Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Giảng ngày 15/2 đến 23/2 năm 2005
Tổng cộng 40 Tập.
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 51-116-0001 đến 51-116-0040
MỤC LỤC
3.11.1 “Nơi ồn náo, chớ đến gần”. (tiếp theo)
3.11.2 “Việc không đáng, quyết chớ hỏi”.
3.12 Kinh văn: “Sắp vào cửa, hỏi có ai. Sắp vào nhà, cất tiếng lớn. Người hỏi ai, nên nói tên. Nói ta tôi, không rõ ràng”.
3.12.1 “Sắp vào cửa, hỏi có ai”.
3.12.2 “Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”.
3.12.3 “Người hỏi ai, nên nói tên, nói ta tôi, không rõ ràng”.
3.13. Kinh văn: “Dùng đồ người, cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm”.
3.14 Kinh văn: “Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.
3.11.1 “Nơi ồn náo, chớ đến gần” (tiếp)
(Tiếp theo tập trước)
Học tập quý ở sự kiên trì, cho nên phương pháp học tập là “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Vì vậy, việc huân tập rất quan trọng. Tôi nhìn thấy thần khí của mọi người đều rất tốt, chứng tỏ thang thuốc này uống rất tốt, sáng tối đều đọc “Đệ Tử Quy”. Nếu như khi quý vị đã học thuộc, trong bài giảng chúng tôi nêu ra những câu Kinh văn nào thì quý vị có thể ngộ ra trong phút chốc. Vì vậy, việc học thuộc lòng rất quan trọng.
Chúng tôi giảng đến: “Nơi ồn náo, chớ đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi”. Chúng tôi cũng đã phân tích, con trẻ kết giao với bạn xấu và đến những nơi chốn không tốt, nguyên nhân là do chúng không biết phán đoán được đúng – sai, thiện – ác. Nếu như muốn giải quyết tận gốc, tất nhiên phải vun bồi thật tốt nền tảng của đức hạnh từ lúc nhỏ, tự nhiên chúng sẽ không tiếp xúc với bạn bè xấu, hoặc đến nơi có hoàn cảnh tạp loạn.
Có một vị thầy giáo đi đường thường dẫn theo con của mình. Đứa bé mới một – hai tuổi. Mỗi lần đi qua những chốn ăn chơi (phố đèn đỏ), những chỗ chơi điện tử, ông đều nói với con: “Những chỗ như vậy sẽ làm con người ta ô nhiễm, sẽ làm cho con người ta học những điều xấu. Do đó, những nơi như vậy con tuyệt đối không nên vào”. Vì từ nhỏ đã được dạy, nên khi lớn lên chúng đi ngang qua những nơi đó chúng cũng không muốn nhìn. Đây gọi là “tiên nhập vi chủ” (cái gì đến trước là chủ, điều gì được dạy từ đầu sẽ mang tính quyết định). Cho nên giáo dục thật sự phải là “dự phòng bằng cách nghiêm cấm từ lúc sự việc chưa xảy ra”. Nhất định phải ngăn chặn từ khi chúng chưa hình thành, chưa bị ô nhiễm bởi thói xấu. Khi chúng đã hình thành những thói quen đó rồi thì rất khó sửa. Đây gọi là phương pháp phòng ngừa. Vì vậy, mức độ nhạy cảm trong giáo dục của phụ huynh cao thì mới có thể nắm được phương pháp phòng ngừa.
Ở Thẩm Quyến, chúng tôi có mấy đứa trẻ khoảng sáu – bảy tuổi cùng nhau học tập Kinh điển. Có một buổi tối, giáo viên hỏi các em: “Thế nào là tâm tốt? Thế nào là tâm xấu? Cái gì là thiện, cái gì là ác?”. Sáu đứa trẻ đó đã trả lời những đáp án dưới đây. Tôi đọc cho quý vị nghe thử xem sau khi đã học Kinh điển được một, hai năm thì sức phán đoán và tâm của các em trở nên như thế nào.
Thế nào là tâm tốt?
Trước tiên, các em nói thế nào là tâm tốt:
- Học sinh thứ nhất nói: “Món đồ mà mình muốn nhưng người khác cũng muốn thì nên nhường cho người khác”. Đây là tinh thần nhường nhịn.
- Học sinh thứ hai nói: “Hiếu thảo với cha mẹ, dốc lòng học tập, cung kính với người khác là tâm tốt”. “Hiếu” và “Kính” là nền tảng lớn nhất của đức hạnh.
Khi tôi dạy học trò, buổi học đầu tiên tôi vẽ một bức hình rồi hỏi các em: “Này các em, đây là cái gì?”. Tôi nói tiếp với các em: “Phần nho nhỏ nhô lên trên mặt nước này là một góc của núi băng. Một góc của núi băng này chỉ chiếm 5% núi băng”. Tiếp đến tôi hỏi chúng: “Các em có nhìn thấy núi băng chưa? 95% núi băng ở đâu?”. “95% núi băng ở dưới biển chưa được phát hiện. Vì vậy, tiềm lực của con người giống như núi băng, phần nhiều đều bị chôn vùi. Vậy thì làm sao phát hiện ra 95% này? Hôm nay thầy tặng các em hai chiếc chìa khóa để mở nó. Chìa thứ nhất là hiếu thảo, chìa thứ hai là lễ phép” (Thật sự bản chất của lễ phép chính là tâm cung kính).
Vì vậy, tôi nói với các em: “Các em xem, vua Thuấn thời xưa hiếu thảo nên ông mới có trí huệ rất cao. Không chỉ trí huệ cao mà cả trí huệ lẫn đức hạnh của ông đều cao, nên ông được người dân cả nước yêu mến, tôn sùng và noi theo”. Quý vị xem, họ có thể phát huy tiềm lực rất tốt.
Thứ hai là lễ phép, cung kính. Tôi nói với các em nhỏ: “Bởi vì thầy rất lễ phép nên đã quen biết với chú Lư, vì vậy mới học được trí huệ và kinh nghiệm của chú Lư, đồng thời có thể làm cho năng lực của mình bộc phát ra”.
Sau buổi học đó, các em có thay đổi gì không? Hiện nay bọn trẻ cũng rất thực tế. Kể từ ngày hôm đó, khi nhìn thấy thầy cô giáo hoặc nhìn thấy những phụ huynh khác thì các em đều cúi người chào hỏi. Quý vị bằng hữu, dạy người làm thiện chớ dạy quá cao. Quý vị không nên nói họ quá thực dụng, như vậy thì không chân thành. Không nên nói như vậy! Chỉ cần họ chịu cúi chào thì việc cúi chào này đến sau cùng hành động ở bên ngoài sẽ chuyển hóa nội tâm bên trong của họ. Rất nhiều người nói nhiều người làm việc thiện đều mong muốn có quả báo tốt. Tôi nói: “Muốn có quả báo tốt thì có gì là không tốt chứ? Ít nhất hành động của họ cũng giúp ích cho người khác, người khác cũng sẽ “thấy người thiện, nên sửa mình”. Khi họ tiếp tục làm điều thiện, tuy lúc đầu có thể là làm có mục đích, nhưng sau này họ càng lúc càng thấy nhiều người đáng thương, dần dần lòng tốt vốn có của họ tự nhiên sẽ bộc lộ ra”.
Nếu như chúng ta chỉ đứng ở bên cạnh nói: “Người này làm thiện là có mục đích, người kia cũng như vậy”. Chúng ta chỉ nhìn người khác, còn bản thân chúng ta thì đứng yên bất động, như vậy chúng ta có tư cách gì mà phê bình người khác? Vì vậy, khi người khác làm điều thiện, cho dù họ có mong cầu hay không thì chúng ta đều nên tùy hỷ tán thán, tùy hỷ công đức. Như vậy càng ngày họ càng nhận được sự cổ vũ, tự nhiên càng làm càng chân thành, càng hoan hỷ. Vì vậy, tôi đã tặng cho học trò hai chiếc chìa khóa này.
Khi nào thì có thể dùng hai chìa khóa này để mở? Hai chiếc chìa khóa này không giới hạn tuổi tác, tám mươi tuổi vẫn dùng để mở được.
Khi tôi diễn giảng ở Hàng Châu đến ngày thứ tư, đột nhiên trong lúc nghỉ giải lao thì có một vị trưởng bối bảy mươi tuổi đến nói với tôi: “Thầy Thái à! Bài học đầu tiên của đời người là hiếu đạo vậy mà đến bảy mươi tuổi tôi mới được học. Nhưng có bắt đầu thì cũng không quá muộn”.
Khổng Lão Phu Tử nói: “Sáng nghe đạo, tối chết cũng được”. Chỉ cần thông suốt đạo lý, thật sự làm theo thì đời này nhất định không uổng phí.
Ngoài ra, lúc diễn giảng ở Thượng Hải, ngày thứ nhất chúng tôi vừa giảng xong phần “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu), có một vị trưởng bối sáu mươi tuổi dẫn theo người con đến nghe. Sau khi giảng xong ngày thứ nhất, trước khi ăn cơm ông rất xúc động, đến bên bàn giáo viên của chúng tôi nói rằng cuối cùng ông đã biết được vì sao ông tu thân, tu hành hơn mười năm mà cảm thấy mình không có gì tiến triển. Dù học như thế nào ông vẫn cảm thấy tâm mình chưa đủ chân thành, chưa đủ cung kính. Ông tìm mãi không ra nguyên nhân. Sau khi nghe xong “nhập tắc hiếu”, ông bỗng nhiên ngộ ra. Hóa ra ông xây nhà, tầng thứ nhất xây chưa xong đã xây tầng thứ ba.
Có thể người khác đã khuyên ông: “Ông hãy đi xuống xây tầng một trước đi!”, nhưng ông lại nói: “Tôi đã ở tầng thứ ba rồi, sao còn gọi tôi xuống chứ?”. Thật sự chúng ta đang ở tầng thứ ba, nhưng là dùng hai cây tre để chống đỡ. Tuy thật sự là ở tầng ba, nhưng bất cứ lúc nào nó cũng có thể như thế nào? Vì vậy người khác có lòng tốt nói: “Hãy xuống đi!”, nhưng ông còn nói: “Trình độ thấp hơn tôi mà lại gọi tôi xuống”. Do đó, khi ông đã hiểu được hóa ra nền tảng rất quan trọng, ông mới hiểu được tại sao mình cứ mãi chơi vơi. Cuối cùng, ông đã tìm ra nguyên nhân. Con người lý đắc thì tâm mới an (hiểu rõ đạo lý rồi thì tâm liền an), về sau thì mỗi bước đi của ông mới có thể vững chắc.
Em học sinh này nhắc đến “hiếu thảo” với cha mẹ, chuyên tâm học tập, cung kính với người khác là tâm tốt thì em đã trưởng dưỡng nền tảng của đức hạnh là “hiếu” và “kính”.
- Em tiếp theo nói: “Tâm làm được Đệ Tử Quy là tâm tốt”.
- Một em khác nói: “Làm được Hiếu Kinh từ chương thứ nhất đến chương thứ mười tám, sau đó nghe lời thầy giáo làm được Thường Lễ Cử Yếu (Lễ phép thường ngày) là tâm tốt”. Ngay cả “Thường Lễ Cử Yếu” mà các em cũng đã học thuộc lòng.
Có một bạn nhỏ đến nhà bạn nhưng người bạn này không có ở nhà. Em đó đã xếp con hạc giấy để ngay cửa nhà của người bạn, muốn nói với người bạn ấy là mình đã đến. Vì vậy, chúng ta không nên xem thường khả năng vận dụng linh hoạt của trẻ em. Những điều chúng học được chúng đều có thể áp dụng vào trong cuộc sống.
