề lớn này. Nhưng cho đến nay, cũng chưa ai có thể nói một cách rõ ràng, cũng chưa có một học thuyết nào thật sự có thể khiến người tâm phục khẩu phục, không có. Duy nhất Lăng Nghiêm đối với những đáp án này, nói cho chư vị biết, nói một cách thấu triệt minh bạch, vũ trụ từ đâu đến? Vạn vật từ đâu đến? Thật đáng tiếc, hiện nay giới khoa học phương tây, giới triết học, giới Tôn giáo chưa thâm nhập Kinh Lăng Nghiêm. Lăng Nghiêm nói về những vấn đề này, nói thấu triệt vô cùng. Tuy văn tự của nó không nhiều, toàn bộ kinh khoảng hơn sáu vạn chữ. Đối với ngày nay mà nói, sách sáu bảy vạn chữ là sách nhỏ, không nhiều lắm. Tuy văn tự không nhiều, nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Những điều này, chỉ nói không thôi rất khó nói rõ ràng, vì sao vậy? Vì ngôn ngữ có hạn. Nói cách khác, có ngôn ngữ không thể đạt đến, không đạt được. Chẳng những ngôn ngữ có hạn, tư duy cũng có giới hạn. Tư duy của chúng ta, đương nhiên giới hạn này lớn hơn phạm vi ngôn ngữ rất nhiều, nhưng nó vẫn có một phạm vi. Hay nói cách khác, còn có tư tưởng ta không đạt được, trong kinh Phật thường nói: “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Tâm hành là tư tưởng, không đạt được, ngôn ngữ không đạt được, tư tưởng không đạt được, tưởng tượng không được, đó là cảnh giới chân thật. Nếu ta lìa ngôn ngữ, lìa tư duy, bỗng nhiên đại ngộ, ta có thể đạt được. Tuy đạt được nhưng không nói ra được, trong Phật pháp gọi đây là cảnh giới thân chứng, quý vị đã thân chứng.

Bộ Kinh Lăng Nghiêm này, là một chỉ dẫn để ta thân chứng tâm tánh, nó có phương pháp dẫn dắt ta đi vào cảnh giới này. Nhập cảnh giới này, đây gọi là công phu tu hành, công phu này gọi là “đại định Thủ Lăng Nghiêm”, ta có thể tu thành đại định Thủ Lăng Nghiêm. Tất cả vạn pháp của nhân sinh vũ trụ, ngọn nguồn, tiền nhân hậu quả, ta đều thấu triệt hết, đây gọi là “Lăng Nghiêm khai trí tuệ”.

“Đại định Thủ Lăng Nghiêm” là then chốt của bộ kinh này, tất cả pháp giới là duyên khởi, duyên khởi này là mở đầu của kinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi tôn giả A nan, tâm ông ở đâu? Vì thế “bảy chỗ trưng tâm, mười lần hiển kiến” rất nổi tiếng. A nan đại biểu cho hàng phàm phu, quý vị hỏi tôi tâm ở đâu? Tâm ở trong thân thể tôi, không thể ở ngoài thân thể, đã bị Thế Tôn phủ định. Liền nghĩ tâm ở bên ngoài, tâm ở giữa, ngài nghĩ đến bảy chỗ, chúng ta nghĩ không ra. Dù sao A nan cũng là người rất thông minh, nghĩ ra bảy chỗ đều bị Thế Tôn phủ định, lúc này mới thừa nhận mình không được, bản thân đúng là mê hoặc điên đảo, cầu Thế Tôn khai thị. Thế Tôn chỉ ra thể dụng của chân tâm trong cửa của lục căn, đây là khái lược của đại kinh.

Ở mê gọi là Như Lai tạng, ở ngộ gọi là tu chứng liễu nghĩa. Giác ngộ lại đổi một danh từ, gọi là “tu chứng liễu nghĩa”. Liễu là thấu triệt, hoàn toàn đoạn tận mê hoặc, mới có thể gọi là “liễu nghĩa”. Pháp môn niệm Phật, thực tế là liễu nghĩa trong liễu nghĩa.

Vì kinh này nói tu đại định Thủ Lăng Nghiêm, đưa ra cho chúng ta tất cả là 25 phương pháp, chính là trong quyển thứ năm nói về 25 viên thông. Có 25 vị Bồ Tát làm đại biểu, họ đều tu đại định Lăng Nghiêm, chứng được cảnh giới chân thật này, cũng chính là tâm tánh, Thiền tông gọi đây là minh tâm kiến tánh. 25 vị Bồ Tát dùng phương pháp khác nhau, chư vị phải biết, 25 phương pháp này là đại cương lĩnh. Nếu tiếp tục triển khai là tám vạn bốn ngàn pháp môn, hoặc là vô lượng pháp môn, quy nạp vô lượng pháp môn thành 25 loại lớn.

Bồ Tát Đại Thế Chí đại biểu, dùng phương pháp niệm Phật, tu chứng đại định Thủ Lăng Nghiêm. Hôm nay chúng ta đặc biệt lấy chương này, chương này trong 25 phương pháp, có thể nói là thù thắng bậc nhất, đây gọi là “tu chứng liễu nghĩa”.
“Ở nhân là Bồ Tát”, nghĩa là đang tu hành trong giai đoạn này, gọi là Bồ Tát, đã tu hành viên mãn. “Ở quả là Thủ Lăng Nghiêm vương”, ta đã tu học viên mãn, giống như học xong học phần, tốt nghiệp, lấy được học vị. Ở đây gọi là “Thủ Lăng Nghiêm vương”, Thủ Lăng Nghiêm vương nghĩa là đã hoàn thành đại định Lăng Nghiêm. “Nhất kinh yếu diệu, bất xuất thử hỷ”. Quan trọng nhất, vi diệu nhất của một bộ kinh chính là ý này. “Quán hạ”, đưa ý nghĩa này xuyên suốt về sau.

“Sở vị mật nhân”, chính là đại nhân. Mật, chư vị phải biết trong Phật pháp tuyệt đối không có bí mật. Nếu có bí mật, bí mật là không phải việc tốt, đa phần là việc xấu hổ mới bí mật, chư vị phải biết điều này. Trong Phật pháp gọi mật là thâm mật, lý quá sâu, không phải người thường có thể lý giải. Nó nói về độ sâu, là thâm mật chứ không phải là bí mật, đây là lý và sự thâm sâu nhất, lý sự đều thâm sâu, đây thuộc về thâm mật. Nhất định phải trí tuệ cao độ, trí tuệ viên mãn, mới có thể lý giải, mới có thể thấu triệt, cho nên mật nhân này là “đại nhân”.

Thủ Lăng Nghiêm là cảnh giới của Như Lai quả địa, nói cách khác là nhân thành Phật. Quý vị muốn hỏi nhân này là gì? Chúng ta thường niệm câu A Di Đà Phật, câu A Di Đà Phật này chính là mật nhân. Danh hiệu Phật A Di Đà, vì sao niệm danh hiệu này sẽ vãng sanh thành Phật? Đây không phải là vấn đề đơn giản, nhưng nếu tu theo nhân này, nhất định có thể đạt được quả này. Nếu ta nghĩ nhân này rốt cuộc là đạo lý gì sẽ kết thành quả, đạo lý này rất thâm sâu. Họ không hiểu, tu hành theo phương pháp này có thể chứng quả, khi chứng được quả, họ hoàn toàn thấu suốt đạo lý này. Khi chưa chứng được quả vị này, có nói ta cũng không hiểu rõ, đây là thật, rất thực tế. Cho nên nói, niệm Phật chỉ cần nhất tâm xưng niệm, niệm đến tâm thanh tịnh, niệm đến niệm Phật tam muội, tự nhiên khai trí tuệ. Trí tuệ này tùy theo công phu niệm Phật sâu hay cạn, niệm đến sự nhất tâm bất loạn, có thể lãnh hội được một ít mật nhân. Niệm đến lý nhất tâm bất loạn, thấu triệt được mật nhân, thông suốt, bắt đầu thấu triệt, nhưng vẫn chưa triệt để. Triệt để thấu suốt, phải thành Phật mới có thể triệt để, Đẳng giác Bồ Tát cũng không thể coi là triệt để thấu suốt. Mật nhân này thật sự thâm mật.

“Liễu nghĩa vi đại nghĩa”, chữ “đại” này tất cả đều xuyên suốt về sau. “Vạn hạnh vi đại hạnh”. Do đây có thể biết, pháp môn niệm Phật, là một phương pháp tu học quan trọng nhất trong Kinh Lăng Nghiêm. Vì sao chúng ta nói nó quan trọng nhất? Hay nói cách khác, trong 25 phương pháp, chỉ có phương pháp này thích hợp với chúng ta. 24 loại khác, chúng ta muốn tu học đều rất khó khăn, nói khác hơn, trong đời này không nhất định có thể tu thành công. Pháp môn này, chỉ cần ta tinh tấn tu học, đời này chắc chắn thành công, vì thế ta gọi nó là đệ nhất. Tôi xưng nó đệ nhất, nó thích hợp với tôi. Các pháp môn khác tuy rất hay, nhưng tôi tu không thành tựu, không có kết quả, pháp môn này tôi có thể đạt được kết quả. Thích hợp với chúng sanh thời đại này nhất, cũng chính là trí tuệ cạn cợt, nghiệp chướng sâu nặng, môi trường cuộc sống không tốt, lựa chọn pháp môn này không có gì chướng ngại. Pháp môn này, tuyệt đối không phải cứng nhắc trong danh hiệu này là có thể thành tựu, cứng nhắc không thể gọi là “vạn hạnh”, mà lấy câu Phật hiệu làm chủ, làm chánh, ngoài chánh tu còn có trợ tu. Như trong Quán Kinh nói về tam bối cửu phẩm, nói về tam phước, thập nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, đó là cương lĩnh của vạn hạnh. Người niệm Phật không thể không hiếu thuận cha mẹ, không thể không tôn trọng sư trưởng, không thể không có tâm từ bi, không thể không tu thập thiện nghiệp, như những điều này đều bao gồm trong vạn hạnh. Nhưng bất luận tu pháp môn nào, tất cả đều lấy niệm Phật cầu sanh thế giới tây phương Cực Lạc làm mục tiêu chung, phương hướng chung, đây gọi là “đại hạnh”.

“Thủ Lăng Nghiêm vi đại định”. A nan nói ra mấy loại định Phật không phủ nhận, nhưng sau cùng Phật nói ra danh từ đại định mà Như Lai thân chứng, A nan chưa từng nghe đến. Định mà Như Lai quả địa chứng được gọi là “đại định Thủ Lăng Nghiêm”.

“Cụ thử chư đại, thị vi đại kinh”. Phân lượng kinh này trong kinh điển đại thừa, tương đương với Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, đều thuộc kinh điển đại thừa liễu nghĩa.
“Hựu mật nhân vi lý, liễu nghĩa vi giáo”. Lý là lý luận, giáo là dạy học, vạn hạnh là hành, Lăng Nghiêm là quả. Kinh điển này đầy đủ giáo, lý, hành, quả. “Tắc thọ trì thử kinh giả”, người tu hành theo bộ kinh này, “thị y đại giáo, giải đại lý, khởi đại hành, chứng đại quả”. Tu hành nhất định phải có lý luận làm cơ sở, chúng ta đối với phương pháp tu học này, mới có thể tin sâu không nghi ngờ, sau đó nỗ lực cầu chứng, nghĩa là chứng quả. Đây là giới thiệu đơn giản về chữ “đại”.

Xem tiếp đoạn thứ hai: “Phật đảnh”, Phật đảnh là ví dụ. “Biểu pháp thắng diệu”, biểu là biểu thị, phương pháp này, pháp môn này rất thù thắng vi diệu, giống như Phật đảnh vậy. “Phật đảnh” không giống như đỉnh đầu của chúng ta, chúng ta thấy tượng Phật này, trên đảnh của Phật có cục màu hồng nhô lên. Ở đây có phóng quang, mà còn có thường quang. Rốt cuộc Phật đảnh như thế nào, chưa có ai thấy, vì sao không nhìn thấy? Vì ánh sáng của nó chói mắt, ta nhìn không rõ, cho nên gọi là “vô kiến đảnh tướng”, không thấy được Phật đảnh. Rốt cuộc Phật đảnh là gì? Không biết, gọi là vô kiến đảnh tướng. Nó có thường quang, có phóng quang. Biểu trưng cho bộ kinh này, nếu nói bộ kinh này trong toàn thể Phật pháp, nó chiếm địa vị như thế nào? Đây là ví dụ đảnh của Phật.

“Hoa Nghiêm, Pháp Hoa như Phật toàn thân”, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa ví như toàn thân thể của Phật. “Thử kinh vi Như Lai đảnh”, trong toàn thân đỉnh là cao nhất, đưa bộ kinh này lên đến cực điểm. Do đây có thể biết, sự thù thắng của kinh này. “Cực hiển viên đốn tôn diệu”, đây là kinh điển của viên giáo, cũng thuộc về đốn giáo.
“Phật đảnh tối thắng vô thượng”. Trong toàn thân Phật, đỉnh là cao nhất, tối thắng nhất, biểu thị pháp môn này thù thắng nhất trong hết thảy Phật pháp. “Y tu trực thú, vô thượng bồ đề”, tu học theo pháp môn này, không bị đi sai đường, đây là con đường thẳng, con đường thành Phật. “Phật đảnh tối diệu vô kiến”, như vừa nói nó là vô kiến đảnh tướng. “Hiển thử pháp tối thắng, duy Phật cứu cánh, phi tha năng liễu cố”. Biểu thị bộ Kinh Lăng Nghiêm này, trong đó nói về lý, giáo, hành, quả đều là pháp môn vi diệu nhất, rốt ráo nhất, chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột. Đảnh là ý nghĩa biểu pháp.

“Như Lai mật nhân”, đây là đoạn nhỏ thứ ba trong đề kinh, “tức chánh nhân Phật tánh”. Đây là giải thích từ “tam nhân Phật tánh” mà Đức Phật thường nói, câu này đương đương với “chánh nhân Phật tánh”. Chánh nhân Phật tánh, nói một cách đơn giản chính là bổn tánh, chân tâm bổn tánh mà mỗi chúng sanh đều có, mỗi người đều đầy đủ, đây là nhân để chúng ta tu hành thành Phật. “Chúng sanh đẳng hữu, mê nhi bất tri”. Nếu ta giác ngộ thì không gọi là chúng sanh, mà gọi là Bồ Tát. Ta không biết mình có bổn tánh, không biết mình có chân nhân, như vậy gọi là phàm phu. Vì thế ngộ, ngộ là tự tánh, mê vẫn là tự tánh của mê, thực tế mà nói mê ngộ là một vấn đề.

“Tức nhị căn bản trung chân bổn”. Hai loại căn bản này, trong Kinh Lăng Nghiêm nói, đối với phàm phu là “căn bản sanh tử”, đối với Phật Bồ Tát là “căn bản bồ đề niết bàn”. Nói cách khác, căn bản của chư Phật Như Lai và căn bản sanh tử của tất cả chúng sanh là một. Một vì sao sanh ra hai loại hiện tượng và tác dụng hoàn toàn khác nhau? Đây gọi là mê ngộ. Khi mê nó hiện ra sanh tử luân hồi, giác ngộ chính là bồ đề niết bàn.

“Bất duy cận cụ căn trung”, căn trung là sáu căn của chúng ta, bất kỳ bộ phận nào trên thân thể chúng ta đều không tách rời nó, nó trải khắp toàn thân ta. Không những trải khắp toàn thân, “thật vi viễn cai vạn pháp”, tận hư không biến pháp giới đều do nó biến hiện, điều gì không phải chân như bổn tánh? Mọi thứ đều là nó. Sơn hà đại địa, hư không pháp giới, tất cả đều từ tâm biến hiện. Ta nghe điều này cảm thấy khó hiểu, rất khó tin, sao sơn hà đại địa, tất cả chúng sanh đều do ta biến hiện ra? Nếu không tin, vậy xin hỏi quý vị từng nằm mộng chăng? Đại khái đều từng nằm mộng, trong mộng ta có thấy một vài nhân vật, sơn hà đại địa, hư không pháp giới, trong giấc mộng nó có xuất hiện chăng? Có xuất hiện. Thử hỏi, trong giấc mộng những người này từ đâu đến? Trong mộng sơn hà đại địa từ đâu đến? Khi ta nằm mộng, chúng ta biết mộng là tâm hiển hiện, tâm của ta hóa thành cảnh mộng, hiện tướng, toàn bộ cảnh mộng chính là tâm ta. Cảnh mộng rất ngắn ngủi, tỉnh dậy nghĩ thấy không sai. Không phải người bên ngoài vào trong giấc mộng của ta, cũng không phải mọi vật bên ngoài đi vào giấc mộng của ta. Năng biến là tâm, năng biến là thật, sở biến là vọng tướng.

Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hư vọng không có nghĩa là không, hư vọng là có, chẳng qua tướng đó không chân thật. Vì sao không chân thật? Tướng là thiên biến vạn hóa. Thử hỏi, ta có từng nằm thấy hai giấc mộng hoàn toàn giống nhau chăng? Rất ít, chưa từng có, vậy mới biết cảnh giới tướng là thiên biến vạn hóa.

Ngày nay các nhà khoa học nói, gọi là hạ ý thức, cảnh mộng là hạ ý thức, là tâm ý thức. Tâm ý thức trong Phật pháp gọi là vọng tâm sở hiện. Sơn hà đại địa là gì? Đây là chân tâm sở hiện. Cảnh mộng do vọng tâm sở hiện, thời gian rất ngắn ngủi. Cảnh mộng do chân tâm sở hiện, thời gian hầu như dài hơn một chút. Thật ra ta cho rằng thời gian dài hơn một chút, đó là cảm nhận sai lầm của mình, nó ngắn ngủi giống như cảnh giới trong mộng vậy. Ngắn ngủi như nhau, vì sao không cảm nhận được? Vì nó có tướng tương tục, cho nên ta không cảm nhận thấy nó hư vọng, không cảm thấy nó sanh diệt trong từng sát na, thật ra là sát na sanh diệt. Hai loại căn bản này là một, cần phải biết điều này.

“Thử thủ lục căn môn đầu, đốn ngộ viên trạm bất sanh diệt, diệu minh chân tâm”. “Thử” là chỉ Kinh Lăng Nghiêm, trong bộ kinh này Đức Phật dạy tôn giả A nan, trên thực tế dạy ngài A nan cũng chính là dạy chúng ta, A nan chẳng qua là một nhân vật đại diện cho đại chúng mà thôi. Dạy ngài ở trong “sáu căn”, sáu căn là nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, ý là ý niệm trong tâm, ta hạ công phu từ sáu căn.

“Đốn ngộ”, cho thấy nó không phải tiệm tu, không phải theo thứ tự, có thể đốn ngộ. Nếu như đã giác ngộ, thì ra tác dụng của sáu căn, chính là chân tâm bổn tánh khởi tác dụng. Quý vị nói chân tâm bổn tánh ở đâu? Nó như thế nào? Nơi mắt gọi là thấy, nơi tai gọi là nghe, nơi mũi gọi là ngửi, nơi lưỡi gọi là nếm, nơi thân gọi là xúc, nơi ý gọi là biết. Hay nói cách khác, kiến văn giác tri là tác dụng của chân tâm. Người nào không dùng? Khi mê nó vẫn khởi tác dụng, nhưng khác biệt giữa mê và ngộ ở đâu? Người ngộ khởi tác dụng, họ vĩnh viễn không mê, tác dụng của họ là bình thường. Người mê khởi tác dụng, niệm thứ nhất là chân, là chân tâm. Nói cách khác, mắt chúng ta thấy, niệm thứ nhất là chân tâm thấy, nhưng niệm thứ hai là mê, tức vọng tâm thấy. Sao gọi là vọng tâm thấy? Trong niệm thứ hai, có xen tạp phân biệt, chấp trước, tốt xấu, thiện ác, vậy là mê. Chân tâm thấy như thế nào? Giống như tấm kính vậy, chiếu soi một cách rõ ràng, trong đó không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm, không có động niệm, đó gọi là chân kiến. Vì chân tâm vĩnh viễn bất động, vọng tâm mới động, khởi tâm động niệm là vọng tâm, không phải chân tâm. Nếu ta biết dùng chân tâm, tức là bất sanh bất diệt. Chúng tôi thường nói, ta sẽ không chết, cũng không bệnh, không chết. Vì sao ta có lão bệnh tử? Vì ta dùng tâm sanh diệt, tâm sanh diệt là động, nó không phải thật, vì thế nó có lão bệnh tử. Chân tâm là thường trú chân tâm, bất sanh bất diệt, người người đều có, chỉ là không biết dùng. Lìa tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, vẫn thấy rất tỏ tường, không phải không rõ ràng, vẫn nghe rất rõ ràng.

Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy chúng ta, dạy người đốn ngộ, dụng công ở đâu? Chính là trong sáu căn. Thấy sắc nghe âm thanh, không được phân biệt, không được chấp trước, không được khởi tâm động niệm, ta hoàn toàn giống như Phật Bồ Tát. Có thể hỏi, chẳng phải ta biến thành ngu si rồi ư? Không hề ngu si. Quý vị xem khi Đức Phật Thích Ca Mâu còn tại thế, bao nhiêu phàm phu có vấn đề không giải quyết được đều đến hỏi ngài. Chỉ cần ta hỏi, Phật thuận miệng giải đáp, ghi chép lại thành một bộ Đại Tạng Kinh. Ngài không biết điều gì? Biết tất cả, quý vị hỏi vì sao ngài biết? Vì tâm tánh thống nhiếp hết thảy vạn pháp thế xuất thế gian, có gì ngài không biết. Vì sao chúng ta ngày nay không biết? Vì khởi tâm động niệm đã chướng ngại bản năng của ta, trí tuệ hoàn toàn mất đi. Khởi tâm động niệm trí tuệ sẽ không còn, vì thế trí tuệ chân thật từ định sanh ra.

Đại định Thủ Lăng Nghiêm, tâm đó hoàn toàn bất động. Trong Kinh Bát Nhã nói: “Bát nhã vô tri, vô sở bất tri”. Nếu ta thật sự vô sở bất tri, trước tiên phải học vô tri, sau đó mới có thể đạt đến vô sở bất tri. Chân trí tuệ và chân tâm của mình khởi tác dụng, không phải vọng tưởng phân biệt chấp trước. dùng vọng tưởng phân biệt chấp trước để nghiên cứu kinh Phật, đây là nghiên cứu Phật pháp như pháp thế gian, có đạt đến mục đích chăng? Tuyệt đối không thể, vì sao không thể? Vì chân tâm vĩnh viễn lìa xa phân biệt chấp trước. Vừa khởi tâm động niệm, chân tâm liền biến thành vọng tâm, làm sao có thể nghiên cứu thảo luận cứu cánh liễu nghĩa, đây là điều không thể. Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta cứu cánh liễu nghĩa, vì thế dùng căn nào trong sáu căn cũng có thể đốn ngộ. Viên là viên mãn, trạm là trạm nhiên bất động, như nước không có gợn sóng, không có lưu động, không có ô nhiễm.
“Bất sanh bất diệt diệu minh chân tâm”, bất sanh bất diệt. Diệu là vi diệu, minh là thấu triệt, hết thảy vạn pháp thế xuất thế gian không có gì không thông suốt, đây là chân tâm. “Như Lai tạng tánh”, nếu ta nói Như Lai tạng, đó là mê, “Như Lai tạng tánh” đây là thật.

“Nãi thị nan trắc nan tri, tối thậm tối mật chi pháp”, quả thật là “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Ngôn ngữ không đạt được, tư duy tưởng tượng cũng không đạt được. Trong kinh này Đức Phật chỉ dẫn cho chúng ta, nếu như thuận theo phương hướng này, thuận theo mục tiêu này, ta có thể tự thân chứng được.
“Tức diệu sa ma tha, đốn ngộ liễu đạt, tắc vi mật quán chiếu”. “Sa ma tha” là tiếng Phạn, là danh xưng của Thiền định, nhưng thiền định này nghiêng nặng về chỉ. Chỉ nghĩa là không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, nghiêng nặng về phương diện này. Cũng chính là trong Kinh Bát Nhã nói “bát nhã vô tri”, nghêng về vô tri, vô tri tức là căn bản trí, vô sở bất tri là hậu đắc trí, nghiêng về tu dưỡng của căn bản trí. “Đốn ngộ liễu đạt”, liễu là thấu triệt, đạt là thông đạt. Công năng của nó, tác dụng của nó, trong Phật pháp đại thừa thường nói “vi mật quán chiếu”, đây là tác dụng của nó.

“Mật, khiển quyền tiểu, trước tướng chi quá. Nhân, khiển viên giáo cuồng tuệ, phế trí tiến tu chi quá”. Danh từ này gọi là “Như Lai mật nhân”. Phân biệt sai lầm của hai hạng người tu hành, hàng tiểu thừa tu hành, hàng quyền giáo tu hành. Hành nhân là người tu hành, đều thích chấp trước, đâu biết rằng chấp trước là căn bệnh. “Chấp tướng” là chấp trước, đây là căn bệnh, là chướng ngại. Quyền giáo tiểu thừa có chướng ngại này.

“Viên giáo cuồng tuệ”, đó cũng là một chướng ngại, người cuồng tuệ thường phát sinh ngộ nhận. Ta có chân như bản tánh, vậy còn tu điều gì nữa? Chấp lý bỏ sự, căn bệnh đó càng lớn. Đức Phật thường nói: “không sợ chấp có như núi tu di”, như quyền giáo tiểu thừa, dù sai lầm này của họ lớn đến đâu, Phật cũng có cách cứu họ. “Chỉ sợ chấp không như hạt cải”, Phật không thể cứu họ, vì sao vậy? Vì họ phát cuồng, tất cả thiện ác nhân quả họ đều không quan tâm, họ cho rằng đều là không, phiền phức này mới lớn. Đây gọi là ngoan không, chấp trước ngoan không, nhưng không hiểu chân nghĩa của chân không. Nói cách khác, ngộ nhận những điều Phật dạy.

Mật nhân này là Như Lai mật nhân, hai chữ này có thể miễn trừ sự phát sanh sai lầm cho hai hạng người tu học này.
Câu thứ tư là “Tu chứng liễu nghĩa, liễu nhân hiển phát”. Điều này trong tam nhân Phật tánh, phối hợp với liễu nhân hiển phát, “liễu nhân Phật tánh”. Liễu là thấu triệt. Ở trước nói về chánh nhân là chúng sanh và Phật đều đầy đủ, vốn có. “Liễu nhân” tức không hoàn toàn như vậy, liễu là người khai ngộ mới có, người mê hoặc không có. Người mê hoặc không hiểu rõ bất kỳ vấn đề gì, vì thế họ không có. Do đây có thể biết, chánh nhân là bổn tánh, liễu nhân là muốn chúng ta tinh tấn tu hành. Liễu nhân, thực tế mà nói là trí tuệ, là trí tuệ chân thật, điều này rất quan trọng. Nói một cách đơn giản, chân trí và chân tướng sự thật hoàn toàn tương khế tương ưng, như vậy mới thật sự thấu triệt. Nếu những gì ta biết là suy tưởng, nhờ suy lý mà có được, không phải tự mình chứng được, trong Phật pháp không gọi là trí tuệ chân thật. Thế gian thông minh trí tuệ, và trí tuệ nói trong Phật pháp, quả thật không tương đồng. Cách nhìn và phán đoán của rất nhiều người thế gian, mặc dù ngày nay đều dựa vào khoa học, vẫn còn rất nhiều điều chưa đạt đến, vẫn còn rất nhiều sai lầm, làm gì có trí tuệ? Trí tuệ tuyệt đối không có chút sai lầm, hoàn toàn là chân tướng sự thật. Trí tuệ từ đâu mà có? Trí tuệ nhất định từ sự tu chứng mà có, cho nên nói tu chứng liễu nghĩa.

Niệm Phật, như vừa mới nói là liễu nghĩa trong liễu nghĩa. Nếu không đọc Kinh Lăng Nghiêm, ta sẽ không biết sự vi diệu của pháp môn niệm Phật. Thông thường có rất nhiều người ngộ nhận Kinh Lăng Nghiêm có liên quan với Thiền tông, tu thiền không thể không hiểu Lăng Nghiêm. Đặc biệt là trong Nhị Thập Ngũ Viên Thông chương, chương Quan Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông, là lý luận và phương pháp tu học rất quan trọng trong Thiền tông. Bồ Tát Quán Thế Âm là “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. Còn có người cho rằng Lăng Nghiêm có liên hệ với Mật tông, vì nó có “năm hội Lăng Nghiêm thần chú”. Vì thế Thiền và Mật rất coi trọng Lăng Nghiêm, không biết mối liên quan của Lăng Nghiêm với Tịnh độ, tuyệt đối không thua Thiền và Mật.

Trước đây rất lâu, có một năm, khoảng hơn 20 năm trước, hình như là năm 51 dân quốc, tôi ở chùa Lâm Tế Viên Sơn. Một hôm có vài sinh viên trường đại học Đài Loan, trong đó có một người tôi vẫn nhớ tên, vì tên anh ta rất kỳ lạ, anh ta họ Cổ, cổ của cổ kim, họ này rất ít, gọi là Cổ Chánh Mỹ, lúc dó anh ta đang học năm thứ tư. Anh ta dẫn một vị giáo thọ đến thăm tôi, giáo thọ này người Nhật bản, là giáo thọ khách mời của đại học Đài Loan, đến chùa Lâm Tế thăm tôi. Khi nói chuyện, vị giáo thọ này hỏi tôi tu học pháp môn gì? Tôi nói tôi tu pháp môn niệm Phật. Ông ta hỏi, vậy bình thường có nghiên cứu kinh điển gì chăng? Tôi nói tôi chủ tu là Kinh Lăng Nghiêm, ông ta cảm thấy rất kỳ lạ, thể hiện bên ngoài cũng rất ngạo mạn, hình như sở tu của tôi không tương ưng với sở học. Ông hỏi tôi một câu, Lăng Nghiêm và Tịnh độ có gì liên quan? Ông ta hỏi tôi một câu như vậy. Tôi nghe nói, ở Nhật bản ông ta là một nhà Phật học, là một tiến sĩ Phật học, rất có địa vị. Khi hỏi câu này, tôi biết ông ta không thông suốt. Tôi liền hỏi ngược lại ông ta, tôi nói Bồ Tát Quan Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí có liên quan gì với Tịnh độ? Câu hỏi này rất rõ ràng, Tây Phương Tam Thánh, thực ra đầu óc ông ta cũng rất linh hoạt. Khi tôi hỏi câu này, mặt ông đỏ lên, không nói được lời nào.

Toàn Kinh Lăng Nghiêm có hai đoạn kinh văn quan trọng nhất, chính là Chương Quán Âm Bồ Tát Nghĩ Căn Viên Thông, Chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông, sao có thể nói không có liên quan đến niệm Phật? Nói như vậy đúng là không phải người trong ngành, sao có thể gọi là hiểu Phật học, còn xưng là nhà Phật học. Tôi gặp phải vấn đề như vậy. Sau này tôi nói với sinh viên trường đại học Đài Loan, những lời của người Nhật bản có rất nhiều vấn đề, mối liên quan giữa Kinh Lăng Nghiêm và Tịnh độ tông ông ta không biết. Lăng Nghiêm không những có liên quan mật thiết với Tịnh độ, Lăng Nghiêm nói về những nguyên lý nguyên tắc, nó đều có quan hệ rất mật thiết với tất cả Phật pháp đại thừa. Nói cách khác, bất kỳ tông phái nào của đại thừa đều không thể không đọc Kinh Lăng Nghiêm. Nếu ta thật sự hiểu lý luận và phương pháp nguyên tắc tu học của Phật pháp, có thể nói đều ở trong bộ kinh này.

Niệm Phật viên thông, đặc biệt là tinh hoa của toàn kinh trong này, đây là điều xưa nay mọi người thường sơ suất, chỉ chú ý đến Quan Âm Bồ Tát nghĩ căn viên thông. Nguyên nhân ở đâu? Văn Thù Bồ Tát chọn viên thông, nghĩa là chọn một pháp môn cho chúng sanh thế giới Ta bà, ngài chọn nhĩ căn. Thật ra nhĩ căn, là ngài chọn một cách nổi bật, rõ ràng là chọn nhĩ căn, thực tế âm thầm là chọn niệm Phật, âm thầm mọi người đều sơ suất. Vì sao nói có rõ ràng có âm thầm? Vấn đề này ở nơi thứ tự sắp xếp 25 viên thông trong Kinh Lăng Nghiêm, ta quan sát tường tận sẽ biết. Không được chọn là sắp xếp theo thứ tự, được chọn là lựa ra đặt ở sau cùng. Giống như chúng ta diễn kịch vậy, biểu diễn sau cùng, tiết mục áp chót là tiết mục hay nhất, hay nhất để ở sau, đây là hy vọng người xem kịch phải xem hết từ đầu đến cuối. Nếu những tiết mục hay diễn hết ở trước, ở sau không hay còn ai xem chứ? Mọi người đều về hết, vì thế hay nhất thường để sau cùng. Đặt ở sau là hai pháp môn, không phải một. Bồ Tát Quan Âm là nhĩ căn, nhĩ căn trong sáu căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân, đúng ra là ở vị trí thứ hai, nhưng nó lại được đặt sau cùng, thứ 25, sắp ở cuối cùng. Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật là căn đại trong thất đại, thuận tự của thất đại là địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức. Nó là kiến đại, chúng ta gọi là căn đại. Nếu sắp theo thứ tự, thức đại cho Bồ Tát Di Lặc làm đại biểu, đáng ra ngài ở trước Bồ Tát Di Lặc. Nếu xếp theo thứ tự, 25, Bồ Tát Di Lặc sau cùng, thứ 25. Bây giờ đưa Bồ Tát Quan Thế Âm đặt ở sau cùng, đẩy Bồ Tát Di Lặc tới trước, trở thành 24, Bồ Tát Đại Thế Chí thứ 23, đây là xếp theo thứ tự. Nhưng quý vị xem thứ tự trong Kinh Lăng Nghiêm, không phải như vậy, nó đặt sau Bồ Tát Di Lặc, nghĩa là nói nó là một pháp môn đặc biệt, không xếp theo thứ tự. Bởi vậy trong chương nhị thập ngũ viên thông là hai pháp môn đặc biệt, hai pháp môn đặc biệt, vì sao Bồ Tát Văn Thù không chọn niệm Phật làm đệ nhất, mà chọn nhĩ căn của Bồ Tát Quan Âm làm đệ nhất? Trong này có đạo lý. Pháp môn niệm Phật là pháp môn đệ nhất trong tận hư không biến pháp giới, nó khế với căn cơ của hết thảy chúng sanh khắp pháp giới. Pháp môn Quan Thế Âm Bồ Tát nhĩ căn, là chuyên khế căn cơ chúng sanh ở thế giới Ta bà, thế giới Ta bà nhĩ căn sắc bén nhất. Vì thế Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm ở thế gian này, nói ra những phương pháp này, ta mới thấu hiểu, mới gật đầu, gọi là “thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”, nhĩ căn sắc bén nhất, dùng phương pháp này dạy học.

Nhưng phải biết rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nhiều kinh như vậy, nói pháp rất nhiều, nói đến sau cùng không phải là khuyên chúng ta niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh độ sao. Do đây có thể biết, có nhĩ căn viên thông, sau cùng vẫn thông đến niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Nếu trong Kinh Lăng Nghiêm chúng ta thấy được manh mối này, như vậy mới không uổng công đọc Lăng Nghiêm, ta thật sự hiểu được dụng ý của nó. Như đọc Hoa Nghiêm vậy. Trong hai bộ kinh này tôi bỏ ra rất nhiều công phu, tôi học với thầy Lý mười năm ở Đài Trung, tôi chủ tu chính là Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm tôi giảng khoảng bảy tám lần, trước đây giảng kinh này nhiều nhất, cũng quen thuộc nhất, từ đây nhận ra được sự vi diệu trong đó. Đối với Kinh Hoa Nghiêm tôi cũng đặt vào đó mười mấy năm công phu, tôi từng nói với quý vị, tôi đối với pháp môn niệm Phật tin sâu không nghi ngờ, đều nhờ học Kinh Hoa Nghiêm, chứ không phải từ Lăng Nghiêm. Sau khi đọc Kinh Hoa Nghiêm, quay lại xem Kinh Lăng Nghiêm, mới hiểu rõ được đường lối của Lăng Nghiêm. Trong này có huyền quan, thông thường ta rất khó nhận ra.

Chúng ta xem chú giải đơn giản bên dưới: “Nhờ tín khởi quán gọi là tu”, “quán” trong Thiền tông gọi là quán chiếu, quán chiếu nghĩa là gì? Thực tế mà nói chính là sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, không mê muội, đây gọi là quán chiếu. Nếu mê, mất sự quán chiếu. Thế nào gọi là quán chiếu? Ta thấy sắc nghe âm thanh, không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, đây là quán, lúc này mới thấy được chân tướng.

Khởi tâm động niệm, đó là vọng tướng, đó không phải chân tướng. Không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, vạn pháp nhất như, vạn pháp bình đẳng. Tâm ta thanh tịnh, tác dụng của tâm thanh tịnh là trí tuệ chân thật. Vừa khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, liền có đẹp xấu, thiện ác, có thị phi, có lấy bỏ, đây không phải chân tướng, không gọi là quán. Công phu là từ đây mà có, tu, tu gì? Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước là sai, phải sửa đổi nó, đây gọi là tu.
“Tức lấy quán hành làm tu, không qua sự việc mới tu”. Có thể thấy việc tu của họ rất dứt khoát, không phải sau mỗi việc sai mới sửa đổi nó, không phải như vậy. Họ tu từ căn bản, trong lục căn khởi tác dụng, tu từ đây. Bởi vậy họ tu hành rất cao minh, đại pháp viên đốn. “Lấy giải ngộ làm chứng, không phải qua vị mới thủ chứng”. Họ chứng từ giải ngộ, đây chính là “chứng”. Không phải như Bồ Tát chứng dần dần từng vị thứ, như từ sơ tín vị chứng đến nhị tín vị, chứng đến tam tín vị, từ sơ trụ, nhị trụ, tam trụ, đây là có thứ lớp. Như đi học vậy, lớp một, lớp hai. Nó không phải vậy, không theo thứ tự này, vì thế nó là pháp viên đốn.

Tu liễu nghĩa, giải lục kết, việt tam không, trong Kinh Lăng Nghiêm đề xuất cho chúng ta thấy điều này, đây gọi là liễu nghĩa, tu hành chân thật liễu nghĩa. Nhưng pháp môn này, thực tế mà nói Bồ Tát Quan Âm dùng pháp môn này, pháp môn này chúng ta dùng rất khó, có thể nói là vô cùng khó khăn. Đừng nói là người tại gia không tu được, đến người xuất gia cũng rất khó.

“Lục kết”, bên dưới có chú thích, đều là trong kinh nói “động, tịnh, căn, giác, không, diệt”. Mỗi căn đều có sáu trạm kiểm soát này, vì thế ta không thể kiến tánh. Chân tánh, nơi mắt gọi là tánh thấy, vì ta có lục kết này, hiện nay không gọi là tánh thấy, gọi là nhãn thức, tánh biến thành thức. Nơi tai không gọi là tánh nghe, mà gọi là nhĩ thức. Cho nên biến sáu loại căn tánh thành sáu thức, vì ta có lục kết. Nếu mở hết sáu nút thắt này, tất cả đều không còn, nơi mắt gọi là tánh thấy thấy, tánh nghe nghe, Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, không còn những điều này nữa, đây là tu nhân.
“Việt tam không là quả”, ta vượt thoát “nhân không, pháp không, câu không”, như vậy mới thấy được chân tướng của nhân sinh vũ trụ. Nếu có sáu loại chướng ngại này, không thể vượt ra khỏi tam không, ta cho rằng nhân pháp đều có thật, đều là thực tế, hoàn toàn mê hoặc trong hiện tượng, không hiểu được chân tướng của hiện tượng.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây.

Hết tập 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *