Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Giảng ngày 15/2 đến 23/2 năm 2005
Tổng cộng 40 Tập.
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 51-116-0001 đến 51-116-0040
MỤC LỤC
8. Kinh văn: “Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận” (tiếp theo).
9. Kinh văn: “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước. Ngày đêm hầu, không rời giường”.
9.1 “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”.
9.2 “Ngày đêm hầu, không rời giường”.
10. Kinh văn: “Tang ba năm, thường thương nhớ, chỗ ở đổi, không rượu thịt. Tang đủ lễ, cúng hết lòng. Việc người chết, như người sống”.
10.1 “Tang ba năm, thường thương nhớ”.
10.2 “Chỗ ở đỗi, không rượu thịt”.
10.3 “Tang đủ lễ, cúng hết lòng”.
10.4 “Việc người chết, như người sống”.
“Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”. (tiếp)
(tiếp theo tập trước)
Chúng ta làm thế nào để khuyên người anh này? Trịnh Quân tự mình đi làm đầy tớ cho người ta, bắt đầu làm từ công việc thấp hèn nhất. Sau khi làm được một năm thì dùng toàn bộ số tiền kiếm được từ sức lao động của mình đưa cho người anh. Ông nói với người anh: “Chúng ta thiếu thứ gì thì chỉ cần dựa vào sức lao động của mình kiếm được tiền là sẽ mua được thôi. Nhưng nếu như danh dự của một người mất đi rồi thì cả đời xem như mất hết”. Người anh thấy em mình vì muốn khuyên mình mà đi làm đầy tớ cho người ta cả một năm trời nên rất hổ thẹn, từ đó thay đổi thái độ của mình và trở nên rất thanh liêm. Sau đó Trịnh Quân cũng phát triển rất tốt, làm đến chức Thượng Thư (tương đương với Tể Tướng). Người có hiếu, có đễ thì tất nhiên sẽ tận trung với nước. Ông cũng thường hay can gián vua. Vua cũng rất cảm kích sự phò trợ của ông, phong cho ông danh hiệu “Bạch Y Thượng Thư” và ban cho ông rất nhiều bổng lộc, khi về già ông vẫn được hưởng bổng lộc của chức Thượng Thư.
Quý vị thấy, để khuyên can anh của mình mà Trịnh Quân đi làm đầy tớ, như vậy có phải ông đã chịu thiệt thòi không? Không! Cái gọi là: “Tâm là ruộng phúc”, một người thật sự dùng đạo đức để tu thân hành đạo thì phúc phần của họ chắc chắn sẽ càng tích càng dày. Không phải không có báo đáp mà do thời gian chưa đến, khi thời gian đã đến rồi thì phúc phần của họ không thể chạy đi đâu được. Người xưa nói: “Thiệt thòi là phúc”. Câu nói này rất có ý nghĩa.
Trên đây là nói về sự khuyên can giữa anh em.
Khuyên bạn bè
Trong quan hệ ngũ luân còn có một mối quan hệ nữa là quan hệ bạn bè. Tôi đã từng cùng với chú Lư đi thăm một người bạn của chú. Tôi cũng cảm thấy rất kỳ lạ, nhiều chuyện rất đặc sắc tôi đều gặp được. Tôi cùng chú Lư đi tìm người bạn này của chú. Chú và người bạn này đã quen biết nhau mười bảy năm. Lần đó chú còn mang theo rất nhiều Kinh điển Thánh Hiền, có quyển để cho con của người bạn đó xem, có quyển để tặng cho người bạn của chú, có quyển để cho vợ của bạn chú xem. Trên đường đi, chú Lư nói với tôi chú quen biết người bạn này đã mười bảy năm. Người bạn này đã từng làm ăn rất hưng thịnh, tài sản rất nhiều, nhưng lúc đó chú đã nhìn thấy được người bạn ấy rất có khả năng về sau sẽ không thể giữ được tài sản này. Bởi vì, khi một người trong lúc có rất nhiều tiền sẽ nhiễm phải thói quen xa xỉ, như thế tiền tài nhiều bao nhiêu cũng sẽ suy bại hết. Hơn nữa, không chỉ nhiễm phải thói quen xa xỉ, rất có khả năng còn ngạo mạn nữa. Loại thói quen xấu tự cao tự đại đó sẽ hình thành trong quá trình này. Khi một người ngạo mạn thì họ sẽ khinh suất, rất có khả năng sẽ đưa ra những phán đoán sai lầm, tiền có nhiều đi nữa cũng sẽ tiêu hết. Sau đó thật sự sự nghiệp của ông cũng dần sa sút, còn phải gánh thêm nợ. Khi ông rơi vào cảnh nợ nần thì không thấy bạn bè đâu cả. Thật ra “phúc họa nương nhau”. Tài sản hết rồi cũng sẽ khiến ông học được bài học: “Bạn bè chân chính không phải dùng tiền mà có thể mua được”. Trong lúc ông rơi vào cảnh khốn cùng, chú Lư mỗi tuần lái xe mấy tiếng đồng hồ đến giúp ông giải quyết vấn đề tài chính. Chú không chỉ không nhận tiền mà còn bỏ tiền túi của mình để đi tới đi lui giúp ông xử lý rất nhiều việc. Trong quá trình này, chú Lư đã xây dựng niềm tin và tình nghĩa ngày càng sâu hơn với bạn. Chú phải đợi đến mười bảy năm, khi nhân duyên đã chín mùi.
Một người thật sự muốn trải qua cuộc sống viên mãn thì tuyệt đối không phải có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu quyền thế, mà là có bao nhiêu trí tuệ. Tôi đã may mắn ngồi trên chuyến xe này, cũng cảm nhận được chú Lư có thể dùng mười bảy năm để trợ giúp cho một người bạn. Vì vậy “chớ tự chê, đừng tự bỏ”, tôi phải noi gương chú ấy. Khi chúng tôi khuyên can người khác, giúp đỡ người khác, cảm thấy mình có một chút thiếu nhẫn nại thì liền nghĩ đến con số “mười bảy năm”. Sau đó tôi cảm thấy rất hổ thẹn, lại nhớ đến đạo nghĩa đối với bạn bè mà tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ.
Ngoài ra, lúc ở bên Úc, tôi cũng nhìn thấy chú Lư rất khéo léo khi khuyên can bạn bè bên cạnh. Lúc chúng tôi đến Úc, có khoảng tám – chín người cùng ở chung một phòng. Tám – chín người đàn ông ở chung sẽ phát sinh chuyện trên bàn có rất nhiều rác (không phải do tôi vứt ra), rất lộn xộn. Tôi thấy chú Lư không nói một câu nào. Nếu chú mỗi ngày nhìn thấy mọi người sau khi nói chuyện xong mà trong phòng, trong nhà tắm hoặc là trên bồn rửa tay có rác thì chú liền tự mình âm thầm đi dọn dẹp tất cả, còn lau chùi bệ rửa một cách khô ráo, sạch sẽ thì chú mới đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào, chú đều làm như vậy. Chú làm khoảng chừng bốn – năm ngày thì bỗng nhiên có một người bạn đứng lên nói: “Các anh cứ vứt lung tung như thế, các anh không nhìn thấy người ta mỗi ngày dọn dẹp sạch sẽ như vậy cho các anh sao! Các anh cũng không cảm thấy quá đáng sao!”. Mọi người đều rất hổ thẹn, đều cúi mặt xuống. Từ đó về sau sạch sẽ hơn nhiều. Chú Lư không dùng lời nói để dạy mà dùng hành động để dạy, khiến mọi người đều cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sạch đẹp. Quả thật trong thế giới của người trưởng thành, điều quan trọng nhất vẫn là trước tiên tự mình phải làm tấm gương tốt thì tự nhiên có thể cảm hóa được người khác.
Năm hai mươi lăm tuổi, tôi bắt đầu tiếp xúc học vấn Thánh Hiền. Bởi vì trước đây tôi đi học đều là chủ nghĩa thành tích. Chủ nghĩa thành tích khiến cho nội tâm của chúng ta luôn trong trạng thái ganh đua. Nhìn thấy người khác có số điểm rất cao thì mình cảm thấy rất khó chịu, không thích. Do đó, quý vị biết tại vì sao mắt tôi không được to rồi. Nhưng khi học đến học vấn Thánh Hiền thì trong lòng tôi rất cảm động.
Tôi còn nhớ khi tôi học cấp ba, môn ngữ văn của tôi rất kém. Kém đến mức nào vậy? Nhất định kém hơn quý vị. Bởi vì lúc tôi học cấp hai, khi thi chuyển cấp lên cấp ba, tổng cộng thi bảy môn đã bị trừ mất tám mươi tám điểm, riêng môn quốc văn bị trừ bốn mươi bốn điểm, bằng với tổng số điểm của bốn môn khác cộng lại. Tôi còn nhớ lúc cấp hai có một đề thi là: “Lão Khí”, một là chọn Xuân, hai là chọn Hạ, ba là chọn Thu, bốn là chọn Đông, chính là xuân hạ thu đông. Tôi cảm thấy đề thi này đang làm nhục tôi, nhưng quả thật là tôi không biết viết. Tôi còn ở đó hát một bài hát, hát một chữ liền chấm một cái, để xem cuối cùng chấm đến chữ nào, nhưng cuối cùng vẫn viết sai. “Lão khí” là gì vậy? Chọn “Thu”. Quý vị sao trả lời nhanh vậy? Đối với tôi, đây quả là một sự tổn thương.
Lên cấp ba, vận xấu vẫn đeo đuổi mãi, thật sự tôi chưa thể lấy lại được tinh thần. Có một lần thầy giáo ngữ văn của tôi đã gọi tôi đứng lên và nói: “Thái Lễ Húc! Nếu như em còn ngủ trong giờ ngữ văn của thầy nữa, thì thầy xem như em vắng không phép”. Môn ngữ văn của tôi khi thi vào đại học cũng không đạt. Nhưng trong quá trình học cấp ba, trong đầu tôi có hai lần dường như cảm thấy rất sáng suốt, đó là khi đọc được hai bài văn. Thứ nhất là bài “Xuất Sư Biểu” của Gia Cát Lượng, bên trong có nhắc đến: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” (Hết lòng tận tụy đến chết mới thôi). Vốn dĩ vẫn còn đang ngủ gật, bỗng nhiên cảm thấy câu nói này sao mà chấn động như vậy! Nhưng mà chỉ sáng được khoảng năm giây, sau đó thì mây đen lại bao trùm. Câu nói thứ hai ở trong “Nhạc Dương Lầu Ký” của Phạm Trọng Yêm, trong đó nói đến: “Lo trước mối lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Thực ra lúc đó tôi cũng không hiểu lắm, nhưng lại cảm thấy có sự cảm động khó tả. Sau này bắt đầu tiếp xúc học vấn Thánh Hiền, thường hay xem “Những Câu Chuyện Giáo Dục Đạo Đức”, thì tôi cảm thấy cảm động đến nỗi không kìm chế được bản thân, rất cảm động, thật sự cảm nhận được chủ tâm của bậc Thánh Hiền quả thật vô cùng nhân từ, vô cùng bao dung. Cảm nhận được rồi thì chúng ta phải làm theo ngay.
Khi tôi đi học trường sư phạm, trường cách nhà tương đối xa, tôi phải đón xe lửa rất sớm. Khi tôi đến trường, bạn học cả lớp ngày đầu tiên đều vẫn chưa đến, chỉ có mỗi một mình tôi. Lúc đó vừa mới nghỉ hè xong nên tất cả bàn ghế đều bị bụi phủ kín. Quý vị bằng hữu sẽ làm như thế nào? Trong đầu tôi liền nghĩ đến: “Các bạn học nữ khi bước vào mà nhìn thấy bụi bẩn thế này thì không biết các bạn này sẽ phản ứng ra sao? Họ sẽ nói: “Sao mà bẩn vậy!”. Chúng ta đều có thể đoán được họ nhất định sẽ cảm thấy khó chịu. Vì thế, tôi liền chạy xuống sân trường, vào nhà vệ sinh tìm khăn lau chùi dọn dẹp từ đầu đến cuối một cách nhanh chóng. Vì sao vậy? Vì sợ người khác nhìn thấy, làm thế giống như là làm giả bộ vậy, nên nhanh nhanh lau chùi cho xong. Sau khi lau xong tự mình cảm thấy ngày hôm nay thật không uổng phí, có thể phục vụ người khác. Sau đó, các bạn vào cũng đều ngồi rất yên ổn.
Khi chúng ta có ý nghĩ vì người khác, xin hỏi chúng ta có giao lưu với người ta không vậy? Con người chúng ta có một loại cố chấp, dường như phải đối diện nhau nói chuyện mới gọi là giao tiếp. Thực ra không phải vậy! Khi ý nghĩ của chúng ta khởi lên là chúng ta đã giao tiếp với người bên cạnh rồi. Cho nên năm đó, trong lớp người nào cũng đối xử với tôi rất tốt. Khi tôi đi giảng vào buổi tối cũng có bạn học trường sư phạm của chúng tôi đến nghe. Tôi cũng rất vui, bởi vì khi chúng ta có tấm lòng phục vụ người khác thì tự nhiên cũng sẽ cảm động được người khác đối xử rất thân thiện với chúng ta.
Bởi vì tôi đến lớp tương đối sớm, nên mỗi ngày rác phía sau phòng học tôi đều chủ động đi dọn dẹp. Cuối cùng dọn dẹp chưa được bao lâu, có một lần, khi tôi vừa lấy rác đi thì có người bạn học chạy đến nói: “Bạn đừng làm nữa, để chúng tôi làm với”. Quả thật giữa bạn bè với nhau, chúng ta nhất định phải dụng tâm cho đi trước. Tấm lòng này của chúng ta có thể đánh thức tâm hướng thiện, tâm thông cảm lẫn nhau của mỗi người.
Trong quan hệ ngũ luân, chúng ta cũng đã nêu ra nhiều ví dụ làm thế nào để khuyên can. Mục đích của việc nêu ra những ví dụ này là để trưởng dưỡng chủ tâm, sau đó hành động, trưởng dưỡng trí tuệ chung sống với người và tính nhẫn nại của mọi người chúng ta. Tin rằng cuộc sống sau này trong cuộc đời của mỗi người đây sẽ có những vở tuồng hay được diễn ra.
9. Kinh văn:
“Thân hữu tật, dược tiên thường. Trú dạ thị, bất ly sàng”.
“Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước. Ngày đêm hầu, không rời giường”.
9.1 “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”
Khi cha mẹ bị bệnh, sắc thuốc xong con cái trước tiên phải nếm thử xem thuốc này có nóng hay không. Khi không còn quá nóng thì mới bưng lên cho cha mẹ uống. Đây cũng biểu hiện của người con hiếu thảo, khi cha mẹ bị bệnh, họ đều ở bên cạnh để chăm sóc. Câu chuyện này cũng bắt nguồn từ đời Hán Văn Đế triều Hán. Chúng ta đều biết “Văn Cảnh Chi Trị”. Văn và Cảnh là hai vị Hoàng Đế trị vì đất nước rất tốt. Nguyên nhân căn bản là lấy “hiếu” để trị vì thiên hạ. Thực ra muốn dẫn dắt tốt đoàn thể, gia đình, thậm chí là quốc gia, hoàn toàn không phức tạp như chúng ta tưởng tượng. Văn Đế hầu hạ mẹ của ông ba năm tròn. Mẹ ông bị bệnh ba năm, ông đều tự tay bưng thuốc hầu hạ như vậy. Sau đó bệnh của mẹ ông cũng chuyển biến tốt.
Thời nay quý vị có từng nghe thấy, khi cha mẹ bị bệnh thì con cái thường luôn ở bên cạnh chăm sóc không? Nhất định có. Bởi vì giống như Lão Tử nói trong “Đạo Đức Kinh”: “Quốc gia hỗn loạn, bạn mới thấy được ai là trung thần”. Khi con người càng ngày càng bất hiếu, các vị mới có thể nhìn thấy người con hiếu thảo đích thực, họ sẽ không vì trào lưu thời đại mà họ sẽ hiên ngang bất khuất. Tin rằng khi người con có thể làm được hành động như vậy thì sức khỏe của cha mẹ họ sẽ nhanh chóng hồi phục. Trước đây chúng ta có nhắc đến “Mạnh Tông khóc măng”. Bởi do tấm lòng chân thành nên đã khiến cho măng mọc ra. Sau khi ăn xong, mẹ của ông cảm thấy rất vui nên đã khỏi bệnh.
Về phương diện này, chúng ta sẽ nói với các em, hiện nay mẹ bị bệnh, thuốc của mẹ uống các em có nên nếm trước không? Đương nhiên nếu như mẹ uống thuốc đông dược thì có thể nếm thử xem có quá nóng không, nhưng nếu như uống thuốc Tây thì có nên “nếm thuốc trước” hay không? Chúng ta dạy “Đệ Tử Quy”, mỗi một câu chúng ta đã nắm được ý nghĩa Kinh văn nhưng phải phối hợp với hoàn cảnh đời sống hiện tại mới được. Nếu không, đến khi uống thử rồi, người mẹ sẽ hỏi: “Sao con làm như vậy?” thì các em sẽ trả lời là do thầy của con dạy “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”.
Chúng ta tiến thêm một bước nữa hướng dẫn các em khi lấy nước cho cha mẹ phải kiểm tra trước, nước không nên quá nóng cũng không nên quá lạnh. Chúng ta còn phải hướng dẫn các em suy nghĩ xem khi cha mẹ bị bệnh, giả như có tình trạng khẩn cấp, người làm con cái chúng ta cần phải ứng phó như thế nào? Ví dụ người mẹ bị bệnh cao huyết áp, bỗng nhiên phát bệnh ngã xuống thì người con này phải làm sao? Quý vị bằng hữu, không phải doanh nghiệp mới có kế hoạch ứng cứu khẩn cấp mà gia đình cũng phải có kế hoạch ứng cứu khẩn cấp nữa. Quý vị hướng dẫn con cái từ nhỏ đứng trước những tình huống khẩn cấp phải ứng phó như thế nào, thì khi đối diện tình huống khẩn cấp chúng sẽ biết cách xử lý sự việc một cách bình tĩnh, không vội vàng.
Vậy cần phải chú ý những phương diện nào? Thuốc để ở đâu? Lúc khẩn cấp làm sao lấy được những thuốc này? Nếu như để thuốc lẫn lộn thì trong tình huống cấp bách tay chân luống cuống có thể tìm được không? Hơn nữa, số điện thoại cấp cứu là bao nhiêu? (ở Việt Nam, số điện thoại gọi cấp cứu là 115). Tiếp đến là số điện thoại của người thân thích nhất của trẻ. Những điều này đều nên cho trẻ biết, để khi gặp phải trẻ biết cách xử lý. Thậm chí khi cha mẹ nằm bệnh trên giường cần phải chăm sóc như thế nào cũng đều phải cho trẻ biết, thậm chí để chúng có cơ hội làm. Tin rằng trong quá trình làm, chúng có thể làm việc càng ngày càng cẩn thận hơn, càng có thể cảm thông được nỗi đau khổ của bệnh tật và biết được nhu cầu của người bệnh. Đây là “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”. Chúng ta có thể suy rộng ra nhằm hướng dẫn các em những phương pháp và thái độ này.
Một người bị bệnh, ngoài việc phải đối trị căn bệnh này ra còn cần phải nên làm những việc nào mới có thể khiến bệnh của cha mẹ, thậm chí là bệnh của người thân được khỏi nhanh hơn? Điều này cũng đáng để suy nghĩ. Tục ngữ nói: “Thầy thuốc có thể chữa bệnh, không thể cứu được mệnh”. Quý vị thấy rất nhiều người có tiền nhưng không thể trường thọ được. Người muốn được trường thọ thì phải như lý như pháp mà cầu. Sống trong trời đất, chỉ cần quý vị cầu như lý như pháp thì đều có thể cầu được.
Bài giảng trước chúng ta đã nhắc đến bố thí tài là nguyên nhân đích thực của được giàu có. Nghĩa là vạn pháp do nhân duyên mới có thể sinh ra được.
Bố thí pháp.
Một người làm thế nào để được thông minh trí huệ? Bố thí pháp được thông minh trí huệ. Về điểm này tôi rất có thể nghiệm. Tôi nhớ khi tôi muốn thi vào trường đại học sư phạm, tôi phải đi luyện thi. Vào lúc đó tôi cũng tự đặt ra cho mình một số kỳ vọng là vào lớp học xong thì phải hiểu liền. Tôi cũng rất chuyên chú. Tôi ngồi ở dãy bàn thứ ba phía trước. Bởi vì ngồi ở phía trước chủ yếu đều là bạn học nữ, mà chiều cao của tôi lại cao hơn một chút, nên người phía sau đều biết phía trước có một học sinh cao hơn một cái đầu. Bởi vì rất nhiều bạn học nữ học môn toán, vật lý, hóa học tương đối kém, nên họ thường đem bài xuống hỏi tôi. Tôi thường hay bỏ một ít thời gian giải thích cho họ hiểu những vấn đề mà họ chưa hiểu. Có một cậu bạn rất thân với tôi chạy đến đập bàn tôi nói: “Bạn dạy người ta đã hơn một tiếng đồng hồ rồi, bản thân bạn có cần học hay không vậy?”. Cậu ấy thấy không thể chịu đựng được: “Sao bạn tốn thời gian của mình cho người khác nhiều như vậy?”. Tôi liền mỉm cười với cậu ấy và nói: “Thật ra tôi giải thích cho cô ấy thì bản thân tôi có lợi nhiều nhất. Bởi vì cô ấy muốn hiểu đề này, tôi cần phải hướng dẫn cho cô ấy biết. Việc đó đòi hỏi tôi phải suy nghĩ càng rõ ràng, càng sâu sắc hơn”. Tôi dạy người khác môn toán nhưng bản thân tôi rất ít khi giải nhiều đề, bởi vì không có thời gian. Rất nhiều bạn học còn làm được các đề của lớp luyện thi khác. Cuối cùng đến khi thi, năm đầu tiên tôi thi môn toán được chín mươi điểm. Điểm tối đa là 100, tôi thi được chín mươi điểm. Năm thứ hai thi làm giáo viên dự bị, tôi cũng chưa có học bởi vì không có thời gian, nhưng cũng thi được tám mươi tám điểm. Năm thứ ba tiếp tục thi vẫn được tám mươi tám điểm. Điều này chứng tỏ trước đây bố thí pháp, rất vui vẻ đem những phương pháp này nói cho người khác biết, nên loại năng lực tư duy lo-gic này của bản thân sẽ càng ngày càng nâng cao. Thật sự là bố thí pháp được thông minh trí tuệ.
Bởi do thể nghiệm như vậy, nên tôi thường hay hỏi bạn bè một câu hỏi: “Có phải trí nhớ tỉ lệ nghịch với tuổi tác không?”. Có phải không? Không phải à! Thông thường đều sẽ nói càng già thì trí nhớ sẽ càng suy giảm. Sống càng già thì trí nhớ sẽ càng suy giảm là kết quả, nguyên nhân do đâu vậy? Do không dùng nữa. Ngoài ra còn do phiền não quá nhiều, mỗi ngày bị mây đen che phủ, nghĩ mãi đến cuối cùng cũng không thể nghĩ được gì. Trí nhớ của con người vì sao suy giảm vậy? Quý vị không dùng nó, lại quá nhiều phiền não thì đương nhiên trí nhớ sẽ càng ngày càng suy giảm.
Thầy Lý Bỉnh Nam chín mươi bảy tuổi mà giảng bài không cần mở sách. Từ khi hai mươi lăm tuổi là tôi bắt đầu tiếp nhận những Kinh điển Thánh Hiền này, cũng rất chăm chỉ học tập, nên trí nhớ của tôi luôn duy trì ở mức như thế này. Quả thật, bố thí pháp có thể được thông minh trí huệ. Hơn nữa, người nào cũng có thể làm được. Chúng ta nên biết, Mạnh Phu Tử nói với chúng ta: “Thuấn là ai? Ta là ai? Người nào cũng đều làm được như vậy”.
Thứ nhất là bố thí tài, thứ hai là bố thí pháp.
Bố thí vô úy.
Cuối cùng là bố thí vô úy được khỏe mạnh trường thọ. “Vô úy” chính là đừng làm cho người khác sợ hãi. Chúng ta nêu ra ví dụ thực tế nhất, điển hình chân thật nhất là cụ Hứa Triết 106 tuổi ở Singapore. Cụ không ngừng giúp đỡ người khác tránh được sự đau khổ của bệnh tật, thậm chí là đau khổ trong đời sống. Cụ đều chủ động đi giúp đỡ. Cụ trên năm mươi tuổi mới đi học làm y tá. Tinh thần đó thật sự khiến chúng ta cảm phục. Cụ thường xuyên giúp đỡ người khác, giải quyết đau khổ cho người khác nên cụ được khỏe mạnh trường thọ. 106 tuổi rồi mà cụ đi đứng rất nhanh nhẹn, nói chuyện cũng rất minh mẫn, không thể nhận ra cụ đã hơn 106 tuổi. Vì vậy, chân lý phải thông qua chúng ta tự mình chứng thực, thì niềm tin của chúng ta mới đầy đủ được.
Trước khi tôi đi Úc Châu, ông nội tôi (lúc đó đã 84 tuổi) bị tai biến mạch máu não. Lúc ông bị tai biến là nửa đêm, chúng tôi vội đưa đến bệnh viện. Cuối cùng bác sĩ nói: “Tám mươi mấy tuổi rồi, chúng tôi không dám phẫu thuật, bởi vì cả một vùng mạch máu bị tắc nghẽn. Thông thường tai biến mạch máu não là chỉ một nhánh bị tắc nghẽn, còn của ông là toàn bộ mạch máu bị tắc nghẽn hết, nên người nhà nên chờ đợi lo hậu sự”. Cha của tôi và các cô các chú của tôi đều rất hiếu thảo. Tất cả họ đứng trước tình thế bất ngờ, bởi vì ông nội tôi từ trước đến nay không hề bị bệnh tim mạch. Người ông gầy và cao, xem ra cũng rất khỏe mạnh, nhưng thực ra đã có biểu hiện triệu chứng rồi, chỉ là không chú ý đến. Bởi có khoảng thời gian ông nội tôi cảm thấy chóng mặt, nhưng cũng không nghĩ đến ông bị cao huyết áp, chỉ nghĩ có lẽ là do bị cảm nên không phát hiện triệu chứng này.
Tôi thấy cha tôi và những người lớn đều cuống cả lên. Vào lúc này tôi liền nói với cha tôi: “Bố thí vô úy được khỏe mạnh trường thọ. Cha à! Cha đưa cho con năm mươi ngàn đồng, phải là tiền của ông nội mới được. Bởi vì đem tiền của ông đi làm bố thí vô úy thì mới trực tiếp giúp đỡ đối với ông nhanh nhất”. Đương nhiên cha tôi cũng rất tin tưởng tôi, liền đưa cho tôi. Sau đó tôi đến phòng hồi sức để nói cho ông tôi biết. Tôi nói: “Hiện nay người nghèo khổ, người đối diện với đói khát khá nhiều mà chúng ta vẫn còn thừa sức có thể giúp đỡ họ…”. Cuối cùng ông nội tôi đã gật đầu đồng ý mà không thể nói ra thành lời. Tôi liền nhanh chóng mang tiền đó đi cứu tế, đi giúp đỡ những người nghèo khổ. Cuối cùng, ông nội ở phòng hồi sức năm ngày thì được đưa ra phòng bệnh bình thường. Vì thế, các vị thật sự phải đi chứng thực.
Sau đó thì ông xuất viện. Bác sĩ lại nói: “Người tám mươi mấy tuổi bị tai biến thì không thể đi được, các vị nên chuẩn bị sẵn sàng”. Lúc đó tôi đã xin thôi việc để đi Úc Châu học. Tôi hẹn với ông nội: “Lần sau cháu về ông phải đứng dậy đi cho cháu thấy nhé!”. Tôi đã hẹn với ông nội tôi như vậy. Khi tôi qua bên Úc, bởi vì học viện Tịnh Tông đang bồi dưỡng rất nhiều vị thầy hoằng dương học vấn Thánh Hiền, nên tôi đã lấy danh nghĩa của ông tôi để quyên tặng một ít tiền. Đúng ngay ngày quyên tặng đó, tôi gọi điện thoại cho mẹ tôi. Mẹ tôi nói: “Ông nội con hôm nay có thể đi được rồi”. Có rất nhiều chân lý chúng ta tuyệt đối phải dùng tâm chí thành để chứng thực. Thánh nhân tuyệt đối không bao giờ nói lời vọng ngữ.
“Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước”. Ngoài chữa bệnh ra, còn phải chữa mạng sống của họ. Khi một người bố thí vô úy càng nhiều thì thân thể mới có thể càng khỏe mạnh.
9.2 “Ngày đêm hầu, không rời giường”
Đây là lòng chí thành của người con hiếu thảo biểu hiện ra. Đương nhiên nếu như sức khỏe của quý vị không thật tốt thì cũng không nên cố gắng quá, lúc cần nghỉ thì cũng nên nghỉ ngơi một chút. Nhưng khi cha mẹ cần đến quý vị, quý vị lập tức có thể biết là được. Quý vị cũng có thể ngủ ở bên cạnh, sau đó lấy sợi dây buộc vào, chỉ cần mẹ hoặc cha quý vị cần thì kéo một cái là quý vị thức dậy ngay. Chúng ta phải biết ứng biến linh hoạt. Quý vị không nên nói rằng: “Hán Văn Đế không ngủ thì tôi cũng học theo ông”. Không cần thiết như vậy!
10. Kinh văn:
“Táng tam niên, thường bi yết, cư xứ biến, tửu nhục tuyệt. Táng tận lễ, tế tận thành. Sự tử giả, như sự sinh”.
“Tang ba năm, thường thương nhớ, chỗ ở đổi, không rượu thịt. Tang đủ lễ, cúng hết lòng. Việc người chết, như người sống”.
10.1 “Tang ba năm, thường thương nhớ”
Câu này là chỉ khi cha mẹ đã mất. Trong “Hiếu Kinh” có một đoạn giáo huấn rất quan trọng là: “Cư xử phải hết mực cung kính, nuôi nấng phải hết mực vui vẻ”. Chúng ta dùng tấm lòng cung kính, dùng tấm lòng khiến cho cha mẹ vui để phụng dưỡng cha mẹ. “Bệnh tật phải hết mực lo lắng, cư tang phải hết lòng xót thương, tế tự thì nghiêm trang hết mực”. Chính là lúc làm tang sự, chúng ta phải cảm hoài ân đức của cha mẹ. Trong lúc cúng tế phải thật nghiêm túc trang nghiêm, không quên lời chỉ dạy của cha mẹ. Đây là bổn phận mà người con có hiếu cần phải làm tròn. Cho nên lúc tang lễ chúng ta cũng phải làm cho thật nghiêm túc trang nghiêm, không nên làm ồn ào, ầm ĩ. Khi làm tang lễ có người còn mời một nhóm người đến khóc mướn, việc này có ý nghĩa không? Không có ý nghĩa! Chúng ta phải thường nhớ ân đức của cha mẹ ở trong lòng. Hơn nữa, Âu Dương Tu có một câu giáo huấn rất hay: “Cúng tế long trọng không bằng một chút phụng dưỡng”. Cúng tế nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không bằng phụng dưỡng cha mẹ đàng hoàng lúc còn sống. Phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống sẽ có ý nghĩa hơn. Lúc sống không phụng dưỡng, đến khi chết tiêu tốn thật nhiều tiền, như vậy thật là quá điên đảo.
Hiện nay, lúc cha mẹ còn khỏe chúng ta phải vô cùng quý trọng, phụng dưỡng cho tốt. Khi cha mẹ mất thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy rất yên lòng, rất an ủi, dẫu sao chúng ta đã làm hết sức rồi. Thời xưa có câu danh ngôn: “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Con muốn nuôi dưỡng cha mẹ mà cha mẹ không còn”. Việc đáng tiếc này tuyệt đối đừng để xảy ra trong cuộc đời chúng ta.
Nếu như cha mẹ đã mất rồi, quý vị có thể làm tròn tâm hiếu của mình được nữa không? Đương nhiên vẫn có thể. Chỉ cần quý vị hết lòng hết sức “lập thân hành đạo, dương danh hậu thế” là có thể “hiển vinh cha mẹ”. Hơn nữa, chúng ta lại hết lòng hết sức nuôi dạy con cái của chúng ta cho thật tốt, khiến cho con cháu trong gia tộc chúng ta có thể càng ngày càng tốt thì cũng có thể khiến vong linh cha mẹ được an ủi.
Tang lễ phải làm cho trang nghiêm, nghiêm túc, có thể làm theo tâm nguyện của cha mẹ. Trong lúc cử hành tang lễ, toàn bộ gia tộc của chúng ta tưởng nhớ đến sự cống hiến trong đời này của cha mẹ với gia tộc, và thông qua tang lễ truyền đạt lại sự kỳ vọng của cha mẹ đối với gia tộc.
“Tang ba năm” là lễ nghi của thời xưa, phải để tang thời gian ba năm. “Thường thương nhớ”, có rất nhiều người dựa theo văn tự này để giải thích là “phải khóc ba năm”. Vậy thì mệt chết đi mất! Giải thích theo văn tự thì đến Thánh Hiền cũng phải kêu oan. “Thường thương nhớ” này là nói một người con hiếu thảo tự nhiên sẽ có tâm trạng này. Bởi vì người con hiếu thảo mấy mươi năm lúc nào cũng ghi nhớ ân đức của cha mẹ ở trong lòng. Khi cha mẹ vừa qua đời thì họ rất khó tiếp nhận, nên chỉ cần vừa nghĩ đến cha mẹ là họ không thể cầm được nước mắt, cho nên nói “thường thương nhớ”.
10.2 “Chỗ ở đỗi, không rượu thịt”
Bởi vì tình cảm thương nhớ này nên “chỗ ở đỗi, không rượu thịt”. “Lễ” thật ra là xuất phát từ nội tâm của một con người tự nhiên làm như vậy. Khi cha mẹ vừa qua đời, liệu họ có ăn chơi đàn đúm không? Không thể! Cha mẹ qua đời thì tự nhiên đối với những việc tiêu xài phung phí, những thứ rượu thịt đó họ không muốn ăn nữa. Cho nên nói “không rượu thịt”.
10.3 “Tang đủ lễ, cúng hết lòng”
“Tang đủ lễ, cúng hết lòng”. Chữ “cúng” này chính là mỗi năm, vào thời gian cố định cúng giỗ cha mẹ. Đây là một mỹ đức rất hay của dân tộc chúng ta, nên mới có Từ Đường. “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” cũng có nhắc đến: “Tổ tông tuy viễn, tế tự bất khả bất thành” (tổ tông dù xa, thờ cúng không thể không thành tâm). “Luận Ngữ” cũng nhắc đến: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu” (cẩn thận đối với việc tang của cha mẹ, truy niệm tổ tiên, lâu dần tự nhiên có thể khiến cho bá tính trung hậu thật thà. Hoặc: Đối với lễ tang người mất có thể cẩn thận, đối với người mất đã lâu có thể không ngừng nhớ đến, như thế có thể làm cho phong tục đạo đức của xã hội hàng ngày đều hướng theo sự trung hậu thành thật). Con người chỉ cần thường hay nghĩ đến nhờ có cha mẹ, nhờ có tổ tiên nên ngày nay mới có chúng ta. Luôn luôn có tâm cảm ơn như vậy thì lòng người sẽ rất thuần hậu.
Cúng tế phải chí thành. Mỗi lần cúng tế không nhất định phải làm thật phức tạp, nhưng chúng ta nhất định phải duy trì thường xuyên để cho con cháu chúng ta học tập theo.
Có một người phụng dưỡng cha mẹ rất hiếu thảo. Sau khi cha mẹ mất, ông cũng dành thời gian cố định đi tảo mộ. Hai đứa con trai của ông đều nhìn thấy. Có một hôm, trường mẫu giáo đã phát cho chúng mỗi em một cây kẹo rất ngon. Đứa bé không ăn ngay mà đem về nhà đưa cho cha của mình. Cha của em thấy vậy cũng rất cảm động. Sau đó đứa con nói: “Cha à! Khi ông bà nội còn sống, cha mỗi lần có thức ăn đều trước tiên mời ông bà ăn. Mặc dù ông bà đã mất rồi, cha cũng thường hay mang thức ăn đi cúng tế ông bà. Hôm nay trường chúng con có phát hai cây kẹo, nên con cũng mời cha ăn trước”. Đây là trên làm dưới noi theo.
10.4 “Việc người chết, như người sống”
Thái độ phụng dưỡng khi cha mẹ đã mất không khác gì so với lúc còn sống. Sự kỳ vọng và dạy dỗ của cha mẹ đối với chúng ta tuyệt đối không phải vì cha mẹ mất rồi mà thay đổi, mà thậm chí phải càng nỗ lực hơn, phải xứng đáng với ơn dưỡng dục của cha mẹ.
Có một em nhỏ, lúc bà ngoại em qua đời, em cùng ngồi trên xe tang. Cậu của em bưng bình tro cốt của bà ngoại. Đường đi tương đối gập ghềnh, cậu của em liền lập tức nói với tài xế: “Anh chạy chậm một chút, vì mẹ của tôi không quen đi xe chạy nhanh”. Cậu bé này nghe thấy rất cảm động, khi đến trường liền nói với thầy của em: “Thưa thầy! Hành động này của cậu em có phải là “việc người chết như người sống” không?”. Quý vị không nên xem thường trẻ nhỏ, chúng rất có ngộ tính/tánh.
****************
Những phương pháp dạy trẻ em về “hiếu”
Dạy trẻ nhỏ “hiếu” có rất nhiều phương pháp. Chúng ta đều có thể cố gắng ứng dụng vào trong đời sống. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, dạy trẻ nhỏ hiếu thì có những phương pháp quan trọng nào? Chúng ta phải nắm được cương lĩnh.
- Quan trọng nhất là “lấy mình làm gương”.
Quan trọng nhất là gì vậy? “Lấy mình làm gương”. Đáp án chuẩn xác. Xin một tràng pháo tay tán dương! “Lấy mình làm gương”, điều này rất quan trọng.
- Điều thứ hai là phải “thân sư hợp tác”.
Dạy hiếu, điều thứ hai là phải “thân sư hợp tác”.
Thầy dạy, phụ huynh ở nhà cùng phối hợp, thì hành vi của trẻ mới có thể nhanh chóng đi vào quỹ đạo.
Phụ huynh Trường mẫu giáo ở Thẩm Quyến chúng ta mỗi tuần đều học một tiết về giáo dục gia đình, đều học tập từng câu “Đệ Tử Quy”. Cho nên những phụ huynh này đã phối hợp rất tốt với thầy cô, và hành vi của các em chuyển biến đặc biệt nhanh. Bởi vì thầy cô và phụ huynh là người có sức ảnh hưởng nhất đối với trẻ khi còn nhỏ. Quý vị thấy các em lúc còn nhỏ, khi mở miệng ra đều là: “Cha mình nói…”, “mẹ mình nói..”. Khi vào trường mẫu giáo thì: “Thầy của chúng mình nói…”. Do đó, cơ hội tốt như vậy chúng ta phải cố gắng lợi dụng. Đây là “thân sư hợp tác”, phụ huynh và thầy cô hợp tác.
- Thứ ba là phải “vợ chồng phối hợp”.
Thầy dạy ít cũng không sao, bởi vì thầy không nhất định phải hiểu tầm quan trọng của dạy hiếu thảo. Đương nhiên khi làm thầy không hiểu thì quý vị phải đem “Đệ Tử Quy” ra nói với thầy. Bởi vì xã hội có tính tương tác, chúng ta cũng không nên xem thường sức mạnh của mình. Chúng tôi thúc đẩy rất nhiều trường ở Hải Khẩu là do phụ huynh dẫn dắt. Khi thầy giáo chưa dạy thì chúng ta phải nhanh chóng dạy. Vợ chồng có thể phối hợp nhau dạy. Bởi vì quý vị làm mẹ mà nói với con của mình là “con à! Mẹ sinh ra con rất vất vả, nên con phải hiếu thảo với mẹ” thì có được hay không? Dường như cảm thấy rất kỳ. Tóm lại là không thể tự mình nói tốt cho mình được. Vào lúc này người chồng có thể dạy con phải hiếu thảo với mẹ. Người cha có thể nói: “Con trai à! Con có thể không hiếu thảo với cha cũng được, nhưng con nhất định phải hiếu thảo với mẹ của con. Tại sao vậy? Bởi vì mẹ con lúc khi mang thai con vất vả biết bao, ngày nào cũng nôn, cũng ói”. Quý vị hãy đem toàn bộ sự gian lao vất vả của người mẹ kể ra hết. Kể càng chân thành chừng nào thì con của quý vị có khi nghe đến nửa chừng là nước mắt đã tuôn rơi. Chúng biết ơn thì sẽ báo ơn! Quý vị không được nói: “Thầy Thái à! Giai đoạn đó tôi đi làm bận rộn nên không biết!”. Làm chồng như vậy là không đúng. Làm chồng cũng phải thường xuyên nói chuyện với vợ. Do đó, người chồng nói hộ cho vợ được như vậy thì có thể khiến cho đứa con biết quán chiếu, biết quý trọng ân đức của người mẹ.
Vợ phải nói hộ giúp cho chồng, phải nói cho con biết là “cha của con làm việc rất vất vả”, để chúng cảm nhận được nỗi vất vả mỗi ngày của cha mình, thì tự nhiên chúng sẽ sinh tâm hiếu thảo, cung kính đối với cha mình. Quý vị có bao giờ nói tốt về chồng mình trước con cái hay không? Phải nói! Như vậy con cái mới cảm nhận được nỗi vất vả của người làm cha làm mẹ.
Có một số chị em không chỉ không có nói công lao của chồng mình, mà có khi còn kể tội chồng mình ở trước mặt con cái: “Cha của con thế này…., thế kia…”. Nói như vậy là đã phạm đại kỵ trong gia đình. Nói như vậy sẽ tạo ảnh hưởng không tốt gì? Sự cung kính của con cái đối với cha dần dần bị giảm đi. Hôm nay bất kể chồng mình đã làm những việc gì không tốt, chúng ta cũng phải “tốt khoe, xấu che”. Nếu chúng ta bới móc những cái xấu thì con cái sẽ không tôn trọng cha chúng. Khi con cái không tôn trọng thì người cha có thể cảm nhận được không? Anh ấy sẽ nói: “Vợ coi thường ta, ngay cả con cái cũng coi thường ta. Được rồi, vậy ta sẽ làm xấu cho các người xem!”. Có thể vô hình trung các vị đã đẩy anh ấy ra khỏi gia đình rồi. Con người nhất định có mặt tốt mặt xấu. Nếu quý vị lúc nào cũng nói chồng mình có những mặt rất tốt, thì con cái sẽ nói: “Cha à! Việc đó cha rất giỏi, việc này cha cũng rất tốt”. Người cha khi nhìn thấy con cái coi trọng mình như vậy thì nghĩ mình phải càng biết quý trọng, càng cố gắng vươn lên, phải xứng đáng với sự ủng hộ này của con cái, một cách tự nhiên anh ấy sẽ phát triển theo chiều hướng tốt. Cho nên dạy hiếu thảo cần phải có sự phối hợp chung giữa vợ và chồng.
Còn nữa, nguyên tắc giáo dục trong gia đình phải nhất trí, cũng chính là phải có chung nhận thức. Nếu như nguyên tắc giáo dục con cái của chồng khác với vợ, thì con cái sẽ nghe theo ai? Nếu như ông bà nội cũng tham gia nữa thì biến thành cái xe ngựa mấy đầu? Đến lúc đó con cái sẽ nghe theo ai vậy? Con cái nhất định sẽ chọn nấp sau người nào có quyền lực nhất để được yên thân, đến lúc này thì rất khó dạy rồi. Vì vậy, phải cùng trao đổi để hiểu nhau nhiều hơn.
Có một vị nữ sĩ tự mình âm thầm dạy “Đệ Tử Quy” cho con trước, cô không hỏi cha chồng phải làm thế nào, hỏi chồng phải làm ra sao. Cô không làm như vậy, mà trước tiên cô tự mình dạy cho con từng li từng tí. Có một lần, con trai của cô vào phòng của ông nội, sau đó nói với ông là: “Ông ơi! Cái này cháu có thể mở ra xem thử không?”. Ông của cháu đột nhiên cảm thấy đứa bé này nhỏ như vậy mà đã biết lịch sự như vậy. Ông hỏi: “Ai dạy cho cháu vậy?”. Đứa cháu nói: “Mẹ dạy cháu. Mẹ nói việc tuy nhỏ, chớ tự làm”. Ông của cậu bé nghe xong rất vui, lập tức đi nói với người con trai của ông rằng: “Vợ con rất biết dạy con, con phải phối hợp với vợ dạy cho thật tốt”. Cho nên, cha chồng cũng nói giúp cho cô ấy. Gia đình họ mỗi sáng đều mở đĩa giảng “Đệ Tử Quy” nghe và cùng nhau thức dậy. Tự giúp mình sau đó mới có người khác giúp, dùng sự cho đi chân thành của chúng ta thì tự nhiên sẽ khiến người xung quanh dần dần có chung nhận thức.
Hết tập 15. Xin mời xem tiếp tập 16.