- Em tiếp theo nói: “Tâm trí tuệ là tâm tốt. Hơn nữa, tâm làm việc tốt là tâm tốt. Không cần đôn đốc mà đi làm là tâm tốt”.
Quý vị bằng hữu, đạt được đến cảnh giới này thì sẽ biết tự mình quán chiếu xem tâm của mình là thật hay giả.
- Em tiếp theo nói: “Biết đó là việc tốt liền đi làm là tâm tốt”.
- Em khác nói: “Tâm hiểu được đạo lý là tâm tốt”.
Thế nào là tâm xấu?
Trẻ em hiểu tâm xấu là tâm như thế nào?
- Em thứ nhất nói: “Tâm không giúp đỡ người, tâm lừa dối người khác, tâm lãng phí là tâm xấu. Thí dụ lãng phí điện, nước, lãng phí sinh mạng, lãng phí đồ vật, lãng phí cuộc đời, lãng phí thời gian, đây đều là tâm lãng phí, là tâm xấu”.
Từ những câu trả lời của các em, chúng ta cũng có thể thấy rằng các em hiểu được điều gì là tốt? Học “Đệ Tử Quy” rất tốt. Từ thời gian, cuộc đời, sinh mạng, các em đều có thể nhìn thấy rõ ràng.
- Em tiếp theo nói: “Sỉ nhục người khác là tâm xấu”.
- Em khác nói: “Đùa giỡn quá mức là tâm xấu”. Em còn mở ngoặc nói: “Họa từ miệng ra”. Các em đã bắt đầu quán chiếu tâm của mình khi chung sống với người khác. Các em quán chiếu tâm mình, quán chiếu xem sẽ có hậu quả gì?
- Em tiếp theo nói: “Tâm oán hận người khác là tâm xấu. Vì bản thân mình, không vì người khác là tâm xấu. Người khác đối với ta tốt, ta đối với họ không tốt là người không biết báo ơn, vong ân bội nghĩa”. Chúng tôi chép lại nguyên văn của các em, không thêm bớt chữ nào.
- “Tâm thù hằn là tâm xấu” vì “ân phải báo, oán phải quên”.
- Em tiếp theo nói: “Tâm keo kiệt bủn xỉn, tâm chỉ trích khuyết điểm của người khác, tâm giữ mãi sự sai lầm là tâm xấu”. Nói về tâm keo kiệt, “Đệ Tử Quy” có dạy: “Mình có tài, chớ dùng riêng”.
- Em tiếp theo nói: “Tâm hại người khác, không có tâm thương yêu là tâm xấu”.
- Em tiếp theo nói: “Không có tâm từ bi, biết việc tốt nên làm mà vẫn không làm là tâm xấu”.
- Em khác nói: “Đối với hình của Khổng Tử mà không cung kính là tâm xấu”. Bởi vì lớp học của các em có treo bức ảnh của Khổng Tử. Ví dụ nói hôm nay đi dạo công viên trở về, thì phải đối trước ảnh của Khổng Lão Phu Tử nói: “Thưa ngài Khổng Tử, con đã về!”. Đây là thực hành câu: “Việc người chết, như người sống”.
Có một lần ở Hải Khẩu tiến hành diễn tập phòng không, để cho con trẻ hiểu được lúc diễn tập phòng không thì nên chuẩn bị những gì. Giáo viên cũng nắm bắt cơ hội này để giáo dục các em nên đã nói với các em: “Lúc này các em nên chọn những đồ dùng cần thiết, không nên mang quá nhiều”. Sau đó gợi ý cho các em: “Các em có thể sẽ khát nước, nên phải mang một ít nước”. Kết quả là mỗi em mang những đồ dùng không như nhau. Những đứa bé trong lòng có cảm giác không an toàn thì mang theo rất nhiều đồ. Trong đó có một em không mang theo thứ gì, chỉ chạy đến mở ngăn kéo bàn lấy ra một bức ảnh đã được đóng khung, đó là bức hình của Khổng Tử. Sau đó em đến trước thầy giáo của mình và nói: “Thưa thầy! Hình này cần phải mang theo!”. Thầy giáo đứng đó rơi nước mắt. Ngay lúc nguy cấp như vậy mà ý niệm đầu tiên của em là nghĩ đến bức hình của Khổng Lão Phu Tử. Đứa trẻ như vậy sau này khi đối mặt với những chuyển biến trong cuộc đời thì tin rằng chắc chắn em sẽ nhớ được những lời giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử.
- Em tiếp theo nói: “Tâm sợ vất vả là tâm xấu”. Bởi vì thầy giáo của các em mỗi tuần đều dạy cho các em một câu giáo huấn, trong đó có câu: “Sợ vất vả thì cả đời chịu vất vả, không sợ vất vả thì chỉ chịu vất vả một lần”. Vì vậy, nhân lúc tuổi còn trẻ hãy cố gắng nỗ lực làm, đến lúc già có thể hưởng được phước báu.
- Em tiếp theo nói: “Bên ngoài làm việc tốt nhưng trong lòng nghĩ việc xấu là tâm xấu”. Chúng biết lời nói phải đi đôi với việc làm.
- Em khác nói: “Tâm bất hiếu với cha mẹ là tâm xấu”.
- Em tiếp theo nói:“Tâm phá hoại là tâm xấu”.
- Em tiếp theo nói: “Mẹ không biết mà nói mẹ ngốc là tâm xấu”.
- Em tiếp theo nói: “Không làm được Đệ Tử Quy là tâm xấu”.
- Em khác thì nói: “Vốn có thể làm được nhưng cứ nghĩ làm không được là tâm xấu”. Vì vậy phải “không sợ khó” .“Vua Thuấn là ai, Vua Vũ là ai ? Các Ngài làm được thì ta cũng làm được”.
- Em kế tiếp nói: “Những thứ mình không muốn mà lấy đem cho người khác là tâm xấu”.
Vì vậy, từ những câu trả lời này chúng ta có thể nhận thấy nền tảng quốc văn của những em này rất tốt. Những em này đã thay phiên nhau giảng bài “Đức Dục Khóa Bổn” (Bài học đạo đức). Chúng ta không nên xem thường ngộ tính của trẻ nhỏ. Thật sự học “Văn Ngôn Văn” (cổ văn) không khó như chúng ta tưởng tượng. Tiết học sau tôi sẽ chia sẻ tâm đắc về việc học Văn Ngôn Văn với quý vị.
Một hôm, người mẹ nói với đứa con rằng: “Học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”. Em này suy nghĩ một lúc liền nói: “Mẹ ơi! Con hiểu rồi, học như lái xe lên dốc, không tiến thì sẽ bị lùi lại”. Vì vậy, em bé này đã nhận thức được một số đạo lý trong cuộc sống.
- Em tiếp theo nói: “Nói to, ồn ào làm phiền người khác là tâm xấu”.
- Em cuối cùng nói: “Nếu che giấu, lỗi chồng thêm, che giấu là tâm xấu”.
Từ cách nhìn của các em đối với tâm tốt, tâm xấu thì chúng ta cũng có thể biết được trong tâm của các em đều có thước đo thiện – ác, đúng – sai. Đợi các em huân tập như vậy ba đến năm năm, tôi tin rằng nền tảng mới có thể vững chắc, khi đó những người làm cha mẹ như chúng ta mới có thể gối cao đầu mà ngủ. Chúng ta phải biết tính bài toán đầu tư cho cuộc đời của chúng ta.
3.11.2 “Việc không đáng, quyết chớ hỏi”
Câu này chính là chỉ những việc xấu xa, hạ lưu thì mình không nên hỏi, như vậy sẽ ô nhiễm tâm tính của mình. Vì vậy, những người mà con cái tiếp xúc, hoàn cảnh mà con cái tiếp xúc, thậm chí truyền hình, chúng ta đều phải thật cẩn thận. Cha, mẹ là hai người thầy rất quan trọng trước khi con cái trưởng thành. Hai vị bồ tát nên cố gắng bảo vệ chúng, không nên để chúng bị ô nhiễm. Nếu đã bị ô nhiễm rồi mà muốn tẩy rửa sạch thì phải tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Vì vậy phải cẩn thận ngay từ đầu, ngăn chặn khi chưa xảy ra. Điều này rất quan trọng.
Hiện nay không chỉ người lớn chạy theo trào lưu, mà trẻ con có chạy theo trào lưu không? Bộ phim ăn khách nhất hiện nay là gì? Những bộ phim kinh dị có nhiều hay không? Họ đóng rất đáng sợ, trẻ em cũng đi xem. Sau khi xem xong, đến nửa đêm thì như thế nào? Quý vị xem, con người ta ăn no rồi lại làm nhiều việc không giúp ích gì cho cuộc đời, còn ngược đãi bản thân mình nữa. Đây gọi là “tiền mất tật mang”. Vì vậy, con người hiện nay trải qua cuộc sống không phải của con người.
Đối với sở thích của con cái chúng ta cũng phải hướng dẫn cho phù hợp, thậm chí còn phải dẫn dắt chúng. Khi quý vị để cho con cái tham gia những trò chơi giải trí lành mạnh, giúp ích cho thân tâm thì lâu dần chúng sẽ vui vẻ tiếp nhận. Thí dụ đi leo núi, đi cắm trại, cho chúng có một số sinh hoạt để rèn luyện. Điều này rất tốt. Thông qua những hoạt động bổ ích này, các em sẽ có tâm yêu thương đối với thiên nhiên, từ những hoạt động giải trí này sẽ rèn luyện, tích lũy ý chí cho các em trưởng thành. Vì vậy, chúng ta trước tiên vẫn phải dẫn dắt con cái đi đúng hướng.
3.12 Kinh văn:
“Tương nhập môn, vấn thục tồn. Tương thượng đường, thanh tất dương. Nhân vấn thùy, đối dĩ danh. Ngô dữ ngã, bất phân minh”.
“Sắp vào cửa, hỏi có ai. Sắp vào nhà, cất tiếng lớn. Người hỏi ai, nên nói tên. Nói ta tôi, không rõ ràng”.
3.12.1 “Sắp vào cửa, hỏi có ai”
Chúng ta muốn đi vào phòng của người khác thì trước tiên nhất định phải gõ cửa. Nếu quý vị tự tiện đi vào thì rất thất lễ với người ta, vì vậy trước tiên phải gõ cửa ba cái. Trong phim Hàn Quốc, chúng ta thấy họ không gõ cửa mà chỉ đứng ở ngoài cửa. Ví dụ như bên trong phòng là cấp trên của họ, họ sẽ nói: “Thưa Trưởng phòng! Tôi là Shang Woo đây!”. Trước tiên chúng ta đứng ở bên ngoài thông báo cho người ở bên trong biết. Nếu như người bên trong đang bận thì họ sẽ nói: “Anh đợi một chút!”. Nếu như không bận việc thì họ nói: “Mời vào!”. Vì vậy, lễ phép là khoảng cách đẹp nhất giữa người với người, khi họ tiếp xúc với nhau sẽ vô cùng thoải mái, sẽ không cảm thấy đường đột. Đây là động tác chúng ta cần phải làm trước khi vào phòng người khác.
Mở rộng ra một chút, chúng ta đến nhà của người khác làm khách, “sắp vào cửa”, sắp vào nhà của người khác, “hỏi có ai”, có thể hỏi thăm họ sống cùng với những ai. Khi chúng ta biết rõ, ví dụ như họ sống với cha mẹ, chị gái, thì giữa bạn bè với nhau có thể hỏi thăm về tình hình gia đình của nhau. Nếu quý vị nghe được những thông tin như họ có chị gái đang làm việc ở đâu, mấy hôm trước mẹ của họ bị cảm ra sao, hoặc là mẹ của họ thích ăn gì thì nên ghi nhớ. Khi có cơ hội thích hợp đến nhà thăm bạn, quý vị có thể mua một ít thức ăn mà mẹ của bạn muốn ăn mang đến và nói: “Thưa bác! Con nghe nói bác thích ăn cam”, hay là thích ăn gì đó….. Quý vị xem, ấn tượng đầu tiên này sẽ rất tốt.
Như vậy quý vị có biết làm thế nào để theo đuổi bạn gái chưa? Theo đuổi bạn gái không phải là theo đuổi chỉ một người mà cần phải theo đuổi cả ai nữa? Bởi vì vấn đề “môn đăng hộ đối”, thật sự trước sau gì cũng được xét đến. Kết hôn tuyệt đối không phải chuyện của hai người mà là của hai gia tộc, hai gia đình có thể hòa thuận. Hôn nhân không được cha mẹ chúc phúc đa số sẽ không hạnh phúc. Hiện nay, rất nhiều người kết hôn trên thiệp cưới viết là: “Hôn lễ của hai chúng tôi được tổ chức vào ngày…”. “Hai chúng tôi”, vậy ai là người lớn nhất vậy? Từ trong lời văn có thể nhận ra được người trẻ tuổi hiện nay quá bất kính. Việc lớn như vậy cũng không biết ai là cha, ai là mẹ, họ trực tiếp viết “hai chúng tôi”. Vì vậy, người trẻ tuổi như chúng ta cần phải cố gắng suy xét lại mình. Nếu viết “hai chúng tôi” thì tỷ lệ thành công như thế nào? Hình như vui thì đến, còn nếu không vui thì sao? Vì vậy, cung kính rất quan trọng.
Chúng ta đến nhà bạn bè thì nên “yêu nhau yêu cả đường đi lối về”. Chúng ta nên quan tâm đến người nhà của bạn bè, như vậy mới là đoàn kết yêu thương. Vì vậy, tôi kết bạn cũng có nguyên tắc như vậy. Nếu cha mẹ của họ thường nghe con cái của họ nhắc đến tên của quý vị khi nói chuyện, thì cha mẹ của họ có thể nghĩ: “Người đó là ai vậy, vì sao con của mình thân thiết với người đó?”. Họ có suy nghĩ không? Họ có lo lắng không? “Con mình thân với Thái Lễ Húc như vậy, giả như Thái Lễ Húc là người xấu thì sẽ ra sao?”. Vì vậy, chúng ta phải chủ động làm cho cha mẹ của bạn bè yên tâm. Điều này rất quan trọng.
Tôi có thái độ như vậy từ khi tôi học trung học phổ thông. Tôi chơi rất thân với một bạn học nam. Tôi học ở Trường trung học Cao Hùng. Mẹ của bạn ấy rất lo lắng. Bởi vì lúc đó nghe nói đã có tình trạng đồng tính luyến ái, nên mẹ của bạn tôi rất lo lắng là con của họ thân với tôi không biết có vượt quá giới hạn không. Từ sự việc này tôi nhận thức được, kết bạn không chỉ thân với bạn của mình mà còn phải thân với người trong nhà của bạn nữa.
Ở Đại Lục tôi có hai người bạn thân, họ là vợ chồng. Có lần tôi đến nhà họ để cùng với họ đi phóng sinh. Tôi nghĩ, người trẻ chúng ta hiện nay kết bạn với nhau đều rất ít tiếp xúc với cha mẹ của bạn bè mình. Tôi cảm thấy như vậy là không tốt. Tôi nghĩ, có thể họ sẽ không ở trên nhà đợi tôi mà ở trước cổng chờ tôi đến là xuất phát. Vì vậy, tôi mua một giỏ táo mang theo. Để làm gì? Tôi mang giỏ táo đến thì họ không thể không để cho tôi vào nhà ngồi chơi. Suy nghĩ của tôi có gian không vậy? Chúng ta phải xem ý định là gì. Nếu ý định này là lương thiện thì tốt. Đúng như dự đoán, khi tôi đến nhà họ, chưa vào nhà thì ba chiếc xe đạp đã được dẫn ra chuẩn bị xuất phát. Tôi nói: “Khó lắm tôi mới đến được nhà các bạn, không vào nhà thì làm sao được, nhất định phải vào chào hỏi cha mẹ của các bạn”. Vì vậy tôi cùng với hai vợ chồng người bạn vào nhà. Hai bác gặp tôi cũng rất là thân thiết, ân cần hỏi han. Nói chuyện khoảng ba – năm phút thì hai bác nói: “Các con có việc bận thì hãy tranh thủ đi đi kẻo muộn”. Thật sự hai bác rất tâm lý, đều biết nghĩ thay cho người khác. Vì vậy, ba người chúng tôi liền đi. Tối hôm đó, bạn tôi gọi điện nói: “Cha mẹ tôi muốn mời anh dùng bữa cơm”. Ba mẹ người bạn này mời tôi ăn cơm, hơn nữa còn đặc biệt chuẩn bị đồ chay cho tôi. Bởi vì năm, sáu năm trước tôi đã biết việc ăn chay là rất tốt cho sức khỏe nên liền ăn chay từ lúc đó. Vì vậy, bữa cơm đó tôi cùng với họ ăn toàn món chay. Người xưa nói: “Gặp nhau tình nghĩa sẽ thêm sâu đậm”. Câu nói này rất có đạo lý. Vì vậy, ăn cùng nhau một bữa cơm liền cảm thấy gần gũi hơn.
Bạn tôi cũng giới thiệu tôi đang công tác ở “Trung Tâm Quốc Học Nhi Đồng”, vì vậy nghiên cứu tương đối nhiều về việc giáo dục trẻ em. Mẹ của người bạn đó đang trông con của em gái họ, bác ấy trông giữ cháu ngoại. Bởi vì ông bà giữ cháu thì khó tránh khỏi việc nuông chiều cháu, nên hai người họ thường khuyên cha mẹ không nên nuông chiều cháu quá nhưng cha mẹ hoàn toàn không nghe, vì vậy họ cảm thấy phiền não.
Sau khi ăn cơm xong, tôi nói chuyện với bác ấy về vấn đề giáo dục trẻ con. Ví dụ tôi hỏi bác ấy khi gắp thức ăn thì trước tiên nên gắp cho ai trước. Bác ấy bỗng nhiên ngộ ra: “Đúng rồi!”. Tôi thảo luận với bác ấy rất nhiều quan niệm, thí dụ phải vừa rộng lượng vừa nghiêm khắc. Mỗi lần thảo luận về những quan niệm này, bác ấy thường nói: “Đúng! Đúng rồi!”. Người bạn của tôi ở bên cạnh liền nói: “Con đã nói với mẹ từ lâu rồi mà mẹ không nghe”. Anh ấy ở bên cạnh luôn lặp lại câu nói này. Quý vị bằng hữu, có nên xen vào câu nói này không? Không cần thiết. Lúc này “vô thanh thắng hữu thanh” (yên lặng là tốt nhất). Quý vị xen vào như vậy, mẹ của quý vị sẽ cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, chúng ta không nên quá nôn nóng, nên “im lặng là vàng”. Đôi khi quý vị im lặng, mẹ của quý vị sẽ cảm thấy quý vị không hề đơn giản.
Chúng tôi dùng bữa cơm đó rất vui vẻ. Từ đó tôi nhận thức được, cần phải “đổi con để dạy dỗ”. “Đổi con để dạy dỗ” có nghĩa là, ví dụ con cái của quý vị mỗi ngày đều đi theo quý vị, có một số đạo lý chúng nghe rất quen thuộc nên ngược lại sẽ sinh ra lơ là không để ý. Nhưng khi người bạn rất thân của quý vị nhắc nhở bọn trẻ những đạo lý này thì nhất định chúng sẽ nói: “Thì ra không chỉ ba của con nói như vậy, mà chú cũng nói như vậy”. Thái độ này của chúng sẽ được củng cố sâu thêm. Vì vậy, quý vị cần phải có một nhóm bạn tốt cùng nhau đến dạy cho con cái của mình. Có một nhóm thầy tốt, bạn hiền như vậy, thì việc dạy dỗ con cái của quý vị sẽ nhẹ nhàng hơn.
Khi ở Thẩm Quyến, chúng tôi cùng với rất nhiều giáo viên cùng nhau giảng bài, cùng nhau giao lưu, học trò của họ cũng đến học tập. Có một hôm, thầy Lý đã hỏi các em: “Giả như có một trăm triệu (nhân dân tệ) thì các em sẽ làm gì?”.
Có một em nói: “Em muốn làm bốn việc”.
- “Việc thứ nhất là em muốn xây một ngôi trường chuyên môn phổ biến giáo dục văn hóa truyền thống”. Đây là chí nguyện thứ nhất của em đó.
Quý vị bằng hữu đã từng nghe đứa trẻ nào có chí nguyện như vậy chưa? Vì vậy không phải đứa trẻ này ưu tú, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh tốt. Ngoài cha mẹ ra, các bậc trưởng bối và bạn học mà chúng tiếp xúc đều có thái độ như vậy, đều có nhân sinh quan như vậy, nên tự nhiên “mưa dầm thấm sâu”, những đứa trẻ này sẽ được như vậy.
Tôi dạy ở Thẩm Quyến, các em đều không vắng mặt buổi học nào. Quý vị đừng thấy chúng còn nhỏ, ngồi ở bên dưới nghe rồi cười ha ha, mà sau đó chúng sẽ nói: “Chúng ta học tập thì nhất định phải lập chí làm Thánh làm Hiền”. Trong số đó có một em nói: “Nếu như không làm Thánh làm Hiền thì học để làm gì?”. Vì vậy, quý vị học Thánh Hiền thì phải làm Thánh Hiền. Cuộc đời cần phải có chí khí, bởi vì việc học Thánh Hiền, làm Thánh Hiền thì không cầu ở người. Tục ngữ nói: “Lên trời khó, cầu người khó”. Học làm Thánh Hiền không khó bằng việc lên trời, không khó bằng cầu ở người, đều có thể nắm chắc ở trong tay mình.
- “Nguyện vọng thứ hai của em là muốn xây một bệnh viện dành cho những người nghèo khổ, để những người bị bệnh có thể được chăm sóc tốt”.
- “Nguyện vọng thứ ba là em muốn làm một kênh truyền hình Đại Ái”.
Bởi vì tôi đã mang bộ phim “Dắt tay nhau trong cuộc đời” của đài truyền hình Đại Ái đến Đại Lục cho các em xem, các em nhìn thấy Mã Văn Trọng hai chân đều bị tàn phế mà vẫn hết lòng làm công tác giáo dục, mở trường dạy học. Khi Mã Văn Trọng vừa bắt đầu làm, giả như quý vị là bạn của anh ấy thì quý vị sẽ nói với anh ấy như thế nào? Một người ngay cả việc đi đứng cũng không thuận tiện mà lại muốn làm giáo dục, mở trường học sao? Quý vị sẽ nói với anh ấy như thế nào? Vì vậy, một người có chí hướng tốt, người đó lại thật sự muốn thực hiện chí hướng đó, thì ngoài cá nhân anh ấy phải có ý chí nỗ lực ra, bên cạnh của anh nhất định phải có người thân, bạn bè tốt ủng hộ. Mã Văn Trọng có được một người cha rất tốt, luôn luôn khuyến khích anh cần phải đạt được lý tưởng của mình. Sau đó anh cũng thật sự làm được. Cho nên Mã Văn Trọng cũng dùng trọn cuộc đời ấn chứng câu nói trong sách “Trung Dung”: “Thành giả, vật chi chung thủy” (chân thành là điểm khởi đầu và kết thúc của mọi việc). Sự thành bại của một việc nằm ở chỗ nào? Từ đầu đến cuối đều xoay quanh “tâm chân thành”. Giả như tâm không chân thành thì sao? Một người tâm không thành thì cả cuộc đời chắc chắn không làm nên chuyện gì.
Quý vị bằng hữu, câu nói này là chân lý. Hiện nay quý vị thấy được rất nhiều người không chân thành, nhưng họ đi xe sang, ở nhà lớn, vậy là chân lý không đúng phải không? Không phải vậy, bởi vì có thể là cha ông của họ đã để lại một số của cải cho họ. Nhưng khi họ không chân thành thì phước phần của họ sẽ dần dần tiêu tán mất. Hơn nữa, thói sống xa xỉ này trực tiếp truyền lại cho con cháu của họ, nên sẽ nhanh chóng lụn bại. Chúng ta nhìn sự việc cần phải nhìn đầu đuôi ngọn ngành, phải dùng trí huệ. Chỉ có chân thành mới có thể đứng vững không lay động, vì vậy “chí thành như thần”. Bởi vì Mã Văn Trọng có tình yêu giáo dục trẻ nhỏ, nên vợ của anh ở rất xa đã ngồi xe lửa đến giúp đỡ anh, kết hôn với anh. Càng ngày anh ấy càng được nhiều người ủng hộ sự nghiệp. Vì vậy, sự chân thành của một người có thể thức tỉnh tâm chân thành của mọi người.
Đứa trẻ này vì đã xem qua bộ phim “Dắt tay nhau trong cuộc đời”, nên đặc biệt cảm thấy phải làm kênh truyền hình Đại Ái để phát những tiết mục hay có thể giáo hóa lòng người, cải thiện nếp sống xã hội. Chúng ta không nên xem thường sức phán đoán của trẻ em, bởi vì chúng cũng đã từng nghe Hòa thượng Tịnh Không giảng: “Hiện giờ muốn cứu xã hội này thì có hai nhóm người có sức mạnh nhất. Một là những người lãnh đạo quốc gia, hai là giới truyền thông, bởi vì trong thời gian ngắn họ có thể truyền những lời giáo huấn của Thánh Hiền đi khắp thế giới”. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã tiếp nhận những lời giáo huấn này thì sẽ luôn luôn ghi nhớ ở trong tâm. Đây là nguyện vọng thứ ba.
- “Nguyện vọng thứ tư của em là muốn làm thầy Thái”.
Các vị phụ huynh không nên quá vui mừng. Giả như đây là con của quý vị, quý vị có vui không? “Rất vui!”. Nhưng mẹ của em nghe xong, bởi vì mẹ của em đang đi diễn giảng không có ở nhà, nên đã gọi điện thoại cho con của mình. Cô ấy nói: “Con à, con có những nguyện vọng này mẹ rất vui, nhưng mà những nguyện vọng này của con không nhất thiết phải cần đến một trăm triệu mới thực hiện được”. Quý vị bằng hữu, độ nhạy bén của người mẹ này rất tốt. Cô ấy không mong muốn con mình chỉ phát nguyện suông, mà nguyện vọng nhất định phải từ ngay trong cuộc sống, ngay trong mỗi bước chân bắt đầu thực hiện. Nghe mẹ hỏi như vậy nên đứa con bắt đầu suy nghĩ. Người mẹ nói tiếp: “Thầy Thái có 100 triệu không? Chỉ cần chúng ta có học vấn tốt, có ý định tốt, cho dù không có một trăm triệu cũng có thể làm công việc cống hiến cho xã hội”. Người mẹ này đã mang chí nguyện của con mình trở về thực tại, quay trở về với thực tại về việc hoàn thiện bản thân. Để trẻ em có tâm thái như vậy, giá trị quan của cuộc đời như vậy, điều chủ yếu nhất là chúng phải có môi trường tốt.
Quý vị bằng hữu, chúng ta có thể tìm một số thầy tốt, bạn hiền cùng chung chí hướng để thường xuyên cùng nhau học tập, hoặc cùng nhau đi leo núi để tình nghĩa hai bên càng sâu đậm, cũng là để thế hệ sau này có sự hỗ trợ tốt, hình thành một môi trường giáo dục, cùng nhau giáo dục tốt thế hệ sau này. Tin rằng quý vị cũng sẽ cảm thấy tương đối nhẹ nhàng, thật sự không giống với việc chỉ hai vợ chồng dạy con.
3.12.2 “Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”
“Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”. Khi quý vị đến nhà của người khác, giả như chưa thấy ai thì trước tiên nhất định phải hỏi lớn: “Có ai ở nhà không vậy?”, tuyệt đối không nên tự ý đi ngắm nghía. Điều này cần phải cẩn thận. Nếu không, giả như trong nhà người ta mất đồ mà họ về nhà đúng lúc nhìn thấy quý vị như vậy, thì quý vị có một trăm cái miệng cũng chẳng thể biện bạch được, quý vị sẽ rất phiền phức. Con người cả cuộc đời cần phải coi trọng danh tiết, uy tín và danh dự của mình, không thể vì một chút không cẩn thận mà chịu sự ô nhục. Như vậy sẽ không tốt.
3.12.3 “Người hỏi ai, nên nói tên, nói ta tôi, không rõ ràng”
Câu này nghĩa là khi nói chuyện điện thoại với mọi người, thí dụ nhấc điện thoại lên phải nói: “Chào anh/ chị! Tôi tên…”, ví dụ tôi tên là Thái Lễ Húc, như vậy người ta liền biết là quý vị gọi đến. Hiện nay có khi nghe điện thoại nói: “A lô! Xin hỏi anh là ai vậy?”, thì người bên kia trả lời: “Là tôi đây! Anh không biết à? Anh quên tôi rồi sao?”. Chúng ta có thể là đang bận việc mà phải ở đó nói nhăng nói cuội với họ, trong lòng cũng rất căng thẳng, suy nghĩ cả nửa ngày thật sự nghĩ không ra là ai, như vậy thì rất thất lễ. Khi chúng ta gọi điện thoại phải nói: “Chào anh! Tôi là Lễ Húc đây. Bây giờ tôi nói chuyện với anh có tiện không?”. Luôn luôn nghĩ thay cho đối phương thì sẽ khiến cho đối phương cảm thấy rất thoải mái. Vì vậy, việc này cũng phải dạy cho các em.
Thí dụ các em bấm chuông cổng, người trong nhà hỏi: “Là ai vậy?”. Nếu trả lời “là tôi đây!” thì người ta làm sao biết được “tôi” là ai? Vì vậy “nói ta tôi, không rõ ràng”. Những việc nhỏ này cần phải nhắc nhở thêm.
3.13. Kinh văn:
“Dụng vật nhân, tu minh cầu. Thảnh bất vấn, tức vi thâu”.
“Dùng đồ người, cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm”.
Khi quý vị chưa dạy cho trẻ thì chúng chưa phân biệt rõ ràng đúng – sai, thiện – ác, có khi chúng cảm thấy cái này rất đẹp, thuận tay chúng cầm lên xem. Do đó, chúng ta phải kịp thời dạy chúng đoạn Kinh văn này.
Có hai chị em nọ, một hôm người chị mắng người em. Sau khi bị mắng xong thì người em tủi thân vừa khóc vừa đi tìm mẹ, rồi nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Chị mắng con”. Quý vị bằng hữu sẽ xử lý như thế nào? Quý vị không thể không tìm hiểu rõ ràng, liền gọi người chị lại hỏi: “Sao con mắng em vậy?”. Phàm việc gì cũng phải nói lý lẽ, trước tiên đúng sai phải làm cho rõ ràng, không thể nói chị lớn không đúng, lớn thì phải nhường nhỏ. Câu nói này đúng không? Hoàn toàn không đúng. Trước tiên vẫn phải phán đoán đúng – sai. Người mẹ này cũng không vội vã, vừa nấu ăn vừa hỏi đứa con: “Vì sao chị mắng con?”. Đứa con trả lời: “Vì con đã lấy đồ chơi của chị mà không nói với chị, nên chị mắng con”. Bởi vì đứa trẻ này đã đọc qua “Đệ Tử Quy”, nên người mẹ này tiếp tục nói: “Dùng đồ người”, đứa con liền nói: “Cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm”. Vừa nói xong chữ “trộm” thì bé liền khóc và nói: “Con không muốn làm kẻ trộm”.
Có một điều quan trọng là cần phải có ngôn ngữ chung, tiêu chuẩn làm người chung, như vậy con cái của quý vị sẽ rất dễ thông suốt. Các con đã học thuộc “Đệ Tử Quy”, quý vị liền trích dẫn câu có tình huống giống như vậy, thì câu đó chúng sẽ nhớ được bao lâu? Quý vị xem, một – hai tuổi thì nhớ được cả đời, đối với chúng cả đời sẽ được lợi ích rất lớn. Vì vậy chúng ta cần phải dạy con cái: “Dùng đồ người, cần mượn rõ”. Đương nhiên người lớn chúng ta cũng phải làm được.
Bài học trước cũng đề cập đến một Công ty ngoại thương ở Đại Lục có rất nhiều người đến xin việc nhưng đã bị loại hơn một nửa, chỉ còn lại vài người vào thi vòng hai. Ông chủ Công ty nói: “Tạm thời tôi có việc, mười phút sau tôi sẽ quay lại”. Ông vừa đi ra ngoài thì những người trẻ tuổi vừa qua được vòng sơ khảo bắt đầu mở tài liệu của ông xem. “Dùng đồ người” thì như thế nào? “Cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm”. Sau đó thì toàn bộ những người này đều không được tuyển dụng. Những người trẻ đó nói: “Từ lúc nhỏ đến giờ chẳng có ai dạy cho chúng tôi”. Cho nên họ đã bị oan, bởi vì họ chưa học điều đó. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm truyền đạt lời giáo huấn của Thánh Hiền cho họ.
Hơn nữa, khi chúng ta muốn dùng đồ của người khác, chúng ta không thể lấy đồ vật trước rồi mới hỏi mượn sau. Thí dụ quý vị không thể cầm cây bút lên rồi hỏi: “Tôi mượn cây bút này được không?”. Nói không chừng cây bút đó là bạn trai của cô ấy tặng cho cô ấy, chỉ có một mình cô ấy dùng, vậy mà quý vị đã cầm trên tay rồi. Như vậy có đúng không? Cô ấy đành phải nói: “Được!”. Vì vậy mượn đồ vật không nên mượn như vậy, mượn đồ của người khác thì phải đích thân người ta lấy đưa cho quý vị, như vậy mới đúng phép. “Có thể cho tôi mượn một cây bút không?”. Họ thích cho bạn mượn cây bút nào thì họ sẽ đưa cho bạn. Vì vậy, đối với những chi tiết này chúng ta cũng phải giữ cái tâm suy nghĩ cho người khác. Đây là “Dùng đồ người, cần mượn rõ. Nếu không hỏi, tức là trộm”.
Hết tập 26. Xin xem tiếp tập 27.