Nhận Thức Phật Giáo – Tập 5

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo Dục Hạnh Phúc Mỹ Mãn)

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng ngày 6-10/01/1996 tại thành phố Brisbane, Queensland, Australia.
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Mã AMTB: 17-013-0001 … 0005 

MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.

TỔNG CỘNG 5 TẬP

001 002 003 004 005

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)

Tập 5

“Kính thưa sư phụ, các vị pháp sư, các vị đồng tu, đại đức. Xin chào mọi người! Tôi vẫn chưa quen lắm với Úc Châu, còn khá lạ lẫm. Chẳng qua là năm ngoái có tới một lần, và rất có thiện cảm với Úc Châu. Tôi cảm thấy hình như đồng bào người Đài Loan chúng ta bên đây không ít, có thể nói người Trung Quốc không ít. Nơi đây có người Trung Quốc sinh sống nên tôi cho rằng cần có một đạo tràng tu hành, để mọi người có nơi tu hành, mọi người cùng tụ lại một giảng đường, mỗi ngày đều an vui tự tại, vậy thì sư phụ cũng có thể thường xuyên đến giảng một số khai thị cho mọi người, trong lòng mọi người sẽ cảm thấy rất thoải mái, đời sống rất có ý nghĩa.

Cho nên năm nay, chân thật vì một nhóm đồng tu Úc Châu nên chính thức phát tâm, chúng tôi phát tâm mua một đạo tràng mới, thế nhưng hiện tại vẫn chưa sử dụng, hiện tại chúng ta đang sửa chữa nó, tu sửa lại một chút, sư phụ rất vui. Sư phụ của chúng ta đây là pháp sư giảng kinh, có lẽ ai cũng biết, trong nhà Phật đều biết ngài là một vị pháp sư nghèo, không có nhiều tiền, ngài chỉ có vẻn vẹn 200 ngàn đôla liền đem ra quyên góp hết cho đạo tràng, hy vọng đạo tràng có thể mở rộng hơn một chút, rộng rãi hơn một chút, vậy thì mới có thể tiếp đón được thêm nhiều người đến học Phật, đây là việc làm mà ngài vui nhất; đồng thời hy vọng từ nay về sau mọi người có thể dụng công thật tốt, học Phật thật tốt, vậy thì rất vui rồi, chính là vì điều này. Sư phụ cũng cho rằng, việc làm lần này rất có ý nghĩa, cho nên ngài cảm thấy rất vui, tôi lại càng vui hơn, cảm ơn mọi người”.

Thời gian trôi qua thật nhanh, lần tọa đàm này của chúng ta đến hôm nay là viên mãn. “Nhận Thức Phật Giáo”, chủ đề này cũng là đơn giản giới thiệu cho quý vị. Những điều nói ở phía trước có một số ý nghĩa quan trọng vẫn chưa có nói hết, chúng ta tận dụng một tiếng rưỡi đồng hồ sau cùng này làm một bổ sung rõ ràng hơn.

Tối nay còn có một số vị đồng tu phát tâm thọ Tam quy ngũ giới, cũng ở nơi đây sẽ cử hành nghi thức đơn giản nhưng long trọng. Ý nghĩa của Tam quy ngũ giới chúng tôi có một băng thu âm, cũng có một quyển sách nhỏ cung cấp cho qúy vị làm tham khảo. Ngày mai chúng tôi sẽ có một buổi diễn giảng ở Gold Coast (Úc), thế nên các đồng tu hy vọng tôi nhân cơ hội này đem Tam quy y giải thích một cách tường tận.

Chúng ta làm một tổng kết về Phật pháp: “Phật pháp là giáo dục thù thắng nhất, cứu cánh nhất, viên mãn nhất của Phật-đà đối với hết thảy chúng sanh. Mục đích dạy học của Phật pháp là khai mở trí tuệ đức năng vốn đầy đủ trong tự tánh của chúng ta”. Trên kinh Đại thừa, Phật nói với chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, hay nói cách khác, trong tự tánh của chúng ta vốn có đầy đủ trí tuệ, đức hạnh, tài nghệ, năng lực, cho đến phước báo cùng với hết thảy chư Phật là giống nhau, không hai không khác.

Nếu như chúng ta muốn biết hoàn cảnh đời sống vật chất của Phật, thì ở trong kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ chúng ta xem thấy thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở trong kinh Hoa Nghiêm thấy được hoàn cảnh sống của đức Phật Tỳ-lô-giá-na. Thân của các ngài là thân ánh sáng màu vàng, thân kim cang bất hoại, vĩnh viễn không già, không bệnh, không có sanh tử. Trên kinh nói với chúng ta rất rõ ràng về hoàn cảnh cư trú [của các ngài], cung điện lầu các là do bảy báu tạo thành, đất đai của thế giới Tây phương Cực Lạc là làm bằng lưu ly. Lưu ly ngày nay chúng ta gọi là ngọc phỉ thúy, ngọc có màu xanh, trong suốt. Đường đi đắp bằng vàng ròng, chúng ta xem thấy đường đi được làm bằng vàng ròng là chỉ cho sự giàu sang, người thế gian chúng ta không thể sánh bằng. Trong kinh nói, thiên vương trên trời, phước báu của Đại Phạm Thiên vương cũng không thể sánh bằng với người dân bình thường ở thế giới Tây phương Cực Lạc.

Vậy thì ở trong kinh, Phật nói những lời này có phải là để dụ hoặc chúng ta hay không? Hoàn cảnh sinh hoạt của Phật tốt đẹp như vậy. Những gì Phật nói là lời chân thật, tuyệt đối không có dụ hoặc, lừa gạt, không có những lời này. Bạn xem trong năm giới có “không nói dối”, đức Phật làm sao có thể nói dối cho được? Sự thật của nó như thế nào thì nói như vậy. Cho nên trong kinh Kim Cang nói: “Như lai thị chân ngữ giả”, “chân” chính là không giả dối, không hư ngụy. “Thật ngữ giả”, thật là thật thà, trung thực. “Như ngữ giả”, “như” chính là sự thật như thế nào thì y chiếu theo sự thật ấy mà nói, không cần phải thêm một chút, cũng không cần phải bớt một chút, hoàn toàn căn cứ vào chân tướng sự thật để nói, đây gọi là “như ngữ”. “Bất cuống ngữ” cũng chính là không nói dối. “Bất dị ngữ” là những lời của ngài cùng với hết thảy chư Phật đều không khác nhau, Phật Phật đạo đồng, cái thấy của các ngài đều như nhau, cách nói cũng như nhau. Năm loại ngữ mà Phật nói trên kinh Kim Cang thì lấy “như ngữ” làm chính, sự thật đó như thế nào thì y theo sự thật ấy mà nói. Cho nên hết thảy pháp mà chư Phật, Bồ-tát giảng cho chúng ta có thể nói đều là chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

Hoàn cảnh sinh hoạt ngày nay của chúng ta vốn là hoàn cảnh sinh hoạt mỹ mãn thù thắng, nay không còn nữa, bị mất rồi. Phật nói cho chúng ta biết, cái mất này không phải là thật sự mất, mà là mê mất. Bạn đã mê mất tự tánh, trí tuệ đức năng của tự tánh không thể hiện tiền. Giáo học của Phật pháp không có gì khác [chính là] dạy cho chúng ta giác ngộ, dạy chúng ta phá mê, phá mê khai ngộ, vô lượng vô biên đức năng có trong tự tánh của chúng ta tự nhiên sẽ hiện tiền; những cảnh giới hiện ra chính là Hoa Nghiêm và thế giới Tây phương Cực Lạc, hình dáng [hiện ra] đó gần giống nhau, không có khác biệt! Đây là mục đích dạy học của Phật pháp, có thể nói là thù thắng không gì sánh bằng.

Những danh từ như Phật, Bồ-tát, La-hán phía trước đã báo cáo với quý vị rồi, đó là tên gọi của học vị trong giáo dục Phật-đà. Khi chúng ta chân chánh giác ngộ rồi thì lấy được học vị thứ nhất, Chánh giác gọi là A-la-hán; lại tiến thêm một bậc có thể đạt được Chánh đẳng Chánh giác thì là Bồ-tát, học vị của Bồ-tát cao hơn học vị của A-la-hán; đến khi đạt được giác ngộ cứu cánh viên mãn rồi thì chúng ta gọi họ là Phật, cho nên Phật là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có thể thấy được Phật, Bồ-tát, La-hán là tên gọi học vị trong nhà Phật, cũng giống như hiện nay đi học ở trường có những danh xưng như tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân.

Vì vậy Phật pháp là pháp bình đẳng, hết thảy chúng sanh vốn dĩ thành Phật, đây là những gì đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Viên Giác: “Hết thảy chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Vốn dĩ là Phật, hiện nay lại muốn làm Phật thì có lý nào không thành công cho được! Đây đích thật là đã kiến lập đầy đủ lòng tin cho chúng ta trên con đường tu hành chứng quả, chúng ta tu học có căn cứ của lý luận. Lý luận này rất khẳng định, quyết định không phải hư vọng, không phải hư cấu.

Vậy phải làm thế nào để khôi phục tự tánh của chúng ta? Điều này nhất định phải nói đến tu hành. Chúng ta mê, mê chính là sai lầm, đối với cả vũ trụ nhân sinh chúng ta đã nghĩ sai, thấy sai. Tuy thời nay có không ít nhà khoa học, ngày nay gọi họ là nhà lý luận, vật lý học, họ đối với vũ trụ lớn, vũ trụ nhỏ, vũ trụ lớn là thái không, vũ trụ nhỏ là hạt tử, ngày nay còn nói đến lượng tử, đây là vật chất nhỏ nhất. Họ đã làm rất nhiều bài báo cáo cho chúng ta, chúng ta nghe rồi cảm thấy hết sức ngạc nhiên, có phải là chân tướng hay không? Có thể nói là chân tướng, một phần của chân tướng, nhưng không phải là toàn bộ chân tướng. [Đối với] chân tướng cứu cánh viên mãn thì những nhà khoa học, nhà triết học này có cách gì để hiểu rõ hay không? Trên kinh, Phật bảo với chúng ta là không thể được. Nếu như người thế gian có năng lực nhận biết rõ ràng chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì Phật sẽ không cần phải xuất thế, Phật xuất hiện ở thế gian không còn ý nghĩa nữa, những vẫn đề này các bạn đều có thể tự giải quyết. Phật xuất hiện ở thế gian là do các bạn muốn giải quyết vấn đề nhưng không có cách gì giải quyết, ngài không thể không giúp bạn giải quyết.

Vì sao lại nói tất cả học thuyết trên thế gian này không thể giải quyết được vấn đề này? Trên cơ bản mà nói là do phương pháp có sai lầm. Những gì mà người thế gian đang dùng, trong Phật pháp chúng ta gọi là “thế trí biện thông”, thông minh trí tuệ của thế gian, bắt nguồn của thông minh trí tuệ này là đến từ trong tâm ý thức. Bản chất của ý thức là phân biệt và nghiên cứu, chúng ta dùng suy nghĩ, tư duy để nghiên cứu, là dùng cách này để đạt được. Ngày nay lại dùng thêm rất nhiều thiết bị khoa học tiến bộ để quan sát, dùng những cách này. Nhưng Phật nói cho chúng ta biết, phương pháp này không thể giải quyết được vấn đề.

Trong nhà Phật nếu như nói đến triết học thuần túy, thuần là học thuật thì Phật pháp có, không phải không có, những gì Pháp Tướng tông nói chính là nói về điều này. Pháp Tướng tông có thể giải thích được viên mãn hay không? Không thể. Vì sao vậy? Vì dùng suy nghĩ. Suy nghĩ là phân biệt, là ý thức, những gì ý thức có thể giải thích được là có phạm vi nhất định. Trên thực tế thì chân tướng của vũ trụ nhân sinh không thể dùng tâm phân biệt, nghĩa là dùng phương thức tư duy để lý giải, để nghiên cứu thảo luận, Đức Phật bảo chúng ta phải dùng phương pháp gì vậy? Dùng tâm thanh tịnh, dùng công phu thiền định. Thiền định đạt đến độ sâu nhất định thì giống như những gì trên kinh Lăng Nghiêm nói: “Tịnh cực quang thông đạt”, thanh tịnh đến mức độ nhất định thì tâm địa sẽ phóng quang, mới có thể thấy rõ vũ trụ nhân sinh, đạt đến chiếu kiến, lúc đó những gì bạn thấy được chính là chân tướng sự thật.

Cho nên phương pháp của nhà khoa học ngày nay cùng với phương pháp của người học Pháp Tướng trong Pháp Tướng tông của chúng ta là giống nhau, thế nên cùng lắm những gì trong Pháp Tướng tông của chúng ta giảng, họ chỉ có thể giải thích trong phạm vi của a-lại-da thức, phạm vi này thì được. “Duy thức sở biến”, họ có thể giải thích được cái này. Nhưng vào sâu hơn một tầng là “duy tâm sở hiện” thì họ không có cách gì, họ chưa đạt đến. Tâm ý thức này, chúng ta ngày ngày nghĩ, sức mạnh của ý nghĩ rất lớn, bên trong có thể nghĩ tới a-lại-da thức, bên ngoài có thể nghĩ tới hư không pháp giới, có thể thấy được tác dụng của ý thức thứ sáu đích thực là vô cùng rộng lớn, nhưng vẫn không tới được “chân như bổn tánh”. Nói đến chân như bổn tánh thì một chút biện pháp nó cũng không có. Nếu như không minh tâm kiến tánh thì bạn sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

Cho nên có những điều mà nhà khoa học phát hiện được, hiện nay cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng qua mấy mươi năm sau lại có phát hiện mới thì định luật cũ liền bị lật đổ. Hiện nay rất nhiều nhà khoa học biết được, tuy là khoa học kỹ thuật không ngừng tiến bộ nhưng không dám nói định luật đó của họ là chân lý, định luật đó của họ là vĩnh hằng, không ai dám nói những lời này. Người học Phật chúng ta biết được, họ đã dùng sai phương pháp. Nếu như những nhà khoa học này họ chịu tu thiền định vậy thì không còn gì bằng, định mới có thể sanh trí tuệ, trí tuệ mới có thể thấy rõ chân tướng của hết thảy pháp thế xuất thế gian.

Cho nên tu hành rất quan trọng, tu sửa lại những cách nghĩ, cách nhìn, cách nói và cách làm sai lầm của chúng ta, đây gọi là tu hành. Phía trước đã nói qua nguyên lý tu hành là giới – định – tuệ, giới là tuân thủ phép tắc, giữ quy củ; định là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh khởi tác dụng thì sanh trí tuệ, đó là trí tuệ chân thật, không phải là thông minh của thế gian. Người thế gian thông minh, phiền não của họ vẫn chưa có đoạn, thị phi nhân ngã, tham sân si mạn chưa có đoạn, nếu so với người thông thường thì có thể thấy nhạt hơn, nhẹ hơn, nhưng họ vẫn chưa có đoạn dứt. Cho nên điều này ở trong Phật pháp không thừa nhận họ là Chánh giác; tuy họ giác nhưng không tính là Chánh giác. Chánh giác nhất định phải đoạn kiến tư phiền não.

Thế nên từ đây có thể biết, cương lĩnh tu hành của chúng ta là giác – chánh – tịnh. Người mới học Phật thì ban đầu là tiếp nhận Tam quy giới. Tam quy giới là tự mình phát tâm: “Tôi muốn học Phật, tôi muốn tiếp nhận giáo dục của Phật-đà”. Bạn phát tâm này, bạn tìm đến tăng đoàn, tìm đến người xuất gia, vị thầy xuất gia này sẽ đem tổng cương lĩnh, mục tiêu, phương hướng tu học của Phật pháp truyền dạy cho bạn, đây gọi là “truyền thọ tam quy”. Truyền dạy cho bạn những điều này, bạn biết được sắp tới con đường này phải đi như thế nào? Đi về hướng nào?

Quy y Tam bảo, Tam bảo là Phật – Pháp – Tăng, thế nhưng danh từ này rất dễ sanh ra hiểu lầm, vừa nghe nói đến Phật thì nghĩ ngay tới tượng Phật, nghe đến pháp thì nghĩ ngay tới kinh điển, nghe đến tăng liền nghĩ ngay tới người xuất gia. Xin nói cho quý vị biết, ba thứ này không đáng tin cậy. Một đám lửa thì tượng Phật bị cháy rụi, bản thân người xuất gia còn không tu hành, tự mình còn khó giữ, bạn làm sao có thể dựa vào họ? Sao có thể đáng tin cậy được? Cho nên phải hiểu được Tam bảo chân thật là gì? Tượng Phật, kinh sách, người xuất gia chỉ là hình thức của Tam bảo, hình dáng của Tam bảo. Tam bảo có thực chất, thực chất của Tam bảo chính là trong tâm của chính mình, cho nên Phật dạy cho chúng ta quy y Tam bảo chính là quy y “tự tánh Tam bảo”. Tự tánh chúng ta có giác, quy y tự tánh giác. Vậy thì bạn sẽ nói, hiện tại tôi không giác, tôi đang mê, tuy là tự tánh có giác nhưng tự tánh giác đang ở đâu? Bạn phải hiểu được đạo lý này, tại sao bạn lại mê? Mắt tôi thấy sắc, vì sao lại bị mê? Bởi vì bạn có phân biệt, chấp trước nên bạn bị mê. Nếu như bạn rời khỏi phân biệt, chấp trước, tôi hỏi bạn, thứ này để ngay trước mắt bạn, bạn có nhìn thấy hay không? Bạn không thể nói không thấy, [nhìn thấy] rất rõ ràng, rất sáng tỏ nhưng trong tâm không có phân biệt, không có chấp trước, đây chính là giác. Một khi có phân biệt, một khi có chấp trước thì liền bị mê ngay. Bạn phải tỉ mỉ  mà suy nghĩ việc này.

Trước mắt chúng ta đây là gì? Hoa. Nó có màu gì? Màu đỏ, màu vàng, màu xanh, [vậy là] mê rồi. Bạn nói mê ở chỗ nào? Nó vốn dĩ không có tên, vốn dĩ không có màu sắc. Màu sắc từ đâu mà có? Nhà khoa học hiện nay biết được, là do mức độ phản xạ ánh sáng trở lại không giống nhau. Vốn dĩ làm gì có màu sắc, vốn là không có tên gọi. Tướng là tướng giả, tên là do con người đặt cho nó, tên giả. Chúng ta biết được “tên mà có thể gọi được không phải là tên thường hằng”, tên là giả, tướng cũng là giả. Cho nên rời khỏi tất cả danh và tướng thì bạn sẽ thấy được chân tướng. Chúng ta là đang mê trong cái tướng giả và tên giả này, mê trong những hình tướng, sắc tướng và danh tướng này, phải đem những thứ này trừ bỏ đi, đích thực là không chấp trước, bạn phải rèn luyện bản thân như vậy, đây gọi là quy y Phật, quy y giác.

Người ta hỏi bạn đây là gì? Đây là hoa. Vì sao gọi là hoa? Bởi vì quý vị gọi nó là hoa thì tôi cũng gọi nó là hoa, quý vị gọi nó là lá thì tôi cũng gọi nó là lá, tôi là tùy thuận theo chấp trước của mọi người mà gọi, bản thân không chấp trước, đây chính là chư Phật, Bồ-tát. Cho nên tâm các ngài thanh tịnh, mảy trần không nhiễm. Cùng ở với chúng sanh, bạn gọi tên gì thì tôi cũng gọi tên như thế, bạn chấp trước như thế nào thì tôi cũng làm như thế đó, “hằng thuận chúng sanh, hòa quang đồng trần”, nhưng chính mình hoàn toàn sạch sẽ, một chút không tham nhiễm, đây gọi là quy y Giác.

Cho nên sau khi bạn quy y rồi, sau này trong đời sống thường ngày, khi xử sự đối người tiếp vật bạn phải biết dùng tâm như vậy, vậy là bạn giác ngộ rồi, bạn không còn mê hoặc nữa. Tâm của bạn vĩnh viễn là thanh tịnh, vĩnh viễn là bình đẳng, với lại còn có thể giúp đỡ hết thảy chúng sanh, đây gọi là quy y Phật.

Quy y Pháp, pháp là chánh tri chánh kiến, tư tưởng chính xác, kiến giải chính xác, điều này thì khó. Sau khi chân chánh giác ngộ thì tư tưởng, kiến giải đó mới là chính xác, hiện giờ chúng ta vẫn chưa đạt được, chưa đạt được thì phải làm sao? Trước tiên phải tiếp nhận những gì đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng trong kinh điển, cách nghĩ, cách nhìn đó của ngài là chính xác. Trước tiên chúng ta phải nương dựa vào ngài, nhưng nương dựa vào ngài chỉ là một thời gian ngắn, là một giai đoạn mà thôi, Phật không bảo chúng ta cứ nương dựa vào ngài mãi, không có đạo lý này.

Bạn là người mới học, giống như học sinh trong trường phải nhờ cậy vào thầy cô, sau khi tốt nghiệp rồi thì bạn phải tự chủ, bạn phải đi ra ngoài. Cũng giống như cha mẹ nuôi dạy con cái, khi nó còn nhỏ thì bạn cần phải chăm sóc nó, nó phải phụ thuộc vào bạn, khi nó dần dần trưởng thành rồi thì nó sẽ không còn phụ thuộc vào bạn nữa. Nếu cả đời ỷ lại vào bạn, vậy thì đứa trẻ đó chẳng có hi vọng gì.

Phật dạy chúng ta cũng là như vậy, trước khi bạn chưa đại triệt đại ngộ thì phải nương tựa vào thầy, vị thầy nương tựa đó là Thích-ca Mâu-ni Phật. Hôm nay tôi ở nơi đây truyền thọ Tam quy, bạn không thể nương tựa vào tôi. Nương tựa vào tôi thì bạn đã sai, sai lầm nghiêm trọng! Nương tựa vào Thích-ca Mâu-ni Phật, nương tựa vào A-di-đà Phật. Phật ở đâu? Kinh điển chính là Phật. Kinh Vô Lượng Thọ là do Thích-ca Mâu-ni Phật giảng cho chúng ta, 48 nguyện là do A-di-đà Phật giảng cho chúng ta. Chúng ta y theo lời giáo huấn trong kinh điển, chính là nương tựa Phật. Phật đích thân chỉ dạy cho chúng ta thì làm gì có sai lầm! Chúng ta phải thực hành những lời Phật dạy, chúng ta phải nỗ lực đi làm; những gì Phật dạy chúng ta không được làm thì chúng ta nhất định không làm, đây mới là đệ tử Phật, là học trò ngoan của Phật. Tất cả đều lấy đây làm y cứ cho đời sống, công việc, đối nhân xử thế của chúng ta, đó gọi là quy y Pháp.

Quy y Tăng, Tăng đại biểu cho ý nghĩa thanh tịnh, đại biểu cho hòa hợp. Phía trước đã giảng qua “lục hòa kính” cho quý vị, tăng đại biểu cho điều này. Vừa nhìn thấy người xuất gia bạn không nên nghĩ: “Ai da! Người xuất gia này có phải là cao tăng hay không? Người xuất gia này có phá giới hay không?” Họ là cao tăng cũng tốt, phá giới cũng tốt, không liên quan tới bạn. Thế nhưng có một việc liên quan tới chúng ta, chính là nhắc nhở bản thân, ta có tuân thủ lục hòa kính hay không? Ta có tu tâm thanh tịnh hay không? “Tăng là đại biểu cho sáu căn thanh tịnh, mảy trần không nhiễm.” Cho nên khi thấy hình tướng này thì phải nghĩ tới tâm của mình có thanh tịnh hay không. Ý nghĩa của tăng là thanh tịnh, hòa kính, đây mới thật sự gọi là quy y.

Có như vậy thì Tam bảo ở thế gian mới khởi tác dụng. Chúng ta mê đã quá lâu rồi, mê từ vô lượng kiếp đến ngày nay, thường hay phạm phải những tật xấu cũ, thói quen xưa. Ở nơi đây đã thọ Tam quy, đã giảng rõ ràng cho bạn, nhưng vừa ra khỏi cửa liền quên sạch sẽ, vậy thì còn tác dụng gì nữa? Cho nên trong nhà bạn nên có bàn thờ Tam bảo, bạn thờ tượng Phật, nhìn thấy tượng Phật là nhắc nhở chính mình phải giác. Giác cái gì vậy? Sáu căn của ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, ta không phân biệt, không chấp trước. Không khởi tâm, không động niệm là định, không phân biệt, không chấp trước là giác, cách tu định tuệ là như vậy. Không phải từ sáng đến tối xếp bằng quay mặt vào vách, định đó không có tác dụng! Định chân thật là ngay trong đời sống thường ngày, tu định khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần. Không khởi tâm, không động niệm chính là thiền định, không phân biệt, không chấp trước là tuệ, trí tuệ cao độ. Bạn thấy được rất rõ ràng, rất sáng tỏ,  bạn thấy màu sắc bằng tánh thấy, nghe âm thanh bằng tánh nghe.

Người minh tâm kiến tánh, họ khác với chúng ta ở chỗ nào? Chính là khác chỗ này.  Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần là khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước. Sáu căn của họ tiếp xúc với cảnh giới sáu trần là không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm. Cái họ thấy được là chân tướng, cái chúng ta thấy là vọng tướng. Tâm họ dùng là chân tâm bất sanh bất diệt, còn chúng ta là dùng vọng tâm sanh diệt, khác nhau là ở chỗ này. Nếu như bạn học được rồi thì bạn cũng có thể làm Phật, cũng có thể làm Bồ-tát. Bạn phải sáng tỏ đạo lý này, phải hiểu được bí quyết này, biết được chính mình phải tu như thế nào. Điều này chính là trong lúc quy y phải đem đạo lý giảng cho rõ ràng, giảng cho tường tận, đây là chân thật truyền thọ cho bạn.

Nhưng cũng có người nói, khi thượng sư của Mật tông truyền thọ phải quán đảnh, chúng ta không có quán đảnh, vậy là kém hơn họ một bậc rồi. Việc quán đảnh đó có thật sự linh nghiệm hay không? Khi ở Mỹ, tôi đã hỏi qua không ít vị đồng tu, họ rất nhiệt tình lái xe mười mấy giờ đồng hồ đến để nhận quán đảnh của một vị Rinpoche, rưới vài giọt nước lên đầu. Sau khi trở về, tôi hỏi họ: “Bạn đã khai trí tuệ chưa? Phiền não của bạn đã giảm nhẹ hơn chưa?” Họ lắc đầu nói: “Không có!”, vẫn còn tốt, họ còn nói lời thành thật. Tôi nói: “Nếu như vẩy vài giọt nước lên đầu bạn mà gọi là quán đảnh, vậy khi bạn đi tắm dùng vòi hoa sen xối nước lên đầu thì chính là đại quán đảnh rồi!” Không hiểu được phương pháp này, không hiểu được ý nghĩa này, hoàn toàn là làm trên hình thức, bạn nói xem đáng tiếc biết bao! Ngày nay chúng ta quy y, thọ giới đều là hình thức, không giảng rõ ràng cho bạn. “Quán” có ý nghĩa giống như từ bi gia trì. “Đảnh” là Phật pháp thù thắng nhất, là pháp cao nhất! Không gì cao hơn pháp này. Đem chỗ cao nhất của Phật pháp truyền trao cho bạn, dạy cho bạn, đó gọi là quán đảnh.

Quý vị xem chú giải kinh Vô Lượng Thọ của Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trong đó có thọ pháp quán đảnh, chú giải của ông nói được rất rõ ràng. Bản thân Hoàng lão cư sĩ là thượng sư của Mật tông, không gạt người, không yêu cầu người khác đưa tiền. Ở Mỹ mỗi lần quán đảnh phải mất 50 đồng, quy y cũng phải thu tiền. Tôi đến Miami giảng kinh, các đồng tu muốn tôi truyền thọ Tam quy, trước tiên họ hỏi tôi: “Pháp sư, giá quy y của ngài là bao nhiêu?” Bạn nói xem còn có cách gì nữa! Những người trẻ thời nay tiếp nhận qua giáo dục bậc cao, lấy được bằng thạc sĩ, tiến sĩ rồi mà vẫn nghe lời gạt! Tin giả không tin thật, nghe gạt không nghe khuyên, thế giới hiện nay là như vậy, thật khiến người ta cảm thán.

Thế nên, ngày nay chúng ta tu học pháp môn Tịnh độ, biết được ở trong hết thảy kinh điển thì kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất, chân thật là pháp cao nhất! Đem kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà truyền trao cho bạn, đó là đại quán đảnh. Bạn đọc kinh văn này một lần thì hết thảy mười phương chư Phật sẽ quán đảnh cho bạn một lần. Một ngày bạn đọc hai lần thì quán đảnh cho bạn hai lần. Hết thảy mười phương chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn mà bạn không biết, vẫn còn muốn đi tìm một người mê hoặc điên đảo nào đó để vẩy vài giọt nước cho bạn, rồi gọi đó là quán đảnh, bạn nói xem bạn có đáng thương hay không! Cho nên nhất định phải biết được phương pháp tu học, nhất định phải cắm chắc cái nền tảng này. Nền tảng này chính là Tam phước, “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu mười nghiệp thiện”, đây là căn bản. Bắt đầu tu hành từ đâu? Bắt đầu tu từ đây. Nếu như bạn cảm thấy những điều này tôi không thể làm được, thì đó chính là không có thiện căn, không có phước đức. Phật pháp ngay trong một đời này, bạn sẽ không có hy vọng. Bất luận bạn ở trong cửa Phật tu học pháp nào, chỉ được một chút bề ngoài thường thức Phật học mà thôi, bạn nhất định không đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp, vì bạn không thực sự đi làm! Nhất định phải nỗ lực đi làm, phải làm cho bằng được, vậy thì mới đúng. Cho nên điều này quan trọng vô cùng.

Bắt tay làm từ Tam phước, đối nhân xử thế phải y theo Lục hòa kính. Đặc biệt là ngày nay chúng ta di dân sang bên đây, địa phương này cũng có rất nhiều người của các quốc gia khu vực khác di dân đến, hình thành một xã hội đa văn hóa. Khi người của mỗi một quốc gia, khu vực đến bên này sinh sống, bối cảnh văn hóa, bối cảnh lịch sử, hình thái ý thức, tín ngưỡng tôn giáo, phương thức sinh hoạt trong quá khứ đều không giống nhau, chúng ta làm sao có thể chung sống hòa thuận, đôi bên tôn trọng lẫn nhau, đôi bên giúp đỡ lẫn nhau, việc này rất quan trọng! Những việc này đều ở trong Lục hòa kính, “kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân”, đều ở trong đây. Cho nên sau khi chúng ta học rồi liền có tác dụng, liền có hiệu quả! Không những đời sống của chính mình có thể trải qua hạnh phúc mỹ mãn, còn có thể khiến cho xã hội này, khu vực này, quốc gia này đạt được hòa bình an định, phồn vinh thịnh vượng. Chúng ta học Phật là học những điều này.

Những đạo lý, phương pháp, cảnh giới này căn cứ theo kinh điển của Phật, chúng ta phải thâm nhập, nghiên cứu thảo luận, phải giảng giải. Lý thông hiểu rồi, phương pháp hiểu rõ rồi, biết được áp dụng vào trong đời sống như thế nào, áp dụng vào công việc, áp dụng vào trong xử sự đối người tiếp vật. Phật pháp là đời sống, Phật pháp không phải nói suông, không phải học thuyết huyền bí, không phải là thứ sau khi học rồi mà không thể dùng được. Phật pháp không những mang đến hạnh phúc hiện tiền cho chúng ta, hơn nữa Phật pháp còn có thể giúp cho chúng ta đạt được hạnh phúc vĩnh hằng. Giáo dục thế gian nói về một đời, giáo dục của Phật pháp nói đến ba đời, nói về quá khứ, nói đến tương lai, cho nên đây là giáo dục ba đời, giáo dục viên mãn nhất, chúng ta nhất định phải nhận biết nó thật rõ ràng.

Sau cùng chúng ta quy tâm Tịnh độ. Vì sao phải quy tâm Tịnh độ? Trong đây có đạo lý rất sâu. Quy tâm Tịnh độ là hết thảy chư Phật khuyên bảo chúng ta, việc này không phải nói người tu Tịnh độ khuyên quý vị, không phải! Hết thảy mười phương chư Phật khuyến khích quý vị đọc kinh A-di-đà. Quý vị đã đọc qua kinh A-di-đà, trong đó có đoạn tán thán của sáu phương Phật, không có vị Phật nào không tán thán Tịnh độ! Trên kinh Vô Lượng Thọ, Thích-ca Mâu-ni Phật tán thán càng rõ ràng hơn, tán thán A-di-đà Phật là “ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật”, đã tán thán đến tột đỉnh. Chúng ta muốn quy y với một vị Phật, thì “vua trong các vị Phật” là tốt nhất! Cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật không nói rằng: “Bạn quy y với tôi”, ngài khuyên chúng ta quy y với A-di-đà Phật, bởi vì A-di-đà Phật là vua trong các vị Phật.

Chúng ta lại xem từ xưa tới nay, từ trong kinh Hoa Nghiêm thấy được Văn-thù Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát đều cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu thế giới Cực Lạc không thù thắng, Văn-thù, Phổ Hiền là Đẳng giác Bồ-tát của thế giới Hoa Tạng cần gì phải cầu vãng sanh! Vì sao mà các ngài cầu vãng sanh? Điều này đáng để chúng ta suy ngẫm. Nếu Tây phương không phải đặc biệt thù thắng thì đã không vãng sanh thế giới Cực Lạc. Những việc này trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói được rất rõ ràng.

Lúc trước tôi giảng qua kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều lần, hiện nay đồng tu ở Singapore đã đem bộ băng thu âm diễn giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai ở Đồ Thư Quán làm thành đĩa CD, lần này giảng được tương đối kỹ càng đầy đủ, tổng cộng giảng 107 buổi, hình như lần này có mang mấy bộ qua đây, đây là có một vị đồng tu đã phát tâm làm một ngàn bộ. Thời gian lưu giữ của đĩa CD được lâu, chất lượng âm thanh không bị thay đổi, họ nói với tôi là có thể lưu giữ 200 năm mà chất lượng âm thanh không bị thay đổi. Thế nên chúng tôi dùng đĩa CD để sao chép làm thành băng thu âm lưu thông, hiệu quả rất tốt.

Vậy thì vì sao chúng ta tu Tịnh độ? Vì sao phải niệm A-di-đà Phật? Vì sao cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc? Các vị đem bộ [giảng giải] kinh Vô Lượng Thọ này nghe kỹ vài lần thì sẽ hiểu rõ thôi, bạn sẽ biết được phải tu như thế nào, cách học ra sao.

Sau cùng là nói đến quy tâm Tịnh độ. Nếu như chúng ta không muốn lãng phí tinh thần, sức lực và thời gian để nghiên cứu kỹ về chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì học đến đây là được rồi, tương đối đầy đủ. Vì sao vậy? Tương lai đến thế giới Tây phương Cực Lạc, sau khi đến đó rồi thì trí tuệ, đức năng, hết thảy thọ dụng của chúng ta cùng với A-di-đà Phật là bình đẳng, thế giới Tây phương là thế giới bình đẳng. Vậy thì chân tướng của vũ trụ nhân sinh rốt cuộc là như thế nào? Đến thế giới Tây phương Cực Lạc không tới một tuần thì bạn thảy đều hiểu rõ, đây là sự thật. Hà tất phải ở nơi này, ngày ngày phải động não, nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra. Đây là đường tắt! Đường tắt để thành Phật, người thông thường gọi là đạo thành Phật, con đường thành Phật. Tịnh tông chính là đường tắt để thành Phật. Con đường tu đạo rất dài, rất xa, cách xa vời vợi! Pháp môn này là con đường gần, bảo đảm cho chúng ta ngay trong một đời này chắc chắn thành tựu.

Từ đây có thể biết, pháp môn này đích thực thù thắng không gì bằng. Chư Phật tán thán, Bồ-tát tán thán, các vị tổ sư đại đức nhiều đời không có một vị nào không tán thán. Ngay trong đời này, chúng ta có thể gặp được quả thật là rất may mắn, trong kệ khai kinh nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Đây là lời chân thật, không phải giả. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói rằng: “Một ngày hiếm có khó gặp trong vô lượng kiếp đến nay”. Nếu như  chúng ta đem một ngày khó gặp được này bỏ luống qua ngay trước mắt, bạn nói đáng tiếc biết dường nào! Hiếm có khó gặp trong vô lượng kiếp, bạn đã gặp được rồi thì phải nắm chặt lấy nó, nhất định không thể để vuột mất, phải nỗ lực học tập, phải nỗ lực tu hành.

Lần diễn giảng này, tôi nghĩ giảng đến đây thôi, chúng tôi báo cáo tới đây, về sau thời gian của chúng ta còn rất dài, sau khi đạo tràng xây dựng xong, chúng tôi hy vọng có thể thu xếp được nhiều thời gian cùng học tập với chư vị đồng tu.

Sau đây còn nửa tiếng tiếng đồng hồ, chúng tôi làm một nghi thức quy y cho quý vị. Nghi thức Tam quy Ngũ giới này, bởi vì đạo tràng nhỏ nên chúng ta sẽ [tổ chức] nghi thức đơn giản mà long trọng, không trọng hình thức chỉ trọng thực chất, thực chất chính là chúng ta phát tâm thật sự, không phải hữu khẩu vô tâm. Quy y với một vị pháp sư, mang danh nghĩa là đệ tử Phật, là tín đồ Phật giáo, vậy thì sai rồi. Vừa rồi đã nói quy y Tam bảo không phải là quy y với Pháp sư Tịnh Không tôi. Nếu như quý vị có cái quan niệm như: “Tôi quy y với Pháp sư Tịnh Không, tôi là học trò của Pháp sư Tịnh Không”, thì quý vị tương lai đều sẽ đọa địa ngục. Tôi nói lời thành thật với quý vị, phải biết được cái lợi, cái hại của việc này, tương lai khi quý vị đọa địa ngục thì tôi không chịu trách nhiệm.

Vì sao bị đọa địa ngục vậy? Bạn đã phá hoại tăng đoàn. Trong tội ngũ nghịch có “phá hòa hợp tăng”. Chúng ta gia nhập đoàn thể này, tôi nêu ra một thí dụ thì bạn sẽ hiểu, xã hội hiện nay là xã hội dân chủ, đảng chính trị, bạn muốn gia nhập đảng này, trở thành đảng viên của đảng này, lúc vào đảng sẽ có thủ tục, có nghi thức, bạn phải tuyên thệ. Lúc tuyên thệ, đảng bộ cấp trên nhất định sẽ cử một đảng viên có thâm niên đến để giám sát việc tuyên thệ, bạn không hiểu sự việc ra làm sao, bạn liền đi theo họ, tham gia đảng của họ, như vậy có được hay không? Đây là hoàn toàn sai lầm, điểm này nhất định phải nhận thức rõ ràng.

Tôi là người đại diện cho cả tăng đoàn, cho nên bạn quy y là quy y Tam bảo Phật – Pháp – Tăng, không phải quy y cá nhân tôi, lời khai thị của tổ sư đại đức xưa nay cũng là như vậy, đều nói được rất rõ ràng. Bạn xem ngay đến Đại sư Ấn Quang trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai ở Thượng Hải, ngày cuối cùng là truyền thọ Tam quy y, phần sau cũng nói được rất rõ ràng, “không phải quy y với cá nhân Pháp sư Ấn Quang tôi, bạn là quy y với tăng đoàn”. Nhưng đoạn văn phía sau đó, hiện nay in ấn đã đem nó lược bỏ mất, không biết là người nào đã làm việc này. Thế nên, hiện nay thông thường người ta đều hiểu lầm là họ quy y với một vị pháp sư nào đó, đây là sai rồi. Một vị pháp sư là một đoàn thể nhỏ, đôi bên đối lập lẫn nhau, cả tăng đoàn sẽ bị phá hoại. Cho nên bạn không quy y thì sẽ không đọa địa ngục,  một khi quy y liền đọa địa ngục ngay. Tương lai vua Diêm La phán xét bạn đọa địa ngục, bạn nói : “Tôi không có tạo tội”, khi đem chứng thư quy y của bạn ra, thì đây chính là chứng cứ phạm tội. Cho nên chứng thư quy y này của tôi, chữ ký ở phía sau của tôi là A-xà-lê chứng minh Tam quy, tôi là người làm chứng minh cho bạn, bạn là quy y Tam bảo, không phải quy y tôi, phải làm cho rõ ràng, sai một ly là đi ngàn dặm!

Ngày nay Phật pháp suy bại chính là sai ở chỗ này! Mỗi người đều xây dựng đoàn thể riêng của mình, không biết được tận hư không khắp pháp giới là một nhà. Chúng ta phải tôn kính người khác, người khác không tôn kính chúng ta thì đó là việc của họ, chúng ta phải tôn kính họ. Chúng ta phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ, họ không giúp đỡ chúng ta thì đó là việc của họ. Điều này chúng ta không cần phải bận tâm, cứ tận sức làm tròn bổn phận của chính mình là được rồi. Mục tiêu của chúng ta là ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta nhất định phải gặp Phật, phải đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh với Phật, đây là bạn đã thật sự Tam quy.

Nếu như [tâm] người thế gian không có một nơi nương tựa thật sự vững chắc thì việc quy y này của bạn rất trống rỗng, tự tánh giác – chánh – tịnh, bạn làm cách nào để giác cũng giác không được. Cho nên chúng ta nhất định phải tìm một hình tượng, nếu như trong tâm có nơi nương tựa thì sẽ yên tâm hơn một chút. Nếu quý vị có cách nghĩ như vậy thì tôi sẽ giới thiệu để thỏa mãn nguyện vọng của mọi người. Chúng ta quy y Phật là quy y A-di-đà Phật, chúng ta làm đệ tử của Di-đà Về sau có ai hỏi bạn: “Bạn quy y với vị nào vậy?”,  “tôi quy y với A-di-đà Phật”, không thể nói: “Tôi quy y với Pháp sư Tịnh Không”, đó là bạn sai rồi. Bạn quy y với A-di-đà Phật, ai làm chứng minh cho bạn? Pháp sư Tịnh Không làm chứng minh cho bạn, vậy thì đúng. Tôi làm chứng minh cho bạn quy y với A-di-đà Phật. Pháp bảo là “tôi quy y kinh Vô Lượng Thọ”. Tăng bảo là “tôi quy y với Quán Thế Âm Bồ-tát, quy y với Đại Thế Chí Bồ-tát”, hai ngài là Tăng bảo. Tam bảo đều đầy đủ, chúng ta thật sự có nơi nương tựa. Tốt rồi, bây giờ chúng ta cử hành nghi thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *