Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Giảng ngày 15/2 đến 23/2 năm 2005
Tổng cộng 40 Tập.
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 51-116-0001 đến 51-116-0040
MỤC LỤC
Vấn đề kinh tế trong gia đình.
Làm thế nào để có được tiền của?.
15. Muốn con trẻ hiếu thuận thì cha mẹ phải có tình nghĩa, đạo nghĩa.
Người vợ phải có tứ đức: Đức – Ngôn – Công – Dung.
Người chồng phải có tứ đức: Đức – Ngôn – Công – Dung.
16. Dạy trẻ nhỏ phải có cương, có nhu
Vấn đề kinh tế trong gia đình (tiếp)
Phần trước chúng ta nói đến trong gia đình có hai vấn đề chủ chốt rất quan trọng: Một vấn đề là kinh tế, chính là đời sống vật chất; vấn đề còn lại là đời sống tinh thần, về phương diện dạy con. Tình hình gia đình hiện nay đều là vợ chồng cùng nhau kiếm tiền. Phần lớn trẻ nhỏ đều được gửi vào nhà trẻ, hoặc giao cho người giúp việc, hoặc giao cho ông bà nội giữ cháu. Trí tuệ của nhân sinh từ chỗ nào mà nhìn thấy? Từ trong lấy – bỏ mà thấy ra được. Có xả mới có đắc. Bớt kiếm tiền lại, giáo dục con cái nhiều hơn hay là quý vị muốn kiếm được nhiều tiền rồi lơ là giáo dục trẻ nhỏ? Kết quả có được nhất định sẽ không như nhau.
Chúng ta so sánh người đời trước, người năm mươi – sáu mươi tuổi so với người chúng ta hiện tại hai mươi – ba mươi tuổi thì sẽ thấy sự khác nhau. Người thời trước rất có lòng trách nhiệm, rất hiếu thuận cha mẹ. Còn đời này của chúng ta thì sao?
Quý vị thân mến! Xin mọi người đừng khách sáo! Xin hãy nói thẳng ra! Người thời nay có thái độ đời sống giống người thời trước hay không? Là tiến bộ hay là suy thoái? Suy thoái. Đời trước có tiền hay là người đời này chúng ta có tiền? Người đời này chúng ta có tiền. Vì sao có tiền mà thái độ nhân sinh lại suy thoái? Như vậy thì có tiền không nhất định sẽ giải quyết được vấn đề.
Thời đại của cha tôi, trên cơ bản đều rất nghèo. Bởi vì rất nghèo, cho nên mọi người đặc biệt tiết kiệm. Nhớ lại lúc nhỏ, mỗi khi ăn cơm, đồ ăn còn thừa đều là cha và mẹ gắp ăn. Bởi vì họ đều đã rất quen tiết kiệm rồi, không thể lãng phí thức ăn. Cuộc sống tương đối tiết kiệm thì thứ nhất tạo thành thói quen tiết kiệm, thứ hai là đời sống càng khó khăn thì con người càng biết cảm ân cha mẹ, thương yêu anh em, chị em. Vì vậy, thời đại của cha tôi, khi đi học đều không phải là do cha mẹ thúc đẩy, mà đều là chính bản thân tích cực chủ động. Bởi vì họ hi vọng thông qua học tập có được thành tựu về học vấn, có thể làm cho cha mẹ trải qua những ngày tháng tốt đẹp về sau. Quý vị thấy, đời sống nghèo khổ, đời sống thiếu thốn làm cho người càng có chí khí, càng có hiếu tâm. Cho nên chúng ta phải cảm ơn nghèo khổ.
Còn thế hệ ngày nay, bởi vì từ nhỏ đời sống đã rất dư giả, muốn thứ gì có thứ đó, cho nên quen thói phung phí, quen thói tiêu tiền, lại không biết hiếu đạo, không có sự tôi luyện và gánh vác trong cuộc sống. Do đó, thế hệ này của chúng ta không chỉ tiêu xài hết số tiền mình kiếm được, mà còn tiêu tiền của cha mẹ. Làm sao các vị biết vậy? Rất nhiều thanh niên đã có thói quen phung phí, hưởng thụ đến mức độ tiền lương của một tháng vừa cầm trên tay thì họ lập tức:“Chúng ta phải đi shopping thôi”, có thể đem tiền lương của cả một tháng tiêu hết trong 15 ngày đầu rồi. Những ngày tháng sau đó thì họ ăn mì ăn liền. Thế nhưng sau đó vẫn không thể tiếp tục duy trì cuộc sống, họ trở về tìm người cha già và nói: “Cha ơi! Con hết tiền rồi”. Cha của họ rất tức giận: “Đã nói với con không nên xài phung phí, thế mà con không nghe. Đến đây! Muốn bao nhiêu?”.Vẫn là đưa tiền cho con. Đời sống dư giả không chắc là có thể mang đến cho trẻ nhỏ thái độ nhân sinh chuẩn xác!
Thời xưa có rất nhiều người đi học thấy rõ được điểm này. Khi triều Hán mở nước, Lưu Bang thống nhất thiên hạ, đã phân phong rất nhiều đất đai cho hơn 100 công thần. Trải qua 100 năm, sử học gia của triều Hán đột nhiên suy nghĩ là đi tìm hiểu xem đời sau của 100 vị công thần này trải qua 100 năm sẽ như thế nào? Kết quả nhà sử học này rất là kinh ngạc: Con cháu đời sau của 100 vị công thần này trên cơ bản đều đã đọa lạc, rất nhiều người lưu lạc trên đường đang đi xin ăn. Chỉ có mấy người đời sau này vẫn còn rất tốt, trong đó có người đời sau của một người tên là Tiêu Hà.
Lúc đầu khi phân phong đất đai, Tiêu Hà muốn nhận một miếng đất rất xấu, bởi vì miếng đất xấu thì chỉ cần không canh tác thì không có cơm ăn. Ông đã nghĩ kế lâu dài, hi vọng con cái của ông về sau biết cần lao, tiết kiệm. Những người khác được phân đất tốt thì thích ăn mà lười làm. Hơn nữa, chúng ta ưa thích đất tốt thì người khác cũng ưa thích, nên cũng có rất nhiều người thèm khát, có rất nhiều người nghĩ cách hãm hại. Tiêu Hà thấy ra được điều đó. Không nên để tiền lại cho con cháu, mà quan trọng hơn là phải lưu lại trí tuệ cho con cháu, lưu lại tấm gương tốt cho con cháu.
Tiên sinh Tư Mã Quang đã từng nói: “Để tiền lại cho con cháu chưa chắc con cháu có thể giữ được; để sách lại cho con cháu, con cháu chưa chắc có thể đọc; không bằng trong âm thầm để lại âm đức cho con cháu, là cách tính dài lâu cho con cháu”. Trong “Kinh Dịch” có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Nhà tích điều thiện ắt thừa niềm vui”. Âm đức nhất định có thể che chở cho con cháu đời sau. Âm đức không chỉ có thể che chở cho con cháu đời sau, mà ngay khi chúng ta làm việc thiện, ngay trong quá trình chúng ta lập thân hành đạo đã làm ra “thân giáo” tốt nhất cho con cháu đời sau. Đây là cha mẹ có trí tuệ nên biết chọn lựa như vậy.
Ngay đời của phụ thân tôi có năm anh chị em, bởi vì đời sống tương đối khó khăn nên họ đi học không cần phải cha mẹ thúc đẩy. Hơn nữa, anh chị em đều rất hòa thuận. Vì vậy, chỉ cần có thể sống qua ngày thì hãy cố gắng nâng cao trí tuệ của trẻ nhỏ, đời sống tinh thần của trẻ nhỏ, hãy nên kinh doanh tốt cuộc sống gia đình.
Vậy chúng ta xem, có phải một người kiếm tiền thì sẽ kiếm được tương đối ít hay không? Có phải hai người kiếm tiền thì sẽ kiếm được tương đối nhiều hay không? Rất nhiều cặp vợ chồng cùng nhau kiếm tiền, thế nhưng cũng không dư được bao nhiêu. Bên này thì bị bạn bè lôi kéo, bên kia đi mua đồ thì bị gạt. Chúng ta phải lý giải được nguyên nhân tiền tài chân thật có được là từ chỗ nào, cuộc sống như thế nào mới có thể có được tiền của. Phải đem đạo lý làm cho rõ ràng, nếu không thì cả đời quý vị chỉ để kiếm tiền, nhưng cả đời cũng không có dư được bao nhiêu tiền.
Làm thế nào để có được tiền của?
Thần tài cổ xưa của Trung Quốc là Phạm Lãi, tục danh là Đào Chu Công. Ông là người thời đại Xuân Thu Chiến Quốc. Phạm Lãi cùng Văn Chủng phò tá Việt Vương Câu Tiễn. Sau khi khôi phục được Việt quốc, Phạm Lãi nói với Văn Chủng là Việt Vương Câu Tiễn có thể cùng hoạn nạn nhưng không thể nào cùng phú quý. Phạm Lãi rất biết nhìn người. Biết nhìn người rất quan trọng, không biết nhìn người có thể cả đời sẽ nhận được ảnh hưởng rất không tốt. Quý vị thấy Văn Chủng không biết nhìn người, ông xem thấy vinh hoa, phú quý trước mắt thì: “Làm sao hiện tại có thể bảo tôi buông bỏ được!”. Ông không bằng lòng. Sau đó Việt Vương Câu Tiễn liền ban cho Văn Chủng tự sát.
Phạm Lãi mang theo Tây Thi rời khỏi nơi đó, đến khu vực Giang Nam bắt đầu buôn bán. Ban đầu từ làm ăn nhỏ, làm được không bao lâu thì phát tài to. Phạm Lãi lập tức đem những tiền của này thảy đều đi quyên hiến, tặng cho hết. Trải qua vài năm sau thì ông lại phát tài, ông lại đem tiền đi quyên tặng hết cho những người bần cùng, khốn khổ. Sau đó lại bắt đầu từ buôn bán nhỏ. Trên lịch sử ghi chép là “tam tụ tài, tam tán tài”.
Người vì sao có thể có tiền của? Nguyên nhân chân thật là ông hiểu được phải “bố thí” tiền của. Cách làm của Phạm Lãi như vậy cũng là tuân theo giáo huấn của Thánh Hiền. Trong sách “Đại Học” có nhắc đến: “Tài tán tất nhân tụ”. Khi chúng ta đem tiền của cho đi thì cái gì sẽ tụ lại? Tất cả mọi người sẽ yêu kính chúng ta, lòng người đều hướng về chúng ta, cho dù chúng ta làm ăn buôn bán gì, họ đều sẽ đến mua giúp, muốn đến ủng hộ, bởi vì chúng ta đã lấy được lòng người. Cho nên tiền tài cho đi không phải là không còn, không phải không nhìn thấy thì là không có. Sức ảnh hưởng vô hình của nó, chỉ cần gặp được duyên thì khởi hiện hành.
Chúng ta hãy phân tích, tiền của phải có “nhân”, có “duyên” mới có thể có “kết quả”. Cái “nhân” nằm ở bố thí tài, “duyên” là nỗ lực của quý vị cộng với tương trợ của quý nhân, và cơ hội đến thì tự nhiên sẽ kết cái “quả” tài phú. Cho nên để kinh doanh tài phú cho gia đình, quý vị nhất định phải như lý, như pháp mà kinh doanh. Nếu không thì dù quý vị có nỗ lực cả đời, đến sau cùng có thể vẫn là uổng phí.
Chị gái tôi sau khi mang thai thì liền từ bỏ công việc công chức của chị. Rất nhiều bạn bè thân thích đều cảm thấy rất đáng tiếc. Ngay đến mẹ chồng của chị cũng thường hay nói với chị là: “Con đi làm việc đi, mẹ giúp con giữ bé cho”. Thế nhưng nhân sinh có xả thì sẽ có đắc. Sau khi chị tôi từ chức thì ở nhà chúng tôi để chờ ngày sinh. Sau khi sinh con, chị đã tự mình trông con. Chị tôi sau khi nghỉ việc thì anh rể tôi một mình kiếm tiền, thế nhưng anh rể tôi càng ngày càng kiếm được nhiều tiền. Tại vì sao càng kiếm tiền càng nhiều? Bởi vì anh rể tôi mang tiền đưa cho chị tôi, chị tôi nói một mình chị ở nhà giữ con cũng không dùng vào đâu nên thường hay mang đến đưa cho tôi. Chị nói: “Em giúp chị mang đi in ấn Kinh sách, làm một số việc thiện”. Chị tôi biết giúp chồng mình tu tài bố thí nên chồng của chị kiếm tiền ngày càng nhiều. Có một lần hai vợ chồng chị cùng nhau đi mua đồ, gặp lúc trung tâm mua sắm lớn khai trương, có rút thưởng, giải hạng nhất là một chiếc xe hơi. Chị tôi cũng viết tên, địa chỉ bỏ vào thùng tham dự thưởng. Không bao lâu sau, trung tâm mua sắm gọi điện thoại đến nói: “Cô Thái ơi! Cô đã trúng được một chiếc xe hơi rồi”. Cho nên hiểu được bố thí,“trong mạng có thì nhất định sẽ có”. Không phải cứ nhiều người đi kiếm tiền thì sẽ có tiền nhiều. Quý vị cần hiểu được là phải trồng cái “nhân” của tài bố thí.
Có rất nhiều người nói: “Tôi không có tiền thì làm sao trồng được cái nhân của tài bố thí?”. “Tài” này tuyệt đối không phải chỉ có tiền mà thôi. Bố thí tài bao hàm “nội tài” và “ngoại tài”. Chúng ta làm việc rất nỗ lực, cộng với kinh nghiệm và trí tuệ của mình, đây đều thuộc về nội tài bố thí. “Ngoại tài” là tiền vàng, tài vật và vật phẩm. Những thứ này đều có thể tu tài bố thí.
Bố thí tiền tài có phải quyên tặng càng nhiều thì phúc/phước báo sẽ càng lớn hay không? Chưa chắc.
Tôi nhớ lại đã từng xem qua một bài báo nói về vợ chồng một người nông dân, tuổi tác của họ đều đã cao, cả đời dành dụm được một ít tiền. Lúc đó gần nhà họ có một bệnh viện mới xây, là một bệnh viện rất tốt. Hai vợ chồng họ liền đem tiền tích lũy cả đời quyên tặng để mua một chiếc xe cứu thương. Mua một chiếc xe cứu thương so với một xí nghiệp lớn tặng mấy mươi vạn thì người nào phước báo lớn hơn? Người nông phu đem tiền tích lũy cả đời đi bố thí hết, lòng thương yêu đó của họ có thể tạo phước cho biết bao nhiêu sinh mạng. Còn mấy mươi vạn tiền đó đối với doanh nghiệp mà nói chỉ là con số dư nhỏ thôi. Phúc/phước điền phải từ nơi tâm mà trồng. Phúc/phước phần cũng là do tâm sinh. Do đó, ngay khi chúng ta có thể tận tâm, tận lực mà bố thí thì cho dù tiền nhiều hay ít đều có thể trồng được phúc/phước phần vô lượng.
Thời xưa có một cô gái đi ngang qua một ngôi chùa, liền bước vào cửa rất chân thành mà lễ Phật. Lúc đó trên người chỉ có hai xu tiền, cô liền đem toàn bộ tiền đi cúng dường. Phương trượng xem thấy rất cảm động, đích thân ra giúp cô niệm Phật cầu phước, giúp cô hồi hướng. Sau đó cô được gả vào trong cung, giàu có rồi, cô mang theo mấy ngàn lượng đến ngôi chùa ấy để cúng dường. Kết quả là Phương trượng không bước ra, chỉ để cho một đồ đệ ra giúp cô tụng Kinh hồi hướng. Vị tín nữ này liền rất hiếu kỳ: “Ngày trước con chỉ tặng có hai xu thì Phương trượng đích thân giúp con sám hối, hồi hướng. Thế nhưng hiện tại tặng mấy ngàn lượng, vì sao chỉ bảo đồ đệ ra thôi?”. Cô gái này cũng rất có trí tuệ, cô biết được đi thưa hỏi với Phương trượng để hiểu cho rõ ràng vấn đề này. Phương trượng nói với cô: “Hai xu tiền lúc trước là phát ra từ tâm chân thành của cô, do đó nếu tôi không đi ra giúp cô hồi hướng là có lỗi với cô. Lần này tuy là cô mang đến mấy ngàn lượng, thế nhưng tâm của cô đã không còn chân thành, tha thiết như lần trước nên để học trò của tôi làm là được rồi”.
Như vậy, phúc/phước điền của một người, cội gốc vẫn là ở tâm của họ. Chỉ cần chúng ta có cái tâm này, thường biết được xả tài để giúp đỡ người khác, thì phước báo của chúng ta từng li, từng tí đều có thể tích lũy. Cho nên, chúng ta đã có được nhận thức đúng đắn về vấn đề tài phú này thì sẽ không còn sợ được, sợ mất. Xem thấy người khác kiếm được nhiều tiền, tâm của chúng ta sẽ không thấp thỏm không an. Chúng ta cứ thành thật mà tu tài bố thí thì quả báo tự nhiên sẽ hiện tiền. Như vậy là mặt kinh tế được giải quyết rồi.
15. Muốn con trẻ hiếu thuận thì cha mẹ phải có tình nghĩa, đạo nghĩa
Tiếp theo, việc dạy con thì giữa vợ chồng phải có cùng chung nhận thức. Giáo dục đương nhiên chủ yếu phải “lấy mình làm gương”. Cho nên người xưa nói: “Tam tòng tứ đức”, “phu nghĩa phụ thính”, chính là người làm chồng phải có ân nghĩa, phải có tình nghĩa, phải có đạo nghĩa. Phải làm đến ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa thì mới có thể làm tấm gương tốt cho con cái, con cái sẽ hiểu được phải hiếu thuận cha mẹ.
Đối với vợ, người chồng phải có tình nghĩa. Người vợ cùng với chúng ta gánh vác nặng nhọc, cùng lo liệu gia đình là việc rất không dễ dàng, cho nên mỗi giờ, mỗi phút người chồng phải nhớ lấy cái ân tình này của vợ. Người vợ có một ân tình mà cả đời này chúng ta báo đáp cũng không hết, đó chính là giúp chúng ta nối dõi tông đường. Cái sứ mạng này rất nặng. Nếu không thì chúng ta tự mình có thể làm được không? Không thể làm được, không người nào có thể thay thế được, chúng ta phải cảm ân vợ. Vì vậy, người làm chồng mỗi lần nghĩ đến vợ chính là nghĩ ta có một người vợ giúp ta nối dõi tông đường. Khi chúng ta lúc nào cũng đem cái ân đức này để ở trong lòng, vợ chồng ở với nhau không thể nào không tốt.
Sau đó đối với con cái phải có “đạo nghĩa”, nhất định phải dạy tốt trẻ nhỏ, đó là bổn phận và trách nhiệm của người làm cha mẹ.
Người vợ phải có tứ đức: Đức – Ngôn – Công – Dung
Thứ nhất là “vợ đức”
Người vợ phải có đức hạnh. Nếu như người vợ không có đức hạnh, khi gả đến nhà người thì sẽ làm cho nhà người ta gà chó cũng không yên. Vốn dĩ trong nhà họ không có việc gì, khi gả vào nhà thì rối tung cả lên. Cho nên “đức hạnh” rất quan trọng. Con ruột hiếu không bằng con dâu hiếu, vì vậy thời xưa có nói đến: “Cưới được một người vợ tốt, gia tộc có thể hưng vượng ba đời”. Vậy nếu cưới một người vợ không tốt thì gia đình sẽ bại đến ba đời. Do đó, cưới vợ tiêu chuẩn thứ nhất là gì? Là đức hạnh. Cưới vợ phải cưới người có đức hạnh. Hiện tại nam thanh niên nhận biết được điều này không nhiều. Vì vậy, chúng ta phải giáo dục con cái là sau này tìm đối tượng phải chú trọng “đức hạnh”, phải có “vợ đức”. Người “vợ đức” này, trong tự nhiên hành vi, lời nói của người mẹ liền sẽ có sự ảnh hưởng thầm lặng lên trẻ nhỏ.
Mẹ của tôi thường hay nói với cha tôi là: “Tấm lòng của ông quá mềm yếu!”, sau đó lại nói tiếp là: “Hết thảy các người đều như vậy!”. Vốn dĩ là đang nói cha tôi, sau đó cả nhà thảy đều bị bà nói hết. Tôi muốn nói thêm một câu: “Chẳng phải mẹ cũng như vậy sao!”. Tôi nhớ lại lúc nhỏ có lần đi xe taxi về quê ngoại, kỹ năng lái xe của người lái xe taxi không được tốt, khi lái vào một con đường nhỏ thì một bánh xe bị lọt xuống mương nước. Khi xe rơi xuống thì ống xả chạm nước mương nên nó bị lỏng, nửa đoạn đường sau đó cái ống xả cứ kêu lên: “Khọt! Khọt! Khọt! Khọt!”, cứ như vậy mà đến nhà bà ngoại tôi. Kết quả là khi mẹ tôi lấy tiền trả tiền xe cho ông ấy thì đặc biệt lấy ra 500 đồng đưa cho ông ấy. Vào lúc đó tôi còn nhỏ, khi mẹ lấy tiền ra trả cho người lái taxi, mẹ tôi có nói với tôi là bà đang làm việc gì hay không? Bà không nói, thậm chí bà còn không biết con trai bà đang đứng nhìn. Thế nhưng trong đầu óc của tôi xuất hiện ra mấy câu văn tự, đó là mẹ tôi cảm thấy họ là người lao nhọc, kiếm tiền rất không dễ dàng, phí dùng để sửa xe này nhất định sẽ tạo thành gánh nặng cho gia đình ông ấy. Đời sống chúng ta tương đối dư dả thì giúp đỡ cho ông ấy một chút.
Hành động của mẹ tôi khiến cho tôi rất cảm động. Cho nên từng lời nói, việc làm của người mẹ đều có sự ảnh hưởng thầm lặng lên con trẻ. Sau này trong lúc tôi giảng bài, đột nhiên hồi tưởng lại, tôi gọi điện thoại nói cho mẹ tôi nghe việc này. Mẹ tôi thế nào vậy? Mẹ tôi sớm đã quên mất việc này rồi. Thậm chí cơ bản mẹ không hề biết con trẻ đang học tập, cũng đang cảm động. Như vậy, người “vợ đức” thật sự là ngay trong từng lời nói, việc làm đều đang ảnh hưởng đến con cái.
Thứ hai là “vợ ngôn”
Lời nói của người mẹ khi nào bắt đầu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ vậy? Ngay khi thai giáo. Lời nói của người mẹ nếu như rất dịu dàng, trẻ nhỏ ở trong thai sẽ cảm nhận rất dễ chịu. Nếu như người mẹ ồn ào, lớn tiếng, nói chuyện rất khó nghe, đứa trẻ này sẽ học tập ngay từ trong thai. Có khi chúng ta đến nhà một số bạn bè thì cảm thấy người trong nhà họ nói chuyện giống như là đang gây lộn, đều là rất lớn tiếng. Đó chính là một thói quen. Khi chúng ta nói quá lớn tiếng, nói lời khó nghe, con cái của chúng ta cũng đang học tập. Nếu như lời nói của chúng ta rất ôn hòa, lời nói có thể bao dung người khác, con cái liền sẽ học được tốt.
Tôi nhớ lại, cha mẹ tôi từ trước đến giờ chưa từng ở trước mặt con cái nói một người bạn nào đó của họ không tốt. Việc này rất quan trọng. Ngay khi người làm cha mẹ ở trước mặt con cái nói người này không tốt, người kia rất không tốt, xin hỏi: Con cái của họ học được cái gì? Học được nơi nơi xem thấy người khác không tốt, chỗ chỗ phê bình, sẽ rất ngạo mạn. Vì vậy, lời nói của chúng ta cũng phải nên cẩn trọng.
Thứ ba là “vợ công”
Thời xưa phụ nữ biết may quần áo, biết làm rất nhiều việc nhà, đây gọi là “vợ công”. Tuy nhiên, tình hình hiện nay, phụ nữ còn cần phải dệt áo len để làm gì nữa không? Việc này tương đối không cần thiết, bởi vì hiện tại xí nghiệp dệt may đều là tương đối phát triển. Tình hình của gia đình thời xưa và thời nay không như nhau. Thế nhưng một người mẹ muốn cho gia đình duy trì được tốt vẫn cần phải có rất nhiều năng lực tốt. Thí dụ nói trong nhà thì phải chỉnh lý cho sạch sẽ. Trẻ nhỏ ở ngay trong hoàn cảnh sạch sẽ, chỉnh tề mà lớn lên, chúng trong vô hình trung sẽ cảm thấy đồ đạc thì phải được lau sạch sẽ, đồ vật thì phải để ngay ngắn. Nếu như chúng xem thấy đồ đạc lộn xộn, chúng sẽ bất giác tự mình ra tay dọn dẹp.
Ngoài việc sắp xếp công việc gia đình ra, người vợ còn phải có thể nấu được một số món ăn ngon. Bởi vì nếu như con cái và chồng đều ra bên ngoài ăn thì sẽ có kết quả gì? Ăn cơm ở bên ngoài thì không khí gia đình không còn hòa thuận, người nhà rất ít ngồi chung với nhau. Hơn nữa, thức ăn ở bên ngoài vừa nhiều dầu, vừa mặn. Cho nên hiện tại bệnh tật gì là nhiều nhất? Bệnh cao huyết áp. Người bệnh cao huyết áp đi trị bệnh thì phải ngồi xếp hàng chờ đến nửa ngày. Hiện tại người bị trúng phong (đột qụy), người bị nhồi máu cơ tim đặc biệt nhiều. Trong nhà nếu như thường hay nấu những món ăn thanh đạm thì sẽ làm cho người trong nhà đều rất vui, đều trở về nhà ăn. Tôi nhớ lại lúc nhỏ, còn có một câu khẩu hiệu rất hay gọi là “cha hãy về nhà ăn cơm tối”, như vậy thì không khí gia đình sẽ rất tốt.
Thứ tư là “vợ dung”
Đây là nói dung mạo của người phụ nữ. Đương nhiên không phải nói “vợ dung” là trang điểm lên giống như ngày kết hôn. “Vợ dung” là biểu thị rất đoan trang, rất giản dị, không phải sinh con xong thì không để ý gì đến mình. Rất nhiều cô gái khi sinh con xong, cảm thấy ta nhất định giống như một bà già rồi, cho nên không cần phải chải chuốt. Rất có thể ông chồng vừa bước vào cửa thì giật thót cả người, “á” lên một tiếng rồi lập tức chạy ra. Như vậy thì không tốt. Người vợ phải làm cho chồng nhìn thấy vừa lòng, đẹp mắt. Hơn nữa, quý vị nghi dung đoan trang thì sẽ cho con cái một tấm gương tốt. Chúng ta phải nhìn được xa. Vì vậy, “vợ dung” cũng là rất quan trọng.
Người chồng phải có tứ đức: Đức – Ngôn – Công – Dung
Thứ nhất là “chồng đức”
Khi vợ chồng đều có thể đoan chính ngôn hạnh, phẩm hạnh của chính mình, thì nhất định sẽ giáo dục tốt con cái. Hiện tại nói nam nữ bình đẳng, cho nên “bốn đức” này người nữ cần, người nam cũng cần. Chồng cũng phải có “đức”.
Thứ hai là “chồng ngôn”
Lời nói của chồng cũng phải nhẹ nhàng, ý tứ. Ngôn ngữ cũng phải thường hay “miệng nở hoa sen”, làm gương tốt cho con cái.
Thứ ba là “chồng công”
Người nam không có bản lĩnh thì không được, làm sao có thể duy trì gia đình.
Thứ tư là“chồng dung”
Quý vị làm cha ở trong nhà mà ăn mặc lôi thôi hoặc là khi ngồi mà gác chân trên bàn thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho con cái. Đây cũng là “chồng dung”. Do đó, chúng ta phải mỗi giờ, mỗi phút nhắc nhở chính mình, cho con cái tấm gương tốt. Lấy mình làm gương là rất quan trọng.
16. Dạy trẻ nhỏ phải có cương, có nhu.
Có cương, có nhu, nói dễ hiểu một chút chính là có người diễn vai phản diện, có người diễn vai chính diện. Có cương – có nhu, có cứng – có mềm, cho nên chúng ta nói trung dung là đạo, không thể thái quá, cũng không thể bất cập. Nếu như hôm nay chỉ có “ân”, đối tốt với trẻ nhỏ tốt không gì bằng, thì chúng sẽ không sợ cha mẹ, sẽ cưỡi lên đầu cha mẹ. Nếu như chỉ có “uy”, rất hung dữ đối với con trẻ thì con trẻ sẽ có khoảng cách đối với chúng ta. Vì thế, cương – nhu phải sử dụng cho tốt.
Tôi có đứa cháu là con của chị. Sau khi chị tôi sinh xong, nó đến ở trong nhà chúng tôi. Anh rể tôi làm việc tương đối bận rộn. Khi ở nhà chúng tôi, tôi cũng có trách nhiệm gánh vác việc dạy bảo đứa cháu này. Các vị nghĩ xem, tôi thích hợp diễn vai chính diện hay phản diện? Các vị cảm thấy thế nào? Phản diện à? Làm sao vừa nhìn mà biết ngay vậy?
Tôi nhớ lại năm đầu tiên tôi đi dạy học, có một lần học trò không giữ quy củ, tôi mắng cho chúng một trận. Từ lầu hai đi xuống lầu một thì đi ngang qua văn phòng, giáo viên toàn trường đều nhìn vào tôi: “Thầy cũng biết tức giận nữa sao?”. Họ đều rất kinh ngạc. Kỳ thật, đáng khởi tức giận mà không giận thì không thể nào dạy tốt được học trò. Chúng ta khởi tức giận là để cho học trò cảnh giác, về sau không được tái phạm cái lỗi này nữa. Cho nên nhân sinh như diễn kịch, đáng diễn như thế nào thì nên diễn như thế đó.
Đối với đứa cháu này của tôi, tôi diễn phản diện, mẹ của cháu là chính diện. Phản diện và chính diện nhất định phải phối hợp cho tốt. Tôi nhớ lại mấy năm về trước, hôm đó là đêm đón giao thừa. Khi ăn cơm ở nhà chúng tôi, đứa nhỏ này vừa cầm đũa lên liền cầm sát ở đầu đũa để gắp thức ăn. Tôi liền nói với cháu: “Vĩ Vĩ à! Cầm như vậy có vi khuẩn, con cầm đũa thì nhất định phải cầm ở bên trên”. Nó nhìn tôi, lại đưa tay cầm xuống phía dưới. Tôi rất có lòng nhẫn nại, tôi lại nói: “Cầm như vậy sẽ có vi khuẩn, con phải cầm lên phía trên”. Nó lại nhìn tôi, tuy là nó không nói lời nào, quý vị biết được là ý gì hay không? Ý nó muốn nói: “Để xem ông có mức nhẫn nại đến cỡ nào!”. Rất nhiều trẻ nhỏ muốn xem mức nhẫn nại của cha mẹ. Khi chúng vượt qua được sự nhẫn nại của quý vị, thì chúng liền có thể muốn gì được nấy, quý vị liền sẽ từng bước nhượng bộ, chúng có thể dùng tình cảm để uy hiếp quý vị. Tôi thấy ba lần khuyên nó không có ích gì, tôi lập tức bế nó lên, đi về phía phòng của tôi. Tại vì sao phải đi vào phòng của tôi? Phải cắt đứt hết tất cả viện binh của nó thì nó mới biết là sắp có việc không lành rồi. Khi tôi bế nó đi, mẹ tôi lập tức nói: “Sắp đón giao thừa rồi, đừng có đánh mà!”. Có nên đánh hay không? Lẽ nào sắp đón giao thừa thì phạm sai lầm sẽ không cần xử phạt? Như vậy thì trẻ nhỏ căn bản sẽ không biết quy củ ở chỗ nào.
Hiện tại có rất nhiều phụ huynh, vào ngày thứ bảy, ngày chủ nhật thì có thể ngủ đến giữa trưa. Có tình huống này hay không? Năm ngày thì họ bình thường, thứ bảy và chủ nhật thì không bình thường, đời sống của họ liền lộn xộn lên, không có quy củ. Cho nên hiện tại khi thứ hai đi học, biểu hiện của học trò rất lười nhác. Do đó quy tắc, quy định không thể bởi vì bất cứ tình huống nào mà thay đổi, nếu không thì trẻ nhỏ nhất định sẽ lười nhác, nhất định sẽ đi đến chiều hướng ham chơi mà không tuân thủ quy tắc.
Tôi giao ước với chị tôi, cho dù chị dẫn cháu đi leo núi, đi ra ngoài chơi vài ngày, mỗi ngày nhất định phải cố định đem những Kinh điển cháu cần phải học thuộc lòng ra học thuộc! Như vậy thì trong lòng trẻ nhỏ sẽ hiểu rõ, cho dù ở trong nhà hay ở bên ngoài, bài tập về nhà của chính mình đều phải làm cho tốt. Ngay khi nguyên tắc của quý vị càng rõ ràng, chúng càng cảm thấy đó là bổn phận của chúng, chúng sẽ không có tâm cầu may. Chúng sẽ không ở đó mà nói những lời như: “Mẹ ơi! Hôm nay thôi đi mà!”, rồi nói những lời ngon ngọt cho quý vị nghe. Nguyên lý, nguyên tắc này nhất định phải nắm lấy.
Ngay khi tôi bế nó đi vào phòng, kỳ thật vào lúc đó quan trọng nhất là phải để cho nó biết chính mình đã sai rồi. Có phải chúng ta thích trừng phạt trẻ nhỏ hay không? Không phải vậy! Tôi nói với nó: “Con có khóc cũng không hề gì, con khóc càng lớn tiếng, cậu sẽ trừng phạt con càng nặng”. Kết quả khi tôi vừa nói như vậy thì nó khóc càng lớn tiếng, tôi liền đánh nó một cái. Kỳ thật lúc đó nó còn mang tã lót, cơ bản là sẽ không đau, chỉ là khí thế này của tôi làm cho nó nín ngay. Sau đó tôi nói với nó: “Con có làm mình, làm mẩy thế nào cũng không thể đạt được mục đích của con, hôm nay con có khóc thế nào cũng không ích gì đâu”. Ngay khi quý vị rất kiên định, chúng vừa nghe thì hiểu là phương pháp của chúng như vậy tuyệt đối không thể nào đạt được mục đích. Chúng liền sẽ không khóc.
Ngay khi nó không khóc nữa, tôi liền đem đạo lý giảng rõ ràng cho nó nghe: “Cậu dạy con như vậy là muốn tốt cho con, con phải nên tiếp nhận lời dạy dỗ của người lớn”. Lúc đầu rất hung dữ nhưng bây giờ biến thành rất từ ái. Sau khi giảng cho nó nghe xong, tôi liền đi ra, vai phản diện đã diễn xong rồi. Ai sẽ diễn tiếp? Chính diện phải lên diễn tiếp, cho nên chị tôi liền đi đến. Khi chị tôi vừa đi đến, nó liền chạy đến trước mặt chị, ôm lấy chị khóc tức tưởi. Chị tôi lập tức giữ nó lại: “Con vừa phạm phải lỗi gì? Con tự mình nói ra cho mẹ nghe xem”. Nó không nói, lại tiếp tục ôm lấy chị tôi. Chị vẫn rất kiên trì, lại hỏi con trai là: “Con vừa phạm phải lỗi gì? Con mau tự mình nói ra đi”. Phải để trong ký ức của trẻ nhỏ không nhớ việc bị cậu trừng phạt, mà phải nhớ việc chính mình phạm phải những lỗi lầm gì. Sau khi nói xong, chị của tôi liền nói với con của mình: “Con phải đi xin lỗi cậu ngay!”. Mẹ cháu còn muốn cháu phải đến xin lỗi tôi. Đây chính là tìm cơ hội để giáo dục, tạo thành một kết thúc rất đẹp. Rất nhiều bậc làm cha mẹ dạy con chỉ trừng phạt là xong, trút hết tức giận thì thôi, đều không hề làm động tác kết thúc. Cho nên ngay trong ký ức của trẻ nhỏ, chúng chỉ cảm giác tính khí của cha rất không tốt, tính khí của mẹ rất không tốt. Do vậy, ân đức và uy nghiêm phải đồng nhau, sự phối hợp giữa hai vai phản diện và chính diện phải cẩn thận.
Hiện tại có người diễn vai phản diện hay không? Người cha hiện nay có chịu diễn vai phản diện hay không? Không chịu làm. Tại vì sao người cha hiện nay không chịu diễn phản diện? Bởi vì họ làm việc rất bận rộn, cảm thấy đối với con rất thiếu sót, khó có dịp ở bên con nên họ đều muốn nhìn thấy trẻ nhỏ nở nụ cười. Không chỉ không diễn phản diện, mà họ đều là diễn chính diện. Vì vậy mỗi lần họ quay về nhà thì mang về quà tặng, đồ chơi. Sau đó trẻ nhỏ chạy đến: “Cha thật là tốt!”, vội vàng cầm lấy đồ chơi rồi đi. Một lần, hai lần, rồi ba lần, đều là như vậy, quý vị chỉ mang quà về cho trẻ nhỏ. Trải qua hai – ba tháng, con của quý vị chạy đến: “A! Cha ơi!”, chúng không phải nhìn vào quý vị mà chúng nhìn vào món quà, ôm lấy quà rồi bỏ đi. Đột nhiên có một hôm quý vị trở về mà không có quà, chúng sẽ nói: “Vì sao cha về lại về không như vậy?”. Cho nên không thể dùng vật chất để xây dựng quan hệ cha con, như vậy thì thật không tốt. Phải nên dùng sự quan tâm, thương yêu của quý vị để xây dựng quan hệ cha con.
Người cha không diễn phản diện thì ai diễn? Người mẹ diễn à? Thiên tính của người nữ là tương đối nặng tình cảm, đều rất là quan tâm đối với trẻ nhỏ, nên các cô diễn chính diện là tự nhiên nhất. Nhưng hiện tại người mẹ không chỉ diễn chính diện mà còn phải diễn cả phản diện nữa. Có rất nhiều cô sau khi đóng xong phản diện với trẻ nhỏ, trong lòng chính mình lại cảm thấy rất là đau xót. Lúc đầu là diễn phản diện, có thể chốc lát lại phải biến thành chính diện. Có dễ diễn không? Thật khó diễn, vừa trút xong cơn giận, lại phải rất từ ái đối với trẻ nhỏ. Vì thế, người nữ hiện tại, bệnh nghiêm trọng nhất là bệnh gì? Rối loạn nội tiết. Có phải vậy không? Thường hay phải diễn phản diện, bỗng chốc lại phải chuyển thành chính diện nên tạo thành áp lực rất lớn đối với thân tâm của các cô. Do đó, vẫn là người chồng diễn phản diện, bởi vì người nam thuộc cương, người nữ thuộc nhu. Người chồng nên đóng vai phản diện thì trẻ nhỏ mới không dễ dàng gây rối.
Chúng tôi nhớ lại lúc còn nhỏ, chỉ cần ánh mắt của cha trừng vào chúng tôi một cái, chúng tôi lập tức biết được phải đàng hoàng lại. Bởi vì những người cha thời nay làm việc tương đối bận rộn nên tôi kiến nghị với họ là không nhất định phải dành nhiều thời gian dạy trẻ nhỏ. Không phải dành nhiều thời gian thì trẻ nhỏ mới cảm nhận được là quý vị rất quan tâm đến chúng. Quan trọng nhất là quý vị có cái tâm này hay không. Nếu như mỗi ngày quý vị bỏ ra mười phút. Trong mười phút này, điện thoại phải tắt đi, khoảng thời gian này chính là thời gian quý vị ở chung với con của quý vị, quý vị phải đem sách Thánh Hiền ra, đem “Những Câu Chuyện Giáo Dục Đạo Đức” ra giảng cho chúng nghe hai điều mỗi ngày. Quý vị liên tục không ngừng làm như vậy, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy quý vị rất quan tâm đến chúng. Sau khi chúng nghe xong chuyện xưa rồi, đến trường học chúng sẽ kể với các bạn: “Cha của mình mỗi ngày đều kể cho mình nghe hai câu chuyện”. Các bạn học sẽ có nhìn chúng ngưỡng mộ. Sau đó chúng sẽ nói: “Nào! Mình sẽ kể cho các bạn nghe hai câu chuyện này”. Đồng thời quý vị huấn luyện chúng làm thế nào đem những câu chuyện về Thánh Hiền cùng chia sẻ với mọi người. Cho nên quan trọng nhất là quý vị phải có cái tâm này. Việc này có thể dạy con được tốt.
Tiểu kết
Vừa rồi chúng ta có nói đến quan hệ ngũ luân, trong đó quan hệ vợ chồng là quan trọng nhất. Vợ chồng chính/chánh thì ngũ luân chính/chánh. Phương pháp học tập là “một môn thâm nhập”. Một môn này đã nắm được cương lĩnh của đạo đức rồi, mà nắm được “Đệ Tử Quy” thì nắm được cương lĩnh của đạo đức. Cho nên chúng ta học tập trước tiên từ một môn “Đệ Tử Quy” này mà thâm nhập. Làm thế nào thâm nhập? Thâm nhập phải làm đến “giải – hành tương ưng”, sau khi lý giải rồi, nhất định phải thực hành. Việc quý vị thực hành sẽ giúp quý vị càng hiểu rõ đạo lý Thánh Hiền. Hiểu được càng sâu thì lý giải sẽ được càng sâu. Lý giải được càng sâu thì quý vị thực hành được càng thiết thực. Lý giải giúp cho thực hành, thực hành lại giúp cho lý giải. Vì vậy, chúng ta học một câu nhất định phải hiểu được phải mau đi thực hành, phải “trường thời huân tu” (huân tu lâu dài). Lâu dài là chỉ mỗi giờ, mỗi phút. Tôi thường hay nói với rất nhiều bạn bè là: “Chỉ cần các bạn liên tục không ngừng nghỉ, mỗi ngày sớm tối đem Đệ Tử Quy đọc qua một lần, bảo đảm sau ba tháng, các bạn sẽ cảm thấy đạo đức học vấn có tiến bộ rất lớn”. Cái thang thuốc này trước mắt người uống vào, hiệu quả đều rất tốt. Các vị có muốn uống thử không?
Khi tôi ở Hải Khẩu, có một vị thầy giáo chân thật đã làm được. Vị thầy giáo này khi lần đầu tiên lên lớp, tôi có ấn tượng rất sâu. Vào tiết Nguyên Tiêu năm vừa rồi, khi ông nghe giảng, mắt không hề dao động. Tôi giảng rất nhiều câu chuyện của Thánh triết, ông đều cố gắng ghi chép lại. Ông học được hơn ba tháng thì đi đến trước mặt tôi nói: “Thầy Thái ơi! Giáo dục Thánh Hiền tốt đến như vậy, không thể chỉ có gia đình tôi được lợi ích, tôi mong muốn quay về quê hương của tôi để dạy Đệ Tử Quy”. Bởi vì ông có lập chí, bởi vì ông có thời gian dài không gián đoạn sáng tối đọc qua một lần, cho nên tiến bộ đặc biệt nhanh. Khi đọc vào buổi sáng là nhắc nhở chính mình rằng hôm nay phải làm được những giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”. Khi đọc vào buổi tối, chúng ta phản tỉnh rằng: Ngày hôm nay mình đã làm được điều gì, khích lệ cho mình một chút; những điều nào chưa làm được phải càng thêm cảnh giác, sau không làm nữa, sau không tái phạm. Như vậy mới có thể thu được kết quả tốt, có thể “trường thời huân tu”. Chữ “tu” là tu sửa cách nghĩ, cách làm, cách nói, mỗi giờ nhắc nhở chính mình tu sửa. Tu sửa luôn luôn phải là tu sửa lúc đối diện với người, qua lại với người, chứ không phải khi mắc sai lầm rồi mới tu sửa.
Có một người bạn, anh ấy chia sẻ với tôi là anh khó sửa nhất chính là việc “người có lỗi, chớ vạch trần”, bởi vì mấy mươi năm nay nói lỗi của người khác quen rồi. Anh cũng là rất dụng công, sớm tối đều đọc qua “Đệ Tử Quy” một lần. Kết quả mỗi lần anh muốn nói lỗi của người, đột nhiên câu Kinh văn trong “Đệ Tử Quy” liền xuất hiện, câu “người có lỗi, chớ vạch trần” liền hiện lên trong đầu của anh, miệng của anh liền lập tức đóng lại. Đây gọi là trải sự luyện tâm. Trải qua những sự việc này, anh không ngừng tu sửa cách nghĩ, cách nhìn, tu sửa ngay trong cách nói, cách làm.
Chúng ta đã đề cập đến toàn bộ thái độ học tập, bao gồm:
- Thứ nhất, phải lập chí;
- Thứ hai, phải thực hành;
- Thứ ba, thứ tự học tập rất quan trọng. Trước tiên nhất định phải xây dựng nền tảng đạo đức, sau đó mới đọc các Kinh điển khác;
- Thứ tư, phương pháp học tập phải có thể: “Một môn thâm nhập, trường thời huân tu” (thâm nhập một môn, huân tu lâu dài).
Nếu chúng ta có thái độ chuẩn xác rồi, tiếp theo chúng ta mới bước vào học tập “Đệ Tử Quy”.
Học “Đệ Tử Quy”, thông thường người ta nghe đến “Đệ Tử”, chúng ta thường có nhận thức sai lầm là cái này dành cho trẻ nhỏ học. Thật ra, “Đệ Tử” không phải là chỉ trẻ nhỏ, “Đệ Tử” là chỉ học trò của Thánh Hiền nhân. Chữ “Quy” cũng là chữ hội ý, bên trái là chữ “Phu”, bên phải là chữ “Kiến”, nên gọi là kiến giải của đại trượng phu. Kiến giải của đại trượng phu nhất định là tùy thuận giáo huấn của Thánh Hiền, cũng chính là chân lý của nhân sinh về việc đối nhân, xử thế. Chúng ta học “Đệ Tử Quy” mới có thể dạy tốt được trẻ nhỏ. “Giáo nhi giáo nữ tiên giáo kỷ” (muốn dạy con cái thì trước tiên phải dạy chính mình). Muốn dạy tốt con trai, con gái, trước tiên phải nâng cao chính mình. Chính mình phải học tốt trước, như vậy mới có thể làm tốt được công tác thân giáo.
Hết tập 5. Vui lòng xem tiếp tập 6.