Nếu chỉ muốn nghe Audio (lặp đi lặp lại, tắt màn điện thoại vẫn nghe được), vui lòng bấm vào nút Play ở góc dưới màn hình.
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
(Giáo Dục Hạnh Phúc Mỹ Mãn)
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng ngày 6-10/01/1996 tại thành phố Brisbane, Queensland, Australia.
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 17-013-0001 … 0005
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)
TẬP 1
Chư vị đồng tu, xin chào mọi người! Hôm nay là ngày đầu năm mới, chúng ta có thể ở Úc Châu, tụ hội về nơi đây cùng mọi người thảo luận Phật pháp, tôi cảm thấy rất vui, nhân duyên thật sự thù thắng không gì bằng.
Đề tài giảng giải lần này chúng tôi chọn là “Nhận Thức Phật Giáo”. Đề tài này là trước kia ở San Francisco có một nơi gọi là miếu Bà Thiên Hậu[1], miếu này là từ Đài Loan phân nhánh sang nước Mỹ. Khi miếu Bà Thiên Hậu mời tôi đến diễn giảng thì tôi liền nghĩ ngay đến đề tài này, đồng thời cũng viết ra một đại cương như vậy. Nhưng mà lúc đó thời gian chỉ có một tiếng rưỡi đồng hồ, không thể nào giới thiệu tường tận được. Sau này, vào năm 1992 trong buổi phỏng vấn ở thành phố Miami thuộc miền Đông nước Mỹ, lúc đó ở mỗi một thành phố tôi đều giới thiệu cho mọi người đại ý kinh Địa Tạng. Sau khi đến Miami, cư sĩ Tăng Hiến Vĩ, sau này ông cũng xuất gia rồi, tiếng Anh của ông rất tốt, năng lực phiên dịch rất giỏi; lúc bấy giờ cũng có một số người nước ngoài đến nghe, tôi xem thấy tình hình của hội trường khi đó liền đem đề tài giảng sửa lại, không còn giới thiệu kinh Địa Tạng nữa mà chuyển thành giới thiệu Nhận Thức Phật Giáo.
Tôi còn nhớ thính chúng ở Miami so với hội trường hiện tại của chúng ta ít hơn một nửa. Nhưng ảnh hưởng của tuần diễn giảng đó là vô cùng lớn, những băng thu âm này về sau được viết thành sách, lưu thông phổ biến trên toàn thế giới, số lượng in ấn cũng rất nhiều, tôi nghĩ quý vị cũng đã xem qua.
Lần này tôi hoằng pháp ở Singapore, các đồng tu Singapore gần đây muốn đem những băng thu âm này làm thành đĩa CD để thuận tiện cho việc lưu giữ. Mọi người đến nói với tôi rằng: Nhận Thức Phật Giáo, quyển sách nhỏ này rất quan trọng, đáng tiếc là chưa có băng thu hình, nếu như có thể thu hình làm thành đĩa DVD thì đó là việc lý tưởng nhất. Thế nên lần này, chúng tôi có cơ duyên đến nơi đây sẽ thành toàn nguyện vọng của họ. Lần này chúng tôi sẽ ghi hình làm một bộ đĩa thật tốt, tương lai có thể lưu thông khắp nơi. Đây là nói sơ qua một chút để cho quý vị biết về nhân duyên này.
[Nói đến việc] Học Phật, ngày nay chúng ta ở rất nhiều địa phương, khu vực, quốc gia nhìn thấy người học Phật càng ngày càng nhiều, nhưng rốt cuộc Phật pháp là gì? Người thật sự có thể nói được rõ ràng, làm cho sáng tỏ thật sự không nhiều. Do đó, đề mục này đích thực là vô cùng quan trọng. Ở Trung Quốc trước đây, vào những năm đầu dân quốc, hình như là năm dân quốc thứ mười hai, khi đó có một vị tiên sinh tên là Âu Dương Cánh Vô, tôi nghĩ những người có hiểu biết đôi chút đối với Phật giáo thời cận đại của Trung Quốc đều biết Đại sư Âu Dương. Ông đã từng ở trường Đại học Trung Sơn Đệ Tứ tổ chức một buổi diễn giảng, đề mục của ông là: “Phật pháp không phải là tôn giáo, không phải là triết học, mà là điều người thời nay không thể thiếu”. Lần diễn giảng ấy quả thật đã làm chấn động cả giới Phật giáo Trung Quốc. Bởi vì thông thường mọi người đều xem Phật giáo là tôn giáo. Vì sao Phật giáo không phải là tôn giáo? Trong giới học thuật, đặc biệt là giới học thuật Nhật Bản, đã xem Phật giáo thành triết học, Đại sư Âu Dương nói Phật giáo cũng không phải triết học. Nhưng rốt cuộc Phật giáo là gì thì ông ấy không nói. Ông chỉ nói, “là điều mà người thời nay không thể thiếu”, chính là điều mà người thời nay nhất định phải học tập.Lần diễn giảng này, do học trò của ông là cư sĩ Vương Ân Dương ghi chép lại và lưu thông, cũng rất nổi tiếng vào những năm đầu Dân Quốc. Vào năm 1977, tôi ở Thư viện Phật Giáo Trung Hoa Hồng Kông xem thấy bản chép của buổi diễn giảng này, sau đó tôi mang đến Đài Loan in lại, cũng đã lưu thông không ít. Sau khi chúng tôi đọc xong quyển sách nhỏ này cảm thấy quan điểm của ông rất chính xác.
Vậy thì Phật giáo rốt cuộc là gì? Chúng ta nhất định phải đem nó nhận thức cho rõ ràng. “Phật giáo là giáo dục, đích thật là giáo dục chí thiện viên mãn của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đối với chúng sanh trong chín pháp giới”.
Từ những chỗ nào chúng ta có thể thấy ra được? Trước tiên là từ trong cách thức xưng hô của Phật giáo chúng ta có thể thấy ra được. Bạn xem, chúng ta xưng đức Phật Thích-ca Mâu-ni là “Bổn sư”, sư là thầy giáo, Bổn sư chính là vị thầy căn bản, dùng lời hiện nay mà nói thì chính là người sáng lập ra giáo học này, ngài là vị thầy đầu tiên. Còn chúng ta tự xưng là “đệ tử”, đệ tử là học trò. Cho nên từ trên cách xưng hô thấy được rất rõ ràng, chúng ta cùng với Phật là quan hệ thầy trò. Trong tôn giáo không có cách xưng hô này, trong tôn giáo là quan hệ chủ tớ, quan hệ cha con, quan hệ thần với người. Loại quan hệ như vậy ở trong nhà Phật không có, đây là điều mà chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng.
- Người sáng lập ra Phật giáo là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, về lịch sử của Ngài thì chúng ta ở nơi đây không cần phải mất thời gian giới thiệu, trong sử truyện chúng ta cũng có thể xem thấy được. Ngài sinh ra ở bắc Ấn Độ, ngày nay là Nepal, phía nam núi Himalaya. Ngài sinh vào năm Giáp Dần, Chu Chiêu Vương năm thứ 26 của Trung Quốc, Phật diệt độ vào thời Chu Mục Vương năm thứ 53, đây là được ghi chép trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng về niên đại của Phật thì Trung Quốc và ngoại quốc ghi chép có sự khác biệt rất lớn, nếu căn cứ theo ghi chép này thì sau khi Phật diệt độ đến nay đáng lẽ là 3021 năm. Nhưng theo ghi chép của người ngoại quốc thì năm nay mới chỉ hơn 2500 năm, khác biệt nhau gần 600 năm. Sự việc này không chỉ riêng Phật-đà, phàm là khảo chứng niên đại năm sinh, năm mất của người xưa, hầu như đều có rất nhiều cách nói khác nhau, rốt cuộc cách nói nào mới chính xác? Vấn đề này rất khó đoán định, cũng có thể nói là không có cách gì để xác định. Nhưng mà những việc này thật ra mà nói cũng chẳng phải quan trọng lắm, chúng ta không làm công tác khảo cổ cho nên việc này không quan trọng, quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ giáo nghĩa của đức Phật. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thật sự là nhân vật có thật, năm xưa Ngài giảng kinh thuyết pháp chân thật đã lưu lại rất nhiều kinh điển, việc này đáng được chúng ta khẳng định.
Phật giáo chính thức truyền đến Trung Quốc là vào năm Vĩnh Bình thứ 10 thời Hậu Hán (công nguyên năm 67), đây là chính thức được triều đình Trung Quốc tiếp nhận, cũng chính là đế vương Trung Quốc phái đặc sứ đi thỉnh mời đến Trung Quốc. Việc Phật giáo chưa chính thức truyền đến Trung Quốc trong lịch sử cũng có ghi chép lại, đại khái lúc đó là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có tin tức Phật giáo truyền đến Trung Quốc. Nhưng chúng ta từ trên lịch sử mà nói, vẫn là lấy năm quốc gia chính thức thỉnh mời để ghi chép lại.
Phật giáo là gì? Chúng ta y theo cương lĩnh này mà nói, Phật giáo là giáo dục của Phật-đà. Phật-đà là dịch âm từ tiếng Phạn của Ấn Độ, ý nghĩa của nó là trí tuệ, là giác ngộ. Vì sao năm xưa lúc phiên dịch lại không dịch từ này thành Trí Giác? Nếu dịch thành Trí Giác thì ngày nay chúng ta xem đến danh từ này liền sẽ hiểu được, không đến nỗi mơ hồ. Vì sao lại không dịch như vậy? Đây là thể lệ trong phiên dịch kinh điển của thời xưa, có năm loại không dịch gọi là “ngũ bất phiên”. Thuộc về một trong năm loại không dịch, điều này là thuộc về “hàm nghĩa nhiều nên không dịch”, ý nghĩa bao hàm trong danh từ này quá nhiều, trong từ vựng Trung Quốc không tìm ra được một từ tương đương để phiên dịch, cho nên liền dùng dịch âm, sau đó thêm vào phần giải thích.
Trí mà trong chữ Phật-đà này nói cùng với trí tuệ trong khái niệm thông thường của chúng ta là không giống nhau, do đó nhất định phải thêm phần giải thích. Trí tuệ của Phật-đà, nếu như nói một cách khái quát thì chính là đối với vũ trụ nhân sinh, quá khứ vị lai, hết thảy các pháp ngài đều hiểu rõ, mà còn hiểu một cách chính xác, hiểu một cách viên mãn rốt ráo, trí tuệ như vậy mới gọi là Phật-đà.
Chúng ta sau khi nghe cách nói này, người mới nghe qua quả thật là rất khó tiếp nhận! Điểm này có một chút giống như trong tôn giáo gọi Thượng đế là “toàn tri toàn năng”. Con người sao có thể là toàn tri toàn năng cho được? Thế nhưng đức Phật Thích Ca nói cho chúng ta biết, hết thảy chúng sanh, bao gồm cả bản thân chúng ta trong đó, thật sự đều có trí tuệ này, đều có năng lực này. Do đó, Phật pháp đối với hết thảy chúng sanh đều có cách nhìn bình đẳng, vốn dĩ là bình đẳng. Phật không cao hơn chúng ta một bậc, chúng ta cũng chẳng thấp hơn Phật một bậc, đều là bình đẳng. Tuy là bình đẳng nhưng năng lực, trí tuệ của chúng ta hiện nay thật sự là có khác nhau.
Ở trong xã hội này có người thông minh, cũng có người ngu si, có người năng lực rất giỏi, cũng có người năng lực rất yếu kém. Vì sao lại sinh ra hiện tượng này? Phật bảo với chúng ta, đây là bởi vì bạn đã mê mất bản năng của mình. Bạn vốn dĩ có trí tuệ, trí tuệ cứu cánh viên mãn, nhưng bạn mê mất rồi. Mê mất, chẳng phải là mất thật sự, chỉ là mê mà thôi. Nếu như có thể phá trừ mê hoặc thì năng lực của bạn sẽ hồi phục trở lại. Thế nên Phật dạy cho chúng ta không có gì khác, chính là bảo chúng ta đem mê hoặc điên đảo trừ bỏ đi, khôi phục lại bản năng của chúng ta mà thôi. Cho nên nói: “Phật độ chúng sanh”, trên kinh Đại thừa thường nói: “Phật đâu có độ chúng sanh!”, Phật không hề độ chúng sanh. Chúng sanh làm thế nào thành Phật? Là chính bạn tự thành Phật, Phật chỉ ở giữa giúp đỡ bạn, sự giúp đỡ này là xem bạn mê như thế nào, đem những chân tướng sự thật này nói ra cho bạn biết, sau nghe xong bạn liền giác ngộ, rồi sau đó bạn đem mê hoặc của mình buông bỏ thì bạn sẽ thành Phật.
Từ chỗ này xem thấy, Phật pháp đích thực là sư đạo, thầy giáo chỉ có thể dạy bảo chúng ta, còn thành tựu của học trò thì suy cho cùng vẫn phải do chính bản thân học trò nỗ lực phấn đấu mới có thể thành tựu, ở phương diện này thầy giáo không thể giúp đỡ gì được. Điều mà thầy giáo có thể giúp đỡ chỉ là đem những lý luận này nói rõ ràng, đem phương pháp, kinh nghiệm tu học chứng quả của chính mình cung cấp cho chúng ta làm tham khảo mà thôi. Thế nên, trong Phật pháp không có mê tín, điều này trước tiên chúng ta phải đem nó nhận thức cho rõ ràng, phải đem quan niệm này sửa đổi trở lại. “Phật pháp là giáo dục, Phật pháp là sư đạo”, chúng ta phải xem Phật là thầy giáo.
Ngày nay chúng ta xây dựng đạo tràng, chúng ta cúng tượng Phật, không phải đã xem Phật như thần linh rồi sao! Nếu xem Phật, Bồ-tát giống như thần linh để cầu cúng thì đó là tôn giáo. Thế nên ngày nay, chúng ta gọi Phật giáo là tôn giáo, thực tế mà nói cũng không thể nào phủ nhận được, vì sao vậy? Phật giáo đích thực đã biến thành tôn giáo rồi, đây là việc rất bất hạnh. Bạn xem người học Phật rất nhiều, có mấy ai không xem Phật, Bồ-tát như thần linh để cầu cúng, xem như thần linh để cúng bái, đây là việc sai lầm rất lớn, đã sai từ rất lâu rồi. Người sáng tỏ biết được, chúng ta cúng dường hình tượng Phật là có hai ý nghĩa:
– Ý nghĩa thứ nhất là báo ân, ý nghĩa kỷ niệm. Giáo dục tốt như vậy, chúng ta có thể gặp được, có thể tiếp nhận ngay trong đời này thật sự là quá may mắn! Kệ khai kinh thường nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”, điều này một chút cũng không giả. Chúng ta cảm ân đội đức đối với thầy, kỉ niệm thầy, cũng giống như người Trung Quốc chúng ta cúng dường bài vị tổ tiên vậy, đây là “uống nước nhớ nguồn”, chúng ta có ân tình sâu dày như vậy ở bên trong.
– Ý nghĩa thứ hai là thấy người hiền muốn noi theo. Nghĩ thử xem, đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng là người bình thường, ngài có thể giác ngộ, ngài có thể thành tựu, vì sao tôi không giác ngộ? Vì sao tôi không thành tựu? Cho nên, tôn tượng này đặt ở nơi đó là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính chúng ta, là ý nghĩa này, tuyệt đối chẳng phải mê tín! Không phải xem tượng Phật, Bồ-tát như thần linh để cầu cúng. Trong Phật giáo, hình tượng Phật, Bồ-tát có rất nhiều, cho nên có một số người cho rằng Phật giáo không những là tôn giáo, mà còn là tôn giáo cấp thấp, tôn giáo cấp thấp chính là “đa thần giáo, phiếm thần giáo”[2]. Tôn giáo cấp cao chỉ có một vị thần, chỉ có một chân thần, thần của Phật giáo thì quá nhiều quá nhiều rồi, mấy nghìn mấy vạn, cho nên Phật giáo không những biến thành tôn giáo, mà còn biến thành tôn giáo cấp thấp. Kỳ thật điều này hoàn toàn là bị người ta hiểu lầm.
Trong Phật pháp, danh hiệu của Phật đích thực là rất nhiều. Bạn xem đức Phật giảng kinh Vạn Phật Danh cho chúng ta, trong Đại Tạng Kinh có một bộ kinh gọi là kinh Vạn Phật Danh. Thế Tôn kể ra cho chúng ta khoảng hơn mười hai ngàn danh hiệu Phật, còn danh hiệu của Bồ-tát thì càng nhiều hơn nữa. Vì sao lại có nhiều Phật, nhiều Bồ-tát đến như vậy? Quý vị nhất định phải biết một sự thật, đó là trí tuệ trong bổn tánh của chính chúng ta là vô lượng vô biên, đức năng tài nghệ cũng là vô lượng vô biên, một danh hiệu thì không có cách nào để biểu đạt hết. Giống như trong xã hội hiện nay, một người có địa vị, có tài năng, một khi danh thiếp của họ lấy ra thì có đến mười mấy, hai mươi mấy loại chức danh. Một chức danh thì được rồi, tại sao họ phải đặt ra nhiều loại như vậy? Danh hiệu đó của đức Phật Thích-ca Mâu-ni nêu ra có đến mấy vạn danh hiệu! Biểu thị vô lượng vô biên đức năng của Ngài, ý nghĩa là như vậy. Tất cả danh hiệu của chư Phật là biểu thị cho đức năng vốn có đầy đủ trong bổn tánh của chúng ta. Vì vậy, hết thảy các danh hiệu Phật chính là bản thân bạn, không phải người khác, phải hiểu được điều này.
Hết thảy danh hiệu Bồ-tát biểu thị cho tu đức của chúng ta, bản năng trong tự tánh của chúng ta là vô lượng vô biên, nhưng nếu không cố gắng tu tập, năng lực đó của chúng ta một thứ cũng không thể hiển lộ, cho nên nhất định phải nỗ lực tu tập. “Danh hiệu của Bồ-tát đại biểu cho tu đức, danh hiệu của Phật đại biểu cho tánh đức”, hoàn toàn là chính mình, ngoại trừ mình ra quyết định không có người thứ hai.
Bạn phải hiểu rõ ý nghĩa này thì bạn mới biết được phương thức giáo học của Phật pháp, nếu dùng lời hiện nay để nói, đây là đã đạt tới nghệ thuật hóa cao độ. Phật giáo không chỉ có danh hiệu, mà còn dùng những hình tượng điêu khắc, đắp nặn để làm biểu pháp, bạn nhất định phải hiểu rõ hàm nghĩa chân thật của việc ấy; thật sự sáng tỏ rồi, bạn mới đạt được lợi ích chân thật của giáo học Phật pháp, đây là điều đầu tiên chúng ta cần phải biết.
Phật pháp truyền đến đời sau, Phật-đà không còn ở đời, đệ tử Phật đem lời giáo huấn của thầy đời đời tương truyền lại. Trong nhà Phật chúng ta thường nghe đến cách xưng hô “hòa thượng” và “A-xà-lê”. A-xà-lê, người Trung Quốc chúng ta quen gọi là “pháp sư”. Những danh xưng này trong tôn giáo không có. Hòa thượng và A-xà-lê đều là âm tiếng Phạn của Ấn Độ, ý nghĩa của hòa thượng là thân giáo sư , nếu dùng lời hiện nay mà nói thì chính là vị thầy đích thân dạy bảo chúng ta, chúng ta liền xưng người ấy là hòa thượng. Ở trong một trường học, đích thân dạy bảo học sinh là hiệu trưởng, chính sách giáo dục là do ông quyết định, khóa trình là do ông chỉ đạo, những giáo viên kia là chấp hành theo sự chỉ đạo của ông, giúp đỡ ông dạy học. Thế nên, thành công hay thất bại trong việc dạy học là do hiệu trưởng chịu trách nhiệm, giáo viên không chịu trách nhiệm, vì thế hiệu trưởng chính là hòa thượng, là thân giáo sư.
Hòa thượng, cách xưng hô này vô cùng tôn quý, hết sức thân mật. Thế nên trong trường đại học hiện nay, ngoại trừ hiệu trưởng ra còn có chỉ đạo giáo thọ, chỉ đạo giáo thọ có thể nói vị ấy cũng là thân giáo sư, cũng có thể xưng vị ấy là hòa thượng. Cho nên hòa thượng là một danh từ phổ thông, chẳng phải là một danh từ chuyên dùng trong nhà Phật, người đích thân dạy bảo mình thì chúng ta gọi vị ấy là hòa thượng. Giống như đi học trong trường vậy, chúng ta chỉ gọi hiệu trưởng là hòa thượng, còn tất cả các thầy cô khác chúng ta gọi là A-xà-lê, hiện nay gọi là giáo thọ. Ý nghĩa của từ A-xà-lê so với ý nghĩa của từ giáo thọ còn viên mãn hơn, lời nói cử chỉ của vị thầy này có thể làm gương mẫu cho mình, mình nên theo thầy ấy học tập. Cho nên A-xà-lê được gọi là người thầy mẫu mực, lời nói và hành vi của thầy có thể làm mô phạm cho mình, làm điển hình cho mình, người như vậy bình thường chúng ta gọi là thầy giáo. Thế nên ở trong nhà Phật, từ trên cách xưng hô chúng ta cũng có thể biết được Phật giáo đích thật là thuộc về sư đạo, không phải thần đạo, tôn giáo là thần đạo.
Nếu nói lời khó nghe thì tôn giáo đều là mê tín, còn tông chỉ của Phật pháp là phá mê khai ngộ. Phật nói ra vì sao cuộc sống của bạn lại khổ đến như vậy? Vì sao lại có lục đạo luân hồi[3]? Là bởi vì bạn mê, đã mê mất đi bổn tánh của mình, mê mất đi tự tâm của mình, vì thế nên trí tuệ, đức năng của bạn không thể hiện tiền, bạn mới làm những việc hồ đồ sai trái. Đối với vũ trụ nhân sinh thì cách nghĩ, cách nhìn, cách nói và cách làm của bạn thảy đều sai lầm. Đã làm sai rồi thì về sau nhất định sẽ có hậu quả, hậu quả chính là lục đạo luân hồi, chính là hiện nay phải trải qua những ngày tháng khổ sở đến như vậy. Mục đích của giáo học Phật pháp là muốn giúp chúng ta lìa khổ được vui, lìa khổ được vui là nói từ trên quả, trên thực tế là hướng dẫn chúng ta phá mê khai ngộ.
Phật nói khổ từ đâu mà đến? Từ mê mà đến. Bạn đối với vũ trụ nhân sinh, vũ trụ là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, nhân sinh là bản thân chúng ta; nếu đối với bản thân, đối với hoàn cảnh sinh hoạt của chính bạn đều hoàn toàn không hiểu, vậy thì khổ thôi! Bạn nghĩ sai, nhìn sai, làm sai, vậy thì bạn làm sao không khổ cho được? Nếu như bạn đều rõ ràng, đều hiểu rõ, triệt để sáng tỏ rồi thì bạn liền được vui. Vì sao vậy? Cách nhìn, cách nghĩ của bạn đều chính xác, hoàn toàn không có sai lầm thì đời sống của bạn đương nhiên sẽ an vui. Cho nên, phá mê khai ngộ là nhân, lìa khổ được vui là quả, đây là sự hưởng thụ của bản thân chúng ta. Thầy dạy cho chúng ta làm thế nào phá mê, làm thế nào khai ngộ, thầy đối với chúng ta không có một chút mong cầu gì, việc này quý vị nhất định phải biết.
Chúng ta là đệ tử Phật, học tập theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật có mong cầu điều gì ở chúng ta hay không? Đều không có, điều gì cũng không có, là vô điều kiện! Hết thảy những việc này đều phải làm cho rõ ràng. Một vị thầy tốt chân thật sẽ không có bất cứ điều gì mong cầu ở học trò, nhìn thấy học trò này giác ngộ rồi thì rất vui mừng! Nhìn thấy học trò này lìa khổ được vui thì rất hoan hỷ! Giống như cha mẹ nhìn thấy con cái của mình vậy, nuôi dạy con cái nên người, sự nghiệp thành đạt trong xã hội, khi nhìn thấy rồi thì rất hoan hỉ, rất vui mừng, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.
Ý nghĩa của chữ Phật là trí, trí này là thể, tác dụng của nó chính là giác ngộ, cho nên có thể, có dụng. Sự giác ngộ của nó là gì? Thông thường chúng ta gọi là pháp, dùng chữ này làm danh từ thay thế. “Pháp là danh từ thay thế cho toàn bộ vạn vật có trong vũ trụ, sự lý trong tâm cảnh”, câu nói này chính là đối với lý luận, chân tướng sự thật của tâm tư, cảnh giới, vũ trụ nhân sinh thảy đều có thể lý giải một cách chính xác, đây gọi là giác, đây chính là giác ngộ.
Phật pháp vì sao không thuộc về triết học? Tiên sinh Âu Dương Cánh Vô nói cũng rất có đạo lý, “Phật pháp không phải là tôn giáo”, nghĩ lại thì Phật giáo đích thực không phải là tôn giáo. Vì sao Phật giáo không phải là triết học? Trong triết học có năng giác, có sở giác, có năng và có sở, trong Phật pháp không có năng và sở, việc này rất không dễ hiểu, chúng ta nói Phật pháp rất thâm sâu, sâu ngay chỗ này. Trong Phật pháp giảng năng và sở là một chứ không phải hai. Trong kinh Kim Cang có nói: “Như Lai giả, chư pháp như nghĩa”, mà trong kinh điển đức Thế Tôn lại giải thích ý nghĩa của chữ “như”, như là gì? Là nhất như, vạn pháp nhất như. Nhất mới như, nhị thì không như. Năng giác và sở giác nếu như là hai thì chẳng phải là “chư pháp như nghĩa” rồi. Còn nói nhị chính là triết học, ngày nay chúng ta dùng định nghĩa triết học có thể bao hàm nó, nhưng nó không phải là hai mà là một, điều này trong triết học không có. “Năng sở bất nhị”, ý nghĩa này rất thâm sâu, cũng rất khó hiểu!
Người xưa bất đắc dĩ dùng nhiều loại thí dụ, chẳng hạn như chúng ta thường nghe đến việc “lấy vàng làm đồ vật thì mọi đồ vật đều là vàng”, vàng cùng đồ vật là một hay là hai? Từ trên tướng mà nhìn thì là hai, nhưng từ trên thể mà nhìn thì lại là một, không phải là một nhưng cũng không khác nhau, đây là chân tướng sự thật. Điều này phải rất tỉ mỉ mà đi thể hội thì mới có thể chân chánh hiểu rõ được chân tướng của vũ trụ nhân sinh.
Có thể nói hết thảy kinh điển Đại thừa đều là nói đạo lý này, đều là nói sự thật này. Sự thật này rất khó lý giải, thật sự hiểu rõ rồi, nhận biết rõ ràng rồi thì gọi là “Phật tri Phật kiến”. Kiến giải của bạn, tư tưởng của bạn cùng với chư Phật Như Lai là hoàn toàn giống nhau. Nhưng phàm phu chúng ta đang mê, mê ở chỗ nào? Lúc nào cũng đem mọi việc phân thành đối lập, không biết rằng hết thảy sự việc đều là một, không phải hai.
Sau khi chúng ta hiểu sơ lược về ý nghĩa hai chữ “Phật pháp” này, vậy bạn sẽ mong cầu điều gì ở Phật pháp? Việc này các vị nhất định phải biết. Rất nhiều người học Phật, họ cầu điều gì trong cửa Phật? Cầu phát tài, cầu thăng quan, cầu bình an, cầu những thứ này. Cầu những thứ này thì trong cửa Phật cầu không được, vậy thì đi cầu thần! Chân thật nói cho các bạn biết, thần cũng không có cách gì, cũng không thể nào giúp bạn, đây đều gọi là mê tín, đây gọi là làm xằng làm bậy, việc này làm sai rồi.
Điều mong cầu trong Phật pháp, bạn xem trong hết thảy kinh luận có một danh từ gọi là “A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”, chúng tôi cũng in ở trên mặt ngoài này, đây chính là điều mong cầu trong Phật pháp. Danh từ này có thể đem nó dịch ra nhưng không dịch, vẫn là dùng dịch âm tiếng Phạn, thể loại không dịch này gọi là “tôn trọng không dịch”. Chúng ta đối với danh từ này vô cùng tôn trọng, giữ lại âm Phạn của danh từ chính là tôn trọng chữ đó. Không giống như chữ Phật-đà, bên trong chữ đó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa nên không dịch, trong đó bao hàm rất nhiều ý nghĩa. A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề dịch sang tiếng Trung Quốc nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. “Bồ-đề” dịch là giác, âm “Tam” này dịch thành chánh, đây là mục đích của giáo học Phật pháp. Phật dạy chúng ta, hy vọng chúng ta thành tựu điều gì? Chính là hy vọng chúng ta đều có thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, danh từ này cũng phải mất một chút thời gian đem nó giảng giải cho rõ. Điều mong cầu trong Phật pháp quá ư là quan trọng, chúng ta học điều gì từ đức Phật Thích-ca Mâu-ni? Chính là học điều này!
Trước tiên giảng về Chánh giác, giác là giác ngộ. Thế gian cũng có người rất thông minh, rất có trí tuệ, nhà khoa học hiện nay tương đối thông minh, khoa học kĩ thuật đổi mới từng ngày, bạn có thể nói họ không giác ngộ được sao! Bạn có thể nói họ không thông minh hay sao! Các nhà triết học, nhà tôn giáo đều rất thông minh, năng lực giác của họ siêu vượt hơn người thường. Phật đều không thừa nhận họ là chánh giác, họ tuy có giác nhưng Phật nói họ không phải chánh giác. Điểm quan trọng để nhận biết của nhà Phật chúng ta là ở chữ “chánh”, chữ “chánh” này là bảng hiệu để nhận biết, không thể tùy tiện dùng cho người khác. Vì sao họ giác nhưng không chánh? Vì phiền não của họ chưa có đoạn dứt, tâm của họ không thanh tịnh. Bạn xem, họ có thị – phi, nhân – ngã, họ có tham sân si mạn, họ vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm không thanh tịnh! Tâm không thanh tịnh thì dù cho năng lực giác đó của họ có cao hơn đi nữa thì cũng không phải là chánh giác.
Cho nên cái chánh giác này của Phật pháp là tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh sanh trí tuệ, giác ngộ rồi thì đó gọi là chánh giác. Do đó, tiêu chuẩn chánh giác này trong pháp thế gian không có, chúng sanh trong sáu đường đều là tà tri tà kiến, không phải chánh giác. Phật hy vọng chúng ta đạt đến chánh giác. Đạt được chánh giác, trong nhà Phật chúng ta cũng có một học vị, giống như hiện nay đi học vậy, chúng ta lấy được học vị, học vị này là thấp nhất; như trong học đại học, khi tốt nghiệp đại học rồi lấy được học vị cử nhân. Chánh giác của nhà Phật là học vị sơ cấp thứ nhất, tên của nó gọi là A-la-hán. Mọi người phải biết, A-la-hán, Bồ-tát, Phật đều là những tên gọi cho học vị trong nhà Phật, điều này phải biết, bạn đạt được chánh giác rồi sẽ gọi bạn là A-la-hán. A-la-hán thì kiến tư phiền não không còn nữa, đây là quả vị Tiểu thừa.
Không những A-la-hán không có ý niệm nhân – ngã, thị – phi, mà ngay cả những ý niệm như tham sân si mạn này cũng không còn nữa. Lúc trước chúng tôi luôn nghĩ rằng phải chứng được quả vị A-la-hán mới có thể đem kiến tư phiền não đoạn hết, không còn chấp trước thân này là ta nữa. Đâu biết được Phật đã nói trong kinh Kim Cang, sơ quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa, quả vị này cách A-la-hán rất xa rất xa, sơ quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa đã phá được bốn tướng. Trong kinh Kim Cang nói “tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả”, đây là trong kinh Kim Cang xem thấy được. Thảo nào Phật nói sơ quả gọi là “Nhập lưu”, họ đã nhập vào dòng thánh nhân, họ chứng được quả vị bất thối, tuyệt đối sẽ không thối chuyển làm phàm phu, nguyên nhân là gì? Họ không chấp trước vào nhân – ngã, thị – phi, cái ý niệm này không còn nữa!
Từ những chỗ này chúng ta liền thể hội được, giáo dục Phật-đà và giáo dục thế gian khác nhau ở chỗ nào? Chúng ta rốt cuộc phải học cái gì? Chúng ta học theo Phật, học pháp chân thật, học chánh giác, chỉ có chánh giác mới có thể giải quyết vấn đề. Giải quyết vấn đề gì? Lìa tất cả khổ, được tất cả vui, chân thật lìa khổ được vui. Khổ vui là chúng ta dùng cách nói đơn giản nhất, lấy bản thân hiện tại của chúng ta để nói, bạn có sanh, già, bệnh, chết là khổ, bạn cầu mà không được là khổ, bạn yêu thương mà phải chia lìa là khổ, bạn ghét nhau mà phải gặp nhau hằng ngày là khổ; những cái khổ này bốn bề đều đang vây quanh lấy bạn, bạn không có cách nào thoát khỏi. Sau khi học Phật rồi thì sao? Những cái khổ này chân thật có thể rời khỏi.
Những vị đồng tu lớn tuổi một chút, từ tuổi trung niên trở lên, đều nghĩ mỗi người chúng ta già rồi. Học Phật có thể không già, học Phật có thể không sanh bệnh. Cho dù trên người bạn có rất nhiều bệnh, bạn chân chánh học Phật rồi, không cần đi khám bác sĩ, không cần phải uống thuốc, bệnh của bạn tự nhiên sẽ khỏi. Đây là đạo lý gì? Chính bởi vì bạn đã làm rõ ràng đạo lý này rồi. Bạn không hiểu được bệnh của bạn vì sao đến? Bạn không biết. Bệnh tại sao lại sanh ra, bệnh đó của bạn phát triển như thế nào, bệnh đến sau cùng kết quả ra làm sao, bạn biết được hay không? Thảy đều biết được, con người có thể không sanh bệnh. Bệnh từ đâu đến? Từ vọng tưởng mà đến, một ngày từ sáng đến tối nghĩ tưởng lung tung, vọng tưởng của bạn mà không dứt thì thần tiên đến chữa cũng chữa không nổi, khi vọng tưởng của bạn đều không còn nữa thì bệnh gì cũng hết.
Nguồn gốc của sanh tử cũng là vọng tưởng. Bạn xem trên kinh Hoa Nghiêm nói được rất rõ ràng: “Hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Ở đây chỉ dùng một lời mà đã nói toạc ra hết gốc bệnh của chúng ta. Quý vị tra khắp Đại Tạng Kinh xem, có vị Phật nào sanh bệnh hay không? Có vị Phật nào tỏ ra rất già yếu hay không? Có vị Bồ-tát nào bị ốm hay không? Không hề nghe nói qua. Vì sao Phật, Bồ-tát, A-la-hán không bị bệnh? Vì sao Phật, Bồ-tát, A-la-hán không già, không những không già mà các ngài cũng không chết, không chết này là thật, một chút cũng chẳng giả. Nguyên nhân không có gì khác là họ đã đem chân tướng của vũ trụ nhân sinh làm cho rõ ràng, làm cho sáng tỏ, tất cả đều tùy thuận tự tánh, các ngài liền được kết quả tốt như vậy. Chính là ngày nay chúng ta nói đến sinh thái tự nhiên, hoàn toàn phù hợp với sinh thái tự nhiên, không có một chút ý niệm tạo tác bên trong, thuận theo tự nhiên, thuận theo tự nhiên là khỏe mạnh nhất. Nếu chúng ta khởi vọng tưởng thì sinh thái tự nhiên liền thay đổi, vừa thay đổi thì liền chuyển xấu ngay, liền phát sinh bệnh, bệnh tật là từ như vậy mà sinh ra. Cho nên bệnh này chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây là gốc bệnh.
Học Phật chính là phải y theo giáo huấn của Phật, đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trừ bỏ đi, khôi phục tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng chính là trí tuệ chân thật, chính là chánh giác. Cho nên người mà tâm không thanh tịnh, cho dù họ có thông minh trí tuệ thì Phật, Bồ-tát cũng không thừa nhận họ là chánh giác. Nhất định tâm địa phải thanh tịnh thì trí tuệ đó mới gọi là chánh giác, nó mới có tác dụng. Trên kinh Phật nói, đạt được chánh giác thì bạn liền có năng lực siêu việt sinh tử luân hồi, sinh tử luân hồi đã vượt qua thì còn có bệnh gì nữa? Làm gì có chuyện sanh bệnh, không có đâu! Sinh tử cũng có thể giải quyết thì những vấn đề nhỏ nhặt trong đời sống của chúng ta có điều gì mà không giải quyết được. Bạn ở ngay trong đời này có thể đạt được hạnh phúc, tự tại, mỹ mãn, an vui chân thật. Chúng ta học Phật là được những điều này, đây là tiếp nhận giáo dục của Phật-đà.
Nhưng nếu như bạn lấy tâm thái của tôn giáo để đi học Phật, thành thật mà nói những thứ này bạn sẽ hoàn toàn không đạt được, nguyên nhân vì sao? Bởi vì mê! Tôn giáo coi trọng cảm tình, cảm tình sâu đậm. Tình là mê, không phải lý trí. Tôn giáo thì càng mê càng tốt, vì sao vậy? Có thế thì bạn mới là tín đồ kiền thành, bạn mới không bỏ đi mất, đem bạn nắm cho thật chặt, bạn sẽ chạy không thoát, mỗi ngày bạn phải đi vái lạy họ, họ tiếp nhận sự cung kính của bạn, tiếp nhận cúng dường của bạn.
Thế nhưng Phật pháp không phải như vậy, Phật pháp là đạo thầy trò. Phật pháp là sư đạo, sư đạo là chỉ nghe học trò đến học, chưa từng nghe thầy giáo đi dạy; là bạn đến cầu học, không có chuyện thầy giáo chạy đến nhà của bạn để dạy cho bạn. Đây là đạo lý gì? Nếu thầy giáo mà đến nhà dạy bạn, thì đối với thầy bạn sẽ không cung kính, không tôn trọng, thầy giáo có giỏi cỡ nào đi nữa, bạn theo ông ấy cũng không học được gì. Thế nên Thầy giáo nhất định chẳng phải muốn bạn cung kính thế nào đó đối với ông, nếu như còn có cái tâm này thì người thầy ấy không phải là thầy tốt. Nhưng trong đây có một đạo lý, “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”.
Thí dụ nói có mười học sinh đang theo học với một vị thầy, vì sao có học sinh học được nhiều, có học sinh chẳng học được gì? Bạn hãy tỉ mỉ mà quan sát, học trò nào học được nhiều thì rất cung kính đối với thầy. Vì sao cung kính đối với thầy thì học được nhiều? Cung kính với thầy thì chịu nghe lời, thầy dạy sao thì người ấy liền làm như vậy, nên đương nhiên họ sẽ học tốt. Còn như đối với thầy mà không cung kính thì sẽ không nghe lời, không nghe lời vậy thì hết cách, tất nhiên người ấy sẽ không học được gì. Cho nên, một trăm phần nghe lời chính là một trăm phần cung kính. Có thể thấy trong đây chân thật có đạo lý, giáo học của thế gian và xuất thế gian cũng không vượt ngoài cái nguyên tắc này.
Ở trong truyện ký Phật giáo chúng ta xem thấy rất nhiều vị tổ sư đại đức, lúc các ngài trẻ tuổi đi cầu học, tham học với một vị thiện tri thức, ngày nay chúng ta gọi là cao nhân có đạo đức, có học vấn. Trong truyện kí có ghi chép rằng, vị thiện tri thức này bảo với họ: “Anh ở chỗ tôi sẽ học không được gì cả, anh hãy đến chỗ người nào đó, anh theo người đó học thì anh sẽ thành tựu”. Người học trò này quả nhiên nghe lời chỉ dạy của vị thiện tri thức kia, đến dưới hội của người đó ba đến năm năm thì khai ngộ, chứng quả. Đây là đạo lý gì? Chúng ta xem thấy được ở trong truyện kí quá nhiều, quá nhiều! Văn chương Trung Quốc thích ngắn gọn, không thích dài dòng, nói chuyện mấy tiếng đồng hồ nhưng lúc chép lại chỉ có một hai câu, ghi rất đơn giản.
Vị thiện tri thức ấy gặp người này, cũng giống như ngày nay chúng ta gặp một người nào đó, người đó nhất định sẽ hỏi bạn: “Bạn họ gì, tên gì, bạn là người ở đâu, bạn đã học được những gì?”, nhất định sẽ hỏi như vậy. Vừa hỏi thì liền biết được bạn thích học những gì, vả lại sẽ hỏi trong các vị đại đức hiện nay bạn bội phục người nào nhất? Khi họ chỉ điểm cho bạn, sẽ chỉ cho bạn người mà bạn khâm phục nhất, bạn theo người đó học, bạn sẽ nghe lời người đó. Vì sao tôi không thể dạy bạn? Vì bạn không khâm phục tôi, tôi dạy bạn, bạn sẽ không tin tưởng, bạn không thể tiếp nhận, nguyên lý ở ngay chỗ này. Chẳng phải họ có thần thông chỉ cho người học trò này đến nơi đó cầu học, nhưng quả nhiên người ấy đến đấy thì liền thành tựu ngay, kỳ thực trong lúc nói chuyện đã rất rõ ràng, rất sáng tỏ rồi.
Cho nên chúng ta muốn hỏi, cả đời này của chúng ta không gặp được thầy tốt thì phải làm sao? Lời nói này cũng không phải không có đạo lý, thầy tốt có thể gặp không thể cầu, thật không dễ dàng gặp được. Sau khi gặp được, bạn có chịu theo ông ấy học hay không? Nếu không chịu theo ông ấy học thì vẫn là uổng phí! Cho nên, nhất định là trong tâm của chính mình phải cảm thấy người này là tôn kính nhất, vậy mới có thể phát sinh tác dụng. Cùng một câu nói, cùng một đạo lý, nếu lời nói là từ miệng người mà mình xem thường nói ra thì căn bản không thể tin tưởng, không thể tiếp nhận, hơn nữa lại còn muốn mắng họ. Người mà trong tâm chúng ta cảm thấy kính phục nhất, khi người ấy nói ra thì cũng giống như tiếp nhận thánh chỉ, lập tức y giáo phụng hành, làm sao có thể giống nhau được? Vì thế bạn muốn hỏi, tương lai chính mình có thể thành tựu hay không? Rất đơn giản, bạn về nhà cố gắng suy nghĩ kĩ xem, vị thiện tri thức nào mà bạn kính phục nhất? Rồi toàn tâm toàn ý theo vị đó học, như vậy mới không sai, bạn mới có thể thành công. Nếu như thiện tri thức mà bạn thích quá nhiều thì tâm cung kính đó của bạn không phải là thật, mà là giả. Tâm của bạn rất loạn, thay đổi thất thường, không những Phật pháp bạn không có cách gì tu học, mà ngay đến thế gian pháp bạn cũng không học tốt được.
Bất luận là thế pháp hay Phật pháp, nếu muốn học tốt thì nhất định phải hiểu được một đạo lý, chính là “nhất môn thâm nhập”. Đặc biệt là Phật pháp, chân thật muốn học được tốt, nhất định phải theo học một vị thầy. Một vị thầy, bạn cả đời là đi một con đường, con đường này dễ đi. Hai vị thầy là hai con đường, vậy bạn làm sao đi? Ba vị thầy là ngã ba đường, bốn vị thầy là ngã tư đường, bạn xong rồi! Ngày nay người trẻ tuổi hiếu học rất nhiều, vì sao không thể thành tựu? Đều ở ngã tư đường, không biết theo ai, rắc rối phát sinh từ chỗ này. Đã học Phật, không những thân cận một vị thầy mà còn phải chuyên tu một pháp môn, như vậy bạn mới có thể thành tựu. Thành tựu điều gì? Được tâm thanh tịnh. Quý vị nên biết, thành tựu là bạn được tâm thanh tịnh. Biểu hiện của tâm thanh tịnh là phiền não nhẹ dần, trí tuệ tăng trưởng, đó chính là đạt được thọ dụng. Hết thảy mọi vấn đề của thế gian và xuất thế gian, chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết, ngoại trừ trí tuệ ra, không có phương pháp thứ hai nào có thể giải quyết được vấn đề. Cho nên Phật pháp giảng về trí, giảng về giác, không thể thiếu những điều này, phải là chánh giác.
Chúng ta nói đến những việc gần bản thân nhất, để giải quyết được vấn đề của chính mình, giải quyết vấn đề đời sống ngay trước mắt chúng ta. Nếu muốn đời sống của mình trải qua được tự tại, trải qua mỹ mãn, trải qua hạnh phúc, mở rộng hơn là để giải quyết những việc trong gia đình, giải quyết những việc trong đoàn thể, giải quyết những vấn đề của toàn xã hội thì phải có trí tuệ, trí tuệ chân thật. Cho nên, trong trí tuệ xen tạp phiền não thì không thể giải quyết vấn đề. Thế gian ngày nay người thông minh rất nhiều, đặc biệt là nhà chính trị, ai cũng cho rằng chính mình rất thông minh, làm cho xã hội càng ngày càng động loạn, nhân dân càng ngày càng khổ sở. Nguyên nhân là gì? Trong trí tuệ có xen tạp phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, những thứ phiền não này chưa có đoạn. Cho nên khởi tâm động niệm, điều đầu tiên họ suy tính chính là lợi ích cá nhân, bạn xem ngã chấp vẫn còn.
Phật nói với chúng ta trí tuệ chân thật, việc đầu tiên phải đem ngã chấp phá đi, đó mới là trí tuệ chân thật. Nếu không có trí tuệ chân thật, công phu chân thật thì đọc kinh Đại thừa cũng chỉ là uổng công vô ích, kinh Đại thừa tuy đọc được rất nhiều nhưng hoàn toàn giải sai ý nghĩa. Trong kệ khai kinh có nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, những người này đã giải sai nghĩa chân thật của Như Lai rồi, bạn nói xem còn có cách gì nữa! Vì sao họ giải sai? Họ có tâm riêng tư, khởi tâm động niệm của họ đều coi trọng lợi ích của mình, vậy thì hỏng rồi, không đạt được lợi ích gì. Nếu như có thể rời bỏ lòng riêng tư, bạn sẽ đạt được lợi ích chân thật. Từ đây có thể biết, chánh giác nó có tiêu chuẩn.
Nâng cao lên thêm một học vị nữa gọi là Chánh đẳng Chánh giác, tương đương với học vị thạc sĩ. Đẳng là ngang bằng với Phật, đương nhiên họ vẫn chưa thành Phật, chỉ ngang bằng với Phật mà thôi, học vị này cao hơn so với A-la-hán, cao hơn chánh giác. Trong chánh giác không có ta, quý vị nhất định phải biết, chỉ có vô ngã mới có năng lực phân biệt chân vọng, phân biệt chánh tà, phân biệt thị phi, phân biệt lợi hại, được vậy bạn mới có năng lực này. Nếu như chưa phá “ngã kiến” thì chắc chắn bạn không có năng lực này. Thông thường người ta cho rằng chính mình đã làm được rất nhiều việc tốt, cho rằng mình tu được rất nhiều công đức, tôi thấy không phải vậy. Rất nhiều người ở đấy nỗ lực tu công đức, làm việc tốt, tương lai cũng phải đọa ba đường ác. Nguyên nhân do đâu? Những việc tốt đó của họ nhìn có vẻ đúng mà lại sai, không phải là việc tốt, không những tương lai không tốt, trước mắt cũng không tốt, nhìn tưởng chừng là việc tốt, nhưng kỳ thật đã làm sai.
Ví như đạo tràng Phật giáo chúng ta làm sự nghiệp từ thiện, bạn nói có tốt hay không? Xã hội khen ngợi, quốc gia còn tặng một tấm biển lớn để bạn treo lên, các bạn đối với xã hội có cống hiến rất lớn, đây có phải là việc tốt không? Nhìn thấy là việc tốt, nhưng trên thực tế lại là việc sai lầm. Sai ở chỗ nào? Đạo tràng Phật giáo là làm những công việc gì? Là giáo dục Phật-đà, đây là việc thuộc bổn phận của bạn. Cũng giống như mọi người thành lập một trường học, trường học nên làm những việc gì? Thầy cô cùng học trò hằng ngày phải lên lớp, đây là việc chính. Ngày nay thầy giáo không dạy học, học trò cũng không đến lớp, mỗi ngày đi làm sự nghiệp từ thiện, đây là việc tốt hay sao? Sai rồi! Cách làm như vậy thì hiệu trưởng đó sẽ bị cách chức xét xử, học sinh sẽ bị khai trừ. Thế nên nhất định phải phân biệt thực hư, chánh tà, phải thật rõ ràng sáng tỏ.
Lại nói thêm về đạo tràng này của chúng ta, cho nên tôi khuyên các đồng tu chúng ta, điều đáng quý của đạo tràng chính là giúp mọi người phá mê khai ngộ, vì vậy nhất định phải có một tông chỉ, phải có một mục tiêu. Đạo tràng này của chúng ta là đạo tràng Tịnh tông. Trung Quốc có mười tông phái lớn, chúng ta ở đây là đạo tràng Tịnh độ tông, nơi này chỉ hoằng dương những gì của Tịnh độ tông. Mọi người đến bên này, chúng ta chỉ có một cửa vào, một lối đi. Nếu như trong đạo tràng này của chúng ta còn có những thứ của Pháp Tướng tông, còn có những thứ của Pháp Hoa tông, còn có những thứ của tông phái khác, khi người ta đến đây liền nghĩ: Rốt cuộc tôi phải học môn nào mới tốt? Nhìn bề ngoài xem ra đạo tràng này rất tuyệt, tâm lượng của pháp sư cũng rất lớn, bạn xem ông đều dung nạp tất cả, kỳ thật đã sai. Bạn khiến cho đại chúng khi đến nơi này của bạn chẳng biết nghe theo ai, đây là tội lỗi.
Người niệm Phật tu Tịnh độ thì đến chỗ này của chúng ta, còn người thích học tham thiền, nghe nói Phật Quang Sơn nơi đó có tổ chức tọa thiền, hãy đi đến bên đó, như vậy thì đúng. Người thích làm việc từ thiện, nơi này có hội Từ Tế Công Đức, hãy đến bên đấy của họ; mỗi một đạo tràng đều có tông chỉ của họ, có phương hướng của họ, có mục tiêu của họ, không thể pha trộn với nhau, làm cho loạn cả lên. Không thể dùng cách này để lôi kéo tín đồ, “ở đây chúng tôi pháp môn gì cũng có, chỗ của chúng tôi tốt lắm, mọi người đến đây thì cái gì cũng học được”, kết quả là chẳng thành tựu được gì. Sao có thể không có lỗi với người ta cho được! Đối với việc này, nếu bạn không có con mắt tinh tường, biết nhìn xa trông rộng, không có trí tuệ chân thật thì bạn sẽ nhìn không ra.
Tuyệt đối không phải tâm lượng nhỏ hẹp, mà là khi ta dẫn dắt người sơ cơ cần phải hướng dẫn cho họ có một phương hướng chính xác. Chúng ta lưu thông kinh sách, băng đĩa cũng là như vậy. Nếu như kinh sách, băng đĩa trái ngược với phương hướng của Tịnh tông mà lại đặt ở nơi này của chúng ta, khi người ta xem thấy sẽ cho rằng chúng ta khẳng định nó, nghĩ rằng chúng ta ở đây đề xướng nó. Nếu như thính chúng họ đi sai đường rồi, chúng ta có phải chịu trách nhiệm hay không? Trách nhiệm nhân quả này phải gánh quá lớn. Bản thân bạn đi sai đường là đáng đời! Bạn còn dẫn người khác đi sai đường nữa thì trách nhiệm nhân quả mà bạn gánh lấy nặng nề lắm, việc này không thể không lưu ý, không thể không lưu tâm cẩn thận.
Thế nên khi tôi ở Đài Bắc đã phải từ bỏ chức vị ở Cơ Kim Hội. Thư viện Hoa Tạng của chúng tôi là một đạo tràng, là một đạo tràng tu học, còn Giáo Dục Phật-đà Cơ Kim Hội không phải là đạo tràng, nơi đó là làm công việc giúp đỡ phía sau cho Phật giáo, làm công tác chi viện. Cho nên kinh điển được in ấn ở nơi đấy, những sách của các tông phái khác chúng tôi đều in. Chúng ta giúp đỡ mỗi một đạo tràng, tông chỉ cùng mục tiêu này không như nhau, chúng ta giúp đỡ người khác, giúp đỡ đạo tràng khác, không phải là làm những việc tạp nham trong đạo tràng, như vậy là sai rồi. Những việc này biểu hiện ra bên ngoài xem ra là việc thiện, nhưng bạn tỉ mỉ quan sát một chút, phân tích một chút thì liền thấy hậu quả không thể tưởng tượng được. Cho nên, một đạo tràng muốn được chư Phật hộ niệm, long thiên bảo hộ đâu có chuyện dễ dàng như vậy! Điều bạn làm thật sự là chánh pháp, ở nơi ấy chân chánh tu hành, chân thật làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, như vậy mới được chư Phật hộ niệm, mới được long thiên bảo hộ.
Chánh đẳng Chánh giác phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, lúc này kiến giải của họ đối với vũ trụ nhân sinh, cũng chính là chúng ta nói cách nghĩ, cách nhìn cùng với chư Phật Như Lai rất giống nhau, cho nên gọi là Chánh đẳng Chánh giác. Trên kinh Hoa Nghiêm nói Chánh đẳng Chánh giác là từ Viên giáo Sơ trụ thẳng đến Đẳng giác Bồ-tát, bốn mươi mốt vị thứ này đều gọi là Chánh đẳng Chánh giác. Phá một phẩm vô minh sau cùng thì trí giác viên mãn rồi, một tơ hào khiếm khuyết cũng không có, lại thêm vào hai chữ “Vô thượng”, Vô thượng trong nhà Phật cũng giống như tốt nghiệp lớp tiến sĩ vậy. Nếu như bạn chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác liền xưng bạn là Phật-đà, giả như bạn chứng được Chánh đẳng Chánh giác thì xưng bạn là Bồ-tát, nếu như bạn chứng được Chánh giác thì xưng bạn là A-la-hán. Cho nên ba danh từ này là danh từ phổ thông, không phải từ chuyên môn chỉ cho một người nào, giống như tiến sĩ, thạc sĩ, học sĩ là danh từ phổ thông.
Nếu như lại thêm vào danh hiệu Thích-ca Mâu-ni Phật, có phải chuyên chỉ cho một người hay không? Không phải, đó vẫn là một danh từ phổ thông. Có quá nhiều vị Thích-ca Mâu-ni Phật, rốt cuộc bạn muốn tìm vị Thích-ca Mâu-ni Phật nào? Quán Thế Âm Bồ-tát cũng có rất nhiều, bạn muốn tìm vị Quán Thế Âm Bồ-tát nào? Đây cũng giống như học vị tiến sĩ mà chúng ta nói đến, trong tiến sĩ có tiến sĩ khoa học tự nhiên, tiến sĩ khoa kỹ thuật xây dựng, có tiến sĩ y học, tiến sĩ triết học, số tiến sĩ trong mỗi một chuyên ngành nhiều đến không thể tính kể, bạn muốn tìm vị nào? Nếu bạn cho rằng Quán Thế Âm Bồ-tát chính là một người nào đó, vậy thì bạn sai rồi! Quán Thế Âm là Bồ-tát, cũng giống như thạc sĩ, trong thạc sĩ phân ra rất nhiều khoa, bạn phải biết được Quán Âm đại biểu cho từ bi, đại từ đại bi gọi là Quán Thế Âm. Bồ-tát đại từ đại bi có rất nhiều, bạn muốn tìm vị nào. Ngày nay ở trong nhà Phật mọi người đem Phật, Bồ-tát nhận lầm hết, đều cho rằng là một người, không biết được trong đây có vô lượng vô biên người.
Tôi nghe nói mọi người chúng ta tụng kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục, rất nhiều người đều đang tụng. Đọc kinh Vô Lượng Thọ phải hiểu được điều mà trong kinh Vô Lượng Thọ nói với chúng ta, người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”, câu này chính là nói cho chúng ta biết, người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc thảy đều là Phổ Hiền Bồ-tát, vô lượng vô biên Phổ Hiền Bồ-tát, không cách gì tính đếm. Bạn muốn tìm Phổ Hiền Bồ-tát, vậy phải tìm vị Phổ Hiền Bồ-tát nào? Người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là Phổ Hiền Bồ-tát.
Cho nên nhất định phải làm cho rõ ràng, làm cho sáng tỏ. Thêm vào danh hiệu, thì giống như thêm học vị vào khóa học, khoa ngành của họ, chính là ý nghĩa này. Điều này về sau phải cùng chư vị nói một cách tỉ mỉ, không thể không làm cho rõ ràng. Nếu không làm rõ ràng, chúng ta học Phật người ta sẽ nói chúng ta là mê tín, lời này nói không sai, thật sự là mê tín. Tin Phật rồi, quy y rồi, cũng thọ giới rồi, Phật là gì? Không biết! Bồ-tát là gì? Cũng không làm cho rõ ràng, mơ mơ hồ hồ như vậy mà học, đây không phải là mê tín thì là gì? Phải làm cho thật rõ ràng, thật sáng tỏ, phải biết được Phật giáo là gì, phải biết được trong Phật giáo là học cái gì.
Chúng ta mong cầu trong Phật pháp là cầu sáng tỏ, cầu trí tuệ. Quý vị phải ghi nhớ là cầu trí tuệ, trong Thiền tông gọi là cầu minh tâm kiến tánh, trong Tịnh độ gọi là cầu nhất tâm bất loạn. Tịnh độ tông rất đặc biệt, không những cầu nhất tâm bất loạn mà còn cầu sanh Tịnh độ, đích thực Tịnh độ có hai mục tiêu. Không giống những tông phái khác, những tông phái khác chỉ có duy nhất một mong cầu, Tịnh độ thì có hai mong cầu, ngoài cầu nhất tâm bất loạn còn cầu vãng sanh Tịnh độ. Mục tiêu này, chúng ta ở ngay trong một đời quyết định đạt được. Nếu như quý vị đem kinh Vô Lượng Thọ đọc thuộc lòng, đọc hiểu rồi thì bạn sẽ không có một chút hoài nghi.
Quyển kinh vừa mở ra thì hiển thị ra mục tiêu tu học của chúng ta. “Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm”, đây là điều mà chúng ta mong cầu, cũng là điều mong cầu của người tu Tịnh độ. Các vị xem dòng chữ “Vô Lượng Thọ” trên đề kinh, điều chúng ta mong cầu là vô lượng thọ; hay nói cách khác là khỏe mạnh sống lâu. “Trang nghiêm” chính là tự tại mỹ mãn, đó mới là trang nghiêm vậy. Dùng phương pháp gì để cầu? Có phương pháp cầu được, nửa phần sau đề kinh nói là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, đây là phương pháp. Do đây có thể biết, chúng ta học Phật là cầu điều gì? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng và tâm giác ngộ. Ba điều này, “một là ba, ba là một”, đạt được một điều thì ba điều đồng thời cũng đạt được, toàn bộ Phật pháp đều không ra ngoài cái nguyên lý nguyên tắc này.
Trong ba điều ở trên thì Thiền tông chỉ cầu giác, giống như giảng đường này có thể đi vào từ ba cửa, họ là từ cửa giác đi vào. Thiền tông vào từ cửa giác, họ phải đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, như vậy là đã vào cửa. Ngoài Thiền tông ra còn có Giáo hạ, Giáo hạ là từ cửa giải mà vào, “Đại khai viên giải” cũng chính là cửa chánh, chánh tri chánh kiến, họ là từ cửa này vào. Tịnh độ tông chúng ta là từ tâm thanh tịnh, vào từ cửa tịnh. Tâm thanh tịnh rồi thì đương nhiên sẽ bình đẳng, đương nhiên sẽ giác ngộ. Tâm đã giác ngộ rồi thì đương nhiên sẽ thanh tịnh và bình đẳng. Đó gọi là “pháp môn vô lượng, thù đồ đồng quy”, phương pháp và đường lối không giống nhau, nhưng đến sau cùng chỗ quy về là hoàn toàn giống nhau, đều là minh tâm kiến tánh. Danh từ này chỉ có trong Thiền tông mới nói, những tông phái khác không dùng cách nói này. Tịnh độ tông chúng ta gọi là nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn chính là minh tâm kiến tánh của nhà Thiền. Trong Giáo hạ gọi là “đại khai viên giải”, trong Mật tông gọi là “tam mật tương ưng”. Quý vị nên biết, tuy danh từ khác nhau nhưng cùng chỉ cho một sự việc, cùng một cảnh giới.
Do đó, bất kì một pháp môn nào, chúng ta không thể phê bình, không được phép nói nó không tốt; nói pháp môn đó không tốt, đấy chính là phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp. Đều là do đức Phật truyền dạy, con đường nào cũng có thể thành tựu, bạn làm sao có thể nói nó không tốt? Chỉ là ở trong đó có rất nhiều phương pháp, chính chúng ta cần phải biết chọn lựa như thế nào? Điều kiện chọn lựa là:
- Thứ nhất phải phù hợp với trình độ của chúng ta. Nếu như pháp môn đó yêu cầu trình độ quá cao, chúng ta không có cách gì tu học, vậy khi bắt đầu học sẽ rất khó khăn, không dễ dàng thành công. Cho nên chọn lựa pháp môn tu học phải phù hợp với trình độ của mình.
- Thứ hai là phải thích hợp với hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình, vậy thì khi bắt đầu tu học mới thuận tiện, còn phải thích hợp với bối cảnh thời đại hiện nay. Bởi vì chúng ta không thể tách rời xã hội, không thể tách rời mọi người. Cho nên nhất định phải cân nhắc những điều kiện này, tôi có thích hợp để tu học pháp môn này hay không!
Thông thường mà nói, như phía trước đã giảng qua, bất luận tu học một pháp môn nào, một phương pháp nào cũng nhất định phải phá ngã kiến, phá ngã chấp thì mới có thể đắc lực. Nếu không thì giống như câu chúng ta hay nói là “dụng công không có hiệu quả”. Tôi nghĩ cái thể nghiệm này rất nhiều đồng tu học Phật nhiều năm đều có, dụng công không đắc lực, đã học được bao nhiêu năm rồi mà xem ra vẫn như thế, thậm chí càng học càng khổ. Lúc chưa học Phật thì còn tốt, sau khi học Phật rồi thì càng học càng khổ, đây đều là do không đắc pháp. Pháp môn này không thích hợp với bản thân, cũng giống như lúc bạn đến trường học lựa chuyên ngành vậy, căn cơ và trình độ của bạn không phù hợp với chuyên ngành này, bạn đã chọn sai chuyên ngành thì bạn học sẽ rất khó khăn, vả lại rất khó thành tựu, chọn đúng rồi thì sẽ dễ dàng hơn nhiều, thành tựu cũng rất mau.
Chúng ta lựa chọn pháp môn, điểm này vô cùng quan trọng. Giả như không biết được chính mình thuộc căn tánh gì thì cũng có thể thử nghiệm một chút xem sao, Thiền, Giáo, Mật, Luật thảy đều thử một chút, cảm thấy rất khó khăn! Sự tu học của bản thân tôi chính là một thí dụ, sau khi đọc qua rất nhiều kinh Đại thừa rồi, nghĩ lại chính mình không học được, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chưa có trừ bỏ. Tôi cũng rất muốn trừ bỏ nhưng trừ bỏ không được, sau cùng mới nghĩ tới niệm Phật có thể đới nghiệp vãng sanh, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vẫn chưa dứt trừ cũng được, pháp môn này rất thích hợp với tôi. Cách tôi chọn lựa pháp môn là như vậy, pháp môn khác tôi nghĩ thử rồi, đều không làm được. Những kinh điển của tông phái khác tôi đều biết giảng, tôi giảng nghe cũng hay hơn người khác, nhưng tôi làm không được. Cho nên, đối với Thiền, Giáo, Mật, Luật tôi đã từng học qua, nghĩ lại vẫn không có cách gì làm được nên đã quay đầu trở về quyết một lòng niệm A-di-đà Phật, chuyên giảng kinh điển Tịnh độ. Đây là thể nghiệm trong mấy mươi năm qua của tôi.
Thế nhưng gần đây tôi lại giảng những kinh điển khác, đây là vì nguyên nhân gì? Đây là do [tình thế] bức bách không còn cách gì khác, không biết làm thế nào. Bởi vì những kinh Đại thừa này không có người giảng. Hiện nay người giảng kinh càng ngày càng ít, đây là một hiện tượng rất đau lòng, cho nên tôi trích ra một ít thời gian để giảng những kinh điển này, ghi hình làm thành băng đĩa, giúp cho ai có hứng thú đối với những kinh điển này, lưu lại để cung cấp cho họ làm tài liệu tham khảo, nguyên nhân là như vậy. Nếu như có người giảng, tôi tuyệt đối sẽ không giảng, đây là bị bắt buộc không còn cách nào.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giới thiệu đến đây. Chúng ta giảng về để tài này có năm ngày, hẹn gặp lại vào ngày mai.
[1] Thiên Hậu Thánh Mẫu (天后聖母) hay bà Thiên Hậu, còn gọi là Ma Tổ (媽祖), Mẫu Tổ (母祖), hay là Thiên Thượng Thánh Mẫu (天上聖母) hoặc Thiên Hậu Nguyên quân (天后元君); là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt gốc Hoa.
Bà được xem như vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển, được tôn kính đặc biệt cả trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Á, và nhất là tại Đài Loan. Ngày tưởng niệm bà là ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm.
[2] Tôn giáo có nhiều vị thần, các vị thần phù phiếm.
[3] Lục đạo (六道) là sáu đường, gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người, trời; luân hồi (輪迴) là bánh xe xoay vòng. Lục đạo luân hồi nghĩa là chúng sanh từ vô thủy tới nay xoay chuyển, trôi lăn trong vòng sinh tử ở sáu đường, như bánh xe lăn đến, lăn đi vô cùng.