Đệ Tử Quy và Tu Học Phật Pháp – Tập 19

Giám định: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Chủ giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc
Giảng ngày 06/3 đến 13/3 năm 2005 Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Tổng cộng 40 Tập.

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Mã AMTB: 51-118-0001 đến 51-118-0040

ĐỆ TỬ QUY VÀ TU HỌC PHẬT PHÁP

TẬP 19

 

Kính thưa sư trưởng, kính chào chư vị pháp sư, các vị đồng tu, A Di Đà Phật!

Khi nãy chúng ta có nói “đứng như tùng”, tư thế đứng ngoài việc giúp con người có oai nghi, còn có một điểm rất quan trọng, đó là có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của họ. Cho nên chúng tôi phát hiện ra rằng hiện nay có một loại bệnh khá thường gặp, gọi là gai xương, đều là do đứng không thẳng trong một thời gian dài, nên xương bị ép trong một thời gian dài nên mọc gai, cho nên tư thế đứng rất quan trọng đối với sức khỏe. Chúng ta thấy thanh niên bây giờ đều đứng như thế nào? Nghiêng nghiêng, có chỗ dựa thì sẽ dựa vào, trông như sắp ngã, lười biếng. Khi tư thế của họ như vậy, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến trạng thái nội tại của họ, càng ngày càng tán loạn, không tập trung. Tại vì sao mấy mươi năm trước cha mẹ dạy con cái, đứng không đàng hoàng sẽ bị trừng mắt, hoặc bị cha mẹ lấy roi đánh? Đều vì có ảnh hưởng rất lớn đến oai nghi của đứa trẻ, đến sức khỏe của đứa trẻ này.

Nếu như bây giờ đứng không thẳng, có thể tranh thủ thời gian, đứng sát vào tường hai mươi phút. Hai mươi phút cũng không được lãng phí, trong lòng niệm Phật, nhất định có thể sửa được dáng đứng. Đương nhiên là phải đứng tự nhiên một chút, thoải mái một chút, nếu không thì rất khó chịu. Lúc nãy tôi có làm mẫu cho phái nữ phải đặt tay như thế nào, tự nhiên là được rồi, không nên quá căng thẳng, nếu không đứng lâu sẽ bị chuột rút, thoải mái một chút là được. Thực ra khi chúng ta đứng thoải mái, ngược lại khiến người khác cảm thấy tự nhiên thân thiết.

“Đi như gió”, bước đi cũng rất quan trọng, chúng ta thấy con trẻ hiện nay bước đi không có tư thế gì cả, có lúc vai bên này thấp hơn vai bên kia. Những hành vi, động tác trong cuộc sống này, chúng ta là trưởng bối phải chú ý đến chúng nhiều hơn, huấn luyện chúng đi đứng. Khi gọi những em nhỏ này lên trên bục giảng nói chuyện, lúc đi lên cũng phải đi như gió, phải để chúng đi cho hẳn hoi. Nhưng mà con trẻ gặp trường hợp như vậy thường hay tay chân lóng ngóng, cho nên phải rèn luyện chúng nhiều hơn thì chúng mới có kiến thức, có can đảm.Chúng ta một hai ngày nay chúng ta tự mình quan sát cử chỉ đi đứng nằm ngồi của mình, bình thường không chú ý tới, có khi thân thể cũng bị nghiêng lệch đi, chúng ta phải quan sát mình cho kỹ, cũng có thể nhờ bạn đồng tu chú ý giúp. Lúc đi đứng không được gấp gáp, phải nhẹ nhàng mềm mại giống như gió vậy, không thể bước chân quá lớn tiếng. Chúng ta suy ngẫm xem, một người leo cầu thang, lúc lên lầu bước chân rất nặng, điều này cho thấy tâm của người này như thế nào? Đúng vậy, hành vi mà họ thể hiện ra đều đang phản ánh tâm cảnh của họ. Khi tâm bạn tự tại, thanh tịnh, bước đi của bạn sẽ rất nhẹ nhàng.

Thứ ba là “ngồi như chuông”, lúc ngồi phải vững vàng như chiếc chuông. Hiện tại con trẻ biết cách ngồi không? Phải dạy chúng. Câu kinh này phải làm mẫu thì con trẻ mới biết cách làm theo, học theo. Bây giờ tôi làm mẫu tư thế ngồi cho mọi người xem nhé. Sau cùng là “nằm như cây cung”. Nằm ngủ phải giống như tư thế lúc đức Phật diệt độ, nằm lên tay phải ngủ, tư thế này tốt cho sức khỏe nhất. Nếu như nằm nghiêng sang trái sẽ chèn ép tim, chèn ép dạ dày, như vậy không tốt. Nhưng mà tư thế ngủ nhất định phải dạy từ khi còn nhỏ, ngủ quen rồi thì rất khó sửa. Thế nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho việc vãng sanh, bây giờ phải từ từ quen với ngủ nghiêng sang phải.

“Ngồi như chuông” thông thường phái nam ngồi hai chân mở rộng bằng vai, ngẩng đầu ưỡn ngực, hai tay tự nhiên đặt trên đầu gối. Mọi người có cảm thấy tư thế này rất quen không? Có cảm giác đã từng gặp qua không? Có! Từng gặp qua ở đâu? Mấy tấm ảnh từ ba mươi bốn mươi năm trước trong bảo tàng đều ngồi như vậy, còn có một người phụ nữ ngồi bên cạnh, phía sau là có mấy đứa trẻ đứng. Cha mẹ trước đây đều ngồi như vậy, rất uy nghiêm, đây là cách ngồi của phái nam. Tôi tới Sơn Đầu diễn giảng, tôi ngồi như vậy, kết quả là bị anh thợ chụp ảnh kêu tôi “khép chân lại một chút”, tôi không biết phải làm sao! Bạn xem nếu như đàn ông mà ngồi như vậy hình như không được phóng khoáng cho lắm, tôi thấy ngồi như vầy mới có khí thế, nói chuyện với người khác cũng có cảm giác rất phong độ.

Bây giờ tôi làm mẫu cách ngồi của phái nữ, hai chân khép lại, đối với tôi hơi khó khăn nên mọi người thông cảm một chút. Tay phải đặt lên trên tay trái rồi đặt lên trên đùi trái, ngồi như vậy. Có một trường nghệ thuật, họ có lớp bồi dưỡng lễ nghi cho giáo viên, giáo viên dạy đàn tranh ngồi một hàng giống nhau như thế này. Phụ huynh tới họp, vốn là ngồi như thế nào? Giống như nằm ra, hoặc là vắt chân lên, đột nhiên nhìn thấy một hàng giáo viên ngồi chỉnh tề như vậy, làm cho tư thế ngồi của phụ huynh cũng phải lịch sự lại. Sau khi họp xong, phụ huynh nói với hiệu trưởng, anh tìm được nhân viên ở đâu mà giỏi vậy? Tố chất khá như vậy, cho nên con cái chúng tôi rất yên tâm giao cho các anh. Oai nghi của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người khác dành cho chúng ta, đó gọi là tư thế ngồi. Mọi người vì sao lại ngồi chỉnh tề vậy? “Đi thong thả, đứng ngay thẳng. Chào cúi sâu, lạy cung kính”. Cúi chào người, chúng ta phải cúi 90 độ.

“Chớ đạp thềm”

“Chớ đạp thềm” là do thời xưa có ngạch cửa, đạp lên ngạch cửa, tư thế như vậy có đẹp không? Rất mất lịch sự, mà như vậy cũng không cung kính với đồ vật, thường xuyên đạp như vậy thì ngạch cửa sẽ bị hư hỏng. Con trẻ bây giờ, nhìn thấy bức tường cũng đạp lên, cả bức tường có rất nhiều dấu chân, cư xử rất tùy tiện. Chúng ta cũng phải thường dạy chúng yêu tiếc của công, không được phá hoại.

 

 

“Không đứng nghiêng”

“Đứng nghiêng” là một chân thẳng, một chân cong, đứng lâu như vậy thì sẽ như thế nào? Cột sống bị lệch qua một bên. Cho nên con trẻ hiện nay bị lệch cột sống nhiều không? Bị lệch quá nặng phải đi vật lý trị liệu, bị gõ gõ đập đập, chưa xuống địa ngục mà đã phải chịu khổ hình của địa ngục rồi. Cũng là do liên quan đến tư thế, phải đứng cho thẳng.

“Chớ ngồi dang”

Ngồi dang là hai chân mở quá rộng, ngồi như vậy nhìn khá mất lịch sự. Câu thứ tư:

“Không rung đùi”

Hai chân không được rung qua rung lại, đây là nói rung từ trái sang phải, còn có người như thế nào? Từ trên xuống dưới, rung liên tục. Hiện tượng này nhiều không? Rất nhiều! Có một lần chúng tôi tổ chức một buổi diễn giảng quy mô lớn, người tới tham dự đều là lãnh đạo nhà nước, hai bên đều ngồi rung, chúng tôi ngồi đó nghe mà thật sự là nghe không vào. Nhưng mà thiết nghĩ, tại sao họ lại rung liên tục? Việc của họ quá nhiều, lại phải ngồi đó nghe giảng, nhưng trong lòng lại đang suy nghĩ tới một đống chuyện. Tâm bất an là tâm đang động, cho nên đã quen với việc rung chân; nội tâm của một người trầm ổn thì sẽ không rung chân. Điều này cũng phải chú ý một chút, bởi vì có rất nhiều người rung đùi mà bản thân lại không hay biết, bởi vì họ đã quen rồi. Hôm nay bạn ngồi đàm phán với người khác, bạn cứ rung đùi liên tục thì liệu có tiếp tục đàm phán được nữa không? Đây là câu “không rung đùi”. Chúng ta xem câu tiếp theo:

“Vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc. Cầm vật rỗng, như vật đầy. Vào phòng trống, như có người. Chớ làm vội, vội sai nhiều. Không sợ khó, chớ qua loa. Nơi ồn náo, không đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi”.

Đoạn này có liên quan đến năng lực làm việc của con trẻ. Câu đầu tiên có nhắc tới “Vén rèm cửa , chớ ra tiếng”. Khi chúng vén rèm không được gây ra tiếng động quá lớn, đây là lo rằng nếu chúng vén rèm gây ra tiếng động quá lớn, bên cạnh có thể có người đang đọc sách hoặc đang ngủ, sẽ ảnh hưởng đến họ. Một người có tâm suy nghĩ cho người khác thì sẽ thể hiện trong từng hành vi cử chỉ. Cho nên bạn thực hành “Vén rèm cửa, chớ ra tiếng” cũng là đang tu tâm từ bi, luôn suy nghĩ cho người khác. Ngoài việc vén rèm không được gây ra tiếng động quá lớn, trong trường hợp nào, trong tình huống nào cũng phải chú ý không được ảnh hưởng đến người khác? Tình huống nào? Đóng cửa, mở cửa. Cho nên Chú Lư có một lần nói rằng, chú nói nửa đêm tỉnh dậy đi vệ sinh, nhất định phải nghĩ tới có rất nhiều người đang còn ngủ, không thể mở cửa quá lớn tiếng. Lúc xối nước mà cửa chưa đóng kín thì âm thanh sẽ rất lớn. Chú Lư còn nói, trước khi bước vào nhà vệ sinh phải gõ cửa, tại sao? Trong đó không có người, tại sao phải gõ cửa? Chú Lư nói rằng, quỷ ăn phân đang ở trong đó, chúng ta cũng phải cung kính với người ở không gian khác, cho nên phải chào hỏi họ một chút rồi hãy bước vào, nếu như đột nhiên bạn đẩy cửa đi vào thì khá đường đột. Hành vi của chúng ta có thể cung kính với hết thảy chúng sanh, là lúc nào cũng đang nâng cao tâm cảnh của chính mình.

Giống như lúc chúng ta đi du lịch, tới khách sạn, bởi vì thoải mái quá mà quên mất, đi giữa hành lang lớn tiếng nói chuyện, chúng ta lúc nào cũng phải quán chiếu xem âm thanh của mình có ảnh hưởng đến người khác. Bạn có để ý thấy rằng hành vi của con trẻ hiện nay khá mất lịch sự? Bước chân leo lên cầu thang rất lớn tiếng. Thậm chí là vừa leo lên lầu vừa lớn tiếng nói chuyện. Chúng ta làm trưởng bối không thể coi như không nhìn thấy. Thậm chí đó là hàng xóm của bạn thì cũng phải nhắc nhở, dẫn dắt, bởi vì chúng ta có trách nhiệm với việc học tập của con trẻ, “Đất nước hưng vong, ai cũng có trách nhiệm”, thế hệ sau của chúng ta thuộc về xã hội, chúng ta phải tùy duyên tùy sức mà khuyên bảo chúng.

Ngoài âm thanh quá lớn ảnh hưởng người khác, câu “Vén rèm cửa, chớ ra tiếng” cũng dạy rằng khi chúng ta dùng bất kỳ đồ vật gì cũng không được quá mạnh bạo. Nếu như động tác vén rèm của bạn quá mạnh thì sẽ làm cho rèm cửa thế nào? Đúng vậy, dùng không được bao lâu thì liền hỏng. Cho nên khi sử dụng đồ vật, động tác phải thường chậm rãi, không được quá mạnh bạo. Nếu như động tác của con trẻ quá mạnh bạo, quần áo vốn có thể mặc một năm, nhưng chúng chỉ mặc không bao lâu thì bị giãn, bị rách rồi. khi chúng đã quen mạnh bạo thì hành vi này sẽ ảnh hưởng đến nội tâm, sau này làm việc liệu có tỉ mỉ được không? Có nhẹ nhàng được không? Sẽ không? Đúng vậy, đều nhờ những lễ nghi này, từ hành vi bên ngoài nội hóa vào tâm cảnh của chúng; sau khi nội hóa lại thể hiện trong hành vi đối nhân xử thế. Đây là thực hành “Vén rèm cửa – chớ ra tiếng”.

“Rẽ quẹo rộng – chớ đụng góc”, con trẻ bây giờ rất hiếu động, có khi chạy đụng phải góc tường. Đụng phải có đau hay không? Rất đau, thậm chí nằm lăn ra đó rên la. Từ những hành động này mà nhắc nhở học sinh, ở trong lớp học không được chạy nhảy, như vậy quá nguy hiểm, chính mình nguy hiểm, có thể còn gây ra nguy hiểm cho người khác. Chúng ta cũng mở rộng ra thái độ an toàn trong cuộc sống, đi qua đường nên tuân theo những quy tắc nào để không gặp nguy hiểm. Đi đường sẽ thường gặp phải nhiều góc rẽ, tương tự như vậy, con người sống chung với nhau cũng sẽ có đụng chạm, làm thế nào để tránh khỏi đụng chạm. Phải học theo lời dạy bảo của tổ tiên, hiểu được bên ngoài dễ dãi bên trong nghiêm khắc. Đối với bên ngoài xuề xòa dễ dãi thì sẽ không có đụng chạm, không xung đột với người khác. Giữa người với người chỉ cần không nóng nảy, luôn biết nhường nhịn, tự nhiên sẽ tránh được những đụng chạm không đáng có.

“Cầm vật rỗng – như vật đầy”. Vật rỗng ở đây có khi là ăn xong cơm, chén đĩa đựng món ăn còn khá nhẹ, lúc cầm những đồ nhẹ này, tâm lý khá là lơ là, không cẩn thận thường đánh vỡ đồ. Ví dụ như lúc chúng ta làm một số chuyện, có khi đang nấu ăn, bếp gas thì đang mở nhỏ, sau đó chạy đi coi ti vi rồi quên mất đồ ăn đang nấu, cuối cùng có khi nước cạn hoặc là nồi bị cháy khét. Cho nên xử lý một số chuyện nhỏ nhặt, chúng ta càng phải cẩn thận, như vậy mới không xảy ra sai lầm. Muốn con trẻ có thái độ nghiêm túc cẩn thận nhất định phải bắt đầu rèn luyện từ những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, thường để cho chúng bưng món ăn, làm các công việc hỗ trợ, khi chúng làm không thỏa đáng, chúng ta cũng có thể kịp thời mà chỉ bảo chúng.

“Vào phòng trống – như có người”. Cho dù là đi vào căn phòng không có người, cũng không thể làm bừa, hét hò lớn tiếng. Con trẻ hiện nay tới nhà người khác, vừa bước vô cửa chạm hết thứ này đến thứ khác, hành vi như vậy rất là vô lễ. Đặc biệt là phòng ngủ của chủ nhà có thể bước vào không? Không thể được! Chúng ta dạy con trẻ phải có gia giáo, đến nhà người khác không được làm ra hành vi không thỏa đáng. “Vào phòng trống, như có người”, chúng ta cũng phải mở rộng ra, khi con trẻ đi ra ngoài tự nhiên cũng phải tôn trọng, không thể lớn tiếng hò hét. Chúng ta dẫn dắt con trẻ, hôm nay con đi leo núi, ai là chủ nhân? Động thực vật trên núi là chủ nhân, chúng ta là khách, có người khách nào tới nhà người khác, sau đó lại còn lớn tiếng hò hét, làm như vậy có đúng không? Sai rồi. Cho nên chúng ta ra ngoài tự nhiên, chúng ta là khách, chúng ta phải lễ phép, có giáo dục, không thể lớn tiếng làm phiền cuộc sống của người khác. Đây là thực hành “Vào phòng trống, như có người”.

Những chi tiết trong cuộc sống này đều đang rèn luyện công phu thận trọng lúc một mình. Cho dù là cuộc sống riêng tư, lúc chúng ta ở một mình cũng không được phóng túng, cũng phải có quy tắc. Có một câu châm ngôn nói rằng “Khí tiết thanh thiên bạch nhật”, khí tiết thanh thiên bạch nhật của một người bắt đầu bồi dưỡng từ chỗ nào? Từ chỗ nhỏ nhặt, “từ chỗ phòng tối không người”, “kinh luân xoay chuyển càn khôn”, năng lực có thể xoay chuyển càn khôn phải bắt đầu bồi dưỡng từ chỗ nào? “từ chỗ cẩn trọng như đứng trên vực sâu, như đi trên băng mỏng”, trong từng chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống đều có thể cung kính thận trọng mới có thể bồi dưỡng ra được. Cho nên chỗ nhỏ nhặt nhưng học vấn lớn. Chúng ta thường nói “Chịu khuất bậc lão thành, lúc nguy cấp có thể nương tựa”, một người có năng lực của bậc lão thành, thái độ cung kính cẩn thận này bắt đầu bồi dưỡng từ chỗ nào? Hình thành từ từng cử chỉ hành vi, từng lời nói việc làm. Cho nên những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, chúng ta làm trưởng bối phải vô cùng thận trọng, chính mình làm được, cũng dạy con trẻ làm được, như vậy thì nội tâm của chúng vô cùng vững vàng, làm việc chắc chắn sẽ đáng tin cậy.

“Chớ làm vội, vội sai nhiều”, làm việc tuyệt đối không được gấp gáp, nếu không sẽ thường làm hỏng việc. Chúng ta nhìn chữ “bận” này có nghĩa gì? Bên trái là bộ tâm, bên phải là chữ vong, tâm như thế nào? Tâm chết rồi, tâm không nhạy bén gọi là “bận”. Bận rộn lâu ngày sẽ tiến vào trạng thái thứ hai là “mù lòa”. Bởi vì tâm con người một khi gấp gáp, bên cạnh phát sinh chuyện gì nhìn cũng không được rõ ràng, giống như một hồ nước nổi sóng lớn, bên cạnh có gì có nhìn thấy rõ ràng không? Sẽ càng ngày càng hồ đồ, họ sẽ càng ngày càng không để ý xem con trẻ mong muốn điều gì, càng hời hợt với cảm nhận của người trong nhà. Cho nên diễn viên Thành Long rất bận, có một lần ông rất vui vẻ đi đón con trai của mình, đứng ở sân trường rất lâu mà không thấy con trai đi ra. Sau đó giáo viên của con trai ông đi ra, ông tới hỏi giáo viên, giáo viên nói cho ông biết, con trai ông đã học cấp hai rồi, ông còn đứng đợi ở trường tiểu học. Bận đến nỗi con mình học lớp mấy cũng không biết. Trong quá trình dạy học, hiện tượng này có nhiều hay không? Cũng không ít. Cho nên con người thật sự không thể quá bận rộn, nếu không thì vợ mình rời đi cũng không biết tại sao thì thật “mù lòa” rồi. Sau cùng sẽ tiến vào trạng thái thứ ba, cuộc đời tôi nỗ lực như vậy, mỗi ngày đều bận muốn chết, làm việc tám đến mười tiếng đồng hồ, tại sao cuối cùng gia đình tôi lại thành ra như vậy? Cảm thấy rất mù mờ, rất bất lực.

Chúng ta học Phật phải học cho minh bạch, cho rõ ràng, cho dù có bận hơn đi chăng nữa thì tâm cũng không được tạp loạn, chúng ta phải dùng phương pháp, dùng công cụ để xử lý mọi việc thích đáng. Ví dụ như hôm nay chúng ta tiếp đãi khách, chúng ta có thể dùng phương pháp suy diễn, xem là trong quá trình tiếp khách sẽ xảy ra những tình huống nào, chúng ta diễn tập trước, chuẩn bị trước. “Làm bất cứ việc gì, mà trước đó có chuẩn bị thì sẽ có thể thành công, không có chuẩn bị thì sẽ thất bại”, mọi người đều biết rằng, chỉ cần khách tới thì đều trải qua quy trình chào hỏi, trong lòng có chút nắm chắc mới không lúng ta lúng túng. Đồng thời khi chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật nhiều cũng có thể dùng công cụ, dùng sổ ghi ghép. Chỉ cần chuyện gì đã hứa hẹn với người khác nhất định phải ghi xuống, hơn nữa không chỉ ghi cho ngày hôm đó, mà sau khi ghi chú lại, ba bốn ngày trước đó cũng phải ghi lại để nhắc nhở chính mình ba bốn ngày sau phải xử lý chuyện này, trong lòng luôn có sự chuẩn bị. Nếu không tới lúc đó bận rộn, quên cái này quên cái kia, có thể bởi vì những thứ nhỏ nhặt này mà làm hỏng việc, tới lúc đó lại thành mặc dù rất nhiệt tình nhưng lại làm hỏng việc, trong lòng sẽ cảm thấy như thế nào? Rất bất lực, tự trách mình, như vậy không tốt.  

Làm thế nào để nuôi dưỡng thái độ xử lý mọi chuyện đâu vào đấy cho con trẻ từ lúc nhỏ? Có bạn nào hiện nay có con đang học lớp 1 hay lớp 2 không? Xin hỏi con của bạn là con trai hay con gái? Con trai. Được rồi. Tôi sẽ đóng vai con trai bạn, gọi điện thoại tới cho bạn. Bởi vì con trẻ thường xảy ra một chuyện, đó là làm bài tập xong nhưng lại quên ở nhà, gọi điện thoại cho bạn, hi vọng bạn mang tới cho chúng, lúc này bạn có giúp chúng mang tới trường không? Cách nhà chỉ có ba phút là tới. Có! Cảm ơn ba! Mời bạn ngồi! Làm như vậy có tốt không? Đa phần các phụ huynh đều làm như vậy, không chỉ là phụ huynh, ông bà hay trưởng bối trong nhà đều nghe chúng sai bảo. Khi chúng ta mang vở bài tập đến trường cho chúng, trong đầu chúng sẽ nghĩ: Nguy quá! May là có người xử lý giúp mình. Sau này chúng sẽ nghĩ, nếu làm sai hay quên chuyện gì, sẽ có cứu binh tới hỗ trợ. Cho nên trong chuyện này, chúng không hình thành trách nhiệm và tính cảnh giác, ngược lại trở nên dựa dẫm.

Chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh, giáo dục nhất định phải “trân trọng lúc ban đầu”, có thể nắm vững trọng điểm của giáo dục thì làm cha mẹ thực sự là không khổ như vậy, nhưng mà nếu như bạn không nắm vững thì sẽ mệt chết. Quyển vở này chúng ta phải giúp chúng mang tới từ tiểu học cho đến lúc nào? Có thể là chúng sanh con xong sẽ giao cho bạn: Ba ơi, con đưa cháu cho Ba nè. Có chuyện này không? Tâm trách nhiệm của thanh niên hiện nay có đủ không? Không đủ, thậm chí là mười hai mươi tuổi, ở nhà xem ti vi không chịu đi tìm việc, sống không có trách nhiệm. Ai giúp chúng tìm việc? Cha mẹ phải sử dụng hết bản lĩnh của mình, thông qua rất nhiều mối quan hệ để tìm việc giúp con. Sau khi tìm được, chúng còn cảm thấy phiền phức, nói với cha mẹ: được rồi, nể mặt cha mẹ, con đi làm thử. Liệu chúng có làm tốt công việc được không? Tới đó lại làm theo cảm tính, lại không muốn làm nữa, một đời này bạn phải bận rộn lo lắng cho chúng đến khi nào?

Lần đầu tiên con gái của chú Lư quên đem vở bài tập, gọi điện thoại về nhà nhờ ba mang tới trường. Chú lập tức nói với con gái rằng, “không mang vở bài tập là lỗi tại con, chuyện mình gây ra thì tự mình chịu trách nhiệm, cho nên bị thầy cô xử phạt là đúng”, nói xong cúp máy. Điện thoại vừa cúp thì tâm tình của con gái chú như thế nào? Rất đau lòng, nhưng mà cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Hôm đó con chú đi học về, nét mặt rất ũ rũ. Chúng ta cúp điện thoại cũng thể hiện nguyên tắc dạy dỗ của cha mẹ, gọi là uy nghiêm. Con gái bước vào nhà, có nên mắng chúng nữa không? Có nên nói rằng “lại quên này quên kia” không? Chúng đã rất buồn rồi, bạn lại mắng chúng, như vậy cũng hơi quá. Cho nên uy nghiêm đã có, tiếp theo phải bố thí ân đức, gọi con gái tới nói: hôm nay có bị thầy cô phạt không? Con gái gật đầu. “Ba chỉ cho con một phương pháp, đời này con sẽ không bị thầy cô trách phạt vì quên đem sách vở nữa”. Con gái nghe xong rất hưng phấn. Chú nói, con dùng sổ liên lạc, liệt kê những sách vở nào ngày mai phải mang theo, trước khi đi ngủ kiểm tra cặp sách, những sách vở nào đã bỏ vào thì đánh dấu, tất cả đều đánh dấu rồi thì có thể yên tâm đi ngủ, sẽ không lặp lại sai lầm này nữa.

Cho nên khi con trẻ phạm sai lầm cũng là xuất hiện cơ hội. Nhưng mà nếu như chúng làm sai, chúng ta tức giận ngay lập tức, vậy thì sẽ đánh mất cơ hội này, “sai một ly đi một dặm”. Cho nên dạy dỗ con cái tuyệt đối không thể làm theo cảm tính, phải lý trí quan sát thời cơ, khéo léo mà dẫn dắt, để chúng học được bài học như vậy thì mới xảy ra một chuyện khôn ra một ít. Cho nên bạn phải tâm bình khí hòa thì mới có thể nắm bắt cơ hội. Đây là thực hành “Chớ làm vội, vội sai nhiều”.

“Không sợ khó, chớ qua loa”. “Không sợ khó” là không sợ hãi khó khăn, dũng cảm gánh vác, dũng cảm cống hiến. Lúc đầu tôi tới Hải Khẩu, ba tôi từng nói rằng, sau khi con tới đại lục, phải đi theo cô Dương học tập cho tốt. Tôi cũng cảm thấy rất tốt, có trưởng bối để học tập theo, đến nơi mình không quen thuộc cũng có chút lo lắng. Sau khi tới Hải Khẩu, qua bốn năm ngày sau chúng tôi tới Bắc Kinh, sau đó trực tiếp tới Sơn Đông lễ bái Khổng Lão Phu Tử, bởi vì hoằng dương văn hóa truyền thống, mà Phu tử là Thánh nhân có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn hóa dân tộc. Khi chúng tôi tới lễ bái ở Khổng phủ, Khổng lâm, Khổng miếu, nhìn thấy rất nhiều chuyện, trong lòng rất đau thương. Mấy trăm tấm bia đã ngã đổ, chỉ còn lại ba tấm nguyên vẹn. Tại sao lại không hư hoại? Bởi vì mấy tấm này khá lớn, tôi ấn tượng rất sâu sắc, có một tấm bia là Khang Hy hoàng đế tán thán Khổng phu tử, bởi vì quá lớn không thể động tới được cho nên mới không bị ngã đổ, nếu không thì chắc toàn bộ đều hư hoại hết.

Chúng tôi tới Khổng miếu, sau đó lại tới Chu Công miếu, Khổng miếu thì đông như trẩy hội, nhưng Chu Công miếu thì không một bóng người, mà Chu Công miếu có chút hoang phế, chúng tôi nhìn thấy xong trong lòng có chút đau buồn. Nếu như mọi người tới tham quan Khổng miếu là vì học tập văn hóa truyền thống, vậy thì họ nên đi đâu? Nên tới Chu Công miếu xem, bởi vì người mà Phu tử tôn trọng nhất trong đời mình đó là Chu Công. Chúng tôi cũng cảm nhận được rằng, động cơ của mọi người tới Khổng miếu là gì? Có thể là sợ người khác hỏi: anh đã từng tới Khổng miếu chưa? Nếu như nói chưa, hình như rất mất mặt, nhất định phải tới thử xem. Mà khi đến rồi, khi bước vào Khổng lâm, Khổng miếu cũng là một cơ hội tốt để dạy họ văn hóa truyền thống. Nhưng mà tôi bước vô gặp hướng dẫn viên được huấn luyện bước ra, sau đó nói tới nói lui đều nói phong kiến không tốt, có thể là đã hiểu sai về văn hóa truyền thống, cho nên đánh mất cơ hội giảng giải văn hóa truyền thống cho người ở bất kỳ quốc gia dân tộc nào tới tham quan.

Cho nên cô Dương thấy tình hình như vậy, cô cảm thấy nhất định phải lập một trang web về văn hóa truyền thống, như vậy mới có thể giúp cho mọi người muốn học trên toàn thế giới có thể thông qua trang web này mà thâm nhập ngay lập tức. Cho nên cô Dương nói với tôi, cô nhất định phải thiết lập trang web văn hóa Đại phương quảng ở Bắc Kinh, cô bảo tôi tự mình trở về Hải Khẩu! Tôi mới tới đại lục được một tuần thì bị điều trở về. Trong lúc đó, trong đầu tôi đột nhiên nhớ tới một câu trong Luận Ngữ, đó là “Kẻ sỹ không thể không nuôi chí lớn và lòng kiên nghị vì trách nhiệm nặng nề mà đường đạo xa xôi”, chúng ta phải có ý chí kiên định, phải gánh vác trách nhiệm nặng nề trên đường đạo xa xôi; “Gánh điều nhân chẳng phải rất nặng ư? Đến chết mới thôi, chẳng phải đường dài ư?”. Tôi ngồi máy bay trở về Hải Khẩu, bắt đầu công việc hơn một năm ở đó.

Trong hơn một năm này tôi có cảm nhận rất sâu sắc, thực ra con người có nguyện vọng thiện thì ông trời ắt thành toàn. Trong quá trình làm việc này sẽ có sự thể hội sâu sắc về thời điểm của chân lý. Tục ngữ có câu, “Người đức hạnh ắt không lẻ loi, tất có bạn cũng trọng đạo đức, trong bốn bể đều là anh em”, trong mấy tháng đầu tiên tôi cảm nhận rất mãnh liệt. Mà sự trưởng thành của một người phải đến từ gánh vác trách nhiệm thì năng lực mới có sự tiến bộ không ngừng. Mạnh phu tử cũng nói rằng, “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”, mà nhân hòa là mấu chốt ảnh hưởng đến thành bại. Làm sao có được nhân hòa? Chỉ cần việc chúng ta làm thuận theo lòng người thì sẽ có được nhân hòa. Mạnh phu tử còn nói rằng, “Làm theo đạo lý thì được nhiều người giúp, làm trái đạo lý thì ít người chịu giúp”, chỉ cần chúng ta làm theo đạo lý thì nhất định sẽ có nhiều trợ giúp.

Tháng bảy năm ngoái, lần đầu tiên Hải Khẩu tổ chức khóa học năm ngày. Trong quá trình diễn ra, trước đó tôi trở về nhà một chuyến, hôm trước khi lên máy bay trở về nhà tôi vẫn đang khá đau đầu. Bởi vì ở Hải Khẩu quá nóng, trung tâm của chúng tôi là do người khác cung cấp miễn phí, lại không có điều hòa, lo rằng các thầy cô tham gia cảm thấy nóng nực, cho nên tối hôm trước đó vẫn đang đau đầu về vấn đề này. Đúng hôm đó có một chủ nhà hàng mời chúng tôi ăn cơm, ăn cơm xong, anh ấy cũng biết tôi đang giảng Đệ Tử Quy, Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn, anh nghe xong rất hoan hỉ liền nói: tối nay tôi đưa anh về, ngày mai tôi đưa anh ra sân bay. Anh ấy đối với tôi rất tốt. Lúc ngồi trên xe anh cũng nói rằng trên lầu nhà hàng của anh có một phòng hội nghị lớn, máy lạnh mới lắp, công suất lớn nên rất mát, tôi liền nói với anh có thể cho tôi mượn phòng hội nghị để dùng không? Anh cũng rất sảng khoái đồng ý. Cho nên chư Phật – Bồ Tát rất từ bi, sợ tôi quá lo lắng, còn chưa về đến nhà đã giải quyết rồi.

Sau đó tổ chức khóa học năm ngày rất thuận lợi, bởi vì đó là nhà hàng cao cấp, mọi người thưởng thức các món chay đều rất hoan hỉ. Sau năm ngày chúng tôi đến tính tiền, tiếp tân nói với tôi chi phí của năm ngày đó đều đã được thanh toán. Chúng tôi cảm thấy rất kinh ngạc, tại sao lại như vậy? Sau đó tìm hiểu mới biết, bà chủ nhà hàng đó mỗi ngày đều tới ngồi nghe ở phía dưới, hơn nữa cô ấy lại học Phật. Cô nghe giảng xong, mỗi ngày đều lễ Phật, vừa lễ Phật vừa khóc, nói con của cô đã hơn mười tuổi rồi mà chưa từng gặp được giáo dục tốt như vậy. Mà hiện nay có nhiều giáo viên có cơ hội đến Hải Khẩu học tập như vậy, tương lai sẽ có càng nhiều em nhỏ nhận được lợi ích, cho nên mỗi ngày cô đều cảm thấy rất cảm động, rất hoan hỉ, mỗi ngày đều thanh toán hết chi phí. Sau đó chúng tôi tiếp tục tổ chức các khóa học, tổ chức khóa thứ hai, khóa thứ ba ở Thẩm Quyến. Tổ chức hai kì này, nhiều bạn nghe xong rất cảm động, đều mong muốn đóng góp kinh phí để tổ chức hai khóa học này. Sau khi tổ chức xong vẫn còn dư lại hơn một ngàn tệ, chi phí vé máy bay đi lại của thầy cô đều chi trả rồi mà vẫn còn dư lại hơn một ngàn tệ. Cho nên chỉ cần bạn dùng tâm thiện làm việc, nhất định sẽ có cảm ứng, có người tới giúp đỡ.

Cho nên thông qua mười mấy kì được tổ chức, chúng ta có thể cảm nhận mãnh liệt được rằng, thật sự có rất nhiều người tốt. Hơn nữa người tốt cũng nhờ vào chúng ta đi tiên phong mà đánh thức được tâm thiện, tâm chân thành của nhiều người hơn, tôi tin rằng nguồn năng lượng này sẽ càng ngày càng mạnh, càng ngày càng lớn. Cho nên mọi người phải “không sợ khó”, đương nhiên là với thái độ không sợ khó, chúng ta cũng phải tích cực nâng cao năng lực của chính mình, không được lười biếng một chút nào. Cô Dương trước đây không phải tốt nghiệp từ đại học sư phạm, lúc cô dạy học cho các em nhỏ, cô đều đứng trước gương mà luyện tập. Trong quá trình luyện tập, mỗi lần đứng là một tiếng đồng hồ, không được uống nước, bởi vì khi đứng trên bục giảng có thể là một đến hai tiếng đồng hồ không uống nước, cô đã rèn luyện chính mình từng chút một như vậy. Cảm ứng, thứ có thể cảm là chân tâm, thứ cảm được là cảnh giới, thông qua chân tâm của chúng ta, thông qua quyết tâm của chúng ta, khiến cho cơ duyên của chính mình càng ngày càng thù thắng.

“Chớ qua loa”, qua loa tức là coi thường, lơ là, điều này cũng nhắc nhở chúng ta, làm bất kỳ chuyện gì cũng không được qua loa, không được sơ suất. Nếu chúng ta dùng tâm qua loa tức là không cung kính, như vậy sẽ mang lại cảm nhận không tốt cho người làm chung với chúng ta. Thời xưa có một câu chuyện kể rằng, bởi vì lúc đó đang vào năm mất mùa, cho nên rất nhiều người lâm vào cảnh sắp đói chết, có một người lấy lương thực ra rồi nói với một người đang bị đói cầm lấy ăn đi! Thái độ rất ngạo mạn. Người bị đói này cũng rất có chí khí, anh nói “không ăn đồ bố thí”, tôi thà chết đói cũng không muốn tiếp nhận sự đối đãi vô lễ của anh. Cho dù chúng ta tặng quần áo, thực phẩm cho người khác cũng nên đối xử bình đẳng, không thể có tâm khinh thường. Mà những người nghèo khổ là cơ hội để chúng ta gieo trồng phước điền, chúng ta còn phải cảm ơn họ. Cho nên đối với việc tặng lương thực, chúng ta cũng phải có thái độ cung kính họ, tặng người khác lễ vật cũng phải cung kính khiêm tốn.

Khi chúng ta làm chủ nhà, cũng phải để khách có cảm giác như trở về nhà. Chúng ta phải suy nghĩ cho khách, người khách này tới nhà chúng ta sẽ cần những đồ dùng hàng ngày nào, có thể là do quá trình di chuyển nên khó tránh được quên thứ này quên thứ kia, như là bàn chải đánh răng, khăn lau mặt. Chúng ta có thể giúp khách chuẩn bị, trong lòng họ sẽ cảm thấy chúng ta luôn suy nghĩ cho họ, tình nghĩa cũng càng ngày càng đậm đà, họ cũng rất hoan hỉ khi tới nhà chúng ta. Cho nên cho dù là họ có mang theo thì chúng ta cũng nên chuẩn bị trước để phòng có lúc cần dùng đến. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tiếp đãi khách phải chú ý nhiều một chút.

Giống như chúng tôi đáp máy bay thường có bạn bè tới đón, như cô Dương nhất định sẽ liên lạc với đối phương trước, nói lúc nào cô sẽ tới, mà nhất định phải nói cho đối phương biết, xuống máy bay còn phải mất khoảng mười đến hai mươi phút mới ra được ngoài, cô dự kiến thời gian để đối phương biết lúc đó hãy tới, như vậy sẽ không khiến đối phương phải đợi quá lâu. Những chi tiết nhỏ nhặt này đều có thể khiến cho người khác cảm nhận được bạn tôn trọng họ, quan tâm đến họ. Thực ra câu “chớ qua loa”, chúng ta nên áp dụng mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống, nếu như một người có thể “chớ qua loa” thì khi làm việc sẽ không tùy tiện, sẽ không sơ suất.

Câu tiếp theo, “Nơi ồn náo, không đến gần”. Nơi ồn náo là chỉ những nơi chơi game, nơi cãi nhau, nơi chơi bời. Tục ngữ có câu “Đi vào trong chợ cá thời gian lâu dần thì không còn ngửi thấy mùi cá nữa”, hoàn cảnh như vậy, con trẻ từ từ bị ô nhiễm thì không tốt, có thể sẽ nhiễm một số thói quen xấu, như hút thuốc hoặc nghiện ngập, đều có khả năng, để cho con trẻ từ nhỏ cảnh giác với những nơi này. Có một người mẹ, khi con còn nhỏ, mỗi lần đi ngang qua “nơi ồn náo”, bà sẽ nói với con mình là chỗ như vậy không được đi vào, từ nhỏ đã có ấn tượng ban đầu, biết rằng không thể tới những nơi như vậy. Cho nên chúng ta phải dụng tâm dạy con cái nhiều hơn.

Cho nên “Không đi tới những nơi vô ích với thân tâm”, đối với những nơi không có sự trợ giúp cho thân tâm thì không được tới; “không kết giao với bạn bè vô ích với thân tâm”, hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng, bạn bè cũng ảnh hưởng, đối với những người bạn có đức hạnh không tốt, chúng ta cũng phải cung kính mà tránh xa, tránh xa không phải là coi thường họ, mà là tránh đọa lạc giống họ. Nhưng mà chúng ta cũng phải tích cực nâng cao chính mình, dùng đức hạnh của chính mình cảm hóa đối phương. Cho nên “không kết giao với bạn bè vô ích với thân tâm. “không xem sách vô ích với thân tâm”, còn có “không nói lời vô ích với thân tâm, không làm việc vô ích với thân tâm”.Lời nói hành vi của chúng ta, còn có hoàn cảnh, sách vở mà chúng ta tiếp xúc cũng không nên gây ô nhiễm cho nội tâm của mình. Việc đề phòng ô nhiễm khá là quan trọng.

Cho nên chúng ta bước vào cửa chùa có thể nhìn thấy Tứ Đại Thiên Vương, trên tay Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương cầm cái gì? Cầm một cây dù, ý nghĩa là đề phòng ô nhiễm. Người trưởng thành phải có tính cảnh giác, đề phòng ô nhiễm cho chính mình, đối với con cái phải bảo hộ chúng không bị ô nhiễm. Đợi đến khi chúng cắm vững gốc rễ đức hạnh, cho dù chúng có tiếp xúc với xã hội phức tạp thì bạn cũng yên tâm, bởi vì chúng đã biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, thiện ác. Đây là đề phòng ô nhiễm. Chúng ta phải hiểu rằng, một ly nước sạch, nếu như nhỏ một giọt mực vào, thời gian mất bao lâu? Nhỏ một giọt có thể không mất tới một giây, nhưng mà giọt mực này sau khi rơi xuống sẽ khuếch tán, chúng ta muốn lọc sạch giọt mực này thì phải mất bao nhiêu thời gian? Gấp mấy lần thời gian nhỏ mực vào? Mấy chục lần, mấy trăm lần cũng không chừng. Tục ngữ có câu “thà rằng cả năm không đọc sách, còn hơn một ngày gần tiểu nhân”, bạn thấy không, năng lượng ô nhiễm lớn biết bao! Chúng ta phải cho con trẻ một môi trường trưởng thành tốt, phải rộng kết thiện duyên, để cho người thân bạn bè cũng có chí hướng giáo dục, thường xuyên liên lạc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, như vậy thì có thể đạt được hiệu qủa “đổi con cho nhau mà dạy”.

Có thể chúng ta đã dạy con rất nhiều đạo lý làm người, nghe nhiều chúng sẽ cảm thấy phiền phức. Nhưng mà khi chú của chúng nói những đạo lý này, hay bạn thân của bạn nói những đạo lý này với chúng, chúng sẽ cảm thấy: đến chú Trần cũng nói như vậy, đến bác Trần cũng nói như vậy, vậy thì những lời ba mẹ nói chắc là cũng có đạo lý. Người thân bạn bè lại bồi thêm cho chúng những lời nhắc nhở như vậy thì cũng có thể giúp đỡ chúng ta. Cho nên việc tạo nên môi trường tốt sẽ có sức mạnh giáo dục từ hoàn cảnh.

Câu tiếp theo, “Việc không đáng, quyết chớ hỏi”. Đối với những chuyện tà vạy kỳ quái, con trẻ không được hỏi lung tung. Hiện nay thường làm ra những bộ phim như thế nào? Rất khủng bố, con trẻ xem xong nửa đêm còn mơ ác mộng. Kinh doanh phim ảnh không biết đã tạo nên nguy hại rất lớn cho tâm hồn của đứa trẻ, chúng ta làm cha mẹ phải chủ động loại trừ những thứ không tốt, để con trẻ nuôi dưỡng tâm hồn thiện lương, vui vẻ hòa nhã. Được rồi, tiết học hôm nay tới đây thôi, cảm ơn mọi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *