Giảng Chi Tiết “Đệ Tử Quy” – Tập 3

Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Giảng ngày 15/2 đến 23/2 năm 2005
Tổng cộng 40 Tập.

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 51-116-0001 đến 51-116-0040

MỤC LỤC

10. Tâm nhân từ của một người bắt đầu từ chữ “hiếu”.

11. Thái độ và phương pháp học tập.

11.1         Học tập quan trọng nhất ở lập chí
11.2         Học tập quý ở thực hành.


(tiếp theo tập trước)

Phần trên chúng ta đã nói là trên thực tế, không phải là không có biện pháp để đạt được sự an định của thế giới, xã hội và gia đình. Then chốt chính ngay ở tâm niệm của mỗi người. Nếu như tự tư thì liền sẽ phát sinh xung đột. Nếu như lúc nào chúng ta cũng vì người mà lo nghĩ thì gia đình, xã hội sẽ an khang, viên mãn.

Chúng ta đã nói đến một đứa trẻ nếu như từ nhỏ có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người, vì người mà lo nghĩ, thì từ nhỏ sự khởi tâm động niệm của chúng đã bắt đầu vun bồi phước phần cho chính mình rồi, vậy nên chúng từ nhỏ đã biết bồi phước, tích phước. Vì có được cái tâm này nên chúng biết rằng: “Học tập là chí tại Thánh Hiền, phải đem đạo đức, học vấn đã học được phụng hiến cho xã hội”. Cho nên, khi chúng vừa bước vào xã hội liền biết vì xã hội tạo phước. Do đó, phước phần của chúng sẽ càng ngày càng lớn, đến tuổi già thì phước báo sẽ hiện tiền, có thể an hưởng tuổi già.

Cho nên trong “ngũ phước” có một phước gọi là “thiện chung”. Nói cho dễ hiểu một chút, đó chính là “chết được tốt”, sẽ không chết một cách khó khăn. Tục ngữ thường nói: “Đừng để cho chết không được tốt lành”. Câu nói này dường như là lời mắng người. Thế nhưng hiện tại câu nói này không được xem là lời mắng người, mà xem là một hiện tượng phổ biến.

Chúng ta nhớ lại lúc nhỏ, thường hay nghe nói đến một vị trưởng bối nào đó, hôm qua ngủ rồi ra đi rất an lành. Hiện tại tình trạng như vậy có nhiều không? Không còn nhiều nữa. Vì sao người thời trước có thể rất an lành mà rời khỏi thế gian này, còn người hiện tại khi chết có thể phải đưa đi cấp cứu, khi chết có thể là “bất tỉnh nhân sự” (không biết gì cả)? Đó đều là bởi vì họ không biết cách chăm sóc thân thể, không biết vun bồi phước phần của chính mình. Phước quá mỏng thì không cách gì có thể “thiện chung”. Vì vậy, người phải có phước.

Căn nguyên vẫn ở một niệm “thiện tâm”. Người thời trước tương đối lương thiện, nơi nơi đều vì người mà lo nghĩ, vì vậy mà chết được rất nhẹ nhàng. Người hiện tại tương đối tự tư, tự lợi, nên trước khi chết vẫn sợ được, sợ mất, chấp trước quá nhiều thứ, không buông bỏ được. Nếu chúng ta muốn tuổi già hưởng phước, thì phải biết giữ tâm thiện, phải biết được mỗi lúc đều có thể buông bỏ, không nên chấp trước.

Rất nhiều người đều cảm thấy đời người khi bắt đầu làm việc thì mới có thể giúp đỡ cho xã hội, sau này già rồi thì sẽ không cách gì dốc hết tâm lực của mình được, nên nhiều người đều cảm thấy dường như từ 20 tuổi đến 60 tuổi mới là giai đoạn hoàng kim, tạo phước cho xã hội. Rất nhiều người đều hoạch định đời sống của mình như vậy. Thật ra, một đứa trẻ từ nhỏ được tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền thì đời sống của chúng tuyệt đối không phải chỉ có thời gian 40 năm.

Chúng ta cùng nhau xem lại, một đứa trẻ từ nhỏ đã giữ tâm nhân ái, giữ tâm đạo đức thì như thế nào. Trong lớp học của chúng tôi, có một đứa bé mới hơn hai tuổi. Ngày đầu tiên đi học, sau khi học xong về nhà, cha mẹ của em hỏi: “Hôm nay con học được những gì?”. Đứa bé này lập tức tinh thần phấn chấn nói ra bốn chữ: “Hiếu thuận cha mẹ”. Cha mẹ của em cũng rất kinh ngạc. Trẻ nhỏ mới hơn hai tuổi đã học được điều vô cùng chân thật, vô cùng thiết thực. Buổi thứ hai em đến lớp là lúc thầy giáo mời rất nhiều bạn học trong lớp lên chia sẻ trong tuần này các em đã làm được những việc gì để hiếu thuận với cha mẹ. Bởi vì học vấn quí ở thực hành nên sau khi học rồi, về nhà phải cố gắng thực hành. Rất nhiều em học sinh phát biểu, có em giúp cha mẹ bưng nước rửa chân, có em cắt trái cây cho cha mẹ ăn. Em nhỏ hơn hai tuổi này nhìn thấy rất nhiều anh chị lớn đều làm được những việc hiếu hạnh nên em rất muốn học tập theo.

Thưa các vị, người lớn dạy trẻ nhỏ là một phương pháp, trẻ nhỏ dạy trẻ nhỏ cũng là một phương pháp tốt. Do đó có câu: “Tương quan nhi thiện”, chúng sẽ quan sát học hỏi lẫn nhau. Sau khi học tiết thứ hai xong, về nhà, đứa bé này lập tức cầm lấy tách trà, mang nước nóng đến cho cha mẹ uống. Em mới hơn hai tuổi mà lúc nào cũng giữ cái tâm như vậy, nên gọi là “phước điền tâm canh(Ruộng phước do tâm cày), em đang vun bồi phước phần của chính mình. Đồng thời, hành vi của trẻ như vậy chính là “tu thân”. Chúng sẽ khiến cha mẹ của mình cảm động. Ngay đến đứa trẻ hơn hai tuổi đã biết dâng trà cho cha mẹ uống, đều biết được mọi lúc, mọi nơi phải vì cha mẹ mà lo nghĩ, thì chúng ta tin tưởng rằng cha mẹ của em sẽ cảm thấy là “ngay cả con của mình còn làm được như vậy, thì bản thân mình càng phải tích cực thực hành hiếu đạo”. Cho nên đứa trẻ này đã bắt đầu “tề gia”. Câu chuyện về đứa trẻ này tôi đã giảng khắp cả miền Nam, Bắc ở Trung Quốc đại lục. Thậm chí câu chuyện này còn nổi tiếng ở nước ngoài, câu chuyện này đã được kể ở các nước như Malaysia, Singapore,  Indonesia. Bởi vì đứa bé này chân thật là có công phu “tu thân” nên chúng ta mới có thể  đem  những  câu  chuyện  này mà biểu dương với mọi người, để thật nhiều người trong thiên hạ đều có thể từ đây mà bắt chước theo.

Như vậy, nếu một đứa trẻ từ nhỏ đã nhận được giáo dục của Thánh Hiền, thì sinh mạng của chúng tuyệt đối không phải là từ 20 tuổi mới bắt đầu tỏa sáng, mà từ mấy tuổi vậy? Nếu như người mẹ khi vừa mang thai đã biết mở “Đệ Tử Quy”, mở những Kinh điển Thánh Hiền cho chúng nghe, thì đứa bé này sau khi sinh ra, câu đầu tiên nói có thể là “Phép người con, Thánh nhân dạy”. Đứa bé này từ lúc sinh ra liền có thể hoằng dương Thánh giáo, sinh mạng của chúng từ nhỏ liền có giá trị. Cũng vậy, đứa trẻ từ nhỏ đọc sách Thánh Hiền, chúng lớn lên tạo phúc cho xã hội, trí tuệ của chúng sẽ ngày càng thêm lớn. Như vậy thì càng về già, chúng sẽ càng có giá trị, đi đến nơi nào cũng có rất nhiều hậu sinh vãn bối muốn đến thân cận. Bởi vì chỉ cần thân cận chúng thì có thể nhận được rất nhiều bài học cho cuộc đời, giảm thiểu rất nhiều những tìm tòi không cần thiết. Cho nên người tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền thì sinh mạng của họ không phải là 60 tuổi kết thúc, mà là đến già vẫn rất có giá trị.

Thầy của tôi là Pháp sư Thích Tịnh Không, năm nay đã 79 tuổi rồi. Khắp nơi trên thế giới đều có rất nhiều học trò hy vọng có thể nhận được giáo huấn của Ngài. Không chỉ là người Trung Quốc hy vọng nhận được giáo huấn của Ngài, mà hiện tại các dân tộc, các tôn giáo trên thế giới đều rất hi vọng có thể thân cận vị trưởng bối, vị lão sư này. Vì vậy, sinh mạng của Ngài tuyệt đối không phải là 60 tuổi kết thúc. Sinh mạng của Ngài đến lúc nào kết thúc vậy? Không hề kết thúc. Bởi vì giáo huấn của Ngài là từ trong tâm chân thành lưu xuất ra, mà tâm chân thành có thể siêu việt thời gian và không gian. Do đó, trong sách “Trung Dung” có nói: “Thành giả, vật chi chung thuỷ” (Chân thành là điểm khởi đầu và kết thúc của mọi việc). Chân thành nhất định có thể thành tựu sự việc. Hơn nữa, “chí thành như thần”, chí thành có thể cảm thông. Bởi vậy, Ngài dùng tâm chân thành khi nói và hành động nên thời gian và không gian cũng không thể thay đổi được sức ảnh hưởng của Ngài.

Các vị bằng hữu! Khổng Lão Phu Tử đã chết hay chưa? Tinh thần của Ngài trường tồn, mô phạm cho đời sau. Phạm Trọng Yêm đã chết hay chưa? Vào năm 2002, Trung Quốc Đại Lục tổ chức một cuộc vận động người Hoa toàn cầu học Kinh. Người Hoa từ rất nhiều nơi như Malaysia,  Singapore, Hong Kong, Indonesia đều đến Khúc Phụ – Sơn Đông để tham dự. Trong đó đã mời một vị khách đặc biệt đến tham dự, chính là truyền thừa đời sau của Phạm Trọng Yêm. Đã hơn 800 năm, đời sau của ông đều rất có thành tựu. Ngay trong lúc diễn giảng, tôi đã quen biết được hai vị. Trong đó có một vị tôi thấy ông có khuôn mặt rộng, tai rất to, chúng ta gọi là vừa nhìn liền biết tướng phú quý. Cho nên giáo huấn của Phạm Trọng Yêm từ 800 năm trước vẫn ảnh hưởng đến con cháu đời sau của ông. Vị con cháu này của ông, trong hoạt động diễn ra tại Khúc Phụ – Sơn Đông, đã bước lên đài hát lên một bài ca. Họ đem tác phẩm “Nhạc Dương Lầu Ký” của Phạm Trọng Yêm phổ thành một ca khúc. Khi ông hát đến đoạn “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), tôi tin rằng Phạm Trọng Yêm ở trên trời cao có linh, ông cũng cảm thấy cuộc đời này của ông thật có giá trị, cuộc đời này thật không uổng phí. Vì thế, khi con cháu của chúng ta từ nhỏ tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, biết dùng tâm chân thành yêu thương để hoạch định cuộc đời, thì tôi tin tưởng giá trị cuộc đời này của họ sẽ mãi mãi trường tồn.

Quý vị thân mến! Khi làm cha mẹ của người, làm trưởng bối của người, quý vị rốt cuộc muốn con cháu của mình kiến lập cuộc đời của chúng như thế nào? Việc này rất quan trọng. Quý vị hi vọng chúng có thể làm mô phạm cho đời sau, hay mong muốn chúng không bị chết đói là tốt lắm rồi? Tư tưởng, quan niệm của chúng ta sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến con cháu đời sau.

Quý vị thân mến! Làm người phải có chí khí. Ngay khi chúng ta biết văn hóa ngàn năm mà Tổ tông để lại có thể giải quyết vấn đề của xã hội và thế giới, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, mà phải dũng cảm bước ra. Chúng ta dũng cảm bước ra cũng không cần phải rơi đầu, cũng không cần phải đổ máu, mà chỉ cần bắt đầu làm từ việc “tu thân”của chính mình. Rất nhiều sự nghiệp lớn đều bắt đầu từ việc rất nhỏ, từng bước, từng bước mà làm ra. Trong “Đại Học” có một câu giáo huấn vô cùng quan trọng: “Từ thiên tử cho đến dân thường, việc đầu tiên là lấy tu thân làm gốc”. Ý nghĩa chính là nói: Cho dù họ là người lãnh đạo quốc gia hay là người dân bình thường, họ muốn trị quốc được tốt thì phải trị gia được tốt. Bắt tay vào từ chỗ nào? Tu dưỡng đạo đức, học vấn của chính mình. Ngay khi quý vị có đạo đức, học vấn thì liền có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Rất nhiều việc phức tạp mà đem phân tích cặn kẽ, thì thật ra rất là đơn giản.

11. Tâm nhân từ của một người bắt đầu từ chữ “hiếu”

Chúng ta đã hiểu rõ được người có tâm nhân từ, mỗi niệm là nhân từ. Người người đều có tâm nhân từ thì xã hội liền có thể hướng đến một thế giới đại đồng mà phát triển. Chúng ta tiến thêm một bước, một người có tâm nhân từ thì phải bắt đầu bồi dưỡng từ đâu? Phải bắt tay từ đâu mới có thể nuôi lớn tâm nhân từ của họ? Chúng ta luôn phải tìm ra bước đầu tiên. Bước đầu tiên này ở đâu vậy? Khi chúng ta luôn luôn hướng cội gốc mà tư duy thì chân lý liền xuất hiện.

Một người không hiếu kính đối với cha mẹ, quý vị có tin là họ có thể hiếu kính đối với người khác hay không? Trong “Hiếu Kinh” có nói đến một câu: “Bất ái kỳ thân”, không yêu cha mẹ của họ, “nhi ái tha nhân giả”, mà đi thương yêu người khác, đây gọi là bội đức, là trái với đức hạnh của một người. Không thể nào có việc như thế được.

Tôi trong lúc giảng dạy cũng đã từng thỉnh giáo một số vị nữ chưa kết hôn. Tôi hỏi các cô ấy: “Có một người nam rất là tích cực đeo bám cô, không ngừng nỗ lực trong suốt mấy mươi năm”. Hiện tại còn có loại ái tình lâu dài mấy mươi năm như một ngày không? Hiện tại gần như không còn. “Anh ấy đeo đuổi cô ba năm như một ngày. Cô có bất cứ yêu cầu nào thì anh ấy nhất định tận tâm, tận lực làm tốt giúp cô. Hơn nữa, chỉ cần có thời gian rảnh liền mời cô đi uống cafe, dẫn cô đi du sơn, ngoạn thủy. Thế nhưng anh ấy chưa từng uống cafe với cha mẹ anh ấy, cũng chưa từng du sơn, ngoạn thủy với cha mẹ. Ba năm này, cô cảm thấy anh ấy rất tốt đối với mình, anh ấy muốn cầu hôn cô. Đột nhiên có một vị trưởng bối và là người hàng xóm của anh ấy nói với cô rằng người nam này không hiếu kính đối với cha mẹ của anh ấy. Xin hỏi: Cô có nên kết hôn với anh ấy không?”. Có nên không? Không nên!

Có một số người nữ vẫn còn hơi do dự. Người trong cuộc thường mê muội. Nếu như hiện tại vẫn còn do dự thì khi chân thật gặp phải rồi, nhất định sẽ rơi vào bẫy. Vì sao các vị có kinh nghiệm như vậy? Chúng ta phải hiểu rõ rằng, “Hiếu” rất quan trọng đối với một người. Một người không học được hiếu đạo thì người đó không thể nào hình thành thái độ ân nghĩa, đạo nghĩa của họ trong cuộc sống không cách nào có thể hình thành. Bởi vì người có ân đức lớn nhất đối với chúng ta không ai hơn được cha mẹ của chính mình, công lao khổ cực mang thai, sinh đẻ, nuôi nấng, dạy bảo là ân đức lớn nhất của cha mẹ đối với chúng ta.

Họ không nuôi lớn ân nghĩa, không nuôi lớn đạo nghĩa, thì sẽ nuôi lớn điều gì? Có rất nhiều cha mẹ nói: “Con của tôi không học điều tốt, nhưng cũng không học điều xấu”. Có người nào như vậy hay không? Việc học cũng giống như chèo thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi. Cái gì là dòng nước ngược? Xã hội hiện tại là một lò ô nhiễm lớn, quý vị không mau dạy chúng điều tốt thì chúng nhất định sẽ học điều xấu.

Tôi đã từng dạy học ở một nơi tương đối hẻo lánh. Thông thường người ta sẽ cho rằng ở nơi hẻo lánh thì mức ô nhiễm tương đối thấp, cho nên trẻ con tương đối đơn thuần. Thật ra không hẳn như vậy, bởi vì hiện tại có một đại ma vương ở khắp mọi nơi, cho dù quý vị ở trong núi sâu, nó cũng sẽ chạy đến nơi đó rồi đem những quan niệm sai lầm nói với quý vị. Đại ma vương này là ai? Đó là truyền hình. Mọi người ai cũng biết nó nên chúng ta phải cảnh giác. Quý vị không mau đem quan niệm, thái độ chuẩn xác dạy cho trẻ nhỏ, thì chúng sẽ mỗi ngày từng li, từng tí đang học những điều không tốt. Vì vậy, khi cho trẻ nhỏ xem truyền hình, nhất định phải chọn những tiết mục không có ô nhiễm, phải chọn những tiết mục tốt. Ngay khi đứa trẻ không tăng trưởng ân nghĩa, tình nghĩa, thì sẽ nuôi lớn “lợi hại”, chúng sẽ tận lực mà truy cầu những thứ chúng ưa thích. Những thứ mà chúng không ưa thích thì có thể chúng sẽ trở mặt không nhận người quen, thái độ của đứa trẻ đối với người khác đều là “lợi hại”.

Vậy lợi hại có đáng tin cậy hay không? Lợi hại thay hình, đổi dạng rất nhanh. Hôm nay không có lợi hại gì thì anh em còn có thể hòa thuận ở cùng nhau. Ngày mai nếu như vì tài sản của cha mẹ thì có thể liền sẽ trở mặt. Người nam này tại vì sao ở trong ba năm có thể tận tâm, tận lực vì người nữ đó mà bỏ công ra? Nguyên nhân là ở đâu? Ở chỗ có lợi có thể chiếm. Cho nên, quý vị thấy người con trai ngày nay thấy người nữ xinh đẹp đều sẽ không hề tiếc thân mà tình nguyện phục vụ cô ấy. Có hay không? Nửa đêm cô gái này đói bụng, gọi điện cho anh ấy, anh ấy lập tức chạy đi mua cho cô ấy một ít chè vừng (mè) đen nóng hoặc cháo hạnh nhân nóng để cô ấy ăn. Động lực phía sau này là “lợi”. Khi quý vị lấy anh ấy rồi, sau ba năm lại sinh cho anh ấy một đứa con vừa trắng, vừa tròn. Thế nhưng sinh con, nuôi con rất khó nhọc, nên trên mặt cô ấy có vài nếp nhăn, không còn mỹ miều, trẻ trung như trước. Kết quả anh ấy ra ngoài làm việc, thấy một người xinh đẹp, trẻ tuổi hơn, vậy là từ “lợi” liền biến thành “hại”, bởi vì anh ấy muốn theo đuổi cô gái trẻ đó. Chúng ta thấy từ lợi đã biến thành hại, bởi vì anh ấy chỉ có lợi hại, chỉ có thích hay ghét thôi, nên từ lợi biến thành hại, từ thích biến thành ghét. Khi vừa làm ra hành động này liền ảnh hưởng gia đình, ảnh hưởng xã hội, tỷ lệ ly hôn gia tăng.

Tỷ lệ ly hôn tăng thì điều trực tiếp bị ảnh hưởng chính là sự giáo dục thế hệ sau. Không chỉ là sau khi quý vị ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con cái, mà ngay trong quá trình chung sống, sự xung đột của vợ chồng, bầu không khí không tốt này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm của trẻ nhỏ. Do đó vợ chồng bất hòa, vợ chồng ly hôn là sự tổn hại cả đời đối với trẻ nhỏ.

Tỷ lệ ly hôn còn kéo theo một vấn đề xã hội nghiêm trọng khác nữa, đó chính là tỷ lệ phạm tội. Tôi đã từng hỏi qua một vị là lãnh đạo của một nhà giam, ông trả lời rằng 60% – 70% số người bị tù tội đều xuất thân từ gia đình không toàn vẹn. Vì gia đình không toàn vẹn nên đứa trẻ từ nhỏ không có được sự giáo dục tốt của gia đình, vì vậy nền tảng nhân sinh của chúng không được vững chắc. Sau đó khi chúng đi học, vào xã hội, gặp những duyên phận không tốt thì lập tức liền bị bật gốc, rất dễ dàng bị bạn xấu làm hư hỏng.

Khi tỷ lệ phạm tội của xã hội càng ngày càng cao, thì dù có tiền, có địa vị xã hội, quý vị có cảm giác an toàn hay không? Không có! Hiện tại cả thế giới, thật sự rất ít người có cảm giác an toàn. Cho nên hiện tại chúng ta đi dạo trên phố, như tôi đi đến Hải Khẩu, ba lô của tôi phải mang ở phía trước bụng, phải đi chầm chậm như thế này. Nếu đeo phía sau thì sợ rằng có người muốn giật ví tiền của chúng ta, chúng ta liền bị nguy hiểm.

Hiện tại sự trị an của xã hội không tốt, đây là kết quả. Thưa các quý vị, nguyên nhân do đâu vậy? Là do gia đình không có sự ổn định. Thêm nữa, con người từ nhỏ không được dạy hiếu đạo, không được học giáo huấn Thánh Hiền. Ngày nay hôn nhân không tốt, nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân từ nhỏ không được học “hiếu đạo”. Chúng ta hiểu rõ được điểm này thì càng phải xem trọng giáo huấn về hiếu đạo và giáo huấn của Thánh Hiền. Nhất là chúng ta trước đây thường hay oán trách trị an xã hội không tốt, chi bằng hiện tại chúng ta hãy từ chính mình mà làm, dạy hiếu, đồng thời khi nhìn thấy con của người khác cũng phải giáo dục chúng hiếu thuận với cha mẹ. Chúng ta phải tận tâm, tận lực mà thúc đẩy quan niệm quan trọng đúng đắn này.

Khổng Lão Phu Tử trong “Hiếu Kinh” có một đoạn khai thị rất quan trọng: “Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã” (hiếu là căn bản của đức hạnh, giáo dục phải bắt đầu từ chỗ này). “Hiếu” là căn bản của đức hạnh, giáo dục phải bắt đầu từ chỗ này. Nếu không bắt đầu từ hiếu đạo, thì không thể nuôi lớn được đức hạnh của một người. Vì vậy, giáo dục chú trọng ở “hiếu đạo”!

Quý vị thân mến, chúng ta hãy đọc qua câu này một lượt. Lần này đọc nhất định cảm giác sẽ không giống như lúc trước đã đọc qua câu này. Chúng ta cùng đọc qua một lần: “Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã” (Hiếu là căn bản của đức hạnh, giáo dục phải bắt đầu tự chỗ này). Tốt quá! Đã tìm được căn bản thì đường sẽ không còn xa, cho nên gọi là quân tử lo ở cái gốc. Gốc đã kiến lập thì nhân đạo liền sinh. Vì thế, Khổng Lão Phu Tử trong “Luận Ngữ” có nói đến “hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dữ” (hiếu – đễ là cái gốc của lòng nhân vậy). Vì vậy, chúng ta nhất định phải bắt đầu từ chữ “hiếu” mà dạy.

11. Thái độ và phương pháp học tập

Chủ đề lần này của chúng ta là giảng tỉ mỉ về “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” chính là từ “hiếu – đễ” mà cắm gốc, cho nên chúng ta bắt đầu học từ “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu)“xuất tắc đễ” (biểu hiện người em – ra ngoài phải lễ nhượng). Trước khi chúng ta bắt đầu giảng “Đệ Tử Quy”, chúng ta cần phải xác lập trước thái độ học tập chính xác. Ngay khi chúng ta có thái độ học tập chính xác thì hiệu quả học tập của chúng ta sẽ rất tốt. Tục ngữ nói: “Khởi đầu tốt là thành công được một nửa”.

11.1. Học tập quan trọng nhất ở lập chí

Học tập quan trọng nhất ở lập chí, cho nên gọi là: “Học quý lập chí”. Chúng tôi ở Hải Khẩu thành lập khóa học về giảng dạy. Tiết thứ nhất chúng tôi cùng với tất cả các giáo viên lập ra một chí hướng, gọi là “vì tiếp nối tuyệt học của Thánh giáo, vì vạn thế khai mở thái bình”. Chúng ta thường mong cầu thế giới hòa bình. Thế giới hòa bình là kết quả, trước tiên phải trồng cái nhân gì? Trước tiên mỗi một người phải trồng cái nhân là tư tưởng và quan niệm nhân ái. Mà quan niệm và tư tưởng nhân ái phải thông qua học tập, thông qua giáo dục trí tuệ của Thánh Hiền. Vì vậy, “khai thái bình” là kết quả, “kế tuyệt học” là trồng cái nhân. “Vì tiếp nối tuyệt học của Thánh giáo” mới có thể kế thừa người đi trước, nâng đỡ người đi sau. Muốn kế thừa người đi trước thì chính mình trước tiên phải học tốt.

Chúng tôi có một vị thầy giáo dạy lớp 5, thầy có sứ mạng như vậy, nên mỗi ngày ngoài việc dạy học ra, thầy còn phải sắp xếp ba giờ đồng hồ thâm nhập Kinh điển Thánh Hiền. Hơn nữa, mỗi sáng thầy đi đến trường học từ rất sớm, sau đó chính mình lật “Đệ Tử Quy” và “Hiếu Kinh” ra đọc tụng. Học trò của thầy vốn dĩ mang theo thức ăn sáng dự định đến lớp từ từ ăn, nhưng khi thấy thầy giáo đã nghiêm túc ngồi ở đó đọc Kinh, trẻ nhỏ lập tức đến chỗ ngồi của mình và đem Kinh sách ra cùng đọc theo. Thưa quý vị! Giáo dục quan trọng nhất là lấy mình làm gương. Do bởi dụng tâm của thầy, nên lớp của thầy ngoài thành tích có lễ phép ra, còn có sự trưởng thành rất lớn. Hiệu trưởng sau khi xem thấy, liền hỏi thầy: “Lớp của thầy dạy như thế nào vậy? Vì sao mà dạy được tốt đến như vậy?”. Vị thầy giáo này nói với hiệu trưởng: “Bởi vì tôi đã mời mấy trăm vị cổ Thánh tiên Hiền đến dạy cho các em”.

Trung Quốc có một bộ sách, gọi là “Đức Dục Cố Sự” (Những Câu Chuyện Giáo Dục Về Đức Hạnh). Trong đó có hơn bảy trăm câu chuyện về các vị Thánh triết, phân thành tám mục để biên tập. Tám mục này chính là “tám đức”, dựa theo tám đức “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ” mà biên tập ra. Mỗi ngày thầy giảng cho học trò nghe hai, ba câu chuyện giáo dục đạo đức. Những đứa trẻ đó sau khi nghe xong thì hiểu ra, thấy người hiền thì muốn noi theo. Sau đó lại dùng “Đệ Tử Quy” làm nội quy cho lớp học. Học trò phạm quy không đợi thầy giáo nói, mà chính mình liền biết được sai ở chỗ nào. Thí dụ: Khi chạy trong phòng học, bị đụng vào bàn ghế, học trò sẽ nói “rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”, “chớ làm vội, vội sai nhiều”. Ngay khi trẻ nhỏ có hành vi không tốt xuất hiện, chúng sẽ nghĩ đến: “Lỗi vô ý, gọi là sai. Lỗi cố ý, gọi là tội. Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”. Vì thế, trẻ nhỏ hiểu được cần mạnh dạn nhận lỗi, mạnh dạn sửa lỗi, không hề thoái thác, không hề che giấu, cũng sẽ nghĩ đến “đức tổn thương, cha mẹ tủi”.

Thưa quý vị! Khi thế hệ sau của chúng ta gặp phải sự việc gì đều có thể đề khởi giáo huấn của “Đệ Tử Quy”, thì đời này của chúng nhất định sẽ rất đầy đủ, rất thiết thực, cũng sẽ rất có sức ảnh hưởng. Cho nên, ngoài biểu hiện tốt ở trong lớp ra, hiệu trưởng của họ còn chú trọng về sau, còn yêu cầu giáo viên của trung tâm chúng tôi cùng với giáo viên toàn trường của họ làm hai lần diễn giảng. Sau đó chúng tôi lại đem sách “Đệ Tử Quy” phát tặng đến toàn trường của họ.

Một người đã lập định chí hướng, muốn “vì tiếp nối tuyệt học của Thánh giáo”, thì sức ảnh hưởng của họ sẽ không ngừng mở rộng, yêu cầu của họ đối với bản thân sẽ rất sâu, họ liền có thể “cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (một ngày mới, ngày ngày mới, mỗi ngày mới). Vị thầy giáo này tiếp xúc với tôi được nửa năm thì ông liền bắt đầu theo tôi đến Trung Quốc Đại Lục diễn giảng, đem kinh nghiệm của ông không chỉ thúc đẩy ở trong trường học, mà còn cống hiến cho các thầy giáo cùng phụ huynh của khu vực khác.

Quý vị thân mến! “Vì tiếp nối tuyệt học của Thánh Hiền” tuyệt đối không phải là việc viển vông xa vời, mà quan trọng nhất là tâm niệm của chúng ta có chân thật phát ra được hay không. Do đó, khi chúng ta lập chí “tiếp nối tuyệt học”, đương nhiên chúng ta phải bắt đầu từ những người thân nhất ở bên mình mà làm ra tấm gương cho họ. Vì vậy, việc lập chí của chúng ta, trước tiên là lập chí làm tấm gương tốt cho con cái. Cái chí này của quý vị chân thật đã lập ra, bảo đảm quý vị ngay tức khắc liền biến thành một người khác, bởi vì khi quý vị nói chuyện thì sẽ rất cẩn trọng. “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu” nếu nói ra thì không phải là tấm gương tốt cho trẻ nhỏ.

Ở gia đình thì lập chí làm cha mẹ tốt. Ở công ty lập chí làm cán bộ quản lý tốt, đồng nghiệp tốt. Ở trong xã hội lập thì lập chí làm công dân tốt.

Chúng tôi có một vị thầy khi ngồi xe công cộng, vừa thấy một vị lớn tuổi bước lên, thầy lập tức đứng dậy, mời vị trưởng bối này ngồi. Thầy vừa làm động tác này xong, kết quả là liên tiếp có bốn người nhường chỗ ngồi. Thầy thấy rồi rất cảm động, suýt chút nữa thì rơi nước mắt. Thầy cũng nhận thấy được mỗi một người đều có bản tính lương thiện. Ngay khi chúng ta có chí hướng này, hãy đi cải thiện phong khí xã hội, tôi tin tưởng cử chỉ, lời nói của chúng ta đều sẽ cẩn trọng, đều sẽ khắc chế chính mình. Cho nên đạo đức, học vấn của chúng ta cũng bởi vì cái chí đã lập mà không ngừng nâng cao. Đây là lập chí.

Chúng tôi ở Thẩm Quyến đều tiếp xúc với các trẻ nhỏ năm – sáu tuổi. Chúng tôi hỏi các em đi học để làm gì. Các vị biết đáp án của chúng là gì không? Đáp án của chúng rất chuẩn xác: Muốn làm Thánh Hiền. Chúng nói: “Không làm Thánh Hiền thì đọc sách làm gì!”. Có sáu, bảy em từ bên ngoài đi về trường mẫu giáo của mình, trên đường đi các em kẻ trước, người sau tranh nhau nhặt rác. Chúng vừa nhìn thấy rác giống như nhìn thấy báu vật vậy, cảm thấy ta có thể vì xã hội phục vụ, mọi người đều thi nhau để nhặt rác. Vừa lúc trên đường gặp một số học sinh cấp hai tan học, những học sinh cấp hai này trên tay đang cầm que kem, đang cầm thức ăn, vừa ăn vừa xả rác. Nhóm học sinh cấp hai thấy một nhóm trẻ nhỏ đang nhặt rác, vốn dĩ muốn vứt rác thì đột nhiên dừng lại giữa chừng, không thể vứt xuống. Sau đó có một học sinh cấp hai nói với các bạn học khác của em là: “Chúng ta đừng có vứt rác nữa, các em nhỏ như vậy đang nhặt rác”. Em đó dùng tiếng Quảng Đông để nói. Trong sáu, bảy em nhỏ đó chỉ có một em là người Quảng Đông. Khi trở lại trường mầm non của chúng, em nhỏ này liền dõng dạc phiên dịch ra lời của anh cấp hai kia để cho các bạn học khác cùng nghe. Em nói: “Mấy anh cấp hai kia bởi vì nhìn thấy chúng ta nhặt rác nên mấy anh ấy không vứt rác nữa”. Cảm nhận trong nội tâm của em nhỏ này là từng lời nói, hành động của mình đều có thể ảnh hưởng xã hội này. Cho nên quan điểm của đứa bé này chính là: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hành vi làm mô phạm cho người).

Chí hướng cũng giống như mục tiêu và đích đến của một đời người, chúng ta lập chí đúng, thì cuộc đời này mới không uổng phí.

11.2.  Học tập quý ở thực hành

Trong học tập, ngoài lập chí ra còn có một thái độ rất quan trọng, đó là: “Học quý ở thực hành”. Chúng ta học tập một câu Kinh giáo thì nhất định phải làm một câu, đây gọi là giải – hành tương ưng. Như vậy thì đạo đức, học vấn của chúng ta mới có thể nâng cao.

Vào thời nhà Đường, có một vị cao tăng tên Ô Sào Thiền Sư. Bạch Cư Dị là nhà thơ của triều nhà Đường, cuối đời thích học Phật. Ông hi vọng có thể đến thân cận vị Đại Đức như vậy, có thể nâng cao học vấn của chính mình. Khi ông gặp được Ô Sào Thiền Sư, ông liền thỉnh giáo với Ngài là làm thế nào học Phật.

“Phật” là tiếng Ấn Độ, từ gốc là “Phật Đà Da”. Người Trung Quốc ưa thích đơn giản nên đã trực tiếp dịch thành một chữ “Phật”, bên trái là chữ “Nhân”, bên phải là chữ “Phất”. Cách tạo chữ Trung Quốc gọi là chữ “hình thanh”, “hình” là chữ “Nhân”, “thanh” là chữ “Phất”. Chữ “Phật” này, dùng tiếng Trung Quốc để giải thích, chính là người giác ngộ, người có trí tuệ. Nếu nói rõ ràng hơn, gọi là người thông suốt, người hiểu rõ đạo lý. Cho nên học Phật chính là phải học làm người thấu suốt đạo lý. Ô Sào Thiền Sư liền nói với Bạch Cư Dị là học Phật thì phải “chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành”. Bạch Cư Dị nghe xong thì cười lên thật to và nói: “Trẻ nhỏ ba tuổi cũng biết”.

Quý vị thân mến! Khi các vị ba tuổi có biết hay không? Ngày trước dạy bảo thiện ác, dạy cách làm người là ở đâu dạy vậy? Không phải đến trường học, mà ở tại nhà. “Gia giáo” chính là dạy học. Cho nên đích thực Bạch Cư Dị nói không sai, trẻ nhỏ ba tuổi đều biết. Ô Sào Thiền Sư trả lời ông: “Ông lão 80 tuổi không làm được”. Như vậy, then chốt, cốt tủy của đạo đức, học vấn không phải ở học được nhiều hay ít, mà ở quý vị làm được bao nhiêu. Thái độ này chính chúng ta phải học, rồi dẫn dắt trẻ nhỏ học tập Thánh Hiền. Nhất định phải xác lập thái độ chính xác này.

Ngày 15 tháng 03 năm vừa rồi, tôi đến Thẩm Quyến. Tôi cùng với thầy cô giáo và phụ huynh nơi đó có một buổi nói chuyện. Ngày hôm sau, thầy cô giáo nơi đó mời tôi đến giảng một buổi cho mấy bé trường mầm non. Tôi liền dạy “Đệ Tử Quy”. Khi vừa bước vào lớp, tôi nói: “Xin chào các bạn nhỏ! Hôm nay chúng ta học Đệ Tử Quy”, thì những đứa bé này đều đồng loạt nói: “Thầy ơi! Chúng em đã học qua rồi. Chúng em đều đọc thuộc rồi”.

Quý vị thân mến! Việc này cho thấy rằng học “Đệ Tử Quy” đã cho những đứa bé này thái độ gì? Khiến cho các em cảm thấy “mình đã thuộc lòng điều này rồi, mình đã học qua rồi”, khiến cho chúng ngạo mạn, chứ không phải là khiêm tốn. Vì vậy, việc dẫn dắt cho trẻ nhỏ lúc ban đầu rất là quan trọng. Tôi liền viết một chữ lên bảng đen, đó là chữ “đạo” của “đạo đức”. Tôi cũng không trực tiếp phản bác các em, mà trước tiên tôi viết một chữ “đạo”. Tôi nói: “Này các bạn nhỏ! Văn hóa Thánh Hiền rộng lớn và tinh thâm. Trên toàn thế giới, chỉ có văn tự của nước ta là có thể ở ngay trong văn tự đem triết học nhân sinh, trí tuệ nhân sinh mà lưu xuất ra”. Tiếp theo đó tôi liền giải thích: “Chữ này gọi là chữ hội ý. Ngay khi các em xem thấy chữ này, các em liền có thể hiểu được đạo lý trong đó. Bên trái là bộ “xước”, bên phải là bộ “thủ”, cho nên chữ này nói với chúng ta: Người chân thật có đạo đức chính là trước tiên phải có thể làm được. Chữ “xước” là có thể làm được. Người có thể làm được, có thể thực hiện mới là người có đạo đức. Cho nên chúng ta học Đệ Tử Quy chính là phải làm người có đạo đức. Các em đã làm được câu nào trong Đệ Tử Quy rồi?”. Bọn trẻ vốn dĩ là ngẩng đầu rất cao, nhưng sau khi nghe xong, chúng đột nhiên ở đó suy nghĩ: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”, hôm qua vừa mới trả treo với mẹ, chúng lập tức liền xét lại mình.

Tiếp theo tôi liền đem từng câu, từng câu Kinh văn của “Đệ Tử Quy” nói với chúng làm thế nào thực hiện ngay trong đời sống gia đình. Trong lớp có một đứa trẻ, khi trở về nhà, ngay hôm đó viết nhật ký, câu đầu tiên liền viết: “Hôm nay thầy Thái đến dạy chúng em, thầy Thái nói: Đệ Tử Quy là phải làm chứ không phải chỉ để học thuộc lòng”. Đứa bé này biết viết trong nhật ký, tức là thái độ, ấn tượng của bé rất sâu sắc. Ấn tượng này rất có thể ảnh hưởng đến cả đời của chúng. Do đó, giáo dục có ba chữ chân ngôn, đó là phải “thận ư thủy” (cẩn thận từ lúc bắt đầu). Khi trẻ nhỏ vừa bắt đầu học tập học vấn liền phải chú trọng thực hành, như vậy công phu mới đắc lực, nhất định sẽ không giống với những đứa trẻ khác.

Ngoài ra, có đứa bé khi học xong rồi, trở về cũng rất nỗ lực, hôm sau đứng ở ngay trước cửa của cha mẹ đợi cha mẹ đi ra. Khi thấy cha mẹ vừa đi ra, em liền cúi chào cha mẹ và nói: “Con chào cha mẹ buổi sáng! Hôm qua cha mẹ ngủ có ngon giấc không?”. Cha mẹ của em bất chợt cảm thấy ngạc nhiên, lập tức liền gọi điện thoại cho trường mầm non hỏi: “Hôm qua đã xảy ra việc gì? Con tôi vì sao hôm nay biết chào và hỏi thăm chúng tôi?”. Thầy giáo mới nói: Hôm qua các em đã học đến “sáng phải thăm, tối phải viếng”. Kỳ thực, trẻ nhỏ có dễ dạy hay không? Rất dễ dạy. Chỉ là chúng ta không dạy.

Sơn Đầu cũng có rất nhiều thầy cô giáo tình nguyện giảng bài “Đệ Tử Quy”. Lên lớp được khoảng hai tháng, các thầy cô giáo tổ chức một hoạt động cùng giao lưu với các phụ huynh. Họ sắp xếp mỗi một em nhỏ đứng lên chia sẻ là các em có những thay đổi gì trong một – hai tháng học tập. Kết quả có một đứa bé bảy tuổi bước lên, câu thứ nhất em liền nói: “Con học Đệ Tử Quy rồi mới biết được: Làm người vốn dĩ phải hiếu thuận”. Câu nói này rất thú vị: “Vốn dĩ phải hiếu thuận”.

Người không học thì không biết đạo lý, người không học thì không biết nghĩa. Nhiều phụ huynh rất tức giận vì sao đứa trẻ này lại không hiểu chuyện: “Ngay đến việc này cũng không hiểu!”. Trẻ nhỏ thật sự ngay đến việc này cũng không hiểu, bởi vì chúng không được dạy. Cho nên chúng ta cần phải hiểu được những đạo lý nào nhất định phải mau dạy. Quý vị thấy đứa trẻ này, quý vị lập tức nói với chúng: “Sáng phải thăm, tối phải viếng”, ngày hôm sau chúng liền làm theo. Khi vị phụ huynh này biết được liền nhanh chóng gọi điện đến trường học, hành động này chứng tỏ là họ rất quan tâm đến sự trưởng thành của con cái. Họ hiểu rõ muốn dạy tốt con cái thì điều quan trọng là phải hợp tác với thầy cô. Vị phụ huynh này có độ nhạy cảm giáo dục. Nếu như họ cảm thấy rất kỳ lạ, sau đó họ xoa xoa đầu đứa con rồi nói: “Con à! Có phải hôm nay con đã bị sốt rồi không? Vì sao mà lễ phép như vậy?”. Nếu cha mẹ làm như vậy thì có thể sẽ dập tắt hiếu tâm và tâm học tập của trẻ nhỏ.

Vì thế, khi các con học “Đệ Tử Quy”, trở về giúp quý vị bưng nước rửa chân thì quý vị phải nên làm thế nào? Quý vị không nên nói là: “Không cần phiền phức đến như vậy! Con bị bỏng thì sao?”. Nói như vậy là quý vị đã cắt đứt cơ hội học tập của chúng rồi. Cho nên, chúng ta làm cha mẹ phải hiểu được cần phối hợp với thầy cô giáo, phải hiểu được việc thành toàn hiếu tâm của trẻ nhỏ, thành toàn đức hạnh của trẻ nhỏ.

Có một người mẹ nói là: “Con của tôi còn nhỏ như vậy, bưng nước bị đổ thì phải làm sao?”. Tôi liền nói với cô: “Đổ thì càng tốt!”. Cô cảm thấy khó hiểu: “Vì sao đổ thì lại càng tốt?”. Bởi vì khi chúng làm đổ, ngoài việc quý vị đã thành toàn hiếu tâm của chúng ra, quý vị còn có thể ngay lúc đó nắm bắt cơ hội này mà nói với chúng: “Con à! Tấm lòng của con khiến cho mẹ rất cảm động, còn nhỏ như vậy mà có thể tận hiếu. Hôm nay chúng ta phải suy nghĩ một chút: Tại vì sao con bưng nước lại bị đổ? Nhất định là hai tay con cầm không được chắc. Lần sau con cầm chắc thì sẽ không bị đổ nữa. Nào! Chúng ta cùng nhau lau dọn thật sạch”. Quý vị đồng thời dạy chúng làm thế nào cầm món đồ. Đồng thời còn dạy chúng làm thế nào thu dọn tình huống này, đem sự việc làm đến nơi đến chốn. Vì vậy, khi chúng ta làm phụ huynh không nên có quá nhiều lo lắng, cũng không nên có quá nhiều thứ không nỡ để chúng làm, bởi vì trẻ nhỏ làm việc nhiều thì chúng mới có thể học tập nhiều, trải nghiệm nhiều.

Hết tập 3. Xin mời xem tiếp tập 4

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *