Giảng Chi Tiết “Đệ Tử Quy” – Tập 11

Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Giảng ngày 15/2 đến 23/2 năm 2005
Tổng cộng 40 Tập.

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 51-116-0001 đến 51-116-0040

MỤC LỤC
5.1            “Cha mẹ thích, dốc lòng làm” (tiếp tập trước).


5.1    “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”

(Tiếp theo tập trước)

Phần trước chúng ta đã giảng “Đệ Tử Quy” đến câu: “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”, “cha mẹ ghét, cẩn thận bỏ”. Đối với câu Kinh văn: “Cha mẹ thích”, trong buổi sáng chúng ta cũng nhắc đến những gì mà cha mẹ ưa thích thì con cái hãy vâng lời làm theo. Nếu như cha mẹ mong muốn một cuộc sống thật sự có giá trị, thì con cái sẽ lập chí đi theo phương hướng này. Nếu như cha mẹ theo đuổi cuộc sống xa hoa, thì con cái có thể sẽ bị ảnh hưởng theo. Chúng ta thường nói, cuộc sống phải theo đuổi phú quý, vậy thế nào là phú quý chân thật? Chúng ta là bậc làm cha mẹ, làm người lớn, thì phải nhận biết rõ ràng thế nào mới là phú quý chân thật.

Thế nào là “phú”? Câu hỏi này nếu như hỏi học sinh trung học, chúng sẽ trả lời như thế nào? “Có rất nhiều tiền là phú”. Tại sao chúng lại lấy tiền làm tiêu chuẩn? Ai ảnh hưởng chúng vậy? Quý vị hỏi chúng tiếp: “Thế nào gọi là “quý”?”. Chúng sẽ trả lời thế nào? “Làm quan thật lớn gọi là quý”. Chúng ta phải hướng dẫn con cái, phú tuyệt đối không phải có rất nhiều tiềnNếu chúng không biết đủ, mặc dù cho nhiều tiền đi nữa, chúng cũng sẽ không cảm thấy vui sướng và thỏa mãn. Một người thật sự biết đủ, nội tâm họ thường xuyên cảm thấy rất sung túc. Người biết đủ mới có thể thường vui, cho nên “phú” chân thật là ở “biết đủ”.

Không biết bên cạnh quý vị có người nào có rất nhiều tiền hay không? Họ có cảm thấy đủ rồi không? Có rất nhiều người muốn giàu thêm nữa, bởi vì dục vọng của con người chỉ cần vừa mở ra là rất khó thu lại, cho nên nói “dục là vực thẳm”. Cái vực thẳm này không thấy đáy. Bởi vậy, chúng ta không nên theo đuổi đời sống xa hoa, mà cần phải theo đuổi đời sống chân thật. Biết đủ mới là giàu có chân thật. Khi chúng ta hướng dẫn con cái đời này biết đủ, chúng mới không trở thành nô lệ cho vật chất, mới không tôn sùng sự xa hoa, phù phiếm.

Thế nào là “quý”? Thông thường các em nói: “Làm quan rất to gọi là quý”. Thực ra khi làm quan, có quyền hành trong tay, thì việc quan trọng nhất là gì? Khi họ có cơ hội làm người lãnh đạo của nhân dân, họ tuyệt đối không phải lấy quyền lực và địa vị này để áp bức người khác, thậm chí mưu cầu phúc lợi cho mình. Nếu như người lãnh đạo và cấp trên như vậy, thì sau khi hết nhiệm kỳ, mọi người đều rất khinh bỉ họ. Vì vậy, “quý” là được người tôn kính. Chúng ta cần theo đuổi ý nghĩa chân thật. Khi người người nhìn thấy quý vị đều sinh tâm ưa thích, đều tôn kính, khâm phục quý vị từ tận đáy lòng, đó mới thật sự quý.

Khi chúng ta có cơ hội làm người lãnh đạo của công ty, của chính phủ, điều chúng ta cần phải để ý đến không phải là “quyền thế”, mà cần phải để ý đến “bổn phận”. Ví dụ làm người lãnh đạo, làm ông chủ của xí nghiệp, điều quan trọng là chúng ta phải luôn luôn nghĩ làm thế nào dẫn dắt nhân viên hướng đến đời sống tốt đẹp, không chỉ dẫn dắt về mặt kinh tế, mà về mặt tinh thần chúng ta cũng phải phát triển. Khi quý vị có định hướng này, tin rằng nhân viên sẽ rất tôn kính quý vị.

Làm người lãnh đạo của chính phủ rất quan trọng, bởi vì mỗi quyết định của chúng ta đều có sự ảnh hưởng vô cùng lớn. Vì thế, người ở vị trí cao càng cần phải lo sợ, cẩn thận trong lời nói, hành động, bởi vì từng lời nói, hành động của chúng ta đều có ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta lúc nào cũng nghĩ cho cấp dưới, nghĩ cho nhân dân, tin rằng khi chúng ta rời khỏi vị trí này, họ nhất định sẽ cảm ơn ân đức của chúng ta, vẫn yêu quý chúng ta như xưa, tuyệt đối sẽ không thay lòng đổi dạ.

Có phải khi con người có chức quyền, có địa vị thì mới có khí chất cao quý, mới có thể khiến người ta kính trọng không? Việc đó chưa chắc! Mạnh Tử nói: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi. Kính nhân giả, nhân hằng kính chi” (Yêu thương người thường được người yêu thương lại. Kính trọng người thường được người kính trọng lại). Ở Singapore có vị nữ sĩ Hứa Triết, năm nay cụ đã 106 tuổi. Cụ mỗi ngày chỉ ăn một, hai bữa, nhu cầu ăn uống của cụ rất thấp. Các vị bằng hữu, nhu cầu rất thấp này có phải là do kham nhẫn tự ép mình mà thành chăng? Không phải. Thật ra, mọi người đều cho rằng mỗi ngày phải ăn ít nhất ba bữa, có người còn ăn bốn, năm bữa. Ăn uống thật ra rất lãng phí thời gian, quý vị có cảm thấy như vậy không? Tại sao con người phải ăn nhiều vậy? Bởi vì tiêu hao rất nhiều năng lượng nên phải ăn rất nhiều. Khi con người phiền não càng nhiều thì nhu cầu ăn uống càng nhiều, phiền não càng ít thì nhu cầu ăn uống sẽ ít đi.

Nữ sĩ Hứa Triết ăn ít như vậy cũng là lẽ đương nhiên, bởi vì cụ phiền não rất ít. Cụ không mưu cầu lợi ích cho bản thân, cụ chỉ luôn luôn nghĩ làm thế nào giúp đỡ người khác. Phiền não nhẹ, trí tuệ tăng trưởng, tự nhiên sẽ không cần ăn uống nhiều nữa. Từ cuộc sống của cụ Hứa Triết, chúng ta cũng có thể nhận ra, năm xưa khi Nhan Uyên theo học Khổng Lão Phu Tử, mặc dù ông ăn uống đạm bạc, một giỏ cơm, một bầu nước, nhưng ông vẫn pháp hỷ sung mãn. Người bình thường đều không thể làm được như ông, nhưng mà: “Kẻ khác không kham nổi cảnh khổ đó, mà Nhan Hồi chẳng đổi niềm vui”.

Khi tinh thần của một người càng nâng cao thì nhu cầu của họ đối với vật chất tự nhiên sẽ từ từ buông xả, sẽ giảm bớt. Nữ sĩ Hứa Triết ăn ít, quần áo bà mặc không mất tiền mua, đều nhặt về từ thùng rác. Cụ là người Singapore, nên tôi nghĩ mặc dù cụ có nhặt quần áo từ trong thùng rác cũng không đến nỗi bị rách nát. Có thể bị lỗi mốt nên rất nhiều người đem vứt bỏ, cụ cảm thấy tiếc nên nhặt về để mặc. Cụ mặc những bộ đồ này, ngoài việc quý trọng đồ vật, còn có một ý nghĩa rất sâu sắc, đó là thể hiện sự hòa đồng với người khác. Bởi vì một mình cụ chăm sóc mấy chục người già, cụ thường đem một số vật dụng thường ngày như thức ăn, quần áo về để tặng cho họ. Tại sao cụ phải mặc những bộ đồ rất đơn giản, rất rẻ tiền như vậy? Bởi vì những nơi cụ đến thăm đều là nơi có cuộc sống rất thiếu thốn, nếu như cụ mặc trên người quần áo lộng lẫy và đem bao gạo đến, thì người tiếp nhận nhất định sẽ cảm thấy: “Tôi có làm bẩn áo của cụ không đây?”. Khi cụ ăn mặc giống như họ, thì họ sẽ cảm thấy rất gần gũi. Cho nên khi cụ bước vào nhà những người bạn này, tôi thấy họ tỏ ra rất vui mừng hớn hở khi nhìn thấy cụ, giống như gặp được người thân của mình vậy. Singapore tôn xưng cụ là “quốc bảo”. Không chỉ người Singapore tôn kính cụ, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng mời cụ đến thuyết giảng, vô cùng tôn kính cụ. Vì vậy tôi nói rằng, nữ sĩ Hứa Triết mới đích thực là người phú quý. Phú quý như vậy mới thật có ý nghĩa, khiến mình cảm thấy sống cuộc sống rất đầy đủ. Khi chúng ta yêu thích phú quý chân thật như vậy, thì con cái của chúng ta cũng sẽ noi theo để làm nên cuộc đời của chúng.

Tôi thường hỏi các bậc phụ huynh: “Bạn mong muốn con cái của bạn sau này có cuộc sống như thế nào?”. Các vị bằng hữu, quý vị sau này hy vọng con cái có cuộc sống như thế nào vậy? Quý vị đều chưa từng nghĩ đến điều này sao? Nếu quý vị là người dẫn đầu, mỗi ngày quý vị dẫn đoàn đi về hướng nào? Có vị nào nói thử không? “Bình an, hạnh phúc”. Xin tặng cho anh bạn này một tràng pháo tay. Chúng ta mỗi ngày muốn “bình an, hạnh phúc”, có phải là cầu Quan Thế Âm Bồ Tát xin “bình an, hạnh phúc” không? Cầu phải như lý như pháp mà cầu, chứ bánh không thể từ trên trời rơi xuống được. Chúng ta muốn hạnh phúc, hy vọng con cái hạnh phúc, vậy các vị có hạnh phúc không? Có rất nhiều vị nói với tôi là: “Tôi chỉ mong cho con cái hạnh phúc là được rồi, chứ không mong sau này chúng kiếm được bao nhiêu tiền”. Tôi nói mong cầu của bạn nghe thì rất đơn giản, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện, bởi vì nếu như chính bản thân bạn cũng không hạnh phúc, thì bạn làm sao hướng dẫn con cái sống cuộc sống hạnh phúc được.

  • Thế nào mới là hạnh phúc chân thật?

Thế nào mới là hạnh phúc chân thật? “Biết đủ thường vui”. Xin hãy cho một tràng pháo tay! Thật vậy, một người biết đủ thì khi họ kết giao với mọi người sẽ biết cảm ơn người khác. Thái độ của họ như vậy thì bạn bè, người thân sẽ càng yêu mến họ hơn.

Tiếp theo, còn điều gì là hạnh phúc thật sự nữa? “Không bận tâm lo nghĩ”. Muốn không bận tâm lo nghĩ, quả thật phải rất thông hiểu về đạo lý cuộc sống thì quý vị mới có thể đạt đến trình độ không bận tâm lo nghĩ. “Tâm an lý đắc” mới có thể không bận tâm lo nghĩ. Đạo lý ở đây là gì? Ví dụ Trung Quốc có câu: “Con cháu tự có phúc/phước của con cháu”. Đây không phải bảo quý vị không nên quan tâm con cái, mà là trước khi chúng chưa trưởng thành (lúc chúng còn nhỏ), quý vị trước tiên phải dạy bảo chúng có nền tảng vững chắc. Khi chúng đã có đức hạnh thì tự nhiên chúng sẽ có nhân duyên cuộc sống sau này, quý vị sẽ không cần điều khiển chúng nữa. Nếu không thì quý vị mệt mỏi và chúng cũng sẽ mệt mỏi.

Tôi thường hay ví dụ khi quý vị dạy con lái xe. Trước khi chúng ngồi lên lái xe, quý vị phải dạy chúng nguyên lý lái xe một cách cẩn thận. Khi chúng đã ngồi lên lái, quý vị không nên ngồi bên cạnh cứ mãi kéo tay lái của chúng, vì làm như vậy xe sẽ đảo qua đảo lại, và cuối cùng có thể sẽ xảy ra tai nạn. Vì vậy, trong cuộc sống, trước tiên quý vị phải dạy con cái của mình hiểu được nhìn người như thế nào, chọn bạn đời như thế nào. Quý vị phải dạy cho chúng một cách cẩn thận. Đến khi chúng trưởng thành mà quý vị chưa dạy kỹ, chúng muốn chọn người để kết hôn mà quý vị lại cản trở thì quả thật quý vị đau khổ mà chúng cũng sẽ đau khổ. Cho nên muốn “không bận tâm lo nghĩ” cần phải nhìn thấu đáo rất nhiều việc thế gian. Đương nhiên đây là cảnh giới rất tốt, chúng ta nên theo đuổi phương hướng này.

Còn điều gì là hạnh phúc chân thật nữa? “Thân thể khỏe mạnh”. Thân thể khỏe mạnh cũng không thể cầu mà có. Đối với việc ăn uống, đối với tâm trạng của mình cũng phải quản lý cho thật tốt thì mới có thể khỏe mạnh được. Người Trung Quốc có câu: “Ngũ phúc lâm môn”, trong đó có một phúc là thân thể khỏe mạnh. Nếu như người đến tuổi già mà sức khỏe không tốt, thì cho dù con cháu hiếu thảo đi nữa cũng không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.

Còn điều gì là hạnh phúc chân thật nữa không? “Giúp đỡ người khác”. Hãy cho một tràng pháo tay. “Giúp người là vui”, việc này rất quan trọng. Khi người lúc nào cũng nghĩ cho bản thân mình, thì cuộc đời chỉ biết sống trong lo được lo mất. “Giúp người là vui”, có thể dùng lời nói để dạy con cái không? Phải khiến chúng đích thân trải nghiệm để cảm nhận. Nếu như quý vị có cơ hội đi làm từ thiện ở bệnh viện thì nên dẫn chúng theo. Khi quý vị giúp đỡ những người bệnh này, người bệnh nói ra lời cảm ơn chân thành, thậm chí là người thân của họ cũng cảm ơn quý vị, thì con cái quý vị nhất định sẽ đứng bên cạnh học tập, cũng có thể vui vẻ cảm nhận được thiện ý của người khác.

Có một vị thầy giáo, sau khi thầy học văn hóa Thánh Hiền thường đem “Đệ Tử Quy” ra dạy học trò của mình. Đúng dịp ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3 năm ngoái, học trò của thầy liền đến trước bục giảng thưa với thầy: “Thưa thầy! Ngày mai là ngày Quốc tế phụ nữ, chúng em muốn mua hai bông hoa”. Thầy của chúng cảm thấy rất bối rối, vì thầy là nam giới. Thầy nói: “Em mua hai bông hoa làm gì?”. Chúng liền thưa với thầy: “Cả lớp chúng em quyết định một bông tặng cho các cô trong toàn trường, còn một bông mang về tặng mẹ”. Thầy nghe xong lập tức liền khen ngợi: “Vậy tốt quá! Thầy ủng hộ các em”. Quý vị xem, thầy giáo còn chưa nghĩ ra mà các em sau khi học xong lại có thể nghĩ ra được những đạo lý phải tôn kính thầy cô giáo, phải hiếu thảo với cha mẹ mà thầy đã từng dạy. Hôm đó, những em này mang hoa vào trong sân trường dâng tặng cho cô giáo các lớp. Có một em học sinh nam sau khi trở về vẻ mặt hớn hở, thầy của em liền đến hỏi: “Em có gì vui vẻ vậy?”. Em liền trả lời thầy: “Lúc em dâng hoa tặng cho cô giáo, cô cười rất tươi, còn nói lời cảm ơn với em nữa”. Thầy giáo tiếp đó hỏi: “Lúc đó em cảm nhận được điều gì?”. Học trò trả lời: “Cho đi còn hạnh phúc hơn nhận”. Vì vậy, để các em cho đi thì các em mới cảm nhận được niềm vui của cho đi. Chúng ta giúp người là vui, cũng phải dẫn dắt các em từ nhỏ, để các em cảm nhận được những kinh nghiệm của việc cho đi này. Đây là “giúp người là vui”.

Còn điều gì là hạnh phục chân thật nữa không? Chúng ta đã nêu ra hạnh phúc chân thật là:

  • “Biết đủ thường vui”.
  • Giúp người là vui”.
  • Thân thể khỏe mạnh. Việc này đều phải nỗ lực, không phải tự nhiên có.
  • Không bận tâm lo nghĩ. Quý vị sao lại nghĩ không bận tâm lo nghĩ vậy? Muốn không bận tâm lo nghĩ thì phải có trí huệ, cho nên chúng ta cần phải không ngừng nâng cao học vấn.
  • Tiếp theo là “ăn được, ngủ được”. Sau đó béo phì ra à? Việc này là thật. Chúng ta thấy nhiều người rất phiền não, hoặc người bị bệnh nặng thì mấy điểm này họ đều không thể có được. Chúng ta nói ăn được, ngủ được là có phước báo, người hiện nay muốn ăn được, ngủ được không phải việc dễ dàng vì quá nhiều chuyện phiền não. Vì thế, muốn ăn được, ngủ được thì trước tiên phải bớt phiền não, trước tiên phải tăng trưởng trí huệ.

Mạnh Tử từng nói đời người có ba niềm vui: “Thứ nhất, cha mẹ đều còn, anh em không xảy ra chuyện. Thứ hai, ngước lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người. Thứ ba, có được người tài trong thiên hạ cho ta dạy dỗ”.

  • Niềm vui thứ nhất: “Cha mẹ đều còn, anh em không xảy ra chuyện”.

Thứ nhất, chúng ta thường nói: “Trong nhà có người già như có báu vật”, đây là điều chân thật. Chúng ta từ nhỏ đã không ở cùng với ông bà nội, khi cha mẹ muốn dạy đạo hiếu thì thật không dễ dàng dạy được. Bởi vì khi ở cùng với ông bà nội, cha mẹ thường xuyên chăm sóc cha mẹ của mình khiến con cái của họ nhìn thấy. Có cha mẹ để cho chúng ta phụng dưỡng thì đó là ruộng phúc/phước lớn nhất của đời người. Khi chúng ta báo đáp ân đức của cha mẹ, thì chúng ta cũng cảm thấy cuộc sống vô cùng thanh thản, vô cùng hạnh phúc. Các vị thầy cô giáo, nếu như hiện nay các vị được ở chung với cha mẹ thì nhất định phải chú ý quý trọng.

Chúng tôi có một vị thầy giáo thường hay giúp cha gội đầu. Tôi nghe xong rất ngưỡng mộ, bởi vì hiện nay tôi thường không có ở nhà, muốn giúp cha gội đầu cũng không có cơ hội. Quý vị có cơ hội thì nên cố gắng quý trọng.

“Anh em không xảy ra chuyện” là cuộc sống và sự nghiệp của anh em đều phát triển rất tốt, cũng không xảy ra tình trạng tai nạn hay tử vong gì. Anh em là người thân đi cùng với cuộc đời chúng ta lâu nhất.

“Cha mẹ đều còn, anh em không xảy ra chuyện”. Gia đình hòa thuận thì mọi việc phát triển tốt. Đây là niềm vui thứ nhất của đời người.

  • Niềm vui thứ hai: “Ngước lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người”.

Mỗi ngày tận tâm tận lực làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình nên sống rất thanh thản, như vậy mới có thể ăn được ngủ được. Nếu như thường xuyên làm những chuyện trái với lương tâm, lại rất sợ người khác nhìn thấy, che che giấu giấu, đời sống như vậy quyết định sẽ không thoải mái được. “Mọi thứ trước đây đã chết vào ngày hôm qua”, trước đây phạm lỗi lầm là bởi vì chưa học “Đệ Tử Quy” nên không tính. Bắt đầu từ hôm nay phải làm sao cúi xuống, ngước lên không hổ thẹn. Bắt đầu từ hôm nay, hành vi của mình phải tận tâm tận lực thuận theo lời giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử. Tin rằng quý vị có thái độ như vậy, thì quý vị nhất định sẽ được mọi người xung quanh khen ngợi, tôn trọng. Đây là niềm vui thứ hai.

  • Niềm vui thứ ba: “Có được người tài trong thiên hạ cho ta dạy dỗ”.

Niềm vui này có phải chỉ có người làm thầy cô mới có hay không? Không phải. Nếu như hôm nay quý vị biết hỗ trợ, quan tâm người khác, quý vị biết giúp người là vui. Ví dụ trong công ty có đồng nghiệp mới vào. Một người đến một môi trường mới thì trong lòng lo lắng không yên. Quý vị dang tay giúp đỡ đúng lúc để họ quen với môi trường, quen với công việc, giúp đỡ họ cách tiếp cận và làm tốt công việc. Tiến thêm một bước, nếu gia đình của họ gặp vấn đề, quý vị lại lớn tuổi hơn, có nhiều kinh nghiệm sống, quý vị có thể đem những hiểu biết và việc làm thực tế của mình trong đối nhân xử thế chia sẻ với họ. Tin là những gì quý vị làm họ nhất định sẽ rất cảm động. Rất có thể trước mặt người khác họ sẽ nói: “Tôi đời này là nhờ đã gặp được người đồng nghiệp tốt, người cấp trên tốt này, nên cuộc đời tôi mới thuận lợi như bây giờ”. Khi đó trong lòng của anh bạn này, bạn giống như là một người thầy vậy. Khi càng có nhiều người xung quanh đánh giá về quý vị như vậy, thì tin rằng quý vị cũng sẽ cảm thấy đời này mình không sống uổng phí.

Người muốn thật sự làm được “ngước lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người” thì điều quan trọng là phải “đôn luân tận phận” (giữ trọn luân thường, tận hết bổn phận). Đời người có những bổn phận nào vậy? Trong cuộc đời ngắn ngủi này, chúng ta cần phải thật vững vàng để thực hiện những bổn phận mà cả đời nhất định phải làm tròn này.

Văn Thiên Tường có một câu nói rất nổi tiếng là: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (“Con người xưa nay ai không chết, hãy để lòng son chiếu sử xanh”). Quý vị xem, câu nói khí phách này có phù hợp hay không? “Ngước lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người”. Các vị bằng hữu, quý vị đều thuộc lòng câu nói này, câu nói này có ảnh hưởng gì đối với cuộc đời của quý vị? Mỗi một câu giáo huấn của Thánh Hiền đều muốn thúc đẩy chúng ta hoàn thiện cuộc sống của mình, nếu không thì chỉ là để đọc thuộc lòng.

Lúc học cấp ba tôi đã được học câu nói này, nhưng khi đó không có cảm giác gì. Bởi vì thầy giáo nói với tôi: “Nào, câu nói này phải học thuộc lòng, khi thi giữa kỳ nhất định sẽ có câu này”. Còn nữa, từ “hãn thanh” này có ý nghĩa gì? Ý nghĩa của “hãn thanh” là sử sách. Nếu kiểm tra giữa kỳ mà thi không tốt, sai một điểm sẽ bị đánh một roi. “Đan tâm”; “đan” là màu đỏ, chính là chỉ tâm chân thành của chúng ta. Đời người khó tránh khỏi một lần chết, trong cuộc đời ngắn ngủi này phải làm thế nào để nó tỏa sáng, tỏa năng lượng? Cần phải dùng tâm chân thành chiếu soi lịch sử, chiếu soi sử sách. Soi chiếu lịch sử nào vậy? Nhất định trước tiên phải chiếu soi lịch sử của mình. Cuộc đời chúng ta đã qua mấy mươi năm, bây giờ quay lại xem, quý vị có thấy mãn nguyện hay không? Quý vị thấy an ủi hay là hoảng sợ? Đã lớn tuổi vậy rồi mà vẫn còn rất nhiều việc chưa làm. Cho nên, con người trước tiên phải không có lỗi với chính mình. Ngoài chuyện phải chiếu soi lịch sử của mình, thì lịch sử của cuộc đời quý vị đương nhiên phải do quý vị tạo ra.

Quý vị có thể dùng tấm lòng chân thành của mình chiếu soi lịch sử của người xung quanh. Chúng ta phải “biết thứ tự trước sau”, quý vị không thể bỗng chốc liền soi chiếu đến nước Mỹ. Phải soi chiếu xung quanh trước, trước tiên soi chiếu người nhà. Chúng ta thường nghe nói: “Trăm điều thiện hiếu đứng đầu”, vì vậy trước tiên phải dùng chân tâm của mình để thực hiện đạo hiếu, để cho tâm hiếu, hạnh hiếu của quý vị viết vào trong lịch sử cuộc đời của cha mẹ, để cho cha mẹ quý vị khi đứng trước người khác có thể nói: “Cuộc đời này tôi nuôi đứa con này thật có giá trị”. Khi người mẹ nói ra lời nói như vậy, tin rằng bà đang rất đỗi vui mừng. Chúng ta dùng lòng chân thành soi chiếu lịch sử của cha mẹ.

Tiếp đến soi chiếu lịch sử của con cái. Khi chúng ta dùng tình yêu thương chí thành của người làm cha làm mẹ cố gắng nuôi dạy con cái trưởng thành, khiến chúng có nền tảng đức hạnh vững chắc, để chúng hình thành nhân sinh quan đúng đắn. Đến khi chúng ra ngoài xã hội, khi so sánh với những người khác, chúng sẽ cảm thấy vô cùng may mắn: “Đời này tôi có được người cha mẹ như thế này, nên mới khiến tôi có những quan niệm đúng đắn như vậy”. Khi con cái lúc nào cũng nghĩ rằng cha mẹ của chúng ta như vậy mới có thể thành tựu cuộc đời của ta, thì chúng ta làm cha mẹ cũng phải dùng chân tâm viết lên trí huệ và tình yêu thương của mình trong lịch sử cuộc đời của con cái.

Tiếp đến là chiếu soi lịch sử của anh em. Tại sao vợ đều xếp ở phía sau vậy? Duyên phận của anh em cũng rất khó có được, anh em chúng ta có thể hòa thuận thì đó là điều an ủi nhất, vui sướng nhất của cha mẹ. Tình cảm của chị tôi đối với tôi cũng tốt vô cùng. Lúc tôi quyết định từ bỏ công chức để đi quảng bá giáo dục Thánh Hiền, chị tôi đã nói với tôi: “Em cứ yên tâm đi làm, mỗi tháng chị sẽ ủng hộ cho em mười ngàn đồng để em khỏi phải lo về sau”. Lòng thành của chị tôi lập tức chiếu khắp tâm hồn tôi, đương nhiên quý vị không cần quan tâm tôi có cầm số tiền mười ngàn đó hay không. Rất nhiều người nghe xong liền hỏi: “Thầy Thái! Thầy có nhận hay không vậy?”. Tấm lòng là quan trọng nhất. Tấm lòng này của chị sẽ theo tôi suốt cả đời, và trong lòng tôi luôn cảm thấy rất ấm áp. Như vậy là chị của tôi đã chiếu vào sử xanh của tôi. Đương nhiên người ta giúp đỡ tôi như vậy, tôi nhất định phải tận tâm tận lực đi làm. Sau khi tôi làm được hơn một năm, chị tôi rất vui mừng. Chị ngày đầu tiên đến nghe tôi thuyết giảng còn ngồi ở hàng ghế đầu, chị nói chị là đại biểu của gia tộc đến nghe tôi thuyết giảng. Sau đó chị đã nói với mẹ rằng: “Con thật tự hào khi có người em như vậy”. Như vậy là tôi cũng báo đáp lại rồi, dùng tấm lòng chân thành của tôi soi chiếu lịch sử của chị.

Tiếp theo là chiếu soi lịch sử của chồng/vợ. Vợ với chồng cùng sống chung trong một căn nhà, phải nói là thân nhau nhất. Làm thế nào soi chiếu lịch sử của chồng, soi chiếu lịch sử của vợ? Chiều hôm nay chúng ta chẳng phải đã nói rồi sao? Thường xuyên có thể nhìn thấy ưu điểm của người phối ngẫu, khẳng định họ, cổ vũ họ, thì mới phát huy tiềm năng của họ. Chúng ta cũng phải tận tâm tận lực phụ giúp họ. Ví dụ như để họ làm việc mà không có nỗi lo về gia đình.

Khi chồng của quý vị nói chuyện với bạn bè, chồng quý vị sẽ nói: “Là do tôi may mắn cưới được người vợ này, mới khiến cho cuộc đời tôi phát triển tốt được như vậy”. Vào lúc này quý vị đã ghi lại được ân nghĩa, tình nghĩa vào trong lịch sử của chồng quý vị. Tuyệt đối không được nói: “Là do tôi đã cưới người vợ này nên mới bắt đầu xui xẻo”. Chúng ta phải định vị rõ ràng, phải dùng chân tâm chiếu sáng ruộng tâm của mỗi người, cuộc đời của mỗi người.

Tiếp theo,  phải soi chiếu lịch sử của thầy cô. “Một ngày làm thầy là cha suốt đời”, cho nên chúng ta phải khiến thầy cô thật sự cảm thấy dạy một học trò như chúng ta rất có giá trị. Điều quan trọng nhất phải như thế nào? Y giáo phụng hành. Năm học tiểu học, tôi có một vị thầy rất quan tâm đến tôi. Thực ra người xung quanh chúng ta đều có duyên phận rất sâu với chúng ta, chỉ cần chúng ta cố gắng để tâm cũng sẽ tạo nên ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời của họ.

Khi tôi lên lớp năm, thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi hỏi mẹ tôi: “Đứa bé này phải dạy như thế nào?”. Mẹ tôi liền nói: “Nó không thích học”. Quý vị có nhìn ra là tôi không thích học không? Sau đó lại nói: “Nhưng mà nó rất sĩ diện”. Thầy của chúng tôi nói: “Vậy thì tôi đã có cách rồi”. Ngày đầu tiên sắp xếp lớp, mười hai thầy cô giáo đứng đó, tất cả học sinh lớp bốn lên lớp năm đều đứng ở giữa sân trường. Sau đó bắt đầu sắp xếp, học sinh nào vào lớp thứ nhất thì học sinh liền chạy về lớp đó, học sinh nào vào lớp thứ hai thì học sinh liền chạy về lớp thứ hai. Tôi là chạy về lớp thứ bảy, lớp 5/7.

Thầy giáo dẫn chúng tôi về lớp, sau đó thầy nói: “Em Thái Lễ Húc dẫn hai bạn học đi nhận chổi”. Học sinh tiểu học khi được thầy gọi giao việc đều rất phấn khởi, nên nhanh chóng làm ngay. Sau khi nhận về, thầy nói tiếp: “Thái Lễ Húc, em cùng với năm bạn học đi nhận sách”. Tôi lại cùng những bạn học khác đi nhận sách. Sau khi làm xong những việc bận rộn cần làm này, mọi người đều ngồi đâu vào đấy. Thầy của chúng tôi liền nói: “Nào! Bây giờ chúng ta bầu lớp trưởng. Thầy đề cử em Thái Lễ Húc, còn các em cứ đề cử người khác”. Thật là rất dân chủ phải không? Các vị có biết kết quả như thế nào không? Những người chưa quen biết nhau được bao lâu, chỉ nghe mỗi cái tên đó, thế là tôi lần đầu tiên đã được chọn làm lớp trưởng trong những năm tiểu học. Trong tâm lý của học sinh tiểu học, lớp trưởng thì hạnh kiểm và học lực phải đứng đầu, cho nên thầy của tôi không cần tốn chút sức lực nào đã đẩy thành tích học tập của tôi vượt lên hẳn. Bắt đầu từ lúc đó, thứ hạng của tôi không bao giờ xếp dưới hạng ba.

Thầy đối với tôi rất tốt, thầy có ơn tri ngộ đối với tôi. Sau này tôi thi đỗ trường sư phạm và bắt đầu đi dạy, tôi liền gọi điện thoại cho thầy, hẹn cùng ăn cơm chung với thầy tại quán Thái Căn Hương ở Cao Hùng. Khi chúng tôi nói chuyện, thầy cũng rất vui vẻ. Bởi vì tôi kế thừa sự nghiệp của thầy, cũng đang đi dạy, thầy liền đem rất nhiều kinh nghiệm dạy học tận tình chia sẻ với tôi. Trong quá trình nói chuyện này, anh nhân viên phục vụ thấy chúng tôi chuyện trò rất vui vẻ, liền chạy đến hỏi tôi là: “Vị này là ai?”. Tôi trả lời: “Là thầy của tôi”. Anh ấy nghe xong cũng rất cảm động.

Mấy năm gần đây tôi tiếp xúc rất nhiều Kinh điển của Thánh Hiền, tôi cũng đem mấy quyển dâng tặng thầy. Cuối cùng, sau khi thầy xem xong những quyển sách này liền nói với tôi: “Từ nay về sau thầy có nên gọi em là bậc đàn anh hay không?”. Tôi lập tức thưa với thầy: “Một ngày làm thầy là cha suốt đời, thầy vẫn mãi là thầy của em”. Tôi dạy học được hai năm, sau đó đến Đại Lục để thúc đẩy văn hóa Thánh Hiền. Tôi liền gọi điện thoại cho thầy, báo cáo với thầy những việc tôi đã làm trong một năm nay. Thầy tôi ở bên kia đầu dây điện thoại rất vui mừng nói: “Thầy có người học trò như em thật hạnh phúc”. Vào lúc đó tôi nhận ra, có hai người tuyệt đối sẽ không đố kỵ với thành tựu của quý vị, đó là cha mẹ và thầy cô giáo. Vì vậy, chúng ta cũng phải dùng cuộc đời của mình cố gắng phụng sự cho xã hội, để thầy cô và cha mẹ của mình có được niềm vinh hạnh.

Tiếp đến, chúng ta đều là con cháu Viêm Hoàng, chúng ta trong đời này có thể tiếp nối người trước, mở lối cho người sau, để không hổ thẹn với lời giáo huấn mấy ngàn năm của lão tổ tiên. Chúng ta phải kế thừa và truyền lại cho đời sau, không được để cho văn hóa mấy ngàn năm này bị dứt đoạn trong tay chúng ta. Nếu để đứt đoạn thì tội lỗi này thật không thể tính hết. Lúc đầu chúng tôi đã ôm ấp thái độ nhanh chóng thúc đẩy văn hóa, thúc đẩy giáo huấn Thánh Hiền, hy vọng có thể cứu vãn tình hình đạo đức băng hoại nghiêm trọng như hiện nay. Cha của tôi nói: “Việc giáo dục văn hóa này rất khó làm, không có mấy người làm nổi”. Tôi liền thưa với cha tôi: “Thưa cha, nếu như có một vạn người làm, chỉ có hai người thành công, vậy chúng ta có nên làm hay không ạ?”. Có hai người thành công chứng tỏ là có thành công. Chúng ta không cần hỏi hơn 9.000 người tại sao thất bại, thà tìm phương pháp để thành công chứ không viện lý do cho thất bại. Một người muốn chùn bước thì có thể tìm ra hàng trăm, hàng ngàn, đủ mọi lý do.

Chúng ta muốn biết tại sao hai người này thành công. Nếu như hai người này thành công bởi vì họ là con nhà giàu có, bởi vì cha mẹ họ là quan lớn có chức có quyền thì ta không làm, bởi vì hai điều này ta đều không có. Nếu như họ không có tiền, cũng không có quyền mà họ làm được, thì chúng ta phải xem tại sao họ làm được và cố gắng học tập theo.

Thầy của tôi là Giáo sư Thích Tịnh Không. Lão sư không có tiền, tất cả người thân thích cũng không ở chung với lão sư, không có một sự giúp đỡ nào, vậy mà lão sư lại có thể hoằng dương được giáo huấn Thánh Hiền, thậm chí là hoằng dương trên toàn thế giới. Lão sư dựa vào cái gì? Các vị bằng hữu, có rất nhiều việc thật ra rất đơn giản, đều do xuất phát từ “tâm chân thành”. Bởi vì lão sư có tấm lòng chân thành cung kính, nên khi lão sư viết thư cho các vị giáo sư đại học nổi tiếng, các Ngài thấy được sự ham học của lão sư nên đều viết hồi âm nhận lão sư làm học trò. Trong cuộc đời lão sư có ba vị thầy giáo tốt, những vị thầy đó đặc biệt quan tâm lão sư, đều bởi do sự ham học của lão sư. Bởi do nhận thấy mình có sứ mạng, nhận thấy đời này mình có được giáo huấn Thánh Hiền nên hy vọng nhiều người khác nữa cũng nhận được lợi ích. Lão sư có tấm lòng như vậy nên cảm được rất nhiều người yêu thương và ủng hộ lão sư. Thật ra, đích thân lão sư là người đem Kinh điển của Thánh Hiền biểu diễn ra.

Lão Tử nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” (đạo trời không thiên vị, thường giúp người thiện lành). Ông trời không bao giờ nói người này tương đối tốt với ta nên ta phải đặc biệt yêu quý họ. Đạo trời báo đáp luôn luôn theo người lương thiện, cái gọi là “thiện có thiện báo”.  Sách “Trung Dung” nói: “Thành giả, vật chi chung thủy” (chân thành là điểm khởi đầu và kết thúc của mọi vật). Một sự việc thật sự thành bại ở chỗ nào vậy? Là ở một chữ “thành”. “Thành giả, vật chi chung thủy. Bất thành, vô vật” (chân thành là điểm khởi đầu và kết thúc của mọi vật. Không chân thành thì không nên sự việc). Hai câu nói này rất có ý nghĩa. Những việc xuất phát từ lòng chân thành sẽ không bị thời gian và không gian làm giảm bớt sự ảnh hưởng của nó.

Phạm Trọng Yêm rất chân thành, vì vậy thái độ sống của ông ảnh hưởng đến người có học thức mãi đến mấy trăm năm sau. Cũng vậy, lão sư của tôi dùng tâm chân thành để cho đi, để truyền dạy giáo huấn Thánh Hiền, tin rằng tấm lòng này của lão sư cũng sẽ lưu lại mãi trong lòng tất cả học trò của Ngài. “Chí thành như thần”, chí thành có thể cảm thông. Điều này cũng có thể chứng thực ở ngay trong cuộc đời của quý vị.

Khi chúng ta không chân thành, “bất thành, vô vật” (không chân thành thì không nên sự việc), ý nghĩa chính là nói, nếu quý vị không dùng chân thành để làm việc thì sau này nhất định sẽ bại hoại. Ví dụ quý vị đối với con cái không chân thành, thì gia đình này nhất định suy bại. Quý vị không chân thành với nhân viên thì cho dù hiện nay quý vị cũng kiếm được tiền, nhưng sớm muộn gì cũng bị sụp đổ. Chúng ta hãy quan sát tỉ mỉ, phải đối xử chân thành với người trong gia đình, với nhân viên, thì gia nghiệp và sự nghiệp của chúng ta mới được bền vững lâu dài. Nếu không thì bảo đảm quý vị “giàu không quá ba đời”. Hiện nay câu nói này cần sửa lại một chút, các vị xem còn được ba đời không? Bởi vì con người làm người càng ngày càng không có chừng mực, làm giảm đi phúc phận quá nhiều, vì vậy giàu không quá một đời. Chúng ta hiểu được, chân thành có thể làm cho sự việc tốt đẹp hơn. Chúng ta muốn có một trái tim chân thành để đối diện với thời đại lớn này, thì chúng ta nhất định phải: “Kế thừa nền học vấn chân truyền bất hủ của các bậc cổ Thánh tiên Hiền, mở ra thái bình cho muôn đời sau”. Các vị bằng hữu, các vị nghe dường như quá xa vời, hay là cảm thấy đôi vai sao nặng như thế này? Thực ra chúng ta cần luôn giữ một thái độ: “Sao có thể hài lòng hết mọi người, chỉ mong không hổ thẹn với lương tâm”. Hiện nay, chúng ta bậc làm cha làm mẹ hãy đem giáo huấn Thánh Hiền dùng vào việc giáo dục con cái, dùng trong gia đình, dùng trong việc chung sống với đồng nghiệp, thế là chúng ta đã đang truyền thừa văn hóa Thánh Hiền. Khi đồng nghiệp cảm thấy chung sống với chúng ta rất vui thích, thì chúng ta nói cho họ biết những thái độ sống này là tôi học được từ “Luận Ngữ”, học được từ “Đệ Tử Quy”. Chúng ta tùy theo duyên phận, sức lực mà làm cũng là công đức viên mãn.

Các vị bằng hữu! Bây giờ chúng ta hãy trở lại đọc câu nói này của Văn Thiên Tường, thử xem các vị có cảm thấy ý nghĩa khác nhau hay không? “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (con người xưa nay ai không chết, hãy để lòng son chiếu sử xanh). Các vị ngâm nga thấy hào hùng vô cùng! Khi chúng ta xác lập cuộc đời phát triển theo hướng giá trị này, thì những việc chúng ta làm sẽ khiến cho con cái vô cùng khâm phục. Con cái có được tấm gương của cha mẹ như vậy, tin rằng cuộc đời chúng cũng sẽ đi theo phương hướng đúng đắn. Phương hướng đúng đắn rồi, tiếp theo chúng ta hãy thảo luận chi tiết.

Ví dụ nói con cái hiện nay đang học tiểu học, chúng ta giải thích “cha mẹ thích, dốc lòng làm” như thế nào? Giống như chúng ta làm thầy giáo thì sẽ hướng dẫn các em là: Cha mẹ mong muốn các em khỏe mạnh, mong các em học tập tốt. Chúng ta phận làm con cái phải hết lòng hết sức thực hiện cho được những yêu cầu này. Đây gọi là “cha mẹ thích, dốc lòng làm”.

Con cái hiếu thảo thời xưa cũng thường hay đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cha mẹ. Vào thời triều Hán, có một người con hiếu thảo tên là Thái Thuận (cùng họ với tôi). Tôi đọc thấy cùng họ với tôi, tôi cũng cảm thấy đó là niềm vinh dự, bởi vì ông là tổ tiên của tôi. Lúc binh đao loạn lạc, mẹ ông thích ăn trái dâu tằm chín, nên ông cầm theo hai cái giỏ đi hái dâu cho mẹ. Trên đường đi hái dâu trở về, không may gặp phải bọn cướp. Bọn cướp hiếu kỳ hỏi: “Ngươi hái dâu cầm theo một cái giỏ là được rồi, sao cầm hai cái?”. Các vị bằng hữu, cầm theo hai cái giỏ làm gì vậy? Bởi vì mẹ của ông thích ăn ngọt, nên ông hái những quả chín màu đen cho vào một giỏ, những quả màu đỏ chưa chín cho vào giỏ còn lại. Thái Thuận thật sự làm được câu “cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Cuối cùng bọn cướp nghe xong rất cảm động. Tôi liền hỏi học trò: “Này các em! Bọn trộm cướp có cảm động không?”. “Có”. Trộm cướp đều là kẻ giết người, đốt nhà mà vẫn cảm động sao? Chúng giết người, đốt nhà là thói quen xấu, nhưng cho dù người xấu cỡ nào, trong lòng họ vẫn có trái tim lương thiện, bởi vì “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, chỉ là hiện giờ họ đã bị thói quen xấu, bị dục vọng chi phối. Khi hành vi của chúng ta có đức hạnh, thì có thể đánh thức lương tri của họ. Này các em, khi gặp phải người xấu chúng ta có nên đánh họ, mắng họ không? Không nên. Chúng ta nên học tập Thái Thuận, dùng đức hạnh để cảm hóa họ. Không chừng Thái Thuận vừa nói hái dâu về cho mẹ ăn xong, có thể có mấy tên trộm cướp ở đó bỗng nhiên ôm đầu khóc vì nhớ đến mẹ của chúng.


Hết tập 11. Xin mời xem tiếp tập 12.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *