Thân Người Khó Được – Phật Pháp Khó Nghe

Bữa cơm sáng ngày 22/02/1999

Thế Tôn thường nói, “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe“, đây là nói chúng ta may mắn có được thân người, hơn nữa có cơ hội nghe được chánh pháp của Phật, phải nên trân quý nhân duyên thù thắng này. Mấy năm nay, chúng ta nghiêm túc học tập giáo huấn của Phật, đã có được chứng minh trong đời sống hiện thực. Thường thức cạn nhất là “Nhân duyên quả báo” mà Phật nói, chúng ta rất bình lặng, tỉ mỉ mà quan sát, đúng thật là bố thí tài có được quả báo tài phú, bố thí pháp được quả báo thông minh trí huệ, bố thí vô úy được quả báo sức khỏe trường thọ. Có thể thấu rõ lý này, liễu giải được chân tướng sự thật, sống trong thế gian, tâm tình tự nhiên ổn định, gọi là “Tâm an lý đắc“; sau khi hiểu rõ đạo lý rồi thì tâm liền an.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, tiên sinh Liễu Phàm cùng thiền sư Vân Cốc ở trong Thiền Đường, ngồi suốt 3 ngày 3 đêm, không khởi lên một vọng niệm, việc này người thông thường không làm được. Người thông thường thì vọng niệm bay tới tấp, phân biệt chấp trước quá nhiều, đây chính là “Phàm phu” mà trên kinh nói, là “Kẻ đáng thương”. Thiền Sư nói: “Công phu của ông không tệ!”, Ông nói: “Con không có công phu gì, số mạng của con đã bị Khổng tiên sinh đoán định rồi, may rủi, cát hung, họa phước, đều là ở trong số mạng đã an bài rồi, khởi vọng niệm cũng chẳng có tác dụng gì, cho nên con không khởi“. Mặc dù tiên sinh Liễu Phàm hiểu rõ chân tướng sự thật, nhưng không hiểu thấu triệt, cũng là biết điều đương nhiên nhưng không biết lẽ dĩ nhiên. Cho nên, Thiền Sư đã khai thị cho ông, đem lẽ dĩ nhiên nói với ông. Ông y theo sự dạy dỗ của Thiền sư, nghiêm túc nỗ lực đi làm, thật sự thay đổi được vận mệnh. Cho nên, hiểu rõ đạo lý cùng chân tướng sự thật thì mới thay đổi được vận mệnh, sáng tạo được vận mệnh.

Bồ Tát có 51 giai cấp, đạo lý và chân tướng sự thật mà mỗi giai cấp liễu giải được là khác nhau. Thấp nhất là Viên Giáo Sơ Tín Vị Bồ Tát, cái mà họ hiểu được thì quá cao so với điều mà tiên sinh Liễu Phàm nói ra, nhưng ở trong Phật Pháp là thuộc về Bồ Tát ở cấp thấp nhất, đến Như Lai Quả Địa mới là hiểu rõ một cách thấu triệt cứu cánh viên mãn. Cho nên, dạy học trong nhà Phật, không gì chẳng phải là dạy dỗ chúng ta liễu giải chân tướng của vũ trụ nhân sinh mà thôi. Thật sự hiểu rõ chân tướng thì chính là Pháp Thân Đại Sĩ, là quả vị Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Dưới Sơ Trụ, tuy hiểu rõ nhưng không thấu triệt, chỉ là giải ngộ, chưa đạt được chứng ngộ. Ví dụ, Phật nói hết thảy chúng sanh chính là pháp thân của chính mình, chúng ta tin sâu không nghi, đây là giải ngộ, nhưng chưa chứng thực, vẫn không thể đem hết thảy chúng sanh làm thành chính mình được, giữa chúng sanh và chính mình vẫn còn có khác biệt. Nếu đối đãi với hết thảy chúng sinh thật sự giống như đối đãi với chính mình thì chính là chứng ngộ, đây là Pháp Thân Đại Sĩ.

Hiện nay mặc dù chúng ta hiểu đạo lý này, nhưng vẫn không làm được, đây chính là giải ngộ, không phải chứng ngộ. Thầy Lý thường nói, giải ngộ không có tác dụng, đáng sinh tử như thế nào thì vẫn sinh tử như thế đó, không có cách gì thoát khỏi luân hồi, chứng ngộ mới có thể thoát khỏi luân hồi; không những không thoát khỏi luân hồi, mà còn thoát khỏi mười pháp giới, chứng được nhất chân pháp giới. Nhất chân pháp giới mới thật sự được đại tự tại, được hạnh phúc mỹ mãn. Sự mĩ mãn, hạnh phúc trong mười pháp giới không phải là thật, “Chân Thiện Mỹ Huệ” là hữu danh vô thực; nhất chân pháp giới mới là chân thật, “Chân Thiện Mỹ Huệ” đều là sự thật. Đức Phật kỳ vọng và khích lệ chúng ta, là hi vọng chúng ta ở ngay trong một đời chứng đắc. Những gì Phật nói chúng ta nhất định có thể làm được, vấn đề là “Bạn có chịu làm hay không”. Phật dạy chúng ta mở rộng tâm lượng, yêu thương hết thảy chúng sanh giống như yêu thương chính mình, đây chính là Hành, giải hành tương ưng thì mới có thể chứng đắc.

Thế gian có một số người tham vọng muốn làm bá chủ thế giới, có thể làm được không? Có thể. Trên kinh Phật đã nói, Quốc chủ lớn nhất của thế giới này là Kim Luân Vương, thống trị một Tứ Thiên Hạ, chính là thống trị Thái Dương Hệ. Vì sao gọi là Luân Vương? Ông ta lấy Luân Bảo làm công cụ giao thông và vũ khí. Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến mấy chục năm gần đây, đĩa bay (UFO) xuất hiện ở các nơi trên thế giới, có lẽ chính là Luân Bảo của Luân Vương. Có thể là Luân Vương sai thuộc hạ đi đến nơi này để tuần tra. Họ cưỡi trên Luân Bảo, một ngày một đêm có thể đi khắp một Tứ Thiên Hạ, cũng chính là một Thái Dương Hệ, đây là cách nói thông thường.

Nếu y theo cách nói của Lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ, một đơn vị thế giới là một Hệ Ngân Hà; nói một cách khác, phạm vi mà Kim Luân Vương thống trị là một Hệ Ngân Hà. Luân Bảo của ông ấy trong vòng 24 giờ đồng hồ có thể đi du lịch khắp Hệ Ngân Hà. Vì sao Luân Vương có thể thống trị được Quốc gia rộng lớn như vậy? Trên Kinh nói, ông lấy “Thập Thiện Nghiệp Đạo” và “Tứ Vô Lượng Tâm”, có được phước báo lớn như vậy. Ma Hê Thủ La Thiên Vương là vị Thiên Vương có phước báo lớn nhất, Kim Luân Thánh Vương là người có phước báo lớn nhất ở nhân gian, đều là tu tích công đức mà thành tựu, nhất định không phải là lấy vũ lực, bá đạo (quyền thế ngang ngược) mà thành tựu.

Ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng dùng cường quyền áp bức, ba mươi mấy năm đã mất nước; trong thời cận đại, Hitler dùng cường quyền áp bức, cũng là như vậy; người Nhật Bản dùng cường quyền áp bức để phát động chiến tranh với người Trung Quốc, 8 năm thì hầu như bị diệt vong, sau cùng đầu hàng vô điều kiện; đây là ở trên lịch sử đã chứng thực cường quyền áp bức không thể thành tựu. Ở trong lịch sử Trung Quốc, vương triều có thời gian lâu dài nhất là nhà Chu, kéo dài 800 năm, chính là thực hành Nhân Chính (nền chính trị nhân từ), lấy Ngũ Luân, Bát Đức để trị lý thiên hạ. Nhưng con cháu cuối đời nhà Chu, không tuân thủ giáo huấn của Tổ Tiên, bất nhân bất nghĩa, đến sau cùng kéo đến mất nước. Nếu họ vẫn tuân theo quy tắc của tổ tiên thì triều nhà Chu sẽ không đến nỗi mất nước.

Cho nên, Nhân Từ, Chân Thành, Yêu Người, giúp đỡ người khác vô điều kiện, thành tựu cho người khác, đây là phước báo chân thật của thế xuất thế gian. Phước báo thật sự không phải là chính mình hưởng thụ, mà là tất cả chúng sanh hưởng thụ, bởi vì tất cả chúng sanh chính là chính mình. Ví dụ như một người già hết lòng yêu thương con cháu, chính mình chăm chỉ cày bừa, làm việc, là hi vọng con cháu có đời sống hạnh phúc, viên mãn. Họ đem con cháu xem thành chính mình, con cháu hưởng thụ chính là mình đang hưởng thụ, đây là người thế gian. Chư Phật Bồ Tát là đem hết thảy chúng sanh xem là chính mình, trên thực tế thì hết thảy chúng sanh thật sự là chính mình. Đây là nói rõ sinh mệnh là một chỉnh thể, tận hư không khắp pháp giới cùng là một thể sinh mạng với mình, cũng tức là nhất thể.

Nếu đem hư không pháp giới làm thành một thân người, tất cả chúng sinh chính là mỗi một tế bào trong thân thể. Mỗi tế bào đều là chính mình, mỗi tế bào đều là bình đẳng. Mặc dù mỗi bộ phận có công năng không như nhau, mắt có thể thấy, tai có thể nghe, nhưng bất luận là mắt, tai, mũi, hay là nội tạng, tứ chi, da dẻ, móng tay, sau khi phân tích ra thì chuyển thành phân tử, nguyên tử, điện tử, tất cả cơ quan hoàn toàn là như nhau, đây là bình đẳng. Cho nên, tận hư không khắp pháp giới là chính mình, đây là Phật tri Phật kiến.

Hoa Nghiêm Tông thường nói “Tác Pháp Giới Quán”. Khi xưa có một số Lão pháp sư, như Pháp sư Long Tuyền, Pháp sư Trí Quang và pháp sư Nam Đình đều học “Hoa Nghiêm”, các Ngài ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” nhìn thấy câu “Tác Hoa Nghiêm Quán” mà Tổ Sư Dại Đức đã nói. Sao gọi là “Hoa Nghiêm Quán”? Ở trong đời sống thường ngày, nghiêm túc đi làm, nghiêm túc mà học, tận hư không khắp pháp giới là chính mình, đây chính là  Phép Quán Hoa Nghiêm. Tất cả chúng sinh, giống như tế bào của bộ phận trên cơ thể vậy; không cùng dân tộc giống như không cùng bộ phận, nhưng thiếu một dân tộc thì con người sẽ sinh bệnh. Cho nên mới hiểu được, các dân tộc khác nhau tổ chức lại với nhau thành cùng một thể sinh mạng viên mãn, tốt đẹp, hoàn chỉnh, như vậy bạn sẽ yêu thương hết thảy chúng sanh các dân tộc khác nhau. Cho nên, chúng ta đối với các nền văn hóa, các dân tộc, các tôn giáo khác nhau, lấy tâm chân thành mà yêu thương che chở, toàn tâm toàn lực đi giúp đỡ, đây chính là thực tiễn “Kinh Hoa Nghiêm”. Đó gọi là thực tiễn, chính là sự chứng quả của “Kinh Hoa Nghiêm”. “Tín, Giải, Hành, Chứng”, chứng chính là thực tiễn, hoàn toàn thực tiễn được trong đời sống hiện thực, đời sống hiện thực chính là “Phật Hoa Nghiêm”, chúng ta mới được thọ dụng thực sự.

Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn tại thế đã thị hiện ra tấm gương, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội, nghiêm túc học tập, ở trong một đời sẽ có thể trải qua được đời sống của Phật Bồ Tát. Như vậy thì bạn đã thành Phật, thành Bồ Tát, tiền độ sáng lạn vô hạn. Đây là điều mà chư Phật Như Lai kỳ vọng đối với chúng ta, ở trong một đời này nhất định có thể chứng đắc, chỉ cần thật sự y giáo phụng hành. Điều mà Phật dạy chúng ta làm thì nghiêm túc đi làm; điều mà Phật không cho phép làm thì nhất định không làm, vậy thì có thể chứng thực được chân tướng sự thật mà trên kinh đã nói, thì có thể được thọ dụng chân thật của Phật pháp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *