Tập 89/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 89

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm năm mươi ba:

          Nhị, minh thích.

          二、明釋

          (Hai, nói về chuyện giải thích kinh).

          Đoạn này nhằm giới thiệu sự chú giải, “thích” (釋) là giải thích.

          (Huyền Nghĩa) Thứ minh thích thử kinh giả, luận tắc hữu Thiên Thân Bồ Tát Vô Lượng Thọ Kinh Luận, giải tắc hữu Từ Ân Thông Tán, Hải Đông Sớ, Cô Sơn Sớ, nãi chí Đại Hựu Lược Giải đẳng.

          (玄義)次明釋此經者,論則有天親菩薩無量壽經論,解則有慈恩通贊、海東疏、孤山疏,乃至大佑略解等。

          (Huyền Nghĩa: Tiếp theo là nói đến chuyện giải thích kinh này, về luận thì có Vô Lượng Thọ Kinh Luận của Thiên Thân Bồ Tát, về giải thì có Thông Tán của ngài Từ Ân, Hải Đông Sớ, Cô Sơn Sớ, cho đến cuốn Lược Giải của ngài Đại Hựu v.v…)

          Những tác phẩm được giới thiệu ở đây đều là các bản chú giải cổ; vì Liên Trì đại sư là người đời Minh, những bản chú giải Ngài được thấy đương nhiên đều là của những vị trước thời Ngài.

          (Sớ) Thiên Thân Bồ Tát giả, thường nhập Nhật Quang Định, thăng Đâu Suất thiên cung nội viện, thân cận Từ Thị, tạo Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá. Ưu Bà Đề Xá giả, thử vân “phân biệt nghĩa”.

          ()天親菩薩者,常入日光定,昇兜率天宮內院,親覲慈氏,造無量壽經優婆提舍。優婆提舍者,此云分別義。

          (Sớ: Thiên Thân Bồ Tát thường nhập Nhật Quang Định, lên nội viện của cung trời Đâu Suất, thân cận ngài Từ Thị, soạn Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá. Ưu Bà Đề Xá được cõi này dịch là “phân biệt nghĩa”).

           Ưu Bà Đề Xá (Upadeśa) được người Hoa dịch là “Luận”. Thiên Thân Bồ Tát (Vasubandhu) không chú giải kinh Di Đà, mà là chú giải kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng một bộ, có thể nói là một bộ kinh, không phải là hai bộ kinh; kinh Vô Lượng Thọ văn tự nhiều, giảng cặn kẽ hơn một chút. Kinh Di Đà văn tự ít, nói giản lược hơn một tí. Hai bản kinh này chỉ có chi tiết hay giản lược khác biệt, những điều khác hoàn toàn như nhau. Thiên Thân Bồ Tát có chú giải, gọi là Vô Lượng Thọ Kinh Luận, trong Đại Tạng Kinh có bản này. Chữ Giải (解) chỉ chú giải kinh Di Đà. Chú giải kinh Di Đà bản cổ nhất đương nhiên cũng có, nhưng chẳng truyền lại. Vẫn còn được lưu truyền cho tới hiện thời, chúng ta thấy bản cổ nhất là Thông Tán Sớ của pháp sư Khuy Cơ đời Đường.

          Trong Phật môn, Thiên Thân Bồ Tát cũng là một vị rất lỗi lạc, Ngài là em trai Vô Trước Bồ Tát (Asanga). Lúc vị Bồ Tát này tại thế, thường lên thiên cung Đâu Suất. Thiên Thân còn gọi là Thế Thân, thân cận Di Lặc Bồ Tát, Từ Thị là Di Lặc Bồ Tát, Ngài có năng lực ấy. Tại Trung Quốc cận đại, chỉ có mình lão hòa thượng Hư Vân thân cận Di Lặc Bồ Tát. Từ Niên Phổ của Ngài, chúng ta thấy: Ngài từng đến cung trời Đâu Suất một lần trong Định; nhưng đương nhiên lão hòa thượng Hư Vân trình độ kém hơn Thiên Thân Bồ Tát. Thiên Thân Bồ Tát tới lui [Đâu Suất nội viện] tùy ý, thường xuyên đến. Tuy Ngài thường xuyên thân cận Di Lặc Bồ Tát, cũng chẳng cầu sanh Di Lặc nội viện, mà vẫn cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ; vì thế, Ngài viết chú giải cho kinh Vô Lượng Thọ. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện đều có truyện ký của Thiên Thân Bồ Tát.

          (Sớ) Từ Ân pháp sư giả, húy Khuy Cơ, tánh Uất Trì thị, Kính Đức do tử dã.

          () 慈恩法師者,諱窺基,姓尉遲氏,敬德猶子也。

          (Sớ: Pháp sư Từ Ân húy là Khuy Cơ, họ Uất Trì, là cháu của Uất Trì Kính Đức).

           Từ Ân là tên chùa, tức là Từ Ân Tự; vào thời Đường, Từ Ân Tự ở

Trường An. Người đời sau cung kính gọi Ngài là “Từ Ân pháp sư”. Pháp danh của Ngài là Khuy Cơ. “Húy” (諱) cũng là kính xưng, là cấm kỵ, không dám gọi tên trực tiếp. Vì thế, sau này mới dùng chữ “thượng” và “hạ”, tức là [đối với pháp danh của ngài Khuy Cơ sẽ nói là] thượng “Khuy” hạ “Cơ”. Ở ngoài đời, “tánh Uất Trì thị”, tức là Ngài có họ kép là Uất Trì. Uất Trì Kính Đức[1] là đại tướng của Đường Thái Tông, Khai Quốc Uất Trì Công thời Đường Thái Tông chính là ông ta (Uất Trì Kính Đức). “Do tử” (giống như con) là cháu trai. Sư là cháu trai của Uất Trì Kính Đức, không phải là con ruột, mà là con trai của anh em ông Kính Đức. Vị này cũng là vô cùng thông minh. Theo truyện ký cho biết, khi Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ, trên đường gặp một lão hòa thượng, đại khái đã hơn một trăm tuổi đang nhập Định, lão hòa thượng này do đọc kinh mà chứng quả. Sau khi Huyền Trang đại sư gặp vị này, cảm thấy hai người rất có duyên phận, bảo Sư hãy mau sang Trung Quốc đầu thai, Ngài nói: “Ta sang phương Tây thỉnh kinh, trong tương lai, sau khi trở về, sẽ đến độ ông”. Đây là Sơ Địa Bồ Tát, Sư bèn đến đầu thai, đầu thai vào nhà Uất Trì Kính Đức làm vương tôn công tử.

          (Sớ) Trang sư độ chi xuất gia.

          () 奘師度之出家。

          (Sớ: Được ngài Huyền Trang độ xuất gia).

            Sau khi Huyền Trang đại sư trở về, đã tìm độ cho Sư xuất gia.

          (Sớ) Học thông Đại Tiểu.

          () 學通大小。

          (Sớ: Học thông suốt Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa).

           Đối với pháp thế gian lẫn xuất thế gian, Ngài đều thông đạt, người vô cùng thông minh.

          (Sớ) Tạo sớ kế khả bách quyển.

          () 造疏計可百卷。

          (Sớ: Soạn sớ giải tính ra cả trăm quyển).

           “Sớ” (疏) là chú giải. Trong phương diện Duy Thức, Ngài viết chú giải nhiều nhất, chẳng hạn như Thành Duy Thức Luận Thuật Ký. Vì thế, Ngài là khai sơn tổ sư của Duy Thức Pháp Tướng Tông Trung Quốc, là tổ sư đời thứ nhất.

          (Sớ) Thích Di Lặc Hạ Sanh Kinh, bút phong đắc xá-lợi nhị thất lạp.

          () 釋彌勒下生經,筆鋒得舍利二七粒。

          (Sớ: Khi ngài chú giải Di Lặc Hạ Sanh Kinh, trên đầu ngọn bút thu được hai mươi bảy[2] hạt xá-lợi).

          Khi Ngài chú giải Di Lặc Hạ Sanh Kinh, trên đầu ngọn bút lông có lưu lại hai mươi bảy viên xá-lợi, đây là cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn!

          (Sớ) Phục thị Tây Phương yếu nghĩa.

          () 復示西方要義。

          (Sớ: Ngài lại chỉ bày ý nghĩa trọng yếu của Tây Phương).

          Đối với Di Đà Tịnh Độ, Ngài hết sức tán thán.

(Sớ) Hữu Di Đà Kinh Thông Tán nhất quyển.              

() 有彌陀經通贊一卷。

          (Sớ: Có Di Đà Kinh Thông Tán Sớ một quyển).

           Bản chú giải kinh Di Đà của Khuy Cơ đại sư có tên là Thông Tán Sớ.

          (Sớ) Hải Đông pháp sư giả, húy Nguyên Hiểu.

          () 海東法師者,諱元曉。

          (Sớ: Pháp sư Hải Đông, húy là Nguyên Hiểu).

           Pháp sư Nguyên Hiểu (Wonhyo) là người Đại Hàn; khi ấy, Sư lưu học tại Trung Quốc cũng rất có thành tựu. Ngài cũng chú giải kinh Di Đà.

          (Sớ) Kỳ sớ thử kinh, đại suất y luận vi chủ.

          () 其疏此經,大率依論為主。

          (Sớ: Sư sớ giải kinh này, nói chung lấy Vãng Sanh Luận làm chủ).

          Ngài chú giải kinh Di Đà, chủ yếu dựa theo Vô Lượng Thọ Kinh Luận (Vãng Sanh Luận) của Thiên Thân Bồ Tát.

          (Sớ) Cô Sơn Viên pháp sư giả.

          () 孤山圓法師者。

          (Sớ: Pháp sư Cô Sơn Viên).

          Cô Sơn là địa danh, Viên pháp sư có pháp hiệu là Trí Viên. Đây là pháp sư Trí Viên.

          (Sớ) Thập sớ lưu thông, thử sớ cư nhất.

          () 十疏流通,此疏居一。

          (Sớ: Có mười bản sớ lưu thông, sớ giải kinh này đứng đầu).

          Đối với việc nghiên cứu kinh giáo, cổ đại đức quá nửa đều là “chuyên công” (chuyên dốc sức nghiên cứu một bộ kinh hay luận), chuyên công mới có thể thành tựu. Lan man quá nhiều, tâm lực cũng bị phân tán. Thời gian, lẫn tinh lực đều chẳng đạt được. Như pháp sư Trí Viên cũng rất lỗi lạc, trong hết thảy các kinh luận, Sư chọn ra mười bộ, suốt đời chuyên dồn công nơi mười thứ này. Trong mười thứ ấy, có kinh Di Đà. Mười thứ là: Văn Thù Bát Nhã Kinh, Di Giáo Kinh, Tâm Kinh, Thụy Ứng Kinh, Tứ Thập Nhị Chương Kinh, Bất Tư Nghị Pháp Môn Kinh, Vô Lượng Nghĩa Kinh, Phổ Hiền Quán Kinh, A Di Đà Kinh, và Lăng Nghiêm Kinh. Vị pháp sư này suốt đời chọn lựa mười thứ này, tinh lực cả đời dồn vào mười bộ kinh trên đây, viết chú giải cho cả mười kinh, người đời sau xưng tụng Ngài là Thập Sớ Pháp Sư.

          (Sớ) Nghĩa Uyên, Tịnh Giác, Việt Khê đẳng lịch đại chư sư chủng chủng giải thích suất đa tán một.

          ()義淵、淨覺、越溪等歷代諸師種種解釋率多散沒。

          (Sớ: Trải qua các đời, các tác phẩm giải thích của những vị sư như Nghĩa Uyên, Tịnh Giác, Việt Khê v.v… phần nhiều bị thất lạc).

          Đây là Ngài nghe nói, cổ nhân còn có mấy vị pháp sư ấy chú giải kinh Di Đà, nhưng Liên Trì đại sư chẳng được thấy!

          (Sớ) Chí Nguyên, Đại Hựu sư giả, nãi hữu Lược Giải.

          () 至元大佑師者,乃有略解。

          (Sớ: Trong niên hiệu Chí Nguyên, sư Đại Hựu bèn có bộ Lược Giải).

           Đời Nguyên, [trong niên hiệu Chí Nguyên 1335-1340], có pháp sư Đại Hựu soạn bộ A Di Đà Kinh Lược Giải, hiện được đưa vào Vạn Tục Tạng.

          (Sớ)  Kim duy Hải Đông, Việt Khê,  Đại Hựu sở giải cẩn tồn nhi

dĩ, thế viễn nhân vong, kinh tàn giáo thỉ, toại linh như thị quảng đại thâm viễn pháp môn, bất đắc nhân nhân hiểu liễu, ninh bất bi phù?    

          ()今唯海東越溪大佑所解僅存而已,世遠人亡,經殘教弛,遂令如是廣大深遠法門,不得人人曉了,寧不悲夫。

          (Sớ: Nay chỉ còn các bản chú giải của Hải Đông, Việt Khê và Đại Hựu còn tồn tại trên cõi đời mà thôi, đời đã xa, người đã khuất, kinh tàn, giáo suy vi, khiến cho pháp môn rộng lớn sâu xa như thế này mà không phải ai nấy cũng đều thấu hiểu, há chẳng đáng buồn ư?)

           Đoạn này cũng là Liên Trì đại sư tự thuật đạo lý vì sao Ngài phải chú giải kinh Di Đà, viết bản Sớ Sao này. Quả thật kinh này quá trọng yếu, nhưng chẳng mấy ai biết đến. Đúng là hiện thời người niệm Phật rất nhiều, nhưng người thật sự hiểu đạo lý niệm Phật chẳng nhiều, kẻ hiểu phương pháp, bí quyết niệm Phật chẳng mấy; đấy đều là do sức tuyên truyền chẳng đủ. Trong quá khứ, biện pháp tuyên truyền duy nhất là lưu thông chú sớ. Đại sư phát đại tâm, soạn một bản chú giải cho kinh này hết sức cặn kẽ. Sau khi chúng ta đọc bộ chú giải này, có thể nói là chẳng cần phải đọc những bản chú giải cổ cũng chẳng sao! Vì lẽ gì? Ngài chú giải quá tường tận, đã bao quát trọn hết toàn bộ.

          Nay chúng tôi đem bộ Thông Tán Sớ in ghép vào sau bộ sớ này, mục đích trọng yếu nhất là giúp cho mọi người sanh khởi lòng tin. Huyền Trang đại sư và Khuy Cơ đại sư đã chứng minh cho chúng ta thấy bộ kinh này đã được phiên dịch chẳng sai, chú giải chẳng sai, y theo phương pháp này tu hành chắc chắn chẳng sai lầm. Dụng ý của chúng tôi là như vậy. Vì hiện thời, nói thật ra, là thời kỳ Mạt Pháp, pháp yếu, ma mạnh, thậm chí có nhiều kẻ xuất gia trong thời Mạt Pháp cũng đúng như trong kinh Phật thường nói: “Do như sư tử trùng, hoàn thực sư tử nhục” (giống như loài trùng trong thân sư tử, lại ăn thịt sư tử), có phải là người xuất gia chân chánh hay không? Chẳng phải! Mà là con cháu của Ma Vương Ba Tuần, trong thời kỳ Mạt Pháp thảy đều xuất gia, cũng xuống tóc, thọ giới, khoác áo ca-sa, bọn họ là con cháu ma, chẳng phải là người xuất gia chân chánh. Đây là thủ đoạn diệt Phật duy nhất của ma, trong kinh điển cũng thường ghi chép.

          Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ma Vương nói hắn muốn diệt Phật pháp. Đức Phật cười, Ngài nói: “Pháp của ta không ai có thể diệt được”. Ma vương bèn đáp: “Trong thời kỳ Mạt Pháp, con cháu của ta thảy đều xuất gia thọ giới, mặc áo ca-sa để diệt pháp của Ngài”. Đức Phật nghe rồi mắt ứa lệ, hết cách! Diệt pháp như thế nào? Đầu tiên sẽ nói kinh Di Đà là giả, nói A Di Đà Phật là thần mặt trời, thốt lời bịa đặt ấy, làm sao được nữa? May mắn là Huyền Trang đại sư và Khuy Cơ đại sư đã tạo chứng cớ cho chúng ta. Nếu hiện thời không có Thông Tán Sớ bày ra trước mặt, chúng ta sẽ chẳng có cách nào biện bác với họ được! Có cuốn sách này bày ra trước mặt, chúng ta bèn tin tưởng những lời lẽ ấy là bịa đặt đồn thổi, trọn chẳng phải là sự thật, [mà là] ác ý phá hoại pháp môn này.

          (Huyền Nghĩa) Nhược phù viễn thừa Phật chỉ, hoằng xiển bí tông, vi luận, vi văn, vi tập, vi lục, vi truyện, vi kệ, vi phú, vi thi, giao tán hỗ dương, kỳ lệ bất ức, mạc bất đinh ninh khẩn cáo, cảm khái bi ca, phổ khuyến mê lưu, đồng quy giác lộ, nhất tằng quá mục, khả phất minh tâm.

          (玄義)若夫遠承佛旨,弘闡祕宗,為論為文,為集為錄,為傳為偈,為賦為詩,交讚互揚,其麗不億。莫不叮嚀懇告,感慨悲歌,普勸迷流,同歸覺路,一曾過目,可弗銘心。

          (Huyền Nghĩa: Như những tác phẩm kính vâng ý chỉ của Phật, hoằng truyền, xiển dương tông chỉ kín nhiệm, viết luận, soạn văn, soạn tập, soạn sách, soạn truyện, viết kệ, viết phú, làm thơ, cùng nhau tán dương, chẳng thể kể xiết! Không gì chẳng đau đáu khẩn thiết bảo ban, cảm khái bi ca, khuyên khắp những kẻ đang mê muội hãy trở về đường giác, hễ chạm qua mắt, há chẳng ghi khắc trong lòng ư?)

                   Đoạn trên là nói về sự chú giải, còn đoạn này nói về sự tán thán pháp môn này từ xưa tới nay. Như Ấn Quang Đại Sư Văn Sao trong thời cận đại hoàn toàn là ca ngợi Tịnh Độ. “Nhược phù” là ngữ trợ từ (tiếng đệm). “Viễn thừa Phật chỉ”: Đức Phật diệt độ đến nay đã cách chúng ta ba ngàn năm, thời đại đã xa xôi, chúng ta có thể vâng nhận ý chỉ của Phật tức là [thấu hiểu] ý Phật. Ý Phật nhằm dạy chúng ta hãy hoằng dương và tu học pháp môn này. “Hoằng xiển bí tông”: Chữ “bí tông” chỉ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Từ xưa tới nay, tứ chúng đệ tử khen ngợi pháp môn này, “vi luận, vi văn”, [tức là trong những tác phẩm tán dương Tịnh Độ] có luận, có văn. Cuốn Niệm Phật Luận của pháp sư Đàm Hư thuộc loại văn tự này. Trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, có sáu, bảy bài luận và mấy trăm bài văn ca ngợi Tây Phương Tịnh Độ. “Vi tập, vi lục, vi truyện, vi kệ”: Có Tịnh Độ Tập, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện; có kệ tụng, có phú, có thơ như pháp sư Bạch Vân viết bài Tịnh Độ Từ vô cùng hay, lần trước chúng tôi đã in ra ba ngàn trang, đó là chữ viết của Triệu Mạnh Phủ vào cuối đời Tống, khá có giá trị nghệ thuật, lời từ cũng hay, mà chữ cũng đẹp!

           “Giao tán hỗ dương”: Tán thán lẫn nhau, tuyên dương pháp môn này. “Kỳ lệ bất ức” (chẳng thể kể xiết): “Ức” [là một trăm ngàn, “kỳ lệ bất ức” có nghĩa là dùng con số lớn như Ức cũng chẳng thể tính đếm được] có nghĩa là “vô tận”. “Mạc bất đinh ninh khẩn cáo”: Khẩn thiết răn dạy người thời ấy, mà cũng là răn dạy kẻ học Phật trong đời sau, khuyên mọi người hãy sốt sắng tu học pháp môn này. “Cảm khái bi ca, phổ khuyến mê lưu, đồng quy giác lộ” (Lời ca bi thương cảm khái, khuyên khắp những kẻ mê muội hãy cùng về đường giác): Một câu A Di Đà Phật là giác lộ thật sự, giác lộ là con đường chánh giác. Tuy các pháp môn khác đều do đức Phật nói, đều hay, nhưng điều đáng tiếc là chẳng khế cơ. Chúng ta nương theo pháp môn khác, vẫn mê, bất giác, vì sao mê? Mê nơi pháp môn. Học Hiền Thủ bèn mê nơi kinh Hoa Nghiêm, học Thiên Thai bèn mê nơi kinh Pháp Hoa, học Duy Thức bèn mê nơi Thành Duy Thức Luận, không gì chẳng mê! Thưa quý vị, chỉ có một câu A Di Đà Phật chẳng mê. Dù quý vị mê nơi một câu A Di Đà Phật, vẫn có thể vãng sanh. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chắc chắn chẳng mê! Do vậy, có sự khác biệt này! Trong các pháp môn khác, hễ mê sẽ vô ích, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát tam giới; còn pháp môn Niệm Phật tuy mê, vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh, hay ở chỗ này! Do vậy, đây thật sự là con đường chánh giác, nói thật thà thì chỉ có một đường này. Hai câu sau cùng là đại sư đặc biệt căn dặn. “Nhất tằng quá mục” (hễ lướt qua mắt): Quý vị từng gặp gỡ pháp môn này, từng trông thấy, đọc qua văn tự này, nghe người khác khuyến cáo, hãy nên khắc cốt minh tâm, chớ nên quên lãng!

          (Sớ) Thượng văn chuyên chỉ chú thích thử kinh.

          () 上文專指註釋此經。

          (Sớ: Những câu trong phần trên chuyên nói về việc chú thích kinh này).

          Đoạn trước nói về chú giải, nói tới những chú giải từ xưa của bộ kinh này.

          (Sớ) Kim vị kỳ dư tán vịnh Tịnh Độ.

          () 今謂其餘讚詠淨土。

          (Sớ: Còn phần này nói đến những tác phẩm khác ca ngợi, ngâm vịnh Tịnh Độ).

          Những tác phẩm tán thán, ca vịnh Tịnh Độ khác.

          (Sớ) Sở hữu ngôn từ bất khả thắng kỷ.

          () 所有言辭不可勝紀。

          (Sớ: Tất cả ngôn từ chẳng thể nào ghi chép trọn hết được).

           Chẳng có cách nào liệt kê trọn hết, quá nhiều!

          (Sớ) Vi luận, như Thập Nghi, Bảo Vương đẳng.

          () 為論,如十疑寶王等。

          (Sớ: Soạn luận thì như Thập Nghi Luận, Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận v.v…)

           Thập Nghi Luận do Thiên Thai Trí Giả đại sư viết vào đời Tùy. Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận do pháp sư Phi Tích viết vào đời Đường, hoàn toàn là tán dương Tịnh Độ. Ngẫu Ích đại sư đưa cả hai bản này vào sách Tịnh Độ Thập Yếu. Nói về luận bèn nêu ra hai tác phẩm để làm ví dụ.

          (Sớ) Vi văn, như Long Thư, Vô Tận đẳng

          () 為文,如龍舒無盡等。

          (Sớ: Soạn văn thì như Long Thư, Vô Tận v.v…)

          “Long Thư”: Cư sĩ Vương Nhật Hưu soạn Long Thư Tịnh Độ Văn, bộ này lưu hành rất rộng tại Đài Loan. Trong bộ Tịnh Độ Thập Yếu được lưu thông hiện thời, người đời sau đã bổ sung không ít tác phẩm, như Triệt Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục, Long Thư Tịnh Độ Văn cũng được chép vào đấy. Các đồng tu chuyên tu Tịnh Độ trong quá khứ đã từng có người thỉnh lão pháp sư Ấn Quang biên tập một bộ Tịnh Độ Tùng Thư, lão hòa thượng bảo: “Không cần thiết! Có một bộ Tịnh Độ Thập Yếu là đủ rồi!” Tại Đài Loan cũng có không ít đồng tu phát tâm biên soạn một bộ Tịnh Độ Tùng Thư[3], đâm ra quá nhiều, quá tạp. Thật sự tu hành thì đúng là Thập Yếu cũng đủ rồi. “Vô Tận” là cư sĩ Trương Vô Tận, tức là Trương Thương Anh, là một vị Tể Tướng đời Tống. Ông này cũng soạn Tịnh Độ Văn.

          (Sớ) Vi tập, như Quyết Nghi, Chỉ Quy đẳng.

          () 為集,如決疑指歸等。

          (Sớ: Viết thành Tịnh Độ Tập thì như Tịnh Độ Quyết Nghi Tập, Tịnh Độ Chỉ Quy Tập v.v…)

          Vương Cổ viết Trực Chỉ Tịnh Độ Quyết Nghi Tập. Tại Ngô Quận có một vị xuất gia là pháp sư Đại Hựu viết Tịnh Độ Chỉ Quy Tập. Cuối đời Thanh, đầu thời Dân Quốc, Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Quán đã in bộ Tịnh Độ Thập Tam Chủng bao gồm hết thảy các tác phẩm ấy.

          (Sớ) Vi lục, như Tịnh Độ Tự Tín đẳng.

          () 為錄,如淨土自信等。

          (Sớ: Soạn lục là như Tịnh Độ Tự Tín v.v…)

          Vô Công cư sĩ Vương Điền đã viết Tịnh Độ Tự Tín Lục.

          (Sớ) Vi truyện, như Tịnh Độ Lược Truyện đẳng.

          () 為傳,如淨土略傳等。

          (Sớ: Viết truyện là như Tịnh Độ Lược Truyện v.v…)

           Đây là truyện ký. Từ Vân Sám Chủ viết Tịnh Độ Lược Truyện. Nêu ra mấy ví dụ, thật ra, trong mỗi triều đại, các vị đại đức xuất gia lẫn tại gia đã chú sớ rất nhiều. Bộ Tịnh Độ Tùng Thư đã sưu tập những bản chú sớ khá hoàn chỉnh.

          (Sớ) Vi kệ, như Kính Lộ Tu Hành đẳng. Vi phú, như Thần Thê An Dưỡng đẳng. Vi thi, như Chư Gia Hoài Tịnh Độ đẳng.

          ()為偈,如徑路修行等。為賦,如神棲安養等。為詩,如諸家懷淨土等。

          (Sớ: Viết kệ như Kính Lộ Tu Hành v.v… Viết phú như bài phú Thần Thê An Dưỡng v.v… Làm thơ như tập Chư Gia Hoài Tịnh Độ v.v…)

          Quá nhiều, nên chỉ nói đại lược. Kệ tụng thì như bài Tịnh Độ Kệ do Thiện Đạo đại sư viết hết sức nổi tiếng! Ngài nhắc nhở người đời: “Tiệm tiệm kê bì hạc phát” (dần dần da gà, tóc hạc), con người sẽ dần dần suy lão, da dẻ nhăn nheo, đầu tóc bạc phơ. Khi ấy, hãy nghĩ sẽ chẳng còn mấy chốc nữa đâu! “Khán khán hành bộ lung chung” (nhìn xem chân bước run run). Lưng gù, eo hông chẳng còn sức nữa, bước đi phải chống gậy! Dáng vẻ già cả, lập cập! “Duy hữu kính lộ tu hành” (chỉ có đường tắt tu hành), “kính lộ” là con đường gần nhất. Lúc ấy, quý vị phải giác ngộ, muốn tu hành phải tìm một con đường gần gũi. Đường gần là gì vậy? Chớ nên lãng phí rất nhiều thời gian. Vì sao? Thời gian của chính mình chẳng đủ dùng, [vô thường] xảy đến [đối phó] chẳng kịp, đâu có thời gian dài như vậy? Phải tìm một con đường gần, phải tìm con đường đáng tin nhất, phải tìm con đường đơn giản nhất, ổn thỏa nhất. Đó chính là “đản niệm A Di Đà Phật” (chỉ niệm A Di Đà Phật), chỉ niệm! “Đản” là chỉ niệm A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, đều buông xuống hết! Thiện Đạo đại sư dạy chúng ta như vậy. Ngài là tổ sư đời thứ hai của Tịnh Độ Tông.

          Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư viết Thần Thê An Dưỡng Phú (bài phú gởi lòng nơi Cực Lạc). Còn như Chư Gia Hoài Tịnh Độ Thi (thơ tưởng nhớ tới Tịnh Độ của các tác giả) thì như trong Tịnh Độ Thập Yếu có cuốn Tây Trai Tịnh Độ Thi do thiền sư Sở Thạch sáng tác. Thiền sư Trung Phong cũng viết Hoài Tịnh Độ Thi (thơ mong tưởng Tịnh Độ) hết sức hay. Những tác phẩm ấy đều nhằm khích lệ, khuyên lơn người đời sau hãy nhất tâm tu Tịnh Độ.

          (Sớ) Cáo nhi viết khẩn, chân thành chi ngữ.

          () 告而曰懇,真誠之語。

          (Sớ: Bảo ban mà nói là “khẩn thiết”, [ngụ ý] lời lẽ chân thành).

           Chân tâm thành khẩn bảo ban chúng ta.

          (Sớ) Ký kỳ tín thọ nhi phụng hành dã.

          () 冀其信受而奉行也。

          (Sớ: Mong mỏi họ tin nhận rồi vâng làm theo).

           “Ký” (冀) là mong muốn, chân thành bảo ban chúng ta, hy vọng chúng ta sẽ tin tưởng, tiếp nhận, y theo phương pháp này mà tu hành.

          (Sớ) Ca nhi viết bi, thê sở chi từ, hoặc năng cảm phát nhi hưng khởi dã.

          () 歌而曰悲,淒楚之辭,或能感發而興起也。

          (Sớ: Lời ca được gọi là bi thương, [ngụ ý] lời lẽ thê lương, may ra sẽ cảm động, khơi gọi lòng người, khiến họ hăng hái tu tập).

           Cảm khái bi ca, “bi” (悲) là mong muốn có thể làm cho chúng ta xúc động, giác ngộ, cảnh tỉnh thế sự vô thường, tháng ngày còn lại chẳng nhiều nhõi gì! Khiến cho bản thân hăng hái dấy lên ý niệm niệm Phật.

          (Sớ) Lệ, sổ dã. Bất ức giả, ức bất túc dĩ tận chi, ngôn đa dã.

          () 麗,數也。不億者,億不足以盡之,言多也。

(Sớ: Lệ là tính đếm. “Bất ức”: Ngay cả con số Ức cũng chẳng đếm trọn hết, ý nói nhiều lắm)

                   “Ức” là một con số lớn, một vạn vạn là một Ức. Con số này không có cách nào tính trọn hết. Cực lực hình dung số lượng thật nhiều.

          (Sớ) Thử giai Tịnh Độ thánh hiền thiên ngôn vạn ngữ, bất yếm phiền trùng.

          () 此皆淨土聖賢千言萬語,不厭繁重。

          (Sớ: Những tác phẩm ấy đều là ngàn vạn lời lẽ của các bậc thánh hiền Tịnh Độ, chẳng ngại rườm lời lặp đi lặp lại).

           Tịnh Độ Tùng Thư có tới ba mươi cuốn, quý vị mới hiểu được các tổ sư đại đức trong các đời đã buốt lòng rát miệng khuyên bảo chúng ta.

           (Sớ) Trực dục sanh tử hải trung, tận khiết chúng sanh ư bỉ ngạn nhi hậu dĩ.

          () 直欲生死海中,盡挈眾生於彼岸而後已。

          (Sớ: Chỉ vì muốn đưa hết chúng sanh trong biển sanh tử lên bờ kia mới thôi).

          Trong lòng các Ngài ôm ấp nguyện vọng này, trực tiếp ở trong biển sanh tử nâng dắt chúng sanh, cho nên nêu lên cương lãnh này nhằm cứu độ chúng sanh lên bờ kia. Ở đây, chữ “bờ kia” chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới, đưa chúng ta đến chỗ A Di Đà Phật, đưa qua Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đây là bi tâm của các vị tổ sư đại đức trong quá khứ.

(Sớ) Ngã đẳng ưng đương hàm ân báo đức.        

() 我等應當銜恩報德。

          (Sớ: Chúng ta hãy nên nhớ ơn, báo đức).

          Chúng ta gặp gỡ, trông thấy, nghe nói, hãy nên hàm ân báo đức. “Hàm” (銜) là ôm giữ.

          (Sớ) Lũ cốt minh tâm.

          () 縷骨銘心。

          (Sớ: Ghi xương, tạc dạ).

                     Phải  nhớ kỹ đại ân đại đức này, đừng nên quên lãng. Không những chính mình phải tín nguyện phụng hành, mà còn phải:

          (Sớ) Triển chuyển lưu thông, đệ tương khuyến đạo.

          () 展轉流通,遞相勸導。

          (Sớ: Xoay vần lưu thông, lần lượt khuyên dạy lẫn nhau).

                   Hôm trước tôi có nhận được một “lá thư may mắn”, mỗi cá nhân nhận được thư này nếu sao thành mười tám bức gởi cho thân thích bằng hữu, quý vị sẽ hết sức may mắn. Nếu không chép ra, trong tương lai sẽ mắc nạn. Theo tôi thấy, lá thư may mắn thật sự [chính là pháp môn Tịnh Độ]. Tôi khuyên quý vị, mỗi người hãy đem thi từ Tịnh Độ sao ra hai mươi bản tặng thân thích bằng hữu, khuyên khắp hết thảy mọi người niệm A Di Đà Phật. Đấy là vận may thật sự của chúng ta, chứ còn những thứ khác chưa chắc đã may mắn. Biện pháp này rất tốt đẹp, xoay vần lưu thông, lần lượt khuyên dạy lẫn nhau.

          (Sớ) Như kỳ trí nhi bất lãm, lãm nhi bất tín.

          () 如其置而不覽,覽而不信。

          (Sớ: Nếu để đó không xem tới, hoặc xem mà chẳng tin).

           “Trí” (置) là bỏ tại nơi đó, bỏ xó chẳng xem tới, hoặc có xem, nhưng chẳng tin.

         (Sớ) Bất viết ngu mông chi huấn, tắc viết ký ngụ chi đàm, độc thả nại chi hà tai.

          () 不曰愚蒙之訓,則曰寄寓之談,獨且奈之何哉。

          (Sớ: Nếu chẳng chê là lời dạy của kẻ ngu muội, tối tăm, thì cũng phán là chuyện ngụ ngôn, [đối với những kẻ ấy] chỉ đành chẳng biết làm sao được nữa?)

                         Đây là lời lão nhân gia cảm thán! Chính kẻ ấy chẳng tin, lại còn phê bình, bảo chúng ta ngu si, quở chúng ta mê tín, đấy là kẻ ấy sai lầm. Kinh nói kẻ ấy “ít thiện căn, ít phước đức”, nên chẳng thể tiếp nhận. Mặc dù kẻ ấy, ít thiện căn và phước đức, chẳng thể tiếp nhận, nhưng chúng ta chớ nên không tạo cơ hội cho kẻ ấy, mà vẫn cứ tạo cơ hội cho họ. Kẻ ấy tin tưởng thì rất tốt, sẽ đắc độ trong một đời này. Kẻ ấy không tin, cũng đã gieo một chủng tử, tức là đã gieo một chủng tử vào A Lại Da Thức. Do vậy, lưu thông phổ biến, khuyên người khác tu Tịnh Độ, chuyện này quả thật vô cùng quan trọng!

Tam, minh tụng.

三、明誦

(Ba, nói về sự cảm ứng do tụng đọc).

          “Tụng” (誦) là đọc tụng. Đoạn thứ ba nói về sự cảm ứng do đọc tụng.

          (Huyền Nghĩa) Thứ minh tụng thử kinh giả, như thiệt căn bất hoại.

          (玄義) 次明誦此經者,如舌根不壞。

          (Huyền Nghĩa: Tiếp đó, nói người tụng kinh này lưỡi chẳng hư hoại).

           Đây là nói về sự cảm ứng do niệm kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ.

          (Huyền Nghĩa) Thiên nhạc Tây nghênh.

          (玄義) 天樂西迎。

          (Huyền Nghĩa: Nhạc trời đón về Tây).

          Đây là nói về tướng lành khi vãng sanh.

          (Huyền Nghĩa) Phương giải oán nhi vãng sanh.

          (玄義) 方解冤而往生。

          (Huyền Nghĩa: Giải trừ hờn oán rồi vãng sanh).

          Trong phần sau [của lời Sớ] có [kể rõ] câu chuyện này.

          (Huyền Nghĩa) Vị chung quyển nhi tọa thoát.

          (玄義) 未終卷而坐脫。

          (Huyền Nghĩa: Tụng kinh chưa hết một quyển đã ngồi qua đời).

           Tụng chưa xong một quyển, người ấy đã ngồi ngay nơi đó, vãng sanh.

          (Huyền Nghĩa) Quy như nhập Định.

          (玄義) 歸如入定。

          (Huyền Nghĩa: Trở về [Cực Lạc] như nhập Định)

          Lúc vãng sanh chẳng ngã bệnh, giống như tịnh tọa, nhập Định, ra đi như vậy đó!

          (Huyền Nghĩa) Chung đổ bạch liên.

          (玄義) 終睹白蓮。

          (Huyền Nghĩa: Khi mất, thấy hoa sen trắng).

          Lúc lâm chung thấy hoa sen màu trắng.

          (Huyền Nghĩa) Ngân đài nhi dịch kim đài, thô nhạc nhi lai tế nhạc.

          (玄義) 銀臺而易金臺,粗樂而來細樂。

          (Huyền Nghĩa: Đài bạc đổi thành đài vàng, nhạc thô tháp rồi đến nhạc vi diệu).

          Những chuyện này đều được chú giải, xin hãy đọc lời chú giải:

          (Sớ) Thiệt căn bất hoại giả, Trí Luận vân: “Hữu tỳ-kheo tụng Di Đà kinh”.

          () 舌根不壞者,智論云:有比丘誦彌陀經。

(Sớ: “Lưỡi chẳng hoại”: Trí Độ Luận chép: Có tỳ-kheo tụng kinh Di Đà).

           Đây là chuyện được nói trong Trí Độ Luận. Tỳ-kheo là người xuất gia, niệm kinh Di Đà.

          (Sớ) Mạng dục chung thời, ngữ đệ tử ngôn.

          () 命欲終時,語弟子言。

          (Sớ: Lúc sắp lâm chung, bảo đệ tử).

           Lúc lâm chung, Sư bảo đồ đệ, học trò.

          (Sớ) A Di Đà Phật dữ chư đại chúng, câu lai nghênh ngã.

          () 阿彌陀佛與諸大眾,俱來迎我。

          (Sớ: A Di Đà Phật và đại chúng đều đến đón ta).

           Lúc sắp ra đi, tỉnh táo, sáng suốt, chính Sư thấy A Di Đà Phật, thấy thanh tịnh hải hội đại chúng đúng như kinh đã dạy, đều đến đón tiếp Sư.

          (Sớ) Hậu tùng hỏa táng, thiệt căn bất hôi, sắc tướng tự nhược.

          () 後從火化,舌根不灰,色相自若。

          (Sớ: Sau đấy, đem hỏa táng, lưỡi chẳng cháy thành tro, sắc tướng vẫn giống hệt như cũ).

          Người xuất gia sau khi vãng sanh quá nửa là hỏa táng. Sau khi hỏa táng, lưỡi Ngài chẳng hoại, giống như Cưu Ma La Thập đại sư trong phần trước. Có thể thấy Ngài nói lời thật, chứ chẳng lừa người! Không chỉ lưỡi chẳng hoại, mà màu lưỡi chẳng thay đổi, khắp thân cháy thành tro, không chỉ lưu lại cái lưỡi, mà màu sắc của lưỡi còn chẳng biến đổi. Đây là tạo chứng cớ cho người khác.

          (Sớ) Thiên nhạc Tây nghênh giả.

          () 天樂西迎者。

(Sớ: Nhạc trời đón về Tây).

           Đây cũng là một câu chuyện.

(Sớ) Tống Đường Thế Lương.

() 宋唐世良。

          (Sớ: Đời Tống, Đường Thế Lương).

          Đường Thế Lương là một vị tại gia cư sĩ vào đời Tống.

          (Sớ) Tụng Di Đà kinh thập vạn quá.

          () 誦彌陀經十萬過。

          (Sớ: Tụng kinh Di Đà tới mười vạn biến).

          Tụng mười vạn lần.

          (Sớ) Nhất nhật, vị gia nhân viết: “Phật lai nghênh ngã”.

          () 一日謂家人曰:佛來迎我。

          (Sớ: Một hôm, bảo người nhà: “Phật đến đón ta”).

           Vị này cũng là biết trước lúc mất, chẳng bị ngã bệnh. Có một hôm, bảo người nhà: “A Di Đà Phật đến đón ta”.

          (Sớ) Ngôn dĩ, tác lễ, tọa thệ.

          () 言已,作禮坐逝。

          (Sớ: Nói xong, làm lễ, ngồi qua đời).

          Sau khi dặn dò người nhà, ông ta lễ Phật. Lúc lạy xong bèn tịnh tọa, ra đi, [tức là] ngồi mất!

          (Sớ) Kỳ dạ, hữu Lợi hành nhân, tại Đạo Vị sơn thượng, mộng Tây Phương dị quang, phan hoa tân phân, âm nhạc liệu lượng, không trung thanh vân: “Đường Thế Lương dĩ sanh Tịnh Độ”

          ()其夜有利行人,在道味山上,夢西方異光,旛華繽紛,音樂嘹喨,空中聲云:唐世良已生淨土。

(Sớ: Đêm ấy, có người tu hành tên Lợi ở trên núi Đạo Vị, mộng thấy phương Tây có ánh sáng lạ, tràng phan và hoa phấp phới, âm nhạc vang rền, trong hư không có tiếng nói: “Đường Thế Lương đã sanh về Tịnh Độ”).

          Tướng lành chẳng phải tại quê hương ông ta, mà ở một nơi rất xa, tức là núi Đạo Vị. Buổi tối ngày ông Đường vãng sanh, Lợi hành nhân, ông này cũng là một người tu hành, khi tu hành trên núi, đêm ấy mộng thấy phương Tây có dị quang. “Dị quang” là [ánh sáng] khác thường; lại còn thấy phan. Đây là một loại tràng phan trong nhà Phật, giống như cờ xí. Trên trời có hoa, “tân phân” là rất nhiều phan, tràng, hoa trời từ không trung nườm nượp rơi xuống. “Âm nhạc liệu lượng” (âm nhạc vang rền): Nhạc trời. Lại còn nghe trong hư không có âm thanh, có người nói: “Đường Thế Lương vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ”. Đó là “thiên nhạc Tây nghênh”. Thời cổ có một câu chuyện như vậy đó. Những chuyện như vậy trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện ghi chép nhiều lắm.

          (Sớ) Giải oán vãng sanh giả.

          () 解冤往生者。

          (Sớ: Giải oán kết, vãng sanh).

          Đây là một trường hợp tiêu tai.

          (Sớ) Tống Thượng Ngu.

          () 宋上虞。

          (Sớ: Vào đời Tống, tại Thượng Ngu[4]).

          Đây là một địa phương.

          (Sớ) Dân Phùng Mân.

          () 民馮珉。

          (Sớ: Có một người dân tên là Phùng Mân).

          Đây là tên của vị ấy, cũng là tại gia cư sĩ.

          (Sớ) Thiếu sự du liệp.

          () 少事遊獵。

          (Sớ: Thuở trẻ thích săn bắn).

           Lúc tuổi trẻ, ưa săn bắn. Săn bắn sẽ kết oán cừu nhiều lắm!

          (Sớ) Kiến cự xà, trì sáo tương vãng thích chi.

          () 見巨蛇,持矟將往刺之。

          (Sớ: Thấy một con rắn to, liền vác mâu đến đâm nó).

          “Sáo” (矟) là trường mâu, ông ta đâm con rắn ấy.

          (Sớ) Thời xà tại nham hạ.

          () 時蛇在巖下。

          (Sớ: Lúc ấy, rắn ở dưới vách núi).

          Rắn ở dưới vách núi.

          (Sớ) Dục phệ hoàng độc.

          () 欲噬黃犢。

          (Sớ: Toan cắn con bê vàng).

          “Độc” (犢) là con bò con. Rắn này rất lớn, toan nuốt con bê.

          (Sớ) Mân thôi nham thạch áp chi, chí tử.

() 珉推巖石壓之,至死。

          (Sớ: Phùng Mân đẩy đá từ vách núi xuống, đè chết rắn).

          Ông ta ở phía trên, dùng đá to quăng xuống, đè rắn chết bẹp. Rắn to như vậy thường gọi là “rắn đã thành tinh”.

          (Sớ) Xà lũ vi túy.

          () 蛇屢為祟。

          (Sớ: Rắn nhiều lần hiện hồn quấy phá).

          Rắn sau khi bị đè chết, thường thường quấy phá, kiếm chuyện, đó là oan gia trái chủ.

           (Sớ) Mân tu sám niệm Phật kinh niên, xà bất năng hại.

          () 珉修懺念佛經年,蛇不能害。

          (Sớ: Ông Mân tu sám, niệm Phật nhiều năm, rắn chẳng thể hại được).

          “Tu sám” là sám hối, niệm Phật; do có công đức này, rắn không có cách nào báo thù được.

          (Sớ) Nhất nhật thỉnh đồng xã tịnh lữ, tụng Di Đà kinh, hiệp chưởng nhi hóa.

          () 一日請同社淨侶,誦彌陀經,合掌而化。

          (Sớ: Một hôm, mời các bạn thanh tịnh cùng liên xã, tụng kinh Di Đà, chắp tay qua đời).

          “Đồng xã”: Nhất định là ông ta đã tham gia liên xã. Từ xưa tới nay, liên xã hết sức phổ biến. Từ thời Huệ Viễn đại sư thành lập liên xã đầu tiên, về sau, tại mỗi nơi ở Trung Quốc, hễ lập hội Niệm Phật đều gọi là “liên xã”. Thỉnh các đồng tu trong liên xã đến trợ niệm giúp ông ta, tụng kinh Di Đà, ông ta chắp tay vãng sanh. Đây là nói về chuyện “giải oán vãng sanh”. Nếu ông ta chẳng thường niệm Phật, không cầu vãng sanh, oán gia trái chủ sẽ không tha cho ông ta! Nếu ông ta không ra khỏi lục đạo luân hồi, dù trong một đời này tu tập tốt đẹp đến mấy đi nữa, đời sau oán gia vẫn đến kiếm! Các quý vị đọc Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, thấy Ngộ Đạt quốc sư là cao tăng mười đời; oán gia theo Ngài suốt mười đời, nhưng chưa báo thù được. Tới đời thứ mười, tôn giả Ca Nặc Ca điều giải, hóa giải. Nếu không, oán ấy vẫn chưa hết! Do vậy, quý vị phải ghi nhớ, đừng kết oán cừu với người khác, đừng kết oán cừu với quỷ thần, mà cũng đừng kết oán cừu với súc sanh, nhất là những súc sanh lớn. Quý vị kết oán cừu với chúng sẽ phiền phức lắm! Vì sao? Càng to, linh tánh càng cao, ý niệm báo thù càng mạnh. Kết mối oán cừu rất đáng ngán. Quả thật là đời đời kiếp kiếp chẳng dễ gì giải trừ!

          Tục ngữ nói rất hay: “Oan gia nghi giải, bất nghi kết”, [nghĩa là] phải biết giải khai oan gia, đừng nên kết. Hễ kết thì sau này, đời đời kiếp kiếp bị phiền phức. Chỉ có thật sự vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ thì mới tính là tất cả oan gia của quý vị đều được giải trừ. Nếu quý vị chưa thể vãng sanh Tịnh Độ, chắc chắn chẳng thể trốn tránh được! Chẳng cần biết quý vị tu pháp môn gì, hễ tu chưa thành công, oan gia trái chủ đều gọi là “ma chướng”, họ đều đến chướng ngại quý vị. Từ vô thỉ kiếp tới nay, chẳng biết đã kết oán cừu với bao nhiêu người, kết mối thù oán với bao nhiêu quỷ thần và súc sanh. Nay chúng ta cầu thuận buồm xuôi gió trên con đường Bồ Đề sẽ chẳng dễ dàng, đâu có chuyện [dễ dàng như vậy] được! Chỉ có biện pháp duy nhất là học theo Phùng cư sĩ, hằng ngày thật sự niệm Phật, sám hối. Để sám hối, chúng ta niệm bài kệ Sám Hối là đủ rồi. Nương theo kệ Sám Hối, trong tâm thật sự sám hối, như thế là tốt đẹp. Lại nữa, một câu A Di Đà Phật này quả thật tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước huệ. Không chỉ có đại công đức vãng sanh, mà hiện thời, quý vị niệm một tiếng A Di Đà Phật sẽ tiêu tội chướng, tăng phước huệ, quý vị niệm niệm A Di Đà Phật là niệm niệm tiêu nghiệp chướng, niệm niệm tăng phước huệ. Không có pháp môn nào có hiệu quả thù thắng hơn pháp này!

          (Sớ) Vị chung tọa thoát giả.

          () 未終坐脫者。

          (Sớ: Nói chưa tụng xong đã ngồi qua đời).

                       Đây là người thuộc đời Tấn.

          (Sớ) Tấn Trí Tiên pháp sư, hiệu Chân Giáo, trụ Bạch Liên Tự, thập tam niên Tây hướng thập niệm, thập nhị thời bất tạm phế.

          ()晉智仙法師,號真教,住白蓮寺,十三年西向十念,十二時不暫廢。

          (Sớ: Đời Tấn, pháp sư Trí Tiên, hiệu là Chân Giáo, trụ tại chùa Bạch Liên, suốt mười ba năm hướng về phương Tây, tu thập niệm, trong suốt mười hai thời chẳng tạm bỏ).

          Sư rốt cuộc niệm Phật không nhiều lắm, nhưng người ta công phu tuyệt vời! Sư sử dụng cách Thập Niệm. Ngài niệm suốt mười ba năm chẳng gián đoạn, niệm Phật bằng cách hướng về phương Tây thập niệm. Sư tu thập niệm trong mười hai thời, mỗi thời niệm một lần. Thập niệm thì thời gian [niệm Phật] chẳng lâu, đại khái là năm phút đã niệm xong! Nhưng mười hai thời chẳng đơn giản, mười hai thời bao gồm cả buổi tối. “Thời thần” (時辰) trong thuở ấy dùng “Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi v.v…” để tính toán; một thời thần thuở ấy bằng hai giờ hiện thời. Cứ mỗi hai tiếng đồng hồ, Sư lại niệm một lần, đấy là tu pháp Thập Niệm. Mỗi hai tiếng đồng hồ niệm một lần, suốt mười ba năm chẳng gián đoạn, công phu ở chỗ này! Khó nhất là buổi tối, buổi tối cứ cách hai giờ, Sư lại trở dậy niệm một lần, chuyện này chẳng dễ dàng.

          (Sớ) Nhất tịch vi tật.

          () 一夕微疾。

          (Sớ: Một tối, hiện chút bệnh nhẹ).

          Hôm Sư vãng sanh, bị mắc chút bệnh vặt.

          (Sớ) Mạng quán đường hành nhân tụng Di Đà kinh.

          () 命觀堂行人誦彌陀經。

          (Sớ: Bảo những người đang làm việc trong trai đường hãy tụng kinh Di Đà).

          “Quán đường hành nhân”: Quán đường là Ngũ Quán Đường[5], tức trai đường. Sư bảo những người đang làm việc ở đó niệm kinh Di Đà.

          (Sớ) Vị chung quyển.

          () 未終卷。

          (Sớ: Tụng chưa hết quyển kinh).

          Kinh Di Đà chưa tụng xong.

          (Sớ) An nhiên tọa thoát.

          () 安然坐脫。

          (Sớ: Đã ngồi lặng lẽ qua đời).

          Sư ngồi ở nơi đó, người ta niệm kinh, Sư cũng niệm theo, lắng nghe, một quyển kinh chưa niệm xong, Sư đã vãng sanh. Đây là nêu gương Thập Niệm.

          (Sớ) Quy như nhập Định giả, Tống Thích Xử Khiêm.

          () 如入定者,宋釋處謙。

          (Sớ: Về [Cực Lạc] như nhập Định là ngài Thích Xử Khiêm đời Tống).

          Đây là một vị xuất gia, pháp sư Xử Khiêm.

          (Sớ) Tinh tu Tịnh Độ.

          () 精修淨土。

          (Sớ: Tu ròng Tịnh Độ).

           “Tinh tu” là chuyên tu, chẳng xen tạp các pháp môn khác. Chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ mà còn muốn tu thêm pháp khác, vẫn muốn nghiên cứu pháp khác, đấy là chẳng tinh! “Tinh” là trừ pháp môn này ra, trừ kinh điển Tịnh Độ ra, tất thảy đều chẳng xen lạm, đó là “tinh”. Kinh điển chủ yếu trong Tịnh Độ là tam kinh nhất luận, nương theo những kinh luận này để tu hành.

          (Sớ) Nhất tịch, tụng Di Đà kinh tất.

          () 一夕,誦彌陀經畢。

          (Sớ: Một tối, Sư tụng kinh Di Đà xong).

           Buổi tối hôm vãng sanh, tụng kinh xong.

          (Sớ) Xưng tán Tịnh Độ.

          () 稱讚淨土。

          (Sớ: Khen ngợi Tịnh Độ).

           Nay chúng ta gọi “xưng tán Tịnh Độ” là Tán Phật Kệ .

          (Sớ) Cáo chúng viết: “Ngô dĩ vô sanh nhi sanh Tịnh Độ”. Như nhập Thiền Định, yểm nhiên nhi hóa.

          ()告眾曰:吾以無生而生淨土。如入禪定,奄然而化。

          (Sớ: Bảo đại chúng: “Ta do vô sanh mà sanh Tịnh Độ”, như nhập Thiền Định, đột nhiên qua đời).

          Giã biệt đại chúng. Nói xong, đặc biệt nói Ngài “do vô sanh mà sanh”; đấy là Tịnh Độ sanh vô sanh. Cổ đức dạy chúng ta: “Sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật bất khứ” (sanh thì quyết định sanh, nhưng đi thật sự chẳng đi). Thiên Thai đại sư có Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, bộ sách này hiện nay cũng thuộc trong Tịnh Độ Thập Yếu. Hết sức trọng yếu, có thể giải trừ khá nhiều nghi vấn về Tịnh Độ. Cư sĩ Quý Thánh Nhất đã chú giải Sanh Vô Sanh Luận hết sức tỉ mỉ.

          (Sớ) Chung đổ bạch liên giả, Tống Gia Hòa quận, Chung ẩu.

          () 終睹白蓮者,宋嘉禾郡鍾嫗。

          (Sớ: Lâm chung thấy hoa sen trắng: Đời Tống, bà lão họ Chung ở quận Gia Hòa).

          Bà cụ này họ Chung.

          (Sớ) Nhật tụng Di Đà kinh thập biến, niệm Phật bất chuyết.

          () 日誦彌陀經十遍,念佛不輟。

          (Sớ: Hằng ngày tụng kinh Di Đà mười biến, niệm Phật chẳng bỏ sót).

          Quý vị thấy bà cụ tu hành, mỗi ngày niệm kinh Di Đà mười biến, Phật hiệu chẳng gián đoạn.

          (Sớ) Nhất nhật ngữ kỳ tử viết.

          () 一日語其子曰。

          (Sớ: Một hôm bảo con).

          Hôm vãng sanh bảo con.

          (Sớ) Kiến bạch liên hoa vô số, chúng thánh nghênh ngã.

          () 見白蓮華無數,眾聖迎我。

          (Sớ: Mẹ thấy hoa sen trắng vô số, các vị thánh đến đón mẹ).

                   Thấy hoa sen, thấy Phật và đại chúng đến đón tiếp, bà cụ bèn vãng sanh.

(Sớ) Toại đoan tọa tủng thân hóa khứ.       

() 遂端坐聳身化去。

          (Sớ: Bèn ngồi ngay ngắn, thân khẽ động, đã tịch rồi).

           Khẽ động vai đã đi rồi, tự tại ngần ấy! Chẳng sanh bệnh; đây là một bà cụ tại gia. Truyện ký của những vị này được chép tường tận trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục.

          (Sớ) Ngân đài kim đài giả.

          () 銀臺金臺者。

          (Sớ: Đài bạc, đài vàng).

          Câu chuyện này được lưu truyền rất phổ biến, rất nhiều người biết.

          (Sớ) Hoài Ngọc thiền sư, Thai Châu nhân, bố y nhất thực, thường tọa, bất ngọa. Tinh tấn niệm Phật, tụng Di Đà kinh tam thập vạn biến.

          () 懷玉禪師 ,台州人 ,布衣一食 ,常坐不臥 。精

進念佛,誦彌陀經三十萬遍。

          (Sớ: Thiền sư Hoài Ngọc, người xứ Thai Châu, mặc áo vải, ngày ăn một bữa, thường ngồi, chẳng nằm, tinh tấn niệm Phật, tụng kinh Di Đà ba mươi vạn biến).

          Niệm Phật hiệu chẳng cần phải nói nữa! Kinh Di Đà tụng ba mươi vạn biến. Vị này suốt đời mặc “bố y”, [tức là] y phục bằng vải thô, ăn đúng Ngọ một bữa, “thường tọa bất ngọa”: Đây là tu không ngả lưng xuống đơn (giường Tăng), khi ngủ chẳng nằm xuống, lúc mệt bèn tịnh tọa. Tinh tấn niệm Phật, thật sự tinh tấn. Trong Niệm Phật Đường, nói thật ra, nếu thật sự dụng công niệm Phật, hiệu quả sẽ hết sức rõ ràng. Có một phòng nghỉ, mọi người mệt mỏi bèn tới đó nghỉ ngơi một chốc. Khi nghỉ, chẳng cần cởi áo, mặc cả áo mà ngủ. Ngủ một lát, tinh thần khôi phục, bèn ngay lập tức niệm tiếp, phải như vậy thì mới được. Chúng ta chưa phải là đả Tinh Tấn Phật Thất, đả Tinh Tấn Phật Thất rất nghiêm ngặt. Đấy là hễ mệt mỏi tự mình đi nghỉ, nghỉ khoẻ xong bèn ngay lập tức quay lại niệm Phật. Có thể buông xuống hết thảy, nhất tâm niệm Phật, hiệu quả vô cùng rõ rệt!

         (Sớ) Nhất nhật kiến Tây Phương thánh chúng, đa nhược Hằng sa.

() 一日見西方聖眾,多若恆沙。

          (Sớ: Một hôm, thấy Tây Phương thánh chúng nhiều như cát sông Hằng).

           Nhiều như số cát trong sông Hằng, Ngài thấy thanh tịnh hải chúng theo A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí đều đến đón tiếp.

          (Sớ) Nhất kình ngân đài, tùng song nhi nhập.

          () 一擎銀臺,從窗而入。

          (Sớ: Một vị bưng đài bạc, theo cửa sổ mà vào).

          Cầm hoa sen, trên hoa có đài, kim đài hay ngân đài là phẩm vị cao hay thấp khác nhau. Người đến đón tiếp Ngài cầm hoa sen, trên hoa có đài bằng bạc, theo cửa sổ tiến vào.

         (Sớ) Ngọc viết.

() 玉曰。

(Sớ: Hoài Ngọc nói).

          Thiền sư Hoài Ngọc bèn nói.

(Sớ) Ngô nhất sanh tinh tấn, thệ thủ kim đài, vi hà đắc thử? Ngân đài toại ẩn.

()吾一生精進,誓取金臺,為何得此?銀臺遂隱。

          (Sớ: Ta cả đời tinh tấn, thề lấy được đài vàng, vì sao được đài này? Đài bạc liền ẩn).

          Ta suốt đời tinh tấn, trong tâm mong đài vàng, nào ngờ nay là đài bạc, trong tâm đương nhiên rất khổ sở, rất hổ thẹn. Ý niệm này vừa dấy lên, chẳng thấy đài bạc nữa, nó bèn ẩn mất!

          (Sớ) Ngọc cảm kích.

          () 玉感激。

          (Sớ: Hoài Ngọc cảm kích).

          Chẳng thấy đài bạc nữa, tiêu mất rồi! Trong tâm Ngài cũng rất cảm động. Như thế nào đây? Lại tinh tấn và nỗ lực.

          (Sớ) Bội phục tinh tấn.

          () 倍復精進。

          (Sớ: Tinh tấn gấp bội).

           Nỗ lực gấp bội.

          (Sớ) Tam thất nhật hậu.

          () 三七日後。

          (Sớ: Hai mươi mốt ngày sau).

                   Hai mươi mốt ngày sau.

          (Sớ) Kiến Phật mãn không trung.

          () 見佛滿空中。

          (Sớ: Thấy Phật đầy ắp trên hư không).

           Phật lại đến tiếp đón Sư.

          (Sớ) Nãi vị đệ tử viết: “Kim đài lai nghênh”.

          () 乃謂弟子曰:金臺來迎。

          (Sớ: Sư bèn bảo đệ tử: “Đài vàng đến đón”).

          Quả nhiên chẳng phụ lòng mong mỏi, đài vàng tới đón.

          (Sớ) Ngô sanh Tịnh Độ hỹ . Thuyết kệ, hàm tiếu nhi thệ.

          () 吾生淨土矣。說偈含笑而逝。

(Sớ: Ta sanh về Tịnh Độ! Nói kệ, mỉm cười, qua đời).

          Ngài hoan hỷ, nguyện vọng đã đạt, đúng là kim đài đến đón tiếp Ngài!

          (Sớ) Quận thủ Đoàn công dị chi.

          () 守段公異之。

          (Sớ: Viên quan họ Đoàn đứng đầu quận ấy lấy làm lạ).

           “Quận thủ” là trưởng quan vùng ấy. Khi đó, quận tương đương với tỉnh hiện thời, nhưng nhỏ hơn tỉnh một chút. Quận Thủ là quan Thái Thú, là quan lớn trong vùng, trông thấy tướng lành này cũng hết sức cảm động.

          (Sớ) Tác thi tán mỹ.

          () 作詩讚美。

          (Sớ: Làm thơ ca ngợi).

           Có thơ tặng cho Ngài để ca ngợi.

          (Sớ) Hữu “chi đê chỉ vị quải kim đài” chi cú vân.

          () 有枝低只為掛金臺之句云。

          (Sớ: Trong ấy có câu “đài vàng treo trĩu nặng cành cây”).

          Thơ rằng: “Ngã sư nhất niệm đăng Sơ Địa” (thầy ta một niệm lên Sơ Địa), đài vàng là Lý nhất tâm bất loạn, Lý nhất tâm bất loạn là thượng phẩm thượng sanh. Ngài suốt đời dụng công, thường ngồi chẳng nằm, nhất là trong ba thất tức hai mươi mốt ngày cuối cùng càng thêm tinh tấn gấp bội, đắc Lý nhất tâm bất loạn. Vì thế, tán thán Ngài “nhất niệm đăng Sơ Địa”. “Phật quốc sênh ca lưỡng độ lai” (Cõi Phật đàn ca hai lượt tới), A Di Đà Phật trỗi nhạc trời đến tiếp dẫn Ngài hai lần, “duy hữu môn tiền cổ hòe thụ” (trước song, riêng một cội hòe già). Trước chùa có một cây hòe, cành hòe rủ thấp. “Chi đê chỉ vị quải kim đài” (đài vàng đeo trĩu cả cành cây). Đài vàng quá nặng, cho nên cành hòe bị đè xuống rất thấp. Dùng bài thơ này để tán thán Ngài.

          (Sớ) Thô nhạc, tế nhạc giả, Nguyên Tử Hoa thiền sư.

          () 粗樂細樂者,元子華禪師。

          (Sớ: “Nhạc thô tháp, nhạc vi diệu”: Thiền sư Tử Hoa vào đời Nguyên).

           Đây là một vị xuất gia vào thời Nguyên.

          (Sớ) Đại Lịch cửu niên, ư Nhuận Châu Quán Âm Tự, tụng Di Đà kinh lục nguyệt.

          () 大歷九年,於潤州觀音寺,誦彌陀經六月。

          (Sớ: Vào năm Đại Lịch thứ chín (774), tụng kinh Di Đà sáu tháng tại chùa Quán Âm ở Nhuận Châu).

          Mỗi ngày niệm kinh Di Đà suốt nửa năm.

          (Sớ) Hốt đắc tật.

          () 忽得疾。

          (Sớ: Chợt mắc bệnh).

          Bỗng nhiên Ngài nhiễm bệnh.

          (Sớ) Dạ văn hương khí nhạc âm.

          () 夜聞香氣樂音。

          (Sớ: Đêm ngửi thấy mùi hương, nghe tiếng nhạc).

          Trong khi bị bệnh, Ngài ngửi thấy mùi hương, nghe tiếng thiên nhạc.

          (Sớ) Không trung cáo viết: “Thô nhạc dĩ quá, tế nhạc tục lai, quân đương vãng sanh”.

          () 空中告曰:粗樂已過,細樂續來,君當往生。

          (Sớ: Trong hư không có tiếng bảo: “Nhạc thô vụng đã hết, nhạc tinh tế sẽ tiếp tục trỗi, ông sẽ vãng sanh”).

          Nhạc trời cũng là hai lượt, càng về sau càng tinh tế hơn, càng dễ nghe hơn.

          (Sớ) Lương cửu niệm Phật nhi hóa.

          () 良久念佛而化。

          (Sớ: Hồi lâu sau, Sư niệm Phật qua đời).

           Ngài niệm Phật vãng sanh.

          (Sớ) Dị hương liên nhật bất tán.

          () 異香連日不散。

          (Sớ: Mùi hương lạ đọng lại cả ngày chẳng tan).

Những điều này là tướng lành vãng sanh. Đại sư đã nêu lên rất nhiều ví dụ, đều nhằm giúp chúng ta sanh khởi lòng tin. Mỗi ví dụ đều là chuyện chân thật. Hôm nay đã hết thời gian rồi.

[1] Uất Trì Kính Đức tên thật là Uất Trì Cung (585-658), Kính Đức là tên tự, người xứ Thiện Dương, Sóc Châu (nay thuộc Sóc Thành, Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây). Ông này xuất thân là thợ rèn, về sau đăng lính, do vũ dũng được phong tới chức Triêu Tán Đại Phu. Kính Đức theo Lưu Vũ Châu chống lại nhà Tùy, lập nhiều chiến tích. Sau đấy, bị tướng của Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) bắt được, dụ hàng, ông ta theo Lý Thế Dân trở thành một đại tướng khai quốc công thần, được ghi tên trong gác Lăng Yên. Cùng với Tần Quỳnh, ông ta được dân Trung Hoa coi là “môn thần” (thần giữ cửa), các đền miếu Trung Hoa thường vẽ hình hai ông này để trấn yểm quỷ mị không cho vào cửa. Do lúc trẻ ông ta từng làm thợ rèn, nên còn được coi là thần bảo hộ nghề rèn ở Trung Hoa. Dòng họ Uất Trì vốn xuất phát từ sắc dân thiểu số Tiên Ty thời Bắc Ngụy. Người thuộc bộ lạc Uất Trì của Tiên Ty đều lấy Uất Trì làm họ. Uất Trì cũng là họ của hoàng tộc xứ Vu Điền.

Ngài Khuy Cơ (632-682), tên tự là Hồng Đạo, là con trai của Uất Trì Tông (giữ chức Tả Kim Ngô Tướng Quân, đô đốc Tùng Châu, tước Khai Quốc Công). Khi ngài Huyền Trang bắt đầu dịch kinh, Sư được phái phục vụ và bảo vệ dịch trường. Ngài Huyền Trang thấy chàng thanh niên này mặt mũi thanh tú, khí độ hào hùng, liền muốn hóa độ thành đệ tử, nên thương lượng với cha ngài Khuy Cơ. Do Khuy Cơ vốn là quý tộc, nên phải tốn qua nhiều thủ tục mới có thể xuất gia nên mãi cho đến năm Trinh Quán 22 (648) mới chính thức xuất gia. Năm Vĩnh Huy thứ năm (654), Sư vâng chiếu học văn tự của năm xứ Ấn Độ, hai năm sau, chính thức tham dự vào hàng ngũ tăng sĩ dịch kinh, đảm nhiệm vai trò Bút Thọ, theo hầu ngài Huyền Trang trải khắp các dịch trường tại Từ Ân, Tây Minh, Ngọc Hoa v.v… Ngài từng tạo tượng Văn Thù Bồ Tát bằng ngọc thạch tại Ngũ Đài Sơn, và đích thân chép kinh Bát Nhã. Những tác phẩm chủ yếu của Ngài là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh U Tán, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Tán, Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Sớ, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ, Biện Trung Biên Luận Thuật Ký, Tạp Tập Luận Thuật Ký, Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật Ký, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Giải, Du Già Sư Địa Luận Lược Toản, Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, Thành Duy Thức Luận Khu Yếu, Đối Pháp Luận Sớ, Kim Cang Kinh Luận Hội Thích, Di Lặc Hạ Sanh Kinh Sớ.

[2] Thông thường “nhị thất” là mười bốn (2×7), Hòa Thượng Tịnh Không giảng là “hai mươi bảy” nên chúng tôi dịch theo lời giảng của Ngài.

[3] Tịnh Độ Tùng Thư đúng như tên gọi là một bộ tổng tập bao gồm toàn bộ tất cả những tác phẩm viết về Tịnh Độ từ trước đến nay, do các vị Đạo An, Mao Dịch Viên, Trần Tử Bình v.v… biên soạn vào năm 1972, thâu thập ba trăm tác phẩm, chia thành kinh luận, chú sớ, tinh yếu, trước thuật, toản tập (trích lược những phần trọng yếu), thi kệ, hành nghi (nghi thức), sử truyện. Trong mỗi loại, các tác phẩm được sắp xếp theo triều đại và niên đại.

[4] Thành phố Thượng Ngu nằm ở Đông Bắc tỉnh Chiết Giang, thuộc hạ lưu sông Tào Nga. Huyện Thượng Ngu đã được thành lập từ thời Tần Thủy Hoàng. Theo truyền thuyết, đây là đất phong của con cháu vua Ngu Thuấn, cho nên mới gọi là Thượng Ngu.

[5] Nhà ăn (trai đường) được gọi là Ngũ Quán Đường vì khi thọ trai, phải quán tưởng năm điều:

  1. Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ: Xét công nhiều ít, nghĩ do đâu mà có. Cơm cháo một ngày ba thời đều chẳng dễ có. Phải nghĩ đến các thức ăn do bao người vất vả gieo trồng, chăm bón, gặt hái, phơi sấy, xay giã, nấu nướng, chế biến, toàn bộ đều do đàn na tín thí cúng dường.
  2. Thổn dĩ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng: Tự xét đức hạnh của chính mình có xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường ấy hay chưa, phát khởi tâm trân trọng, dụng công tu hành.
  3. Phòng tâm nan quá, thực đẳng vi tông: Đề phòng cái tâm mắc phải tham, sân, si, chớ tham đồ ăn ngon. Thấy món ngon chẳng khởi tâm tham, luôn quán chiếu, thấy hết thảy đều do các duyên hòa hợp, đều là hư huyễn.
  4. Chánh sự lương dược, vị liệu hình khô: Thức ăn là món thuốc tốt lành để chữa căn bệnh thân thể khô gầy.
  5. Vị thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực: Ăn uống nhằm duy trì sắc thân này để tu tập đạo nghiệp thành công, chớ không phải để cung phụng, chiều chuộng cái thân, thỏa mãn lòng tham.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *